Bởi Vì Yêu Chương 11


Chương 11
Evie Dòng hồi tưởng đầu tiên

 

Las Vegas, Nevada

Chập tối một ngày tháng Mười

Hai năm trước

 

Một khu đất bỏ hoang ngập đầy cỏ dại và rác rưởi, một nơi nào đó ở ngoại ô Las Vegas, tách biệt hoàn toàn với khu vực rực rỡ ánh đèn neon của khu Strip.

Trên khu đất này có khoảng bốn chục chiếc xe moóc du lịch, phần lớn trong số chúng đã bị hư hỏng với những ô cửa kính vỡ toác, thành xe lồi lõm và mui xe sụp xuống. Chốn nương thân cuối cùng của nhóm dân cư hỗn tạp: những người lao động thu nhập thấp, những con người bất hạnh nhẵn túi vì cờ bạc vốn chỉ nghĩ ở lại đây trong vài ngày, “chỉ là quãng thời gian nghỉ ngơi”, nhưng họ chẳng bao giờ thoát khỏi chốn địa ngục này.

Ở cuối khu đất, một chiếc xe moóc được chăm sóc khá kỹ, với mái tôn lượn sóng và phần phía trước có hàng rào bao quanh tạo cảm giác chiếc xe du lịch hao hao giống một ngôi nhà nhỏ.

Dưới mái hiên, một chiếc bàn bằng foóc mi ca trên đó có chồng sách khổng lồ, một chiếc đài đang phát nhạc dân ca Mỹ cùng một bể cá trong đó có một con cá còi cọc đang bơi lội tung tăng.

Ngồi bên bàn, Evie, mười ba tuổi, đang nhay nhay chiếc bút một lát trước khi viết liền một mạch đoạn cuối cùng của bài thu hoạch mà cô phải nộp cho thầy giáo vào ngày mai.

Đột nhiên, có giọng nói vang lên từ chiếc xe moóc bên cạnh gọi Evie:

- Date prisa, Evie, vamos a llegar tarde al trabajo!

- Ya voy, Carmina, dame dos minutos!

Cô gái trẻ nhanh chóng đi đi lại lại trong chiếc xe moóc và trong khi vừa đánh răng, cô vừa vội vàng đọc lại bài làm của mình và sửa đây đó một vài lỗi mà mình mắc phải.

Nào, nhanh lên cháu!

Miguel, người quản lý đội dọn vệ sinh ở khách sạn Oasis, không phải là người dễ dãi. Evie đã phải năn nỉ ông ta rất nhiều để ông ta nhận mình vào làm vài đêm một tuần mặc dù chưa đủ tuổi. Một công việc bèo bọt, tiền công năm đô la một giờ.

Cô gái trẻ vớ lấy cái chai sứt nằm lăn lóc trên bàn và súc miệng bằng một thứ hỗn hợp lạ hoắc gồm Coca light và thuốc đánh răng rồi nhổ luôn vào chậu trồng hoa. Sau đó cô sắp xếp đồ dùng học tập vào ba lô trước khi quay lại xe moóc để tạm biệt mẹ mình.

- Con đi đây, mẹ à.

Teresa Harper đang nằm dài ở tầng dưới chiếc giường tầng.

Bà mới ba mươi tư tuổi nhưng trông có vẻ già hơn hai chục tuổi vì chứng viêm gan mãn tính mà bà mắc phải từ nhiều năm nay và căn bệnh này đã phát triển thành xơ gan rồi ung thư gan. Cách đây vài tháng, một cuộc phẫu thuật đã lấy đi của bà ba phần tư lá gan - vốn bị phồng lên do một khối u - và bà càng ngày càng khó chống chịu lại những tác dụng phụ của việc điều trị: sốt, buồn nôn, mệt mỏi rã rời, đau nhức mình mẩy.

Teresa nắm lấy tay cô con gái:

- Cẩn thận nhé, con yêu.

Bà đã nghỉ việc từ một năm nay và cả hai mẹ con chỉ sống nhờ vào khoản tiền mà cô con gái kiếm được cùng khoản trợ cấp xã hội ít ỏi chẳng đáng là bao.

- Mẹ đừng lo, Evie vừa đứng dậy vừa trả lời.

Cô nhẹ nhàng khép cửa chiếc xe moóc lại rồi nhanh chóng chạy sang nhà hàng xóm, bà Carmina, người làm cùng cô trong đội dọn vệ sinh khách sạn Oasis.

*   *   *

Evie trèo lên xe của Carmina, một chiếc Pontiac cũ kỹ với hàng ghế ngồi đã sụt hỏng cùng ống bô xả ra làn khói đen sì. Carmina là một phụ nữ Mexico to béo và khô khan. Bà có ba đứa con và một người chồng chẳng làm nên trò trống gì, suốt ngày trong tình trạng thất nghiệp. Vì bà không thích nói chuyện để chẳng phải nói gì nên trong suốt chặng đường đi bà không hề mở miệng, và điều đó chẳng khiến Evie phiền lòng. Cô khép mắt lại. Cô đang rất lo lắng bởi cô vừa hay tin cách đây vài ngày: chủ khu đất nơi họ đặt xe moóc đã quyết định bán khu đất cho một nhà thầu để xây dựng công viên giải trí. Cô không nói gì với mẹ để mẹ khỏi lo lắng, nhưng cô tự hỏi liệu họ sẽ ra sao nếu như người ta đuổi mẹ con cô đi. Kể từ ba năm qua, bất chấp bệnh tật của Teresa và cuộc sống hàng ngày bấp bênh, hai người phụ nữ đã tìm được chút yên ổn sau một thời kỳ khốn khổ. Rượu chè, ma túy, mại dâm… Teresa đã sống qua những năm 1990 như sống trong một hành lang dài tăm tối, thường xuyên chia sẻ những dụng cụ làm hỏng con người - xi lanh, bông, ống hút để hít ma túy - với những con người khốn khổ khác, và từ đó nhiễm căn bệnh viêm gan tồi tệ kia.

Vào thời gian đó, Teresa liên tục bị các tổ chức xã hội săn đuổi bởi họ muốn tách cô con gái khỏi bà để gửi đến một gia đình nhận nuôi. Để không phải xa mẹ, Evie đã sớm phát triển những kỹ năng tự chủ và trưởng thành đáng ngạc nhiên. Kể từ khi có thể nhớ được, cô đã luôn là một người trưởng thành trong gia đình. Trong những khoảnh khắc minh mẫn hiếm hoi, Teresa đã đưa lại một phần lương của mình cho chính cô con gái để tránh phung phí toàn bộ cho heroine. Chính cô là người lo chợ búa, thanh toán hóa đơn, giải quyết các vấn đề nảy sinh với láng giềng, rốt cuộc cô chính là người đã giúp mẹ thoát khỏi địa ngục ma túy.

Cuối cùng, cô trở thành mẹ của mẹ mình…

*   *   *

- Chúng ta tới nơi rồi, Carmina vừa thông báo vừa lay lay người Evie. Cầm lấy đồ của cháu đi.

Evie choàng mở mắt rồi vơ lấy ba lô để ở băng ghế sau.

Ô tô chạy trên đại lộ Las Vegas. Giờ này, trời đã tối hẳn. Trong ánh sáng thừa thãi của đèn neon, các khách sạn với mặt tiền sáng loáng thỏa sức tranh đua vẻ đồ sộ của mình. Hình bóng khổng lồ của Oasis rực rỡ như nghìn ngọn lửa và nuốt trọn chiếc Pontiac cổ lỗ đi vào đậu ở bãi đỗ xe dưới lòng đất dành riêng cho nhân viên.

Với ba nghìn phòng, bốn bể bơi và một khu mua sắm, khách sạn như dành cho bậc đế vương. Ở đây, mọi thứ đều khổng lồ: khu vườn trong nhà trồng hàng nghìn cây cọ với một dòng sông nhỏ chảy qua, bãi biển cát mịn, vườn bách thú là nơi nô đùa của nào là sư tử, hổ trắng cùng lớp vỏ băng được tái tạo như thật cho phép loài chim cánh cụt mập ú sinh sống cũng như bể cá có sức chứa trăm nghìn lít nước có thể nuôi được cá heo.

Trong mỗi phòng, đá cẩm thạch được lát từ sàn lên đến tận trần nhà, phong cách trang trí được thiết kế dựa theo nguyên tắc âm dương và thậm chí có cả màn hình tinh thể lỏng trong nhà vệ sinh.

Để hoạt động đúng cách, cỗ máy này cần cho hàng nghìn cá nhân “vô hình”: nhân viên buồng phòng, nhân viên lau cửa kính, nhân viên bảo trì bảo dưỡng các loại…

Evie là một trong những cá nhân “vô hình” này. Mỗi tối cô được phân công một công việc khác nhau. Tối nay, cô cùng nhóm của Carmina chịu trách nhiệm lau dọn cầu thang dành riêng cho nhân viên. Một công việc nặng nhọc vất vả: ba mươi tầng lầu, lưng luôn phải cúi rạp xuống và cây lau nhà gắn chặt vào tay trong nhiều giờ liền…

*   *   *

Hai giờ sáng

 

Evie tranh thủ nghỉ ngơi đôi chút trong khoảng thời gian ngắn ngủi khoảng mười phút trên mái khách sạn. Tại đây, ở độ cao gần một trăm mét, Evie bao quát toàn bộ Las Vegas và dòng sông ánh sáng đang cuộn chảy dọc theo Strip.

Cô sinh ra tại thành phố này, thành phố mà cô thấy căm ghét cũng như cô khinh bỉ cái đám du khách đến đây chơi trò đánh bài Brix thảm hại hay phung phí tiền của vào các sòng bạc. Cô chẳng bao giờ hiểu nổi những gì mà đám người đó có thể tìm thấy tại những trung tâm vui chơi giải trí khổng lồ này, những nơi chỉ toàn gồm rặt thứ vô giá trị, hào nhoáng và giả dối.

Ở Las Vegas, người ta không thể đi quá ba bước mà không gặp một máy đánh bạc tự động. Máy đánh bạc có ở khắp nơi: trạm xăng, siêu thị, nhà hàng, quán bar, tiệm giặt là. Nhưng rất khó có thể tìm thấy một nơi để mua sách vở.

Sách vở, đó là thứ mà Evie yêu thích hơn tất thảy, đặc biệt là tiểu thuyết và thơ. Chính một trong các thầy cô giáo ở trường đã giúp cô khám phá văn học, và kể từ đó, văn học trở thành khu vườn bí mật của cô, tấm hộ chiếu đưa cô đi khắp nơi, một phương tiện bất ngờ để thoát khỏi sự tầm thường mà cuộc sống đã giam hãm cô trong đó.

Tại một trong nhiều cửa hiệu cầm đồ của thành phố, cô tìm thấy một lô tiểu thuyết được bán hạ giá với giá hai đô la: Trăm năm cô đơn, Âm thanh và Cuồng nộ, Tội ác và Trừng phạt, Của chuột và người, Bắt trẻ đồng xanh, Đồi gió hú, Giàn thiêu phù hoa.

Garcia Marquez, Faulkner, Dostoêevski, Steinbeck, Salinger, Bront, Wolfe chỉ với giá của một gói khoai tây chiên...

*   *   *

Bốn giờ sáng

 

Kỳ cọ, kỳ cọ, kỳ cọ…

Giờ đây dường như quần áo của cô sặc mùi ứ đọng hôi thối. Lưng cô sụm xuống và cơn buồn ngủ ập đến. Để trụ vững, cô nghĩ đến tương lai và mẹ mình. Teresa đã được đưa vào danh sách chờ nhận lá gan mới. Nhưng các cơ quan nội tạng vốn rất hiếm và Evie chỉ có một nỗi sợ hãi: rằng mẹ mình không sống được đến lúc ấy.

Mẹ cần phải trụ vững, cô lo lắng, mẹ chỉ còn cần phải trụ vững trong vài tháng nữa thôi.

Nhưng cùng lúc cô cảm thấy tội lỗi khi trông mong cái chết của một người hiến tạng nào đó.

*   *   *

Sáu giờ sáng

 

Evie nhận khoản tiền công từ người trưởng nhóm làm việc rồi rời khách sạn Oasis. Ở phía sau, trên đại lộ, một quán coffee-shop nhỏ đang phục vụ những vị khách đầu tiên trong ngày. Evie thích ngồi ở cuối phòng, một chỗ hơi tách biệt, tại một chiếc bàn trông ra phố. Tại đây, cô có được khoảng thời gian một tiếng trước khi bắt xe bus đến trường. Một giờ thoải mái dành cho cô, để làm điều cô yêu thích: đọc sách và viết lách.

Sáng nay cô gọi một cốc sô cô la nóng rồi lôi từ trong ba lô ra một cuốn sách được đóng gáy da mà cô thấy say mê. Cô đã nhặt được cuốn sách này vào đêm hôm trước trên bàn ngủ tại một phòng khách sạn. Chắc chắn là một vị khách nào đó đã để quên. Thật đặc biệt vì đó không phải là một cuốn tiểu thuyết hay tuyển tập thơ ca mà đó là tiểu luận do một bác sĩ chuyên khoa tâm thần thần kinh học New York viết ra.

Một ông Connor McCoy nào đó.

Cuốn sách của ông ta tên là Sống sót.

Và như thể ông ta viết cuốn sách đó dành riêng cho cô.

Ông ta nói chính xác điều mà cô đang trải qua, về sự cần thiết phải cứng rắn để có thể kiên cường đấu tranh chống lại điều tồi tệ nhất, về cái vỏ bọc bất khả xâm phạm mà cô đã kiên nhẫn xây dựng trong những năm qua và cái vỏ bọc đó cho phép cô không bị tiêu biến. Nhưng qua các chương sách, Evie cũng tìm thấy cho mình một lời cảnh báo, một thứ mà cô đã có trực cảm nhưng không thể trình bày rõ ràng: không được quá khép mình, nếu không chúng ta chẳng thể cảm thấy bất cứ điều gì nữa. Trái tim chúng ta sẽ đóng băng và chúng ta chỉ còn là một xác chết sống và cuộc sống sẽ mãi mãi mất đi sự thi vị vốn có của nó.

Chính vì lẽ đó mà cô cố gắng xây dựng cho riêng mình một dạng khu vườn nội tâm, một liều thuốc của hy vọng và thanh thản mà cô giữ kín, chôn giấu sâu tận đáy lòng, sẵn sàng hé lộ vào một ngày nào đó…

Tương lai của cô ư? Cô vừa mơ ước trở thành một nhà văn vừa mong thành bác sĩ tâm lý để có thể giúp đỡ những người đang phải chịu đau khổ. Tuy nhiên cô biết rõ rằng mình sẽ không bao giờ có thể tiếp tục học được nữa. Trường đại học không phải là nơi dành cho con gái của một kẻ nghiện ma túy nặng sống trong một chiếc xe moóc du lịch và buộc phải làm việc ban đêm để có thể trang trải cuộc sống.

Evie nhấp một ngụm sô cô la nóng rồi viết vội vài từ vào cuốn sổ đóng gáy xoắn.

Cô thường xuyên cảm thấy cô đơn.

Vô cùng cô đơn.

Cô rất muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với một ai đó hiểu mình.

Nhưng vì không có ai nên cô giao phó mọi hoài nghi cũng như bí mật của mình vào cuốn nhật ký.

Ở cuối cuốn nhật ký, cô đã thảo ra một danh sách. Đó là danh sách mười điều bí mật mà cô mong muốn sẽ trở thành hiện thực trong đời. Cô cũng biết rõ rằng những ước nguyện ấy rất khó có thể được thỏa nguyện vào một ngày nào đó, nhưng đôi khi cũng phải biết mơ ước, bởi vì nếu không…

 

No1: Mẹ sẽ nhận được lá gan mới và mẹ sẽ khỏi bệnh


No2: hai mẹ con sẽ tìm được một căn hộ mới với giá thuê không quá đắt.
No3 : mẹ sẽ không bao giờ dùng ma túy và uống rượu nữa.
No4: Không bao giớ trong đời mình bị ma túy hay rượu cám dỗ.
No5 : hai mẹ con sẽ đi nghỉ vài ngày ở một nơi xa Las Vegas
No6 : Mình sẽ đi học ở New York
No7 : một ngày nào đó mình sẽ biết bố đẻ mình là ai.
No8: mình luôn ý thức được rằng cũng có nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.
No9 : Một ngày nào đó mình sẽ gặp được người hiểu mình.

Với No10, khá là phức tạp. Cô viết điều gì đó rồi cảm thấy xấu hổ, cô liền xóa điều vừa viết.

Nhưng nếu người ta suy nghĩ kỹ, điều đó có thể là:

 

N010: Một ngày nào đó có ai đó yêu mình...

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26642


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận