Jên Erơ Chương 17


Chương 17
Một tuần trôi qua, không có tin tức gì của ông Rôchextơ. Mười ngày rồi vẫn chưa thấy ông về.

 Bà Fefăc bảo, nếu ông Rôchextơ đi một mạch từ lâu đài Li tới Luân Đôn, rồi lại từ đấy sang lục địa và một năm sau mới quay về lâu đài Thornơfin, thì cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Vì ông đã quen bỏ đi một cách đột ngột và không ngờ như thế rồi. Nghe nói vậy tôi bắt đầu cảm thấy tê tái. Tôi đau đớn thất vọng.

Nhưng cố tập trung tinh thần và nhớ lại những nguyên tắc của mình, tôi lập tức đưa tình cảm của tôi vào khuôn khép. Kể cũng lạ, sao tôi lại thắng được sự mềm yếu nhất thời, và gạt bỏ được cái sai lầm cho việc ra đi của ông Rôchextơ có một chút liên quan nào đó đến cuộc đời của tôi. Không phải tôi tự hạ mình với ý thức nô lệ của kẻ dưới; trái lại, tôi tự bảo:

"Mi chẳng có quan hệ nào khác với ông chủ lâu đài Thornơfin, ngoài việc nhận số tiền lương dạy học Ađen, và tỏ lòng vì cách đối xử quý trọng của ông mà mi có quyền được hưởng, nếu mi làm đầy đủ bổn phận. Hãy tin chắc đó là mối ràng buộc duy nhất mà ông chủ có thể công nhận giữa mi và ông ấy, cho nên chớ coi ông ta là đối tượng cho những tình cảm êm đềm, cho lòng say đắm và những đau đớn của mi, và vân vân... ông ấy không thuộc cùng một giai cấp với mi, hãy giữ lấy phận mình; phải biết tự trọng, chớ có phung phí tình yêu của cả trái tim, tâm hồn và sức mạnh của mi vào nơi người ta không cần đến và có thể còn coi khinh nữa".

Tôi vẫn bình thản tiếp tục công việc hàng ngày, nhưng đôi khi có ý nghĩ mơ hồ thoáng qua óc tôi, gợi ý những lý lẽ khiến tôi nên từ giã Thornơfin, bất giác tôi sắp đặt những lời đăng báo và dự đoán những hoàn cảnh mới. Tôi cho rằng không việc gì phải kiềm chế những ý nghĩ này; nếu có thể tha hồ cho chúng cứ nẩy mầm kết quả.

Ông Rôchextơ đi vắng đã hơn mười lăm ngày, bỗng bà Fefăc nhận được một bức thư. Nhìn địa chỉ ngoài bìa, bà Fefăc nói:

- À, thư của ông chủ; bây giờ thì chắc ta có thể biết được là ông có trở về hay không đây.

Trong lúc bà bóc dấu xi và đọc thư, tôi vẫn tiếp tục uống cà phê, lúc ấy là bữa điểm tâm. Cà phê nóng quá, tôi cho vì thế mà mặt tôi lúc ấy chợt đỏ bừng lên. Tại sao tay tôi run, và tại sao tôi lại vô tình đánh đổ nửa tách cà phê ra đĩa, tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu nữa.

Bà Fefăc vẫn cầm thư giơ ra trước gọng kính, nói:

- Hừ, đôi khi tôi cứ nghĩ là chúng ta ở đây bình lặng quá, nhưng bây giờ sắp có chuyện cho ta bận tíu tít rồi đấy, ít nhất cũng trong một thời gian .

Tôi vừa định hỏi xem tại sao thì chiếc áo Ađen bị tuột dây, tôi phải buộc lại cho nó; tôi đưa cho Ađen một cái bánh, rót cho nó cốc sữa, và hững hờ hỏi:

- Chắc ông Rôchextơ cũng chưa quay về chứ?

- Có chứ, sắp về; ông ấy bảo là độ ba hôm nữa, chừng thứ năm sau, và không phải chỉ về một mình đâu. Không biết rằng còn bao nhiêu người sang trọng ở lâu đài Li cũng về với ông nữa đấy. Ông dặn phải sửa soạn tất cả những giường ngủ đẹp nhất. Buồng khách và phòng đọc sách cũng phải lau chùi quét dọn sạch sẽ. Tôi phải đi thuê thêm những tay đầu bếp ngoài quán Giorgiơ ở Mincôt, hay ở bất cứ chỗ nào có thể thuê được. Rồi các bà đó đem theo những người hầu gái, các ông cũng dắt theo những người hầu trai, ấy thế là lâu đài sẽ chật ních những người là người.

Nói đoạn, bà ta ăn vội cho xong rồi lật đật bước ra, bắt đầu sửa soạn nhà cửa.

Đúng như lời bà nói, ba ngày tiếp theo thực là bận rộn. Tôi cứ cho rằng tất cả căn buồng ở Thornơfin đều đã sạch sẽ, ngăn nắp cả rồi, nhưng hình như tôi lầm. Phải mượn thêm ba người đàn bà đến giúp việc, để kỳ cọ, quét tước, lau rửa các mặt sơn, giũ thảm, hạ các tranh xuống rồi lại đóng lên, đánh bóng các gương và chúc đài, nhóm lửa trong các phòng ngủ, hong khăn trải giường và đệm lông lên mặt lò sưởi. Từ trước và cả sau này nữa, tôi chưa từng thấy thế bao giờ. Ađen chạy nhảy lung tung giữa cảnh lộn xộn ấy. Việc sửa soạn đón tiếp và cái viễn cảnh được thấy các vị khách làm cho nó mừng quýnh lên. Nó cứ đòi chị Xôphi ngắm vuốt các "toilettes" cho nó, nó gọi áo là trẻ con như vậy, chải chuốt lại những bộ đã cũ, đem những bộ mới ra hong rồi gập xếp lại. Còn chính nó thì suốt ngày tung tăng nhảy nhót trong các buồng mặt trước tòa nhà, hết leo lên các giường lại nhảy xuống nằm dài lên đệm, rồi chồng các gối lên thành từng đống trước những lò sưởi lửa réo bập bùng. Nó được nghỉ học, vì bà Fefăc cũng giao việc cho tôi, cho nên suốt ngày tôi ở trong phòng soạn bữa ăn để giúp việc (hay làm quẩn chân) bà và chị bếp, tôi học làm các thứ bánh kem, bánh ngọt kiểu Pháp, nướng thịt và bày biện các đĩa ăn tráng miệng.

Mọi người đợi khách khứa đến vào chiều thứ năm, quãng giờ ăn, nghĩa là độ sáu giờ. Trong khoảng thời gian đó, tôi không còn thì giờ nào nuôi dưỡng ảo tưởng nữa, tôi tin rằng mình cũng hân hoan và bận rộn như mọi người - trừ Ađen ra. Tuy nhiên thỉnh thoảng cái vui của tôi cũng bị giá lạnh, và dù không muốn, tôi cũng sa vào sự hoài nghi, với những điềm gở và dự đoán đen tối. Ấy là vào lúc ngẫu nhiên tôi thấy cánh cửa cầu thang lên gác ba (gần đây vẫn đóng im ỉm) từ từ hé mở, và Grêxơ Pun hiện ra, đội mũ, quàng tạp dề trắng, cầm khăn tay; khi tôi nhìn chị lướt dọc hành lang, không một tiếng động, vì chân đi giầy đế êm, khi tôi thấy chị ngó vào các phòng ngủ ồn ào, ngổn ngang - nói vài câu, có lẽ với chị dọn phòng, về cách cọ nhẵn một cái lưới sắt, rửa mặt đá lò sưởi, hoặc lau những vết bẩn trên giấy dán tường, rồi lại bỏ đi. Mỗi ngày một lần như vậy, chỉ xuống bếp ăn, hút một tẩu thuốc cạnh lò sưởi, rồi lại quay lên gác, xách theo một bình rượu bia, vì đấy là niềm an ủi độc nhất trong căn buồng ảm đảm của chị trên tầng gác thượng. Suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chị chỉ tiếp xúc với các bạn làm ở dưới nhà, độ một tiếng là cùng; còn thì suốt ngày chị sống trong một căn buồng lát gỗ sồi, trần thấp nào đó ở gác ba. Chị ngồi khâu trong ấy và có lẽ cất lên tiếng cười ghê rợn với mình, đơn độc như một tù nhân trong xà lim.

Điều lạ nhất là trừ tôi ra, tất cả mọi người trong nhà chẳng ai quan tâm đến cái thói quen của chị, hoặc thấy là kỳ khôi. Chẳng ai bàn tán đến cương vị hoặc công việc của chị, và cũng không hề xót thương cho cảnh chị sống lẻ loi hiu quanh. Có một lân tôi thoáng nghe thấy chị Li và chị dọn buồng bàn tán về Grêxơ Pun. Li nói câu gì tôi không nghe rõ, nhưng thấy chị dọn buồng bảo:

- Tôi đoán tiền công của chị ấy cao lắm nhỉ?

- Đúng, tôi chỉ mong được trả công như chị ta, không phải là tôi ca thán gì đâu, - ở lâu đài Thornơfin, công xá cũng hậu nhưng không bằng một phần năm của chị Grêxơ Pun. Vì thế chị để dành được một khối tiền, cứ ba tháng chị lại đến gửi ngân hàng ở Micôt một lần. Chị dành dụm cũng được kha khá, nếu muốn rời bỏ chốn này, chị cũng có thể sống tự lập được, điều ấy chẳng có gì là lạ. Nhưng tôi cho rằng chị đã sống quen ở đây rồi; vả lại chị chưa đến bốn mươi tuổi, lại khỏe mạnh, làm được đủ mọi việc, bây giờ mà thôi việc thì sớm quá.

Chị dọn phòng nói:

- Tôi chắc chị ta là một tay cừ.

- Ồ! Chị ta hiểu rõ những việc phải làm. - Li trả lời giọng đầy ý nghĩa, và chẳng ai thay chân chị được đâu, dù có được trả lương như chị.

- Hẳn thế! Không biết ông chủ có...

Chị dọn buồng đang nói, bỗng Li quay lại thấy tôi liền hích nhẹ chị ta một cái.

- Cô ấy không biết tý gì chứ? Tôi nghe thấy chị này thì thầm.

Li lắc đầu và dĩ nhiên câu chuyện đến đây ngắt quãng. Theo tất cả những điều tôi vừa nghe đó, thì ở lâu đài Thornơfin có chuyện gì đó bí mật mà người ta cố tình giấu không cho tôi biết.

Ngày thứ năm tới; ngay từ chiều hôm trước, mọi việc đã được xếp đặt chu đáo. Sàn nhà được trải thảm, màn thêu hoa mắc lên, khăn trải giường trắng bóng, bàn trang điểm được bày biện cẩn thận, đồ đạc lau bóng, các bình cắm đầy hoa. Người ta cố trang hoàng cho các buồng và các phòng khách thật tươi vui sáng sủa. Phòng lớn cũng được lau chùi kỹ càng; chiếc đồng hồ treo chạm trổ cũng như các bậc thang và lan can đều bóng như gương. Trong phòng ăn, trên những chiếc giá, bầy các đồ sứ thật là tráng lệ. Những đóa hoa ngoại quốc trong các bình nở khắp mọi chỗ.

Buổi chiều tới, bà Fefăc mặc bồ áo satanh đen đẹp nhất, tay đeo găng, và đồng hồ vàng, vì bà có nhiệm vụ đón khách, dẫn các phu nhân đến các phòng.v.v... Ađen cũng muốn được mặc đẹp, mặc dù tôi cho rằng nó không chắc đã được giới thiệu với khách, ít nhất là ngày hôm ấy. Tuy nhiên, để cho con bé vừa lòng, tôi cũng bảo Xôphi mặc cho nó bộ áo lụa mỏng và ngắn. Còn tôi, tôi xét thấy mình chẳng cần phải ăn vận gì cả. Có lẽ tôi sẽ không bị rời khỏi thâm cung, tức là căn phòng học, - vì bây giờ nó đã trở thành chốn thâm cung của tôi, "một chỗ ẩn náu rất thú vị trong những giờ phút nhộn nhạo".

Ấy là một buổi trời xuân êm đềm trong sáng, một trong những ngày cuối tháng ba sang đầu tháng tư, trời bắt đầu xán lạn báo hiệu mùa sắp tới. Bấy giờ ngày đã gần tàn, nhưng trời chiều còn ấm áp, tôi ngồi làm việc trong buồng, cửa sổ để ngỏ. Bà Fefac bước vào, áo sột soạt:

- Trời sắp tối rồi, tôi rất mừng là đã cho sửa soạn bữa chiều một giờ sau giờ ông Rôchextơ định, vì lúc này đã sáu giờ hơn. Tôi đã cho anh Jôn ra cửa ngóng xem có thấy gì trên đường không; đứng đấy có thể nhìn xa về phía Mincôt được.

Bà bước đến gần cửa sổ.

- À, anh Jôn kia, - bà kêu lên rồi cúi xuống hỏi. - Có thấy gì không?

- Họ đang đi đến; chừng mười phút nữa thì tới đây.

Ađen chạy vụt ra cửa sổ; tôi cũng bước theo, cẩn thận đứng nép vào một bên, lấp sau màn cửa, để nhìn được ra mà không ai trong thấy mình.

Khoảng thời gian mười phút của anh Jôn sao mà dài vậy; nhưng rồi cũng nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường; bốn người cưỡi ngựa phi trước, theo sau là cỗ xe mui trần, những dải khăn phấp phới và những túp lông mũ nhấp nhô trên xe. Trong số bốn người cưỡi ngựa, hai người trông trẻ trung, giỏi trai, người thứ ba là ông Rôchextơ cưỡi con ngựa ô Mexrô; con Pilôt chạy chồm lên phía trước ông chủ. Một người đàn bà cưỡi ngựa đi song song bên ông, đôi này dẫn đầu cả đoàn. Áo đi ngựa đỏ chói của cô ta dài quét đất, khăn che mặt phất phơ theo chiều gió; những búp tóc rậm đen nhánh quyện lấy và ánh lên với những nếp khăn lụa nhung mỏng tang.

- Cô Ingram! bà Fefăc kêu lên, chạy vội xuống nhà dưới.

Đoàn ngựa theo khúc đường quặt khuất sau góc to tòa nhà mất hút. Bấy giờ Ađen cứ đòi xuống dưới nhà nhưng tôi đặt nó ngồi lên đùi và nói cho nó hiểu rằng nó không được đến trước mặt các bà khách bất cứ lý do gì hoặc bây giờ hoặc bất cứ lúc nào, trừ phi được gọi xuống; rằng ông Rôchextơ sẽ giận lắm. v.v... Nghe thấy thế tự nhiên nước mắt nó chạy quanh nhưng thấy tôi bắt đầu nghiêm nét mặt, cuối cùng nó đành lau nước mắt.

Tiếng nhộn nhịp vui vẻ ồn lên trong phòng, giọng trầm trầm của các ông, và giọng thanh thanh của các bà hợp thành một bản hòa âm; một giọng nói nổi bật lên, mặc dù không to lắm, đó là tiếng vang vang của vị chủ nhân tòa lâu đài Thornơfin chào mời các vị khách hào hoa diễm lệ. Rồi có những tiếng bước nhẹ trên cầu thang và tiếng chân đi ngoài hành lang, những tiếng cười trong trẻo vui vẻ, tiếng cửa đóng và mở, và lát sau tất cả đều im lặng.

"Elles changent de toilette" Ađen nói; nó chăm chú nghe và theo dõi từng cử chỉ của mọi người; rồi con bé khẽ thở dài. Nó nói: Chez maman, quand il y avait du monde, je les suivais partout, au salon et à leurs chambres; souvent je regardais les femmes de chambre coiffer et habiller les dames, et c’était si amusant! comme cela on apprend"(1).

- Ađen, em không thấy đói ư?

- Mais oui, mademoiselle, voilà cinq ou six heures que nous n’avons pas mange(1).

- Được rồi, trong lúc các bà ấy đang ở trong các phòng, cô sẽ thử xuống nhà lấy cho em cái gì ăn nhé!

Tôi thận trọng rời buồng, theo cầu thang đằng sau đi thẳng xuống bếP. Ở đấy đang tấp nập nhộn nhịp. Xúp và cá đã chín tới, chị nấu bếp cúi lom khom trên những cái chảo, chỉ lo các thứ trong chảo bất chợt cháy bùng lên. Trong buồng gia nhân, hai bác xà ích và ba người theo hầu các vị khách, kẻ đứng người ngồi, lô nhô quanh lò sưởi. Còn các chị hầu buồng chắc là túc trực trên gác bên các bà. Những người làm mới thuê ở Mincôt về, cũng chạy lăng xăng bận rộn. Tôi len lỏi qua đám người lộn xộn ấy đến tủ đồ ăn lấy một con gà luộc đã nguội, một khoanh bánh mỳ, vài chiếc bánh có nhân, một hai cái đĩa cùng với dao và đĩa; sau đấy tôi bước vội ra. Tôi đến hành lang thấy tiếng ồn ào rộn lên, chứng tỏ các bà cũng sắp sửa ra khỏi các phòng riêng. Muốn về buồng học; tôi không thể nào tránh đi qua mấy chiếc cửa phòng ấy, và sợ bị bắt gặp mang thức ăn, nên tôi đành đứng yên ở đầu hành lang tối om, vì không có cửa sổ, tối thật vì lúc ấy mặt trời đã lặn và hoàng hôn buông xuống.

Lúc này các bà khách kiều diễm đã lần lượt ra khỏi các phòng. Bà nào cũng vui vẻ nhẹ nhàng, những bộ y phục ánh lên trong cảnh tranh tối tranh sáng. Họ đứng túm lại một lát ở đầu kia hành lang nói chuyện lao xao. Rồi các bà nhẹ bước xuống thang, chân đi hầu như không tiếng động, khác nào một lần sương tươi sáng lướt xuống sườn đồi. Các bà khách xuất hiện gây cho tôi một ấn tượng về sự thượng lưu phong nhã, trước đây tôi chưa từng cảm thấy.

Tôi bắt gặp Ađen đang ngó qua cửa buồng học, nó mở hé ra:

- Các bà mới đẹp làm sao! nó kêu lên bằng tiếng Anh. - Ồ, ước gì em được lại gần các bà ấy! Cô bảo lát nữa, sau bữa tối, ông Rôchextơ có gọi chúng ta không?

- Không, cô chắc không gọi đâu, ông Rôchextơ còn bận nghĩ tới chuyện khác. Tối nay, đừng bận tâm đến các bà khách làm gì, có lẽ ngày mai em sẽ được gặp các bà ấy. Bữa ăn của em đây.

Con bé quả đã đói ngấu, vì thế con gà và mấy chiếc bánh nhân đã làm cho nó quên hết cả. Cũng may mà tôi lại lấy các thức ăn lên, chứ nếu không thì cả tôi, Ađen và Xôphi nữa - tôi lấy một phần đem cho chị - có lẽ đến phải nhịn bữa đó, vì mọi người ở dưới nhà, đều bận tíu tít, chẳng ai nghĩ đến chúng tôi. Mãi hơn chín giờ mọi người mới ăn tráng miệng xong, đến mười giờ bọn người hầu vẫn bưng những khay đựng các tách cà phê, tíu tít chạy đi chạy lại. Tôi cho phép Ađen thức khuya hơn mọi ngày, vì nó bảo ở dưới nhà cửa cứ mở đóng rầm rầm và mọi người ồn ào nên nó không thể nào ngủ được. Vả lại, nó nói thêm có thể ông Rôchextơ sẽ cho gọi chúng tôi xuống khi nó trót cởi quần áo mất rồi; "et alors quel dommage"(1).

Tôi kể chuyện cho Ađen nghe, chừng nào nó còn muốn nghe, rồi để thay đổi, tôi dắt nó ra ngoài hành lang. Đèn ở phòng lớn bây giờ thắp sáng trưng, con bé thích cúi xuống lan can, nhìn các gia nhân nhộn nhịp ra vào. Trời về khuya, từ phòng khách vẳng ra một điệu nhạc, chiếc dương cầm đã được đem vào đó. Tôi và Ađen cùng ngồi ở bậc thang trên cùng lắng nghe. Một giọng ca vang lên hòa trong điệu nhạc, một vị phu nhân đang hát, giọng du dương quá. Tiếng đơn ca vừa dứt, tiếp đến song ca, rồi đồng ca. Những lúc ngừng đàn hát, tiếng trò chuyện rì rầm vui vẻ lại nổi lên. Tòi lắng nghe hồi lâu, chợt tôi nhận ra rằng tai tôi đang chăm chú phân tích những tiếng ồn ào để phân biệt tiếng nói của ông Rôchextơ; tôi phân biệt được ngay, và khi tôi đã nhận ra tiếng nói của ông rồi, tôi lại cố gắng phân biệt những lời nói mà vì ngồi xa nên chỉ nghe thấy mơ hồ lẫn lộn.

Chuông đồng hồ điểm mười một tiếng. Tôi nhìn Ađen thấy nó gục đầu lên vai tôi, mắt díu lại; tôi phải bế nó lên đem nó về giường. Lúc khách khứa trở về phòng riêng thì đã gần một giờ sáng.

Ngày hôm sau trời cũng đẹp như hôm trước. Mọi người đi chơi các vùng lân cận. Họ lên đường từ sớm, trước buổi trưa; vài người đi ngựa, còn thì đi xe. Tôi được chứng kiến cảnh tượng cả lúc đi lẫn lúc về. Cũng như hôm trước, trong số các phụ nữ chỉ có một mình cô Ingram đi ngựa; và cũng như hôm trước, ông Rôchextơ phi ngựa song song với cô. Hai người đi hơi tách ra khỏi đoàn người. Tôi chỉ cho bà Fefăc thấy, lúc bà ấy đứng cạnh tôi bên cửa sổ...

Tôi nói:

- Bà bảo không chắc họ đã nghĩ đến chuyện lấy nhau. Nhưng bà thấy đấy, rõ ràng ông Rôchextơ quý cô Ingram hơn cả.

- Ừ, có thể. Xem chừng ông cũng mến cô ấy.

- Đối với ông, cô ấy cũng thế, - tôi nói thêm, - trông xem, cô ta ngả hẳn đầu về phía ông như đang nói chuyện tâm tình. "Ước gì tôi được nhìn mặt cô ấy nhỉ, vì tôi vẫn chưa được thấy rõ lần nào".

- Rồi tối nay cô sẽ được nhìn rõ cô ấy. Tôi đã có dịp nhắc ông Rôchextơ là Ađen nó chỉ ao ước được giới thiệu với các bà khách và ông bảo: "Ồ, cho nó vào phòng khách sau bữa chiều; và nói với cô Erơ cùng xuống với nó".

- Phải, ông ấy nói chỉ vì phép lịch sự thôi, chắc chắn là tôi chẳng cần xuống đấy làm gì.

- Ừ, tôi cũng có nói với ông vì cô không quen ra chỗ đông người, nên tôi cho rằng cô không thích có mặt giữa đám khách khứa vui nhộn như vậy - toàn những người lạ. Ông lập tức nói ngay: "Thế là nghĩa lý gì! Nếu cô ấy không nghe, bà nói hộ là tôi sẽ đích thân lên tìm cô ấy".

- Tôi sẽ không để ông Rôchextơ phải phiền đến thế; tôi sẽ xuống, nếu không còn cách nào khác, nhưng tôi chẳng thích gì đâu. Thế bà có xuống dưới ấy không, bà Fefăc?

- Không, tôi đã xin kiếu, và ông chủ đồng ý rồi. Tôi mách cô cách này để tránh sự lúng túng phải trịnh trọng bước vào ra mắt; cả câu chuyện chỉ có điều ấy là khó chịu nhất. Cô nên vào phòng ngay từ khi còn chưa có ai, trước lúc các bà rời bàn ăn; cô chọn lấy một chỗ ngồi thật khuất; cô chẳng cần phải ở lâu, sau khi các ông khách đã vào, trừ phi cô muốn; chỉ cần để cho ông Rôchexơ thấy cô có mặt rồi cô có thể lủi ra... chẳng ai người ta để ý đến mình đâu.

- Bà có cho rằng khách khứa sẽ ở đây lâu không?

- Có lẽ chỉ độ hai ba tuần, chắc không hơn đâu. Sau những ngày lễ Phục sinh, ông Giorgiơ Lyn vừa mới trúng cử nghị viện ở Mincôt tất phải về tỉnh để nhậm chức, ông Rôchextơ thể nào chẳng đi cùng, ông ở lại Thornơfin lâu như thế cũng là chuyện đáng ngạc nhiên lắm rồi.

Thấy đã gần đến giờ phải vào buồng khách với Ađen, tôi cảm thấy hơi bồi hồi. Nghe nói buổi tối sẽ được giới thiệu với các bà khách, suốt ngày hôm ấy Ađen háo hức, mãi đến lúc Xôphi bắt đầu mặc áo cho nó, nó mới yên. Tầm quan trọng của việc đó làm cho con bé trở nên nghiêm chỉnh hơn khi tóc nó đã chải thành những búp trơn mượt rũ xuống, và khi mặc áo sa tanh hồng, thắt lưng dây dài, đeo bao tay thêu đăng ten, trông con bé lúc ấy trịnh trọng như một vị quan tòa. Chẳng cần phải dặn nó giữ gìn quần áo, thắng bộ xong, nó yên lặng ngồi trên ghế con của nó, cẩn thận vén váy sa tanh lên sợ bị nhầu, và nó cam đoan khi nào tôi chuẩn bị xong mới rời khỏi chỗ. Tôi trang điểm rất nhanh, mặc bộ áo đẹp nhất (tức bộ áo màu xám bạc tôi may trong dịp cưới cô Tempơ, và từ dạo ấy chưa xỏ tay thêm lần nào). Chải tóc mượt và cài xong cái trâm nạm ngọc, đồ trang sức độc nhất của tôi, tôi và Ađen xuống nhà dưới.

Cũng may mà phòng khách có thêm một cái cửa nữa thành ra chúng tôi không cần phải qua phòng ăn, ở đấy các vị khách đang đánh chén. Phòng còn vắng lặng, những ngọn nến chiếu sáng trưng cảnh cô tịch giữa những bông hoa trang trí các mặt bàn. Tấm màn đỏ thắm buông trước vòm cửa dẫn sang buồng ăn. Dù chỉ ngăn cách với phòng khách bên kia bằng một lượt dạ đỏ mỏng, nhưng vì khách nói chuyện nhỏ nên ngoài tiếng rì rầm không nghe rõ họ nói gì.

Ađen vẫn còn có vẻ trịnh trọng lắm. Nó ngồi vào chiếc ghế thấp tôi chỉ cho nó, không nói một lời. Tôi đến ngồi ở bên cửa sổ và lấy một cuốn sách trên chiếc bàn gần đấy cố đọc. Ađen vác ghế ngồi dưới chân tôi; được một lát nó sờ vào đầu gối tôi.

- Gì đấy, Ađen?

- "Est-ce que je ne puis pas prendre une seule de ces Aeurs magnifique. Mademoiselle? Seulement pour compléter ma toilette"(1).

- Em lấy một bông cũng được, nhưng em chú ý đến việc trang điểm nhiều quá đấy, Ađen ạ!

Tôi lấy một bông hồng ở bình, cài vào thắt lưng cho Ađen. Nó thở phào, vẻ vô cùng thỏa mãn, như thể lúc này lòng nó tràn ngập hạnh phúc. Tôi quay mặt đi để giấu một nụ cười không kìm giữ được. Trong cái thói say mê trang điểm thành thực và bẩm sinh của cô bé Pari này có cái gì vừa khôi hài vừa đáng thương.

Đã nghe rõ tiếng nhiều người đứng dậy khỏi bàn ăn; tấm màn cửa phòng ăn được vén lên, ngọn hoa đăng tỏa ánh sáng rực rỡ trên bộ đồ bằng bạc và pha lê đựng đồ tráng miệng, bày la liệt trên một bàn dài; có mấy bà đứng dưới vòm cửa, lúc họ bước vào rồi, chiếc màn lại buông xuống.

Chỉ có tám người, thế mà khi bước vào phòng, tôi có cảm tưởng như nhiều người lắm. Có mấy bà cao lớn; phần nhiều mặc bộ đồ trắng; y phục của các bà lòa xòa tha thướt, hình như làm tăng vẻ diễm lệ cho các bà, cũng như những làn mây mù làm tăng vẻ diễm lệ cho vầng trăng.

Tôi đứng dậy cúi chào, một hai bà nghiêng đầu đáp lại. Còn các bà khác chỉ giương mắt nhìn tôi.

Họ tan ra trong phòng, cử chỉ khoan thai nhẹ nhàng khiến tôi tưởng tượng như một làn thiên nga trắng phau. Vài bà ngả người trên các sô fa và ghế dài Thổ Nhĩ Kỳ, vài bà ngắm hoa và sách trên bàn, số còn lại túm tụm quanh lò sưởi. Mọi người nói chuyện với nhau, giọng thấp nhưng trong, hình như họ quen nói như vậy. Sau này , tôi được biết tên các bà, và bây giờ tôi có thể kể rõ tên từng người.

Trước hết là bà Extơ và hai cô gái. Rõ ràng trước kia bà đã từng là một thiếu phụ đẹp, và bây giờ vẫn giữ được vẻ đẹp ấy. Cô con gái lớn của bà tên là Amy, người nhỏ nhắn, mặt và dáng điệu ngây thơ như trẻ con, nhưng thân hình thì khá nổi, y phục lụa trắng và thắt lưng màu thiên thanh rất hợp với cô. Luisa, cô gái thứ hai, cao hơn chị, người cũng duyên dáng hơn, mặt rất xinh, theo kiểu mà tiếng Pháp gọi là "minois chiffonne"(1). Cả hai chị em cùng mơn mởn như đóa huệ.

Lyn phu nhân là một người cao lớn, phốp pháp, trạc bốn mươi, dáng thẳng đuỗn, vẻ kiêu kỳ, vận áo sa tanh bóng đổi màu, tóc bà đe 8000 n nhánh, gài một túp lông chim màu xanh da trời, và quấn một dải băng nạm ngọc.

Bà đại tá Đen tuy không lộng lẫy bằng, nhưng tôi thấy có vẻ thanh nhã hơn. Vóc người bà mảnh dẻ, khuôn mặt dịu dàng trắng xanh dưới làn tóc vàng ánh. Bà mặc áo sa tanh đen, quàng khăn viền đăng ten quý của nước ngoài và đeo đồ nữ trang bằng ngọc thạch, tôi ưa các thứ đó hơn cách phục sức rực rỡ của các vị phu nhân quý phái nọ.

Nhưng có ba người nổi bật nhất - có lẽ một phần do dáng người cao lớn hơn cả - là bà quả phụ Ingram phu nhân, người thừa kế gia tài của chồng và hai cô con gái, Blăngsơ và Mary. Vóc người cả ba mẹ con đều to lớn. Phu nhân tuổi chừng bốn, năm mươi gì đó, dáng người vẫn còn gọn gàng, mái tóc vẫn còn đen (ít ra dưới ánh đèn), hai hàm răng bề ngoài trông như còn nguyên vẹn. Nhiều người phải công nhận, so với lứa tuổi, bà là người đẹp, về thân hình thì quả như thế thật, nhưng bà có những điệu bộ kiêu kỳ gần như không thể chịu nổi. Mặt giống tượng cổ La-mã, cằm phị và cổ thẳng đờ như cột nhà; những nét ấy tôi thấy có vẻ vênh váo, lầm lầm và kiêu kỳ, kiêu kỳ đến mức làm cho cổ bà cứ ngay đuồn đuỗn một cách dị thường. Bà có đôi mắt dữ tợn và khắc nghiệt, làm cho tôi liên tưởng đến cặp mắt của bà Rít. Bà nói dằn tiếng, trầm trầm, uốn giọng rất điệu, tóm lại rất khó chịu. Cái áo nhung đỏ thắm với chiếc khăn san Ấn Độ dệt kim tuyến càng khiến cho bà ta có cái phong thái uy nghi của một bà hoàng hậu (tôi cho rằng bà ta nghĩ thế).

Blăngsơ và Mary cũng tầm vóc như mẹ, cao và thẳng như cây bạch dương. Mary so với bề cao thì gầy quá, còn Blăngsơ thì khổ người như nữ thần Đian(2). Dĩ nhiên, tôi đặc biệt chăm chú ngắm cô này. Trước hết tôi muốn xem cô ta có đúng như lời bà Fefăc tả không; hai là xem cô có giống bức họa tưởng tượng của tôi không; sau hết, tôi phải thú thực, xem cô có đúng như ý nghĩa của tôi, có nghĩa là có thể hợp với ông Rôchextơ không?

Con người cô đã chứng minh từng điểm cho cả bức họa của tôi lẫn lời miêu tả của bà Fefăc, thân hình thanh tú, đôi vai xuôi tròn, cái cổ thon đẹp, đôi mắt huyền, những búp tóc đen nhánh. Nhưng còn khuôn mặt? Khuôn mặt giống bà mẹ như lột, chỉ khác là còn mơn mởn, chưa có vết nhăn, cũng vầng trán thấp, cũng nét mặt kiêu kỳ, cũng vẻ kênh kiệu, nhưng không phải cái vẻ kiêu kỳ cau có. Cô cười luôn miệng, nụ cười thật châm biếm, và đấy chính là vẻ đặc biệt của đôi môi cong lên và ngạo nghễ của cô.

Người ta thường bảo người thiên tài có ý thức về giá trị của mình. Tôi không biết cô Ingram có thiên tài hay không, nhưng chắc chắn là cô rất có ý thức về giá trị của cô. Cô Ingram nói chuyện về thực vật học với bà Đen hiền dịu, dù theo lời bà, bà rất thích các thứ hoa, đặc biệt là những "hoa rừng". Còn cô Ingram thì đã có nghiên cứu, rồi cô tuôn ra một lô danh từ chuyên môn, ra vẻ lắm. Tôi nhận ngay thấy cô (theo tiếng địa phương) đang "chọe" bà Đen, nghĩa là đùa giễu sự dốt nát của bà ta. Cô "chọe" có thể là rất khéo, nhưng dứt khoát bản chất cô không tốt. Cô chơi dương cầm rất hay, và hát giọng rất tốt. Cô nói chuyện riêng với mẹ bằng tiếng Pháp, và nói khá thạo, rất đúng giọng.

Vẻ mặt Mary dịu dàng, cởi mở hơn Blăngsơ; nét mặt hồn hậu hơn và nước da cũng sáng hơn (cô Blăngsơ có nước da ngăm ngăma như người Tây Ban Nha) nhưng Mary thiếu linh hoạt, nét mặt không sắc sảo, mắt lờ đờ, cô không có chuyện gì nói cả, và khi đã ngồi thì cô ngồi lỳ như tượng trên bệ. Cả hai chị em đều ăn vận trắng toát.

Và bây giờ liệu tôi có cho là cô Ingram hợp ý chọn lựa của ông Rôchextơ không? Tôi không khẳng định được điều đó vì tôi không biết ông quan niệm cái đẹp của phụ nữ ra sao. Nếu ông thích vẻ đường bệ thì cô chính là kiểu mẫu của vẻ đường bệ, hơn nữa cô lại nhí nhảnh, có tài. Tôi cho là đa số các ông đều ngưỡng mộ cô rồi, hình như tôi đã thấy bằng chứng cụ thể, để đánh tan một chút nghi ngờ cuối cùng, chỉ cần nhìn hai người ngồi bên nhau nữa thôi.

Thưa bạn đọc, xin chớ tưởng con bé Ađen trong khoảng thời gian đó, vẫn cứ ngồi lì trên chiếc ghế đẩu dưới chân tôi. Không, lúc các bà bước vào, nó nhỏm dậy ngay, tiến đến trước mặt họ, đường hoàng cúi chào và nói với một vẻ mặt trang trọng.

- Bonjour mesdames(1).

Cô Ingram cúi nhìn nó, vẻ chế nhạo, và kêu lên:

- Ồ, con búp bê mới ngộ chứ!

Lyn phu nhân nói:

- Con nuôi của ông Rôchextơ đấy, tôi đoán thế - con bé người Pháp mà ông đã nói chuyện ấy mà.

Bà Đen dịu dàng cầm lấy tay Ađen, và hôn nó một cái. Amy và Luida Extơn đồng thanh kêu lên:

- Ồ, con bé đáng yêu làm sao!

Họ dẫn Ađen đến một chiếc ghế sô pha; nó ngồi lọt vào giữa, liến láu nói chuyện lúc thì bằng tiếng Pháp lúc thì bằng tiếng Anh bập bõm. Nó không những được các bà các cô còn trẻ mà cả đến bà Extơn và Lyn phu nhân chú ý; nó được chiều chuộng, tha hồ mãn nguyện.

Cuối cùng, cà phê bưng ra; các vị khách đàn ông được mời vào. Tôi ngồi ở chỗ tối - nếu có thể có được một chỗ nào tối trong căn buồng sáng trưng đó; tấm rèm cửa sổ che khuất nửa người tôi. Màn buông ở vòm cửa lại hé ra; các ông bước vào. Sự xuất hiện đồng thời của nhóm các ông, cũng như nhóm các bà, có vẻ uy nghi lắm; tất cả đều mặc áo đen, hầu hết đều cao lớn, một vài vị còn trẻ. Henry và Frêđêric Lyn nom thật ra vẻ lịch sự; đại tá Đen thì có phong thái một quân nhân rất diện, ông Extơ, thẩm phán trong quận, rõ ra một bậc thượng lưu, tóc ông bạc trắng cả, nhưng lông mày và ria mép còn sẫm màu, khiến ông ta có vẻ một "pe’re noble de theâtre"(1). Cũng như mấy cô chị, công tử Ingram rất cao lớn và đẹp trai, nhưng cậu cũng lì xì, lơ đãng giống cô chị Mary. Hình như cậu to xác nhưng lại thộn.

Còn ông Rôchextơ chẳng biết ở đâu?

Ông vào sau cùng, tôi không nhìn vào màn cửa, nhưng thấy ông bước vào. Tôi cố tập trung chú ý vào đôi que đan tôi đang dùng để đan chiếc túi, tôi chỉ muốn nghĩ đến việc đang làm, chỉ muốn nhìn thấy những hột bạc và những chỉ tơ trên lòng, vậy mà tôi cứ nhìn thấy hình dáng ông rất to, và không thể nào không nhớ lại phút gặp ông lần cuối cùng, ngay sau lúc tôi giúp cho ông cái việc mà ông gọi là "công ơn trời biển" ông đã nắm lấy tay tôi, nhìn xuống mặt tôi, với đôi mắt nồng nàn, chứa chan tình cảm, và tôi đã chia sẻ sự xúc động của ông. Giây phút ấy sao tôi cảm thấy gần gũi ông đến thế! Từ lúc đó đến giờ đã xảy ra chuyện gì khiến giữa hai chúng tôi có sự đổi thay như vậy? Giờ đây, sao chúng tôi đối với nhau xa lạ cách biệt nhường này? Xa lạ đến nỗi tôi không chờ mong đến và nói chuyện với tôi nữa. Tôi không lấy làm ngạc nhiên, khi thấy ông không ngó qua đến tôi mà ngồi vào một chỗ ở cuối phòng, và bắt đầu nói chuyện với một bà nào đó.

Khi ông hoàn toàn chú ý đến các bà, và tôi có thể nhìn ông mà không để ý, mắt tôi bất giác hướng thẳng vào mặt ông. Tôi không thể kìm giữ chúng nữa. Tôi nhìn và cảm thấy một niềm vui sâu sắc, quý giá, mà cũng thực là chua xót; như vàng nguyên chất bị một mũi nhọn chán chường xuyên vào; như niềm vui của một kẻ gần chết khát bò được đến miệng giếng, biết nước giếng đã bị nhiễm độc, nhưng vẫn cứ cúi xuống uống những ngụm nước thần tiên.

Thực đúng là "Yêu nên tốt"(2). Nước da tai tái màu ô liu, vầng trán dô vuông, đôi lông mày đen rậm, mắt sâu, nét mặt gân guốc, cái miệng cương quyết và nghiệt ngã - tóm lại là những nét bộc lộ một nghị lực, một ý chí, một quyết tâm - không phải là đẹp, theo quan niệm chung; nhưng đối với tôi thì những nét ấy lại còn hơn cả đẹp, chúng đầy một sức hấp dẫn, quyến rũ chinh phục tôi hoàn toàn; tôi không làm chủ được tình cảm của tôi nữa, đành để nó ràng buộc vào tình cảm của ông. Tôi không hề có ý định yêu ông, chắc độc giả cũng biết rằng tôi đã kiên quyết gạt bỏ những mầm mống của tình yêu mới nhú trong tâm hồn, thế mà bây giờ, vừa mới lại được trông thấy ông, tình yêu tự nhiên trỗi dậy trong lòng tôi, thật đằm thắm, nồng nàn! Ông không nhìn đến tôi mà vẫn khiến được tôi yêu ông.

Thế rồi tôi so sánh ông với các vị tân khách, vẻ phong nhã duyên dáng của ông Lyn, vẻ lịch sự ẻo lả của công tử Ingram, và ngay cả dáng đặc biệt nhà binh của đại tá Đen, tất cả sao mà trái ngước với cái vẻ hùng dũng tự nhiên và cái sức mạnh chân chính của ông Rôchextơ! Bề ngoài và dáng dấp của họ không gây cho tôi một chút cảm tình nào cả. Tuy thế tôi có thể hiểu rằng hầu hết mọi người đều nhận xét họ là những người đẹp trai, đường bệ và hấp dẫn, còn ông Rôchextơ thì bị coi là khắc khổ và rầu rĩ âm thầm. Nhìn họ cười, tôi chẳng thấy có cái gì cả; nụ cười của họ cũng chỉ có ý nghĩa như tiếng chuông rung mà thôi. Tôi nhìn ông Rôchextơ cười, những nét khắc khổ của ông dịu hẳn lại; mắt ông trở thành long lanh hiền dịu, ánh lên một vẻ vừa sắc sảo vừa êm đềm. Lúc ấy, ông đang nói chuyện với Luida và Amy Extơn. Tôi ngạc nhiên thấy họ thản nhiên trước cái nhìn của ông, trong khi tôi thấy nó sâu thẳm. Tôi chờ đợi mắt họ nhìn xuống, má họ hồng lên, nhưng tôi rất sung sướng thấy họ không hề bị xúc động. Tôi nghĩ bụng: "ông ta không ý nghĩa đối với họ như đối với mình. Bản chất ông không giống họ. Mình tin rằng ông giống mình - chắc hẳn thế - mình cảm thấy như có họ hàng với ông. Mình hiểu ý nghĩa mọi thái độ và cử chỉ của ông, tuy tiền tài và địa vị chia cách mình với ông rõ rệt, nhưng mình cảm thấy có cái gì trong tim óc, trong mạch máu, thớ thịt mình nó hòa hợp mình với ông ta về mặt tinh thần. Có phải trước đây hôm mình nói rằng quan hệ giữa ông với mình chỉ ở chỗ nhận tiền lương của ông thôi không? Phải chăng mình đã tự buộc mình chỉ coi ông là một ông chủ trả lương? Thật là nhạo báng lẽ tự nhiên! Mọi tình cảm tốt đẹp, thành thực, sâu sắc của mình đều dồn cả về ông. Mình biết là phải giữ kín những tình cảm đó, phải gạt bỏ mọi hy vọng, phải nhớ rằng ông không thể nào đoái hoài tới mình. Vì khi mình cho là mình với ông cùng chung bản chất, như vậy không có nghĩa là mình tin rằng mình có sức mạnh và sức hấp dẫn như ông. Mình chỉ muốn nói mình với ông có những sở thích và tình cảm giống nhau thôi. Mình phải luôn luôn tự nhắc mình rằng mình với ông sẽ mãi mãi cách biệt nhau. Vậy mà, chừng nào mình còn thở, còn suy nghĩ, thì mình sẽ cứ còn yêu ông ấy".

Cà phê được bưng vào. Từ lúc có mặt các ông; các bà ríu rít hẳn lên như những con sơn ca, câu chuyện thêm đậm đà vui vẻ. Đại tá Đen và ông Extơn bàn luận chính trị, hai bà ngồi yên lắng nghe. Hai bà quả phụ kiêu kỳ, Lyn phu nhân và Ingram phu nhân, trò chuyện với nhau. Tôn ông Giorgiơ, một điền chủ to béo, tươi tắn, mà ban nãy tôi quên chưa nói đến, đứng trước ghế sô pha của hai bà, tay cầm tách cà phê, thỉnh thoảng lại đá gà vào một câu. Ông Fêđêric Lyn ngồi bên cô Mary Ingram, chỉ cho cô xem những bức tranh trong một quyển sách đẹp, cô ta xem tranh, thỉnh thoảng mỉm cười nhưng hình như nói rất ít thì phải. Công tử Ingram, cao lớn và "phớt đời", đứng khoanh tay dựa vào lưng ghế bành của cô Amy Extơn bé nhỏ và nhí nhảnh: cô ta ngước mắt nhìn cậu và chuyện trò ríu rít như con chim hồng tước, cô ưa cậu ta hơn ông Rôchextơ. Anh chàng Henry Lyn ngồi chung với Ađen trên chiếc ghế Thổ Nhĩ Kỳ ở chỗ chân Luida. Chàng ta cố nói chuyện bằng tiếng Pháp với Ađen, khiến Luida phải bật cười vì tiếng Pháp giả cầy của cu cậu. Thế còn Blăngsơ Ingram thì đi đôi với ai? Cô đứng một mình cạnh bàn, cúi xuống xem cuốn an bum, trông thực duyên dáng. Hình như cô còn đợi ai đến bên mình, song cô không đợi lâu được, tự cô đi tìm lấy một người bạn.

Ông Rôchextơ, sau khi rời khỏi chỗ các cô Extơ, ra đứng một mình cạnh lò sưởi, cũng như cô Blăngsơ đứng đơn độc cạnh bàn. Cô đối diện với ông, lựa chỗ đứng ở phía bên cạnh lò sưởi.

- Ông Rôchextơ, tôi nghĩ ông không thích trẻ con thì phải.

- Vâng, đúng thế.

- Thế tại sao ông lại nuôi con búp bê kia? (chỉ về phía Ađen). Ông nhặt được nó ở đâu đấy?

- Không phải tôi nhặt nó, người ta gán nó cho tôi.

- Lẽ ra ông nên cho con bé đến trường lưu trú.

- Tôi xin chịu, vì như thế tốn kém.

- Kìa, hình như ông có nuôi một cô giáo để dạy con bé, tôi vừa mới trông thấy cô ta cùng với con bé xong, cô ấy đi đâu rồi nhỉ? À không, cô ấy vẫn còn ngồi sau rèm cửa sổ kia kìa. Dĩ nhiên, ông trả lương cô giáo; tôi nghĩ cũng đã tốn kém ngang thế... Tốn hơn nữa ấy, vì ông phải chịu phí tổn cho cả hai.

Tôi sợ hoặc nói cho đúng, tôi hy vọng rằng lời nhắc nhở đó khiến ông Rôchextơ nhìn lại phía tôi, và tự nhiên tôi cứ lùi thêm vào chỗ tối; nhưng ông không hề quay đầu lại.

- Tôi đã không nghĩ tới chuyện đó, - ông nói giọng thản nhiên và vẫn nhìn thẳng.

- Không, đàn ông các ông chẳng bao giờ để ý đến tiết kiệm và lẽ phải thông thường. Giá ông được nghe má tôi nói về các cô giáo dạy trẻ ở tư gia nhỉ, tôi và Mary đã có đến hàng tá cô gia sư là ít; quá nửa là đáng ghét, còn thì toàn lố bịch, và chán mớ đời có phải thế không, hở má?

- Con nói gì đấy, con?

Cô tiểu thư, con gái yêu của phu nhân, hỏi lại bà lần nữa.

- Con yêu của mẹ, thôi đừng nhắc đến các cái ngữ ấy làm gì, nói đến chỉ tổ làm mẹ lộn ruột. Mẹ đã là cái thân tội của những quân ăn hại và lắm chuyện ấy. Nhờ giời bây giờ mẹ đã thoát được chúng nó!

Lúc ấy bà Đen cúi xuống thì thầm vào tai người đàn bà ngoan đạo kia, nghe câu trả lời tôi đoán bà bảo cho người bạn biết rằng trong phòng hiện có một người thuộc loại bị bà mạt sát.

- Tant pis(1), vị phu nhân thốt lên. Tôi mong điều đó làm cho cô ta sáng mắt ra.

Rồi bà nói nhỏ hơn, nhưng cũng đủ cho tôi nghe thấy: "Tôi đã để ý cô ta, tôi là một tay "trông mặt mà bắt hình dong" rất tài, nhìn cô ta tôi thấy chẳng thiếu một tật xấu nào của loại người đó".

- Những tật xấu gì, thưa bà? - ông Rôchextơ hỏi to.

- Tôi sẽ nói chuyện này riêng với ông, bà ta trả lời, lắc lư ba lần cái khăn trên đầu với một vẻ thâm hiểm.

- Nhưng tính tò mò của tôi lại muốn biết ngay, đợi thì mất cả thú.

- Cứ hỏi Blăngsơ thì biết, nó ngồi gần ông hơn tôi.

- Ồ, mẹ đừng bảo ông ấy hỏi con làm gì! Con chỉ biết nói mỗi câu về cái giống ấy thôi, họ là một cái tai nạn, chẳng phải là con đã chịu nhiều khổ nhiều vì họ; con đã tìm cách chơi lại họ. Têôdo và con đã chơi xỏ các cô Winxơn, bà Grê và bà Jube nhiều vố hay đáo để! Mary vì lờ đờ quá nên không dự vào trò chơi một cách tinh ranh được. Chúng con trêu bà Jube thú hơn cả. Cô Winxơ là một người ốm yếu khốn khổ, hay khóc và đần độn, tóm lại chẳng bõ trêu. Còn bà Grê thì cục mịch, lầm lì chẳng biết tức là gì. Nhưng khốn nạn cho bà Jube! Giờ con hãy còn hình dùng bà ta lúc bị chúng con trêu cho ức đến phát điên lên. Chúng con đổ nước chè, bóp vụn bánh phết bơ, tung sách lên trần nhà, đập thước kẻ vào bàn học, vào cái chắn lửa và thanh sắt lò sưởi loạn xạ, cho om nhà lên. Têôđô, cậu còn nhớ những ngày vui nhộn ấy không?

- Có, nhớ chứ, cậu lè nhè đáp. Và cái bà già khốn khổ ấy thường hét lên. "ồ, đồ quỷ sứ". Lúc ấy chúng mình mới sạc cho bà ta biết rằng bà ấy dốt như thế mà đòi lên mặt dạy những người thông minh như bọn mình.

- Đúng thế, Têôđo, cậu biết đấy, hồi ấy tôi còn mách nước cho cậu chơi xỏ lão giáo của cậu nữa, cái lão Vining thâm xịt, mà bọn này vẫn gọi là ông cố đạo "gà toi" ấy mà. Ấy thế mà cu cậu với cô Winxơn lại dám phải lòng nhau cơ đấy, hay ít ra, Têôđo và tôi nghĩ như thế. Bọn này chộp được hai cô cậu thở dài và liếc tình với nhau, đấy là những bằng chứng của "la belle passion"(1) và tôi cam đoan ngay với cậu là mọi người đã được chúng tôi kháo ngay cho biết sự phát hiện ấy. Bọn này đă lấy chuyện đó làm cái đòn bẩy kích những cái của nợ ấy ra khỏi cửa. Có má ở đây, hồi ấy vừa biết được chuyện một cái, má cho ngay là một chuyện đồi bại. Có phải thế không má nhỉ?

- Đúng thế, con yêu của má, và má nghĩ như thế là rất đúng, là vì rằng một gia đình gia giáo có trăm nghìn lý do không thể dung thứ một giây phút nào sự tằng tịu giữa một cô giáo dạy trẻ và một anh gia sư; trước hết...

- Thôi, má yêu quý ơi! Má khỏi phải kể lại mọi lý do! Vả lại chúng con biết cả rồi, đó là gương xấu nguy hại cho tuổi trẻ ngây thơ, rồi họ lơ đễnh quên cả bổn phận, cấu kết với nhau rủ rỉ tâm sự rồi tiếp theo là sự hỗn hào và bừa bãi xáo trộn cả. Con nói thế có đúng không, thưa Ingram nam tước phu nhân?

- Đóa hoa huệ của mẹ, con nói bao giờ chả đúng.

- Vậy chẳng cần nói gì thêm nữa, ta bàn sang chuyện khác đi.

Amy Extơn, không nghe thấy hay là chẳng quan tâm gì đến câu nói đó, nói tiếp với cái giọng non nớt trẻ con:

- Luida và tôi cũng thế, thường quấy cô gia sư luôn ấy. Nhưng cô ta tốt quá, thế nào cũng chịu đựng, chẳng có gì làm cô cáu được. Cô ấy chẳng tức giận với chúng tôi bao giờ, có phải không, Luida nhỉ?

- Ừ, chả bao giờ; bọn mình muốn làm gì thì làm, lục tung bàn giấy và hộp đồ của cô lên, đảo lộn cả ngăn kéo của cô; thế mà cô vẫn tốt, chúng tôi xin cái gì cô cũng cho.

Cô Ingram cong môi nói, giọng chế giễu:

- Bây giờ tôi cho rằng chúng ta lại sắp kể tóm tắt lại kỉ niệm về tất cả cô giáo trên đời. Để tránh cái chuyện nhạt nhẽo ấy, một lần nữa tôi đề nghị chúng ta nên chuyển sang vấn đề khác. Thế nào, ông Rôchextơ có tán đồng ý kiến của tôi không?

- Vâng, thưa cô, sẵn sàng tán thành cô về điểm ấy cũng như về mọi điểm khác.

- Vậy tôi xin mở đầu. Êđua tiên sinh, tối nay ngài có tốt giọng không?

- Thưa Blăngsơ công nương, nếu công nương ra lệnh, tôi sẽ xin vui lòng...

- Vậy thưa tiên sinh, nhân danh vương quyền của tôi, tôi ra lệnh cho tiên sinh sửa soạn giọng để phục vụ công việc triều chính của tôi.

- Ai mà chẳng muốn làm Riziô của một Mary diễm lệ như thế(1).

- Thôi, đốt cái anh Riziô ấy đi! - Cô kêu lên, lắc cái đầu đầy những búi tóc trong khi đi lại bên cây dương cầm. - Theo ý tôi thì anh chàng kéo vĩ cầm David thật là một ông bạn vô duyên. Tôi lại mến anh chàng Bôthơen(2) hơn, theo ý tôi, người đàn ông sẽ chẳng là gì cả, nếu trong người không có một chút tính chất của con quỷ. Trong sử người ta muốn nói gì thì nói về Jêmx Hêpbơc, nhưng tôi vẫn quan niệm ông ta đúng là một anh hùng lục lâm, man rợ ngang tàng và tôi sẽ vui lòng trao duyên gá nghĩa với một chàng hảo hớn như ông ta.

- Các ngài nghe thấy chứ! Bây giờ trong số các ngài ai là người giống Bôthowen hơn cả nào? ông Rôchextơ kêu lên.

Đại tá Đen tiếp lời:

- Tôi có thể nói chính là ông thôi.

- Ồ, thật vinh dự cho tôi, xin cảm ơn ông.

Cô Ingram bây giờ ngồi vào đàn, vẻ duyên dáng kiêu kì, trải tấm áo rộng trắng toát xòa ra như áo hoàng hậu, vừa bắt đầu dạo một đoạn nhạc vừa nói chuyện. Tối nay cô nổi lắm. Cả dáng điệu lẫn lời nói của cô đều nhằm khêu gợi không những sự thán phục mà còn cả sự ngạc nhiên cửa người nghe nữa. Hiển nhiên là cô tỏ ra muốn đập vào mắt mọi người với một vẻ "chơi trội" và táo bạo.

- Ồ, tôi phát ngấy về bọn thanh niên thời nay! - Cô vừa nói tay vừa lướt trên phím đàn, - đó là những con người nhỏ bé tội nghiệp, không đủ sức bước ra khỏi cổng vườn nữa nếu không được mẹ cho phép, hoặc có người đi kèm. Họ còn bận tâm săn sóc đến bộ mặt đẹp, đến đôi bàn tay trắng và những bàn chân nhỏ nhắn, như thể việc trau rồi nhan sắc là việc của tu mi nam tử ấy! Và như thể vẻ yêu kiều không còn là một đặc quyền, một đặc quyền chính đáng, một cái di sản riêng của phụ nữ nữa. Tôi công nhận rằng một người đàn bà kém nhan sắc là một vết ố trên gương mặt đẹp của tạo hóa. Nhưng đối với đàn ông thì chỉ nên lo làm sao có sức mạnh, có tài ba. Phương châm của họ phải là săn bắn và chiến đấu; còn ngoài ra đều không đáng kể. Nếu tôi là đàn ông, thì châm ngôn của tôi là thế.

- Khi nào tôi lấy chồng, sau một lát im lặng không ai ngắt lời cô, cô lại tiếp - tôi muốn người chồng của tôi sẽ không phải là kẻ tình địch với tôi nhưng là một người làm nổi bật tôi lên. Tôi sẽ không chịu một sự ganh đua bên ngai vàng, mà tôi đòi hỏi người chồng phải hoàn toàn tôn thờ tôi, tôi không muốn sự sùng bái của chồng tôi lại bị chia sẻ giữa tôi và cái hình bóng mà anh tự ngắm lấy trong gương. Ông Rôchextơ, bây giờ ông hát đi, tôi sẽ đệm đàn theo.

- Xin tuân lời cô.

- Đây là một bài ca của giặc biển; chắc là ông biết tôi rất thích bọn giặc biển, vậy ông hãy hát bài ấy cho thật hay vào.

Lệnh ban ra từ đôi môi thắm của cô Ingram có thể khiến tượng đá cũng phải thấy phấn khởi.

- Đó là phần thưởng cho sự kém cỏi, và tôi sẽ cố gắng để được thất bại.

- Gardez vous en bien(1)! Nếu ông cố tình hát sai, tôi sẽ có một hình phạt xứng đáng đấy.

- Cô Ingram nên khoan hồng, vì cô có sức mạnh gia hình khiến con người không thể nào chịu đựng nổi.

- A! Ông hãy nói rõ xem nào, cô Ingram ra lệnh.

- Xin lỗi cô, hà tất phải nói rõ; sự nhạy cảm của cô đủ khiến cho tôi biết rằng chỉ một cái chau mày của cô cũng bằng một bản án tử hình rồi.

- Hát đi! Cô Ingram nói và hào hứng đệm dương cầm theo.

Tôi nghĩ bụng: "Bây giờ là lúc ta nên lảng đi thôi" nhưng giọng hát cất lên đã giữ tôi lại. Bà Fefăc bảo tôi rằng ông Rôchextơ có giọng hát rất hay; đúng thế, một giọng trầm hùng ấm áp, ông gửi cả tình cảm và sức mạnh của mình vào giọng hát, qua thính quan, nó thấm sâu vào tận lòng người và làm người ta xúc động một cách kỳ lạ. Tôi chờ cho tiếng ngân vang cuối cùng dứt hẳn, đến khi tiếng nói chuyện lao xao lại tiếp tục sau một lúc ngưng bặt, tôi rời khỏi chỗ góc phòng kín khuất đi ra theo cửa bên, cũng may, cửa lại gần ngay đấy. Đi qua một hành lang hẹp dẫn tới phòng lớn, tôi thấy dép mình bị tuột dây. Dừng lại để buộc, tôi quỳ trên tấm thảm trải ở chân cầu thang. Có tiếng mở cửa phòng ăn, một người đàn ông bước ra; tôi vội đứng dậy, thì đối mặt ngay với ông Rôchextơ.

- Cô vẫn mạnh chứ? ông hỏi.

- Vâng, thưa ông.

- Tại sao ban nãy ở phòng cô lại không nói chuyện với tôi?

Tôi nghĩ mình có thể dùng câu đó để hỏi lại ông, nhưng rồi tôi lại không dám. Tôi chỉ trả lời:

- Tôi không muốn làm phiền ông, vì hình như lúc ấy ông đang bận.

- Trong lúc tôi vắng nhà cô làm những gì!

- Không có gì đặc biệt; tôi dạy Ađen học như thường lệ.

- dcd Và để cho nước da cô tái đi nhiều so với trước, mới thoạt nhìn tôi đã thấy ngay. Có điều gì vậy?

- Không có gì cả, thưa ông.

- Cô có bị cảm lạnh cái đêm dội nước làm cho tôi suýt chết đuối không?

- Tôi có bị cảm đâu!

- Thôi quay vào phòng khách, cô bỏ đi sớm quá.

- Thưa ông, tôi mệt.

Ông nhìn tôi một phút.

- Và có vẻ hơi buồn nữa. Có điều gì vậy? Nói cho tôi biết.

- Không có gì cả, thưa ông. Tôi có buồn đâu.

- Nhưng tôi quả quyết rằng cô buồn, buồn đến nỗi chỉ nói thêm vài lời nữa là đủ làm cô rơm rớm nước mắt. Thực thế, mắt cô đã có ngấn lệ rồi kìa, nó long lanh, đang muốn trào ra, một hạt ngọc đã từ trên mi rơi xuống nền gạch rồi. Nếu tôi có thì giờ và không ngại lời nói bép xép của một tên gia nhân nào đó đi qua đây, thì tôi sẽ tìm hiểu cho bằng được câu chuyện ra sao. Thôi, tối nay tôi miễn cho cô, nhưng cô nên hiểu rằng suốt thời gian khách khứa của tôi còn ở lại đây, tôi mong rằng tối nào cô cũng sẽ có mặt ở phòng khách; tôi muốn như thế, xin cô chớ quên. Thôi bây giờ cô đi đi, và bảo Xôphi gọi Ađen về. Xin chào, cô...

Ông ngừng lời, cắn môi, và đột ngột bỏ đi.



1. Các bà các cô ấy thay áo đấy... Ở nhà mẹ em, khi có khách, em đi theo họ khắp nơi, ở buồng khách, ở phòng riêng của họ. Em thường xem các chị hầu phòng chải đầu và mặc áo cho các bà khách, thích lắm cơ! Như thế mình mới học tập được.

1. Có chứ, thưa cô đến năm sáu tiếng đồng hồ rồi chúng ta đã được ăn gì đâu.

1. Và lúc ấy mới tiéc chứ!

1. Em có thể hái một trong những bông hoa tuyệt đẹp kia không, hả cô? Để cài cho đẹp thôi mà.

1. Nét mặt sắc sảo, có duyên, nhưng không đều.

2. Nữ thần săn bắn, theo thần thoai cổ Hy Lạp, được hình tượng bằng một thiếu nữ vóc người cân đối và thanh tú.

1. Chào các phu nhân.

1. Một "ông bố quý tộc trên sân khấu".

2. Nguyên văn: Đẹp là do con mắt của người nhìn.

1. Mặc kệ.

1. Tình say mê đẹp đẽ.

1. David Rizzo, nhạc sỹ Ý, rất được Mary Stuart, hoàng hậu Tô-cách-lan, quý trọng.

2. James Hepburn, bá tước Bothell, chồng của Mary Stuart.

1. Chớ có như thế.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84529


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận