Jên Erơ Chương 12


Chương 12
Cảnh yên tĩnh êm đềm buổi đầu ở Thornơfin hình như hứa hẹn cho tôi một nghề nghiệp nhàn hạ; càng về sau,

khi đã quen với người với cảnh, thì cái ý nghĩ đó càng được vững tin. Bề ngoài thế nào thì tâm tính bà Fefăc như thế, nghĩa là người điềm đạm, bản chất hiền lành, có giáo dục và thông minh vào loại trung bình. Cô học sinh của tôi là một đứa trẻ linh lợi, được nuông chiều, vì vậy đôi khi tính nết bất thường hay thay đổi, nhưng vì nó được giao cho tôi trông nom hoàn toàn và không có ai can thiệp một cách bất hợp lý vào chương trình của tôi dạy dỗ nó, con bé cũng sớm bỏ được cái lối trái thói đi và trở nên ngoan ngoãn, dễ bảo. Ađen không có tài gì đặc sắc, tính nết không có nét gì nổi bật, chẳng có tình cảm hoặc sở thích gì phát triển đặc biệt vượt mức trẻ con bình thường, nhưng nó cũng không có những nhược điểm và thói xấu đến nỗi kém những đứa khác, Ađen học tập khá tấn tới, nó yêu mến tôi một cách bồng bột, mặc dù có lẽ cũng không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Và cũng vì tính hồn nhiên, hay chuyện trò láu táu, và luôn luôn cố gắng làm hài lòng tôi, nên đối với nó, tôi cũng thấy có một sự ràng buộc đủ khiến chúng tôi thích ở bên nhau.

Điều này, tiện thể mà nói, có thể bị coi là lời nói thiếu nhiệt tình ở những người vẫn thường có những quan điểm trịnh trọng về vấn đề bản chất thiên thần của trẻ thơ, và về bổn phận của những người có nhiệm vụ dạy dỗ chúng là phải kính trọng đến sùng bái chúng. Nhưng tôi không viết để mơn trớn thói vị kỷ của những bậc cha mẹ, để hưởng ứng sự đạo đức giả hoặc ủng hộ sự lừa dối. Tôi chỉ nói đúng sự thật. Tôi thấy lương tâm băn khoăn lo lắng đến lợi ích và sự tấn tới của Ađen; tôi yêu Ađen bé bỏng một cách êm lặng cũng như đối với bà Fefăc, tôi biết ơn lòng tốt của bà và thấy vui sướng sống với bà, vì đối với bà, tôi có thái độ vì nể kín đáo, vì tâm hồn và tính tình bà thực là điềm đạm.

Ai muốn trách tôi thì trách, tôi phải nói thêm rằng, thỉnh thoảng, khi tôi một mình tha thẩn ở ngoài vườn, khi tôi đến gần hàng rào nhìn ra đường cái, hoặc khi, trong lúc Ađen mải chơi với chị bảo mẫu và bà Fefăc đang làm mứt trong buồng, tôi leo lên tầng gác thứ ba, mở nắp chiếc cửa con trên trần gác xép và lên sân thượng, nhìn ra cánh đồng, với những ngọn đồi xa và đường chân trời mờ ảo - những lúc ấy tôi ước ao có thể vươn tới một thế giới hoạt động, những thành thị, những miền có cuộc sống sôi nổi mà tôi đã từng nghe nói đến, nhưng chưa được trông thấy bao giờ. Những lúc ấy, tôi ước ao có được nhiều kinh nghiệm thực tế hơn, được tiếp xúc với nhiều đồng loại, được quen biết với nhiều hạng người, chứ không phải chỉ với số ít người tôi hiện biết. Tôi đánh giá đúng điểm gì là tốt ở bà Fefăc và Ađen, nhưng tôi tin rằng có những tấm lòng tốt thuộc loại khác, còn nồng nhiệt hơn nữa, tôi ước ao muốn được thấy tận mắt những điều tôi tin tưởng ấy.

Ai trách tôi đây? Chắc hẳn là rất nhiều người, và tôi sẽ bị coi là một kẻ bất mãn. Biết làm sao được, bản chất con người tôi rạo rực sôi nổi, đôi khi nó cũng giày vò làm khổ tôi. Những khi ấy sự an ủi độc nhất của tôi là đi đi lại lại trên hành lang tầng gác thứ ba, cảm thấy mình được yên ổn trong cảnh cô tịch ở nơi đây, và thả sức cho tâm hồn được ngắm nhìn những ảo ảnh sáng ngời hiện lên trước mắt - biết bao nhiêu ảo ảnh rực rỡ; những khi ấy, tôi mặc cho tim tôi hồi hộp rộn ràng, nhịp đập ấy làm cho lòng tôi bối rối nhưng lại khiến cho nó chan hòa sức sống. Và có một điều tôi thích hơn cả, là lắng nghe trong lòng tôi một câu chuyện không bao giờ hết, một câu chuyện do trí tưởng tượng của tôi tạo ra và kể mãi không ngừng, nó sôi nổi với những biến cố, với những sinh lực, với nhiệt tình, với những xúc cảm mà tôi mong được, nhưng không có được trong cuộc sống hiện tại của tôi.

Bảo rằng con người nên tự lấy làm thỏa mãn với cuộc sống bình lặng là sai, con người phải hoạt động, và nếu không tìm thấy sự hoạt động thì nó phải tự tạo ra. Có hàng triệu người phải chịu số phận trì trệ hơn tôi nhiều, và hàng triệu người âm thầm cưỡng lại số mệnh. Không kể những cuộc nổi loạn về chính trị, ai mà biết nổi còn có bao nhiêu cuộc nổi loạn đang lên men trong đám quần chúng sống trên thế gian này. Phụ nữ thường bị coi là những người quen bình lặng, nhưng thực ra họ cũng cảm nghĩ khác gì nam giới. Phụ nữ cần được thể hiện những năng khiếu của mình, và phải có một phạm vi hoạt động cho những cố gắng của họ, cũng như anh em nam giới. Họ đau khổ vì bị khống chế thô bạo, vì phải sống trong sự kìm hãm ngặt nghèo, cũng đúng như nam giới đau khổ vì chuyện ấy. Và những kẻ nào được hưởng đặc ân của họ, nói rằng phụ nữ là chỉ có việc nấu bánh, đan bít tất, dạo dương cầm và thêu các thứ túi, đều là những kẻ bảo thủ hẹp hòi. Thực là không biết nghĩ mới kết tội hoặc chê cười phụ nữ, nếu thấy họ cố tìm cách học hỏi thêm để vươn lên cao hơn quan niệm thông thường về phụ nữ.

Trong những lúc có một mình như vậy, tôi thường nghe thấy tiếng cười của Grêxơ Pun, vẫn một tràng cười, vẫn những tiếng ha ha, trầm trầm rợn người khi tôi nghe thấy lần đầu tiên. Tôi lại còn nghe thấy những tiếng rì rầm quái gở của chị ta, nó còn kỳ khôi hơn cả tiếng cười nữa. Có những hôm chị hoàn toàn yên lặng, nhưng lại có những hôm tôi không sao hiểu nổi những âm thanh chị phát ra nữa. Đôi khi tôi gặp chị bước ở buồng ra, tay cầm bát, đĩa, hay một chiếc khay, đi xuống bếp rồi lại trở lên ngay, thường thường (ồ, thưa độc giả lắm tưởng tượng, xin thứ lỗi cho, vì tôi kể lại sự thực tầm thường này!) tay bưng một bình rượu bia. Sự xuất hiện của chị bao giờ cũng làm tan hết sự tò mò do tiếng cười kỳ quái của chị gây nên. Nét mặt khắc khổ, lầm lì, chẳng có điểm nào đáng để người ta ưa thích. Tôi đã mấy lần thử gợi chuyện nói với chị, nhưng chị ta có vẻ ít lời, câu trả lời nhấm nhẳn cộc lốc, làm cho tôi chán chẳng buồn hỏi thêm.

Trong lâu đài còn có hai vợ chồng anh Jôn, chị Li, người dọn dẹp trong nhà, và Xôphi - chị bảo mẫu người Pháp - họ đều dễ chịu cả, nhưng không có gì đặc biệt. Tôi thường nói chuyện với Xôphi bằng tiếng Pháp, đôi khi cũng hỏi thăm đến xứ sở của chị; nhưng về phương diện miêu tả và kể chuyện thì chị rất kém, thường chị trả lời rất uể oải lung tung như thể chị cố ý làm ra vậy, để cho tôi đâm chán mà đừng hỏi thêm nữa.

