Các Người Khắc Biết Tay Tôi Chương 30


Chương 30
Lẽ ra mình có thể lấy Jedrus làm chồng

Năm mới phải được bắt đầu bằng việc sắp xếp lại mọi thứ sao cho quy củ và ngăn nắp. Phải chấm dứt cảnh bừa bộn, hóa đơn chưa thanh toán và những công việc dở dang. Tôi đưa ra quyết định như thế và cảm thấy cực kỳ ưng ý. Tôi ngồi chính giữa căn phòng dì Hanka vừa ở, ái ngại ngắm nhìn những thứ bày la liệt dưới nền nhà. Tôi lôi từ trong tủ ra chiếc thùng các tông mà hình như còn chưa được mở ra sau khi dọn nhà tới đây. Kể cũng lạ, tại sao tôi lại cất kỹ cái thùng này như vậy, bên trong thùng có gì? Tôi hồi hộp đến run bắn cả người.

Tôi mở thùng ra và xem xét mọi thứ. Mình giữ lại những tờ hóa đơn từ năm nảo năm nào làm gì? Tôi phân loại tất cả mọi thứ. Cái gì không cần nữa thì cho sang một bên để vứt đi. Hóa đơn điện thoại thì kẹp vào tập có nhãn “hóa đơn điện thoại”, hóa đơn ga thì kẹp vào tập có nhãn “hóa đơn ga” vân vân... Thư tình cũ của gã đang ở với Jola. Vứt đi chăng? Hay giữ lại làm kỷ niệm? Hồi trẻ tôi có rất nhiều kỷ niệm thú vị liên quan đến ông đưa thư. Biết trước là hằng ngày ông ta thường mang thư đến vào lúc gần một giờ chiều, tôi thường phấp phỏng ra ngồi chờ bên cửa sổ. Tôi không ngừng đoán già đoán non. Có thư rồi? Hay chưa có? Trong thùng thư có gì đó trăng trắng, chắc chắn không phải hộp đựng bánh pizza, cũng không phải tờ quảng cáo cho vay tiền của ngân hàng... không phải thư thì chỉ có thể là hóa đơn. Một số bức thư được đóng dấu kiểm duyệt của bưu điện. Tôi không thể vứt những lá thư này, không bao giờ. Thư từ là kỷ vật lịch sử chứ không phải kỷ vật tình cảm. Mà lịch sử nước ta thì không thể bị quăng vào sọt rác, ngay cả khi được viết bởi một gã đàn ông bội tình. Tôi hầu như chẳng còn nhớ là gã ở với Jola đã từng viết thư cho tôi. Những lá thư đó thật dễ thương. Ciapeczek yêu thương… Thấy không, tình cảm hơn gọi là Judyta nhiều! Hôm qua chúng mình chia tay nhau, còn bây giờ anh viết thư cho em, vì anh lại nhớ em rồi đây. Anh muốn hôn vào đôi môi xinh đẹp của em. Suốt cả tuần anh không thay vải trải giường, để anh nhớ là em đã nằm trên tấm vải trải giường này… Khỉ thật, thằng cha này chỉ khéo nịnh. Người vợ yêu dấu vô ngần duy nhất của anh ơi…

Duy nhất cái của khỉ! Anh ta mà là người A-rập thì tha hồ có hai vợ, còn ở đây anh ta phải tuân thủ chế độ một vợ một chồng, số phận của đàn ông nước này khổ sở như vậy đó. Tôi xếp thư của anh ta thành chồng, để dưới chân lò sưởi. Tôi loại ra được vô số những lá thư vô dụng như thế.

“Mẹ ơi, mẹ đang làm gì đó?”

Tôi những tưởng mình có một đứa con thông minh chứ. Nó bước vào phòng và rõ ràng thấy tôi đang làm gì. Tôi đang dọn dẹp chứ còn làm gì!

“Mẹ đang dọn dẹp, con gái ạ!”

“Dọn dẹp? Trong mớ hỗn độn như thế này?”

“Để có được mọi thứ gọn gàng và ngăn nắp, đôi khi người ta phải chịu bừa bãi một chút.” Tôi nói theo kiểu lý sự cùn. Sau đó tôi bắt tay vào dọn ngăn kéo trong chiếc tủ sách mẹ tôi để lại.

