Về những biến cố trong mười năm đầu của đời tôi, tôi đã dành cho một số chương gần như xứng với nó, nhưng đây không phải là một câu chuyện tự thuật thực đầy đủ. Tôi chỉ khêu gợi lại trong ký ức những điều tôi thấy hứng thú. Vì vậy bây giờ hầu như tôi lặng lẽ bỏ qua không kể đến quãng thời gian suốt tám năm ròng. Một vài dòng cũng đủ để giữ cho câu chuyện được liên tục.
Khi dịch bệnh đã hoàn thành cái nhiệm vụ tàn hại của nó ở Lôut, nó biến đi dần, nhưng sự tác hại và số nạn nhân của nó đã khiến cho công chúng phải chú ý đến nhà trường. Một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra tai họa này được tiến hành; nhiều sự thực được đưa dần ra ánh sáng, nó kích thích sự bất bình của mọi người đến cao độ. Cái cảnh thiên nhiên độc hại của chốn đó, số lượng và chất lượng thức ăn của học sinh; thứ nước mằn mặn và thối dùng để nấu thức ăn, quần áo tồi tàn của học sinh, tiện nghi thiếu thốn, tất cả những điều đó được đưa ra ánh sáng. Sự khám phá này đem lại một kết quả nhục nhã cho ông Brôckơn-hơc nhưng lại có lợi cho nhà trường.
Nhiều nhà từ thiện giàu có trong vùng giúp những món tiền lớn để xây dựng một tòa nhà đủ tiện nghi hơn ở một vị trí tốt hơn. Người ta đặt ra những điều lệ mới, việc ăn uống và cấp phát quần áo được cải thiện. Ngân sách nhà trường được giao cho một hội đồng quản trị. Ông Brôckơn-hơc, vì giàu và có nhiều họ hàng tai mặt, nên không bị gạt ra ngoài; ông vẫn được giữ chân thủ quỹ, nhưng từ nay có thêm mấy vị nhân từ và có quan điểm rộng rãi hơn ở bên cạnh để giúp ông làm nhiệm vụ. Trong công việc thanh tra của ông cũng có thêm mấy vị toàn là những người biết dung hòa giữa lẽ phải và sự nghiêm ngặt, giữa sự tiện nghi với vấn đề tiết kiệm, giữa sự thông cảm với vấn đề nguyên tắc. Vì việc cải thiện đó, nhà trường đã kịp thời trở nên một tổ chức thực sự cao quý và hữu ích. Sau cuộc cải tổ này, tôi còn ở lại trong bốn bức tường của nhà trường thêm tám năm nữa, sáu năm là học sinh và hai năm làm cô giáo. Và trong cả hai nhiệm vụ này, tôi đã là người làm chứng cho cái giá trị và sự quan trọng của nhà trường.
Trong tám năm ròng đó, đời tôi cứ phẳng lặng trôi, nhưng không phải là không hứng thú, bởi vì nó chẳng phải là cuộc sống trì trệ. Tôi có được những phương tiện để tự trau dồi học vấn cho mình. Sự thích thú đối với một vài môn học, và lại muốn môn nào cũng giỏi, cùng với ý thích làm vừa lòng các cô giáo, nhất là những cô mình yêu mến, những điều đó khích lệ tôi làm việc rất hăng. Tôi đã tận dụng mọi sự thuận lợi đến với tôi. Dần dần tôi trở thành một học sinh giỏi nhất của lớp, rồi tôi được đề bạt làm cô giáo. Trong hai năm trời tôi đảm nhận công việc ấy rất hăng say. Nhưng sau đấy tôi bắt đầu thay đổi.
Cô Tempơn, qua mọi sự biến chuyển, vẫn tiếp tục giữ chức hiệu trưởng của nhà trường. Phần lớn những kiến thức của tôi là nhờ có dạy dỗ mà có, tình thân ái và sự gần gũi của cô bao giờ cũng là nguồn an ủi cho tôi; đối với tôi, cô như một người mẹ hiền, một cô giáo, và sau hết còn là một người bạn. Đúng vào hồi này cô kết hôn với một vị giáo sĩ, một người ưu tú hầu như xứng đáng với một người vợ như cô; rồi cô theo chồng đến một nơi xa xôi, và kết quả là tôi đã mất cô.
Từ ngày cô đi, tôi không còn được như trước nữa. Cô mang theo đi tất cả những nếp tình cảm êm đềm, tất cả những kỷ niệm đã làm cho tôi thấy Lôut phần nào chính là cái gia đình tôi. Tôi đã hấp thụ được ở cô một cái gì thuộc bản chất, và rất nhiều thói quen của cô, những ý nghĩ điều hòa và những tình cảm bót phần xốc nổi đã ăn sâu vào tâm hồn tôi. Tôi đã quen với bổn phận và trật tự; tính tôi trầm tĩnh, tôi tin rằng tôi đã được hài lòng. Trước mắt mọi người và nhiều khi ngay cả đối với chính tôi cũng vậy, tôi tỏ ra là người có kỷ luật và tính nết thuần thục.
Nhưng rồi số mệnh thành hình qua con người ông giáo sỹ Naxmyt, đã tới chia rẽ cô Tempơn và tôi. Sau lễ cưới được ít ngày, tôi thấy cô Tempơn vận bộ áo du lịch bước lên xe. Tôi ngó theo chiếc xe leo lên dốc cho đến khi nó khuất hẳn sau đỉnh đồi cao. Tôi quay về phòng riêng, qua chuỗi giờ hiu quạnh gần hết buổi nhà trường cho nghỉ hôm đó nhân dịp tiễn cô Tempơn.
Suốt buổi, tôi đi quanh quẩn trong buồng. Tôi chỉ nghĩ đến luyến tiếc một cái gì đã mất, và phải làm cách nào hàn gắn lại. Nhưng khi đi tới kết luận, ngẩng nhìn lên, thấy buổi chiều qua rồi, trời đã tối, thì tôi chợt khám phá ra một điều khác là trong khoảng thời gian vừa rồi tôi đã trải qua một quá trình chuyển biến, tâm hồn tôi đã gạt đi tất cả những gì đã vay mượn của cô Tempơn - hay đúng hơn, cô đã mang theo bầu không khí thư thái mà tôi thở hít khi cần cô - và hiện giờ tôi lại quay về với bản chất tự nhiên, và bắt đầu cảm giác thấy rạo rực với những tình cảm xưa cũ. Hình như không phải vì tôi đã mất cái động cơ thúc đẩy. Không phải tôi thiếu cái khả năng bình tĩnh mà chính là vì cái lý do để sống bình tĩnh đã không còn nữa. Mấy năm trời liền, cái thế giới của tôi chỉ quanh quẩn trong phạm vi Lôut, kinh nghiệm cuộc sống của tôi không ngoài những nội quy, điều lệ của nhà trường. Lúc này tôi mới nhớ rằng cái thế giới thực tế bên ngoài thực là bao la, rằng cái phạm vi muôn màu muôn vẻ của những niềm hy vọng và những sự hãi hùng, của những cảm giác và xúc động, đang chờ đợi những ai có can đảm tiến lên, dấn mình vào đó để tìm giữa những nổi hiểm nghèo sự hiểu biết thực tế về cuộc sống.
Tôi bước đến mở toang cửa sổ và nhìn ra ngoài, trước mắt tôi là hai dãy nhà, là mảnh vườn và phong cảnh bao quanh Lôut, là đường chân trời trập trùng sau dãy đồi xa. Tôi phóng tầm mắt vượt qua tất cả mọi vật, để dừng lại trên những vật xa nhất, đó là những đỉnh núi xanh lơ tôi khao khát vượt qua đó. Đối với tôi, tất cả những gì nằm trong phạm vi những ngọn núi và cánh đồng kia hình như là một cái sân trại giam, một nơi đầy ải. Tôi nhìn theo một con đường trắng xóa, ngoằn ngoèo vòng theo chân núi và khuất vào một cái khe giữa hai ngọn núi đá. Ước gì tôi được đi theo con đường ấy mãi! Tôi nhớ lại cái dạo tôi đi xe ngựa trên chính con đường này; và đã xuống khỏi trái đồi kia vào một buổi chiều trời bảng lảng. Từ cái buổi đầu tiên đến Lôut tới nay, tôi thấy như đã qua hàng thế kỷ rồi, từ dạo ấy đến giờ tôi chưa hề rời khỏi chốn này. Những vụ hè tôi cũng ở lỳ tại trường. Bà Rit chưa lần nào gọi tôi về Gactơhet; không những bà, mà cả những người trong gia đình bà cũng chưa có lần nào đến thăm tôi. Tôi chưa hề có thư từ đi lại hoặc tiếp xúc gì với thế giới bên ngoài. Những nội quy nhiệm vụ, tập quán và khái niệm của nhà trường, cùng những giọng nói, nét mặt, những lời chuyện trò, những cách ăn vận và những sự yêu ghét, đấy là tất cả những diều tôi hiểu biết về cuộc sống. Đến lúc này tôi cảm thấy tất cả những cái ấy là chưa đủ. Trong một buổi chiều tôi bỗng chán ngấy những nếp sống của tám năm qua. Tôi ao ước tự do; tôi khao khát tự do; tôi lẩm nhẩm cầu nguyện để được tự do; hình như lời tôi cầu thoảng vào gió nhẹ bay đi. Tôi từ bỏ ý nghĩ đó và lại ước ao một điều hèn mọn hơn, muốn có một sự đổi thay; một sự phấn khích; nhưng ước nguyện này hình như cũng rơi vào chốn hư vô; "Thế thì", tôi kêu lên, hầu như thất vọng, "ít ra cũng phải cho tôi một kiếp sống đầy ải mới chứ!"
Lúc ấy tiếng chuông réo vang báo giờ ăn chiều, tôi phải xuống nhà dưới.
Cho đến giờ đi ngủ, tôi cũng không được tự do tiếp tục những ý nghĩ đã bị gián đoạn, ngay cả đến lúc đó, một cô giáo khác ngủ cùng buồng cũng còn kề cà nói mãi những chuyện chẳng ra đâu vào đâu khiến tôi không thể tiếp tục nghĩ về những điều tôi mong muốn. Tôi ước gì cô ta ngủ đi cho êm chuyện! Hình như chỉ có trở lại với cái ý nghĩ cuối cùng đã đến trong óc tôi, lúc tôi đứng cạnh cửa sổ, thì tôi mới nảy ra được một sáng kiến gì làm cho lòng tôi nhẹ nhõm được.
Cuối cùng rồi cô Graixơ cũng ngáy, đó là một người đàn bà cục mịch ở xứ Gan; cho đến bây giờ cái điệu khò khò thường ngày của cô thường chỉ bị coi là một sự khó chịu. Nhưng đêm nay tôi hoan nghênh những âm điệu trầm trầm đầu tiên của cô với một sự khoan khoái. Tôi đã thoát được sự quấy rối của cô ta; tư tưởng của tôi hầu đã bị xóa mờ, lập tức sống hẳn lại.
"Phải, có một kiếp sống đầy ải mới! Trong ấy hẳn có một cái gì chứ". Tôi nói một mình (dĩ nhiên tôi không nói to ra tiếng). "Mình biết nhất định có một cái gì đây, vì danh từ đó không phải là một danh từ êm đềm thú vị gì lắm; nó không giống những danh từ như: tự do, phấn khởi, vui vẻ; những danh từ này nghe thích tai thật đấy, nhưng đối với mình thì chỉ là những tiếng vô nghĩa, quá rỗng tuếch và quá mong manh, nghe chỉ tổ mất thì giờ. Nhưng một kiếp đầy ải, đó là một chuyện thực tế. Bất cứ ai cũng sống đọa đầy được, mình đã phục dịch ở đây suốt tám năm trời. Bây giờ tất cả mong ước của mình là được phục dịch ở một nơi nào khác. Liệu mình có thể đạt được điều ấy theo ý muốn của mình không? Phải chăng đó là một điều không thể nào thực hiện được? Phải rồi, đúng rồi, đó chẳng phải là một điều khó khăn đến thế. Ta chỉ cần có tinh thần tháo vát để tìm phương tiện là đủ thành công"...
Tôi ngồi dậy trên giường để cho tinh thần được tháo vát như vừa nói... Đó là một đêm giá lạnh, tôi quàng khăn san lên vai rồi tiếp tục suy nghĩ rất lung.
"Mình muốn cái gì đây? Một chỗ làm mới, tại một ngôi nhà nào khác, giữa những bộ mặt mới, trong những hoàn cảnh mới. Mình chỉ muốn có thế, vì có ước vọng hơn thì cũng chẳng được nào. Người ta thường làm thế nào để tìm được một việc làm mới nhỉ? Hẳn là họ phải nhờ cậy các bạn bè; nhưng mình chẳng có bạn bè nào cả. Khối người cũng chẳng có bạn bè gì, phải tự mình xoay xở lo liệu lấy; không biết họ dùng phương kế nào nhỉ?".
Tôi không biết nói thế nào, chẳng có gì trả lời được cho tôi cả. Tôi bèn quyết định tự bắt óc mình phải tìm cho ra cách giải quyết, và phải tìm thật nhanh; đầu óc tôi làm việc mỗi lúc một căng thêm. Tôi cảm thấy mạch máu trong đầu và hai bên thái dương chạy giần giật; nhưng trong gần một tiếng đồng hồ, đầu óc tôi quay cuồng suy nghĩ, kết cục sự cố gắng cũng không đem lại một kết quả gì. Suy nghĩ quá căng mà vẫn vô hiệu làm cho người tôi bừng bừng lên; ngây ngấy sốt, tôi đứng dậy đi một vòng quanh buồng; tôi vén rèm cửa lên ngắm mấy vì sao, thấy rùng mình ớn lạnh, và lại chui vào giường.
Trong lúc tôi rời khỏi giường, hẳn là có một nàng tiên nhân hậu đã buông xuống gối của tôi một sự gợi ý cần thiết; vì lúc tôi đặt mình xuống giường thì tự nhiên một ý nghĩ hiện ngay lên một cách dễ dàng trong óc tôi: "Ai muốn có việc làm thì cứ đăng báo; phải đăng vài dòng lên tờ Sairơ Hêran(1).
"Làm thế nào đây? Mình không biết cách đăng báo".
Lúc này câu trả lời bật ngay ra:
"Mình phải bỏ tờ giấy viết lời đăng báo vào trong một chiếc phong bì và kèm cả số tiền phí tổn nữa, rồi gửi cho ông chủ nhiệm tờ Hêran. Và có dịp đầu tiên nào đến Lôtơn là phải bỏ ngay vào trạm bưu chính ở đấy. Thư trả lời sẽ đề cho J.E. ở trạm Lôtơn; sau khi gửi một tuần, mình có thể lại đấy mà hỏi; nếu có thư đến, mình sẽ cứ việc theo đấy mà tiến hành công việc".
Tôi nhẩm lại cái kế hoạch ấy hai ba lần, cho đến khi nó ăn sâu vào óc, tôi hình dung được nó dưới một hình thức rõ ràng và thiết thực; tôi thấy hài lòng và chợp mắt ngủ thiếp đi.
Sáng tinh mơ ngày hôm sau tôi trở dậy, tôi viết lời đăng báo, bỏ vào phong bì và đề địa chỉ xong rồi, chuông đánh thức học sinh trong trường mới reo vang, lời đăng báo như sau:
"Một thiếu nữ dạy học chuyên nghiệp (thì tôi đã chẳng làm cô giáo được hai năm rồi ư?) cần một chỗ dạy ở tư gia cho các em học sinh dưới mười bốn tuổi (vì tôi nghĩ mình mới vẻn vẹn có mười tám tuổi, không nên nhận dạy những học sinh xấp xỉ tuổi mình). Có khả năng dạy những môn thường thức thuộc nền giáo dục Anh-cát-lợi, cùng với những môn Pháp văn, hội họa và âm nhạc. (Thưa độc giả, so với bây giờ, bản liệt kê về khả năng ấy là ít ỏi, nhưng vào thời ấy như thế đã là dài lắm rồi). Xin hỏi cô J.E. trạm bưu điện Lôtơn".
Tôi để bức thư trong ngăn kéo khóa chặt suốt ngày hôm ấy; sau bữa trà buổi chiều tôi xin phép bà hiệu trưởng mới để đến Lôtơn giải quyết một vài việc riêng cho mình và cho một hai bạn đồng nghiệp nữa. Bà đồng ý ngay, thế là tôi đi. Tôi đi bộ suốt hai dặm đường; chiều hôm ấy mưa, nhưng trời cũng hãy còn sớm. Vào một vài cửa hàng xong tôi đến trạm để bỏ thư rồi trở về dưới trời mưa tầm tã, quần áo ướt sũng, nhưng lòng nhẹ nhõm.
Tuần lễ sau hình như dài dằng dặc, nhưng rồi cũng như tất cả mọi thứ trên thế gian này, cuối cùng dài mấy cũng phải hết, và một lần nữa, vào một buổi chiều thu êm dịu, tôi lại lên đường tới Lôtơn. Con đường thực là mỹ lệ, ven theo bờ suối và lượn vòng rất đẹp trong lòng thung lũng. Nhưng ngày hôm ấy tôi chẳng còn thiết gì đến vẻ đẹp của đồng cỏ, của suối nước, chỉ mải nghĩ không hiểu ở cái thị trấn nhỏ mình sắp đến kia liệu có thư của mình không.
Lần này đi tôi lấy cớ là để đóng đôi giày, nên trước tiên tôi hãy làm cho xong việc đó; khi đã xong, tôi từ hiệu giày đi qua dãy phố nhỏ sạch sẽ yên tĩnh đến trạm bưu điện; tới nơi thấy một bà đã có tuổi ngồi làm việc, đeo kính gọng đồi mồi, tay đeo găng đen. Tôi hỏi ngay:
- Có bức thư nào mới gửi cho J.E. không ạ.
Bà ngước mắt nhìn tôi chằm chặp qua gọng kính, rồi mở ngăn kéo lục tìm một hồi lâu, lâu quá, đến nỗi tôi đã bắt đầu thất vọng. Sau cùng bà cầm một phong thư đọc đến gần năm phút, thò tay ra ngoài quầy đưa cho tôi và đưa mắt soi mói nhìn có vẻ nghi ngờ - phong thư đề gửi cho J.E. Tôi hỏi:
- Chỉ có một bức thư thôi ư, bà?
- Có thế thôi.
Bỏ thư vào túi xong tôi quay về nhà, tôi chưa bóc thư ngay lúc ấy, vì bấy giờ đã bảy giờ rưỡi, mà theo nội quy nhà trường thì phải trở về trước tám giờ.
Còn bao nhiêu công việc khác đợi tôi ở nhà; tôi phải ngồi coi học sinh trong giờ học, rồi đến phiên tôi phải đọc kinh, trông nom cho các em đi ngủ, sau đó còn phải ngồi ăn tối cùng các bạn đồng nghiệp nữa. Cho đến lúc cuối cùng được đi ngủ, tôi cũng không thể nào tránh khỏi cô bạn Graixơ được, ở cây đèn thì chỉ còn một mẩu nến ngắn, tôi chỉ lo cô Graixơ chuyện gẫu cho đến khi chỗ nến cháy hết. Nhưng cũng may mà bữa ăn no nê buổi tối có tác dụng làm cho cô buồn ngủ; tôi chưa cởi quần áo xong thì cô đã ngáy khò khò rồi. Nến vẫn còn một mẩu, tôi mang thư ra đọc. Dấu đóng in chữ F; tôi xé thư ra; nội dung vắn tắt có vài hàng.
"Nếu cô J.E đăng báo Hêran Sairơ tìm việc làm ngày thứ năm vừa qua, thực có đủ những khả năng như đã kể trong báo, và nếu cô còn giới thiệu tốt về tính tình và khả năng thì cô sẽ có một việc làm kèm riêng cho một em gái nhỏ dưới mười tuổi, lương hàng năm là ba mươi đồng bảng. Yêu cầu cô J.E gửi cho giấy giới thiệu, tên tuổi, địa chỉ, và tất cả những thứ cần thiết đến địa chỉ sau đây:
"Bà Fefắc ở Thornơfin gần Mincôt, quận...".
Tôi đọc mãi bức thư, nét chữ cổ lỗ và không được rõ ràng lắm, có vẻ là của một bà già. Điều này tôi thấy càng thẹn, trước tôi vẫn bị ám ảnh bởi một nỗi lo sợ thầm kín rằng cái việc tự tôi định đoạt cho tôi, tự tôi hướng dẫn tôi này, có thể đưa tôi sa vào một cạm bẫy nào đó. Tôi chỉ ước mong những cố gắng của tôi sẽ đem lại một kết quả đáng trọng, đúng đắn, không có gì sai trái cả. Lúc này tôi cảm thấy một người đàn bà có tuổi không phải là một sự phiền hà cho công việc của tôi. Bà Fefắc! Tôi hình dung bà mặc bộ đồ đen, đội mũ góa phụ, có lẽ hơi lạnh lùng nhưng không phải là người thiếu lịch sự, một kiểu mẫu đức tính đáng kính cổ truyền của nước Anh. Thornơfin! Nhất định đấy là tên ngôi nhà của bà, một nơi phong quanh ngăn nắp, tôi tin chắc thế; mặc dù tôi hết sức cố gắng nhưng cũng không tưởng tượng ra được một cái sơ đồ rõ rệt về ngôi nhà. Mincôt, quận... Tôi hình dung trong trí nhớ bản đồ nước Anh; phải, tôi đã nhìn thấy nó, nhìn thấy cả quận lẫn thành phố. So với chỗ tôi ở hiện giờ thì quận này gần Luân Đôn hơn đến bảy mươi dặm, như thế càng thuận lợi cho tôi. Tôi ao ước đến nơi nào có cuộc sống thực sự và hoạt động, Mincôt là một thành phố công nghiệp lớn bên bờ sông A... Nhất định đấy là một nơi khá sầm uất; như vậy càng tốt, ít nhất cuộc sống của tôi được thay đổi hẳn. Không phải trí tưởng tượng của tôi đã bị lôi cuốn vì hình ảnh những ống khói cao ngất và những đám khói mù trời đâu nhưng, tôi lý luận rằng Thornơfin có lẽ ở cách xa thành phố.
Lúc này mẩu nến đã cháy hết và bấc cũng lụi đi tắt ngấm.
Hôm sau, tôi phải tiến hành những bước đầu tiên; dự định của tôi không thể giấu kín ở trong lòng được nữa. Tôi phải nói ra để đạt tới kết quả đầy đủ. Trong giờ chơi buổi trưa, tôi yêu cầu, và được bà hiệu trưởng cho phép gặp. Tôi nói với bà là tôi có ý xin đi làm việc ở nơi khác với số lương gấp đôi ở đây (vì Lôut lương tôi vẻn vẹn có mười lăm bảng mỗi năm), và tôi nhờ bà trình bày giúp với ông Brôckơn-hơc, hoặc với một vị nào trong hội đồng quản trị, để cho tôi biết chắc các ông có đồng ý cấp chứng chỉ cho tôi không. Bà sốt sắng làm trung gian hộ tôi trong việc này. Hôm sau bà nói chuyện lại với ông Brôckơn-hơc; ông ta bảo cần viết thứ hỏi ý kiến bà Rit, vì bà ấy là người đỡ đầu của tôi. Nhà trường bèn gửi thư cho bà ta và thư của bà trả lời rằng "tôi muốn làm gì tuỳ ý, đã từ lâu rồi bà không can thiệp gì đến việc riêng của tôi nữa". Bức thư qua hết tay người này đến người khác trong hội đồng nhà trường và cuối cùng, sau một thời gian chờ đợi khiến tôi rất khó chịu, tôi chính thức được phép tìm một đời sống dễ chịu hơn nếu tôi có thể. Và vì trong thời gian là học sinh cũng như là cô giáo ở Lôut, tôi luôn luôn giữ hạnh kiểm tốt, nên tôi được hứa chắc chắn thêm rằng tôi sẽ được cấp một giấy chứng chỉ tốt về đạo đức cũng như về khả năng, có chữ ký của các vị thanh tra trong hội đồng nhà trường.
Chừng một tháng sau tôi nhận được bản chứng chỉ đó. Tôi gửi một bản sao cho bà Fefăc và tiếp được thư trả lời, trong thư bà nói bà rất hài lòng, và hẹn trong mười lăm hôm tôi phải thu xếp đến nhận chân dạy trẻ ở nhà bà.
Bây giờ tôi rất bận trong việc sửa soạn hành trình; mười lăm ngày trôi qua rất mau. Quần áo của tôi chẳng nhiều nhặn gì dù nó cũng đủ những thứ cần thiết cho tôi; nên đến ngày chót tôi xếp các thứ vào hòm cũng kịp, vẫn cái hòm tôi đã đem từ Gatơhet đến hồi tám năm trước đây.
Chiếc hòm đó đã chằng thừng và trên mặt có đính một tấm "các". Nửa giờ sau sẽ có một người đánh xe ngựa đến chở nó tới Lôtơn, sáng sớm ngày mai tôi cũng phải đến đấy để đón xe ngựa. Tôi chải bộ áo đen mặc đi đường, sửa soạn mũ, bao tay, găng tay lông và lục soát kỹ các ngăn kéo xem còn bỏ quên gì không. Và bây giờ không còn gì phải làm nữa, tôi ngồi xuống, định nghỉ ngơi một lát, nhưng không sao được, mặc dù suốt ngày hôm ấy tôi chưa được ngồi một phút nào, thế mà lúc này tôi không thể nghỉ được lấy một lát; tôi bồn chồn quá. Đêm nay là đêm kết thúc một giai đoạn của đời tôi, sáng sớm mai một giai đoạn mới sẽ mở ra. Không sao chợp mắt được ở khoảng giữa này; tôi đành thức; tâm hồn rạo rực dậy, trong khi sự thay đổi tự hoàn thành.
- Thưa cô, - một chị hầu nói lúc gặp tôi đang đi quanh quẩn ở hành lang như một người tâm thần hỗn loạn, - có một người đứng dưới nhà muốn gặp cô.
"Chắc là người đánh xe", tôi nghĩ bụng và chạy xuống thang gác, không hỏi thêm gì nữa.
Đi xuống bếp tôi phải qua phòng khách sau - phòng khách của các cô giáo viên - cửa phòng mở hé, bỗng một người chạy bổ ra.
"Đúng cô đấy rồi, tôi biết mà; ở đâu mà tôi chẳng nhận ra được cô kia chứ!" Người này kêu lên, giữ tôi đứng lại và năm chặt lấy tay tôi.
Tôi trố mắt nhìn, trước mặt tôi là một người đàn bà ra vẻ một gia nhân, ăn mặc lịch sự chín chắn, nhưng hãy còn trẻ; bộ mặt rất đẹp, tóc và mắt đen nhánh, nước da hồng hào.
- Nào, đố biết tôi là ai nào? Người đàn bà hỏi; nghe giọng nói và thấy người này mỉm cười tôi đã ngờ ngợ. - Chăc cô chưa quên hẳn tôi, phải không cô Jên?
Sau một giây tôi ôm chầm lấy chị và mừng rỡ hôn lấy hôn để. "Betxi! Betxi! Betxi". Tôi chỉ nói được có thế. Chị vừa cười vừa khóc, rồi chúng tôi cùng vào trong phòng khách. Cạnh lò sưởi có một em nhỏ chừng ba tuổi, mặc áo xếp nếp và quần dài.
- Cháu bé đấy, cô ạ. - Chị Betxi bảo ngay tôi.
- Thế chị lấy chồng rồi à, chị Betxi?
- Vâng, đã được gần năm năm rồi; nhà tôi tên là Rôbơ Livơn, anh đánh xe ấy mà; ngoài thằng Bôpby này tôi còn một cháu gái nữa. Tôi đặt tên nó là Jên đấy!
- Thế chị không ở Gatơhet nữa à?
- Tôi ở chỗ nhà xép của bác gác cổng cũ, vì bác ta đã thôi việc rồi.
- Thế nào, mọi người vẫn khỏe cả chứ? Kể cho tôi nghe mọi chuyện về họ đi, chị Betxi, nhưng hãy ngồi xuống đây đã, kìa Bôpby, cháu lại đây ngồi lên lòng cô nhé.
Nhưng Bôpby cứ muốn đứng sát bên cạnh mẹ.
- Trông cô không được lớn lắm, cô Jên ạ! Mà người cũng không đẫy ra nhỉ? - Chị Betxi lại tiếp. - Tôi chắc ở trường, cô cũng không được chăm sóc lắm. Cô Rit(1) cao hơn cô đến một đầu, vai cũng nở hơn cô nhiều. Còn cô Giorgiana thì to lớn gấp đôi cô ấy!
- Giorgiana hẳn xinh đẹp, chị Betxi nhỉ?
- Đẹp lắm, mùa đông vừa rồi cô ấy theo mẹ đi Luân Đôn, ở đấy mọi người đều trầm trồ khen sắc đẹp của cô ta; rồi có một vị quý tộc trẻ tuổi mê cô ta, nhưng gia đình ông này phản đối cuộc hôn nhân! Và rồi, cô có biết không? - ông ta và cô Giorgiana định đưa nhau đi trốn; nhưng chuyện vỡ lở nên cả đôi bị giữ lại. Chính cô Rit đã khám phá ra chuyện đó. Tôi cho là cô này ghen với em. Bây giờ hai chị em sống với nhau như chó với mèo, cãi nhau luôn đấy?.
- Còn Jôn Rit thế nào?
- Ồ, cậu ấy không làm cho bà mẹ vừa lòng chút nào, cậu ấy xin vào trường đại học nhưng bị... trượt, có phải gọi như vậy không nhỉ? Vì thế mấy ông chú muốn cho cháu trở thành một luật sư nên đã cho học luật; nhưng cậu ấy là một thanh niên chơi bời lắm, tôi nghĩ chẳng trông cậy gì được ở cậu ta lắm đâu.
- Bây giờ trông nó thế nào?
- Cậu ấy cao lớn lắm; nhiều người phải nhận là bảnh trai; phải cái tội môi dày quá.
- Thế còn bà Rit?
- Vẻ ngoài thì bà vẫn khỏe mạnh tươi tỉnh, nhưng tôi nghĩ trong lòng bà cũng không được vui. Tư cách của cậu Jôn làm bà rất phiền lòng; cậu ấy phá của bà khối của.
- Có phải bà Rit bảo chị đến đây không?
- Không, nhưng đã từ lâu tôi muốn đến thăm cô nên khi nghe nói có thư của cô gửi về và thấy nói cô sắp sửa đi nơi khác, tôi nhất định đến gặp cô ngay trước khi cô đi xa hẳn.
- Tôi sợ rằng nhìn thấy tôi chị đâm thất vọng, chị Betxi ạ, tôi vừa nói vừa cười. Tôi nhận thấy cái nhìn của chị Betxi có vẻ vì nể, nhưng không tỏ ra một chút cảm phục nào.
- Không, cô Jên ạ, không hẳn như thế đâu; trông cô cũng lịch sự; có vẻ một phu nhân, và chính đó là điều tôi mong đợi đấy, hồi còn nhỏ cô cũng có xinh đẹp đâu.
Tôi mỉm cười vì câu trả lời thẳng thắn của Betxi. Tôi cảm thấy chị nói thật, nhưng cũng phải thú thật rằng không phải tôi không xúc động về lời nói đó, đang tuổi thanh xuân mười tám, ai mà không thích được mọi người khen, nên khi tin chắc rằng mình không có cái bề ngoài để được ca ngợi thì làm gì không khổ tâm.
- Nhưng tôi tin rằng cô có nhiều tài, - Betxi nói tiếp để an ủi tôi. - Cô biết những gì? Cô đánh đàn dương cầm được chứ?
- Đại khái thôi.
Trong buồng có một chiếc dương cầm, Betxi chạy lại mở nắp đàn và yêu cầu tôi ngồi đánh một bài cho chị nghe. Tôi chơi bài vanxơ làm cho chị rất thích thú.
Chị hớn hở bảo tôi:
- Các cô Rit đánh đàn chẳng hay được như cô. Tôi vẫn thường bảo về sự học thì cô sẽ vượt họ mà, thế cô có biết vẽ không?
- Kia, một trong những bức tranh tôi vẽ treo phía trên lò sưởi kia kìa!- Đó là một bức họa phong cảnh bằng thuốc nước, tôi tặng bà hiệu trưởng để tỏ lòng biết ơn bà đã đứng trung gian vận động hộ tôi với hội đồng nhà trường; bà đã lồng kính và đóng khung để treo.
- Ồ, đẹp lắm, cô Jên! Nó xứng ngang với bất cứ bức họa nào của ông thầy dạy vẽ cho cô Rit, chứ đừng nói đến các cô ấy nữa; các cô ấy thì một đời cũng không bằng. Cô đã học tiếng Pháp chưa?
- Có, Betxi ạ, tôi có thể đọc và nói được.
- Thế cô có thể khâu được loại lụa tơ và vải bố không?
- Được chị ạ.
- Chà! Cô là một phu nhân hoàn toàn, cô Jên ạ! Tôi đã biết trước thế nào cô cũng được như thế mà. Cô sẽ thành công, dù bà con thân thích của cô có nhìn nhận cô hay không cũng thế thôi. Cô có bao giờ được tin gì của họ hàng đằng quê nội cô, dòng họ Erơ, không?
- Chẳng bao giờ được tin gì cả.
- Này, chắc cô cũng biết bà Rit thường bảo họ hàng cô đều là những người rách rưới đáng khinh bỉ chứ; có thể là họ nghèo, nhưng tôi tin rằng dòng dõi cũng chẳng kém gì họ nhà bà Rit. Vì một hôm cách đây đã gần bảy năm, có một ông tên là Erơ đến lâu dài Gactơhet nói rằng muốn gặp cô. Bà Rit bảo cô đã đi học cách xa những năm mươi dặm; ông ấy có vẻ thất vọng lắm vì không thể nào nán lại được; ông sắp phải đi xa ra nước ngoài, mà chỉ trong vòng một hay hai hôm là tàu rời khỏi Luân Đôn. Ông có dáng một người rất sang trọng và tôi đồ là chú của cô.
- Thế ông ấy định đi nước nào, hở chị?
- Một đảo xa cách hàng ngàn dặm, nơi sản xuất rượu vang, bác quản gia bảo tôi thế.
- Mađêra, tôi gợi ý.
- Phải rồi, đúng đấy... chính là tiếng ấy đấy.
- Thế ông ấy đi ngay chứ?
- Vâng, ông ấy chỉ ở chơi có vài phút. Bà Rit rất hợm hĩnh đối với ông. Sau khi ông đi rồi, bà bảo ông ta là một tay "lái buôn biển lận", nhưng theo ý Rôbơ nhà tôi, thì ông là một nhà buôn rượu vang.
- Chắc là thế đấy, - tôi trả lời, - hay có thể là một người làm công hoặc một người chào hàng cho một hãng buôn rượu vang.
Betxi và tôi kể lại những chuyện dĩ vãng chừng gần một tiếng đồng hồ nữa, rồi chị phải giã từ tôi. Sáng hôm sau đến Lôtơn, lúc đợi xe, tôi còn gặp chị thêm vài phút nữa. Rồi chúng tôi chia tay nhau trước cửa quán "Brôckơn-hơc Arms"(1), mỗi người đi một ngả. Chị đi lên đỉnh đồi Lôut để đợi xe về Gatơhet. Còn tôi thì lên chiếc xe đưa tôi đến làm một nhiệm vụ mới và một cuộc đời mới, ở một nơi xa xôi nào đó vùng Milôt.
1. Tờ Sairơ Hêran: một tờ báo hàng quận;.... Sairơ (shire) chỉ tên một quận nào đấy mà tên kết tận bằng "shire" (Vi dụ: Yorkshire, Lancashire v.v...) (NXB).
1. Bên Anh thường lấy tên của gia đình để gọi người con gái đầu lòng.
1. "Brôckơn-hơc Arms": tên một quán ăn (arms = huy hiệu). Quán ăn thường đặt theo tên lãnh chúa đất. Xem chương XXXVI, quán "Roochextơ Arms- (NXB)