Hình Phạt Nhân Đôi Chương 13


Chương 13
Tôi đi như chạy cùng một nữ giám thị trong bộ váy đồng phục màu xanh nước biển sẫm và áo xanh nhạt, súng lục gài ở thắt lưng.

Nữ giám thị bước đi nhanh nhẹn, khuôn mặt nghiêm nghị, có vẻ bực mình vì tôi làm chị chậm giờ. Lại còn hàng loạt cánh cửa mở ra và đóng lại, tiếng kim loại liên tục va đập vào nhau. Đằng sau cánh cửa kính chịu lực, một hàng nữ tù nhân mặc quần áo thể thao chậm rãi đi về hướng các xưởng lao động hoặc phòng tập thể dục. Bộ đồ thể thao dường như đã trở thành đồng phục ở nhà giam nữ thay cho bộ quần áo sọc ngày xưa.

Tôi được biết rằng Giselle Leguerche đã được chuyển từ trạm y tế đến khu biệt giam. Trong lúc chạy dọc theo hành lang dài, tôi tranh thủ hỏi thêm nữ giám thị cùng đi:

- Chắc là quan hệ của chị ta với các nữ tù nhân khác không được cải thiện hơn là mấy?

Tất nhiên là khỏi cần phải nói đến quan hệ với các


giám thị.

- Ở đây chị ta chưa bao giờ có ai là bạn cả. Nhưng có bạn hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tình bạn trong tù cũng mỏng như tờ giấy ấy mà, đấy là chính tù nhân bảo vậy.

 

- Tôi không muốn nói đến một tình bạn thật sự... Ví dụ như quan hệ của chị ta với người cùng phòng giam chẳng hạn...

- À, lại còn chị này nữa! Chị ta được chuyển đi nơi
khác rồi.

- Đến một nhà giam khác à? Tại sao vậy?

Nữ giám thị rảo bước nhanh hơn, vừa đi vừa nói. Tôi có cảm giác là tôi như một con chó xin xương đang ngỏng cổ chờ từng mẩu thông tin được ném ra.

- Chị ta muốn ký "hợp đồng" về vụ Giselle Leguerche.

- "Hợp đồng" có nghĩa là để thủ tiêu Giselle Leguerche à?

- Chị đừng lo lắng vô ích, "hợp đồng" đắt lắm. Chị này nghiện hút không có đồng nào đâu. Lý do để chuyển chị ta đi chỗ khác là vì chị ta cho rằng Giselle Leguerche không bị phạt đúng mức. Chị ta muốn tự tay trừng phạt để làm gương cho người khác. Trong trường hợp này thì cẩn thận là hơn.

Tôi dừng lại, thở dốc:

- Vậy mà tôi nghe nói rằng Giselle Leguerche có quan hệ tốt với bạn tù.

Để trả lời tôi, nữ giám thị dáng thể thao như vô địch Olimpic chỉ thốt ra một tiếng cười ngắn ngủi và nhún vai:

- Vấn đề là thế nào là "quan hệ tốt"...

- Tôi muốn nói là hai người đó ngủ với nhau...

Trúng rồi! Chắc chắn là chị ấy nghĩ rằng tôi không thể biết những loại thông tin kiểu như thế này, và nhất là không thể nói thành lời như thế. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng các bác sĩ tâm thần rất thích những thông tin loại này. Nữ giám thị quyết định nói:

- Tôi chỉ có thể nói là Giselle Leguerche có tiếng là dễ dãi, làm gì cũng được. Ai muốn chị ta thì cứ chỉ việc lấy mà dùng...

- Thế có nghĩa là gì?... Chị ta bị các nữ tù nhân khác hiếp dâm hay là chị ta đồng tình?

Lại một cái nhún vai:

- Khó mà biết được. Chính xác thì nữ tù nhân không có đời sống tình dục, nhưng có một số không thể nào bỏ được. Chắc chắn họ có cách thu xếp với nhau thế nào đó...

Tất nhiên là tôi không thể nào hỏi nữ giám thị này về việc liệu Giselle Leguerche với nữ giám thị bị sát hại có quan hệ tình dục với nhau không. Tất nhiên là điều đó sẽ bị coi là gây bất lợi cho người đồng nghiệp đã thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Tôi nuốt ngược lại câu hỏi đã ở đầu lưỡi và bằng lòng với thông tin mới đáng ngạc nhiên này, thông tin duy nhất mà nữ giám thị dáng thể thao và rất nghi ngờ này đã cho tôi: Giselle Leguerche có tiếng là người cô đơn, là người chỉ biết đến một người đàn ông duy nhất trong đời (và trong một thời gian ngắn), có lẽ đã trở thành một người đàn bà dễ dãi. Thật là kỳ lạ!

 

Phòng giam cách ly còn chật hơn một phòng giam bình thường. Một cái giường hẹp được gắn vào tường, một vòi nước, một lỗ hổng là hố vệ sinh, một cửa nhỏ trổ trên tường có song sắt để không khí lưu thông. Không có đồ đạc gì khác, không có thức ăn dự trữ, ngoài thức ăn do ban quản lý nhà tù đưa đến, không có quyền được người nhà đến thăm, không có tivi, sách vở, âm nhạc, không có gì cả ngoài sự im lặng và thời gian trôi đi chậm rãi. Trong điều kiện này thì ai cũng sẽ phát điên nhanh chóng.

Lỗ theo dõi ở cửa cho chúng tôi thấy Giselle Leguerche đang nằm trên giường. Khi nghe thấy tiếng ổ khóa lách cách và rồi tiếng cửa thép mở ra, chị ta quay mặt lại phía chúng tôi. Đó không phải là một bộ mặt bình thường, mà đúng hơn là cái gì đó còn lại sau vụ bị bạn tù trừng phạt. Tôi đứng như trời trồng ở ngưỡng cửa phòng giam, nhìn chị ta trân trân mà không nói được câu nào. Tôi như thấy một khuôn mặt khác đến che mặt của Giselle Leguerche. Đó là khuôn mặt của người chết nằm trên một cái giường gần giống với cái giường trong phòng giam này, ở bệnh viện Garches. Tôi có cảm giác là người đã chết đang nhìn tôi, rằng Solange đã mượn đôi mắt của Giselle để nhắc tôi rằng tôi đã từ chối không giúp chị ấy.

- Bác sĩ có thể vào, - nữ giám thị nói đằng sau lưng tôi.

Giọng nói cho thấy rằng nếu có thể thì tôi đã bị đẩy vào phòng giam rồi. Tôi dần dần lấy lại tinh thần và nói một cách rõ ràng với một vẻ lạnh lùng có tính toán:

- Xin chị gọi bác sĩ Ballisti đến đây.

- Để lúc nào chị xong đã.

- Tôi đã xong rồi. Nữ tù nhân này đã bị đánh dã man. Chị ta không thể nào chịu đựng được các điều kiện sinh hoạt trong nhà giam. Tôi từ chối làm báo cáo tâm thần.

Chuẩn bị chiến đấu. Cánh cửa phòng giam đóng lại, máy bộ đàm của nữ giám thị rè rè kêu, và khoảng mười lăm phút sau, bác sĩ Ballisti có mặt tại nơi chúng tôi đang đứng. Chạy qua những hành lang dài dằng dặc và vượt qua hàng chục cửa an toàn trong một thời gian ngắn như vậy, rõ ràng anh ta đã thực hiện một chiến công.

Tôi tấn công ngay lập tức:

- Bác sĩ Ballisti, tôi tin chắc rằng anh không phải là một người dã man, nhưng tôi có cảm giác rằng anh làm việc trong nhà giam này lâu quá đến mức quen với các biểu hiện bạo lực và đã mất một số phản ứng cơ bản. Lý do gì cho phép anh cách ly một người trong tình trạng sức khỏe thế này? Anh có cho chụp phim không? Phiếu ghi nhiệt độ? Dây tiếp nước? Tôi nói về việc của một bác sĩ bình thường, chứ không phải là bác sĩ tâm thần đâu.

Tôi nói như với một người không bình thường. Quả thật là tôi cũng gần đi đến chỗ nghĩ như vậy. Trước đó tôi rất kính phục bác sĩ Ballisti bởi công việc của một bác sĩ trong nhà giam không phải là dễ dàng. Nhưng nay thì mọi tình cảm ấy đã bị xóa bỏ, bởi anh ta đã bị nhà giam đục ruỗng từ bên trong. Anh ta không còn phân biệt được đâu là thật và đâu là giả, không còn phân biệt được đàn ông với đàn bà, một người bị trầm uất với một người có nguy cơ bị chết.

- Nhưng chị không hiểu rằng chị ta bị các nữ tù nhân khác trừng phạt à?

- Theo tôi thấy thì họ đã thành công rồi đấy.

Mặc dù bác sĩ Ballisti phản đối, tôi vẫn gọi điện cho nữ thẩm phán để giải thích tình hình và được cho phép chuyển Giselle Leguerche đến một bệnh viện hợp thức. Tôi cố gắng tìm mọi cách để bệnh viện được chọn là bệnh viện Saint-Guy với lý do là nữ tù nhân có vấn đề loạn tâm thần vì bị đánh, ngoài ra còn có lý do khác là vấn đề tâm thần sẽ được đặt ra trong vụ xử án sắp tới.

Bà thẩm phán Irène Kotlas không hoàn toàn tin tưởng rằng một bệnh viện tâm thần là nơi lý tưởng đối với trường hợp này, nhưng tôi giải thích rằng bệnh viện Saint-Guy có một khoa đa khoa, cũng như một số phòng đặc biệt dành cho các bệnh nhân nguy hiểm. Tuy nhiên, Giselle Leguerche cũng không thể bỏ trốn khỏi bệnh viện trong tình trạng như thế này.

Cuối cùng, sau hàng giờ thương thuyết giữa bà thẩm phán, bác sĩ Ballisti, bệnh viện Saint-Guy và tôi, việc chuyển Giselle Leguerche đến bệnh viện được quyết định. Tất nhiên là việc nhập viện này chỉ là tạm thời, và chị ta sẽ quay về nhà giam Fleury khi tình trạng sức khỏe cho phép.

Trong lúc chờ xe cấp cứu, một số người y tá được gọi từ trạm y tế đến đẩy Giselle Leguerche trên cáng đến trước cửa phòng làm việc của nữ trưởng giám thị. Trong phòng làm việc, không khí có vẻ căng thẳng. Bác sĩ Ballisti bực mình vì cái anh ta gọi là "cuộc chiến thần thánh" của tôi và quay về phòng khám ở trạm y tế. Rất kỳ lạ là ở nhà giam này, đáng lẽ phải hài lòng vì đẩy được ca phức tạp này đi chỗ khác thì ai cũng phản ứng như bị tước mất một cái gì đó của mình.

Nữ trưởng giám thị, vẻ ngạo mạn, đưa cho tôi một phong bì bình thường được gửi cho Giselle Leguerche.

- Chị ta mới nhận được cái này hôm nay. Có lẽ là chị có thể tìm ra câu trả lời...

Tôi lật đi lật lại phong bì trong tay, phong bì đã được mở một cách cẩn thận và được người phụ trách thư từ đóng dấu. Nữ trưởng giám thị nhắc tôi:

- Thư gửi cho tù nhân bao giờ cũng phải được mở để kiểm tra. Người ta mang lại cho tôi phong bì này vì không biết có phải chuyển cho nữ tù nhân hay không. Chị có thể cho tôi ý kiến.

Và thấy tôi vẫn do dự, chị ta nói thêm với nụ cười là lạ:

- Chị cứ mở ra xem đi!

Phía trong phong bì không có giấy, chỉ có một túm tóc nâu rất mỏng. Tôi lộn ngược phong bì lên bàn trước mặt. Chỉ có tóc và tóc thôi. Không có địa chỉ của người gửi. Chỉ có tên của Giselle Leguerche và số tù với địa chỉ của nhà giam. Quá ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Chỉ có thế này thôi à?

- Chỉ có thế thôi.

Trong đầu tôi, mọi thứ như nổ tung. Túm tóc này, trong một phong bì nặc danh, tất cả cho thấy có một cái gì đó như một lời cảnh cáo.

Tôi cố gắng giữ bình tĩnh:

 

- Thật lạ nhỉ?

- Quả thật là từ khi tôi làm ở đây, tôi đã thấy đủ trò, nhưng như thế này thì là lần đầu tiên!

- Cái này làm chị liên tưởng đến điều gì? Một biểu hiện tình yêu à?

- Theo tôi thì không. Trong mười năm, chị ta không có ai đến thăm, ngoài bố mẹ.

- Một bạn tù chẳng hạn?

Nữ trưởng giám thị nhăn mặt:

- Tôi không thấy ai có thể làm thế cả. Chị ta không bạn bè với ai. Chị sẽ bảo là tôi bị bệnh nghề nghiệp, nhưng tôi có cảm giác rằng có ai đó muốn cảnh cáo chị ta về một việc gì đó. Nhưng về việc gì thì tôi chịu.

- Tóc này ngắn, rất mỏng…

Nữ trưởng giám thị cúi xuống bàn và cùng tôi nghiên cứu đám tóc.

- Gần như là tóc trẻ con vậy, - chị nói, vẻ trầm ngâm.

Lời nhận xét này làm tôi giật mình như bị điện giật. Tôi không thể kìm mình liền lấy vài sợi tóc xoa xoa trong tay.

Mà nếu quả thật đó là tóc trẻ con? Điều đó có nghĩa là có ai đó ở ngoài tù biết bí mật của Giselle Leguerche. Có nghĩa là có người muốn đe dọa chị ta? Nhưng ai, ngoài bố mẹ chị ta và nữ giám thị bị sát hại, có thể biết điều này? Một người trước kia trong tù à? Đó là câu giải thích duy nhất có vẻ logic. Một nữ tù nhân đã ra tù nay gửi túm tóc này để cảnh cáo. Nhưng bởi lý do gì? Bằng việc sát hại nữ giám thị, Giselle Leguerche đã muốn bảo vệ mình khỏi cái gì?

Nếu tôi là cảnh sát thì tôi đã hỏi gia đình của nữ giám thị đã chết. Nhưng với tư cách của tôi thì không nên nghĩ đến điều đó làm gì. Cho dù tôi có thể tỏ ra có một lương tâm nghề nghiệp đặc biệt thế nào chăng nữa, thì bà thẩm phán cũng không thể cho phép tôi làm điều đó. Không kể là luật sư của gia đình nữ giám thị sẽ làm ầm lên và tôi sẽ bị đuổi ngay lập tức. Tôi quay sang nhìn nữ trưởng giám thị với một vẻ hiểu biết:

- Tôi có cảm giác là có người không muốn điều tốt lành cho Giselle Leguerche.

- Tôi đồng ý với chị. Đám tóc này làm tôi có linh cảm kỳ lạ. Có cái gì đó chết chóc.

Lời nhận xét của một người có chuyên môn trong việc mở thư gửi cho tù nhân này làm tôi càng tin rằng việc gửi thư này hoàn toàn có ác ý. Đó không phải là kết quả trí tưởng tượng của tôi. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, nữ trưởng giám thị nói thêm:

- Nếu người gửi là người tử tế thì đã viết một vài dòng, hoặc cái gì đó...

- Đúng như vậy. Có thể nói là có ý dọa dẫm.

- Vậy thì làm gì bây giờ? Đưa thư cho chị ta hay báo cho cảnh sát?

Mấy người y tá đến báo rằng xe cấp cứu đang chờ. Bây giờ phải hành động rất nhanh. Tôi đề nghị:

- Có lẽ là nên xem thái độ của chị ta như thế nào. Sau đó tôi sẽ nộp phong bì vào hồ sơ.

 

Nhưng thủ tục hành chính ở nhà tù hoàn toàn không đơn giản tí nào, và tôi phải mất nửa giờ đồng hồ mới có thể rời khỏi nhà giam Fleury với chiếc phong bì đặc biệt đó.

 

Khi trở về Trung tâm, tôi làm việc linh tinh trong lúc chờ bệnh viện đã nhận Giselle Leguerche gọi cho tôi. Tất nhiên là còn phải chờ hàng tiếng vì chị ta còn được đưa đi chụp X-quang. Khi đi ngang qua hành lang, tôi bắt gặp Antoine đang trèo lên ghế để treo một mẩu giấy màu tím ở trên cửa phòng thư ký.

- Thuốc khử mùi ấy mà,- anh giải thích một cách đơn giản.

Tôi bác đi với vẻ bình tâm:

 - Không cần đâu. Tình hình sẽ sáng sủa hơn.

- À thế à? Nhưng thế nào cơ chứ?

- Rồi anh sẽ thấy.

Tôi bỏ Antoine ở đấy với điều bí mật này bởi cô thư ký làm việc ban ngày vừa gọi tôi ra nghe điện thoại. Tôi cầm máy với hy vọng sẽ có tin tức của Giselle Leguerche, nhưng đó là Fabrice.

- Tôi gặp cô có được không? – Anh ta hỏi sau khi nói vài câu xin lỗi vì đã làm phiền tôi.

- Lúc nào?

- Lúc nào cũng được. Ngay lập tức cũng được. Cô đến phòng làm việc của tôi được không? Ở khu Defense.

 

Giọng nói có vẻ cảnh cáo không làm tôi có ảo tưởng gì về tình cảm của anh ta, nhưng nếu tôi nhận lời thì không phải là vì tôi muốn làm anh ta hài lòng. Tôi biết rằng việc này có liên quan đến quan hệ của tôi với Hugo và tôi sẵn sàng đấu tranh đến cùng để bảo vệ mối tình của chúng tôi. Đồng hồ của tôi chỉ hai giờ chiều. Chuyến đi đến nhà giam Fleury đã làm tôi mất bữa trưa và tôi chỉ phải quay trở lại Trung tâm trực lúc 18h. Có nghĩa là tôi có đủ thời gian để đến gặp Fabrice và quay về để có thể hỏi chuyện Giselle Leguerche.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87396


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận