Gã tép riu Chương 37


Chương 37
Chỉ một cách hy vọng có hiệu quả: tâm công. Nguyễn Trãi dạy đấy. Chỉ có đánh vào tình cảm mới mong được việc.

Tùng phải đi dự những cuộc họp báo trên địa bàn. Bình thường thì chả có chuyện gì. Nhưng vì nó là cầu nối đến dư luận nên cũng là việc nhạy cảm. Trong những cuộc giao ban báo chí, lãnh đạo hay nhắc anh em, việc này việc kia rất nhạy cảm, đề nghị các báo không đưa tin. Đúng là về mặt chính trị thì thế rồi, nhưng anh em nhà mình, lại trêu cấp trên - mà trêu cấp trên là một nội dung trong mối quan hệ giữa Cấp dưới với cấp trên, giữa những người bị lãnh đạo với người lãnh đạo... Anh em nói ra mồm, cũng chỉ có vài ba chỗ nhạy cảm thôi chứ chỗ đ... nào cũng nhạy cảm thì hóa ra chỉ còn đầu gối, khủy tay, mắt cá chân, gót chân là không nhạy cảm à? Thường các phóng viên đến lấy tài liệu và chế độ bồi dưỡng xong là biến luôn. Người ta vội vã trở về, vội vã ra đi thì anh em nhà báo lặng lẽ đến, lặng lẽ về, làm một cái tin. Còn nhiều cuộc khác phải chạy xô. Áp lực công việc với phóng viên rất cao. Những hội nghị tổng kết của các ngành, ban, đoàn thể, các tổng công ti, công ti, hãng nọ, hãng kia, tập đoàn này, tập đoàn khác, họ cũng muốn báo chí đưa tin, cũng là một chiêu thức quảng cáo. Làm cái tin thì nhoáy một cái là xong. Viêt bài mới cần đọc kỹ, đến tận nơi quan sát, hỏi thêm.

Hôm nay khá đông các nhà báo đến dự đại hội mừng công ở một công ty lớn. Cờ quạt chăng, cắm la liệt dưới những tán cổ thụ, trong vườn hoa. Hệ thống loa truyền thanh vang vang nhưng bài hát thu từ các tiết mục trong liên hoan văn nghệ của công ty, trong đó có cả một bài Công ty ca của một nhạc sĩ chuyện nghiệp. Tùng gặp Giám đốc, vốn là bạn học phổ thông:

-        Này, quân ông có thằng nói ông chẳng ra sao!

-        ???

-        Thế công ti ông có bao nhiêu nữ tất cả?

-        Khoảng 600.

-        Ra thế, nó bảo ông đã ngủ với 599 cô rồi!

Quẩn áo nghiêm chỉnh, vẻ mặt nghiêm trang. Giọng nói nghiêm trọng. Thái độ nghiêm túc. Giám đốc có phần lo lo. Nhưng lại nghĩ, cha này vốn thích đùa nên… Tùng đưa tập báo cáo thành tích gần hai chục trang A4 cho bạn.

-        Ai nghe cũng bán tín bán nghi, tôi thì tin 99%. Bởi nếu không thế, làm sao trong báo cáo, tí nữa ông sẽ đọc trước bàn dân thiên hạ lại rõ ràng giấy trắng mực đen: Ban lãnh đạo công ti chúng tôi kiên trì đường lối lấy DÂM làm gốc?

-        Thật không? Thế có chết không cơ chứ!

-        Đây, trang bảy, đánh dấu rồi...

Ấy là nhơ anh có cách đọc nhanh. Chắc vẫn kịp thu hồi chữa rồi phát lại cho cánh báo chí đã nhận lúc mới đến. Tay nào lấy xong về ngay làm tin mà đọc đến đấy, hẳn phải phì cười. Truyen8.mobi

Được mời đi dự lẽ khại mạc triển lãm ảnh nhân dịp kỉ niệm 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5. Lướt qua một lượt. Tùng gặp anh bạn Giám đốc Trung tâm Thông tin Triển lãm nhận xét:

-        Ông chú thích ảnh thế này không ổn. Cảnh này chụp lúc ông Bí thư Thành ủy, đến dự lễ khởi công công trình thời ông ấy đang làm việc ở Thành phố, với tư cách Bi thư đương nhiệm. Sao lại ghi là nguyên Bí thư Thành ủy. Thế nghĩa la ông lấy chức vụ hiện nay, để chú thích chức vụ thời điểm đã qua, trong một sự kiện đã qua mà bây giờ mọi người mới được xem ảnh. Còn đây...

Tùng kéo bạn đến một tấm ảnh khác :

-        Cố Tổng Bí thư... đi thăm... thì cũng một kiểu sai như vậy, cố tức là chết rồi. Có thăm thú thì thăm công trình dưới âm ti ấy chứ - còn trên kia - anh chỉ khẩu hiệu chạy suốt chiều dài gian chính : Nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm ngày 30/4, giải phóng hoàn toàn Miên Nam, thống nhất Tổ quốc. Đất nước thì có bị chia cắt thật, nhưng Tổ quốc là đất nước ở dạng trừu tượng, không thể chia cắt được.

Giám đốc có vẻ tự ái, buông thõng một câu :

-        Ông chỉ bới bèo ra bọ, báo chí cả nước người ta dùng đầy ra đấy, sao ông không bắt bẻ người ta.

Đúng luc ấy, ông Trưởng ban Tuyên giáo, cũng dự khai mạc, nhưng chức phận lại là duyệt, đi đến, thấy hai người nói chuyện thì ghé vào, hỏi chuyện. Tùng vắn tắt giải thích. Ông ta chăm chú nghe, nhưng không nói đi, cũng chẳng nói lại. Không bảo đúng. Cũng chẳng bảo sai.

Tùng thì không có cái lối lập lờ ấy. Cái gì cũng phải có chính kiến rõ ràng. Nhưng lại nghĩ, như mày thì chỉ làm đến cái chức trưởng phòng là phải. Mày thử đặt mình vào địa vị ông ấy xem. Chuyện nhỏ như con thỏ. Không ai tinh vi đến mức ấy để bắt bẻ. Mà người ta vẫn dùng thế. Chẳng hạn như: mò cua bắt ốc. Láo toét, mày về nông thôn xem. Chỉ có bắt cua trong hang hay đánh giậm, hoặc xúc dưới đám rễ bèo trong đầm, ao, hay, trời nóng quá, nước như ai nấu chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ... là ta chộp bỏ giỏ. Còn ốc ấy à; chỉ mò mới được thôi vì nó kiếm ăn trên mặt bùn nên lẽ ra phải là bắt cua mò ốc chứ.

Nhưng, chẳng nhẽ bắt nó dỡ ra sửa lại à ? Có cần thiết không? Không chết người thì... cứ để đấy.

Làm chính trị là phải linh hoạt như thế, uốn éo như thế, mềm mỏng như thế, cái lối ngang bằng sổ thẳng như mày thì có mà ăn... cứt. Cứt nát, chứ cứt khô cũng chẳng đến lượt mày đâu, gã tép riu hay ngứa mồm, ngứa óc ạ! Đấy, ông ấy đi rồi, mất công trình bày. Không thấy tẽn tò à?

*

Uỳnh một cái, nhiều báo đồng loạt đưa tin vụ một thanh niên treo cổ chết trong trụ sở công an phường X. Thông tin ban đầu là người này xô xát với một đám thanh niên ở gần đấy, anh ta cưỡng lại khi bị đưa về công an phường. Không biết vì lí do gì lại treo cổ tự vẫn. Hàng loạt câu hỏi được các báo đưa ra, nhưng tựu chung đều nghi ngờ về nguyên nhân cái chết. Một số báo còn bóng gió rằng, phải có những cú đấm đá của công an mới chết được.

Thông tin này không liên quan gì đến mình, nhưng vốn cả nghĩ nên Tùng thử hình dung ra câu chuyện. Anh đồ rằng, chắc người thanh niên kia không chịu về công an phường. Mà công an lại quyết đưa về bằng được. Không nghe thì phải giằng co. Giằng co không xong thì phải dùng sức mạnh. Từ sức mạnh co kéo đến sức mạnh của những cú đấm, đá, đạp chỉ là gang tấc. Lúc điên lên, cả hai bên cùng điên lên thì rất dễ không làm chủ được mình. Bên công an vừa là người có quyền, có lực hơn người, vừa đông hơn, vừa cậy gần nhà. Thế là dùng vũ lực. Cái tâm lí của người vừa có quyền vừa có nghệ (võ) là rất thích khẳng định quyền uy của mình. Hơn lúc nào hết, lúc này dùng là phù hợp, là tuyệt chiêu. Ấy là chưa kể đối tượng còn nói năng láo lếu, - Tao có tội gì mà phải về trụ sở ? – Về để làm việc, tha hồ trình bày - Tao không về đ... có chuyện gì phải trình bày… - À mày chống người thi hành công vụ hả ? Lại đấm tao à ? Này thì... này thì…

Chỉ cần xuống quá tay một vài cú đấm, một hai cú đá là đủ chết một mạng người rồi. Tùng nghĩ, đấy là bệnh, thậm chí có thể gọi là tật của những người có quyền, có lực, và nếu có cả súng nữa thì rất dễ rút ra thị uy, và nổ súng là chuyện không hiếm, thậm chí phổ biến, không phải ở ta mà ở khắp thế giới.

Nhớ chuyện năm 1946, Bác Hồ vào trại giam của ty Liêm phóng Bắc Bộ do ông Chu Văn Xương làm trưởng ty yêu cầu thả một số người chức sắc Quốc dân Đảng, trong đó có ông Trần Văn Chương (cha đẻ của bà Trần Lệ Xuân, sau này là vợ ông Ngô Đình Nhu, em ruột và là cố vấn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm). Bác yêu cầu dùng ô tô đưa ông ta về tận nhà. Thấy mặt mũi ông ta bầm tím nhiều chỗ, biết là công an ta ra đòn rồi. Bác hỏi thì ông ta nói tránh đi là bị ngã. - Chắc là anh bị ngã vào phật thủ của quản giáo chứ gì ? Sau đó Bác chỉ thị, không được đánh tù nhân. Về sau, các vị công an nhà ta mới nghĩ ra cách tra tấn phạm nhân bằng cách... cù. Không chỉ cù vào nách mà cù cả vào xương sườn cụt, cù vào bất cứ chỗ nào, miẽn là nó phải cười. Bị cười, cười liên tục, cười quá ngưỡng là cực kỳ khó chịu. Chả biết có ai bị chết vì cười quá ngưỡng không. Cũng chả biết sau đó, và đến giờ còn công an nào áp dụng kiểu tra tấn cù thế không ? Nhưng kiểu tra tấn này đặc biệt hiệu quả khi vợ chồng tra tấn nhau trên… giường.

Nhưng Tùng đoán chắc vẫn còn hiện tượng điên lên, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, dẫn đến chết người. Đằng thằng thì kết luận là ngộ sát. Nhẹ ra thì là tự vệ quá giới hạn. Bắn chết người thì nói là súng cướp cò. Nhưng nhiểu khi, bằng mọi cách lại cố chứng minh rằng họ tự vẫn. Chuyện ấy thuộc về bên công an. Kệ họ, giải quyết theo cách nào êm nhất thì làm. Không liên quan gì đến mình. Ngứa đầu thì miên man thế thôi.

Không dè, chỉ ít ngày sau, Tùng phải trực tiếp giải quyết vụ này.

*

Ngày mai vào giờ ấy, địa điểm ấy sẽ có một cuộc họp báo trá hình. Chỉ đạo từ Ban xuống, bằng mọi cách phải ngăn không cho việc ấy diễn ra. Qua lãnh đạo cao nhất Thành phố, Tùng được chỉ thị của vị Trưởng Ban rằng, chính anh phải làm việc này, vì chỉ anh mới có tư cách hợp pháp để làm việc đó Công an thành phố, quận, phường vòng ngoai, vòng trong xung quanh để phòng bẫt trắc. Nhưng không một ai được ra mặt. Không một ai được ra tay. Vì không đúng chức trách của mình. Vụ việc lại liên quan trực tiếp đến ngành mình. Nếu can thiệp, sẽ gây rắc rối không lường hết được. Bé xé ra to là rất phiền.

Củng không thể dùng biện pháp hành chính để can thiệp, vì không phù hợp với luật pháp. Các dữ kiện khác được biết, làm anh lo lắng thực sự. Chủ trì việc này là một vị cao niên, nguyên Phó Thủ tướng. Một giấy mời được chuyển đến tay anh. Lý do là: Gặp mặt các nhà báo nhân dịp đầu xuân. Vậy là danh nghĩa, họ không họp báo. Nhưng ai cũng biết là gia đình muốn qua cuộc “gặp mặt” này tố cáo với các nhà báo việc con mình bị sát hại.

Tùng băn khoăn rất nhiều. Vụ xin họp báo lần trước thì còn bảo động cơ xấu. Lần này gia đình nạn nhân cho rằng con mình bị sát hại. Lí giải nguyên nhân cái chết ấy của cơ quan có trách nhiệm không thuyết phục được người ta, mà cũng chưa thuyết phục được dư luận. Tùng biết, mình không là cái đinh gì so với vị chủ trì cuộc gặp mặt. Không thể lí sự được như vụ trước.

Cái khó nhất với anh là phải xác định được giữa tình cảm và lí chí. Tình cảm thì nghiêng về cái chết của chàng thanh niên đẹp trai, vừa mới tốt nghiệp đại học, cha mẹ đều là cán bộ có cỡ ở tỉnh. Ông anh họ, một vị tướng tiếng tăm lẫy lừng, đang nắm một trọng trách trong quân đội. Còn ông bác, người chủ trì vụ này thì... thôi rồi Tùng ơi ! Nhưng lí chí công chức buộc anh phải tìm mọi cách để cuộc họp không tiến hành được.

Tung phải thắng được chính mình trong cuộc đấu tranh này.

Ngổn ngang trong cả ý nghĩ. Ngổn ngang trong cả bước đi. Nếu bây giờ vị chủ trì ấy hỏi: anh hãy đặt mình vào vị trí gia đình chúng tôi, rồi tư vấn xem nên làm thế nào thì mày trả lời ra sao? Anh có phải là một người cha không? Đẻ được đứa con, nuôi dạy khôn lớn. Cháu tôi chưa có người yêu, cha mẹ nó chưa được một ngày báo đáp. Bây giờ chết thảm, chúng tôi phải làm thế nào ? Còn công lí nữa. Nó ở đâu, trên đời này. Anh có tin không? Có óc không? Có là con người không? Là con người thì phải biết đau nỗi đau của dân đen con đỏ chứ! Chức trưởng phòng của anh mà to à? Ngày tôi đi hoạt động cách mạng, anh còn chưa đẻ kia. Tuổi Đảng của anh, khéo chưa bằng thời gian tôi đi đái đêm đâu đấy. Chớ có dọa tôi.

Tùng vừa dắt xe vào khu nhà nạn nhân, vừa nghĩ cách đối phó. Đúng lúc ấy, ông đồng nghiệp ngành dọc với anh, nhưng ngồi trên đầu anh, người đã từng chơi anh hai lần trong công việc, nhưng một lần thua, một lần bất thành, dắt xe ra, vội như chạy trốn, nói với lại:

-        Em giải quyết vụ này nhé ! Anh phải đi có việc. Truyen8.mobi

Ngán ngẩm, Tùng lắc đầu. Đã không chào hỏi, giờ không cả trả lời. Chỉ một cách hy vọng có hiệu quả: tâm công. Nguyễn Trãi dạy đấy. Chỉ có đánh vào tình cảm mới mong được việc.

Truyen8.mobi tiếp tục cập nhật đến bạn đọc chương tiếp theo một cách nhanh nhất. Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/15447


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận