Tôi xem lại một lượt những tấm ảnh chụp hôm đi La Thị Hải_ , không thì e rằng tôi sẽ không nhớ rõ hôm đó rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Song kỳ thực những gì xảy ra ngày hôm đó có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên, vừa đơn giản, lại vừa khắc cốt ghi tâm. Nhưng tôi kỳ thực cũng không nhớ lắm chuyện xảy ra hôm đó. Tôi xem lại các tấm ảnh một lượt, mơ hồ nhớ lại các tình tiết. Nếu không phải các tấm ảnh đang để ngay trước mặt, sắp xếp theo thứ tự xảy ra của câu chuyện, chắc chắn tôi sẽ hoài nghi những việc này phải chăng thực sự đã diễn ra.
Nhưng quả thực nó đã diễn ra.
Ảnh số 1: Cảnh chụp La Thị Hải từ xa.
Tôi chụp lúc vừa xuống taxi, trong ảnh không có người. La Thị Hải trong ảnh là một hồ nhỏ cao nguyên được các dãy núi xung quanh bao bọc, bầu trời sà xuống rất thấp, sương mù đang từ lưng chừng núi bốc lên, tụ lại với tầng mây trên trời thành những đám mây, có một cột mây màu xám ngắt nối liền trời và đất thành một khối. Nơi đó đang có mưa, cách chỗ tôi chụp ảnh chừng một cây số.
“Chỗ đó đang mưa.” Tôi đặt máy ảnh xuống, chỉ cho nàng xem.
“Chỗ đó đang mưa á?” Nàng hỏi một cách đầy kinh ngạc, và giơ máy ảnh lên chụp.
“Vân Nam thập bát quái_, bên nắng đốt bên mưa bay.” Tôi giải thích.
“Lát nữa chúng ta qua đó thì còn mưa không nhỉ?” Nàng hỏi.
“Mưa chứ.” Tay nài ngựa nói chen vào. Hắn ta khẳng định rất chắc chắn, mà giọng nói còn rất tự hào.
“Chính trận mưa chúng ta nhìn thấy ở ngoài một cây số kia, nó sẽ chạy về hướng chúng ta, lát nữa thôi sẽ rơi xuống người chúng ta đấy.”
Đó là tấm hình đầu tiên chụp cảnh, lúc chúng tôi vừa xuống xe.
Trên taxi chúng tôi đã nói chuyện một hồi, tôi biết nàng là một nhà thiết kế tự do, vừa du học ở Pháp về được một năm, bình thường làm việc cho một văn phòng thiết kế, thu tiền theo từng bản thiết kế. Lần này nhận một đơn hàng thiết kế đồ dùng văn phòng, công ty M&G muốn thiết kế một lô bút mang phong cách Tây Tạng. Nàng bèn đi thực tế, Lệ Giang là trạm đến đầu tiên, tới đây còn đi Đạo Thành_, sau đó vào đất Tạng, rồi đi Nepal, hai tháng sau quay về Thượng Hải để nộp bài thiết kế.
Nghe về nghề nghiệp của nàng tôi rất hâm mộ, tôi liền chẳng nói gì về nghề nghiệp của tôi.
“Anh làm nghề gì?” Nàng hỏi.
“Buôn bán.” Tôi đáp.
“Buôn bán gì cơ?”
“Buôn bán với nước ngoài.”
“Buôn gì với nước ngoài?”
“Cái gì cũng buôn.”
“Thế anh đi Paris chưa?”
“Thường xuyên đi, mới về hồi rồi.” Tôi đáp.
“Em cũng mới về.” Nàng nói.
“Chẳng trách thấy em quen quen.” Tôi nói.
“Ha ha, không biết chừng chúng ta ngồi cùng một chuyến bay cũng nên.” Nàng nói.
Tôi rất muốn nói với nàng chuyện về trang web ttdou.com, định kể với nàng rằng trong túi áo T-shirt của tôi có một cô gái rất giống nàng. Nhưng tôi cứ mãi không nói, tôi hơi ngại, bởi vì cô gái trong túi áo chẳng có liên quan gì cả.
Ảnh số 2: Nàng cưỡi trên lưng ngựa, ngoảnh mặt nhìn tôi cười.
Sự biểu cảm của con người kỳ lạ như vậy đấy, bạn chẳng thể nào miêu tả được. Bạn không thể nói ra góc độ của khóe miệng đang cười hay thứ gì ở trong ánh mắt kia, bạn chỉ có thể cảm nhận nó, rồi lặng lẽ hiểu nó, phục tùng nó. Một nét biểu cảm có thể thay thế trăm ngàn lời nói, chính tích tắc nàng quay lại cười ấy, đã xóa bỏ toàn bộ khoảng cách giữa chúng tôi.
Nàng cưỡi trên lưng ngựa, quay đầu nhìn tôi cười, tôi bấm tách một tiếng chụp lại.
Bây giờ nhìn lại nét mặt của nàng khi ấy, tôi vẫn không biết miêu tả thế nào, chỉ có thể cảm nhận lại một lần nữa sự tin tưởng và cảm giác thân thiết trong nụ cười đó, đó là nụ cười rạng rỡ như đã quen biết bao năm, là vẻ mặt vui sướng mang đầy tình ý của một cô gái xa lạ mà tôi vẫn chưa biết tên.
“Sao em vừa gặp anh đã thân thiết như vậy?” Sau đó tôi hỏi nàng.
“Em không biết,” Nàng nói, “Có thể là do bộ dạng say của anh tối qua rất dễ thương, mà bài thơ anh đọc cũng rất thú vị.”
“Bài thơ đó thú vị thì em đi tìm người làm thơ đi,” Tôi nói, “Anh có số điện thoại của người đó.”
Nàng không đáp tiếng, im lặng một lúc, “Em không cần điện thoại của bất kỳ ai liên quan đến anh.” Nàng nói.
Ảnh số 3: Hình chụp chung chúng tôi đang cưỡi ngựa trên đỉnh núi.
Tấm này do tay nài ngựa chụp, bối cảnh là dãy núi nối nhau dài dằng dặng. Mây đen đè xuống thấp, đám mây đang mưa nằm ở góc phải của tấm ảnh, mịe cha nó vẫn chạy tới chạy lui đổ mưa xuống mặt đất.
“Anh giai đứng sát lại một tý, em gái xinh đẹp ngẩng lên nhìn vào đây.” Tay nài ngựa phát âm không thật rõ.
“Đầu áp gần vào chút.”
“Anh giai đầu ghé sang trái chút, em gái đầu ghé sang phải chút.” Tay nài ngựa nói.
Chúng tôi mỗi người cưỡi một con ngựa, lúc đó tôi đã biết cưỡi ngựa rồi, muốn ngựa đi về hướng nào, thì kéo cương về bên đó. Mõm ngựa bị dây cương ghìm, bạn kéo một cái là chắc chắn nó chuyển động theo; nó không thể không làm theo, nếu không mõm nó sẽ rất đau. Tôi kéo cương về phía nàng, con ngựa liền đứng sát vào (tội nghiệp nó). Hai con ngựa của chúng tôi đứng sát cạnh nhau, tôi và nàng cũng dựa sát vào nhau.
Chúng tôi xích sát lại rồi, trong tim tôi phút chốc dâng lên cảm giác sung sướng khi điều khiển được ngựa, tôi đắc ý quay sang nhìn nàng.
“Tốt,” Tay nài ngựa nói, “Được rồi, nhìn đây nhìn đây, tốt, tốt, tốt, anh giai thơm em gái cái nào!”
“Tay nài ngựa này thật hiểu lòng người.” Tôi nghĩ, nhưng tôi ngượng chưa dám thơm thật, thuận theo câu nói đùa của hắn tôi giả vờ quay sang thơm, và không hề chuẩn bị tâm lý thơm được. Tôi chỉ là cố dẩu môi sang, cười sảng khoái đưa về phía môi nàng.
Tôi liền thơm được nàng.
Nàng ghé má đón lấy môi tôi, độ khó ấy chẳng kém gì giơ tay bắt lấy phi tiêu lạ từ đâu bay tới, thế mà nàng làm được. Tôi bàng hoàng thơm lên đôi má hây hây của nàng.
Đồng chí nài ngựa chính lúc này đây bấm “tách” một cái.
Đó là tấm ảnh số 3. Tôi đang thơm lên má nàng, mắt tôi đang mở, tỏ vẻ rất kinh ngạc, mắt nàng nhắm lại, rất yên tĩnh.
Ảnh số 4: Bóng lưng của tay nài ngựa. Hắn mặc một chiếc jacket màu đỏ, nhăn nhúm, đầu đội một cái mũ lông có đuôi rất hài hước. Cái mũ đó kỳ thực làm bằng da chó, nhưng được nhuộm thành màu của da báo, tôi chụp tấm ảnh này hoàn toàn là để ghi nhớ tấm ảnh trước.
Có người làm thay đổi số phận của người khác một cách hoàn toàn vô thức, song lại hoàn toàn không biết đến số phận ấy. Trên thế giời này đầy rẫy loại người như thế, và thế giới này được tạo thành bởi những người như thế. Kỳ thực rất nhiều khi, chúng ta chính là đám người này, thay đổi số phận của người khác mà hoàn toàn không hay biết, thật giống như một kẻ ngốc nghếch.
Tay nài ngựa thật đúng vô tình, hắn không hề phát giác ra sau khi chụp xong bức ảnh thơm má ấy, hai chúng tôi chẳng ai nói gì. Hắn vẫn say sưa hát bài dân ca Nahsi, muốn khó nghe thế nào hắn hát cho khó nghe thế ấy.
Chúng tôi không nói một lời, cứ thế xuống núi.
Sau đó tôi để ý rằng bài hát của tay nài ngựa vô cùng khó nghe, nên mới chụp lại tấm ảnh này. Từ góc độ này không nhìn thấy thằng cha đó đang hát gì, nhưng tôi nhớ như in hắn đang hát một bài dân ca đặc biệt khó nghe.
Cô gái mà tôi còn chưa kịp hỏi tên lẳng lặng đi phía sau tôi, tôi cũng không quay đầu lại nhìn nàng.
Không phải tôi không muốn quay đầu lại nhìn nàng, muốn đến nỗi chỉ hận tai ngựa không phải là gương chiếu hậu ấy chứ. Song tôi luôn lo sợ lúc quay đầu lại không có ai phía sau, tất cả những gì ban nãy chỉ là ảo giác của tôi thôi.
Ảnh số 5: Thôn bản của người dân tộc Di. Người Di sống trên núi, còn người Nahsi sống dưới thung lũng. Người Di sống tít tận trên núi cao, họ không thích xuống dưới.
Lúc chúng tôi xuống tới chân núi, tay nài ngựa chỉ về phía thôn bản của người Di cho chúng tôi xem. Trên một ngọn núi rất cao, rất xa, ở đầu kia thung lũng, ước chừng xa đến mươi cây số, phía sau lớp sương mù, đó quả thực là một thế giới khác. Chính giữa chỗ mây che sương giáng ấy, giữa vạt rừng màu xanh đen và khoảnh đất ruộng mới được khai khẩn màu đỏ nâu đó, có một vài chấm trắng nhỏ như hạt gạo, hoặc xa hoặc gần chụm lại với nhau, những chấm trắng này chính là nhà của người Di.
Bởi vì tôi dùng tiêu cự xa, lại đang ngồi trên lưng ngựa, nên tấm ảnh này chụp ra có vẻ hơi mờ. Nếu như thời tiết tốt có lẽ đã không mờ như thế, nhưng bấy giờ trời đang âm u. Vừa trời âm u, vừa lấy tiêu cự xa, lại ngồi trên lưng ngựa, tấm ảnh này không thể không mờ được.
Đó là một thế giới tôi không sao hiểu được, cơ hồ nó vốn dĩ đã nằm ở trên trời.
Tôi chụp những tấm hình này chỉ là để nhắc nhở bản thân, ghi nhớ những con người này, họ sống ở trên núi kia, chúng ta không bao giờ có thể đến gần cuộc sống của họ, không bao giờ hiểu được, vĩnh viễn không biết gì hết.
Bọn họ im lìm trên núi, có thể trong dưới mái hiên những ngôi nhà kia đang có người ngẩng đầu dõi nhìn La Thị Hải dưới chân núi, nhìn thấy chiếc thuyền nhỏ trên mặt hồ, nhìn thấy vạt hoa cải ở đây, nhưng họ sẽ không xuống. Sự cố chấp của họ cũng giống như sự cố chấp của tôi, họ không xuống núi, cũng như tôi không ngủ. Đêm nay, tôi viết lại những điều này, nghĩ về bọn họ ở cách xa ngàn dặm giờ đã ngủ say, tôi không quen bất kỳ ai trong số họ, nhưng tôi và bọn họ giống nhau.
Những thôn bản người dân tộc Di to bằng hạt gạo kia chính là bức tranh rung động lòng người nhất của La Thị Hải.
Tôi ghìm cương, chụp những tấm ảnh này, nàng cũng ghìm cương, nhìn về hướng tôi chụp. Lúc đó ngựa của tôi và nàng đi song song với nhau, tôi bỏ máy ảnh xuống, quay sang nhìn nàng, nàng mỉm cười nhìn tôi. Tôi cảm thấy ánh mắt nàng như muốn nói: Đừng vờ vĩnh nữa, em biết anh đã yêu em rồi.
Tôi cùng dùng ánh mắt nói: “Không phải, không thể.” Nói rồi lại thấy có chút không cam tâm, đành im lặng nhìn lưng ngựa. Lúc quay sang nhìn nàng lần nữa, tôi phát hiện trong ánh mắt nàng vừa có một tia ưu buồn chạy qua, chỉ lướt một cái, đã không thấy rồi. Tôi không hiểu được tia ưu buồn đấy chạy đi đâu, tìm một lúc không thấy, trong ánh mắt nàng không còn ưu buồn nữa, chỉ còn lại chút đôi chút hoang mang.
Thời khắc đó, tôi nhận ra người con gái này, nàng chính là vị khách trên trời mà tôi vĩnh viễn không bao giờ hiểu được.
Quỷ mới biết được tôi đã ngồi máy bay, ngồi ô tô cả ngàn ki lô mét đến đây, rồi gặp phải một cô gái như thế này.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!