Chỉ Để Bay Qua Một Bình Minh Chương 6


Chương 6
Bà quản lý ông học đường

Bà quản lý bảo với ông học đường rằng không thể có vấn đề xịt phòng cho hoa tuy líp được. Ông này cãi bướng, ngược đường lịch sử, ông nói về La Mã cổ đại. Nói mãi, nói mãi, kết cuộc ông bị rơi vào lĩnh vực tình dục học. Để khám phá một chi tiết khoa học, ông nhận xét về cái áo của bà quản lý. Đến lượt bà này gân cổ lên cãi, vấn đề mà bà cãi mang tính sống còn của sinh tử trong vũ trụ, bà hoạt kê tràng giang đại hải những kiểu loại mũ và không quên đính kèm vào chúng kiểu như hình học không gian và vật lý trị liệu. Đã thế thì ông học đường phải trình bày cho tường tỏ những điều mà ông đang quan thiết, ông mê mải nói về sinh dục phụ nữ, từ việc tả hình dáng đến chức năng, tác dụng và bao giờ loài cá cũng được ông đem ra làm ví dụ minh họa. Ông học đường biểu dương các

đường xẻ rãnh nhưng lại chê bai các hố sâu. Bà này tự ái liền mắng ông này bằng cách kể về loài bọ ngựa. Không sao. Ông học đường thừa khả năng liên tưởng và thể nghiệm những liên tưởng, đã đưa tay thọc mạnh vào đũng quần, miệng tả về những con ve bay trên trời mùa hạ, những đàn lũ nghiêng ngả trên biển động rồi hội tụ trên nóc tháp đền. Bà quản lý trợn tròn mắt, liếm môi, nói về những khẩu hiệu của bảy năm bà từng theo nghề diễn ngôn không cần biết nghĩa. Đến nước này thì ông học đường buồn quá vì gương mặt ông nhàu nhĩ như một cục tẩy. Ông học đường trầm giọng rủ rỉ một bài thơ tự họa những tháng năm ông nằm trong bụng mẹ. Ông tả một cái túi, ông tả những chất nhầy, rồi ông tả về dòng chuyển lưu, rồi ông tả về giấc ngủ. Ông gọi đó là ấu thơ chưa biết cười.

Ông cũng gọi đó là hiện hữu tầng sâu và nỗi nhớ chôn vùi. Sau đó ông đi đến một kết luận: Triết học bao giờ cũng mù tịt về nguyên thể. Bà quản lý không đồng ý, bảo rằng cái ngày bà trở thành đàn bà, mặc dù rất sớm, mới mười lăm tuổi, nhưng bà có gặt hái được niềm hạnh phúc. Bà mơ màng kể về cái cơn đau ồ ập rồi mau chóng tan đi nhường chỗ cho những rúng động của đam mê, sợ hãi và sự tự hào thách đố kéo bà vào những nhịp phách mãnh liệt như thể lao vào một cuộc chiến đấu, giành giật. Rồi nỗi buồn của sự chia tay những giọt máu tươi. Nỗi buồn đã bị xé toang cửa sổ. Nỗi buồn làm tổ... Ông học đường vẫn kiên trì quan điểm của mình: Thực ra nguyên thể là không thể có được. Nguyên thể bị kết án trong ý niệm và bị chôn vùi khi ý thức hướng về. Ông còn hùng hồn, thậm chí dùng lời lẽ có vẻ báng bổ khi đoan quyết vấn đề nguyên thể trong vận động của ý thức nhưng có vẻ không chắc chắn về điều đó, ông liền đưa ra một kết luận chắc nịch thứ hai: Nói chung không nên đưa vấn đề nguyên thể vào ý thức hoặc không cần ý thức, gạt nó sang một bên, đóng khung nó lại để chờ đến một dịp thuận lợi sẽ tiếp tục điều tra, vấn tưởng... Bà quản lý ngao ngán nhắc ông học đường hãy thực tế một chút, tập trung câu chuyện về hướng từ bi. Ông học đường vằn mắt, gây gổ, những xảo thuật, ngụy tín là cách tốt nhất để đâm thủng trái tim nhân loại, và bao giờ cũng vậy, giờ chuyển gác luôn diễn ra một cách khôi hài, nhiêu khê, lố bịch, nhưng thể nào cũng có vài tên trung thành mù quáng thích dùng dùi cui, vài tên thì chạy qua hàng rào hét toáng lên những tư tưởng hỏa mù, tất nhiên có một ít kẻ nghiêm túc suy tưởng thì lại chệch đi quá xa đường biên mà bọn hắn từng vạch ra và có lúc đã đúng đường. Bà quản lý nhắc khéo: Thuở trước có một vụ nổ nghiêm trọng, nó làm tổn thương một kẻ nhạy cảm nhất thế kỷ, người này vĩnh viễn không bao giờ còn công nhận những giá trị hiện thực, anh ta sống trong ảo mộng, trong cơn hung bạo của suy tưởng, không bao giờ trở về điểm xuất phát, cũng không bao giờ anh ta đến đích, suy tưởng anh ta dòng trôi miên tục, ào ạt, cứ thế làm xói lở từng tí một những cấu thành thể thức anh ta, nhưng... Ông học đường rõ ràng là đang rất buồn. Bà quản lý nói tiếp, anh ta đánh mất lịch sử, thực sự là thế, trong khi anh ta cứ tưởng bở là mình ôm được lịch sử, sống trong lịch sử và chết trong lịch sử. Rồi bà này mỉa mai, rõ là một cuồng tưởng. Ông học đường đỏ mặt phồng má tưởng sẽ hét toáng lên. Nhưng rốt cuộc ông lại thở dài thườn thượt. Đắc ý, bà quản lý bắt đầu bài thuyết giảng. Trong những con số thì con số hoàn hảo nhất là con số 0. Cuộc đời chúng ta, đã từ lâu lắm rồi, bị trói vào những con số. Chúng ta luôn mò mẫm đi trong nó, bị nó xỏ xiên mà cứ ngộ tưởng là nắm nó trong tay. Nó cười mỉa chúng ta trong bóng tối. Nó hiện hữu chốc lát với chúng ta chính vì ý đồ trêu cợt chúng ta. Chúng ta chìm nghỉm vào chúng, lặn ngụp, hụt hơi mà không tìm nổi điều chúng ta cần. Những con số không bò đi đâu cả, chúng có đấy, lung linh, lúc lắc, lổm ngổm, mà thực sự lại trơ lì, bất động và rất vô tính. Với tuổi, con số bao giờ cũng tìm cách tạo ám ảnh, có khi ám ảnh đến điên loạn, bức tử.

Nhưng ích gì đâu. Con số bền bỉ với chính mình. ý thức của chúng ta đòi nó thay đổi. Nhưng ích gì đâu. Chính là ý thức của chúng ta luôn thay đổi. Vậy làm thế nào? Chúng ta bất lực cả thôi. Những con số chả thương tiếc chúng ta đâu. Chúng ta bị kết án bởi (bằng) những con số... Bà quản lý còn muốn nói nữa nhưng chừng như bà bị hụt hơi. Ông học đường cứ trố mắt ra nhìn. Bà này lúc này lại tỏ thái độ căm tức. Ông học đường cứ bị giật giật hai môi chừng như đang rất muốn nói nhưng chừng như ông đang bị bí từ. Thế rồi thật đột ngột, ông kéo khóa quần lôi ra rồi phun nước ngay trước mặt bà quản lý, thậm chí nước bắn cả lên giày lên tất lên váy bà này. Bà này thay đổi sắc mặt. Bà chăm chú nhìn dòng nước của ông học đường rồi trong khi ông này rùng mình sung sướng và cất nó đi thì bà cất giọng triết lý. Bà bảo nó không còn trong như nước cất nữa rồi. Đã bị lẫn thể tạp. Nhưng sẽ rất tốt. Sự bất lực không phải bao giờ cũng đáng trách. Mà là sự bất lực đáng yêu. Nó sẽ cho ta xem thường dục vọng. Trí tuệ ta sẽ trở nên mẫn tiệp. Là lúc ta sáng tạo chói lòa, sáng tạo không còn điên khùng mà sâu thẳm của suy tư đã dám phản tỉnh, dám chối cả bản thân mình, thậm chí cả vũ trụ. Ta đau khổ hơn đồng thời cũng thanh thản hơn. Ân oán không còn ý nghĩa. Chính ta cũng đang tiến dần đến vô nghĩa, cái này sẽ thực sự hiện hữu là khi ta tự vắt kiệt mình rồi. Kiệt thì chết chứ sao. Chết. Gớm chửa. Chả đe dọa được gì. Chết thì cũng giống một con bọ. Làm người là giai đoạn khổ cực quá rồi. Con bọ là niềm mong mỏi và khát vọng đích thực. Con bọ luôn luôn ở truồng... Ông học đường cứ xệch miệng mà không cười, đầu ông ngúc ngắc chừng như muốn rũ bỏ cái gì đó quá nặng mà ông phải mang. Họ im lặng một lúc khá lâu. Nhìn nhau chăm chú. Hai cái nhìn nối kết đường thẳng. Nhưng không có nhục cảm ở trong nhìn. Rồi nó thông nhau, cũng là lúc ông học đường đã tìm lại được từ. Chỉ có điều từ của ông bây giờ rất đặc biệt. Nó dấp dính như sữa lạc đà: Một thời tôi gọi tên tôi bằng những cung bậc âu yếm. Người yêu tôi khó chịu quá đã bỏ tôi mà đi. Tôi khóc mất bảy hôm. Bảy hôm không ăn uống ngủ nghỉ gì. Chỉ có khóc mà thôi. Mà khóc trong bảy ngày thì bết bát lắm. Tôi chẳng còn nước để mà đi tiểu. Tôi khóc trong nỗi thương xót chính tôi một khả năng tình cảm quá lớn với những biểu hiện quá nồng nhiệt. Người yêu tôi cũng theo nước ấy mà từ bỏ tôi mãi mãi không về cùng tâm tư tôi một giây nào nữa. Sau đó tôi đi tắm giặt. Tôi mới nhận ra rằng đàn bà là điều quá lớn đối với sự hiểu biết của tôi. Như màn đêm buông xuống mặt sông phẳng lặng. Tôi đã chính thức chuyển sang đoạn sống khác.

Tôi tránh gọi tên của tôi. Tránh soi gương. Tránh nhìn vào mắt đàn bà. Nhưng tôi không tránh mơ mộng. Tôi luôn một mình đi đây đó lang thang trong tưởng tượng. Tôi không buồn. Không khổ. Không đau. Không vui nữa. Như một sự sâu sắc. Có những ham thích lạ lùng về suy tưởng. Thích tranh biện với cái bóng. Nhưng tôi yêu mèo con khủng khiếp. Nhưng nó cứ biết động dục là tôi lại cho đi mua con khác về nuôi. Nhưng tôi không chu đáo được như một người mẹ. Tôi thấy loài mèo giống đàn bà. Giống ở sự nũng nịu. Giống ở những nanh ác đột khởi. Giống ở cái mùi ở sự kín đáo đến ngạc nhiên. Tiếng kêu của tính dục... Nhưng tôi không hiểu gì nhiều. Dù sao cũng là những ý thích thế chân. Tôi cụt mất một số điều và mọc thêm một số thứ. Ngại thổn thức và âu yếm. Ngại thương xót. Ngại làm tình. Đến lúc làm tình không còn lên tiếng. Đến lúc tình dục chừng tưởng giải lao. Nhưng giấc ngủ đã quá dài. Quá dài rồi. Thì tôi đi nhìn những đàn bà đái. Thấy tiếng kêu của nó xé ruột. Xèo xèo mà xé ruột. Một ngày kia tôi sẽ thôi giội nước tiểu như thác đổ. Tôi sẽ nhịn nó vĩnh viễn. Giấc mơ còn nhiều. Giấc mơ lớn ấy rồi phải thành công. Tôi ít tin lắm và đã tin thì khó từ bỏ. Mà thực ra cũng có thể đi nằm. Ở chỗ háng luôn có cảm giác của vũng lầy. Chạy bộ cũng được. Nhưng chân tình thì không. Tôi mong muốn cuộc đời thừa... Bà quản lý chăm chú lắng nghe và mỗi lúc một thêm âu yếm. Nhìn vuốt ve. Thông dâm tưởng tượng. Rồi ngồi xuống, ngồi lên bàn chân có giày đen của ông học đường, day đi day lại xuýt xoa. Lát sau nhổm lên, lột giày của ông học đường rồi tưới đẫm bàn chân của ông này. Ông này trang nghiêm rồi run rẩy nhìn bà này mỉm cười. Bà quản lý khoát tay. Trời hôm đó có mây. Và mây thì không bay được. Chim kêu lên quang quác. Gió tắt. Ông học đường phớt gió, mắt nhìn ra phương nam. Bà quản lý mỉm cười rồi khẽ hít hà hơi thở của ông này. Đối thoại ngầm. Chúng ta cứ tưởng chúng ta gặp được đồng loại. Nào ngờ chúng ta lạc loài. Chúng ta lạc loài ngay từ khởi thủy. Hoa tuy líp quá riêng và không chia sẻ được với đất đai nhưỡng thổ. Nó gửi vào đấy quá nhiều hy vọng mà kết tủa chỉ những chúm chím trong khi cần là cần cây quả hạt nhựa.

La Mã thì quá kiêu căng và quá sớm trong tiến trình. Kết quả lịch sử đi mãi những đường vòng. Lịch sử phát cuồng trong những bạo dâm thảm khốc. Người ta nhớ về Hy Lạp với nỗi đau khôn nguôi và cơn giải tỏa chiếm quá nhiều thời gian mà không tẩy đi được ẩn ức. Rốt cuộc ẩn ức chồng ẩn ức. Câu hỏi bản thể thấm đẫm máu người. Mà tính người thì mỗi lúc càng bị lãng quên. Chúng ta chạy trong cơn mê. Mà tính người cứ xa vời vợi. Câu hỏi về người ngày sau dài hơn ngày trước và càng bức thiết bao nhiêu càng mâu thuẫn rối rắm bấy nhiêu. Chúng ta than thở. Chúng ta kêu gào. Không thỏa mãn được. Chúng ta xé rách khoái cảm. Nhảy điên cuồng trong thất bại khoái cảm. Rồi thì trường độ khoái cảm càng ngắn lại. Cô đơn ập chụp dìm chúng ta vào đau khổ. Tính người càng xa. Đạo đức chủ nghĩa thất bại và trở thành ma hời vọng động không bao giờ từ bỏ chúng ta nữa và sẽ luôn quấy rối chúng ta ám ảnh chúng ta kỳ khi nào chúng ta phát điên mới thôi. Chúng ta không khóc được nữa. Nước mắt chúng ta cạn vơi do nhờn với chính cảm xúc và chúng ta sốt ruột muốn trưởng thành. Không được. Chúng ta đành phải bơ vơ bấu víu khi thì cái cọc khi loài cộng sinh khi là giọt nước nhỏ nhoi sơi sớt lại từ thuở kiếp nào. Chúng ta rất muốn mà không thể hài lòng. Và chúng ta hão huyền trong mọi học thuyết. Rốt cuộc chúng ta bị bỏ rơi. Hoang mang bải hoải. Tin rồi không tin. Nhiệt tình hét lên những từ rỗng. Học thuyết nào cũng khởi từ tìm tòi sự thật để đi về giả tưởng. Chúng ta bị mụ mị mê cuồng. Học thuyết không bao giờ ở giữa đời chúng ta, nó luôn có tham vọng đi vào lịch sử và trở thành di sản trùm lên chúng ta, bịt mắt chúng ta, giết chết tư duy chúng ta, tách lìa chúng ta ra khỏi tự nhiên. Chúng ta đi đâu được nữa. Không thể. Lạc rồi. Lạc từ vạn triệu...

Ở những con số cụ thể bao giờ cũng có những tiết điệu không thực. Bà quản lý luận rằng sự gợi cảm của ngôn từ phụ thuộc vào những quãng nghỉ. Ông học đường nối tiếp: ngôn từ là chúa phụ bạc. Kể cả khi tập trung nhất, tìm kiếm nhất, nó phản bội chủ nhân, phản bội ý tưởng, khiến cho chủ nhân bị lố bịch và thường rơi tõm vào đau khổ. Bà quản lý thì quan tâm đến sự mập mờ mà ngôn từ tạo ra và cho đó là những đặc quyền của những phù thủy. Nó không bao giờ có ý nghĩa lớn khi chỉ dừng ở khả năng mô tả. Kể cả khi có những triết gia vĩ đại muốn dùng hình thức này. Biết bao sự ngộ nhận lời của vĩ nhân. Tuyệt đại đa số tầm thường hóa khái niệm của vĩ nhân. Phản bội vĩ nhân bằng sự trung thành mù quáng hoặc bám vào bề nổi của phương pháp. Vĩ nhân cổ xưa không chủ trương đi tìm sự thật chân phương. Họ suy tưởng độc lập và suy tưởng mang tính khoái cảm cục bộ. Tri thức họ tung ra quyến rũ đến mức chính họ luôn mỉm cười trên từng con chữ suốt hàng thiên niên kỷ. Mà bây giờ không có những hoài bão kiểu hồn nhiên như thế nữa. Suy tưởng đã muốn đi vào dục vọng. Hoặc nhuốm dục vọng. Suy tưởng mòn... Ông học đường không phản bác nhưng lại đề cập đến sự bất lực của ngôn từ và sự thất tin vào khả năng của nó. Ông bảo rằng ngôn từ chỉ là cái vỏ không bao giờ chuyên chở được hết tư tưởng. Cái vỏ này thường khô, mốc, mọt ruỗng... Làm chủ ngôn từ là điều ảo tưởng. Dùng ngôn từ để múc cạn suy tư là sự điên rồ. Ngôn từ ngụy tạo. Tư duy ẩn mình. Ngôn từ chỉ là ký hiệu không bao giờ đủ sức đồng hành với chủ nhân. Nó mang người ta vào mê cung. Dìm chế mọi hình thái của tự do. Ngôn từ buồn nản...

Cụt lời ở đấy, ông học đường đưa ngón tay trỏ lên miệng mút chùn chụt. Bà quản lý chăm chú và liếm mép và nuốt khan. Và bất ngờ bà này rên. Ông này hộc. Nhìn nhau. Nhưng bất đồ cả hai quay lưng lại nhau. Họ bước về hai hướng khác nhau... 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86574


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận