nhưng sáng hôm đó chúng tôi đành phải bỏ qua cái nghi lễ rửa mặt, vì nước trong bình đã đóng băng. Từ chiều qua thời tiết đã thay đổi, gió đông bắc lạnh buốt thổi rít qua những kẻ cửa sổ suốt đêm làm chúng tôi nằm trên giường rét run lên và khiến cho nước trong bình cũng đóng băng cả.
Chưa hết một tiếng rưỡi đồng hồ dài dằng dặc cầu nguyện và đọc kinh, mà tôi đã thấy người lạnh cứng đi. Sau cùng đến giờ ăn sáng; cháo buổi ấy không bị khê, ăn cũng được, nhưng ít quá, phần tôi chẳng được mấy tí, tôi ước gì được ăn gấp đôi.
Ngày hôm ấy tôi được nhập vào làm một học sinh lớp bốn và tôi đã nhận những bài làm và công việc thường ngày, từ trước cho đến lúc ấy, tôi mới chỉ là một khán giả trước cuộc sống ở Lôut; bây giờ tôi đóng một vai trò thực thụ. Lúc đầu, vì không quen thuộc lòng, tôi thấy bài vừa khó vừa dài, các môn học cứ thay đổi luôn cũng làm cho tôi lúng túng; và tôi thấy vui thích vào khoảng ba giờ chiều, khi cô Xmit đặt vào tay tôi một dải lụa mỏng dài hai mã(1), với kim khâu và đê, v.v... rồi bảo tôi ngồi vào một chỗ yên tĩnh trong buồng học mà viền dải lụa đó. Vào giờ ấy hầu hết các học sinh đều ngồi khâu thế cả, nhưng có một lớp học sinh còn đứng đọc tụm quanh ghế cô Xcatsơ; và vì mọi người đều im lặng nên có thể nghe rõ chủ đề bài học, với những câu đáp của mỗi học sinh và những lời quở trách hoặc khen ngợi của cô Xcatsơ lúc ấy. Đó là bài sử Anh- cát-lợi. Trong số các học sinh đọc bài, tôi nhận thấy có cô bạn quen ở dưới hành lang. Lúc bắt đầu bài học, cô ta đứng ở hàng đầu, nhưng vì đọc đôi chữ sai giọng hoặc vô ý không ngắt câu đúng, cô bỗng bị gạt xuống hàng cuối. Dù cô đã bị gạt vào chỗ tối tăm đó, cô Xcatsơ cũng vẫn không thôi để ý "trù" cô; luôn mồm mắng:
- Bớc (hình như đấy là tên cô ta, nữ học sinh ở đây đều được gọi bằng chữ tên của dòng họ, cũng như nam học sinh ở các nơi khác). "Bớc, em đứng không thẳng chân, đứng lại cho ngay ngắn", "Bớc, em cứ hất hàm ra đằng trước như thế rất khó coi, thôi ngay đi", "Bớc, tôi nhắc lại rằng em phải ngẩng đầu lên, tôi không muốn thấy thái độ của em như vậy trước mặt tôi"...
Khi một chương đã đọc qua hai lần, sách phải gấp cả lại và các cô bị truy bài. Bài học gồm có phần nói về triều đại Sáclơ đệ nhất, và có nhiều câu hỏi phức tạp về sức trọng tải của tàu bè, luật về tiền tệ và thuế tàu bè(1), những câu hỏi hình như hầu hết không thể trả lời nổi. Nhưng đến lượt Bớc thì mọi chi tiết khó khăn đều được giải đáp ngay. Hình như tất cả bài học đều in trong trí nhớ của cô, nên cô sẵn sàng trả lời về từng điểm. Tôi cứ đợi cô Xcatsơ khen ngợi Bớc, nhưng đáng lễ khen thì bất chợt cô Xcatsơ lại quát:
- Đồ ở bẩn, một đứa con gái ghê tởm? Sáng nay lại không rửa móng tay!
Bớc không hé môi, tôi lạ lùng cho sự im lặng đó. Tôi nghĩ: "Tại sao cô ta lại không phân trần rằng không thể rửa móng tay và cả mặt nữa, vì nước đã đóng băng".
Bỗng cô Xmit bảo tôi cầm hộ cô một búp chỉ, làm tôi không chú ý theo dõi được. Trong lúc quấn chỉ, thỉnh thoảng cô lại hỏi chuyện, xem trước đây tôi đã đi học bao giờ, tôi có biết thêu thùa đan lát gì không v.v... Suốt cho đến lúc tôi được tháo khoán, tôi không còn tiếp tục quan sát được hành động của cô Xcatsơ. Khi tôi quay về chỗ ngồi thì người đàn bà này cũng vừa ra một lệnh mà tôi chưa hiểu ý ra sao; nhưng lập tức Bớc bước ra khỏi lớp học, vào cái buồng con phía trong, nơi cất sách, và nửa phút sau đó cô bước ra, cầm một bó roi buộc chập lại ở một đầu. Cô cung kính đưa cho cô Xcatsơ cái đồ dùng ghê gớm ấy, rồi cô lặng lẽ, không đợi phải bảo, cởi tạp dề ra. Cô giáo lập tức cầm bó roi quất mạnh vào cổ cô mười hai cái liền. Bớc vẫn không hề nhỏ một giọt nước mắt, trước cảnh tượng ấy tôi ngừng khâu, ngón tay tôi run lên vì một sự tức giận vô ích và bất lực. Nét mặt đăm chiêu thường ngày của Bớc vẫn bình thản như thường, không hề thay đổi.
- Đồ mặt sứa gan lim! - Cô Xcatsơ quát lên, - không làm sao sửa được cái thói quen lem luốc của mày, cất roi đi!
Bớc vâng lời, tôi chăm chăm nhìn cô, khi cô ở buồng sách bước ra, cô vừa cất chiếc khăn mùi soa vào túi xong, có một vết nước mắt óng ánh trên gò má hốc hác của cô.
Cả ngày ở Lôut tôi cho giờ ra chơi vào buổi chiều là thú nhất, mẩu bánh và hớp cà phê vào khoảng năm giờ chiều, nếu không làm thỏa mãn được cơn đói thì cũng làm cho người tỉnh táo lên, sự câu thúc gò bó suốt ngày được nới rộng, không khí buồng học ấm cúng hơn buổi sáng. Lò sưởi được đốt sáng hơn để thay thế chừng nào những cây nến chưa được đem vào phòng. Ánh lửa rực đỏ, sự huyên náo, nhiều tiếng nói lẫn lộn chen nhau, gây cho người ta một cảm giác tự do thoải mái.
Buổi chiều, hôm tôi được chứng kiến cái cảnh cô Xcatsơ hành hạ Bớc, chị học trò của cô ta, tôi đi vẩn vơ theo thói quen giữa những dãy bàn ghế và những đám học sinh cười đùa vui nhộn; tuy đi một mình nhưng tôi vẫn không cảm thấy lẻ loi. Khi đi qua những cửa sổ, thỉnh thoảng tôi lại vén màn cửa nhìn ra ngoài; tuyết rơi mau, một cụm tuyết đã chất trên khuôn cửa kính phía dưới; ghé sát tai vào cửa sổ, tôi phân biệt rõ tiếng lao xao vui vẻ trong nhà với tiếng gió than vãn thê thảm bên ngoài.
Có lẽ nếu tôi vừa rời bỏ một gia đình ấm cúng và cha mẹ thân yêu, thì giờ này hẳn là giờ phút tôi chua xót nhất, nhớ tiếc buổi chia ly, tiếng gió hẳn phải làm cho lòng tôi rầu rĩ, tiếng lao xao trong bóng tối này hẳn sẽ khuấy động sự yên tĩnh của tôi; nhưng trong trường hợp hiện tại, tôi thấy ở cả hai một mối kích thích lạ lùng; liều lĩnh và phấn khích, tôi muốn cho gió gào lên man rợ hơn nữa, bóng tối thêm mịt mù và những tiếng lao xao trở thành tiếng gầm thét.
Nhảy qua các ghế, bò dưới các bàn, tôi đến gần một lò sưởi; ở đấy tôi thấy Bớc quỳ bên cạnh cái chắn lửa cao bằng thép, tách mình ra khỏi mọi sự vật xung quanh, yên lặng, chăm chú đánh bạn với một cuốn sách, cô đọc nó dưới ánh sáng mờ mờ của lửa than.
- Lại cuốn "Ratxơla" đấy à? Tôi hỏi và tiến đến sau cô.
- Ừ, cô ta nói, và tôi vừa đọc hết xong.
Và chừng năm phút sau cô gấp sách lại. Tôi lấy thế làm thích, nghĩ thầm: "Bây giờ có lẽ mình có thể gợi chuyện cô ta". Tôi ngồi xuống sàn, bên cạnh cô.
- Ngoài tên Bớc ra, chị còn tên là gì nữa?
- Hêlen.
- Có phải chị ở xa đến đây không?
- Tôi ở tít tận quá phía Bắc, ngay sát biên giới Tô-cách-lan.
- Chị có bao giờ trở về không?
- Tôi cũng mong thế, nhưng ai mà biết chắc được tương lai.
- Hẳn là chị phải thích rời xa Lôut chứ?
- Không, tại sao lại thế? Tôi được gửi đến Lôut để học tập và nếu quay về trước khi đạt được mục đích thì còn làm được cái trò gì?
- Nhưng cái cô giáo ấy, cô Xcatsơ ấy mà, đối với chị thật là tàn nhẫn?
- Tàn nhẫn? Không phải thế đâu? Cô ấy nghiêm khắc, cô không ưa những lỗi lầm của tôi.
- Nhưng nếu tôi mà ở địa vị chị thì tôi rất căm ghét cô ấy, tôi sẽ chống cự lại, nếu cô cầm cái roi ấy đánh tôi thì tôi giằng ngay lấy và bẻ ngay trước mặt cô ta cho mà xem.
- Có lẽ rồi chị cũng sẽ không làm như thế đâu; mà nếu chị làm thì ông Brôkơn-hơc sẽ đuổi chị ra khỏi trường, như thế thật là một điều chua xót cho gia đình chị. Thà cứ nhẫn nhục chịu đựng đau khổ, chỉ một mình mình chịu, còn hơn là hành động xốc nổi, đem lại hậu quả tai hại cho cả những người thân của mình. Vả lại Kinh thánh cũng dạy lấy điều thiện mà trả lại điều ác.
- Nhưng bị quật bằng roi và bị phạt đuổi ra đứng giữa buồng đầy những người thì ê chề lắm, mà chị đã lớn rồi; tôi tuy bé hơn chị nhiều, nhưng không đời nào tôi chịu như thế.
- Tuy nhiên, nếu chị không tránh được điều đó thì bổn phận chị là phải chịu đựng thôi. Có là yếu đuối và dại dột mới nói là "không chịu được" cái điều mà số mệnh đã định cho chị.
Nghe Bơc nói tôi rất ngạc nhiên, tôi không sao hiểu nổi cái thuyết nhẫn nhục này, lại càng không thể hiểu và thông cảm được với cái sự khoan dung của cô đối với người đã hành hạ cô. Tuy nhiên tôi cảm thấy Hêlen Bơc quan niệm sự việc dưới một ánh sáng mà mắt tôi không nhìn thấy được. Tôi ngờ rằng có thể cô nói đúng và tôi lầm; nhưng tôi không muốn suy nghĩ sâu về chuyện đó. Cũng như Fêlich(1) tôi gác nó lại chờ đến mùa thuận tiện hơn.
- Chị bảo rằng chị có nhiều lỗi lầm, Hêlen, lỗi gì chứ? Riêng tôi, thì thấy là chị rất tốt.
- Hãy trông gương tôi đây này, chớ đánh giá người theo bề ngoài; đúng như cô Xcatsơ nói, tôi là một đứa lem luốc, ít khi tôi sắp xếp và giữ gìn các thứ được trật tự ngăn nắp, tôi rất cẩu thả, vô nguyên tắc. Đáng lẽ học bài thì tôi lại xem truyện; tôi chẳng có phương pháp gì hết, và đôi khi tôi cũng nói y như chị, rằng tôi không thể "chịu đựng" được sự gò bó khuôn khổ. Điều này làm cho cô Xcatsơ rất khó chịu, vì cô ta là một người sạch sẽ, mực thước tỉ mỉ.
- Còn bẳn tính và độc ác nữa chứ, - tôi nói thêm. Nhưng Hêlen không muốn tán thành ý kiến này, cô yên lặng.
- Cô Tempơn có nghiệt ngã với chị như cô Xcatsơ không?
Nghe nhắc đến cô Tempơ, nụ cười êm dịu thoáng hiện trên khuôn mặt nghiêm trang của cô.
Cô Tempơ rất tốt, phải đối xử khắc nghiệt với ai là một điều khổ tâm cho cô, dù là đối với một học sinh tồi tệ nhất trường. Thấy tôi có sai lầm, cô chỉ sẽ nhẹ nhàng khuyên bảo; nhưng nếu tôi làm được điều gì đáng khen, cô khen ngợi tôi không tiếc lời. Một chứng cớ rất rõ về tính xấu của tôi, là ngay cả đến những lời khuyên răn, hợp lý của cô Tempơn cũng không hoán cải được lỗi lầm của tôi; và cả đến lời cô khen, dù tôi rất coi trọng, cũng không khích lệ được tôi để có tính cẩn thận và biết lo xa.
- Thực là lạ, - tôi nói, cẩn thận thì có gì là khó.
- Đối với chị thì tôi tin điều đó. Tôi đã để ý xem xét chị trong lớp học sáng nay, và thấy chị hết sức chú ý; tư tưởng chị hình như không bao giờ nhãng đi đâu trong khi nghe cô Milơ giảng bài và hỏi chị. Còn tôi, ý nghĩ của tôi cứ vơ vẩn đi tận đâu. Trong lúc đáng lẽ phải lắng nghe cô Xcatsơ và chăm chú thu lượm những điều cô giảng, thì thường tôi lại chẳng nghe thấy cả đến giọng cô nói nữa; tôi đắm mình vào một giấc mơ. Đôi khi tôi tưởng như mình đang ở Northâmbơclen, và những tiếng nói xung quanh là tiếng róc rách của một dòng suối nhỏ chạy qua Đipđơn, gần nhà tôi. Thế rồi, khi đến lượt tôi phải trả lời câu hỏi, tôi mới bừng tỉnh, và vì chẳng nghe đọc gì trong lớp cả mà chỉ lắng nghe tiếng suối tưởng tượng, nên tôi trả lời lúng túng.
- Thế mà chiều nay chị trả lời rất trơn tru.
- Đấy chỉ là gặp may thôi, bài học đó là bài mà tôi rất thích thú. Trưa nay đáng lẽ mơ đến Đipđơn, tôi lại nghĩ ngợi không hiểu sao một người ưa làm điều phải lại có thể hành động một cách bất công, dại dột như vua Saclơ đệ nhất đôi khi đã làm. Và tôi nghĩ thật đáng tiếc rằng, với tính ngay thẳng vô tư và có lương tâm, sao nhà vua không nhìn xa hơn được những đặc quyền của ngôi vua. Giả sử nhà vua chỉ nhìn xa một chút và thấy rõ được khuynh hướng của cái mà người ta gọi là tinh thần của thời đại! Tuy vậy tôi thích vua Saclơ, kính trọng người, thương hại người, tội nghiệp thay vị hoàng đế bị sát hại! Phải, kẻ thù của người là những quân đội ác xấu xa. Chúng đã làm đổ máu một người mà chúng không có quyền làm đổ máu. Làm sao chúng lại dám giết nhà vua.
Lúc ấy Hêlen nói để mà nghe một mình, cô đã quên phắt rằng tôi không thể hiểu nổi cô - nghĩa là tôi không biết gì hết, hay gần như không biết gì, về vấn đề cô bàn luận, tôi nhắc cho cô trở về với những điều tôi có thể hiểu được.
- Này, thế khi cô Tempơn dạy, chị có nghĩ lan man như thế không?
- Không, hẳn rồi, thường là không; vì nói chung cô Tempơn nói những điều mới mẻ hơn là những ý nghĩ của riêng tôi; tôi đặc biệt thích thú lời lẽ của cô, và những điều cô giảng dạy thường lại đúng là những điều tôi muốn học hỏi.
- Thế thì đối với cô Tempơn, chị ngoan ngoãn chứ?
- Ừ! Một cách thụ động thôi, tôi không phải cố gắng; tôi cứ buông theo khuynh hướng tự nhiên của mình. Ngoan theo cái lối chẳng có gì đáng khen cả.
- Đáng khen lắm chứ, chị tốt với người nào tốt đối với chị. Xưa nay tôi chỉ mong muốn làm được như thế thôi. Nếu người ta lúc nào cũng tử tế và vâng lời những kẻ độc ác bất công, thì chỉ tổ làm cho kẻ ác tha hồ được thể, chúng sẽ chẳng bao giờ e dè gì cả, và như vậy thì bao giờ mà chúng thay đổi được; trái lại, chúng sẽ ngày càng trở nên quá quắt. Khi nào bị đánh đòn một cách vô lý, ta cần phải chống cự lại, thật táo bạo vào. Tôi cam đoan phải làm như thế, chống cự mạnh đến mức làm cho kẻ đánh đập chúng ta phải kệch hẳn.
- Khi nào chị lớn hơn, tôi mong chị sẽ nghĩ khác, vì bây giờ chị mới chỉ là cô bé chưa biết gì.
- Nhưng tôi cảm thấy thế, Hêlen ạ, tôi phải căm ghét những kẻ mà dù tôi cố gắng làm vừa lòng họ thế nào, họ cũng vẫn cứ khăng khăng ghét bỏ tôi. Tôi phải kháng cự lại những kẻ phạt tôi một cách bất công. Điều đó cũng tự nhiên như tôi phải yêu một người nào tỏ ra yêu mến tôi, và phải chịu trừng phạt khi tôi thấy là đáng phạt.
- Những kẻ tà giáo và các bộ lạc man rợ theo thuyết ấy đấy; nhưng người Gia tô giáo và những người văn minh thì không công nhận.
- Thế nào, tôi không hiểu.
- Bạo lực không phải là phương pháp tốt nhất để thắng oán cừu, sự trả thù cũng không sửa đổi được điều bất công.
- Thế là thế nào?
- Hãy đọc Tân ước kinh, nhớ lấy những lời Chúa dạy và những việc làm của Chúa ra sao. Hãy lấy lời Chúa làm mực thước, lấy cách cư xử của Chúa làm gương.
- Chúa dạy thế nào?
- Yêu thương kẻ thù, cầu phước cho kẻ thù nguyền rủa mình, làm điều tốt cho kẻ ghét mình và hành hạ mình.
- Thế tôi phải yêu bà Rit hay sao? Tôi không thể yêu được; tôi phải cầu phúc cho thằng Jôn, con bà ư? Không thể nào thế được.
Đến lượt Hêlen Bớc bảo tôi giải thích điều đó, và tôi lập tức kể lại hết theo lối nói của tôi, tất cả chuyện đau khổ và oán hận của tôi. Chua cay sôi nổi khi bốc lên, tôi nghĩ sao nói vậy, chẳng e dè nương nhẹ gì cả.
Hêlen kiên nhẫn nghe tôi kể cho đến hết, tôi chờ đợi ý kiến của Hêlen, nhưng cô không nói gì.
- Thế nào, tôi sốt ruột hỏi, bà Rit không phải là một người đàn bà độc ác xấu xa ư?
- Bà ta không tốt với chị, điều đó đã rõ rồi; bởi vì, chị biết đấỵ, bà ta không ưa tính nết chị, cũng như cô Xcatsơ không ưa tính nết tôi. Nhưng sao mà chị nhớ tỉ mỉ những việc làm và những lời của bà ta thế? Hình như những điều bất công của bà ta đã khắc sâu vào tâm khảm chị những ấn tượng thực là sâu sắc! Không có sự ngược đãi nào khắc sâu trong trí tôi đến như vậy. Nếu chị cố mà quên đi những sự hà khắc của bà ta với những kích động mạnh mẽ nó đã gây cho chị, thì chị sẽ chẳng sung sướng hơn sao? Tôi thấy cuộc đời thực quá ngắn ngủi, chuốc làm gì những oán cừu, ấp ủ làm chi những điêu sai trái. Chúng ta là, và phải là, một trong tất cả những người gánh chịu các lỗi trên thế gian này; nhưng rồi thời gian cũng sẽ đến ngay thôi, tôi tin chắc, khi cái thể xác tạm bợ nằm xuống, mọi lỗi lầm của ta sẽ biến vào hư vô; khi sự đồi bại và tội lỗi cùng với cái nhục thể kềnh càng này rời khỏi chúng ta, và rồi chỉ còn tia sáng của linh hồn là tồn tại. Tia sáng ấy là cái căn nguyên không thấy được của đời sống và tư tưởng, nó thuần khiết như khi nó thoát khỏi tay đấng Tạo hóa để đem sinh khí đến cho con người. Nó từ đâu đến thì sẽ lại trở về đấy; có lẽ nó sẽ lại được đem đến cho một sinh vật nào cao cả hơn con người, có lẽ nó sẽ tiến dần qua từng đợt vinh quang, từ linh hồn mờ nhạt của con người tới ánh sáng chói lọi của thiên sứ tối cao. Trái lại, nó sẽ chắc chắn không bao giờ chịu sự thoái hóa đi từ con người đến con quỷ. Không, tôi không thể tin điều đó; tôi có một tín ngưỡng riêng; lòng tin này không có ai dạy tôi bao giờ và tôi cũng ít khi nói đến, nhưng tôi rất sung sướng và hết lòng tin tưởng, vì nó đem hy vọng lại cho tất cả mọi người; nó làm cho cõi vĩnh hằng thành một nơi an nghỉ, một chỗ ở thênh thang chứ không phải một vực thẳm khủng khiếp. Ngoài ra, với lòng tín ngưỡng này, tôi còn có thể phân biệt rất rõ tội nhân với tội lỗi hắn gây nên; tôi có thể thực lòng tha thứ cho kẻ phạm tội mà vẫn căm ghét tội hắn đã phạm. Với niềm tin này, sự trả hận không bao giờ làm cho lòng tôi day dứt, sự sa đọa không bao giờ làm tôi quá kinh tởm, sự bất công không chà đạp được tôi xuống đất đen. Tôi sống trong bình tĩnh, nhìn vào đích cuối cùng.
Đầu Hêlen vẫn cúi, trong lúc nói hết câu này, đầu cô cúi thêm chút nữa. Qua cái nhìn của cô, tôi biết cô không muốn nói chuyện với tôi thêm nữa, mà có phần muốn lắng lại với tâm tư. Nhưng người ta không để cho cô có nhiều thì giờ trầm tư. Một cô tập giảng viên người to thô đi đến và cất cao giọng nói của miền Cơmbơclan:
- Hêlen Bơc, nếu chị không đi xếp ngăn kéo lại cho có thứ tự và gấp ngay đồ khâu của chị lại, thì tôi sẽ báo cô Xcatsơ biết, để cho cô lại mà xem!
Hêlen thở dài vì giấc mơ đã trôi qua; theo lời cô tập giảng viên, cô lặng lẽ đứng ngay dậy không chần chừ một phút.
1. Yard: 0m912
1. Theo lịch sử Anh-cát-lợi đó là một thứ thuế ngày xưa đánh vào các hải cảng, thành phố, địa hạt của các bá tước nước Anh, để cung cấp số tàu chiến cho nhà vua. Vua Charles I đã làm sống lại và đánh thuế này rất nặng, nên đã bị John Hampden chống lại; đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Charles I.
1. Một vị thẩm phán trong Kinh thánh, thường hoãn những quyết định lại, "chờ đến mùa thuận lợi hơn".