Quảng Bình thăm anh Kỳ, anh thứ hai vừa đỗ bác sĩ, đang đi thực tế trong đó, và chị Chu Lệ, cô học trò Bình-Trị-Thiên thân thiết đã ở nhà Mai Du
khi xưa.
Trạm dừng của hai chị em là ở thị xã Hà Tĩnh, khi có một anh bộ đội to béo, tóc húi cao, một vết sẹo nhỏ dưới thái dương ra đón. Anh cười cười, để lộ hàm răng trắng bóng, hồ hởi dang rộng vòng tay ôm gọn lấy cả hai chị em Mai Du. Anh nói đặc giọng Bắc Kỳ: "Đây rồi! Đây rồi! Anh mong mãi hai chị em". Người lái xe rập chân chào thủ trưởng rồi chở cả ba anh em họ về binh trạm. Mai Du nói với em gái: "Mai Hoa à! Đây là anh Nhật Tân, anh kết nghĩa của chúng ta". Cô kể cho em gái nghe anh Nhật Tân và anh Kỳ đã nhận làm anh em từ chục năm về trước, khi đơn vị anh Tân ngang qua Đức Thọ, còn anh Kỳ đang là một cậu học trò nhỏ ở đợ nhà người. Chủ nhà vốn là kẻ thị dân nơi phố chợ, quen ăn thô uống tục chứ chưa học phép xã giao, lại chỉ biết đếm tiền, không mấy quan tâm đến cuộc kháng chiến, nên đối xử với các anh bộ đội đóng quân chẳng chút mặn mà. Anh Nhật Tân bực dọc định trút cơn giận vào cậu học trò nhỏ: "Cậu là con chủ nhà?". Nhưng sau khi nghe biết chuyện, anh nhìn cậu bằng cặp mắt yêu thương, nhận làm anh kết nghĩa của cậu. Rồi năm tháng chiến tranh đã cuốn anh đi khắp mọi nẻo đường đất nước, thảng hoặc anh mới có dịp về thị xã Vinh thăm lại ba mẹ nuôi và các em. Mai Du còn kể cho Mai Hoa nghe: anh Nhật Tân viết truyện "Một trận đ n"... thật hay! Đó là một kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của anh.
Sáng hôm sau, cả anh Nhật Tân và hai chị em Mai Du theo một chiếc xe tải vượt Đèo Ngang vào Quảng Bình. Anh kể chuyện vui vui trên suốt dặm đường trường. Đôi môi chúm chúm rất tươi và cặp mắt trong sáng của anh ngời lên trên khuôn mặt sạm nâu phong trần của một đời lính chiến. Gần lên đến đỉnh Đèo Ngang, anh Tân hào hứng bảo: "Mai Du ơi! Em đọc lại cho anh nghe bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan đi". Rồi anh lẩm nhẩm đọc theo Mai Du: "Cỏ cây chen đá, lá chen hoa...". Xe dừng nghỉ ở thị trấn Đồng Hới, cái thị trấn nhỏ nhắn xinh xinh soi mình xuống dòng sông Nhật Lệ. Hai bên bờ, những hàng dừa nghiêng nghiêng ru gió mát rượi. Mai Du bất giác ngân lên giai điệu của một bản đàn mà cô đã quen gẩy từ thuở ấu thơ: "Sóng Nhật Lệ". Ba anh em tìm đến thăm nhà mấy người bạn lớn tuổi ở Đại học Sư phạm của Mai Du. Họ khao toàn đặc sản, nào bánh bèo Huế, nào bánh phồng bột tôm... Bao nhiêu năm rồi Mai Du vẫn không quên được cái dư vị đậm đà có một không hai của bánh phồng tôm Đồng Hới. Anh em Mai Du lên xe đò đi tiếp đến Lệ Thủy, rồi cứ dọc theo bờ sông Kiến mà về tới thôn Đại Phong, cái thôn nổi tiếng một thời. "Ai kia như chị Chu Lệ?", Mai Du dừng chân, cũng vừa lúc chị Chu buông cái làn chợ chạy lại đón hai chị em. Anh Kỳ cũng đã tới. Căn nhà nhỏ rộn lên thật vui. Bố mẹ chị Chu thân tình đón anh em Mai Du như đón những đứa con xa trở về.
Sau bữa cơm chiều, khi hoàng hôn đã buông xuống, trên dòng sông Kiến phủ bàng bạc một lớp sương mờ và ai đó trên sông cất lên một giọng hò khoan nhặt, thì không khí trong nhà chợt trở nên tĩnh lặng. Bố chị Chu không nói câu nào nữa, còn mẹ chị, dường như ngồi bất động, lắng hồn theo giọng hò Lệ Thủy trên sông, đôi mắt buồn ngấn lệ. Bà đang nhớ về những buổi chiều xưa. Bà muốn kể cho mấy đứa cháu nghe nỗi niềm tâm sự quạnh hiu đơn chiếc của bà khi Chu Lệ theo đoàn học sinh Bình-Trị-Thiên ra ngoài ấy ăn học, một mình bà chống chọi với mọi nỗi phong ba bão táp của cuộc đời...
Thay những lời bộc bạch tâm sự của người mẹ, chị Chu Lệ vặn to thêm ngọn đèn dầu hỏa, đưa cho chị em Mai Du xem những quyển nhật ký của hai mẹ con chị. Bà mẹ tức tưởi ghi lại một quãng đời oan nghiệt đầy sóng gió của cái thời tranh tối tranh sáng, lẫn lộn vàng thau ở vùng tạm bị chiếm khi hòa bình mới lập lại! Bao nhiêu năm ông làm giáo học, một lòng vì nước vì dân. Dưới bàn tay ông, hàng trăm hàng nghìn người con của quê hương đã lớn lên và trưởng thành. Nhà ông cũng đã từng là cơ sở của cách mạng. Vậy mà đứa xấu bụng nào lại đặt điều, vu cho ông là kẻ Việt gian, lá mặt lá trái, tống ông vào nhà giam, đúng giữa lúc cả làng cả xã hồ hởi đón tin mừng hòa bình lập lại, miền Bắc trong đó cả quê ông thực sự được hoàn toàn giải phóng khỏi ách kìm kẹp của đế quốc xâm lược. Ông oan ức, những muốn lấy cái chết mà trả lời với thiên hạ về đức kiên trung của mình. Thương chồng, bà càng cay đắng xót xa khi có những kẻ mạo nhận là người cách mạng lại lòng lang dạ thú, ngăn cấm không cho bà thăm nuôi chồng! Bao nhiêu năm chiến tranh, chẳng chết vì tay thằng giặc Pháp, nay lại chết rũ trong tù của mình! Bà tức tối mà bất lực! Trăm sự chạy vạy, cơm cháo cho ông, bà chỉ còn trông cậy ở một tay cậu Hoàng, người con trai tốt bụng, là con cái thành phần gốc rễ, cốt cán, mới có thể ra vào trại
Nhật ký của chị Chu Lệ là những trang đẫm nước mắt. Chu Lệ đang theo học cuối cấp 2 ở Đức Thọ thì gặp người đồng hương đưa nón Ba Đồn ra chợ Thượng bán buôn, chẳng hay gia đình đang lúc tan đàn sẻ nghé! Bản thân cô bé Chu Lệ và cả bà mẹ già tội nghiệp của cô cũng chỉ có thể lần hồi qua ngày nhờ ở sự cưu mang đùm bọc của chú Hoàng mà thôi. Cho nên vừa mới được minh oan, ra khỏi nhà tù, bố Chu Lệ nghĩ ngay đến chuyện đền ơn đáp nghĩa. Khi được phục chức, trở lại làm cán bộ quản lý ở Ty Giáo dục Quảng Bình, ông liền đưa Hoàng vào làm cán bộ dưới trướng của mình. Tuy học hành chưa được mấy, nhưng Hoàng thuộc thành phần cốt cán, lại đã từng là anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm Bình Trị Thiên khói lửa nên trưởng phòng tổ chức của Ty Giáo dục ủng hộ ông. Nhưng ông vẫn thấy như vậy chưa đủ và ông canh cánh trong lòng rằng, ơn sâu nghĩa nặng của Hoàng ông chưa trả được. Chỉ còn cách ép gả đứa con gái thân yêu độc nhất của ông cho Hoàng thì ông mới đỡ phần day dứt tâm can. Và ý ông đã quyết. Chu Lệ không cưỡng lại được! Khổ nỗi năm trọ học ngoài Đức Thọ, Chu Lệ đã kết nghĩa đào viên với một người bạn khác giới, và mặc dầu chưa nói lời nguyện ước, cả hai đã yêu trộm nhớ thầm. Ngày theo người đồng hương về quê, cô những tưởng chỉ thăm bố mẹ ít lâu rồi lại trở ra, ai ngờ đến nông nỗi này - bố nhất định không cho đi học xa nhà nữa! Thế là cầm bằng bị trói chân lại. Cô đã khóc hết bao nhiêu nước mắt vì sầu muộn, nhớ nhung người ngoài ấy, giờ lại đến nông nỗi bị ép lấy chồng để đền ơn trả nghĩa cho gia đình, lấy một người bạn của bố, một người mình không yêu! Vậy thì thà chết đi cho xong! Nghĩ khôn nghĩ dại, Chu Lệ bỏ nhà ra ngồi khóc mãi ngoài bờ sông Kiến. Bố mẹ Chu và cả Hoàng nháo nhác đi tìm. Chu Lệ định nhảy xuống sông tuyệt mệnh để giữ trọn tình với người mình yêu, nhưng nghĩ thương mẹ, thương cha, cô đã không nỡ làm liều. Cô chỉ ngồi bên bờ sông khóc mãi, người rũ ra như tàu lá úa. Chập tối, mẹ tìm thấy Chu Lệ. Bà chắp tay lạy van đứa con gái tội nghiệp và dìu con trở về. Rồi lễ cưới được tổ chức. Nhưng hôm đó, người ta thấy cô dâu không chịu mặc áo cưới, khóc suốt cả ngày, khóc cho đến khi về nhà chồng. Nhà chồng chả có một ai, ngoài đứa con côi cút là anh Hoàng, chồng cô. Anh Hoàng hiểu tất cả. Anh chỉ buồn mà không than thở, chê trách vợ gì hết. Tính anh vẫn rất hiền lành và ít nói như thế.
Năm tháng dần trôi. Cái gì qua cũng đã qua rồi. Chu Lệ theo nghề bố, dạy học ở trường làng, cam phận làm người vợ hiền, và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Anh Hoàng dọn sang ở cùng bố mẹ vợ, nhưng anh công tác trên tỉnh, một tháng chỉ về thăm nhà được đôi lần.
Trong căn nhà nhỏ tưởng đã n hư dòng sông Kiến lặng lờ trôi trong sự yên ắng, hôm nay có khách thân như ruột rà từ xa trở về, trong lòng mỗi người, cả già lẫn trẻ, tự dưng gợn lên những đợt sóng, tâm hồn lại xáo động với bao nhiêu hoài niệm xót xa, thương nhớ, hờn tủi, uất ức của một thời cay đắng nếm mật nằm gai...
Hai chị em Mai Du nằm bên chị Chu mà thổn thức, không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh đau thương của vợ chồng bác Chu và người con gái tội nghiệp qua từng trang nhật ký cứ hiện lên, hiện lên. Mai Du nhích lại gần thêm chút nữa, ôm chặt lấy chị Chu Lệ, thở dài. Nước mắt hai chị em hòa vào nhau ướt đẫm cả một chiếc gối.
Sáng hôm sau, Mai Hoa vừa trở dậy đã thấy chị Mai Du cùng bố chị Chu chuẩn bị lên đường. Bác Chu gái cẩn thận gói cho hai bác cháu mang theo mấy đòn bánh tét. Bác trai động viên Mai Du: "Chịu khó cầm đi cháu ạ. Truông Hồ Xá chẳng có quán xá gì đâu. Tối nay mình phải tới được phòng Giáo dục Vĩnh Linh, vì sáng mai họ có đoàn vào khu phi quân sự".
Hy vọng có thể theo đoàn đó vào thăm sông Bến Hải, vào tận mũi Cửa Tùng, Mai Du háo hức theo chân bác Chu ra đi, dầu biết rằng sẽ phải ròng rã một ngày trời cuốc bộ. Bác Chu tóc đã hoa râm, dáng người thấp bé nhưng bước đi thoăn thoắt, thoăn thoắt. Vốn ít lời và không ưa bắt chuyện, chỉ thỉnh thoảng bác dừng lại hỏi Mai Du: "Cháu có mỏi không?", "có bị đau chân không?" hoặc động viên cô bạn nhỏ: "Ráng lên chút nữa, nghe!".
- Cháu đi được ạ.
Mai Du cũng chỉ đáp gọn rồi lầm lũi đuổi theo cho kịp bác Chu.
Mặt trời đã lặn rồi mà hai bác cháu vẫn đang đi giữa truông Hồ Xá. Trước, sau không một bóng người. Mai Du thấy chờn chợn, chợt nhớ đến một câu ca dao cổ:
"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"
Mai Du muốn hỏi bác Chu: "Truông nhà Hồ ngày xưa lắm thú dữ hay là nhiều trộm cướp? Bây giờ nơi đây có nhiều trộm cướp nữa không?". Nhưng nhớ tính bác Chu không thích bắt chuyện, cô đành im lặng bước. Khi màn đêm buông xuống thì hai người cũng vừa qua khỏi truông Hồ Xá, đi trên những con đường sỏi đá, qua các làng quê mà bóng những mái nhà thưa thớt cũng chỉ hiện lên lờ mờ. Chợt bác Chu đứng lại, nói như reo vui:
- Kia rồi! Thị trấn Vĩnh Linh kia rồi, cháu ơi!
- Dạ. Nơi có vầng sáng đó ạ?
- Phải rồi. Đối với bên bờ Nam, Vĩnh Linh là bộ mặt của miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà.
Gần 9 giờ tối, bác Chu đưa Mai Du vào phòng Giáo dục Vĩnh Linh. Những người ở trong đoàn ngày mai vào khu phi quân sự đều tập kết ở đó. Sau khi nghe một bản thông báo ngắn về tình hình khu phi quân sự, tình hình bờ Bắc, bờ Nam và mấy điều nội quy của Đoàn, Mai Du theo bác Chu về trạm nghỉ. Nhưng cô kh ông tài nào chợp
mắt được. Mai Du háo hức chờ đợi và mong cho trời
chóng sáng.
Khi đoàn lữ khách bỏ lại sau lưng mình những hàng quán, phố xá, những cửa hàng bách hóa và các công trình phúc lợi công cộng khác của thị trấn Vĩnh Linh thì nắng đã trải vàng ươm trên con đường quốc lộ I. Bên đường, những đồng lúa, nương khoai mơn mởn cũng nhuộm ánh vàng tươi rực rỡ của buổi sáng đầu thu yên ả, thanh bình. Đó đây, từng đoàn từng tốp, gánh gánh gồng gồng, nón lá mũ nan, tay cào tay cuốc, cười nói ồn ào, rộn ràng không khí làm ăn tập thể trên những cánh đồng hợp tác. Đoàn người đã bước vào giới tuyến quân sự tạm thời từ lúc nào. Mai Du nhác thấy xa xa, ngọn cờ Tổ quốc đang tung bay.
- Kia rồi! Cờ của bờ Bắc? Đó là chân cầu Hiền Lương phải không bác?
- Phải, phải. Cờ ấy to lắm, cao lắm, để cho đồng
bào bờ Nam nhìn thấy. Từ đây đến đấy cũng còn hàng
cây số.
Bác Chu đáp. Nhưng Mai Du không còn nghe hết câu. Lòng cô đang rộn lên với bao niềm xúc động, bao ý nghĩ xốn xang. Cô hình dung ra tâm trạng của đồng bào bên bờ Nam mỗi khi nhìn thấy lá cờ đó: lá cờ đỏ sao vàng bên bờ Bắc là niềm tin yêu, niềm kiêu hãnh, niềm tự hào của cả nhân dân miền Nam. Biết bao nhiêu người ở trong đó đã vào sinh ra tử để cất giấu, gìn giữ, bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Hẳn biết bao người đã nhìn trộm ngó thầm lá cờ đỏ để gửi sang bờ Bắc cả lòng thủy chung son sắt, hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ.
Khi đã thử đặt một bàn chân lên mép cầu bờ Bắc, lòng Mai Du bồi hồi quặn thắt: Chao ôi! Cầu Hiền Lương chỉ ngắn có ngần này, con sông Bến Hải chỉ hẹp có vậy thôi mà ngăn cách hai thế giới, giữa địa ngục và trần gian! Mai Du dòi dõi ngó sang bờ Nam, cố tìm một bóng đồng bào bên đó, nhưng vô hiệu. Không gian tĩnh lặng không một bóng người! Chỉ có mấy mái nhà tôn lạnh lùng úp xụp phía đầu cầu bên đó bờ Nam. Mai Du thầm xót xa!
Từ trên hàng chục cái loa phóng thanh hướng về bờ Nam, liên tiếp cất lên những giọng hát ngọt ngào da diết của bài "Câu hò bên bến Hiền Lương", rồi "Hà Nội - Huế - Sài Gòn", đưa bước chân du khách xuôi về mũi Cửa Tùng.