Jên Erơ Chương 5


Chương 5
Sáng hôm 19 tháng giêng, chuông đồng hồ vừa điểm năm giờ, chị Betxi đã bước vào buồng tối, tay cầm cây nến.

Lúc ấy tôi đã dậy và ăn mặc tương đối chỉnh tề. Tôi dậy được nửa giờ rồi chị mới tới, tôi rửa mặt, mặc quần áo dưới ánh trăng tàn rọi qua chiếc cửa sổ con gần chiếc giường nhỏ của tôi. Ngày hôm ấy, tôi phải rời khỏi Gatơhet bằng một chiếc xe ngựa đi qua cổng quãng sáu giờ sáng. Betxi là người độc nhất trở dậy, nhóm lửa trong phòng trẻ và sửa soạn bữa điểm tâm cho tôi. Ít có trẻ con nào trong lòng đang xốn xang vì một cuộc đi xa, mà lại có thể ngồi ăn được, tôi cũng vậy. Chị Betxi ép tôi húp vài thìa sữa nóng và ăn những bánh chị đã sửa soạn sẵn không được, bèn gói một ít bích quy, nhét vào trong cặp tôi. Sau khi giúp tôi mặc áo và đội mũ, chị quàng cổ một chiếc khăn san rồi chúng tôi ra khỏi buồng trẻ. Lúc qua cửa buồng bà Rit, chị hỏi:

- Cô có muốn vào từ biệt bà Rit không?

- Thôi, chị Betxi ạ, hôm qua lúc chị xuống dưới nhà ăn bữa tối, bà ấy có vào buồng tôi và bảo sáng sớm lúc nào nào đi, tôi không cần phải vào đánh thức bà hoặc các em dậy nữa. Rồi bà dặn tôi nên nhớ rằng bao giờ bà cũng là người bạn tốt nhất của tôi, tôi phải luôn nhắc đến bà và nhớ đến công ơn của bà.

- Thế cô trả lời sao?

- Chẳng trả lời gì cả, tôi lấy chăn trùm lên mặt rồi quay đầu vào tường.

- Như thế là sai, cô Jên ạ?

- Như thế là đúng chứ, chị Betxi, vì bà chủ của chị không phải là bạn mà là kẻ thù của tôi.

- Ồ, cô Jên, không nên nói vậy!

- Thôi, vĩnh biệt lâu đài Gatơhet? - Tôi kêu lên khi đi qua phòng lớn và bước ra cổng.

Trăng đã lặn, trời tối hẳn lại. Chị Betxi xách chiếc đèn lồng kính, ánh sáng hắt ra trên những bực thềm ẩm ướt và con đường rải sỏi đẫm tuyết vừa tan. Sáng mùa đông rét buốt, khi bước vội xuống lối đi, răng tôi run cầm cập. Trong buồng bác gác cổng đã có ánh đèn, lúc đến nơi chúng tôi thấy vợ bác đang nhóm lửa. Cái hòm của tôi đem xuống từ chiều hôm trước, đã được buộc chặt dây thừng và đặt bên cạnh cửa. Lúc ấy chừng sáu giờ kém vài phút, và sáu tiếng vừa điểm được một lát thì có tiếng bánh xe xa xa lăn trên đường báo hiệu xe sắp tới. Tôi ra cửa, nhìn thấy trong bóng tối ánh đèn xe đang tiến lại gần.

- Cô ấy đi có một mình thôi ư? Vợ bác gác cổng hỏi.

- Phải!

- Đi xa lắm không?

- Năm mươi dặm.

- Xa quá đấy! Tôi lấy làm lạ không hiểu sao bà Rit lại dám để cho cô ấy đi một mình trên quãng đường dài như thế.

Chiếc xe bốn ngựa tiến đến trước cổng, đầy hành khách. Người đánh xe và người phụ việc giục giã mọi người nhanh tay; cái hòm của tôi được khuân lên. Tôi ôm lấy cổ chị Betxi níu lấy để hôn, người ta phải kéo tôi ra.

- Bác trông nom cô ấy cẩn thận giúp cho! - Chị Betxi bảo bác xà ích trong khi bác nhấc tôi vào trong xe.

- Yên trí, yên trí! - Người xà ích trả lời và cửa xe đóng lại. Một tiếng nói vang lên: "Đi thôi", thế là chiếc xe lại tiếp tục chạy. Tôi đã từ giã Betxi, từ giã lâu đài Gatơhet như thế đấy. Cũng như thế, tôi đi tới một nơi xa lạ mà tôi cho là mịt mù bí mật.

Tôi nhớ rất ít về chuyến đi này, tôi chỉ thấy ngày hôm ấy dài vô tận, hình như chúng tôi đi hàng trăm dặm đường. Chúng tôi qua nhiều thành phố, và rồi đến một thành phố rất lớn, xe chúng tôi ngừng lại, người ta tháo ngựa ra, mọi người xuống ăn bữa sáng. Tôi được dẫn vào mội hàng ăn, bác xà ích muốn tôi ăn một thứ gì; nhưng vì tôi không thấy đói, bác để tôi ngồi trong một căn buồng rộng thênh thang, hai đầu có hai cái lò sưỏi, trên trần treo ngọn chúc đài, một hàng lan can đỏ nhỏ nhắn ở trên cao nhô khỏi mặt tường, đầy những nhạc cụ. Đi quanh quẩn trong buồng một lúc lâu, tôi có cảm giác lạ lùng, và lo có một kẻ nào vào bắt cóc tôi đi; vì tôi tin rằng có những tay chuyên bắt cóc người, chị Betxi thường kể cho tôi nghe chiến công của họ trong những câu chuyện bên lò sưởi. Sau cùng bác xà ích quay lại, bác lại xốc tôi lên xe lần nữa; con người trông nom tôi đó nhảy lên chỗ ngồi của mình, thổi tù và vang lên, rồi xe chạy lọc cọc trên đường phố rải đá(1) của thị trấn L.

Chiều đến, khí trời ẩm, đượm hơi sương; lúc chạng vạng tối tôi bắt đầu cảm thấy xe đã xa Gatơhet lắm rồi. Chúng tôi không đi qua những thành phố nữa, quang cảnh đã thay đổi hẳn, những đồi núi lớn xám ngắt nổi lên bao quanh chân trời. Hoàng hôn buông dần, xe chúng tôi xuống thung lũng rừng cây âm u, rồi một lúc lâu sau khi màn đêm đã bao trùm cảnh vật, tôi nghe tiếng gió rừng rít trong các lùm cây.

Tiếng gió ru, cuối cùng tôi lịm dần trong giấc ngủ. Nhưng tôi không ngủ được lâu, vì tiếng xe đỗ chợt làm tôi bừng tỉnh. Cửa xe mở, một người dáng chừng là chị người làm đứng bên cạnh cửa, nhờ ánh đèn xe tôi nhìn thấy mặt và quần áo chị ta.

- Ở đây có cô bé nào tên là Jên Erơ không? Chị ta hỏi. Tôi trả lời: "Có" và người ta xốc tôi ra, cái hòm của tôi được dỡ xuống, rồi xe lại bon bon chạy.

Ngồi lâu quá, tôi thấy ê ẩm cả người và choáng váng vì xe xóc quá và những tiếng động. Định thần lại tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Không gian trĩu nặng, gió mưa tăm tối, nhưng tôi cũng lờ mờ nhìn thấy trước mặt bức tường và một cánh cửa mở, tôi bước qua cửa cùng với người dẫn đường mới, chị ta khóa cửa lại. Bây giờ đã thấy một tòa nhà, hay nói đúng hơn là một dãy nhà - vì tòa nhà chạy dài mãi ra - có nhiều cửa sổ, một vài cửa sổ vẫn còn ánh đèn. Chúng tôi đi vào con đường rộng rải sỏi, lũng bũng nước, dẫn tới một cái cửa, rồi chị người làm đưa tôi qua hành lang vào một buồng có lửa ấm, để tôi ở lại đấy một mình.

Tôi đứng hơ những ngón tay rét cóng trên than hồng và đảo mắt nhìn quanh, không có lấy một ngọn nến, ánh lửa hắt hay trong lò sưởi chập chờn soi những bức tường căng giấy, tấm thảm, những màn cửa và đồ đạc bằng gỗ đào hoa tâm bóng lộn. Đây là một phòng nói chuyện, không được rộng rãi huy hoàng như phòng khách ở Gatơhet, nhưng cũng khá đủ tiện nghi. Tôi đang ngắm xem một bức tranh treo trên tường diễn tả cái gì thì cửa chợt mở, một người bước vào, tay cầm nến sáng, và có một người nữa theo sát đằng sau.

Người đi trước là một bà cao lớn, tóc đen, mắt đen, trán rộng và xanh xao; bà trùm lên mình một chiếc khăn san, vẻ trang trọng, dáng người ngay ngắn.

- Con bé thế này mà đã gửi nó đi độc có một mình, bà ấy nói và đặt cây nến lên bàn. Bà chăm chú nhìn tôi chừng hai phút, rồi nói thêm:

- Cho em bé ngủ ngay đi là hơn; trông em có vẻ mệt mỏi. Em có mệt không? Bà hỏi và đặt tay lên vai tôi.

- Dạ, hơi mệt.

- Chắc em còn đói nữa; chị Milơ ạ, hãy cho em nhỏ ăn gì trước khi đi ngủ. Có phải đây là lần đầu tiên em xa cha mẹ để đi trọ học không em?

Tôi nói cho bà biết là tôi mồ côi cha mẹ. Bà hỏi cha mẹ tôi mất từ bao giờ, năm nay tôi lên mấy, tên là gì, tôi có biết đọc, biết viết và khâu vá được chưa. Bà lấy ngón tay trỏ vuốt nhẹ lên má tôi và bảo: "bà mong tôi sẽ là một em bé ngoan ngoãn", và để cho tôi đi ra cùng với cô Milơ.

Bà tôi vừa từ biệt đó vào khoảng hai mươi chín tuổi; còn cô đi cùng với tôi trẻ hơn độ vài tuổi. Giọng nói, mắt nhìn và vẻ người đàn bà khiến cho tôi cảm động chú ý. Cô Milơ không có gì đặc biệt lắm, nước da bồ quân, vẻ mặt mệt mỏi vì lo lắng, dáng dấp hành động tất bật như người lúc nào cũng bề bộn những công việc phải làm. Cô có vẻ là một nữ trợ giáo - về sau tôi biết, đúng như tôi đoán.

Cô dẫn tôi qua hết phòng này đến phòng khác, hành lang này đến hành lang nọ, trong một tòa nhà rộng rãi, xây không đều. Một sự im lặng hoàn toàn và hơi rờn rợn bao trùm lên cả khu nhà chúng tôi đi qua; sau chúng tôi đến một nơi nghe có tiếng rì rầm của nhiều giọng nói, và chúng tôi bước vào một căn phòng dài rộng, ở mỗi đầu kê một chiếc bàn lớn, trên mỗi bàn có hai cây nến cháy sáng, và ghế dài kê xung quanh, ở đấy ngồi quây quần những cô gái tuổi chênh lệch nhau khoảng từ chín mười cho đến hai mươi tuổi. Dưới ánh sáng lù mù của những ngọn nến tôi tưởng có không biết bao nhiêu là người nữa, nhưng thực ra không quá tám mươi học sinh. Tất cả đều mặc đồng phục, áo vải nâu như nhau, kiểu rất lạ, với những tạp dề dài. Lúc ấy đúng vào giờ học; các học sinh đang học bài ngày mai và tiếng rì rầm tôi đã nghe chính là tiếng họ lẩm nhẩm đọc.

Cô Milơ ra hiệu cho tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài cạnh cửa ra vào, rồi đi đến cuối phòng nói thật to:

- Các tập giảng viên(1), thu sách học và xếp cả lại!

Bốn cô lớn từ bốn bàn khác nhau đứng dậy, đi xung quanh thu sách và xếp lại một chỗ. Cô Milơ lại ra lệnh:

- Các tập giảng viên đi dọn khay ăn tối!

Các cô lớn đi ra và ngay sau đó bưng vào mỗi người một chiếc khay, ở trên có chia từng suất, một món mà tôi không biết là gì, giữa khay là một bình nước và một chiếc cốc vại. Họ đi xung quanh bàn chia từng phần; ai khát thì uống, cái bình để uống chung cả. Đến lượt mình, vì khát nên tôi chỉ uống mà không chạm đến phần ăn, bị kích động và mệt mỏi, tôi không thể ăn được nữa. Tuy nhiên tôi cũng thấy đó là một chiếc bánh lúa mạch mỏng, cắt ra làm nhiều phần.

Bữa ăn xong, cô Milơ đọc kinh, còn các học sinh thì đi hàng đôi lên gác. Lúc này đã mệt lử cả người, tôi cũng chẳng còn nhận ra cái phòng ngủ như thế nào, chỉ thấy nó rất dài, cũng như cái buồng học. Đêm ấy, tôi phải ngủ chung giường với cô Milơ; cô ấy giúp tôi cởi áo, lúc đã nằm rồi, tôi đưa mắt nhìn một lượt những dãy giường, mỗi chiếc đều có hai học sinh nằm. Được chừng mười phút, người ta tắt ngọn đèn độc nhất trong buồng. Trong bóng tối âm thầm, tôi ngủ thiếp đi.

Đêm qua đi rất nhanh, tôi mệt quá đến nỗi không còn nằm mơ được nữa. Tôi chỉ chợt tỉnh có một lần, nghe thấy tiếng gió rít lên từng hồi dữ tợn, mưa như trút và biết có cô Milơ nằm bên cạnh. Lúc đó tôi lại bừng mắt ra thì một hồi chuông reo vang, các học sinh đã dậy cả và đang mặc áo. Trời còn tối mờ, một hai ngọn đèn đêm leo lét trong buồng. Tôi cũng phải miễn cưỡng trở dậy, trời rét như cắt, tôi run cầm cập cố mặc áo cho xong, và khi thấy có một chiếc chậu tôi vội ra rửa mặt, - nhưng nào có được rửa ngay đâu, vì sáu học sinh mới có một chiếc chậu đặt trên bàn ở giữa phòng. Tiếng chuông lại rung lên, tất cả xếp hàng đôi và cứ thế đi xuống cầu thang, vào trong buồng học tối mù mù và lạnh giá. Ở đây cô Milơ đọc kinh xong rồi ra lệnh:

- Ngồi theo lớp.

Mấy phút đầu tiên có tiếng ồn ào huyên náo. Cô Milơ luôn miệng quát "yên lặng!", và "trật tự". Lúc ổn định rồi, học sinh ngồi quây thành bốn hình bán nguyệt, trước những cái bàn có kê ghế dựa, tất cả học sinh đều cầm sách. Trên mỗi bàn trước mặt chiếc ghế bỏ không, đặt một cuốn sách to như cuốn Thánh kinh. Sau đó có vài giây tạm nghỉ, người ta nghe thấy tiếng rì rầm của số đông người. Cô Milơ đi hết lớp này sang lớp khác để dẹp những tiếng rì rào liên miên đó.

Một hồi chuông từ xa réo lên; ngay lúc ấy có ba bà bước vào phòng, mỗi người đến một bàn và ngồi vào một chỗ, cô Milơ chiếm cái ghế thứ tư để trống, kê ngay sát cửa, và những trẻ nhỏ nhất ngồi xung quanh đó, tôi được theo học lớp bét này và ngồi ở đằng cuối.

Bắt đầu làm việc, chúng tôi đọc lại kinh nhật tụng, rồi đọc vài bài Thánh thư và tiếp theo là những chương Thánh kinh, kéo dài đến một giờ đồng hồ. Khi các bài vừa hết thì cũng sáng rõ. Tiếng chuông không mệt mỏi lại vang lần thứ tư. Các lớp lại xếp hàng đi sang phòng khác để ăn điểm tâm. Viễn cảnh được một miếng gì vào bụng, làm cho tôi rất thú vị! Lúc này tôi hầu như đói lả vì hôm qua ăn ít quá.

Phòng ăn là một căn phòng lớn âm u, trần thấp. Trên hai ban dài có hai chậu đựng một cái gì nóng đang bốc hơi, tuy nhiên vì mùi vị tỏa ra chẳng ngon lành chút nào nên tôi chán ngán cả người. Tôi thấy một thái độ bất mãn chung khi hơi đó xông lên mũi

Từ đám học sinh lớn lớp nhất, ở hàng đầu nổi lên tiếng xì xào:

- Khó nuốt quá, cháo lại khê.

- Im lặng! Một tiếng quát vang lên, không phải tiếng cô Milơ mà là tiếng một cô giáo lớp trên, một người nhỏ nhắn, ngăm ngăm đen, ăn mặc sang trọng, nhưng vẻ mặt khắc khổ, ngồi ở đầu một chiếc bàn; ở đầu chiếc kia là một bà trông có vẻ dễ dãi hơn. Tôi cố tìm bà giáo tôi gặp lần đầu tối hôm trước, nhưng không thấy bà đâu cả. Cô Milơ ngồi ở cuối bàn tôi; một bà có vẻ người ngoại quốc đứng tuổi, bà giáo dạy Pháp văn như sau này tôi được biết, ngồi ở cuối một bàn khác. Mọi người đọc một bài kinh dài rồi hát một bài thánh ca, sau đó một chị hầu bưng khay trà lên cho các cô giáo và bữa ăn bắt đầu.

Đói ngấu nghiến và mệt lả, tôi húp luôn mấy thìa phần của tôi mà cũng chẳng cần nghĩ đến mùi vị nó ra sao. Nhưng ngay khi cơn đói đã hơi dịu, tôi mới thấy cái món ăn thật lợm giọng, cháo đã khê; khoai lại thối, tồi tệ như nhau. Ngay đến người sắp chết đói ăn vào cũng đến phát ốm. Những chiếc thìa quấy uể oải, tôi thấy ai nấy nếm thử và cố nuốt, nhưng hầu hết đều phải bỏ dở. Bữa điếm tâm thế là xong, nhưng chẳng ai ăn được gì hết. Người ta lại đọc kinh cảm ơn cái bữa mà người ta chẳng ăn được gì ấy và lại hát một bài hát thánh ca nữa, rồi tất cả học sinh rời phòng ăn để vào buồng học. Tôi là một trong những học sinh ra sau cùng; lúc đi qua các bàn, tôi thấy một cô giáo cầm tô cháo nếm và nhìn các cô khác, thái độ của họ đều tỏ vẻ khó chịu và một cô to lớn nói lẩm bẩm:

- Món hổ lốn đốn lộn mửa? Thực là xấu hổ?

Mười lăm phút trước khi giờ học lại bắt đầu, buồng học ồn ào hỗn độn; trong lúc ấy hình như người ta được tự do nói chuyện oang oang thoải mái, nên các học sinh tận dụng cái quyền đó. Mọi chuyện dồn cả vào bữa ăn điểm tâm mà người nào người nấy đều nguyền rủa thậm tệ cho hả. Những kẻ khốn khổ! Đó là niềm an ủi độc nhất của họ. Lúc ấy trong buồng chỉ có một mình cô Milơ, một nhóm học sinh quây xung quanh cô, phàn nàn với dáng điệu hậm hực bất mãn. Có vài người lẩm bẩm đến tên ông Brôckơn-hơc, thấy thế cô Milơ lắc đầu tỏ vẻ không tán thành, nhưng cô cũng chỉ ngăn sự bực dọc của học sinh một cách chiếu lệ, dáng chừng cô cũng đồng tình với họ.

Đồng hồ trong buồng học điểm chín tiếng, cô Milơ rời đám học sinh ra đứng giữa buồng, nói to:

- Im lặng, tất cả về chỗ!

Kỷ luật được ổn định; trong năm phút đám học sinh lộn xộn đã vào trật tự, sự im lặng tương đối trấn áp được tiếng nói của những dân Babel(1). Những cô giáo lớp trên trở về chỗ ngồi đúng lúc, nhưng tất cả mọi người vẫn lặng lẽ như chờ đợi cái gì. Các học sinh ngồi sắp hàng trên cái ghế dài ở dọc bốn cạnh buồng, tám mươi người cùng ngồi ngay ngắn không nhúc nhích. Một nhóm người trông thực kỳ dị, tóc ai nấy đều chải phẳng lật ra sau, không có lấy một chiếc búp quăn; họ ăn vận toàn màu nâu, áo dựng thẳng cao và một chiếc cổ áo hẹp bó lấy cổ, đằng trước áo buộc những túi vải nhỏ (trông như túi tiền của những người trên rẻo cao xứ Xcôtlen) dùng trong khi làm việc. Tất cả đều đi bít tất len và giầy nông dân, buộc bằng những vòng khuy đồng. Chừng hơn hai chục người ăn mặc lối này là những thiếu nữ dậy thì hoặc có thể coi là những thiếu phụ nữa, trông họ mặc không hợp lắm và có vẻ kỳ quái, ngay cả đối với người đẹp nhất.

Tôi vẫn đứng ngắm họ, thỉnh thoảng lại nhìn các cô giáo, tôi thực chẳng ưa cô nào cả: Cô to lớn thì hơi thô, cô da ngăm ngăm thì có vẻ nghiệt; cô ngoại quốc có dáng cục cằn thô tục, còn cô Milơ mới khốn khổ chứ, người thì đỏ nhừ, héo hắt, phờ phạc. Trong lúc tôi nhìn mặt từng người, tất cả các học sinh bỗng nhất loạt đứng cả dậy, như bị bật lên bằng một chiếc lò xo.

Có sự gì thế không biết? Tôi không nghe thấy một câu ra lệnh nào, lạ quá. Trước khi tôi định thần được, cả lớp đã lại ngồi xuống như cũ. Nhưng mọi con mắt đều đổ dồn cả về một phía, tôi cũng nhìn theo, và trông thấy cái bà đã tiếp tôi đêm trước. Bà đứng ở cuối phòng, trước lò sưởi (vì mỗi đầu buồng có một chiếc lò); bà yên lặng và nghiêm nghị nhìn hai dãy học sinh. Cô Milơ lại gần, hình như để hỏi bà điều gì, và khi đã được bà trả lời, cô lại quay về chỗ và nói to:

- Tập giảng viên lớp nhất, đi lấy những quả địa cầu ra!

Trong khi lệnh đó được chấp hành, cái bà được hỏi ý kiến ấy thong thả đi qua buồng. Tôi cho rằng tôi có tính hay sùng bái vì tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác kinh sợ thán phục trong khi nhìn theo bước chân bà. Bây giờ, giữa ban ngày, ban mặt, trông bà cao lớn, kiều diễm, cân đối; đôi mắt nâu ánh lên một vẻ nhân hậu, hàng lông mi đen dài, cong, thanh tú, làm nổi nước da trắng của vầng trán rộng; hai bên thái dương làn tóc nâu thẫm cuốn thành búp theo thời trang, thời mà những băng chít mỏng và tóc uốn vòng cũng chưa thịnh hành. Áo bà cũng rất hợp thời, dạ đỏ thắm điểm thêm một mảnh nhung đen I-pha-nho; một chiếc đồng hồ vàng (thời đó đồng hồ còn chưa nhiều như ngày nay) óng ánh đeo bên thắt lưng. Xin để độc giả tự thêm vào, cho đầy đủ hình ảnh của bà, nét mặt thanh tú, nước da trắng hơi xanh, vẻ người quý phái đường bệ, và như vậy độc giả sẽ có - ít ra, trong chừng mực ngôn ngữ có thể cho ta được - một ý niệm đúng về vẻ ngoài của bà Tempơn - Maria Tempơn, vì sau đấy tôi được thấy tên đó ở một quyển kinh mà bà giao cho tôi đem đến nhà thờ.

Bà hiệu trưởng ở Lôut (vì đó chính là bà) ngồi xuống trước hai quả địa cầu đặt trên một chiếc bàn, gọi tất cả học sinh lớn nhất đến chung quanh, và bắt đầu giảng bài địa lý. Những lớp dưới thì được các cô giáo gọi đọc ôn sử ký, văn phạm v.v... suốt trong một giờ đồng hồ, tiếp đến viết tập và số học. Rồi bà Tempơn dạy nhạc cho mấy học sinh lớn nhất. Mỗi giờ học chiếc đồng hồ lại đánh chuông báo hiệu, sau cùng chuông đánh mười hai tiếng, bà hiệu trưởng đứng dậy nói:

- Tôi có một điều muốn nói với các em.

Tiếng rì rầm lúc cuối giờ học đã bắt đầu râm ran, nhưng khi tiếng bà vừa cất lên thì tất cả đều im bặt.

Bà nói tiếp:

- Bữa điểm tâm sáng nay các em không ăn được hẳn các em bị đói. Vì vậy tôi đã bảo làm một bữa lót dạ bằng bánh và pho mát cho tất cả các em.

Các cô giáo nhìn bà ngạc nhiên.

- Tôi chịu trách nhiệm về việc này, bà nói thêm như để giải thích cho các cô, rồi lập tức rời khỏi buồng.

Ngay lúc đó bánh và phó mát được bưng vào và phân phát khiến tất cả học sinh vui sướng. Bây giờ lại có lệnh "Đi ra vườn! Mỗi học sinh đội lên đầu một chiếc mũ cói thô có dây bằng vải sặc sỡ, và khoác một chiếc áo choàng màu xám. Tôi cũng được mặc như thế và đi theo dòng người bước ra ngoài trời.

Vườn là một khoảng đất rộng xung quanh có tường cao bao bọc nên không nhìn thấy được phong cảnh phía ngoài. Một hành lang có mái lợp chạy dài ở một bên, và có những đường rộng bao quanh một khoảnh đất ở giữa, chia thành từng khoảnh nhỏ, mỗi khoảnh là một mảnh vườn thuộc riêng từng học sinh có phận sự vun trồng. Khi muôn hoa nở rộ, hẳn là những khoảnh vườn đó nom đẹp mắt lắm, nhưng lúc này là cuối tháng giêng, tất cả đều bị lạnh giá nhạt phai, úa tàn ảm đạm. Tôi run rẩy đứng nhìn xung quanh, đó là một ngày không thuận lợi lắm để tập tành ngoài trời, vì tuy không hẳn có mưa, nhưng bầu trời âm u bị sương mù vàng vàng che phủ, lâm tâm lất phất; dưới chân đất còn ướt lép nhép vì trận mưa ngập hôm qua. Những học sinh khỏe hơn cả chạy đây đó và chơi những trò chơi hoạt động, còn những cô xanh xao gầy yếu túm tụm ẩn dưới hành lang cho ấm; nhưng vì sương mù dầy đặc thấm vào đến thân hình run rẩy của họ, nên tôi luôn luôn nghe thấy bật ra những tiếng ho khan rỗng.

Lúc ấy tôi chưa nói chuyện với ai, mà hình như cũng chẳng ai để ý đến tôi: tôi đứng lẻ loi một mình nhưng tôi đã quen với cảm giác đơn độc ấy, nó không làm cho tôi buồn lắm. Tôi đứng dựa vào một chiếc cột ở hành lang, kéo áo choàng xám quấn chặt lấy mình, cố quên cái lạnh buốt bên ngoài và cái đói ghê gớm đang cào cấu bên trong để quan sát và suy nghĩ. Những ý nghĩ của tôi lúc ấy mơ hồ và rời rạc, không đáng ghi lại. Tôi khó mà biết mình đang ở chỗ nào. Gatơhet và cuộc sống đã qua hình như đã trôi đi xa tít tắp; hiện tại thì mơ hồ bỡ ngỡ, tương lai thì mù mịt không biết ra sao. Tôi nhìn quanh mảnh vườn, giống như vườn của tu viện, rồi nhìn đến khu nhà, một tòa nhà lớn, một nửa có vẻ xám xịt và cũ kỹ, nửa kia còn mới nguyên. Phần nhà mới gồm lớp học và phòng ngủ, được những cửa sổ có khung chia từng ô và lưới mắt cáo chiếu sáng, làm cho tòa nhà nom như nhà thờ. Một tấm biển đá phía trên cửa ra vào khắc những chữ sau đây:

"Lôut học viện - Phần nhà này được xây dựng lại năm... do ông Naômi Brôckơn-hơc, ở lâu đài Brôckơn-hơc, trong lãnh địa này của bá tước". "Hãy để cho ánh sáng của các con rạng rỡ trước mọi người, khiến họ có thể nhìn thấy rõ những việc làm đạo đức của các con và ca ngợi đức Cha trên đời" - Thánh Matthi quyển 16.

Đọc đi đọc lại những dòng chữ, tôi cảm thấy cần phải được giải thích, và tôi không sao hiểu nổi hết ý nghĩa những dòng chữ đó. Tôi đứng lặng suy nghĩ về nghĩa chữ "học viện" và đang cố gắng tìm hiểu câu đầu có liên hệ gì với câu kinh Phúc âm sau, chợt một tiếng ho ngay phía sau lưng khiến tôi quay đầu lại. Tôi thấy một cô học sinh ngồi trên tấm ghế đá dài cạnh đấy đang cúi đầu đọc một cuốn sách, có vẻ chăm chú lắm. Từ chỗ mình đứng, tôi có thể nhìn thấy tên cuốn sách là "Ratxơla"(1), cái tên rất lạ, do đó nó quyến rũ tôi ngay. Lúc giở một trang sách, bất chợt cô ngẩng mặt lên, và tôi hỏi thẳng ngay:

- Quyển sách có hay không chị? - Tôi đã có ý định sẽ hỏi mượn cô ta một hôm nào đó.

- Tôi thích đọc nó, - cô ta phải trả lời tôi, sau một hai giây im lặng ngắm nhìn tôi.

- Sách nói về gì hả chị? Tôi hỏi tiếp, không hiểu tại sao tôi lại mạnh dạn làm quen nói chuyện với một người lạ như vậy. Điều đó ngược hẳn với bản chất và thói quen xưa nay của tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng việc đọc sách của cô ta đã chạm tới một dây tình cảm đồng điệu nào đó trong lòng tôi; vì tôi cũng thích đọc sách, mặc dù là những sách vẩn vơ và trẻ con. Tôi không thể nào hiểu và l 2a25 nh hội được những trang sách đứng đắn thiết thực.

- Chị cứ đọc khắc biết, cô bạn trả lời và đưa cuốn sách cho tôi.

Tôi cầm đọc, nhìn thoáng qua tôi thấy nội dung không hấp dẫn như cái tên sách, đối với sự thưởng thức còn trẻ con của tôi thì "Rơtxala" chán ngắt. Trong đó chẳng có tiên, chẳng có thần thánh gì cả; trên những trang in chi chít những chữ, chẳng có gì là sáng sủa vui mắt. Tôi trao trả quyển sách cho cô ta, cô ta thản nhiên cầm lấy không nói nửa lời, và lại toan cúi xuống chăm chú đọc. Nhưng tôi lại đánh bạo quấy rầy:

- Chị có thể bảo giúp cho tôi biết những chữ viết ở tấm biển đá trên cửa ra vào kia nghĩa là thế nào không? Lôut học viện là cái gì?

- Là ngôi nhà hiện giờ chị đang ở đấy.

- Thế tại sao lại gọi là "học viện"? Nó có gì khác với các trường học khác?

- Nó cũng có phần là một trường làm phúc, chị với tôi, và tất cả các chị em khác, đều là những trẻ nuôi làm phúc. Hẳn chị là con mồ côi chứ? Chắc là cha hay mẹ chị đã mất rồi, phải không?

- Cả hai đều mất từ khi tôi chưa biết gì.

- Thế đấy, tất cả các con gái ở đây đều mất cha hoặc mẹ, hoặc mất cả hai, và nhà này dạy dỗ trẻ mồ côi, cho nên gọi là học viện.

- Thế chúng mình không phải trả tiền sao? Người ta nuôi không chúng mình ư?

- Chúng mình trả, hoặc bạn bè thân thích trả; mỗi người mười lăm bảng mỗi năm.

- Thế tại sao họ lại gọi chúng mình là trẻ nuôi làm phúc?

- Bởi vì mười lăm bảng không đủ bù vào tiền ăn uống và học hành của chúng ta, phần thiếu hụt phải trông vào tiền lạc quyên.

- Những ai quyên?

- Các ông các bà từ thiện ở quanh vùng này và ở Luân Đôn.

- Còn Naômi Brôkơn-hơc là ai?

- Là cái bà xây dựng nên lớp nhà mới này, như ở tấm bảng đá ghi rõ, và con trai bà ta kiểm soát và cai quản mọi việc ở đây.

- Tại sao?

- Vì ông ta là thủ quỹ kiêm quản lý của nhà trường.

- Thế ra nhà này không phải là của cái bà cao lớn đeo đồng hồ vàng và đã bảo cho chúng mình ăn bánh và phó mát ư?

- Cô Tempơn ấy à? Ồ không? Tôi cũng mong như thế. Cô Tempơn phải báo cáo với ông Brôkơn-hơc về mọi việc làm. Ông Brôkơn-hơc mua tất cả mọi thứ ăn mặc cho chúng ta.

- Ông ấy có ở đây không?

- Không, ông ấy ở một lâu đài lớn, cách đây hai dặm.

- Ông ấy có tốt không.

- Ông ấy là một mục sư, và người ta bảo ông ấy làm rất nhiều việc thiện.

- Có phải chị vừa bảo cái bà cao lớn kia là cô Tempơn không?

- Phải.

- Còn những cô giáo khác tên là gì?

- Cô có đôi má đỏ hồng tên là Xmit; cô ta trông nom việc khâu vá và cắt quần áo cho chúng ta, vì chúng ta phải may lấy quần áo, áo dài, áo lót bông, và tất cả mọi thứ. Cô người nhỏ nhắn tóc đen là cô Xcatsơ; cô dạy sử, văn phạm, và dự tập ở lớp nhì. Còn bà quàng khăn san, và có chiếc khăn tay buộc bằng dây vải vàng bên cạnh sườn là bà Pierô; bà ấy từ tỉnh Lilơ bên Pháp sang, dạy Pháp văn.

- Chị có yêu các cô giáo không?

- Cũng yêu.

- Thế chị có thích cô tóc đen, người nhỏ nhắn và bà...? tôi không đọc được tên bà như chị.

- Cô Xcatsơ nóng tính, chị phải cẩn thận đừng có làm phật ý cô, bà Pierô không phải là một người xấu.

- Nhưng cô Tempơn tốt hơn cả, có phải không?

- Cô Tempơn tốt lắm, và giỏi lắm; cô ấy trên quyền tất cả các cô giáo vì cô hiểu biết rộng hơn cả.

- Chị ở đây đã lâu chưa?

- Hai năm.

- Chị cũng mồ côi chứ?

- Mẹ tôi chết rồi.

- Chị ở đây có sung sướng không?

- Chị đặt nhiều câu hỏi quá. Tôi đã trả lời chị khá nhiều từ nãy rồi, bây giờ tôi đang muốn đọc đây.

Nhưng vào lúc ấy có tiếng chuông báo hiệu giờ ăn bữa trưa, tất cả lại trở vào nhà. Mùi thức ăn tỏa khắp phòng, chúng tôi ngửi thấy cũng chẳng ngon lành gì hơn bữa điểm tâm. Thức ăn đựng trong hai chậu thiếc lớn, bốc lên mùi hôi nồng nặc. Món ăn đó gồm khoai tây nhạt nhẽo với những miếng thịt ôi, nấu hổ lốn với nhau. Mỗi học sinh được chia một đĩa khá đầy. Tôi cố nuốt được chừng nào hay chừng ấy, nghĩ bụng không biết có phải ngày nào món ăn cũng như thế này không.

Sau bữa ăn, chúng tôi vào ngay buồng học, bài học lại bắt đầu, và tiếp tục cho đến tận năm giờ.

Có mỗi một sự việc buổi chiều hôm đó khiến tôi chú ý là tôi thấy cô học sinh đã nói chuyện với tôi dưới hành lang, bị cô Xcatsơ phạt trong giờ sử, phải ra đứng ở giữa phòng học rộng thênh thang. Đối với tôi hình phạt đó thực là nhục nhã, nhất là đối với nữ sinh lớn như thế; cô ta ít nhất cũng phải mười ba tuổi. Tôi đợi xem cô có tỏ vẻ buồn rầu và xấu hổ không, nhưng tôi rất ngạc nhiên thấy cô không khóc lóc, cũng không đỏ mặt. Bình tĩnh nghiêm trang, cô ta đứng làm cái đích cho mọi cặp mắt đổ dồn vào. Tôi tự hỏi: "Làm sao mà cô ta lại có thể kiên trì, thản nhiên chịu đựng được như vậy? Giả thử tôi ở vào địa vị cô, hẳn là tôi chỉ mong cho đất nứt ra mà nuốt chửng tôi đi cho xong. Trông cô ta hình như đang nghĩ đến điều gì vượt lên trên hình phạt, vượt lên trên hoàn cảnh của cô lúc ấy, chứ không nghĩ đến những điều đang diễn ra ở chung quanh hoặc trước mặt cô. Tôi đã được nghe nói về những giấc mơ trong lúc thức. Có phải lúc này cô ấy đang thức mà mơ không? Mắt cô ta nhìn xuống sàn nhà, nhưng tôi chắc cô không nhìn thấy sàn. Cái nhìn của cô hình như quay vào bên trong, soi vào nội tâm cô. Tôi tin rằng cô đang nhìn những cái gì cô nhớ lại được chứ không phải những điều có ở trong thực tại. Tôi tự hỏi không hiểu cô ta là người thế nào, tốt, hay xấu?

Đến quá năm giờ chiều chúng tôi lại ăn một bữa nữa, gồm một tách cà phê và nửa khoanh bánh mì đen. Tôi ăn bánh mì và uống cà phê một cách ngon lành, nhưng ước gì được ăn thêm chừng ấy nữa, vì bụng vẫn thấy đói. Sau chúng tôi được ra chơi nửa tiếng rồi lại tiếp tục học, rồi lại đến cốc nước và chiếc bánh lúa mạch, đọc kinh và đi ngủ. Đó là ngày đầu tiên của tôi ở Lôut.



1. "Stony street": gợi lại một câu thơ của Byron tả cành hoàng hôn ở Oatơlơ trong "Childe Harold": "Hay tiếng xe lọc cọc trên đường phố rải đá" (Or the ear eatting o'er the stony street).

1. "Monitors": những học sinh lớn nhất được chỉ định giữ kỷ luật trật tự hoặc trông nom những lớp học sinh nhỏ của nhà trường. Chúng tôi tạm dịch là tập giảng viên.

1. Theo chuyện trong Kinh thánh, những người con của Nôê định xây cái tháp Bebel cao chạm trời. Thấy vậy Chúa trời bèn làm cho tiếng nói của họ lẫn lộn đến nỗi không ai hiểu ai để ngăn cản mưu đồ táo bạo ấy. Do đó, Babel dùng để nói đến sự hỗn độn.

1. "Rasselas, Price of Abyssinia" (1759) - Ratxơla, ông hoàng xứ Abitxini - tác phẩm của nhà thơ Anh Samuel Johnson (NXB)

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83749


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận