Thư Matxcơva cưng cứng: một cái các-poóc-tan? Còn thư CHDC Đức dày dày, nhẹ nhẹ, mềm mềm. Từ bữa đó, người ta thấy trên vai Mai Du luôn buông hờ một tấm khăn san dài, rất mỏng, màu xanh da trời. Bạn gái trong lớp hỏi đùa: "Tặng phẩm của người yêu phương xa?". Mai Du cười, gật đầu. Còn các em của Mai Du thì reo lên khi chị về: "Quà của anh Thái?". Chị cũng chỉ cười, gật đầu. Thâm tâm, Mai Du nghĩ: ai muốn hiểu sao thì hiểu. Chỉ biết rằng từ bữa đó, Mai Du vui nhiều, cô càng hăng say học hành và tham gia công tác trường.
Đã sắp mãn khóa học, sinh viên toàn trường hăng hái lao động xây dựng trường mới. Mai Du càng bận rộn hơn. Cô tổ chức phát thanh hàng ngày, tập kịch chuẩn bị cho buổi liên hoan tổng kết, lại còn đứng ra làm chủ bút tờ "Tập san sinh viên" để làm lưu niệm cho trường. Bạn bè nghe tiếng Mai Du thánh thót đọc những bản tin trường mỗi sáng. Dạ hội cuối khóa, Mai Du sắm vai chính trong cả hai vở kịch: "Cô Tân" và "Biệt thự bỏ hoang". Mở tập san đặc biệt của sinh viên, người ta "bắt gặp" ngay Mai Du từ trang đầu "Lời tựa" cho đến cả những dòng bút ký, những vần thơ mà hình ảnh cô nữ sinh viên khóa I đi lao động xây dựng trường mới cho mai sau đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng khó phai mờ:
"Chân em bước nhanh nhanh
Đòn triêng đè vai nặng
Giữ a trời trưa ngập nắng
Bàn tay em đặt móng xây trường...".
Mai Du đã tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc. Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và bạn bè đều rất yêu quý Mai Du. Thế nhưng, trong danh sách sinh viên được giữ lại trường, cuối cùng đã không có cô. Bởi vì, qua trao đi đổi lại nhiều lần, mọi người cứ ám ảnh một ý nghĩ: "Mai Du còn trẻ quá! Mới hai mươi hai tuổi đầu! Nhà trường chỉ nên giữ lại những người đã dạy cấp 2 đi học lên". Điều đó không làm Mai Du bận tâm. Cô chỉ mong chóng được cầm quyết định về một trường cấp 3 nào đó, mà tốt nhất có lẽ là trường cấp 3 Anh Sơn, vì ở đó ngoài thầy Dũng, cô Lâm, Mai Du còn quen biết nhiều người. Cũng ở đó, Mai Du có cả một chuỗi kỷ niệm của buổi đầu tập làm cô giáo.
Nửa năm trước, một chiếc xe ca chở đoàn sinh viên thực tập của trường Đại học Sư phạm Vinh về huyện Anh Sơn. Chỉ mỗi Mai Du là gái, song cô không hề thấy lo lắng, ngỡ ngàng. Trái lại, Mai Du có cái cảm giác rạo rực vui của một người được trở về thăm chốn cũ: mình sẽ trở lại đất Đô Lương, nơi mình đã học lớp 6, đã sống một năm nhưng là một năm lặn lội cực nhọc, một năm đã để lại trong ký ức mình những dấu ấn không thể phai mờ của thời niên thiếu!
Chiếc xe ca hồ hởi lao nhanh trên con đường đất bụi. Lá cờ đỏ sao vàng cắm trên đầu xe phần phật tung bay. Đoàn sinh viên hào hứng cất tiếng hát vang lừng: "Đời mới, ai ơi! Đời mới tuổi hai mươi, như nắng xuân đang reo cười, như nhựa sống đang tràn...". Chỉ Mai Du không hát. Mai Du đang trầm ngâm nhớ về những kỷ niệm một thời của mình trên đất Đô Lương. Một cái bến nước trong vắt với hàng mấy chục bậc đá cao cao, có bận Mai Du trượt ngã vì gánh nước thuê, một con đò ngang tròng trành trong mưa gió mà Mai Du đã phải dang đôi cánh tay gầy guộc bé nhỏ để che chắn cho khỏi ướt hàng khi gánh giấy sang sông! Mai Du nhớ một thời ở đợ nhà người, tiếng rằng để dạy tụi nhỏ học bài, nhưng sự thực Mai Du đã nếm đủ vị đắng cay của kiếp "cái Tý nhà chị Dậu". Rồi Mai Du nhớ về cái lớp học chật chội của mình ở đền Đức Hoàng, nhớ thầy Phan Hy Xuyến với những dòng lưu niệm của thầy và chuyến ô tô về xuôi... Bây giờ thầy ở nơi đâu? Bạn ở nơi đâu? Sáu bảy năm rồi. Đô Lương cũ có gì đổi mới?
Trường cấp 3 Anh Sơn tổ chức một cuộc sinh hoạt toàn trường, đón đoàn sinh viên thực tập. Mai Du được phân công dạy văn lớp 8, dạy sử lớp 9 và làm chủ nhiệm lớp 8A thay cô Lâm. Cô Lâm nghỉ đẻ, "chỉ đạo tầm xa" giúp Mai Du thực tập chủ nhiệm. Còn thầy Dũng, chồng cô hướng dẫn Mai Du dạy văn. Nghe cô Lâm kể chuyện thầy cô, Mai Du xúc động ước ao: giá như mình có thể viết được một cuốn tiểu thuyết...
Đã qua rồi những phút bỡ ngỡ, ngại ngùng của giờ lên lớp đầu tiên. Đã qua rồi cái tâm trạng xáo trộn vừa thích thú, vui vui vừa đỏ mặt ngượng nghịu khi nghe bọn trẻ gọi hai tiếng thân thương "cô giáo". Bây giờ Mai Du đang thay thế cô Lâm đi giữa một đám học trò đến thăm nhà một phụ huynh. Nắng trải dài trên đoạn đường đất đỏ. Cách trường chừng ba, bốn ki-lô-mét, trên chiếc giường tre trong căn nhà nhỏ, một người đàn bà bệnh nặng đang nằm, thở hổn hển. Đó là mẹ của hai cậu học trò trong lớp 8A của Mai Du: Hào và Điền. Hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, cùng trắng trẻo khôi ngô, cùng giỏi giang chăm chỉ. Cả hai đều là học trò thân của cô giáo Lâm. Riêng Hào, rắn rỏi chững chạc hơn cậu em, còn là một lớp trưởng đáng tin cậy và một"cây văn nghệ" có năng khiếu của lớp. Mai Du đã hiểu vì sao gần đây hai anh em Hào, Điền cứ thay nhau nghỉ học hoài, vì sao các em thường đến lớp muộn và bài vở có phần trễ nải: mẹ các em đang ngã bệnh! Thương các em, song Mai Du không thể làm gì hơn ngoài việc gần gũi, cảm thông, động viên giúp đỡ các em học hành.
Hai tháng thực tập sư phạm của đoàn sinh viên ở trường cấp 3 Anh Sơn đã đến ngày kết thúc. Học sinh lớp 8A kéo nhau đầy đủ ra tận bến ô tô tiễn cô Mai Du về xuôi. Mấy mươi cặp mắt cả cô và trò đều ướt. Hào đến tận bên ô cửa kính ngước chào tạm biệt Mai Du, thảng thốt lẫn lộn tiếng "cô", tiếng "chị". Xe chuyển bánh, Mai Du với tay ra ngoài vẫy vẫy mãi đàn em nhỏ. Khi xe rẽ ra con đường tỉnh lộ, Mai Du mới yên vị, mở cuốn sổ hồng nằm gọn trong lòng bàn tay, cuốn sổ lưu niệm nhỏ Hào đã kịp gửi theo trên tay chị. Hào viết nhiều lắm, khi nhắc lại những kỷ niệm của cô giáo Mai Du, khi lo lắng nghĩ về tình cảnh neo đơn, mẹ đang ngã bệnh, khi tha thiết gọi lên một tiếng "chị" ngọt ngào để bộc lộ một mong muốn thiết tha được làm em của chị. Những dòng chữ run rẩy của Hào cứ nhảy nhót, chao động, nhòe nhòe dưới đôi mắt ướt của Mai Du trên suốt đoạn đường trường. Mai Du vừa buồn, vừa vui.
Một tháng sau, Mai Du nhận được tin buồn: mẹ của Hào, Điền đã mất! Chị xót xa, liên tục biên thư động viên hai đứa em côi cút. Năm học lớp 8 ấy may mà hai em trụ được. Vừa bế giảng xong, Hào ào về trường Đại học Sư phạm Vinh tìm chị Mai Du. Hai chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Hào theo chị Mai Du về nhà nhận ba, mẹ nuôi, và các em Mai Du lại có thêm một người anh kết nghĩa. Từ đó, Hào thỉnh thoảng đi về. Ba, mẹ Mai Du tưởng như mình có thêm một đứa con trai.