Tháng mười, tháng mười một, tháng chạp qua đi. Vào một buổi chiều tháng giêng, bà Fefăc xin cho Ađen nghỉ học vì nó bị cảm lạnh. Ađen ủng hộ lời đề nghị này một cách hăng hái, khiến tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, những ngày được nghỉ bất thần đối với mình quý giá ngần nào. Tôi ưng thuận, nghĩ rằng mình dễ dãi và điểm này là đúng. Hôm ấy trời đẹp và quang đãng, nhưng lạnh buốt.

Suốt cả buổi sáng ngồi lì trong buồng học, tôi đã thấy chán, nhân dịp bà Fefăc vừa viết xong một bức thư muốn đem gửi, tôi liền mặc áo, đội mũ, nhận đến Hây bỏ vào thùng thư hộ bà. Đi bộ hai dặm đường trong buổi chiều đông hôm ấy thực là thú vị. Yên chí để Ađen ngồi gọn trong ghế bành cạnh lò sưởi trong buồng bà Fefăc rồi, tôi đưa cho nó một con búp bê bằng nhựa cho nó chơi (con búp bê này tôi vẫn bọc bằng giấy thiếc để trong ngăn kéo) và một quyển truyện cổ tích để lúc nào nó thích thì xem, và sau khi đã hôn nó để đáp lại câu: "Revenz biêntôt, ma bonne, amie, ma chère Mdlle jeannete(1) của nó, tôi ra đi.

Mặt đất khô cứng, không khí im lìm, đường đi vắng vẻ. Tôi bước nhanh cho đến khi thấy người nóng ran lên, rồi đi chầm chậm lại để phân tích và tận hưởng cái thú vị bao trùm lấy tôi trong giờ phút và cảnh trời lúc đó. Lúc ấy vào ba giờ chiều, chuông nhà thờ ngân ba tiếng, vừa đúng lúc tôi đi qua phía dưới gác chuông. Cái thú của giờ phút đó là ở cảnh hoàng hôn, ở ánh nắng nhàn nhạt chiếu chênh chếch. Tôi đã đi cách Thornơfin được một dặm, trên con đường xưa nay có tiếng vì những cây hoa hồng dại về mùa hè, những cây hạt dẻ và cây dâu đen về mùa thu, và đến bây giờ vẫn còn lác đác vài cây san hô quý giá trong các bụi hồng. Nhưng cái cảnh thú vị nhất về mùa đông trên con đường này vẫn là cảnh u tịch, cỏ cây tiêu điều xơ xác, nếu có một cơn gió thoảng đến, thì cảnh vật ở đây cũng vẫn lặng lẽ vì chẳng còn lấy một cây ô tô, chẳng có lấy một vòm xanh lao xao, còn những cây gai và các bụi hạt dẻ xác xơ vẫn im lìm như những hòn đá trắng mòn nằm trơ trơ giữa đường. Xa xa, hai bên vệ đường, chỉ thấy cánh đồng bát ngát, không có bóng một đàn bò nào gặm cỏ, và thảng hoặc nếu có vài con chim nâu thỉnh thoảng đụng đậy trên hàng rào, thì trông cũng giống như những chiếc lá vàng úa quên chưa rụng.

Suốt dọc đường đến Hây, con đường thoai thoải leo lên dốc, đến nửa đường, tôi ngồi trên một bậc thềm hàng rào dẫn từ chỗ ấy xuống cánh đồng. Khép áo kín người, ủ tay vào bao tay bằng lông thú, tôi không cảm thấy rét, mặc dù trời lúc đó giá căm căm, làn băng phủ mặt đường chứng tỏ điều đó; ở đấy có một dòng suối lúc này đã đóng băng, nhưng mấy hôm trước đây đã tràn ra vì băng tan bất chợt. Ngồi ở đây tôi có thể nhìn xuống Thornơfin, tòa lâu đài màu xám có lỗ châu mai đó nổi bật giữa khoảng thung lũng phía dưới chân tôi. Những cánh rừng và những tổ quạ đen đen ở Thornơfin in bật lên nền trời tây. Tôi còn ngồi nán lại cho đến lúc vừng dương xế bóng, tỏa rực ánh hồng khuất sau những lùm cây. Tôi bèn quay lại nhìn về phương đông.

Ở đỉnh ngọn đồi phía trên tôi, vầng trăng nhô lên nhợt nhạt như một giải mây, nhưng mỗi lúc một sáng dần. Chị Hằng nhìn xuống xóm Hây lấp ló sau vòm cây đang tỏa lên một làn khói lam từ mấy ống khói. Tuy còn cách xa đến một dặm đường, nhưng trong cảnh tịch mịch ấy, thoảng có tiếng rì rầm nhẹ nhẹ của cuộc sống, vẳng bên tai tôi có tiếng suối chảy, trong một thung lũng thẳm sâu nào đó, nhưng ở phía bên kia xóm Hây trập trùng nhiều đồi; hẳn là ở đó có nhiều dòng suối lượn qua. Trong cảnh chiều im vắng, nổi lên tiếng nước róc rách gần đâu đây, và tiếng rầm rì của những dòng suối xa xa.

Bỗng một tiếng động thô bạo nổi lên giữa những tiếng róc rách, rì rầm êm dịu, ở rất xa mà lại rất rõ. Một tiếng đập đều đều, đều đều âm thanh của kim khí át hẳn tiếng nước rì rào nhè nhẹ, tựa như trong bức tranh, sừng sững một hốc đá hoặc những cành sồi rườm rà đậm nét, nổi bật lên làm mờ nhạt khoảng cách của những đồi cao trập trùng xanh lơ, với chân trời rực sáng ánh hồng, và những áng mây hòa hợp mà màu sắc tan lẫn vào nhau.

Tiếng động gõ đều đều trên mặt đường, một con ngựa đang tiến gần lại, nhưng vẫn còn khuất bóng, vì đường ngoặt chữ chi. Tôi vừa đứng dậy khỏi chỗ ngồi nhưng vì đường quá hẹp, nên đầu óc đầy những sự tưởng tượng vừa tươi đẹp vừa u tối. Hồi ức về những câu chuyện được nghe kể hồi còn nhỏ xen lẫn với những chuyện ngớ ngẩn khác, nhưng khi những chuyện ấy hiện lên trong óc tôi thì cái tuổi trưởng thành đem tới cho chúng một sinh lực, một sự sinh động mà tuổi thơ ấu không thể nào có được. Trong lúc con ngựa này tiến đến gần và tôi thì đang đợi nó hiện ra giữa ánh hoàng hôn, tôi nhớ lại một câu chuyện Betxi kể cho tôi nghe hồi trước: Một con ma miền Bắc nước Anh, tên gọi "Gytơrat" thường hiện hình thành một con ngựa, con lừa hay con chó to, vẩn vơ trên những đường vắng vẻ, đôi khi đến gần những khách bộ hành đi khuya cũng như con ngựa này đang đến gần tôi.

Tiếng vó ngựa đã gần lắm, nhưng tôi vẫn chưa trông thấy gì; rồi ngoài tiếng vó ngựa nện đều đều, tôi lại nghe có tiếng chân chạy bên ngoài hàng rào, và ngay sát gần tôi, dưới những bụi hạt dẻ, một con chó lớn lướt qua, bộ lông đen nhánh điểm trắng nổi bật lên giữa những lùm cây. Đúng là con ma Gytơrat trong câu chuyện của Betxi hiện hình rồi; trông nó như một con sư tử, lông dài, đầu to tướng; nhưng nó đi qua bên tôi khá yên lành, chẳng buồn đứng lại ngước đôi mắt kỳ dị lên nhìn vào mặt tôi, như tôi chờ đợi. Con ngựa theo sau nó, một con ngựa cao lớn, mang trên lưng một kỵ sĩ. Người đàn ông, một người hẳn hoi, làm cho sự huyễn hoặc biến ngay lập tức. Không bao giờ có ai cưỡi con Gytơrat, bao giờ nó cũng chỉ hiện lên có một mình. Theo như tôi biết, thì loài yêu tinh chỉ có thể hiện lên thành hình loài vật, chứ không thể hình thành người được. Đây không phải là Gytơrat, mà chỉ là một du khách đi đường tắt về Mincôt. Ông ta lướt qua tôi, tôi lại đi; được vài bước, tôi ngoái cổ lại, vì nghe có tiếng trượt chân ngã và tiếng kêu: "Mẹ kiếp, làm thế nào bây giờ?" rồi có tiếng ngã đánh huỵch một cái làm chú ý. Cả người lẫn ngựa đều ngã, vì trượt trên mặt băng phủ con đường. Con chó nhảy chồm trở lại, thấy chủ đang bị vướng mắc, và thấy tiếng con ngựa hý, nó liền sủa vang khiến đồi núi về chiều vọng lại, tiếng sủa âm vang tương xứng với thân hình to lớn của nó. Con chó đánh hơi quanh người và ngựa, rồi chạy đến chỗ tôi; nó còn biết làm gì hơn được vì chẳng còn ai gần đấy nữa mà cầu cứu. Tôi theo con chó đến gần người kỵ sĩ; lúc này ông ta còn rất mạnh nên tôi nghĩ ông ta cũng không bị đau lắm; tuy nhiên tôi vẫn hỏi:

- Ông có bị thương không?

Hình như ông ta đang nguyền rủa, nhưng tôi không lấy gì làm chắc lắm. Dù sao thì ông cũng đang càu nhàu một câu gì đó, nên không trả lời tôi ngay được.

- Tôi có thể giúp ông được gì không, thưa ông? - Tôi lại hỏi ông ta.

- Cô phải đứng sang một bên.

Ông vừa trả lời vừa nhỏm dậy, mới đầu quỳ đầu gối rồi sau đứng hẳn lên. Tôi làm theo lời ông; rồi có tiếng thở phì phò, tiếng chân giậm, tiếng yên cương lách cách kèm theo những tiếng chó sủa vang, làm cho tôi phải lùi lại mấy bước. Nhưng tôi không muốn bỏ đi trước khi thấy rõ việc ra sao. Cuối cùng rồi cũng ổn cả, con ngựa đã nhổm dậy được; sau tiếng quát: "Pilôt, im ngay!" con chó thôi không sủa nữa. Người khách đi đường cúi xuống sờ nắn chân, như muốn xem có việc gì không, hình như ông ta có bị đau, vì ông ta ngừng lại, ngồi bệt xuống cái bực chỗ tôi vừa đứng dậy.

Lúc ấy hẳn tôi đang muốn tỏ ra có ích, hoặc ít ra cũng là thích giúp người, vì tôi bước lại gần và bảo ông ta:

- Nếu ông bị thương và cần giúp đỡ, tôi có thể đi gọi một người nào đó ở lâu đài Thornơfin hoặc ở xóm Hây.

- Cảm ơn cô, tôi có thể đi được; tôi chỉ bị sai khớp chứ không bị gãy xương. Rồi ông lại đứng dậy đi thử, bỗng ông buột miệng kêu lên mọt tiếng "ối".

Trời chạng vạng tối, nhưng ánh trăng tỏ vằng vặc nên tôi nhìn rất rõ ông ta. Ông khoác một chiếc áo đi ngựa cổ viền lông thú, đính khuy bằng thép; tuy không nhìn được rõ từng nét tỉ mỉ, nhưng tôi cũng nhận thấy ông ta vóc người tầm thước, ngực khá nở nang, nét mặt lầm lì, khắc khổ, vầng trán nặng nề. Đôi mắt và lông mày nhíu lại chứng tỏ ông đang bực bội tức giận. Trông ông không còn trẻ trung nữa, nhưng cũng chưa hẳn là người đứng tuổi, có lẽ vào trạc ba mươi nhăm. Tôi không thấy sợ ông ta, nhưng cũng hơi e dè. Nếu ông ta là một nhân vật thượng lưu trẻ tuổi, đẹp trai, có vẻ anh hùng, có lẽ tôi đã không dám đứng đấy mà hỏi những điều trái ý ông, và tự nhiên ngửa tay xin việc. Trong đời, tôi chưa hề nhìn thấy và nói chuyện với một chàng trai trẻ tuổi xinh trai. Tôi đã sẵn có, trên lý luận, lòng tôn sùng đối với sắc đẹp, sự tao nhã, vẻ hào hoa và sự quyến rũ; nhưng giả thử tôi gặp một người đàn ông có đủ những tiêu chuẩn đó, thì tự nhiên tôi sẽ thấy những điều ấy không thể nào thích hợp với một chút gì ở người tôi, và tôi sẽ lánh xa như người ta lánh xa lửa bỏng, chớp lòe hoặc những thứ gì sáng chói mà đáng ghét.

Nếu người lạ mặt này thấy tôi hỏi lại mỉm cười tươi tỉnh với tôi, nếu ông ta cảm ơn và vui vẻ từ chối sự giúp đỡ của tôi, thì có lẽ tôi cứ việc bỏ đi và cảm thấy chẳng cần phải quay lại hỏi thêm làm gì; đằng này vẻ cau có, thô lỗ của ông ta lại làm cho tôi thấy dễ chịu. Lúc ông ta ra hiệu cho tôi cứ việc đi, thì tôi lại cứ đứng yên và nói:

- Nhưng thưa ông, tôi không đành lòng bỏ đi trong lúc trời đã tối mà đường thì hẻo lánh thế này, nếu chưa thấy ông ngồi lên được mình ngựa.

Nghe tôi nói vậy, người lạ mặt nhìn tôi, đến bây giờ ông ta mới buồn đưa mắt về phía tôi.

- Tôi nghĩ chính cô cũng phải ở nhà vào giờ này rồi, nếu nhà cô cũng ở quanh đây. Cô từ đâu đến?

- Ở ngay phía dưới kia, nhưng trời trăng sáng thế này tôi chẳng ngại gì đi khuya. Tôi sẵn sàng chạy đến Hây tìm người giúp ông, nếu ông bằng lòng. Vả lại tôi đang cần tới đó để bỏ một bức thư.

- Cô ở ngay phía dưới kia, có phải cô định nói ở trong cái nhà có những lỗ châu mai kia không? - Ông ta chỉ tay về phía lâu đài Thornơfin, lúc này đắm trong ánh trăng bàng bạc, nổi bật lên mơ hồ trong cánh rừng đen, lù lù một khối trên nền trời tây.

- Vâng, thưa ông.

- Căn nhà đó là của ai?

- Của ông Rôchextơ.

- Cô biết ông ta chứ?

- Không, tôi chưa hề gặp ông ta.

- Ông ấy không ở đấy sao?

- Không

- Cô có thể cho tôi biết ông ta hiện đang ở đâu không?

- Tôi không biết.

- Hẳn cô không phải là gia nhân ở đó, cô là...

Ông ngừng lời, đưa mắt nhìn cách ăn mặc của tôi; nó vẫn giản dị như thường lệ, một chiếc áo choàng vải đen và một chiếc mũ trùm cũng màu đen. Chẳng có thứ nào gọi là tạm xứng vói người hầu gái của một mệnh phụ. Hình như ông ta đang lúng túng chưa đoán được tôi thuộc loại người nào. Tôi bèn đỡ lời:

- Tôi là cô giáo dạy trẻ.

- À, ra là cô giáo! - ông ta nhắc lại, - quái quỷ, thế mà tôi không nhớ! Ra cô giáo đấy! - và ông ta lại nhìn quần áo tôi chằm chặp. Hai phút sau, ông nhỏm dậy bước thử, mặt nhăn lại vì đau đớn:

- Tôi không dám nhờ cô đi gọi người giúp, nhưng nếu cô có lòng tốt, tự cô cũng có thể giúp tôi được phần nào.

- Vâng, thưa ông.

- Cô có cái ô để cho tôi dùng làm gậy chống không?

- Không.

- Nhờ cô lại cầm lấy dây cương dắt con ngựa lại đây giúp tôi, cô không sợ chứ?

Một mình tôi thì có lẽ tôi chẳng dám mó đến con ngựa, nhưng vì ông ta nhờ, nên tôi sẵn sàng vâng lời... Tôi đặt bao tay lông xuống bệ gạch và tiến lại gần con ngựa cao lớn. Tôi cố gắng nắm lấy dây cương, nhưng con ngựa hung hăng không chịu cho tôi lại gần đầu nó. Tôi cố gắng mãi nhưng không được, đồng thời hai chân trước nó giẫm xuống đất cồm cộp làm cho tôi sợ chết khiếp. Người khách đi đường đợi và nhìn một lát rồi bật cười:

- Tôi thấy cô không bao giờ đem được núi lại cho Mahômet, vậy cô còn có mỗi một cách là giúp Mahômet đi tìm núi thôi. Tôi phải yêu cầu cô lại đây vậy.

Tôi lại gần, ông ta nói tiếp:

- Xin lỗi cô, vì sự cần thiết bắt buộc tôi phải nhờ đến cô.

Ông ta đặt một bàn tay nặng nề lên vai tôi, và tỳ mạnh vào tôi, ông tập tễnh tiến lại gần con ngựa. Nắm được dây cương, ông kiềm chế ngay con ngựa và nhảy lên yên, sự cố gắng đó khiến ông nhăn mặt đau đớn vì chỗ khớp xương xái bị vặn đi.

Ông ta không cắn mạnh vào môi dưới nữa, bảo tôi:

- Bây giờ cô đưa giúp tôi chiếc roi ngựa, ở cạnh hàng rào kia.

Tôi tìm nhặt chiếc roi.

- Cảm ơn cô, thôi, bây giờ cô rảo bước đi đến xóm Hây mà bỏ thư, rồi cố gắng về cho sớm.

Ông thúc cựa gót giày khiến con ngựa giật mình chồm lên, rồi lao đi. Con chó chạy theo sau, thế là cả ba mất hút.

Như giành giành trên cánh đng hoang...

Bị gió lốc cuốn về nơi xa khuất.

Tôi nhặt bao tay lên và bước đi. Sự việc xảy ra đối với tôi thế là xong; đứng về một mặt mà nói thì lúc ấy nó là một việc chẳng có gì quan trọng, chẳng có tính chất tiểu thuyết và không có gì thú vị, song nó cũng đánh dấu sự thay đổi trong một khoảnh khắc cuộc sống đều đều tẻ nhạt của tôi. Đã có người cần đến sự giúp đỡ của tôi; tôi đã giúp được việc cho người khác, tôi cảm thấy sung sướng vì đã làm được một việc, dù nhỏ nhặt, thoáng qua thực đấy, nhưng nó là một việc làm chủ động, vì tôi đã chán ngấy cái cuộc sống hoàn toàn thụ động. Bộ mặt mới mẻ kia cũng như một bức tranh treo trong đó, trước hết, vì đó là hình ảnh một người đàn ông, sau nữa, vì nó âm thầm, rắn rỏi và nghiêm nghị. Cho đến lúc tôi tới Hây và bỏ thư vào trạm, hình ảnh đó vẫn cứ hiện lên trước mắt. Tôi vẫn còn nhìn thấy nó trong khi rảo bước xuống đồi suốt dọc đường trở về nhà. Lúc đi đến chỗ bệ gạch ban nãy, tôi ngừng lại một chút, ngó quanh và nghe ngóng, tưởng như tiếng vó ngựa lại sắp vang lên trên mặt đường, và người kỵ mã trong chiếc áo choàng cùng một con chó Tân đảo giống con ma Gytơrat lại có thể xuất hiện lần nữa. Nhưng tôi chỉ thấy trước mặt tôi dãy hàng rào và một cây dương liễu bị xén ngọn vươn lên sừng sững, lặng lẽ đìu hiu dưới ánh trăng mờ; còn cách Thornơfin một dặm, tôi chỉ nghe tiếng gió thoang thoảng heo hút lùa qua các hàng cây quanh lâu đài; nó như thầm nhắc nhở là mình đã về muộn, nên tôi vội vàng rảo bước.

Nhưng tôi lại không thích lại bước vào lâu đài Thornơfin vội. Qua bậc cửa vào là đã quay về với cuộc sống trì trệ; qua căn phòng lớn im lìm, bước lên chiếc cầu thang âm u, tìm về căn phòng bé nhỏ cô quạnh của tôi, và để rồi lại gặp cái bà Fefăc lặng lẽ, và qua buổi tối mùa đông dằng dặc với bà, chỉ với mình bà, như thế nghĩa là hoàn toàn bóp nghẹt cái hứng khởi mới chớm được thức tỉnh trong cuộc đi chơi vừa rồi, - bà lại trói buộc bằng những vòng xích vô hình các năng khiếu của mình vào cuộc sống đều đều tẻ nhạt, vào một cuộc sốníí mà tôi đã trở thành không sao tán thưởng nổi ngay cả những thuận lợi an toàn thoải mái của nó. Có lễ tôi cần được ném vào cơn bão táp của một cuộc sống bất định đầy vật lộn, cần được trải qua những kinh nghiệm phũ phàng chua cay thì tôi mới biết ước ao cái đời sống êm đềm hiện tại. Phải, đúng như một người ngồi mãi trong một chiếc đệm êm quá phải phát chán và ao ước một cuộc đi bộ dài, sự thèm vận động đối với người ấy là tất nhiên thì trường hợp của tôi cũng vậy thôi.

Tôi chần chừ mãi ở cổng, quanh quẩn trên bãi cỏ, đi đi lại lại trên vỉa hè. Những cánh cửa chớp đã đóng, tôi không nhìn thấy gì bên trong nữa. Mắt tôi, tâm trí tôi lúc đó như muốn rời khỏi ngôi nhà buồn thảm, rời khỏi cái hốc xám xịt đầy những căn buồng tăm tối, để hướng về bầu trời rộng rãi phía trước mặt kia, - một khoảng biển xanh thăm thẳm không gợn áng mây; chị Hằng đang trịnh trọng tiến bước, gương mặt tròn trặn c fba a nàng dường như đang ngẩng đầu lên khi rời xa những đỉnh đồi mà nàng vừa nhô ra khỏi, bỏ chúng lùi lại mãi phía sau xa tít, để vươn đến tận đỉnh trời cao chót vót, trong khoảng đêm thâu mịt mù vô tận. Những vì sao run rẩy theo gót chị Hằng làm tim tôi thổn thức, máu trong mạch tôi ứ tràn. Nhưng có những sự nhỏ nhặt khiến ta bừng tỉnh giấc mơ; tiếng chuông đồng hồ trong nhà ngân nga điểm; thế cũng đủ cho tôi rời khỏi vầng trăng và các vì sao; mở cánh cửa bên, tôi bước vào nhà.

Căn buồng lớn không tối, tuy chỉ có một chiếc đèn bằng đồng treo cao chiếu sáng, một ánh sáng ấm cúng rọi vào cả căn phòng và mấy bậc cuối cùng của chiếc cầu thang bằng gỗ. Ánh sáng đỏ này rọi ra từ phòng ăn mà hai cánh cửa đang mở toang trong phòng, lửa rực rỡ hắt vào mặt đá của lò sưởi và những thành lò bằng đồng, soi rõ những thảm dạ đỏ sẫm và đồ đạc bóng loáng, trông lại càng thêm rực rỡ. Ánh lửa cũng soi vào một nhóm người quây quần bên lò sưởi; tôi chưa kịp nhìn và chưa kịp nghe rõ những tiếng nói vui vẻ chen nhau, trong đó hình như có tiếng Ađen, thì cánh cửa đóng lại.

Tôi vội đi nhanh về buồng bà Fefăc; trong buồng cũng đốt lửa, nhưng không thắp nến, mà cũng chẳng thấy bà Fefăc đâu. Tôi chỉ thấy một con chó lớn, lông mượt đen lốm đốm trắng, hệt như con Gytơrat trên con đường hẻm, ngồi chồm chỗm một mình trên thảm, đang lừ lừ nhìn ngọn lửa. Trông nó giống con chó ban chiều quá, đến nỗi tôi tiến lại và gọi: "Pilôt!". Con chó đứng dậy, chạy lại gần tôi và đánh hơi. Tôi vuốt ve nó, con vật ve vẩy cái đuôi xù; trông nó ra vẻ một con vật kỳ bí quá, không nên đứng gần nó một mình, và tôi không hiểu nó ở đâu đến nữa. Tôi giật chuông, vì tôi muốn có một cây nến và cũng muốn biết rõ về vị khách này. Li bước vào.

- Con chó nào đấy?

- Nó về cùng với ông chủ đấy.

- Cùng với ai?

- Cùng với ông chủ... ông Rôchextơ... ông vừa về xong.

- Thực ư! Còn bà Fefăc đang gặp ông à?

- Vâng, cả cô Ađen nữa; tất cả hiện ở trong phòng ăn, còn Jôn đang đi tìm thầy thuốc, vì ông chủ vừa bị một tai nạn, ngựa của ông ngã, làm ông bị sai khớp mắt cá chân.

- Có phải ngựa bị ngã trên đường đi Hây không?

- Đúng, bị trượt trên mặt băng lúc xuống đồi.

- À, chị Li, đem giúp cho tôi một cây nến nhé.

Li mang nến vào, bà Fefăc theo sau; bà nhắc lại tin ông chủ về và cho tôi biết thêm là ông thầy thuốc Cactơ đã đến, hiện giờ đang ở bên ông Rôchextơ, rồi bà hấp tấp bước ra để sai gia nhân pha trà; còn tôi lên gác cởi quần áo.



1. Cô về ngay nhé, cô bạn quý của em, cô Janel thân mến của em.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84523


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận