Các Người Khắc Biết Tay Tôi Chương 28


Chương 28
Người châu Âu sành điệu

“Judyta này, cô có biết, một con chuột hoang giao phối với bạn tình của mình tới bốn trăm lần trong vòng mười tiếng đồng hồ không?” Ông tổng bám theo tôi ngoài hành lang.

“Thế thì mệt chết.”

“Biết làm sao, chuột cái phải chịu vậy thôi, thế giới tự nhiên không thể kiểm soát nổi là vì như vậy đó.”

“Em lại nghĩ khác cơ, mệt là mệt đối với chuột đực thôi!” Tôi cười, nói tiếp.

“Đối với chuột đực?” Ông tổng ngỡ ngàng tột độ, và ngay lập tức ông đổi đề tài. “Cô có bài chưa?”

“Vẫn chưa anh ạ.”

“Judyta này, tôi đã tin cô cơ mà!”

“Chính anh đã nói với em là bài sẽ đi vào số tháng Hai.”

*   *   *

Bà dì đến nhà mẹ tôi chơi hai ngày. “Judyta này, dì muốn cho cháu nghỉ ngơi.”

Tôi nhận được bức thư ngắn của Adam gửi theo địa chỉ hòm thư của Tosia. Anh báo rằng, dịp lễ Giáng sinh anh có thể đến chơi với mấy người quen bên Mỹ. Và anh ôm hôn tôi. Tôi trả lời anh ngay lập tức, rằng tôi cũng ôm hôn anh, lúc nào rảnh đôi chút tôi sẽ viết dài hơn.

Đúng là, hồi chúng tôi mới quen nhau, thư từ qua lại giữa đôi bên khác hẳn.

Tosia được bố cho tiền, ngay lập tức nó tuyên bố, bây giờ đã đến lúc tôi đem nó đến đại siêu thị trong thành phố có diện tích to hơn diện tích cả làng chúng tôi để mua sắm. Con bé than là chẳng bao giờ có quần áo đẹp để mặc. Nó không dám kêu ca vì biết hai mẹ con đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Còn các bạn gái của nó như Hania, Agata, Isia, chúng nó toàn sắm quần áo ở siêu thị, nơi nhiều hàng đẹp, giá giảm, mà lại toàn đồ hiệu. Nó bảo rồi sẽ cho lũ bạn biết tay. Nó còn bảo tôi cũng đã đến lúc cần phải là một người mẹ thứ thiệt, thỉnh thoảng đi mua sắm ở những cửa hàng thứ thiệt, chứ đừng chỉ có lui tới các cửa hàng rẻ tiền, vì như thế thật là xấu hổ. Ngoài ra, lễ Giáng sinh sắp đến rồi, hai mẹ con phải mua nhiều quà chứ.

Quà Giáng sinh thì tôi hầu như đã lo đủ cho mọi người rồi, tuy nhiên tôi vẫn chiều Tosia. Lúc con bé chạy xuống nhà với quần áo chỉnh tề, mặt bôi son phấn đủ cả (để làm gì?), thì tôi đang dùng chiếc kẹp lông mi lôi tờ thông báo của bưu điện ra khỏi thùng thư. Giấy báo của bưu điện là thứ chẳng dễ chịu gì, mặc dù nó rất mỏng mảnh. Giấy báo đến nhà có nghĩa là một bức thư bảo đảm nào đó đang đợi ta ngoài bưu điện và phải chạy lóc cóc ra đó nhận. Theo kinh nghiệm của tôi, đó thường là thông báo khẩn về các khoản thanh toán: thông báo cắt điện, nhắc nhở, đe dọa, triệu tập... móng vuốt đáng sợ của chim ưng luôn luôn mai phục đằng sau các tờ thông báo.

“Tosia, cầm lấy tờ thông báo rồi đi thôi!” Tôi gọi con gái.

Tosia mở cổng, chúng tôi đánh xe ra ngoài. Thoạt tiên ra bưu điện, sau đó xuống địa ngục. Đến trước bưu điện Tosia chợt kêu không thể tìm thấy tờ thông báo ở đâu. Nó cũng không dám chắc có phải tôi đã cầm rồi hay không. Rất tiếc, tôi không cầm. Tôi lấy chứng minh thư ra, đứng trước ô cửa nhỏ và nói giọng dịu dàng:

“Chào chị!”

“Tôi nghe đây!” Một luồng gió lạnh thổi qua ô cửa nhỏ.

“Tôi có thư bảo đảm và...”

“Cho tôi xem giấy báo!”

“Chính vì giấy báo bị mất cho nên...”

“Không có giấy báo tôi không phát thư.”

“Tôi có mang giấy chứng minh, mong chị thông cảm, trên bì thư có đề tên tôi mà!” Tôi năn nỉ như một đứa trẻ con.

“Yêu cầu cho tôi xem giấy báo.”

“Tôi không có.”

“Thế thì chị đợi giấy báo lần hai.”

Đến đây thì tôi đâm bực mình. Tôi sẽ không đợi giấy báo lần hai.

“Thưa chị! Trên đó có ghi họ tên tôi, chị có thể xác minh, phố tôi ở chỉ có độc năm nhà.”

“Trên giấy báo có ghi số.”

“Thì sao?” Tôi hết chịu nổi.

“Sao lại thì sao? Phải có quy củ chứ!”

Tôi thấy khó chịu. Giá mà tôi biết được, bức thư này từ đâu đến...

“Xin chị kiểm tra giùm, bức thư này từ đâu đến?” Còn bao nhiêu thiện ý trong người, tôi tuôn ra hết.

“Chị có điên không? Phải giữ bí mật thư từ! Tôi chẳng lẽ lại đi kiểm tra bức thư không phải gửi cho tôi sao?”

Tôi quyết định đi bước cuối cùng. Gần sáu giờ chiều rồi, chỉ còn chừng bốn mươi phút để vào thành phố và tôi điên tiết. Phải cho cô nhân viên bưu điện này biết, với tư cách là một khách hàng tôi cũng có quyền chứ.

“Đề nghị cho tôi gặp sếp được không?”

“Chính tôi là sếp. Tôi nghe đây!”

Tôi quay gót và đi thẳng ra ngoài. Tosia vẫy tay về phía tôi, ca cẩm:

“Mẹ ơi, tại sao mẹ luôn phải giải quyết mọi việc lâu như vậy?”

Tôi không còn thiết bất cứ cái gì nữa. Chỉ có điều, xét cho cùng, tôi đi cùng Tosia vào thành phố đâu phải để chuốc lấy bực mình.

Suốt dọc đường, Tosia cố thuyết phục tôi rằng, diện quần áo mới là nó sẽ ngay lập tức học khá hơn cho mà coi. Nó bảo tôi ít nhất cũng nên mua một đôi giày mới mà đi, bởi tôi mà cứ dùng mãi đôi giày đang đi dưới chân thì thật xấu hổ. Trên cương vị của tôi, tất nhiên, cho tới gần đây, thì nên làm như vậy.

Con đường dẫn đến đại siêu thị ở Warszawa bị tắc. Đoạn tắc bắt đầu từ chỗ cách đại siêu thị hai cây số và kết thúc ở ngay trước đại siêu thị này. Mọi người đều đổ xô đến đó, giống như hai mẹ con tôi. Tôi mất đến hai mươi phút loay hoay tìm chỗ dưới bãi đỗ xe ngầm mà tôi ghét cay ghét đắng. Giá người ta đánh số thứ tự các tầng thì còn được! Đơn giản: một, hai, ba! Nhưng mà không! Ai đó đã nghĩ rằng khách hàng là một lũ ngốc, cho nên tôi phải nhớ là mình đã đỗ xe ở tầng gắn biển một chú chó chứ không phải tầng gắn biển gấu misa, nó nằm ngay trên tầng gắn biển cái ô. Tầng gắn biển chó, tôi nhắc đi nhắc lại trong đầu, đoạn đóng cửa chiếc ô tô không còn có mùi anh Xanh Lơ nữa. Tôi nhìn về phía sau và lả cả người. Hàng trăm chiếc xe ô tô giống hệt như của Adam. Tên hiệu và màu sắc thì có thể khác nhau, nhưng xét cho cùng bề ngoài cũng na ná như nhau. Tôi lặng người lo lắng, không biết tối nay khi chúng tôi ra về chuyện gì sẽ xảy ra.

Tosia kéo tay tôi. “Mẹ đừng lo, con sẽ nhớ giùm mẹ, con ghi nhớ hình ảnh rất giỏi. Chúng ta đi thôi, sắp đến nơi rồi. Mẹ sẽ cảm thấy mình thật sự là một người châu Âu!”

Chẳng hề cảm thấy mình là người châu Âu, tôi theo Tosia bước vào đại siêu thị. Vô vàn cửa hàng hiện ra, Tosia ra bộ sành điệu liền biến ngay vào đó. Còn tôi ngán ngẩm đứng cạnh quầy thu ngân để khỏi bị lạc. Mọi tiết mục đều kết thúc khi ta gần bốn mươi, chẳng còn gì cho tôi xem cả.

Khi tôi đã mỏi rã người (sau một giờ đứng đợi, chân tôi tựa hồ vừa đi bộ sáu cây số), Tosia hớn hở mặt mày huơ huơ chiếc túi mua sắm, trong đó có hai chiếc quần, ba cái áo, một áo nịt ngực và một chiếc váy tuyệt đẹp cho đêm vũ hội cuối khóa diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp. Trước đôi mắt mệt mỏi của tôi, một cửa hàng giày hiện ra như trong phim Mỹ, mặc dù trong đó toàn giày Italia. Cửa hàng ngập tràn ánh sáng tự nhiên nhằm tiết kiệm năng lượng, bên trong có điều hòa nhiệt độ, sàn nhà bóng nhoáng, trên những trụ đá đặc biệt được chạm trổ đẹp chễm chệ những đôi giày. Giá hàng không gắn kèm, kể cũng đúng thôi.

“Mẹ ơi, đây toàn là giày mùa hè đó!” Tosia, kẻ tin vào độ bền của những gì đúng mốt, thì thầm vào tai tôi. “Bây giờ mà không mua thì còn đợi đến khi nào nữa?”

“Mình để xe ở tầng nào ấy nhỉ? Có phải tầng có biển cái ô không?”

“Con biết đâu được, chính mẹ để xe cơ mà!” Tosia nói với tôi. “Mẹ xem này, giày đẹp như mơ!”

Tôi nhìn vào tủ trưng bày. Đúng là trong vô số những đôi giày tôi không thích (tất cả đều mũi nhọn) nhô ra một đôi duy nhất tôi hằng ao ước! Da mỏng, có quai, đế nhẹ, đúng là một đôi giày lý tưởng. Hai mẹ con tôi bèn đi vào bên trong cửa hàng.

Một cô gái trẻ xinh đẹp, nom như bước ra từ quảng cáo trên ti vi, ngước mắt nhìn chúng tôi, đôi mắt cô trang điểm không chê vào đâu được.

“Chào cô!” Tôi nói lịch sự.

“Dạ vâng chào chị!”

Tôi nhìn xuống đôi giày mình đã đi hơn hai năm nay (ít ra nó được cái êm ái dễ chịu) rồi mỉm cười dịu dàng.

“Phía bên phải tủ trưng bày có một đôi giày có quai...”

“Tủ trưng bày nào hả chị?” Người đẹp ngắt lời tôi.

Tôi liếc nhìn, nhận ra nét mặt tức giận của Tosia.

“Chỗ này!” Tôi trỏ ngón tay thay cho lời nói, một điều không nên làm.

“À!” Cô gái nói, đoạn tiếp tục đứng yên không nhúc nhích.

Tôi kiên trì chờ đợi, nhưng chẳng đợi được gì ngoài việc Tosia cứ bấm bấm vào tay phải tôi. Tôi đành thử nói với người đẹp một lần nữa.

“Liệu có giày số...”

Người đẹp nhìn tôi, rồi cúi xuống nhìn giày của tôi, ánh mắt cô ta lướt qua Tosia rồi chìm vào khoảng không. Đôi mắt thẫm mascara quay ra nhìn khắp lượt bên trong cửa hàng, rồi lại nhìn tôi chừng như lấy làm lạ. Tôi e ngại liếc nhìn hai bàn chân mình, không phải quá to, không phải quá nhỏ, có gì không hợp lý sao mà cô ta nhìn tôi như thế? Hay là cửa hàng chỉ có đến cỡ số ba mươi tám, mà giày của tôi lại là số ba mươi chín? Hay đó là hàng mẫu không bán và tôi nhầm lẫn khi hỏi vậy? Tôi nghe câu trả lời trong tiếng nhạc dịu êm (không biết những cửa hàng khỉ gió này có trả tiền bản quyền cho tác giả hay không?).

“Đằng nào thì chị cũng không mua nổi đâu!” Nói rồi người đẹp ngước mắt nhìn lên cao.

Tôi đứng như trời trồng. Tôi mường tượng hình ảnh nữ minh tinh Julia Roberts bước vào cửa hàng cao cấp này cùng với các tấm thẻ thanh toán do người tình của mình cung cấp. Thế mà ở đây người ta dám coi rẻ cô ấy khiến minh tinh tầm cỡ quốc tế này phải đến cửa hàng khác để tiêu tiền. Tiếp đó tôi mường tượng ra chính mình với tấm thẻ vàng (không còn lâu nữa đâu, nếu tôi vẫn duy trì được công việc này) và quay lại cửa hàng này. Tôi chọn ba mươi tám đôi giày, rút tấm thẻ vàng của mình ra chuẩn bị thanh toán, rồi bất thình lình tôi nhìn xoáy vào đôi mắt của cô nhân viên bán hàng và nói: “Có phải chị đã đối xử với tôi chẳng ra gì hồi tháng Chín vừa rồi không?” Sau đó mặc kệ cô ta cùng với ba mươi tám đôi giày đã chọn, tôi cất tấm thẻ vàng rồi đi thẳng. Ý nghĩ đó khiến tôi hài lòng đến độ lim dim hai mắt.

“Mẹ ơi!” Tôi nghe thấy tiếng gọi vô vọng của Tosia.

Tôi mỉm cười với cô gái đẹp và đi ra ngoài. Tosia, miệng ca cẩm, bước theo sau tôi.

“Sao mẹ lại thế? Sao mẹ không đối đáp lại với cô ta một lời nào? Tại sao mẹ lại để mình bị đối xử như vậy? Mẹ có thể yêu cầu cho gặp sếp của cửa hàng cơ mà.” Tosia nhìn tôi bằng ánh mắt của một con cún bị rơi từ ghế xuống.

“Tầng gắn biển chó!” Tôi sực nhớ, phấn khởi hẳn ra. “Đúng là ta để xe ở tầng đó rồi!”

Tôi đã không giải thích cho Tosia rằng, cô nhân viên bán hàng này có thể cũng là sếp hoặc là bà chủ của cửa hàng, hoặc là gì đó nữa. Tôi không thể phung phí năng lượng của mình vào những việc bực mình với cô gái đẹp nào đó, người vốn không thuộc thế giới của tôi. Hai mẹ con tôi rẽ vào một cửa hàng đồ lưu niệm nom có vẻ ấm cúng và mua cho dì Hanka bức tượng một vị thần làm bằng cói. Dì sẽ có thể giấu chai rượu bẹt của dì vào bên trong bộ y phục to đùng của vị thần này.

*   *   *

Chiều tối về đến nhà, ngay lập tức tôi sang nhà Ula kể lại cho cô bạn mọi chuyện. Ngoài ra Tosia cũng cần khoe với Isia mấy chiếc áo mới. Áo ngắn đến mức ngay cả vùng thắt lưng cũng không che nổi, ăn mặc như vậy thể nào nó cũng sẽ bị cảm lạnh cho mà xem. Con bé còn tự hào khoe chiếc váy đẹp nó mua để mặc trong đêm vũ hội cuối khóa. Ula pha trà, lấy bánh nhân mận trong khay ra.

“Mình không phải là người châu Âu.” Tôi thở dài và cắn một miếng bánh nóng. “Mình căm ghét những cửa hàng hiện đại, sang trọng vô lương tâm.”

“Đừng nói thế!” Ula an ủi. “Chúng ta là người châu Âu mà!” Sau tiếng thở phào nhẹ nhõm, cô bạn nói tiếp. “… ít ra là ở đây.”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27903


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận