- Mẹ đã ngủ chưa ạ?
Helen quay về phía con dâu, tránh không đụng vào cái mặt bàn ngay phía trên đầu gối, trên đó có khay đồ ăn của bà. Chỗ ngồi trên máy bay ngày càng nhỏ lại. Marie vừa mở mắt và vẫn còn đeo quanh cổ cái gối xám của cô. Tối qua ở sân bay New York, cô đã giải thích với mẹ chồng phương pháp của cô: một khi đã ở trên máy bay, cô sẽ uống một viên chống nôn, nhét những cục Quies vào lỗ tai, đeo cái che mắt và đặt gối hơi quanh cổ để phòng bệnh trẹo cổ, đắp chăn rồi ngủ một mạch cho đến khi hạ cánh, không đụng gì tới các bữa ăn do Air France phục vụ. Cô đã khuyên mẹ chồng làm như thế. Cô đang nhìn cái khay ăn sáng với một vẻ làm Helen cảm thấy như có lỗi.
- Mẹ đã thử, Marie ạ. Nhưng Camille cử động quá nhiều. Tuy nhiên, mẹ cũng đã nghỉ ngơi được rồi.
Cháu gái bà vẫn ngủ say sưa, đầu trên gối của mẹ còn chân tì vào bà. Bốn tuổi rưỡi, người ta thấy nó cũng đã quen với những chuyến đi xuyên Đại Tây Dương. Marie chỉ đánh thức con dậy sau khi đã hạ cánh. Camille mãi mới mở mắt được, vì mới năm giờ sáng ở New York, nhưng mười phút sau, nó đã nhảy nhót trong hành lang, hoàn toàn khỏe khoắn. Ở phòng hành lý, nó giải thích cho bà tất cả những điều cần biết về sân bay:
- Vali sẽ ra từ chỗ kia, mẹ sẽ đặt chúng lên xe đẩy, cháu sẽ ngồi lên trên và bà phải ấn vào chỗ kia để đẩy xe, Nounoush ạ.
Con bé nói bi bô làm bà nhức đầu. Không có vali nào thất lạc cả. Marie gợi ý uống một tách cà phê trước khi rời sân bay. Helen biết ơn chấp nhận.
- Mẹ có thể hút thuốc, Helen ạ.
- Ồ không, không sao, cảm ơn con. Dẫu sao, ta không được phép.
- Đây là Paris, không phải New York! Có một chỗ cho người hút thuốc, đằng sau kìa. Mẹ nhìn xem.
Helen bị thuyết phục. Bà lấy bao thuốc trong túi xách tay ra, châm một điếu và hít một hơi dài. Từ hôm qua đến giờ, đây là cảm giác quen thuộc đầu tiên. Đã bảy năm trời bà không đi du lịch - kể từ chuyến đi sang Thổ Nhĩ Kỳ với Jacob khi Alexandru và Marie sống ở Istanbul. Khi Marie đề nghị đưa bà cùng đi Paris, bà đã phát hoảng. Bà đã không rời nhà từ nhiều năm và mọi cái với bà hình như cực kì rắc rối, ngay cả việc chọn quần áo phù hợp để cho vào vali. Bà thấy không thể đến sân bay và đi máy bay một mình được. Marie đã nói với bà rằng cô chỉ có một tuần nghỉ vào tháng Hai, vậy Helen có thể cùng đi và về với cô, và cô đã hứa với mẹ chồng sẽ lo liệu mọi thứ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968, Helen đi du lịch không có Jacob hoặc Alexandru.
- Mẹ xong chưa ạ?
Bà vội tắt điếu thuốc để đến với Camille và Marie.
Họ lên taxi ngay không phải đợi. Helen thắt dây an toàn cho Camille trong khi Marie cho vali vào cốp và xe chạy về hướng Paris. Qua cửa kính, Helen ngắm nhìn cánh đồng, những ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ, kho tàng, nhà máy và những tòa tháp lần lượt lướt qua. Bà không nhận ra gì hết. Camille tựa vào bà ngủ, cháu yêu của bà. Bà vuốt mớ tóc mềm của nó. Nó vẫn ngủ. Khi nó mở mắt ra, xe taxi đã đến đường vành đai. Một tấm biển lớn đề chữ “Paris”.
- Đã đến Paris rồi mẹ ạ. Từ giờ, ta nói tiếng Pháp!
- Để xem, Helen thận trọng đáp.
- Con tin là mẹ có thể nói được mà. Chỉ cần tự tin và chịu khó thực hành. Mẹ phải bạo dạn lên!
Paris với những đại lộ mà hai bên là những tòa nhà thời Haussman hình như đã thân thuộc hơn với bà. Taxi rẽ vào một phố nhỏ mà bà không kịp đọc tên trên cái biển xanh và dừng lại trước một cổng xe. Helen biết họ đang ở quận XV, gần La Motte-Picquet, không xa khách sạn mà bà đã lưu lại năm 1968. Marie trả tiền xe trong khi Helen đánh thức Camille. Họ kéo vali theo một lối đi dẫn đến một cái sân nhỏ mờ mờ tối mà ở cuối có một xưởng thủ công được cải tạo thành nhà ở. Marie đến rìa cửa sổ, tìm kiếm sau một hòn đá và thấy chìa khóa cửa. Cô cho chìa khóa vào ổ, vặn và đẩy cửa.
Căn phòng họ vào rộng rãi, sáng sủa, đầy cây xanh. Với trần cao có trổ nhiều lỗ tạo giếng trời, nó giống như một phòng lớn thông thoáng ở New York.
- Đến một ngôi nhà xa lạ mà người ở đã đi buổi sáng, buồn cười thật, - Marie nói - Ta có cảm giác là cô bé Tóc vàng đang vào lều của ba chú gấu.
Cô đã thu xếp một cuộc trao đổi với những người Paris tuần này đến ở nhà họ tại New York, còn Alexandru thì đến ở nhà mẹ. Helen khâm phục óc tổ chức của con dâu, nhưng cứ nghĩ đến việc những người không quen biết đến ở căn hộ của con trai là bà thấy lo ngại, nhưng không nói ra.
- Mẹ ơi! Bà ơi! Nhìn này! Cá! Cháu muốn cho chúng ăn!
Camille ngây ngất trước một bể cá lớn. Helen ngồi xuống một trong hai cái trường kỉ bằng da đen ở giữa phòng khách.
- Căn nhà đẹp đấy, - bà nói - Chiếc trường kỉ này ngồi thoải mái lắm.
- Ổn chứ mẹ? Mẹ không mệt quá chứ?
- Hơi mệt. Mẹ nghĩ mẹ sẽ ngủ một lát.
- Ấy đừng. Nếu ngủ bây giờ, mẹ sẽ không quen được với sự chênh lệch giờ. Tốt hơn là tối ta ngủ sớm.
Ở tầng một, họ thấy có ba phòng ngủ và một phòng tắm. Họ lấy đồ ở vali ra, rồi đi siêu thị. Helen quá mệt nên có cảm giác như đi xa lắm. Những cái túi đầy đồ ăn nặng trĩu. Camille cứ lè nhè mãi. Trời nặng như sắp có mưa. Một vài giọt rơi xuống đúng lúc họ về đến nhà.
- Ngày đầu tiên bao giờ cũng cực, - Marie phân trần - Mệt. Chỉ có mỗi việc là chờ đến ngày hôm sau.
Buổi tối, họ đi tàu điện ngầm đến ăn ở nhà cha mẹ Marie. Elvire và Jean-Pierre xúc động ôm hôn Helen. Họ đã không gặp bà từ nhiều năm nay. Khi Helen cảm ơn Jean-Pierre về lá thư ông gửi bà hồi đầu tháng Mười, giọng bà nghẹn ngào. Elvire đổi chủ đề và khen chiếc váy của Camille. Họ đều nói bằng tiếng Anh. Khoảng mười giờ, Jean-Pierre đưa họ về. Quá mệt, Helen đi thẳng lên phòng mình, kệ Marie lo cho Camille, con bé khóc và thiếp đi trong xe của ông ngoại. Như cái máy, bà mặc áo ngủ, tháo răng giả, nằm xuống và chìm ngay vào giấc ngủ.
- Mẹ!
Bà giật nảy mình và mở mắt. Phía trên, có một người phụ nữ vẻ bực tức đang ôm trong tay một chồng ga trải giường. Trong một phòng khác vang lên tiếng khóc trẻ con. Helen không rõ mình đang ở đâu. Một hình ảnh hiện về: trong căn nhà ở Kichinev vào ngày mà bà đang đuổi bắt con chó Papusha để nó không làm bẩn phòng khách với những cái chân đầy bùn, và rồi giọng nói của dì đã làm bà sững lại: "Elena!" Cùng giọng ấy. Cùng đôi mắt dữ tợn. Năm đó bà lên sáu.
- Giường chưa dọn, mẹ! Mẹ không thấy à? Đó chỉ là cái bọc giường. Không sạch sẽ. Khối người có thể đã dùng. Và mẹ lại còn nằm thẳng lên đệm! Giờ thì con hiểu tại sao Alex có thể ngủ ở bất cứ đâu!
Khó khăn lắm, Helen mới ngồi dậy được. Trí nhớ từ từ trở lại với bà. Paris. Ngôi nhà ở quận XV. Bữa ăn tối nhà cha mẹ Marie. Mệt mỏi. Căn phòng nhỏ. Bà nhớ đã tháo hàm răng giả - thông qua việc Marie tránh nhìn bà - và đưa tay che miệng.
- Mẹ không biết, Marie, - bà đáp với giọng xin lỗi - Mẹ cứ tưởng giường đã dọn rồi. Mẹ mệt quá mà! Nằm xuống là mẹ ngủ ngay rồi.
- Ga trải giường đây ạ, - Marie nói, giọng dịu hơn - Con xin lỗi đã đánh thức mẹ. Con đặt Camille vào giường rồi quay lại giúp mẹ.
- Đừng lo. Mẹ tự xoay xở được. Cảm ơn con, Marie.
- Chúc mẹ ngủ ngon, Helen.
Khi bà tỉnh dậy, ở Paris là mười một giờ - nhưng ở New York mới là năm giờ. Từ nhiều tháng nay, bà chưa khi nào ngủ nhiều và sâu đến thế. "Hiệu quả của chênh lệch múi giờ đấy ạ", Marie vừa cười vừa nói với bà, cô đang pha cà phê trong bếp.
- Hôm nay mẹ muốn làm gì ạ, Helen? Con đã dự định đến nhà một cô bạn cũng có con gái cỡ tuổi Camille và sáng mai sẽ đi nghỉ, nên chúng con chỉ còn hôm nay để gặp nhau. Nếu muốn, mẹ có thể đi cùng chúng con, hoặc mẹ đi dạo chơi. Bảo tàng Rodin không xa.
- Mẹ đi bảo tàng.
Marie đưa cho bà vé tàu điện ngầm và một bản đồ Paris mà cô đánh dấu chữ thập ở vị trí nơi họ ở. Cô cũng đưa cho bà một sơ đồ đường tàu điện ngầm, dặn bà đi theo hướng nào, xuống ở bến nào. Một giờ, Marie và Camille ra đi. Nhà trống trải và tĩnh lặng. Helen ngồi ở trường kỉ xem bản đồ Paris.
Tiếng khóa vặn trong ổ rồi cửa mở làm bà giật mình. Bà không ngủ quên ở trường kỉ, nơi bà ngồi hai hoặc ba giờ chẳng làm gì cả, và bà cũng chẳng thiu thiu ngủ, nhưng hình như đầu óc bà đã để ở nơi xa lắm, một nơi vô định. Đêm đã buông xuống mà bà không hay. Camille và Marie vào phòng khách.
- Cháu chào bà, Nounoush! Camille nói.
- Ở đây tối quá! - Marie kêu lên và bật công tắc. - Mẹ không bật đèn à? Bảo tàng thế nào ạ?
- Mẹ không đi. Mẹ mệt. Mẹ không muốn đi tàu điện
một mình.
- Tại sao ạ? Rất đơn giản mà! Con đã nói cho mẹ hết rồi! Thế mẹ đã làm gì?
- Mẹ đã đi bộ đến La Motte-Picquet. Mẹ đi tìm khách sạn mà mẹ đã ở khi mẹ đến Paris năm 1968, nhưng mẹ không
tìm thấy.
- Có lẽ nó không còn nữa. Trong ba mươi lăm năm, Paris đã thay đổi rồi.
- Hẳn là vậy. Sau đó, mẹ muốn đi ra tận sông Seine để ngắm tháp Eiffel, nhưng trời lạnh quá!
- Quả vậy, hôm nay trời lạnh. Nhưng không lạnh hơn New York.
- Ở New York, trời này mẹ không ra ngoài. Nó làm mẹ đau xương.
Tối hôm ấy, cha mẹ, các em của Marie và vợ chúng đến ăn tối. Helen đã tìm thấy một cái khăn trải bàn trong chiếc tủ ở phòng khách. Cô bày bàn. Jean-Pierre đã mang đến một chai sâmpanh. Nhà đầy ắp tiếng cười. Họ đều nói tiếng Pháp, nhanh quá nên Helen không thể theo kịp. Không hề gì. Thỉnh thoảng Marie dịch cho bà một câu và bà mỉm cười cảm ơn con dâu. Sau khi khách về, bà rửa bát đĩa trong khi Marie lên dỗ Camille ngủ. Có một máy rửa bát, nhưng nó có vẻ cũ kĩ tới mức tốt hơn là không dùng.
Sáng hôm sau, Helen tỉnh dậy trước Marie và Camille. Bà mặc quần áo, nhẹ nhàng đi xuống và ra ngoài. Hôm qua, bà đã thấy một cửa hàng bánh ở đầu phố. Ra đến ngoài, bà châm điếu thuốc đầu tiên, đi đến tận cửa hàng bánh và rít những hơi thuốc dài. Bà mua một chiếc bánh mỳ dài bằng đồng hai mươi euros mà Marie đưa cho, rồi bà vào trong cửa hàng thực phẩm ở bên cạnh.
- Bán cho tôi ba lát jame-bon.
- Ba lát ngon ư? Chị bán hàng hỏi.
- Vâng, ba lát ngon, Helen đáp, nhấn mạnh từng từ.
Bà thấy thích thú khi sử dụng những từ tiếng Pháp này như những hình khối trong trò xếp hình và làm cho người ta hiểu mình. Về đến nhà, bà kể lại bằng tiếng Pháp cho Marie cuộc phiêu lưu ngôn ngữ ngắn ngủi này.
- Jam-bon, chứ không phải jame-bon. Có một chữ "m" nhưng người ta không phát âm đâu mẹ.
Marie dậy, vội vã. Cô có nhiều cú điện thoại cần gọi và nhiều cuộc hẹn hò. Ở New York cũng vậy, Marie luôn vội vàng và luôn đến muộn. Cô tham lam quá. Ở Paris còn tệ hơn: Trong một tuần, cô định gặp hàng chục bạn, xem hàng chục bộ phim và triển lãm. Ngày hôm ấy, Marie đưa Helen và Camille đến Khu Latinh. Họ đi thăm Nhà thờ Đức Bà đã bị giàn giáo che lấp một nửa, và dạo chơi trên bờ sông Seine. Ở bờ sông, cái lạnh còn buốt giá hơn. Họ qua một cái cầu, đi qua một quảng trường và ngược lên một phố hẹp. Helen có cảm giác kì lạ. Ngực bà thắt lại.
- Phố này tên là gì? Bà hỏi Marie.
- Phố Saint-André-des-Arts.
Bà bỗng nhớ. Bà thấy Jacob, ở trước hiệu ăn có biển hiệu màu xanh cổ vịt, đang xem bản đồ để tìm lại con đường về khách sạn của họ ở phố Huchette. Tháng Bảy năm 1990. Họ đã ở lại Paris một tuần sau lễ cưới của Alexandru và Marie. Đường phố bây giờ xám xịt và trống trải, nhưng khi ấy đầy người mặc quần áo mùa hè sặc sỡ. Tuy nhiên, vẫn phố ấy, vẫn hiệu ăn ấy, góc phố ấy nơi Jacob đứng, áo sơ mi trắng, vẻ nghiêm trang, mải xem bản đồ, trong khi bà vô tư vừa hút thuốc vừa ngắm những phụ nữ Paris xinh đẹp. Kỉ niệm quá sống động nên bà có cảm giác có thể chạm vào Jacob khi chìa tay ra. Một giọt nước mắt lăn xuống từ mắt bà. Bà nắm chặt
tay Camille.
- Ôi, thế mà đã gần ba giờ rồi! - Marie nhìn đồng hồ thốt lên. Cô dừng lại và quay về phía Helen: - Con có cuộc hẹn về công việc vào bốn giờ rưỡi, nhưng lại không thể đưa Camille theo. Mẹ có thể đưa cháu về giúp con không ạ?
- Về nhà á? Bằng cách nào?
- Đi tàu điện ngầm ạ.
- Tàu điện ngầm ư? Mẹ không biết đâu, Marie...
- Rất đơn giản, mẹ ạ, - Marie hơi sốt ruột nói. - Thẳng một lèo, mẹ không thể nhầm được ạ.
Helen không dám biểu lộ nỗi sợ của mình. Bà sợ làm con dâu giận khi thú nhận bà rất sợ khi đi xuống lòng đất. Ở New York, bà cũng chẳng bao giờ đi tàu điện ngầm. Nhưng Marie lại không thông thạo xe buýt Paris mà cô nói ít chuyến hơn và kém tin cậy hơn. Họ vội vã đi ngược đại lộ Saint-Michel và Marie chỉ cho bà lối xuống bến tàu ở cách đó năm mươi mét, chỉ cho bà hướng đi và bến xuống. Cô hôn con gái rồi đi. Helen nắm chặt tay cháu gái và đi về bến tàu. Camille một mực đòi tự mình xuống cầu thang.
- Không được, Camille. Đưa tay đây.
Bà sợ con bé vấp ngã hoặc một kẻ xấu bất ngờ xuất hiện bắt nó đi. Camille kháng cự lại và cố vùng tay ra.
- Thôi nào! - Bà nói bằng tiếng Anh với Camille bằng một giọng mà nỗi sợ hãi đã làm cho trở nên độc đoán hơn bao giờ hết. - Cháu không tự xuống. Nghe lời bà.
- Cháu không hiểu bà nói gì. Ở Pháp, bà phải nói tiếng Pháp! - Cháu gái đáp bằng tiếng Pháp, với một thái độ trâng tráo mà trong bối cảnh khác sẽ làm Helen bật cười.
Trong khi bà nó dừng lại ở cửa vào để tìm vé trong túi xách, Camille thoát ra và chạy về phía lối ra. Nó đã leo được năm bậc thì Helen đuổi kịp và nắm cánh tay nó. Bà nhìn cháu không có chút âu yếm nào cả. Bà nắm cổ tay nó, đi qua cửa tự động và dùng sức kéo nó vào hành lang. Camille hét lên và chống cự. Từ khi lên hai đến giờ, chưa bao giờ nó lại ghê
gớm thế.
- Camille, bà xin, ngoan nào! Mình phải về nhà! / Camille, please, please, be nice! We have to go home! - Helen dỗ dành bằng tiếng Anh trong khi Camille òa khóc và thét lên bằng tiếng Pháp: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Cháu muốn mẹ cơ!”
Mọi người quay lại nhìn. Một số cau mày. Tim Helen đập loạn xạ. Bà đoán ý nghĩ những người qua lại: Cái người phụ nữ có tuổi này là ai mà lại nói tiếng Anh pha giọng với một đứa trẻ Pháp và cưỡng bức nó theo mình trong khi đứa trẻ đang đòi mẹ? Có cần can thiệp không? Bà còn nghĩ tới việc bị cảnh sát bắt vì tội bắt cóc. Bà muốn ngồi bệt xuống đất và bật khóc. Bà ghét Marie đã đẩy bà vào thử thách ghê gớm này. Bà đã không mảy may nghĩ mình có thể ghét đứa cháu gái mà bà yêu quý nhất trần đời. Ấy thế mà, vào lúc này, bà ghét Camille. Đó không còn là một bé gái cách đây ba tháng, vào cuối buổi hỏa táng mà nó đã ngoan ngoãn tham dự, tự đứng dậy để đến cầm tay bà nội và cứ nắm chặt cho đến khi họ về đến nhà Helen.
Ở Pháp, Camille khác rồi. Con gái của mẹ nó. Một phụ nữ nước ngoài.
- Có chuyện gì xảy ra thế, mẹ? - Marie hỏi khi về nhà vào bảy giờ và nhìn thấy mẹ chồng ngồi ở trường kỉ, vẻ mặt
bực bội.
- Ôi, - bà vừa đáp vừa hằn học nhìn về phía cháu gái đang chơi ở đầu kia phòng khách, càng cách xa bà càng tốt, và không ngẩng đầu lên khi mẹ về. - Đừng có bảo mẹ đi tàu điện về cùng Camille nữa nhé, Marie, hoặc đi bất cứ đâu ở Paris với nó. Không bao giờ.
Bằng một cái khoát tay, bà diễn tả sự kiên quyết của mình. Bà kể lại sự việc cho Marie nghe, cô trố mắt.
- Tội nghiệp mẹ quá! Con xin lỗi!
Marie lại gần con gái và mắng nó. Camille tự thấy rất có lỗi nên thậm chí nó không khóc. Tuy nhiên, Helen nghĩ rằng Camille không có lỗi, nó chỉ là một đứa bé.
Từ nay trở đi, Helen sẽ không đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt, ngay cả khi không có Camille. Khi con dâu không đưa bà đi xem thắng cảnh, bà ở nhà một mình. Khi nghe Marie động viên bà ra khỏi nhà và tận dụng nhiều hơn thời gian lưu lại Paris, Helen nghĩ tới Jacob và rồi hiểu ra sự kháng cự thụ động của mình. Không làm gì cả. Bà chỉ muốn thế. Ngồi lại trên trường kỉ, trong cái phòng khách rất ấm áp này, nơi mà những lỗ đục trên mái không cho phép nhìn thấy các tòa nhà trên đường phố Paris. Chờ cho ngày qua và thời gian lưu trú hết.
*
Hôm trước khi đi, Marie đưa Helen, Camille và cha mẹ cô ăn tối ở hiệu ăn La Coupole. Khi họ vào trong căn phòng lịch sự, rộng rãi và sáng sủa của hiệu ăn, tâm trạng cô vui vẻ. Lần đầu tiên từ khi họ đến, hôm nay trời mới lạnh khô và đầy ánh nắng dưới bầu trời xanh thẳm, và mẹ chồng cô cuối cùng đã chịu nghe cô. Helen đã đi xe buýt và cả ngày thăm Bảo tàng Louvre, dạo chơi bờ sông Seine và khu Marais. Bà trở về hoan hỉ. Marie tin chắc rằng hiệu quả tích cực của chuyến đi này cuối cùng đã làm tan biến những giây phút khó khăn. Họ nâng cốc chúc mừng Helen và chuyến lưu lại Paris của bà.
- Thế nào, mẹ, mẹ cảm thấy thế nào? - Marie hỏi bằng tiếng Anh, cô đã từ bỏ việc bảo mẹ chồng diễn đạt bằng
tiếng Pháp.
- Ồ, con biết...
Helen thở dài và như sắp bật khóc. Bà không nhìn con dâu. Có sự thất vọng trong giọng bà, nhưng cũng có một sự ghê gớm đến nỗi Marie đỏ mặt khi chợt nhớ lại bàn tay giơ ra trong bếp khi ở New Jersey, và vẻ khiếp đảm của Helen. "Không." Tại sao mẹ Alex lại giận cô nhiều thế? Cô thấy sự hằn thù này thật bất công. Ngay cả khi chuyến lưu lại Paris của họ đã không êm đẹp như cô mong đợi, cô chỉ muốn làm hài lòng mẹ khi rủ bà cùng đi.
- Mẹ muốn nói rằng... mẹ không thích chuyến đi này ạ, Helen?
- Marie, mẹ có thể nói gì?... Không có Jacob...
Giọng Helen ngắt quãng. Bà giơ tay làm một cử chỉ. Marie còn đỏ mặt hơn nữa - lần này vì thói quen chỉ nghĩ tới mình của bà. Chắc chắn là không phải cô. Mẹ chồng buồn không hề liên quan gì tới cô. Suốt tuần, Marie đã lẩn tránh chủ đề này. Cô đã không có lần nào nhắc đến Jacob. Cô hi vọng làm Helen quên đi những sự kiện của mùa thu - cứ như là có thể quên được.
Quanh bàn ngự trị không khí cực kì lúng túng. Mẹ của Marie bao giờ cũng có cái để nói, thì lại không mở miệng. Cha cô nhìn Helen thông cảm. Camille lúc nãy kêu đói, giờ lặng im. Helen sắp bật khóc. Marie cũng vậy. Cô không có bờ vai Alex. Cô bỗng tự hỏi liệu chuyến đi này có phải là ý tưởng tồi tệ nhất không? Khi đưa Helen đi xa nhà, đến một đất nước mà bà không nói ngôn ngữ ấy, trong gia đình thông gia của bà và ít quan tâm đến bà, phải chăng cô chỉ làm tăng thêm sự cô đơn của mẹ chồng? Có phải mình nhanh ẩu đoảng không nhỉ? Có lẽ mẹ Alex chưa bao giờ trầm cảm như ở Paris, trong ngôi nhà không cửa sổ này, ngay cả cháu gái yêu của bà cũng nói với bà bằng một giọng cao ngạo.
Helen ngước mắt và nhìn thấy vẻ mặt mệt mỏi của Marie. Thay vì suy sụp, bà hình như nỗ lực ghê lắm và mỉm cười.
- Với mẹ, không dễ gì đi mà không có Jacob, Marie ạ. Tuy nhiên, tuần lễ rất tuyệt. Cảm ơn con đã tổ chức chuyến đi này. Mẹ hài lòng vì ta ở gần La Motte-Picquet, vì đó là khu phố mà mẹ đã ở khi mẹ đến Paris năm 1968.
Những lời nói của bà đã tránh cho bữa ăn rơi vào thảm họa. Giờ đây, cuộc chuyện trò lại tiếp tục. Cha mẹ Marie nói với Helen bằng tiếng Anh, ân cần, nhiệt tình và thiện cảm.
Trở lại New York, Helen và Marie không bao giờ nói lại về chuyến đi Paris nữa. Marie đã không nghĩ đến việc chụp ảnh, do đó không còn dấu vết nào rõ rệt cả. Cô biết Helen sẽ không đi du lịch nữa, dù có hoặc không có cô. Cô tìm ra những lý do của thất bại này: chuyến đi diễn ra quá sớm sau khi Jacob mất, và Helen chưa sẵn sàng, không có đủ nghị lực. Trời cực kì lạnh vào tháng Hai ở Paris, trong khi mẹ chồng cô ghét trời lạnh. Chắc bà chán ngán khi có mặt giữa những người Paris nói tiếng Pháp quá nhanh khiến bà không thể hiểu từ nào. Kết quả tích cực của chuyến đi là hiện nay Helen cảm thấy khá hơn khi ở nhà mình. Việc đưa bà ra khỏi thế giới riêng trong thời gian ngắn ngủi đã cho phép bà ý thức được những điều cốt yếu trong cuộc đời mình. Alex làm Marie yên lòng. Theo anh, chuyến đi này, về mọi phương diện, là một trải nghiệm tuyệt vời cho mẹ anh: đã cho bà sức mạnh để đối diện với sự cô đơn.
Phải hai năm sau Marie mới phát hiện ra điều thực sự xảy ra ở Paris - tại sao Helen thấy bất hạnh sâu sắc đến vậy. Cô nói chuyện điện thoại với mẹ chồng. Họ nói về căn hộ mới mà Alex, Camille và Marie chẳng bao lâu nữa sẽ dọn đến. Trong câu chuyện, bỗng nhiên giọng Helen thay đổi. Bà có vẻ lo lắng. Marie đoán ngay hẳn cô đã nói gì làm tổn thương Helen. Gì vậy? Cô không hề nghĩ ra. Để làm Helen thoải mái nói chuyện, cô xin bà cho lời khuyên về các cửa sổ phòng khách: nên làm rèm hay mành mành?
- Ồ, mẹ không biết, Marie. Tùy con.
Giọng này gợi lại những kỉ niệm xấu.
- Có chuyện gì không ổn hả mẹ?
- Không. Mẹ chỉ mệt thôi.
Trầm trọng hơn rồi. Marie cảm thấy Helen đang lui vào trong cái góc tĩnh lặng mà sẽ không có cách nào tiếp cận bà trong nhiều ngày hoặc nhiều tháng, cái góc mà từ đó chỉ phát ra ba từ diễn tả sự giam hãm của bà: "Tôi bị mệt ." Cô sợ bà lại như vậy. Cô muốn tin là bà đã khác trước. Trong hai năm qua Helen đã có thay đổi. Bà ngấu nghiến sách và cuối cùng thỏa mãn một sự tò mò mà cuộc đời trước đó đã không cho phép bà. Bà hình như tin tưởng hơn vào con người và lời nói. Mới đây, khi bà hàng xóm có tuổi không đáp lại lời chào, mấy ngày sau đó, Helen đã có thể hỏi tại sao chứ kh 1901 ông lập tức cắt quan hệ, và bà đã tin khi bà lão khẳng định là không nhìn thấy bà. Phải chăng Helen vẫn còn rất yếu đuối nên một lời nói vô ý cũng có thể làm bà rơi vào im lặng mà sẽ vô cùng khó khăn để làm bà hòa đồng trở lại? Lần đầu tiên, Marie nói với bà điều mà cô chưa bao giờ dám thổ lộ vì sợ gây ra xung đột.
- Mẹ ơi, con đã làm gì nào? Con đã nói gì làm mẹ phật ý à? Con cảm thấy mẹ giận con, nhưng con không hiểu tại sao. Nếu mẹ không nói cho con biết chuyện gì, nếu mẹ không cho con cơ hội sửa chữa lỗi lầm của mình thì mẹ làm con phật
ý đấy.
Đó có phải là một câu hỏi đúng lúc không, hoặc giọng điệu có phù hợp không? Chỉ biết Helen đã nói toạc ra:
- Con nói phải, Marie. Mẹ nên nói ra khi mẹ thấy khó chịu. Chính tại vì con đã nói rằng con vui vì cuối cùng có đủ chỗ để đón tiếp gia đình con.
- Vậy thì sao ạ?
Khi nói tới gia đình con, con muốn chỉ cha mẹ và các em trai, em gái con ở Pháp.
- Dạ, nhưng sao ạ?
- Gia đình con, chính là Alexandru và Camille. Chính họ mới là những người con phải nghĩ tới đầu tiên.
Marie phát hoảng vì nước Pháp quê hương cô, mười sáu năm sau, vẫn còn đe dọa Helen đến thế.
- Mẹ, dĩ nhiên là trước hết con nghĩ đến chồng và con! Nhưng cha mẹ con cũng vẫn là gia đình con! Và cả mẹ nữa!
Yên lặng giây lát. Khi Helen nói tiếp, bà nói với một giọng tin tưởng hơn, như được giải tỏa:
- Mẹ hài lòng khi nghe con nói vậy. Đôi lúc, mẹ có cảm giác... con quên chồng và con gái là ưu tiên của con. Bởi vì mẹ phải nói thật lòng với con, Marie, có việc khác mà mẹ phải thú nhận với con.
- Việc gì ạ?
- Ở Paris, cách đây hai năm...
- Con đã làm gì ạ?
- Mẹ không biết có nên nói không, Marie.
- Tất nhiên là nên, Helen. Mẹ phải nói ra cho đầu óc thanh thản chứ!
Helen đã làm cho cô tò mò thực sự.
- Đó là vào ngày chúng ta đến, sau bữa ăn tối với cha mẹ con. Cha con đã lái xe đưa chúng ta về. Muộn. Mẹ đã không ngủ trên máy bay nên mẹ mệt lả. Mẹ lăn xuống giường và ngủ thiếp đi tức thì. Con đã vào phòng để đưa mẹ ga trải giường.
Marie chăm chú nghe bà nói. Hình ảnh về ngôi nhà từ từ tái hiện.
- Dạ, con nhớ rồi.
- Và lúc đó con đã nói... Marie, hãy tha lỗi cho mẹ, nhưng bây giờ mẹ thấy mẹ có thể nói thẳng thắn với con.
- Tất nhiên rồi! Mẹ không việc gì phải xin lỗi, mà ngược lại! Con đã nói gì ạ?
- Rằng mẹ đã không dọn giường, rằng mẹ đã ngủ ngay trên cái đệm không sạch sẽ. Mẹ đã không nhận ra rằng giường chưa dọn, Marie ạ. Mẹ quá mệt mà. Mẹ chỉ muốn ngủ thôi. Nhưng rồi, sau đó con đã nói thêm điều này...
- Gì cơ ạ?
- Con đã nói: "Giờ con hiểu tại sao con trai mẹ có thể ngủ bất cứ đâu"! Nói như thế về con trai mẹ bởi vì mẹ đã không nhìn thấy giường chưa trải, vào buổi tối chúng ta đến Paris. Mẹ đã cảm thấy bị xúc phạm, Marie ạ. Từ lúc đó, thế là hết. Con đã mất mẹ.
Marie đã quên khuấy câu nói này và chỉ nhớ lại khi Helen nói. Cô không biết điều gì sẽ xảy ra nữa, nhưng điều gì đó tồi tệ hơn. Cô không thể không bật cười.
- Thực là con đã nói thế ạ? Con đã cáo buộc mẹ dạy con trai như một người Digan ư? Helen tội nghiệp! Con xin lỗi!
- Con cười, Marie, còn mẹ thì khóc.
- Mẹ biết tính con chứ! Mẹ biết đôi khi con nói năng thế nào chứ! Con bộp chộp, không tốt! Không nên câu nệ những gì con nói! Từ nay trở đi, con xin mẹ hãy ngăn ngay lập tức khi con nói gì mà mẹ thấy chướng. Mẹ đừng đợi những hai năm! Mẹ hứa chứ ạ?
- Mẹ sẽ cố, Marie.
Sau khi gác máy, Marie vẫn còn buồn rầu suy nghĩ. Vậy là, cuối cùng chính cô đã làm hỏng chuyến đi Paris của Helen. Chỉ một giây cáu bẳn là đủ để làm phật lòng mẹ Alex ở điểm nhạy cảm nhất, vào lúc mà bà dễ bị tổn thương nhất.