Lại một đống thư. Tôi thu thập thư từ để làm gì thế này? Lá thư này của ai vậy? À, tôi nhớ ra rồi. Là thư của một người đàn ông dễ thương tôi quen ở Zakopane. Chúng tôi viết thư cho nhau trước khi tôi thi tốt nghiệp trung học. Jedrus là một nhà giáo có tài, bố mẹ tôi đã rất hy vọng vào anh chàng dễ thương này. Cũng bởi do tác động của anh ta mà tôi chịu lao vào học thi, thay vì chỉ để tâm đến những chuyện trời ơi đất hỡi như các cuộc tụ tập, đàn đúm với Agnieszka và rất nhiều bạn bè khác cùng tuổi. Tôi mở một phong thư cũ đã bạc màu:

Lời đầu tiên trong bức thư này là anh chào em. Sau đây anh khuyên em nên ghi tên gia nhập câu lạc bộ leo núi. Hôm vừa rồi một anh bạn đã để tuột mất dây leo, thế là anh thấy bị hẫng vì đầu kia trống không, giá như khi ấy có em ở đó có thể làm đối trọng điều chỉnh cho anh, bạn trai và chồng tương lai của em.

“Lẽ ra mình có thể lấy anh chàng Jedrus này làm chồng.” Tôi mơ màng, nói thành lời.

“Lấy Jedrus nào hả mẹ?” Con gái tôi lội qua đống giấy, đống băng cát-xét và chồng sách.

“Người này à?” Tôi chỉ vào bó phong bì. “Con đã có thể có một người bố đáng yêu, một thầy giáo tài giỏi. Người thầy này có thể giảng giải cho con rằng không thể kéo dài thời gian mà phải bắt tay vào học thi, vì ngày thi tốt nghiệp đến cận kề rồi.”

“Mẹ mà lấy Jedrus thì chắc mẹ đã đẻ ra một đứa con hoàn toàn khác. Mã di truyền là phần mật mã quy định thông tin về trình tự các acid amino đã được mã hóa. Mã di truyền có tính đặc hiệu, mẹ biết đấy, nếu mẹ lấy người khác chắc chắn con đã không có mặt trên cõi đời này.” Tosia nói rành rọt, đoạn nó với tay cầm bó thư.

“Tosia, con nghĩ ra đấy à?”

“Các nhà di truyền học. Trong sách viết thế mà. Con đọc thư được không mẹ?” Tosia búng tay sốt ruột.

Tôi đắn đo giây lát, con bé có muốn ôn thi nghiêm túc không đây? Môn sinh vật liệu có hợp với nó? Còn các lá thư này thì sao? Có nên cho con bé đọc không? Mọi chuyện đã quá đát rồi còn gì. Hai mươi năm rồi, thậm chí nếu khi đó tôi mà có hại chết Jedrus thì giờ tôi cũng đã ra tù rồi. Thế là tôi đưa thư cho nó đọc. Tosia ngồi bệt xuống nền nhà, trong căn phòng bừa bộn và bắt đầu đọc thư.

“Hay quá!” Tosia nói và nhét lá thư vào phong bì. “Mẹ đã từng yêu người này sao?”

“Chịu, mẹ chẳng nhớ nữa.” Tôi nói lập lờ. Tôi đã lục ra những bằng chứng về chuyện yêu đương của mình hồi trung học, và tôi không biết làm thế nào để giấu Tosia chuyện này.

“Sao, mẹ không nhớ ư?” Tosia dồn dập hỏi. “Sao lại có chuyện mẹ không nhớ, hay là mẹ đã không yêu người đó?”

“Mẹ yêu bố con.” Tôi lẩm bẩm, thích thú ngắm nhìn hai điểm ba môn vật lý và hóa học mà hồi xưa tôi đã phải học ngày học đêm mới có được.

“Mẹ yêu hai người cùng một lúc?”

“Con có điên không đấy! Trẻ con bây giờ mới nhanh nhảu làm sao. Mẹ quen bố con vào năm cuối trung học, còn Jedrus thì sớm hơn. Khi đã quen bố thì mẹ không thư từ với Jedrus nữa.”

“Nhưng Jedrus viết thư rất hay!” Tosia đặt các lá thư xuống, hai mắt sáng bừng vì thích thú. “Ôi, mẹ ơi, đây là chứng chỉ tốt nghiệp của mẹ hả?”

“Không!” Tôi nói cộc lốc. “Của cậu con đó, bị gói lẫn vào.” Ngay lập tức tôi xếp mấy tờ giấy hồng nhạt lại rồi cho vào phong bì. Tôi cảm thấy mình có bổn phận thông báo với Tosia rằng, dẫu sao tôi cũng không lấy làm tiếc việc đã sinh ra nó chứ không phải một đứa con khác với người đàn ông xa lạ nào đó trong quá khứ. “Bố con viết thư cũng hay đáo để, đưa cho mẹ chồng thư của bố, chỗ kia kìa…”

Tosia nhìn khắp nền nhà mà không thấy. Nom thì có vẻ nhanh nhẹn, nhưng nó lại không nhận ra chồng thư để ngay dưới chân lò sưởi. Nó lục khắp phía sau đống họa báo cũ, chồng tạp chí từ cách đây ba năm, các tấm ảnh, hộp đựng giày đựng xấp hóa đơn cũ, cả đống bản thảo những câu trả lời thư bạn đọc tôi chưa lưu vào trong máy. Con gái tôi quay ra lắc đầu.

“Chỗ nào, con có thấy đâu?”

“Dưới chân lò sưởi ấy.”

Tosia đứng dậy, bước qua chồng sách nằm đó từ lâu đang đợi để được xếp lên kệ, đống băng cát-xét mà đáng ra tôi phải sao lại từ lâu (nhưng giờ có làm cũng chẳng để làm gì, bởi ngay đến tên gọi các ban nhạc được ghi âm trong đó tôi cũng không còn nhớ nữa), giấy chứng thực mua đất, hợp đồng với công ty vệ sinh, đôi bít tất dài màu đen ánh xanh mà dì Hanka gửi tặng tôi cách đây mười năm (có khi lâu hơn thế), nó đã quá cũ rồi nhưng vứt đi thì tiếc. Rốt cuộc con bé cũng nâng chồng thư lên.

“Con có thể đọc được không mẹ? Con mang lên phòng nhé?”

Như thế đó. Thư của Jedrus thì tôi cho nó đọc, thư của bố đẻ nó chẳng lẽ tôi lại không cho nó đọc hay sao?

“Có thể, nhưng sau đó con phải để lại chỗ cũ.”

“Dưới chân lò sưởi hả mẹ?” Con gái tôi hỏi ngây thơ, ra bộ nó không nghĩ gì xấu.

“Đưa ngay đây cho mẹ.” Đột nhiên tôi nổi cáu, nhìn chằm chằm vào câu đầu tiên trên tờ đơn xin ly dị mà tôi đinh ninh là mình đã vứt đi cách đây mấy năm.

Quan hệ vợ chồng của chúng tôi ngay từ đầu đã không thuận chèo mát mái, chúng tôi bất đồng trong mọi chuyện, về cả quan niệm và trách nhiệm.

Anh ta nghĩ mình chẳng phải chịu trách nhiệm nào cả, vì anh ta đã kiếm tiền mua nhà rồi. Còn tôi có trách nhiệm đi làm, nuôi con, lau cửa sổ, đổ rác, nấu ăn, nướng bánh, không dùng tỏi (vì anh ta không thích tỏi) vân vân và vân vân. Đồ nhũn não! Quan hệ vợ chồng của chúng tôi ngay từ đầu đã không thuận chèo mát mái - kẻ nào đã viết lá đơn chết tiệt này cho gã? Thư thì viết tình cảm như vậy. Thật là thú vị khi đọc từ A đến Z những câu như: Anh hôn em trong thư, mơ tưởng rằng không lâu nữa chúng ta sẽ bên nhau mãi mãi... Anh sờ vào tấm vải trải giường mà đêm qua em đã ngủ. Để rồi ngay sau đó đọc phải cái câu: Quan hệ vợ chồng của chúng tôi ngay từ đầu đã không thuận chèo mát mái...

“Mẹ ơi, con giúp mẹ một tay được không? Phải vứt những thứ này đi thôi, lộn xộn quá.”

“Mẹ đang vứt đây.”

“Vậy mẹ cần con đem vứt những thứ gì nào?” Tosia hỏi.

“Xem nào...” Tôi nhìn một lượt căn phòng bừa bộn bằng con mắt tỉnh táo hơn.

Tôi quan sát khắp phòng. Trong đống báo cũ chắc vẫn có những bài hay. Một khi tôi đã không loại bỏ ngay thì có nghĩa là trong đó chứa nội dung gì đó hấp dẫn có thể sử dụng khi cần. Phải rà soát lại từng tờ một thôi. Thư từ thì đương nhiên tôi không vứt rồi, vì đó là mảnh đời của tôi. Có làm phiền ai đâu khi những bức thư này nằm yên trong hộp đựng giày. Chúng nằm trong đó để làm bằng chứng cho con cháu mai sau, rằng đã từng có nhiều người yêu tôi tha thiết, chứ không phải thư kiểu vài ba câu ngắn ngủi trên màn hình như Adam. Hóa đơn trong vòng năm năm đổ lại đây tôi phải xem lại, tờ khai thuế thu nhập cá nhân cũng phải giữ.

“Chưa có gì để vứt cả.”

“Sao lại chưa có gì …” Tosia hỏi vặn. “Trước nay mẹ không chịu vứt bỏ bất cứ cái gì, mẹ chỉ chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia thôi.”

“Bây giờ mẹ sẽ vứt. Mẹ thề đó.” Tôi nói hoàn toàn nghiêm túc. Lẽ ra Tosia phải lên phòng học bài chứ không phải ở đây quấy rầy tôi dọn dẹp.

“Mẹ cứ sắp xếp lại giấy tờ cũ trong ngăn tủ đã. Không cần phải vứt đi đâu. Mẹ hãy sao chụp lại cho chắc ăn.” Tosia ra bộ dạy đời, giọng nói hùng hồn bắt chước phát thanh viên của chương trình thời sự, những kẻ chỉ toàn nhấn mạnh vào những âm tiết không cần nhấn mạnh. Nói xong nó lặng lẽ ra khỏi phòng, tay cầm bó thư của gã đang ở với Jola.

Tôi phân vân liệu người ta có định rèn giũa dân phát thanh truyền hình, dạy họ cách nói năng từ tốn, cho họ tham dự những khóa học miễn phí và đào tận gốc tiếng mẹ đẻ cho những kẻ đáng thương ấy không?

Tôi thở dài não nuột, quan sát khắp lượt phòng mình. Dọn dẹp với tốc độ như thế này không khéo đến thứ Hai tôi mới xong. Tôi không soát lại các tờ tạp chí cũ nữa, biết làm sao, vứt đi thôi. Khoảng gần trưa căn phòng có vẻ sáng sủa hơn. Con Borys ra nằm trên ngưỡng cửa, nó có vẻ thỏa mãn. Tôi cảm thấy phấn chấn hơn nhiều, mặc dù tôi vẫn không tìm thấy tờ đơn ly dị ở đâu cả. Chẳng biết hôm ở tòa án tôi có cầm về hay không nữa? Thực ra hôm nay tôi còn cần gì tờ đơn ly dị đó. Đây là một ngày thứ Bảy đẹp trời và tôi xứng đáng được nghỉ ngơi sảng khoái.

 

Kính thưa tòa soạn

Judyta thân mến,

Chuyến đi thực tập trên đất Mỹ khiến anh suy nghĩ rất nhiều về mối quan hệ của chúng ta. Cho nên anh muốn đề nghị với em - phải chăng nên tận dụng quãng thời gian này để suy ngẫm về cuộc đời đôi ta? Chúng ta đã có những quyết định tức thời, có phần không tính đến những tình huống bất ngờ. Nói ngắn gọn, ta đã không tính đến hoàn cảnh chúng ta gặp nhau, không tính đến những con người có thể làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta. Anh nghĩ, chúng ta đã gặp nhau trong khi em vẫn còn bị sốc sau khi ly dị, hoặc mới chỉ vừa qua cơn sốc mà thôi, có lẽ chính điều đó đã khiến người đàn ông chín chắn là anh (vốn anh tự cho là mình như vậy) cảm thấy bị hấp dẫn. Con tim đầy ân huệ của em đã đón nhận tình yêu của anh, lòng can đảm và sự kiên định của em đối với mối tình này chẳng những có sức cảm hóa mà còn đáng khâm phục. Bây giờ anh hiểu rằng, bản thân anh, khi bị vợ dứt khoát ruồng bỏ, cũng phải mất một thời gian dài để chuẩn bị cho cuộc sống mới.

Anh có cảm giác, chúng ta sẽ biết rõ bản thân mình muốn gì, nếu chúng ta tạm thời ngừng liên lạc với nhau. Mỗi người chúng ta, ai riêng phận nấy, hãy tự suy ngẫm xem cái gì là quan trọng đối với mình. Anh không muốn em cho rằng anh đã không suy nghĩ đến nơi đến chốn khi viết bức thư này. Thực sự anh đã suy đi tính lại rất nhiều. Liệu anh có thể yêu cầu em như vậy được không?

Đầu tháng Tư anh sẽ về nước. Ba tháng đâu phải muôn đời, tuy nhiên cuộc chia ly sẽ tạo thuận lợi cho chúng ta nhìn nhận lại kỹ lưỡng sự tình. Đề nghị của anh là như vậy, em nghĩ thế nào? Chào em.

Adam

  

Tôi không hiểu anh muốn gì. Tôi hoàn toàn không hiểu anh muốn gì. Anh muốn cắt đứt quan hệ với tôi chăng? Anh định kết thúc tình thân của chúng tôi theo cách ngớ ngẩn và non nớt như vậy hay sao? Chuyện gì đang xảy ra thế này? Tôi đọc kỹ lại từng chữ một, không có lỗi chính tả, các cụm từ đều dùng rất chuẩn.

Tôi phải làm gì bây giờ? Như vậy nghĩa là sao? Khoan, bình tĩnh, một lần nữa, tôi phải đọc lại lá thư một lần nữa, tôi không hiểu Adam muốn gì. Anh không muốn dính dáng đến tôi nữa chăng? Tôi phải suy ngẫm cái gì nào? Rằng tôi biết mình muốn gì sao?

Nhưng Adam viết về tình yêu cơ mà...

*   *   *

Sau mười giờ đêm Ula gõ cửa ban công. Tosia đang ở chỗ bố nó. Dì Hanka ra về đã được một tuần với lời hứa sẽ mời Tosia sang Anh nghỉ hè. Tôi lại trơ trọi một mình. Tôi ấn Ula ngồi xuống trước máy tính.

“Cậu đọc đi!” Tôi nói.

Ula di chuyển con trỏ trên màn hình. Sau đó quay lại phía tôi và nói:

“Cậu thấy chưa, thế mà cậu bảo không tin vào bói toán...”

“Ula này, cậu đừng có nói chuyện bói toán với mình nữa! Mình đang thất vọng. Chỉ cần cậu nói chân tình với mình, như vậy nghĩa là làm sao?”

Ula cầm lấy tay tôi, vuốt ve bàn tay này. Bạn tôi lặng im, sau chốc lát cất lời:

“Judyta này, cậu đừng tự lừa dối mình nữa... Cậu vẫn thường trả lời độc giả những bức thư như thế này cơ mà. Cậu hãy trả lời đi, đã đến lúc bình tĩnh ghi nhận những sự thật chẳng hay ho gì.

Tôi trả lời ngắn gọn cho Adam: Tốt thôi. Xin chào!

Anh không hồi âm.

*   *   *

Lần này tôi xử sự như người lớn chứ không phải một con bé yếu đuối. Anh có quyền yêu cầu tôi mọi thứ, còn tôi có quyền từ chối hoặc chấp nhận. Nếu Adam cho rằng anh cần thời gian, tôi sẽ không làm mưa vội, trước hết cứ xua tan mây mù. Không gì có thể làm tôi thất vọng, rối loạn thần kinh, hoặc tung ra cả đống câu hỏi như: “Sao anh lại làm vậy đối với em?” Thay mặt chính bản thân mình, tôi sẽ tự nhủ thế này:

Judyta yêu quý,

Phải chăng trong mối quan hệ của bạn không phải cái gì cũng được như ý? Phải chăng có những sự việc bạn chẳng hề hay biết? Bạn tình của bạn, theo cách rất người lớn, đã yêu cầu bạn cho anh ta thời gian mà có lẽ là quan trọng đối với anh ta. Bạn hãy tôn trọng yêu cầu đó, chớ phát điên và cũng đừng có hỏi, không nên giày vò anh ta bằng sự thiếu tự tin của mình. Ba tháng đâu phải muôn đời. Nếu bạn coi anh chàng là một người lớn thì bạn phải kiên nhẫn.

Theo ủy nhiệm của Judyta

Ula là một người thông minh, nhưng cô bạn đã giải thích lá thư của Xanh Lơ theo chủ quan của riêng mình. Còn tôi sẽ vận dụng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân. Tôi có cả đống công việc chứ ít ỏi gì đâu, con gái thì sắp đến ngày thi. Tôi có thể tận dụng khoảng thời gian này. Hay hơn cả là làm việc thật nhiều, khi đó sẽ chẳng còn thời gian để nghĩ ngợi. Tôi mà nghĩ ngợi nhiều thì chẳng mấy khi có được quyết định khôn ngoan.

Tại sao tôi không thường xuyên viết thư cho Adam, mà chỉ ngồi đợi thư? Có lẽ vì thế nên mới sinh chuyện, thế nhưng đó là chuyện gì? Thậm chí tôi chưa kịp viết để báo cho anh rằng lễ Giáng sinh vừa rồi tôi không đi đâu cả. Bây giờ thì đã quá muộn. Bây giờ tôi phải làm gì đây? Hay là gọi điện cho anh?

Không, anh đã yêu cầu tạm ngừng liên lạc rồi mà.

Adam Xanh Lơ ơi, tại sao anh lại ở quá xa như vậy, khiến cho em không thể giãi bày với anh mọi chuyện?

*   *   *

Tôi mang quýt lên phòng cho Tosia. Con bé đang nằm cuộn tròn trên đi văng học bài! Không hề có chuyện nó ngồi đánh móng tay, cho nên thú thật là tôi thấy yên tâm. Căn phòng bừa bộn y hệt phòng tôi khi đang dọn dẹp. Tôi chẳng hiểu tại sao nó lại theo dõi tôi như vậy. Chồng thư của gã đang ở với Jola để trên nền nhà.

“Con đã hứa là sẽ trả!” Tosia nói vậy khi tôi nâng chồng thư lên. Con bé ngoan ngoãn chìa tay ra cầm quýt.

“Con đang học mà.” Tosia cho rằng nói vậy là đủ thanh minh tuốt tuột rồi.

“OK!” Tôi đáp.

Tosia nhìn tôi, rồi nói:

“Mẹ biết không, bố nói với con rằng, đã lâu lắm rồi bố và mẹ không có được một ngày thoải mái trò chuyện như hôm hai người đi mua quà cho con.”

“Quà nào?” Tôi không hiểu cho lắm, Tosia nói về cái gì.

“Quà mừng sinh nhật chứ còn quà nào!” Tosia nhìn tôi ra bộ trách móc.

“Tosia, thôi đi, chuyện cách đây hai tháng rồi.” Tôi quay lưng, khi đi ra ngoài tôi với tay cầm theo hai chiếc cốc bẩn.

“Bố kể rằng mẹ rất am tường về dàn loa, bass rồi dải tần... đủ thứ...” Tosia nói với theo tôi.

Tôi chẳng biết, tại sao gã ở với Jola lại đánh lừa con bé như vậy? Tôi không muốn làm cho nó hết ảo tưởng. Dù sao tôi cũng đã rút ra được kết luận: đối với đàn ông, một cuộc nói chuyện toại nguyện là cuộc nói chuyện khi người đàn bà không nghe gì mấy, nhưng tán thành tất cả. Tôi thích người ta đừng bàn tán về tôi quá nhiều.

Nếu nó không hiểu chuyện này, sau kỳ thi tốt nghiệp có lẽ hai mẹ con sẽ phải nói chuyện nghiêm chỉnh với nhau. Bây giờ tôi sẽ không bực mình với đứa con duy nhất mà tôi đã mang nặng đẻ đau nữa.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27907


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận