Sứ thần hai cường quốc đã trao đổi quan điểm về vấn đề Maroc.
Các nhật báo (hè 1911)
Khi tháp chuông làng gióng hồi thứ hai, nửa giờ trước hồi cuối báo buổi lễ Chủ nhật thì Lebrac vĩ đại, mặc chiếc áo vest dạ cắt từ cái áo khoác dài quá đầu gối của ông nó, quần len mới, đi đôi giày cao cổ xỉn cả màu vì được bôi một lớp mỡ dày và đội chiếc mũ cát két bằng da lông, Lebrac vĩ đại, tôi gọi thế, tựa vào tường bể giặt công cộng chờ đồng đội để thông báo tình hình, cũng như thành công mỹ mãn của chuyến đi.
Phía dưới kia, trước cửa quán của Fricot, mấy người đàn ông ngậm tẩu phì phèo đang chuẩn bị “làm vài hớp” trước khi vào nhà thờ.
Lát sau Camus xuất hiện trong chiếc quần mòn vẹt hai đầu gối và chiếc cà vạt đỏ rực như cổ chim hồng thước. Hai đứa mỉm cười với nhau. Rồi đến anh em Gibus khụt khịt như chó đánh hơi, rồi đến Gambette, thằng này vẫn chưa hay biết gì, và sau rốt là Guignard, Boulot, La Crique, Mắt Cá ngáo, Bombé, Tétas và toàn thể chiến sĩ Longeverne, khoảng bốn mươi đứa tất cả.
Năm vị anh hùng của tối hôm qua, mỗi vị phải kể đi kể lại chuyến viễn chinh ít nhất mười lần. Các chiến hữu của chúng, miệng ứa nước bọt và mắt long lanh, nuốt lấy từng lời chúng nói, diễn lại từng cử chỉ của chúng và cứ đến mỗi pha hành động lại nhiệt liệt hoan hô.
Cuối cùng Lebrac tóm tắt tình hình như sau:
“Giờ thì chúng nó sẽ biết bọn mình có phải đồ non hột không!
Xế trưa nay thế nào chúng nó cũng sẽ lại lẻn tới đám bụi cây ở Saute để gây sự. Hết thảy bọn mình sẽ có mặt ở đó để gọi là nghênh tiếp.
Nhớ mang theo mọi giàn ná và dây quăng đá! Không cần mang theo gậy, mình đâu muốn loạn đả. Phải cẩn thận giữ gìn bộ vía Chủ nhật này chứ, kẻo dây bẩn thì về nhà sẽ lại ăn tát.
Chỉ hàn huyên với chúng một đôi câu thôi mà.”
Hồi chuông thứ ba - cũng là hồi cuối - gióng giả hết cỡ thúc giục chúng từ từ đi vào chỗ ngồi quen thuộc trên những cái ghế tí tẹo bên phòng nguyện thánh Joseph, cách phòng nguyện Thánh nữ Đồng trinh của đám con gái một lối đi.
“Chết cha!” Camus buột miệng chửi khi tới dưới tháp chuông. “Đúng hôm nay tao lại phải phụ lễ, rồi tha hồ mà bị lão áo chùng thâm sai bảo!”
Không kịp nhúng tay vào chậu nước thánh thật to bằng đá để làm dấu như các bạn nó khoắng tít khi đi qua, Camus phóng như chớp qua gian giữa nhà thờ để còn kịp khoác áo lễ.
Tới Asperges me(1)_, khi Camus bưng chậu nước thánh đi giữa các hàng ghế để cha xứ nhúng chổi lông vẩy khắp nơi ban phép lành thì nó không thể không liếc nhìn các chiến hữu.
Nó thấy Lebrac đưa Boulot xem tấm hình em gái Tintin tặng nó, một bông tuy líp hay phong lữ, cũng có thể là hoa păng xê, bên dưới đề mấy chữ “Để kỷ niệm”. Camus nháy mắt với Lebrac một cách rất Don Juan_(2)_.
Thế là Camus liền nghĩ đến cô bé Tavie, cô bạn thân của nó, người vừa được nó tặng một chiếc bánh quế giá hai xu mua tại chợ phiên ở Vercel, một chiếc bánh tuyệt đẹp hình trái tim đầy những viên đường đỏ, xanh, vàng lại được tô điểm thêm bằng hàng chữ hợp với nó vô cùng:
Tim tôi đặt dưới chân nàng
Xin nàng hãy nhận - bà hoàng của tôi!
Nó đưa mắt tìm cô bé trong hàng ghế của đám con gái và thấy cô bé cũng đang nhìn nó. Vai trò phụ lễ nghiêm trang khiến nó không được mỉm cười với cô, nhưng nó bỗng cảm thấy tim rộn ràng. Nó hơi đỏ mặt, đứng thẳng người, cầm chắc bình nước thánh.
Hành động này không qua khỏi mắt La Crique. Nó thì thầm với Tintin:
“Xem thằng Camus vênh mặt kìa! Thấy ngay là con Tavie đang liếc nhìn cu cậu!”
Còn Camus thầm nghĩ:
“Bây giờ đi học lại rồi thì hai đứa mình sẽ thường gặp nhau hơn!”
Ừ... nhưng bây giờ lại tuyên chiến rồi!
Sau buổi lễ chiều, Lebrac vĩ đại tụ tập sĩ tốt rồi ra lệnh:
“Bây giờ tụi bay về nhà lấy áo khoác, cầm theo một lát bánh mì rồi tới Saute, chỗ Mỏ Đá của lão Pepiot.”
Chúng tản ra như bầy chim sẻ. Năm phút sau đứa nọ chạy theo đứa kia, miệng ngậm bánh mì, đến tụ tập ở chỗ chủ tướng đã chỉ định.
“Tụi bay không được đi quá khúc quanh đấy,” Lebrac nói với đầy đủ ý thức về vai trò và trách nhiệm của nó với toàn quân.
“Mày tin là chúng sẽ tới à?”
“Nếu không tới thì chúng đúng là một lũ ỉa đùn!” Rồi để giải thích mệnh lệnh vừa rồi nó nói thêm:
“Bọn chúng có vài đứa chạy nhanh lắm, mấy thằng rùa bò tụi bay nhớ đấy! Hiểu chưa, Boulot? Chớ có để bị chúng tóm!
Nhét đá cho đầy túi. Đưa những viên ngon nhất cho đứa nào có giàn thun. Cẩn thận kẻo rơi mất đá! Mình đi tới Bụi Cây Lớn.”
Vùng đất Saute của xã - phía Đông Bắc trải dài tới cánh rừng Teuré, Tây Nam tới rừng Velrans - là một miếng đất hình chữ nhật đã được san bằng, dài khoảng một nghìn năm trăm mét, rộng tám trăm mét. Hai bìa của hai cánh rừng là hai bờ ngắn của miếng đất; chỗ bờ dưới, sát đồng ruộng, bị chắn bởi một bức tường đá, song song với một hàng giậu được một vạt dày những bụi cây bảo vệ; chỗ bờ trên, giới hạn mảnh đất không rõ rệt lắm và được đánh dấu bằng mấy mỏ đá bỏ hoang nằm mất hút trong một cánh rừng vô giá trị gồm những bụi dẻ và phỉ dày kịt không hề được khai thác. Nhưng ngay cả vùng đất này cũng đầy những bụi, những khóm, những lùm cây, những cây mọc rời rạc khiến nó trở thành một bãi chiến trường lý tưởng.
Một con đường trải đá hơi dốc từ Longeverne lên gần như cắt chéo mảnh đất hình chữ nhật này, cách bìa rừng Velrans năm mươi mét nó ngoặt thật gắt để xe cộ chở nặng có thể lên tới đỉnh không quá vất vả.
Chỗ ngoặt này mọc đầy những cụm sồi, bụi gai, lùm mận, khóm phỉ. Người ta gọi nó là Bụi Cây Lớn.
Nằm quanh con đường về phía dưới là những mỏ đá lộ thiên do Pepiot Khoèo chân và Laugu Cối xay khai thác, đây là những kẻ khi say vẫn tự xưng là các nhà doanh nghiệp, rồi đôi khi có cả Abel Chuột nữa.
Còn đối với lũ trẻ thì những mỏ đá này là kho đạn dược tuyệt vời và vô tận.
Từ biết bao năm qua, trên miếng đất định mệnh cách đều hai làng này, những thế hệ trẻ Longeverne và Velrans đã choảng nhau, ném đá nhau và chửi bới nhau cật lực bởi cứ mỗi mùa thu và mùa đông là cuộc chiến lại tái diễn.
Đám trẻ Longeverne thường chỉ tiến tới chỗ ngoặt thôi, chứ không đi hẳn vào con đường vòng, tuy phía bên kia vẫn là đất của làng chúng, cả khu rừng Velrans cũng thế; nhưng vì khu rừng này nằm sát ngay làng địch nên quân địch dùng nó làm chiến lũy, nơi rút quân và ẩn náu an toàn khi bị truy kích, khiến đã đôi lần Lebrac cáu tiết nói:
“Tức chết được! Lúc nào ta cũng có cảm tưởng bị xâm lăng!”
Các chiến sĩ ăn bánh mì xong chưa được năm phút thì Camus - chuyên gia leo trèo - đã leo lên cây sồi cao để canh gác; nó ra hiệu là bên bờ rừng địch có những động đậy rất khả nghi.
“Tao đã bảo mà!” Lebrac reo lên. “Nào, núp ngay đi để bọn chúng tưởng chỉ có một mình tao thôi. Bây giờ tao tiến ra khiêu khích bọn chúng! Gâu, gâu, đớp đi nào! Rồi nếu chúng nhào ra để bắt tao thì... hấp...!”
Nói xong Lebrac bước ra từ chỗ nấp trong bụi gai, bắt đầu cuộc đối thoại theo những cung cách quen thuộc:
(Đến đây bạn đọc nam nữ hãy cho phép tôi được thêm vào một tình tiết phụ và ngỏ một lời khuyên. Để cố gắng có được sự trung thực về mặt lịch sử tôi đã buộc phải dùng thứ ngôn ngữ không thông dụng nơi cung đình hay các phòng khách. Tôi không vì thế mà xấu hổ hay ngần ngại, vì tấm gương của thầy Rabelais đã giúp tôi mạnh dạn. Tuy nhiên vì các ngài Fallières hay Bérenger không thể sánh được với vua Franois I, cũng như tôi không thể sánh được với tấm gương cao quý của tôi, vả lại vì thời thế đã thay đổi, nên tôi khuyên bạn đọc nào có đôi tai tinh tế và tâm hồn nhạy cảm hãy bỏ qua năm hoặc sáu trang. Và bây giờ ta trở lại với Lebrac:)
“Ê, ra mặt đi chứ, đồ khốn kiếp, đồ cà chớn, đồ lười chảy thây, đồ chết tiệt! Nếu mày không phải đồ hèn thì chường cái mặt mẹt bẩn thỉu của mày ra đi!”
“Còn mày, đồ chó chết, lại gần nữa xem nào!” phe địch đáp lại.
“Thằng Aztec(1)_ đấy,” Camus nói. “Tao còn thấy cả thằng Méo, thằng Khoèo, thằng Tatti và thằng Mặt Bánh đúc nữa. Cả một lũ.”
Được thông báo, Lebrac vĩ đại nói tiếp:
“À, hóa ra là mày đấy, thằng đểu! Mày gọi dân Longeverne bọn tao là đồ non hột. Nhưng tao đã cho mày thấy bọn tao có non hột không. Bọn mày hẳn đã phải đem hết áo ra để mà chùi sạch những gì tao viết trên cửa nhà thờ của chúng bay! Bọn ỉa đùn như tụi bay nhất định chẳng bao giờ táo gan đến thế được!”
“Có giỏi thì lại gần tí nữa đi, đồ láu cá to mồm... Mày chỉ được cái nói mồm và có hai cái chân để chạy vắt giò lên cổ mà thôi!”
“Còn mày? Có giỏi thì ra đây, đồ buôn giẻ rách! Không phải vì bố mày sờ dái bò ở chợ phiên thì mày trở nên giàu có đâu!”
“Còn mày thì sao? Cái ổ chó gia đình mày ở ngập đìa giấy nợ đến tận nóc!”
“Mày nợ như Chúa Chổm thì có, đồ ăn mày! Mày định bao giờ thì đeo cái bị ăn xin của ông nội mày mỗi khi chuông báo giờ nguyện đây?”
“Bên tụi tao chứ có phải Longeverne của chúng mày đâu mà gà lăn ra chết đói ngay giữa mùa gặt.”
“Còn bên Velrans thì chấy rận chết ngay trên sọ chúng bay; người ta không biết vì chúng đói hay vì hút máu nữa!
Đồ Velrans
Đáng khinh
Chúa trùm bệnh Murie_(1)
Vua trốn chui trốn nhủi chính là bọn mi.
“A ha!... A ha!... A ha!...” các chiến sĩ Longeverne đồng thanh rộ lên sau lưng thủ lĩnh của chúng. Chúng không thể giấu giếm và kiềm chế lâu hơn nữa lòng thán phục chủ tướng và nỗi căm tức đối phương của mình.
Thằng Aztec đáp lời:
Đồ Longeverne
Ngu như... khẹc
Đồ gắp phân
Bẩn như cóc,
Quỷ tha ma bắt chúng mày!
Đến lượt mình, phe Velrans cũng đồng thanh nhiệt liệt cổ vũ chủ tướng của chúng bằng những tiếng “Ồ! ồ!” kéo dài và nhịp nhàng.
Hai phe chửi nhau xối xả như mưa, như lốc cuốn, như cuồng phong. Rồi hai chủ tướng đều bị kích động cao độ sau khi quẳng vào mặt nhau những câu chửi kiểu cổ điển hay tân thời như:
“Chuyện rõ ràng mà còn bày đặt làm khôn!”
“Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên!” Vân vân và vân vân... Và vì đang quay lại cung cách cổ, nên những lời tố cáo kỳ quặc và kinh tởm nhất đã được chúng lôi hết ra hắt vào mặt nhau với tất cả thái độ bất chính quen thuộc:
“Này thằng kia! Mày còn nhớ lúc mẹ mày đái vào món ăn để làm nước xốt cho mày không?”
“Còn mày có nhớ mẹ mày đã xin bộ dái bò để làm xa lát cho mày không?”
“Thế mày có nhớ cái ngày bố mày than thở rằng thà nuôi bê còn hơn là nuôi một thằng chó chết như mày không?”
“Còn mày? Mày có nhớ mẹ mày từng nói thà cho bò bú còn hơn cho chị mày bú không, vì ít ra như thế thì mẹ mày cũng không phải chứa đĩ trong nhà!”
“Chị tao ấy à,” thằng nọ không có chị song vẫn trả miếng, “chị tao chuyên quậy nhuyễn bơ. Còn bữa nào chị tao quậy cư... thì mày mò tới liếm que. Với lại bao quanh chị tao toàn là đá phiến để lũ cóc nhái nhãi ranh như mày khỏi mơ tưởng hão huyền!”
“Coi chừng!” Camus kêu lên. “Thằng Méo bắn đấy!”
Quả thật ngay lúc ấy một viên sỏi bay vụt trên đầu chúng. Chúng đáp lễ bằng một chuỗi cười nhạo báng. Rồi chỉ lát sau đá của hai bên tới tấp vọt qua khung trời, trong lúc đó chúng vẫn không ngừng vă ng hết nước bọt ra chửi rủa nhau thậm tệ giữa Bụi Cây Lớn và bờ rừng bên kia, vốn liếng ngôn từ của cả hai bên đều dồi dào và được lựa chọn phong phú không kém gì nhau.
Song hôm ấy là Chủ nhật. Hai bên đều đóng bộ vía oách nhất nên không đứa nào, dù thủ lĩnh hay tốt đen, dám ẩu đả vì sợ bẩn quần áo.
Thành ra lần này cuộc chiến chỉ giới hạn ở võ mồm và pháo binh nên không bên nào thiệt hại đáng kể.
Khi nhà thờ Velrans gióng tiếng chuông đầu tiên nhắc nhở buổi cầu kinh thì thằng Aztec ra hiệu cho đồng bọn rút lui, không quên bắn thêm câu nói cực kỳ khiêu khích dưới đây, kèm theo một lời chửi rủa và một viên đá:
“Ngày mai bọn non hột Longeverne tụi bay sẽ lại biết tay chúng ông!”
“Cút mẹ mày đi, đồ hèn!” Lebrac chế giễu. “Cứ chờ đấy, phải rồi, chờ đến mai! Rồi bay sẽ thấy bọn ông làm gì với lũ khốn kiếp như bay!”
Rồi loạt đá cuối được bắn lên để tiễn bọn Velrans rơi xuống cái rãnh giữa đường, chỗ chúng phải đi qua trên đường về.
Phe Longeverne - hình như đồng hồ tháp chuông nhà thờ phe này chạy chậm hay đổi giờ nguyện - nhân lúc phe địch rút lui bèn chuẩn bị cho ngày ác chiến hôm sau.
Tintin nảy ra sáng kiến thiên tài:
“Trước khi bọn chúng tới thì năm hay sáu đứa mình núp trong bụi cây, không được cục cựa. Rồi khi một đứa trong bọn chúng dám lấn xa thì mình sẽ từ lùm cây phóng ra tóm cổ nó.”
Thủ lĩnh trận phục kích chấp nhận ngay kế hoạch này và chọn lấy năm đứa nhanh chân nhất để cùng mai phục trong khi đám còn lại tấn công chính diện. Rồi chúng quay về làng, lòng hừng hực lửa đấu tranh và sôi sục căm thù.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !