Cuối những bãi lúa chiêm mơn mởn kia không thấy một bóng mây mà tiếng sấm cứ ùng ục rền đi. Nhưng không phải tiếng sấm mưa rào. Đây là những cơn sấm mới, sấm khan. Sấm dậy cho những măng trúc măng luồng, măng nứa nghe tiếng, tẽ đất mọc lên. Trong các xóm, những cây bưởi, cây chanh, như mọi năm, hoa trắng, hoa tím ngẩn ngơ chúm chím cạnh những cây na, hoa và lá cùng xanh rờn lẫn vào nhau. Từng đàn bạc má, chim chích bay vào trong cây, cánh hoa rơi như bướm bay. Đêm đến, hươu về đầu nhà ăn quả trám non rụng. Sáng ngày ra, từ quanh làng đến cửa rừng, những tay tre, tay trúc xanh ngắt trổ lủa tủa đan lên trời. Lại đến mùa các phường săn. Tiếng tù và gióng giả ngoài bến. Nhưng không phải tù và phường săn gọi người. Đấy là tù và báo hiệu mảng chở đồng đã về tới. Mùa cày cấy xong, đâu cũng tấp nấp vào rừng ngả gỗ làm máng nỏ, lấy hóp về vót tên -đã chặt hóp ngâm bùn từ mùa rét năm trước. Hầu như thành nghề, các vùng trên ngược thạo đi rừng đẽo máng nỏ, cánh nỏ, vặn thừng da trâu dây nỏ. Các làng ở Vũ Ninh, Mi Linh cho vào đến Hàm Hoan đều đào lò đúc mũi tên đồng, rèn giáo, đinh ba. Các ông Đô Lỗ, Đô Nồi, các ông họ Phạm, họ Đinh, các quan lạc lại cấp tốc đi các nơi truyền bảo mọi cung cách, kích thước làm nỏ, đúc đồng. Tiếng đồn năm ấy vua chủ đi rót lò đồng các làng dọc sông Thiếp ra sông Lú. Mặt nước chỗ nào cũng ve vé thuyền mảng.
Những chiếc bè ghép cây vầu ngộ dày tới mười lớp chở đồng quặng từ các cõi ở vùng Tụ trên thượng nguồn sông con về. Mảng nặng mấp mé chỉ còn nửa ống. Người đẩy sào, chân chạy ngập lấp xấp trên nước. Các cụ xúng xính áo nâu da bò dày kệp, chít khăn chàm tai chó. Mảng vừa ghé bến, tiếng tù và liên hồi rúc. Đàn voi trong làng ra, quì chân, nằm đợi bên mép nước. Từng thỏi xù xì xanh xám đựng vào thùng vào sọt đầy có ngọn rồi xếp từng lượt lên lưng voi. Voi đưa đồng vào đổ xuống trước cửa, xong lại thủng thỉnh trở ra. Các bến sông rộn rịch suốt ngày. Nhưng mà phường săn trong làng vẫn nhớ mùa. Tiếng cồng, tiếng tù và, tiếng chó sủa nhộn nhạo trong rừng. Chiều đến, đồng đã được lấy lên, các mảng dềnh cao lênh đênh ngoài bến, cũng là lúc bọn phường săn trở về. Cả làng càng bận bịu. Cũng khác mọi khi, trẻ bỏ chơi cắm cành móc diều bẫy cuốc. Đám trẻ trong rừng ra, khiêng con nai to như đàn kiến tha cái mồi kềnh càng. Các xóm vui suốt đêm. Từ chập tối, lửa thui nai đã rừng rực. Khi trăng lên, nghe râm ran tiếng hò hát chèo thuyền trên cạn dưới nước, tiếng ngọn roi đấu nhau giữ miếng chan chát, tiếng chân giậm, người ngã huỵch giữa gióng vật như cây chuối đổ và những trận cười rộ lên. Các cô giã gạo lóng đôi hát đối đã bỏ cối bước ra cất tiếng hát chuyển giọng chèo thuyền bắt lời với các chàng trai mới đến.
Bái hồ là huậy
Huầy dô huầy dô
Trong vườn hoa mận hoa mơ
Cùng hoa chiêng chiếng ớ hơ tốt lành
Trong vườn hoa bưởi hoa chanh
Cùng hoa thiên lý quấn quanh cổ nàng ớ hơ...
Ở đâu, người già cũng chăm chú mọi việc tỉ mỉ. Thui con nai cho khéo, da vừa chín giòn mà không nứt lại phải đến các cụ. Đào lò rồi đắp nền, cũng không qua được tay các cụ. Những đống đất thó trắng đã được nhào lại, thấu lại thành tảng mịn như mỡ gấu, lấy ra từng cục như nắm tay, miết thật thục, thật đanh. Từ trong hố đất dần dần đắp lên thành vành lò tròn như miệng giếng thơi, cao một đầu một với. Lò đúc chiêng, đúc trống còn cao hơn, phải đẽo tre làm thang mới leo được lên nóc. Rồi suốt cả tháng, mọi người mải đắp vỉ khuôn mũi tên, ấn những đường đổ đồng chi chít như vết mỏ khoét, vết chân chim. Đôi khuôn ập một, phơi hàng loạt ngoài bãi, cùng ống rót, quả dọi, gáo múc cốt -tất cả đều đất luyện. Đồng hun đến được nước, chỉ có đất thó mới chịu được lửa. Mà cũng chỉ cái đất cửa sông Thiếp ra sông Cái mới thật chịu đựng nổi sức lửa nung nấu dài ngày như thế. Trời bấy giờ còn mát. Buổi chiều chợt thoảng cơn mưa rào nhẹ.
Những trận mưa mới, như mưa thử, mưa qua, mưa có chân đi. Tiếng rào rào ngoài bến vào trên nóc nhà sang búi cây trám, bụi tre rồi xuống rừng, lên đến núi bên kia thì tạnh. Cũng có hôm còn hơi lạnh trở lại. Cả ngày, đám người quanh lò cứ cởi trần trùng trục. Từ sáng sớm, tiếng chiêng chòm đã lên hiệu nhóm lò. Mọi lò trong làng được châm một lượt theo hiệu tù và. Những cụ cao tuổi, cởi trần, thắt lưng chàm bỏ giọt, vung đuốc như múa, chạy từ ngoài bến vào châm lửa. Những đám cỏ tế làm bùi nhùi bén gỗ đã bắt lửa. Các nóc bốc khói mù mịt rồi xanh thẫm. Lửa lên đẹp. Thế là cả ngày, phường săn lại vào rừng. Rồi cuộc chè chén la đà quanh các lò đến khuya. Những lò đúc đượm lửa suốt ngày đêm. Ba hôm, khói dứt lên mái, từ đây tới hôm được nước, toàn đun một giống gỗ nghiến mọc khe đá cho chắc lửa - từng đàn voi vào các chân núi kéo về nguyên cả cây nghiến đã được ngả từ năm trước. Cứ trông màu khói phân vân trên nóc lò mỗi hôm thay đổi, biết lửa tốt, lửa kém mà ngày ngày mổ nai, chọc tiết gấu, đánh cồng, vui hát. Lửa lên đỏ sẫm. Rồi đỏ tím. Đến hôm ngọn khói trắng nhạt, đồng đã chảy, còn sót lại bao nhiêu cuội đá dính quặng đương chìm, chỉ có nước đồng nổi váng trên mặt. Lại chất thêm củi, đẩy cả cây gỗ thúc vào. Nước đồng đã già. Phải giữ độ lửa cho nước đồng lúc nào cũng sánh nhũn ra như lụa vò. Khói chuyển da cam. Nước đồng đã được luyện đẹp. Suốt ngày, ném trầm cháy sực nức quanh lò. Rồi màu đỏ vàng khé sang vàng nhạt. Rồi mặt lò ngùn ngụt khói trắng bông. Mặt lò trắng bông! Đồng đã được nước. Lò đã đượm lửa một tuần trăng đều đều. Mặt lò khói trắng bông rồi. Trong làng im phăng phắc. Theo cái hèm vẫn kiêng xưa nay, các phường săn không mó đến lưới. Trẻ con không ra cửa rừng bẫy cuốc. Không đâu đụng đũa, chơi nhởn. Đâu cũng đợi đến lúc hệ trọng thiêng liêng rót đồng. Vua Thục trên Kẻ Chủ về. Trước tiên ra lò đúc đặt giữa nhà Nồi hầu ngoài Chiêm Trạch. Đoàn thuyền vua chủ tới bến đầu làng sớm tinh mơ.
Tiếng cồng hai bên sông nổi nhịp từ lúc thuyền còn đương ngoài dòng. Cho đến khi trời sáng, trông ra dọc sông thấy chi chít đoàn thuyền ngự đã vào quá ngoài bến mà vẫn chưa trông thấy chiếc sau cùng. Những chiếc độc mộc năm mươi tay chèo, những chiếc thuyền hoa kiệu nhất, siêu nhất ngổn ngang rực rỡ mặt nước. Rồi tiếng phách nhịp cho thuyền đậu, tiếng mõ canh lướt lên lướt xuống. Người đổ ra xem thuyền vua nghìn nghịt hai bên sông.
Bạn chèo gióng giả
Chèo chơi bạn nàng
Huầy dô huầy dô
Bái hồ là huậy
Là hỡi lên dô
Bái hồ là huậy
Là huầy dô huậy
Chèo chơi một mái cò bay
Hỡi bạn nàng hỡi dang tay cho đều
Tưởng như suốt quãng sông Lú ra đến sông Cái, nơi nào cũng nổi tiếng reo, tiếng "dô huậy" hòa trong tiếng cồng nhịp nhịp. Vua Thục cởi dải hai vạt áo chồi đỏ, hàm râu quai nón quết tua tủa trước ngực trần. Các lão ông ra đón vua tận ngoài bến. Nồi hầu đã đi việc quân, về xem các lò đúc dưới Ninh Hải. Bà Đô cùng các lão bà ra đứng đón vua chủ. Đống và Vực cao lớn giữa đám trai làng. Mỗi chú mặc tấm áo giáp da trâu nhuộm cậy, đỏ tía màu mận. Về làng, các chú cũng như trai làng. Trên mặt lò, khói nhẹ nhẹ trắng, vân vân. Vua chủ nhìn lò đồng hồi lâu, rồi hỏi:
- Mẻ này thế nào?
- Đội ơn vua chủ, từ lúc vào lò, mưa thuận gió hòa.
Vua Thục cười:
- Làm sao giữ được tiếng tên đồng Chiêm Trạch như các lò mọi năm.
Một lão ông nói:
- Trong nghề đồng, khó nhất cái đổ khuôn tang, khuôn chân và vào nước cuối rồi mà lúc làm nguội, soi lên vẫn bóng như gương, chục chiếc như một. Nghề đồng đất chúng tôi xưa nay vẫn vững, sánh tày tay nghề phường đúc Hàm Hoan. Xin vua chủ yên tâm.
Vua Thục cười ha hả:
- Bởi thế mà tôi về lò đúc nhà Nồi hầu rót mẻ đồng này để cầu cho tám cõi được như Chiêm Trạch.
Vua Thục cầm chiếc gáo đất, múc vào lò. Nước đồng sóng sánh vàng rực đổ ra ống sáo các khuôn đã đặt sắp hàng ngay ngắn trên giàn sạp đất trước mặt.
Rồi ném áo xuống phản, cũng để trần lưng như các cụ, vua Thục đổ khuôn với các cụ. Suốt buổi sáng, rót hai mươi ống, được trên trăm khuôn. Ngày đổ khuôn đầu tiên, cả vùng mới linh đình thành đám hội. Các lão bà phóm phém nhai trầu đứng thành đám ngoài đầu ngõ, hát nhịp cho các cô gái múa bài bông. Đến tận nửa đêm, mấy chục thuyền vua ngược dòng ra sông Thiếp rời bến từ lâu mà hai bên bờ, những đình liệu, đuốc đóm vẫn rực trời. Tiếng reo vang mãi lên ngược. Các lò rót đồng xong. Mấy hôm sau, ngâm nước phá khuôn. Lại bắt đầu việc làm nguội. Từng đống mũi đồng cao như gò. Người già vẫn đóng vai phường cả, đốc đám trai gái làng ngồi chọn nhặt, cầm đá mài chuốt từng chiếc. Những mũi tên nổi bóng nhọn hoắt. Đám trẻ con lấy mảnh tre cật khía vào lòng mũi sạch hết đất giắt. Rồi lá chuối khô lau nhẵn trong ngoài lưu ly lên như nước. Sau cùng, các lão bà đếm, bó lại từng chục, mỗi chục chầu hai chiếc thành mười hai. Bó tên buộc dây mây chắc như đinh đóng cối. Tải lên kho Kẻ Chủ, quăng quả thế nào cũng không xê xích được. Từng đàn voi thồ mũi đồng lên Kẻ Chủ. Trên bành voi, quản tượng ngồi trang nghiêm giữa những thúng mủng chồng chất các bó mũi. Ra đến ngoài đường, gặp khắp nơi đương như vào hội đem tên mũi, tên đũa hóp đá, cánh nỏ, thân nỏ về các kho. Đoàn thuyền, đàn voi ngựa, xe quệt trâu kéo. Đâu cũng nô nức. Mà trời đất khéo thu xếp. Mọi nơi vừa dẹp các lò đúc, mùa nắng oi nồng thật sự mới đến. Những cơn mưa nặng nề tới trước. Những trận mưa rào liên miên sầm sập, trắng xóa phương trời. Nghe phía nào cũng miên man tiếng mưa. Cả ngày đến chập tối, hết hôm sang mai, vòm trời rưng rưng đổ cơn nước mịt mùng. Dòng sông dềnh lên, ngập vào các bãi, các chân tre, những bụi chuối. Những chân lúa chiêm muộn đã ngập cả. Nước còn ngập ròng rã. Lại đến tao phải mò các vực, các chuôm ở cửa rừng bứt lúa ma về ăn. Một đàn voi lướt thướt chui trong mưa vào xóm. Ông Đô Nồi và ông Đô Lỗ cùng về Chiêm Trạch. Có đến cả chục thớt voi lừng lững vào. Những toán quân quan chạy trước chạy sau rầm rập giữa làn mưa mù mịt. Mưa to thế, mà cả làng đã biết quan quân ta về. Người khắp xóm đội mưa kéo đến. Mấy cụ già bước ra, túm lại hỏi:
- Các đức ông vẫn còn đi giục các cõi đem đồ đúc, đồ mộc về kho à?
- Không phải. Các nơi xong tất rồi. Năm nay, cõi nào cũng xong sớm, vào kho cả, đâu vào đấy.
- Thế hai ông đi đâu mà lặn lội nhường vậy?
Cao Lỗ nói:
- Lên ngược nghe binh tình.
- Binh tình thế nào?
- Ý chừng quân Triệu lại nhăm nhe đấy.
- Ạ hay!
Mọi người lặng yên. Người già không bao giờ quên họa quân Tần ngày trước. Và cả đứa trẻ ẵm ngửa cũng phải trải gian nan quân Triệu năm trước rồi. Những toán người tay cầm giáo, vai đeo cung kéo bộ qua, đi mãi vẫn thấy giáo mác, cánh cung kéo bần bật. Suốt ngày, đâu cũng nghe rùng rợn tiếng đâm chém, tiếng thét hỏi:
- Tống được bao nhiêu lương?
- Người trốn hết rồi, không lấy được hộc nào.
- Đứng lại.
- Chém đầu thằng kia làm răn.
- Đứa nào đi tống lương mà chưa đem về nộp quan đủ gạo, thịt, rượu, phải chết như thế. Khói đốt nhà bốc ngất trời. Tiếng người gào khóc trong lửa. Các nhà chài lưới dưới sông, các làng, các bãi, lại dắt díu nhau chạy vào núi. Những đàn trâu bồn lẫn với người đội người vác. Trốn vào rừng mà vẫn rùng mình nghe tiếng quát, tiếng rú đinh tai. Ai cũng đương nhớ lại. Nhưng ai cũng lại bừng bừng nhớ cảnh quân Triệu năm mới rồi, quân Triệu đã tan tác, chạy chết.
Một cụ già vuốt râu, nói pha trò trống không:
- Ừ mà cũng phải, ta tích trữ binh lương đầy các kho, nhiều quá thì cũng nên đem chia cho bọn Úy Đà với.
Rồi cười ha hả. Mọi người đương đăm chiêu, bỗng cùng cười ran trong tiếng mưa ngoài trời đổ rào rào. Đám trẻ ríu rít đeo thời, đeo giỏ chạy đi nhặt cá rạch lên bãi. Thoáng mắt, cả lũ đã khuất sau làn nước trời xối xả. ít hôm, chỉ còn gặt được khoảng chiêm ven bãi khỏi úng. Những nơi ngập nước, hạt thóc mọc mậm, rụng xuống, thành những chân rộc lúa ma. Lại vào giữa những ngày nắng to. Cả dãy tường thành vòng xoáy ốc hiển hiện lên trên bóng nước. Những cánh hoa súng nở trắng. Những chiếc lá trang tròn xanh lát mặt nước. Con cá quẫy đuôi đớp bóng lá. Chiếc hoa súng lung lay. Trên cao, con bói cá ngỡ động mồi, thả cánh là xuống. Sát mặt nước mới nhận được ra đấy chỉ là chiếc hoa súng. Bói cá lại bay hất lên. Đàn rùa bơi thong thả. Bàn chân móng rùa toẽ ra như chiếc bê chèo đung đưa trong dải nước vàng trời chiều. Bói cá lại tưởng con mồi lên ăn nổi, lao xuống. Lướt ngang mặt nước, bói cá choáng mắt vì bóng hoa gạo đỏ rực rỡ. Suýt con bói cá chúi vào miệng rùa đương hóng mồi. Trên bốn mặt thành, ở mỗi bậc đá có những cánh nỏ chĩa vào khoảng không. Những toán quân túc trực, mắt đăm đăm nhìn ra. Chốc, một ông lạc tướng bước nhanh vào đưa tin mới từ đường ngược về. Quanh thành cấm, lại từng toán hàng trăm lực sĩ lục tục nhô lên. Mỗi người đóng khố điều, lưng để trần, đứng nghiêm hai bên, đợi lượt vào vít cánh nỏ. Những toán khác đương lặng lẽ kéo vào. Đống trầm cao như cây rơm bốc khói thơm ngào ngạt. Vua Thục và Cao Lỗ đương đứng nhìn bàn cờ. Bàn cờ đặt trên tảng đá, bậc dưới cùng, ngay chân bệ nỏ thần. Chiếc chiêng đại dựa bên Cao Lỗ, như một vành khiên úp. Những nét mặt trầm ngâm. Những con mắt chăm chú nhìn quân cờ. Nhưng không phải thế. Dường như bàn cờ trước mặt chỉ để làm cái cớ gợi cho quân tướng những ý nghĩ đương bay vút sang phía trước mặt, bên kia sông. Cao Lỗ đứng dậy, xách chiêng lên. Cao Lỗ ngắm nghía lên vòm trời, rồi kính cẩn nói:
- Quân Triệu đã đến gần rồi.
- Chưa có người về báo mà ông biết được sao?
Cao Lỗ chỉ tay lên những đàn quạ đương lả tả bay xuống:
- Vì quân Triệu trảy đông quá, lại động rừng trên ngàn, chim mới vỡ tổ về nhiều thế kia.
Trời vần vụ mây. Từng đàn cò trắng thấp thoáng ngang trên mặt thành. Cao Lỗ lại nói:
- Cò bay ra nhiều đến thế, quân Triệu đương men các bờ tre ven sông xuống quanh đây rồi. Vua Thục nói:
- Ông định trốn tôi ván cờ này à?
Cao Lỗ nói:
- Được nước cờ cao cũng lợi cho óc nghĩ về việc quân. Nhưng xin vua chủ cho đánh giặc xong đã.
Vua Thục nói:
- Ta đã hẹn ông Đô Nồi đem các tướng Đống, tướng Vực đi xem xét binh tình quân Triệu. Có tin ấy về mới là khẩn cấp. Các tướng trên ngược chưa về, bàn cờ kia cũng vẫn giúp cho ta minh mẫn nước nghĩ trận này mà.
Cao Lỗ nói:
- Đứng đây cũng nhìn rõ bên kia sông rồi. Chẳng nên cố đợi tin Nồi hầu. ở trận mạc, xảy bất trắc là lẽ thường. Bụi đường đã mờ mịt khắp chân trời kia. Xin vua chủ cho tôi lên mặt thành.
Vua Thục hỏi Cao Lỗ:
- Liệu lần này uý Đà có được bao nhiêu quân?
- Nó dốc hết người ra, quyết sống mái với ta một phen nữa.
Vua Thục ôm hai tay lên hàm râu:
- Thế thì nỏ thần ta chỉ phải mất công khó nhọc có lần này nữa thôi. Đã có hai ông lạc tướng trên ụ canh, ông chưa phải đem lệnh lên, cứ thong thả.
Hai hàng quan lạc tướng cầm chiêng, khoác khiên, chống giáo đứng im hai bên. Mặt thành phẳng lặng. Trên ụ canh, sững bóng quan lạc tướng, mặt đăm đăm nhìn chân trời. Phút chốc, bên kia sông đã đen kịt. Như cơn bão nước ập tới. Cả một vùng sông và hào nước quanh thành, quân Triệu đương tíu tít thả thuyền, thả mảng luồng xuống nước. Bóng tỏa sẫm cả dòng sông. Cao Lỗ quay phắt ra:
- Giặc đến trước mặt ta rồi kìa.
Vua Thục đặt một chân lên bệ đá, nhìn xuống.
- Ừ , bây giờ thì vừa hay.
Rồi bảo Cao Lỗ:
- Ông lệnh cho các cánh nỏ.
Cao Lỗ bước ra mặt thành, vươn thẳng tay như treo chiêng lên, nện một dùi. Tiếng chiêng bốn phía đổ hồi theo. Vua Thục phất tay áo. Hai vế bốn mươi lực sĩ nhảy vào. Tám mươi cánh tay vươn lên. Cánh nỏ từ từ cong xuống. Suốt mặt thành, từng đợt tên nỏ bắn ra cờn lên, loang loáng, chằng chịt những làn sóng xám, sóng xanh, sóng vàng, chói lói ngang sông. Vua Thục đến cạnh bệ đá, phất tay liên tiếp. Những mũi tên thần bay. Cánh nỏ vít xuống phăm phắp. Người kiệt sức ngã lăn. Những cánh tay, những đầu gối căng thẳng đến rão gân ra, không co duỗi được nữa. Người lăn lóc như những chiếc trống. Toán lực sĩ khác nhảy vào. Hiệu bắn càng gấp. Cánh nỏ chúc xuống, nhanh như chày giã gạo. Buông tay ra, lại không người nào dậy được. Toán lực sĩ khác lại ùa vào, giẫm lên nhau, gò dây nỏ vào máng. Tới tấp, hỗn độn người chạy, người ngã, người hô hét, người liệt gân lăn xuống. Chiến trận đằng đằng sát phạt ngay giữa mặt thành. Từng làn nỏ khắp mặt thành bắn ra cùng với nỏ thần liền một dải kín như mây đùn từ mặt nước lên. Tiếng nỏ xé gió như sét đánh liên hồi. Một lúc. Tan khói. Những bãi cát ven sông lại lặng lẽ như mọi ngày. Cả một vệt dày đặc quân Triệu lúc nãy đã biến đâu mất. Chỉ thấy những hoa gạo rụng tới tấp, đỏ đọc như những vết máu chảy xuống ròng ròng. Vua Thục chỉ tay:
- Các ông trông kìa.
Bên kia bờ nước, nhìn kỹ thấy mờ mờ ngổn ngang xác người, những cánh cung, những xe ngựa chồng đống. Nhưng cứ im như gò đống bãi tha ma. Từng đàn chim công lượn tròn trên dòng nước rồi lúng liếng, đỏng đảnh theo đuôi nhau đổ xuống bờ thành. Cả trăm, cả nghìn con công đậu. Đuôi công mở ra, lung linh múa. Tròn xoe, rực rỡ biếc xanh, trắng bạch, vàng rực, đỏ hồng. Đuôi công xôn xao chụm lại, xoè ra, quay tròn, lộng lẫy ánh xuống mặt nước. Bên tường thành công múa hóa ra một cánh đồng hoa trà đỏ, hoa mơ trắng, hoa cà tím, vô vàn các thứ hoa kỳ lạ đương rực rỡ nở. Vua Thục cười ngất:
- Các ông trông! Trời sai đàn công về múa mừng ta thắng trận. Bốn mặt thành, tiếng quân reo ầm vang.
Vua Thục vỗ vai Cao Lỗ, lại nói:
- Nỏ thần ta mất công lần này nữa thôi. Quả như lời tôi mà.
Cao Lỗ đứng lặng, nhìn sang sông, rồi nói:
- Phải cho người đi thám xem Úy Đà sống hay chết.
Vua Thục dõng dạc:
- Ta sẽ cho người đi ngay. Bây giờ ông hẵng lấy ngựa ra các cõi báo tin thắng trận. Nội nhật trong ba ngày, kéo về đủ trăm con trâu béo, gạo nếp, rượu.
Cao Lỗ nói:
- Đương còn giữa độ cày!
Vua Thục hỏi lại:
- Ông bảo thế nào?
Cao Lỗ đáp:
- Trâu các cõi hiện đương làm mùa ngoài bãi, chưa đến lệ lấy trâu thịt.
- Nhưng ta phải mở hội khao quân tức thì.
Cao Lỗ cúi đầu giây lâu rồi nói:
- Hằng năm, vua chủ có lệ lấy trâu thịt nhưng cũng chưa khi nào hạn bắt trâu đương làm giữa bãi. Vả chăng, mấy lâu nay, bốn cõi thật vất vả. Nhờ phúc to vua chủ được thần Rùa cho lẫy nỏ, mới đuổi được giặc, thiết nghĩ chẳng nên bắt trâu lúc này...
Vua Thục quắc mắt:
- Ông không biết vui được như ta đương vui rồi. Trông trước mắt kia, từ đây suốt đến Phiên Ngung chưa chắc đã còn thấy đủ bóng nửa con ngựa bố con uý Đà. Thế thì phải hội quân tiệc to đến nhường nào mới bõ công khó nhọc trận này.
Cao Lỗ lặng lẽ như đứng một mình. Tự dưng nhớ lại ngày ở Vũ Ninh về, bỏ cày dưới bãi theo vua. Trải ngoài mười năm giặc Tần phạm khắp cõi. Long đong không lúc nào biết đâu nơi ăn chốn ở. Vua tôi cùng gối đất, có khi phải vặt cỏ ăn, dầu dãi, khó nhọc, chẳng lời nào nói cho thấu hết nỗi. Lúc bấy giờ chỉ mong sao thiên hạ được có ngày vỗ yên, tát cá, cày bãi, dệt vải, đủ cái ăn cái mặc. Vua tôi cũng như mọi nhà, sớm tối được miếng ăn miếng uống. Nghĩ thế đã là nên hội vui rồi. Cao Lỗ nói:
- Vua chủ có nhớ những ngày giặc Tần...
- Việc khi mở nước ấy bao giờ quên được!
- Còn nhớ tôi với chú Đống đem hai con trâu bắt được đi làm kế giết Đồ Thư. Mưu diệt tướng giặc to nhất mà phải mất hai con trâu, vua tôi nghĩ cùng xót ruột. Đến khi giết được Đồ Thư mà còn dắt về được một trâu, ai nấy đều hớn hở.
Vua Thục cười:
- Ta vẫn nhớ chuyện ấy như mới hôm qua. Nhưng mà bây giờ khác xa ngày ấy.
Cao Lỗ vẫn khăng khăng:
- Không, không...
Vua Thục nghiêm mặt, quát:
- Lộng hành lắm, lộng hành lắm rồi. Đi đi cho khuất mắt ta.
Cao Lỗ nhợt mặt, chắp tay, lùi ra. Vua Thục nhấc chiêng, cầm chiếc sừng trâu đong rượu gõ ba tiếng. Một lũ các quan lạc tướng, tay xách giáo, lưng đeo nỏ, lục tục bước tới. Vua Thục nói:
- Lệnh cho các cõi nội nhật ba hôm đem về trâu một trăm con...
Quan lạc tướng lạnh lùng khích một câu:
- Vua chủ mở hội khao quân, ai dám gàn quải!
Vua Thục vẫn chưa qua cơn giận, hét:
- Ông nói ai gàn quải?
Quan lạc tướng sợ quá, bỗng run rẩy:
- Vua chủ khao quân...
Vua Thục gầm lên:
- Trăm con trâu... trăm con trâu...
- Dạ... dạ...
Quan lạc tướng nói:
- Xin cho các cõi cùng được mở hội.
Vua Thục lại cười khà khà:
- Phải, phải, các cõi cùng mở hội khao quân.
Các quan đã lui xuống. Quản tượng đưa voi vào đợi rước vua chủ dưới chân thành. Vua Thục còn dừng lại trước bậc đá. Như nói một mình:
- Nỏ thần! Nỏ thần! Nhờ nỏ thần, ta đã bắn tan Úy Đà, từ nay vững được tám cõi. Của báu nỏ thần trên thế gian chỉ có một mình trong tay ta, chỉ một mình ta có. Cửa thành cấm này không ai được dòm ngó đến. Từ nay cấm ngặt. Cả Cao Lỗ cũng không được đặt chân tới.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!