Thầy Lang (Znachor) Chương 9

Chương 9
Một buổi sáng vào trung tuần tháng sáu, chiếc ô tô màu tím than to tướng dừng lại trên bãi chợ.

 

Mọi người ở trấn Ra-đô-li-xki đều biết rằng đó là xe của ông bà chủ Lu-đơ-vi-kốp. Xe dừng lại trước cửa hiệu thực phẩm của ông Mo-rơ-đkô Ra-bi-nốp. Qua cửa sổ cửa hiệu bà Ma-kha-li-na Skốp-kô-va trông rõ mồn một rằng bước xuống xe trước tiên là ông chủ Trưn-xki, tiếp đó là bà chủ Trưn-xki và cuối cùng là cậu chủ Lê-sếch, con trai ông bà.

Ma-rư-sia vội vàng nhảy lùi khỏi cửa sổ. Cô chỉ kịp để ý thấy rằng chàng kỹ sư trẻ tuổi còn gầy tọp đi hơn nữa, chàng mặc một bộ quần áo màu xám rất sáng, nên nom chàng càng gọn gàng hơn thường ngày.



Cô gái tin chắc rằng chỉ lát nữa thôi cánh cửa sẽ mở ra và chàng sẽ bước vào. Cô ngạc nhiên nhận thấy tim cô đập mỗi lúc một nhanh hơn. Cô thầm nghĩ chắc mặt cô phải đỏ lắm đấy, và anh chàng sẵn sàng nghĩ rằng đó là vì anh.

Đã bao lần cô xếp đặt kế hoạch đón anh. Nhưng giờ đây khi anh đã đến gần, cô không tài nào nhớ nổi điều gì trong những kế hoạch ấy nữa. Cô chỉ biết một điều là cô đang vui sướng, đang vui sướng một cách xuẩn ngốc vì anh chàng xuất hiện.

Cô ngồi xuống sau quầy hàng và thêu hấp tấp. Cô muốn khi vào chàng sẽ nhìn thấy cô đang làm việc ấy.

- Tốt nhất là không vạch kế hoạch gì cả, - cô quyết định, - ta sẽ cư xử tùy theo cách chàng xử sự. Có thể chàng chỉ bước vào và đòi mua một gói thuốc lá thôi cũng nên... Như một khách hàng bình thường.

Thế thì đó sẽ điều rất tệ về phía chàng, bởi chỉ nghĩ đến đó thôi Ma-rư-sia đã thấy buồn, thêm vào đó, lúc này hơn bao giờ hết, cô hiểu rằng hồi mùa thu vừa rồi cô đã xử sự thiếu lịch sự và không công bằng đối với chàng.

- Nếu chàng chỉ mua một bao thuốc lá thôi, - cô nghĩ bụng, - mình cũng vẫn phải tỏ ra thân ái với chàng. Cốt sao chàng vào nhanh lên.

Nhưng chàng đã không ghé vào. Sau mười lăm phút đợi chờ, cô thận trọng ghé đứng bên cửa sổ chỉ để thấy rằng gia đình Trưn-xki lên xe. Xe quay đầu lại và chạy về phía Lu-đơ-vi-kốp.

- Anh ấy đi rồi, - cô thốt lên thành tiếng và thốt nhiên cô thấy lòng buồn khôn tả.

Mãi đến đêm, khi đã nằm trên giường, cô mới bắt đầu cân nhắc mọi chuyện và đi đến kết luận rằng việc ấy vẫn chưa có nghĩa gì rõ rệt. Thậm chí nếu chàng có định rẽ vào hiệu cô đi nữa thì chàng cũng cố ý không làm, vì cha mẹ chàng đang rất vội, mà chàng không muốn họ để ý đến mối quan hệ quen biết với cô, mối quan hệ mà chắc chắn không vừa ý họ. Và cô yên lòng thiếp đi.

Nhưng hôm sau, gần trưa, cô chợt giật mình vì tiếng động cơ quen thuộc. Ngay từ xa đã nghe rõ. Song Ma-rư-sia ngạc nhiên khi thấy tiếng máy hình như không hề giảm bớt chút nào. Và quả thực chiếc xe mô-tô rú máy lao vụt qua quảng trường, thoáng vèo qua cửa sổ rồi lại phóng vụt tiếp.

- Có thể chàng sẽ quay trở lại cũng nên? - Cô vẫn nuôi ảo tưởng, dẫu hiểu rằng cô đang ảo tưởng.

Thế là rõ như ban ngày rằng chàng đã quên cô, chàng không hề có chút ý định nào gặp lại cô nữa.

- Thì ra thế... - cô tự nhủ. - Thế càng hay...

Nhưng chẳng hay chút nào. Cô không thể thêu được nữa. Tay cô run cả lên. Mấy lần cô đâm kim vào ngón tay đau nhói. Cô không tài nào nghĩ đến chuyện gì khác. Một khi chàng phóng xe theo đường cái quan, thế thì hẳn là chàng đến thăm ông bà Zê-nô-vich. Ông bà Zê-nô-vich là những người rất giàu có, đang có hai cô con gái đến tuổi gả chồng. Đã từ lâu, người ta gán ghép chàng trẻ tuổi Trưn-xki với một trong hai cô tiểu thư ấy. Nhưng nếu vậy thì có mấy phần sự thật trong tìn đồn về cô nam tước tiểu thư xứ Viên-kô-pôn-xki?...

- Nói cho cùng, - cô cay đắng nghĩ thầm,- thì lạy Chúa! chuyện ấy có liên quan gì đến ta đâu nhỉ? Cứ để anh ta cưới người nào mà anh ta thích. Ta chúc anh ta tìm thấy một người vợ xứng đôi nhất, xinh đẹp nhất. Nhưng thật là xấu xa về phía anh ta vì đã không ghé qua đây để nói đôi lời. Ta có cắn anh ta đâu kia chứ. Ta cũng không hề muốn điều gì ở anh ta cả kia mà.

Gần đến bảy giờ chiều chàng Trưn-xki quay về. cửa hiệu (hoàn hoàn ngẫu nhiên thôi) đang mở rộng và Ma-rư-sia (cũng hoàn toàn ngẫu nhiên) đang đứng ở ngưỡng cửa.

Chàng lướt qua ngay bên cạnh. Thậm chí chàng không hề quay đầu sang lấy một chút. Thậm chí chàng không thèm nhìn cô.

- Có lẽ thế lại tốt hơn, - Ma-rư-sia tự an ủi. - Bà Skốp-kô-va có lý, mình chẳng nên bận óc tới anh ta làm gì mới phải.

Chiều hôm ấy, anh trưởng chi nhánh bưu điện địa phương, anh Xô-bếch, gặp một điều dễ chịu bất ngờ. Anh gặp cô Ma-rư-sia đang đi về phía nhà, và khi anh đề nghị cô đi dạo cùng anh đến Ba Cây Lê thì cô đồng ý ngay, không cần suy nghĩ gì cả. Giá đó là một chuyện xảy ra với một thiếu nữ nào khác ở trấn Ra-đô-li-xki thì cũng chẳng có gì phi thường. Anh chàng Xô-bếch có thể yên tâm tự liệt mình vào số những người đàn ông có nhiều cơ hội để thành công với phái đẹp. Anh còn trẻ, đẹp trai, có chức trách nhà nước và có nhiều triển vọng về đường công danh, vì ai cũng biết rằng ông chú anh là một nhân vật quan trọng trong ban giám đốc sở bưu điện của vùng. Hơn nữa, anh chơi đàn măng-đô-lin tuyệt hay, một chiếc đàn măng-đô-lin có khảm vỏ trai xà cừ mà anh không bao giờ rời, trừ khi đi làm việc.

Chiếc đàn măng-đô-lin kia cùng những ưu điểm đã nêu của anh chàng Xô-bếch tác động một cách đầy cuốn hút đến các cô thiếu nữ trẻ. Đến tất cả các thiếu nữ trẻ, gần như tất cả, chỉ trừ một ngoại lệ mà lại là cái ngoại lệ đáng buồn với chàng Xô-bếch. Mặc dù đối với anh Ma-rư-sia bao giờ cũng nhã nhặn, nhưng chưa bao giờ cô thể hiện ý muốn thắt chặt hơn nữa mỗi quan hệ quen biết, bao giờ cô cũng chối từ việc đi trượt băng, đi dạo chơi hay đi dự các tối vui cùng anh.

Giá như anh chàng Xô-bếch thuộc vào loại thanh niên dễ tự ái, hẳn đã từ lâu anh thôi tìm cách làm thân với Ma-rư-sia. Nhưng bản chất anh là một chàng trai trung hậu, ít đùa, không mắc tội thiếu nhẫn nại mà thể hiện bởi sự lâu bền của những niềm say mê, vì vậy, thỉnh thoảng anh lại nhắc lại những lời đề nghị của mình.

Và ngày hôm ấy anh tin rằng mình đã chọn một chiến thuật khôn ngoan.

Họ đi cạnh nhau trên con đường quen thuộc của tất cả các cư dân già và trẻ trấn Ra-đô-li-xki dẫn tới Ba Cây Lê. Con đường mà ngày trước những người già và bây giờ đám thanh niên từng đi từng đôi một, con đường được bà chủ hiệu dược phẩm gọi một cách ác khẩu là Đường Dạo Chơi Của Bò, vì bò cũng được lùa theo con đường này để đến nơi chăn.

Từ cửa sổ nhà cha xứ nơi mà vị giáo sĩ chăm lo cho đạo đức của địa phận mình có thể trông rõ con đường trên như trên lòng bàn tay, ông cũng có thể dự tính với một độ chính xác khá cao nào đó xem trong năm tới ông sẽ phải ban phước cho bao nhiêu đám cưới, và cho những ai. Chỉ cần biết rằng anh chàng này hay anh chàng kia thường đi dạo trên con đường ấy với cùng một cô gái khá nhiều lần là đủ. Trong ngôn ngữ bình dân người ta thường gọi chuyện đó là "nó đi với con bé ấy", mà mọi người ai cũng hiểu điều đó có nghĩa là chuyện đính hôn, hay trong trường hợp xấu nhất cũng là thể hiện rõ ràng của tình yêu. Còn tại sao người ta lại gắn tình cảm ấy với sự đi chứ không phải với sự đứng ngồi, hay một tư thế nào khác của cơ thể con người ta - điều đó không một ai ở Ra-đô-li-xki nghĩ tới, và chắc chắn anh chàng Xô-bếch cũng không hề nghĩ tới trong lần đầu tiên được cùng Ma-rư-sia đi dạo đến Ba Cây Lê.

Anh chỉ nghĩ và duy nhất chỉ nghĩ đến cô Ma-rư-sia, anh nghĩ rằng tuy cô nghèo, nhưng có học thức và từng trải hơn các cô gái khác, rằng rõ ràng cô cũng xinh đẹp hơn, và một người vợ như cô sẽ không làm cho một nhân viên nhà nước phải hổ thẹn, cho dù đó là nhân viên cấp cao đến chóng mặt đi chăng nữa. Những ý nghĩ của anh được bày tỏ bằng tiếng rung ngân khe khẽ của chiếc nhạc cụ (anh thường thích gọi chiếc đàn măng-đô-lin của mình như vậy) giai điệu của bản tăng-gô đang hợp mốt: "Có ngày nào em yêu anh chăng. Lô-li-ta, người phụ nữ duy nhất trong số tất cả phụ nữ trên đời".

Tiếc thay, mặc dù hiểu cái ẩn ý tinh tế kia của bản tăng-gô, mặc dù đoán được chủ ý của người nghệ sỹ độc tấu, mặc dù cảm thấy một chút hàm ơn vì sự ưu ái đó, nhưng cô Ma-rư-sia vẫn không thể chia sẻ tâm trạng của người bạn đường. Cô cố tình đi dạo với anh chàng Xô-bếch chỉ để khuây khỏa, chỉ để tự thuyết phục chính bản thân cô rằng Xô-bếch là một chàng trai trung hậu, rằng cô không nên né tránh anh, rằng anh là một người chồng lý tưởng. Anh không uống rượu, không gây sự, không bị ngã mô-tô, nhưng cái chính nhất: anh nổi bật lên bởi tính kiên định khác thường. Không như những ai kia!... Thì có làm sao nếu anh không được thông thái lắm, có làm sao nếu anh có những cử chỉ bình dân. Những cái đó chưa mang cho ai điều gì phải xấu hổ kia mà.

Nhưng chẳng có ích chi những lý lẽ dường như không gì bác bỏ nổi kia, chẳng có ích chi một ý định tốt lành nhất, chẳng có ích chi cuộc dạo chơi tay đôi mãi đến khi trăng lên mới chấm dứt, chẳng có ích chi bầu không khí trữ tình thơ mộng được âm nhạc và những lời tâm tình làm đẹp thêm lên: Ma-rư-sia quay trở về nhà chán nản, u sầu và quyết định sẽ không bao giờ cùng ai - dù với anh Xô-bếch hay với ai khác - đi dạo đến Ba Cây Lê nữa.

Trong đêm cô mơ thấy một giấc mơ khủng khiếp. Cô mơ thấy mình và chàng Trưn-xki. Cả hai phóng trên một chiếc xe mô-tô với một tốc độ điên cuồng, chạy trốn đám cháy đang đuổi theo. Đột nhiên một miệng vực há toác ra trước mặt. Họ rơi như hai hòn đá xuống đáy vực... Máu đầm đìa, chàng thốt lên:

- Tôi chết là vì cô.

Cô cảm thấy mình cũng đang chết, cô bắt đầu kêu cứu. Khi cô mở được mắt và tỉnh ngủ hẳn, cô thấy bà Skốp-kô-va đang cúi xuống nhìn mình.

- Ác mộng! Trông ơn Chúa! - bà nói. - Con mơ gì mà thét lên ghê thế? Thoạt tiên, Ma-rư-sia định thuật lại giấc mơ của mình, nhưng chợt nhớ rằng bà Skốp-kô-va biết giải thích các giấc mộng nên nàng thà im lặng còn hơn. Có thể giấc mơ biểu hiện một điều gì đó không có lợi cho cậu Trưn-xki, người mà bà Skốp-kô-va vốn đã không ưa. Bà sẵn sàng nhân cơ hội này để nói chàng thêm một điều gì khó chịu nữa chăng.

- Cháu hét lên à?...Chính cháu cũng không biết tại sao, - Ma-rư-sia nói. - Có thể là cháu mơ phải một điều gì đó. Các giấc mơ thì dễ quên lắm ạ.

Nhưng Ma-rư-sia không hề quên. Sáng hôm sau, khi nhìn thấy mấy con ngựa từ Lu-đơ-vi-kốp, nhìn thấy cậu chủ Lếch (29) trên chiếc xe ngựa nhẹ, cô chợt giật mình. Cô tin chắc rằng lần này cậu sẽ rẽ vào.

Song cả lần này nữa cô cũng vẫn nhầm. Chàng chỉ phái người coi ngựa đi mua thuốc lá. Người coi ngựa.

Rõ ràng chàng quyết chí tránh mặt cô. Những sự kiện diễn ra tiếp theo hoàn toàn khẳng định điều đó. Không ngày nào chàng không đến hoặc không đi ngang qua thị trấn. Khi thì đi xe, khi thì cưỡi ngựa, nhưng thường xuyên chàng phóng mô-tô. Hồi năm ngoái chàng lui tới không thường xuyên như vậy. Còn bây giờ hẳn là chàng làm điều đó để chọc tức Ma-rư-sia hoặc vì những lý do nào khác mà cô không đoán biết nổi.

Những lần chàng không đeo kính đi mô-tô, cô có thể nhận thấy mặt chàng tọp đi, xanh xao hơn và có vẻ gì đó vừa u buồn, vừa cay cú.

- Có thể chàng đã gặp phải chuyện gì không lành? - Cô lo lắng nhưng ngay tức khắc lại tự trách mình vì nỗi lo lắng chẳng đâu vào đâu ấy. - song mình có quyền gì để ý đến chuyện đó nhỉ?!...

Cuối cùng cô đâm ra thờ ơ lãnh đạm. Cô không còn đứng dậy dán mình vào cửa sổ hoặc khi nghe tiếng xe ngựa lóc cóc hay tiếng xe máy xình xình nữa, cô cố gắng để hoàn toàn không nghe thấy những thứ tiếng ấy.

Và khi cô đã hoàn toàn mất sạch niềm hy vọng - thì xảy ra chuyện.

Đó là ngày hai mươi tư tháng sáu. Ngay từ sáng, trong cửa hiệu đã tấp nập, như trong ngày lễ tên của cha xứ: người ta đến để mua thiếp chúc mừng. Trẻ em học ở trường, ở nhà trẻ, ở nhà nuôi trẻ mồ côi, các mẹ dòng ba và những người khác đều đến mua. Mãi đến gần mười giờ mới vãn bớt, và cô mới có chút thì giờ xuống hầm lấy thuốc lá lên, để chí ít cũng phải bày vài bao lên giá quảng cáo. Cô đựng chúng trong tạp dề và đi theo chiếc thang nhỏ dựng đứng lên nhà. Cô quay người lại và đột nhiên máu dồn về tim cô: chàng đang đứng ngay trước mặt, chỉ cách cô hai bước chân.

Cô không biết mình có bật kêu lên không, cô không biết những bao thuốc lá rơi tung tóe từ chiếc tạp dề xuống đất. Cô chỉ biết đất trời quay cuồng trong một nhịp điệu điên loạn đến chóng mặt và hẳn cô đã ngã xuống nếu không có chàng đỡ lấy người cô và ghì sát vào mình.

Về sau, biết bao lần cô đã cố gắng dựng lại trong trí nhớ từng giây, từng chớp mắt một cái sự kiện tuyệt vời ấy - mà không tài nào làm nổi. Cô chỉ nhớ được ánh nhìn nhọn sắc, như giận dỗi trong đôi mắt đen của chàng, sau đó là một cái ôm ghì gần như đau đớn, không lời, mà vào lúc ấy cô không hiểu, nhưng nội dung của nó hình như được rót trực tiếp ngay vào máu cô.

Rồi sau đó, có người vào cửa hiệu, cả hai nhảy vội ra xa nhau, nửa tỉnh nửa mơ.

Chắc chắn ông khách hàng nọ phải nghĩ là cô bị thần kinh hoặc đãng trí. Cô không tài nào hiểu nổi ông muốn mua gì, không thể tính được tiền. Khi rốt cuộc ông mang các gói hàng bước ra, cô tự nhiên phá lên cười.

- Tôi thật ngốc quá mất thôi! Không biết tôi đã đưa cho ông ta những gì thay vì giấy văn phòng không biết! Lạy Chúa! Ông trông này!

Cô trỏ tay vào đủ các thứ hàng hóa linh tinh đang bày bừa bộn trên quầy và cười như nắc nẻ, không sao kìm nổi tiếng cười vui sướng nhường kia. Một cái gì trong cổ cô rung ngân, một cái gì đó chào vẫy rối rít. Một cái gì đó chợt nảy sinh, mới mẻ, tươi sáng, tuyệt vời, bay bổng, giống như một con chim khổng lồ màu trắng.

Trưn-xki đứng lặng và ngắm cô đầy ngưỡng mộ. Ngày trước chàng viết gửi cô bức điện tín rằng chàng coi cô là người thiếu nữ xinh đẹp nhất trên đời... Nhưng giờ đây cô đẹp đến mức chưa bao giờ chàng thấy cô đẹp thế.

- Nhưng ông giỏi thật đấy! Rất giỏi, - cô nói, - ông đi qua đây bao nhiêu lần mà không ghé vào chỗ tôi lấy một chốc! Tôi cứ nghĩ rằng ông phật ý.

- Phật ý thôi à? Cô nói đùa đấy chứ! Tôi căm thù cô!

- Vì chuyện gì cơ?

- Vì tôi không thể quên cô, cô Ma-rư-sia. Vì tôi không tài nào có thể vui chơi hay làm việc được.

- Vì thế mà mỗi khi đi qua gần cửa hiệu ông lại ngoảnh mặt đi phải không?

- Phải! Chính vì thế. Tôi hiểu rằng cô không thích tôi, rằng cô khinh thường tôi!... Cho đến nay chưa có một cô gái nào dám coi thường tôi. Vì vậy tôi đã thề rằng sẽ không bao giờ nhìn mặt cô nữa.

- Thế thì khi ấy ông đã phạm phải hai điều xấu đấy nhé: đầu tiên thì thề, rồi sau đó lại vi phạm.

Trưn-xki lắc đầu.

- Cô Ma-rư-sia, cô sẽ không lên án tôi, nếu cô biết thế nào là nỗi nhớ nhung.

- Sao thế? - Cô phản đối. - Sao tôi lại không biết thế nào là nhớ? Có thể tôi còn biết rõ hơn ông ấy chứ.

- Không thể. Cô không thể có một chút khái niệm nào về nỗi nhớ nhung hết. Cô có biết không, đôi khi tôi nghĩ là mình lẩn thẩn!... Phải! Lẩn thẩn!... Cô không tin ư? vậy xin cô hãy nhìn này.

Chàng rút trong túi ra một quyển sổ nho nhỏ, mỏng dính, màu hồng.

- Cô có biết đây là cái gì không?

- Không.

- Đây là vé tàu thuỷ đi Bra-xi-lia. Trước khi tàu rời bến mười lăm phút tôi mang hòm xiểng rời khỏi boong tàu, và thay vì Bra-xi-lia, tôi trở lại Lu-đơ-vi-kốp. Tôi không thể, hoàn toàn không thể! Rồi sau đó là nổi khổ hình lớn nhất kia! Tôi cố giữ lời thề, song không thể từ bỏ nổi những chuyến đi đến Ra-đô-li-xki. Tôi không có quyền tìm cách gặp mặt cô, nhưng có thể ngẫu nhiên được gặp lắm chứ. Đúng không?... Khi ấy tôi sẽ không vi phạm lời thề.

Ma-rư-sia đột nhiên nghiêm mặt.

- Hình như ông đã sai lầm khi không giữ lời thề.

- Sao lại thế? - Chàng phản đối.

- Vì... ông đã có lý khi không muốn gặp tôi.

- Tôi là thằng ngốc! - chàng kêu lên đầy tin tưởng.

- Không, ông là người chín chắn. Cả hai chúng ta... Bởi lẽ chuyện đó chẳng hề có ý nghĩa gì hết.

- À, ra thế? Có thật cô không tài nào chịu nổi tôi, đến mức cô không còn muốn thấy mặt tôi nữa?


Cô nhìn thẳng vào mắt chàng.

- Không đâu, thưa ông! Tôi sẽ rất thành thật. Cả tôi nữa, tôi cũng rất nhớ ông, nhớ lắm...

- Ma-rư-si-en-kô (30)! - Chàng vươn hai tay ra cho cô.

Cô lắc đầu.

- Khoan đã, tôi sẽ nói hết. Xin ông đừng vội. Tôi rất nhớ. Tôi rất khổ... Khổ lắm. Thậm chí... tôi đã khóc...

- Em duy nhất của anh! Phép mầu của anh!

- Nhưng, - cô nói tiếp, - tôi đi đến kết luận rằng tôi sẽ dễ quên ông hơn nếu chúng ta không gặp nhau nữa. Tình quen biết của chúng ta có thể có mục đích gì kia chứ?... Ông đủ thông minh để thấy rõ điều đó hơn tôi.

- Không, - chàng ngắt lời, - tôi đủ thông minh để thấy rằng cô không có lý, cô Ma-rư-khơ-no (31) ạ. Tôi yêu cô. Dĩ nhiên cô không thể hiểu nổi thế nào là tình yêu. Nhưng cô cũng mến tôi. Thật là điên nếu bắt mình phải chia tay nhau. Cô vừa nói đến mục đích! Nhưng phải chăng chỉ riêng việc được gặp nhau, được trò chuyện với nhau, được kết thân với nhau đã không đủ là một mục đích tuyệt vời, chính đáng và quan trọng? Cô có hại gì đâu nếu gặp tôi... Xin cô hãy nghe tôi!...

Cô trang nghiêm lắng nghe và không thể phản đối lý lẽ của chàng, cô không thể phản đối, nhất là cô đang muốn chàng thuyết phục ngay cả bản thân mình. Còn chàng thì giàu khả năng thuyết phục.

Vả chăng cô cũng không thể cấm chàng lui tới cửa hiệu khi bất cứ một người khách hàng nào cũng có quyền vào. Mà đối với khách hàng thì phải lịch sự chuyện trò.

Thế là từ hôm ấy, chàng Lê-sếch Trưn-xki ngày nào cũng đến đấy và con ngựa hoặc chiếc mô-tô của anh đặt trước cửa hiệu bà Skốp-kô-va đã trở thành một chuyện giật gân trong toàn thị trấn, gây nên những lời bình luận đủ màu sắc, và nỗi ghen tức, mà theo lẽ đương nhiên của sự vật thì được nấp dưới danh nghĩa dư luận phản đối của xã hội.

Thực ra không ai biết có gì xấu trong chuyện đó hay chăng. Việc chàng kỹ sư ngồi lâu lâu một chút trong cửa hiệu mà cánh cửa luôn rộng mở đối với bất kỳ ai không thể gây ra điều gì đáng nghi ngờ hoặc ám muội đối với cô Ma-rư-sia. Song tính ghen tức của con người ta đâu kể gì đến những chuyện hiển nhiên. Gần như mỗi một cô gái ở Ra-đô-li-xki đều có thể tự hào khi kể về chyện có anh chàng nào đó ái mộ mình hay cặp kè kề cận luôn luôn, tuy không có chàng nào có thể sánh bằng cậu chủ Trưn-xki. Nhưng thật khó lòng hiểu nổi tại sao chàng trai xinh đẹp tóc đen này lại chọn đúng một cô gái lang bạt từ xa đến như cô Ma-rư-sia làm công ở nhà bà Skốp-kô-va kia. Nếu anh chàng muốn tìm người bạn đời cho mình trong đám thiếu nữ thị trấn thì có thể tìm được khối đám vừa xinh, vừa giàu, vừa xứng đôi vừa lứa hơn về mọi phương diện. Tất nhiên, cha mẹ những cô gái môn đăng hộ đối hơn ấy cũng đồng tình chia sẻ những nỗi bất bình của con gái họ, và các chàng trai thường đi cùng họ đến Ba Cây Lê cũng thế. Mà đó đã là toàn bộ dư luận của Ra-đô-li-xki rồi còn gì.

Nếu như với sự nhạy cảm bẩm sinh của mình, Ma-rư-sia không nhận ngay ra sự thay đổi chiều hướng của dư luận thị trấn, thì chỉ vì cô quá bị cuốn hút vào những chuyện riêng tư mà thôi. Mà những chuyện ấy thì mới mẻ và hấp dẫn đến nỗi toàn bộ đời sống bên ngoài thốt nhiên tan biến ra trong một làn sương mờ huyền ảo nào đó, trở thành một chuyện không thật, thoảng qua và không mấy quan trọng.

Ma-rư-sia biết mình đã yêu. Càng ngày ý thức ấy càng trở nên rõ rệt và nhiều màu sắc hơn. Cô cố chống lại nó nhưng chỉ vô ích. Hay thực ra không phải vô ích, mà chính vì nhờ cuộc đấu tranh ấy, nhờ sự cam chịu nhượng bộ cho bạo lực của tình cảm ấy, mà mỗi ngày qua càng làm mạnh mẽ thêm lên vị ngọt ngào kỳ lạ đến choáng ngợp, cái bàng hoàng sung sướng đang cuốn lấy cô như một cơn gió lốc làm cô nghẹn thở, nó che chắn, bao bọc cô tất cả mọi phương bằng những sự đụng chạm trong suốt vô hình, khiến cô đê mê, ngây ngất, lâng lâng...

- Ta yêu, ta yêu, ta yêu, - mỗi ngày cô nhắc lại hàng nghìn lần, trong những lời ấy có nỗi ngạc nhiên, cả niềm vui sướng, nỗi lo ngại, cả niềm hạnh phúc và sự ngưỡng mộ đối với điều phát hiện lớn lao ngay trong tâm hồn, điều mà trước nay cô không hề biết: rằng chính trong cô có hạt ngọc quý báu nhường kia.

Càng đáng kinh ngạc hơn bởi thực ra chẳng hề có gì mới mẻ cả. Nếu như có một người làm chứng nào muốn và có thể nghe được những câu chuyện của đôi thanh niên nam nữ trong cửa hiệu của bà Skốp-kô-va, hẳn người ấy sẽ phải thất vọng. Chàng Trưn-xki đến, hôn tay Ma-rư-sia, rồi chàng kể cho cô nghe những chuyến du lịch cùng những chuyện phiêu lưu của mình, hoặc cả hai cùng đọc sách, những quyển sách mà bây giờ chàng thường đưa đến. Phần lớn đó là những tập thơ. Đôi khi Ma-rư-sia kể về thời thơ ấu của cô, về người mẹ và những kế hoạch tiếc thay đã bị sụp đổ của bà. Có lẽ chỉ có một điều thay đổi: cô gọi chàng là ông Lê-sếch, còn chàng gọi cô là Ma-rư-sia. Tất nhiên là khi không có ai khác.

Mọi sự có thể thay đổi nhiều hơn nếu Ma-rư-sia ưng thuận. Nhiều lần chàng Lê-sếch muốn ôm hôn cô, nhưng bao giờ cô cũng phản đối với một sự cương quyết và một nỗi sợ sệt, đến nỗi chàng chẳng còn cách nào khác ngoài cách kiên nhẫn đợi chờ.

Rồi chàng ra về, còn cô, suốt phần ngày còn lại, cô chỉ nghĩ về những giờ phút đã qua và về những giờ ngày mai sẽ đến.

Đóng cửa hiệu trở về nhà, lòng cô tràn ngập hạnh phúc, tràn đầy nhân hậu đối với những ngôi nhà nhỏ bé kia, đối với những hàng cây xanh, với bầu trời thăm thẳm, với toàn thế giới, với tất thảy mọi người, những người mà cô nở một nụ cười chân thành thay cho lời chào hỏi.

Cũng chính vì thế, cô không nhận thấy những ánh mắt thiếu cảm tình của họ, vẻ mặt khinh mạn của họ, sự hằn học và chê bai của họ. Không phải ai cũng chỉ tự hạn chế trong khuôn khổ bày tỏ thầm lặng không lời sự chê trách và thù ghét của mình. Và thế là một ngày kia xảy ra một việc sẽ kéo theo hậu quả rất đau lòng.

Ở trấn Ra-đô-li-xki, đã từ nhiều năm nay, có gia đình ông Vôi-đư-uô làm yên cương nổi tiếng trong toàn huyện. Họ nhà Vôi-đư-uô tuy xuất thân từ vùng quê thật đấy, nhưng vốn là dòng dõi quý tộc nhỏ có danh giá, đó là điều đầu tiên để họ được tôn trọng và có địa vị trong thị trấn, hai nữa, từ đời ông đời cha, họ đã nổi tiếng là người thợ làm yên cương giỏi nhất. Yên cương hay đồ thắng ngựa của nhà Vôi-đư-uô trấn Ra-đô-li-xki được chuộng mua, mặc dù đôi khi giá đắt hơn cả yên cương thành Vin-nô. Hồi ấy, người chủ chốt trong gia đình giàu có và được tôn trọng ấy là ông Vôi-đư-uô, hay được người ta gọi bằng cái tên Mô-xte-rơ-giây (32), xuất phát từ câu cửa miệng của ông, còn hai người phó trong xưởng thợ của ông là hai đứa con trai Ju-zép và Kha-lic-xtơ. Đứa con trai thứ ba của ông Mô-xte-rơ-giây, Zê-nôn, thì bị cả gia đình lẫn toàn thị trấn xem là một đứa con hư hỏng.

Cha y muốn đào tạo y thành thầy dòng. Khó khăn vất vả lắm ông mới đẩy được thằng bé lười học ấy qua hết sáu lớp trung học và ấn vào chủng viện. Song tất cả những lo lắng và tiền của kia chẳng được tích sự gì. Trái tim của ông lão Mô-xte-rơ-giây đã quá vội mừng khi trước sự ngạc nhiên của toàn thị trấn, cậu con trai trở về trong chiếc áo chùng của đạo sinh chủng viện. Không đầy một năm sau, người ta đuổi cổ Zê-nôn ra khỏi trường dòng. Mặc dù chính Zê-nôn kể rằng y tự bỏ trường, song người ta vẫn đồn chính thú mê rượu vốt-ca và đàn bà mới là nguyên nhân để y bị tống cổ ra khỏi hàng ngũ các bậc chăn chiên tương lai. Và hành động về sau của cậu cựu chủng sinh kia đã chứng minh rằng những lời đồn đại ấy là đúng. Y thường ngồi trong tửu quán hơn là ở nhà thờ, còn về việc y là khách thường xuyên của đám đàn bà ở phố Kramna thì tốt nhất là chẳng nên nhắc đến làm gì nữa.

Vì biết tiếng La-tinh, y cũng có thể xin làm ở hiệu thuốc. Ít nhất thì cha y cũng nghĩ như thế. Nhưng cả lần này nữa, ông cũng thất vọng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Zê-nôn bỏ việc làm ở hiệu dược phẩm. Người ta bàn tán rất nhiều về chuyện ấy, nhưng không có tin đồn nào có thể xác minh được, vì ông Niêmira, chủ hiệu dược phẩm của trấn Ra-đô-li-xki, không thuộc vào số người hay nói, hơn nữa ông lại là bạn thân của ông lão Mô-xte-rơ-giây.

Chính anh chàng Zê-nôn ấy, một hôm đi cùng vài thanh niên nữa đi ngang qua cửa hiệu của bà Skốp-kô-va vào đúng lúc Ma-rư-sia đang khóa cửa. Y dừng chân, cất giọng thân mật nhất để gợi chuyện:

- Chào cô Ma-rư-sia, có gì vui không cô?

- Chào anh, - cô mỉm cười đáp. - Cám ơn.

- Nhưng mà cô Ma-rư-sia cũng không bao giờ được thoải mái nhỉ?

- Sao lại không thoải mái? - Cô ngạc nhiên.

- Bà Skốp-kô-va có vẻ là người tốt, thế mà không chịu nghĩ đến một chuyện như thế, - y nói vẻ thông cảm.

- Về chuyện gì cơ?

- À về cái đi-văng ấy mà.

- Cái đi-văng nào? - Cô mở tròn mắt.

- Thì hẳn là về chuyện cái đi-văng rồi. Quầy hàng trong hiệu thì vừa hẹp vừa cứng. Hai người, nhất là lại với ông Trưn-xki nữa, làm sao có thể nằm thoải mái trên đó được.

Đám thanh niên cười ầm cả lên. Ma-rư-sia vẫn chưa hiểu gì cả, nhưng cô cảm thấy có chuyện gì đểu cáng ở đây, cô nhún vai:

- Tôi không biết ông muốn nói đến chuyện gì...

- Nàng Zu-zan-na phẩm hạnh không hiểu tôi nói đến chuyện gì, - Zê-nôn ngoảnh mặt nhìn đám bạn y, - nhưng cô ấy lại biết làm cái ấy ra sao.

Một tràng cười mới lại rộ lên thay cho lời đáp.

Run hết cả người, Ma-rư-sia rút mạnh chìa khóa ra khỏi ổ, chạy xuống thềm và gần như chạy gằn về nhà. Đầu gối cô như nhũn ra, trong đầu cô u u, tim đập cuống cuồng trong lồng ngực.

Chưa từng có kẻ nào xúc phạm đến cô một cách tàn nhẫn và tục tĩu đến thế. Cô không hề làm điều gì, dù là nhỏ nhất, có hại một ai, chưa hề nói với ai một lời xúc phạm. Thậm chí cô chưa hề nghĩ xấu cho một ai. Thế mà đột nhiên...

Cô cảm thấy như vừa bị người ta hắt một chậu nước bẩn thỉu vào người. Cô chạy, mà những tiếng gào hét, những tiếng cười và tiếng huýt sáo vẫn bay tới tai cô.

- Chúa tôi, Chúa tôi... - Đôi môi cô run rẩy thốt ra. - Kinh khủng quá, nhục nhã quá...

Cô cố định thần lại, cố kìm những tiếng nức nở đang bật ra trong lồng ngực, nhưng không thể. Cô chạy tới hàng rào nhà linh mục thì phải tựa vào ván rào và bật lên thổn thức.

Đường phố phía sau các khu vườn là nơi ít người lui tới nhất. Song thật tình cờ, đúng vào lúc ấy anh trưởng chi chánh bưu cục Ra-đô-li-xki, chàng Xô-bếch, lại đến gặp người trồng vườn của cha để mua dâu tây. Thấy cô Ma-rư-sia đang thổn thức, đầu tiên anh ngạc nhiên, rồi anh xúc động và quyết định sẽ an ủi cô.

Anh đoán ngay ra nguyên nhân của những giọt lệ kia. Thì anh vẫn biết là cậu chủ Trưn-xki ngày nào chả ngồi chơi lâu trong hiệu mà.

Chắc cậu chủ đã gợi tình cô gái, đã khiến cô phải lòng, bây giờ bỏ rơi cô, - anh chàng Xô-bếch thoáng nghĩ.

Anh bèn khẽ chạm vào khuỷu tay Ma-rư-sia lên tiếng:

- Không đáng gì phải khóc, cô Ma-rư-sia ạ. Từ tấm lòng thành, từ lý trí mình, tôi bảo cô thế đấy. Không đáng gì. Thời gian rồi sẽ qua đi, nỗi đau dần nguôi ngoai thôi. Khóc mà làm gì cho đỏ mắt. Cô còn ngàn lần giá trị hơn hắn ta. Cứ để cho hắn ta phải tiếc. Hắn đã xúc phạm đến cô. Rồi Chúa sẽ trừng phạt hắn. Giống như với cái cào ấy. Hắn giẫm lên răng cào. Hắn tưởng là đã chà đạp được cào, ấy thế mà chưa kịp định thần thì cào đã bật lại, giáng cào vào trán hắn... Luật là thế đấy. Nào, đừng khóc nữa cô Ma-rư-sia...

Anh động lòng bởi những tiếng nức nở của cô và sự bất lực của những lời an ủi của chính anh. Anh cũng suýt òa lên khóc. Anh nhẹ nhàng vuốt ve khuỷu tay cô đang giật giật trong cơn thổn thức.

- Nín đi, cô Ma-rư-sia, nín đi nào, - anh nói, - không đáng gì không cần phải khóc. Hắn xúc phạm cô... hắn đã xúc phạm. Hắn là người xấu. Không chút lương tâm...

- Nhưng mà vì sao, vì cái gì kia chứ... Ma-rư-sia vẫn khóc. - Tôi không ưa hắn thật,... không bao giờ. Nhưng tôi có làm gì xấu cho hắn đâu.

Xô-bếch đâm suy nghĩ.

- Cô nói về ai thế?

- Về hắn, về tay Vôi-đư-uô ấy...

- Về ông già ấy à? - Anh ngạc nhiên.

- Không, về cái tay... cựu học sinh trường dòng.

- Zê-nôn?... Thế thằng vô lại ấy đã làm gì cô?

- Hắn ném cho tôi những lời nhục mạ kinh khủng... Trước mặt mọi người! Nhục nhã!... Nhục nhã quá... Bây giờ tôi còn dám nhìn mặt ai nữa kia chứ!

Cô vặn vẹo hai bàn tay.

Xô-bếch cảm thấy máu dồn cả lên mặt anh. Lúc nghĩ rằng cậu chủ Trưn-xki xúc phạm tới Ma-rư-sia, bất giác anh coi đó như là một điều phải chấp nhận, bởi vì nó là tác động của những thế lực cao hơn mà anh không có cách gì chống nổi. Nhưng một khi anh được biết rằng chuyện dính dáng đến thằng con ông Mô-xte-rơ-giây, thì tự nhiên anh nổi cơn tức giận.

- Thế nó dám nói những gì với cô? - Anh cố giữ bình tĩnh.

Giá như không xúc động và không tự thương thân đến thế, chắc hẳn Ma-rư-sia không tài nào thú thực. Giá cô có thì giờ để suy nghĩ, chắc cô sẽ nhận thấy rằng có nói với anh chàng Xô-bếch kia cũng chẳng có nghĩa gì, bởi anh là một người xa lạ. Nhưng lúc này cô quá khao khát một sự đồng cảm. Vì vậy, bằng giọng đứt đoạn, cô kể lại cho anh cuộc va chạm kia với mức độ mà cô có thể.

Nghe xong, Xô-bếch bình tâm lại và thậm chí mỉm cười.

- Thế mà cô cũng để ý đến cái thằng ngu ấy làm gì cho thêm bận người, - anh bảo. - Hắn nói cũng chỉ như chó sủa mà thôi. Chẳng việc gì phải để tâm cô ạ.


- Ông nói dễ thế chứ...

- Dễ hay không là chuyện khác, nhưng chẳng cần để ý đến thằng Zê-nôn làm gì, Zê-nôn là thứ gì đối với cô?... Nhổ toẹt nước bọt là xong...

- Dù thế đi nữa, - cô gạt nước mắt, - thì người ta cũng đã nghe thấy, người ta sẽ truyền tụng khắp thị trấn. Tôi còn dám nhìn ai nữa kia chứ.

- Ôi, cô Ma-rư-sia, sao cô lại không dám nhìn kia chứ? Lương tâm cô trong sạch, đó là cốt yếu.

- Không phải ai cũng tin là trong sạch.

- Ai trung thực thì người ấy sẽ tin, còn kẻ độc ác thì để ý mà làm gì. Ồ, có đấy, qua đi, thế là xong. Cô thấy không này, - anh chìa chiếc giỏ ra, - tôi đến vườn mua dâu tây. Cô đi với tôi nhé? Dâu tây ngon lắm, to thế này này. Lại ngọt nữa.

Cô gái mỉm cười.

- Cảm ơn, tôi còn phải về nhà... Chào ông.

- Chào cô, cô Ma-rư-sia. Cô đừng để tâm làm gì.

Cô dừng bước và nói:

- Ông tốt với tôi quá... Tôi sẽ không bao giờ quên.

Xô-bếch nhăn mặt xua tay.

- Tốt gì đâu. Không có gì đáng nói. Chào cô.

Anh khẽ ngân nga một khúc tăng gô nào đó, đi đến vườn. Anh chọn dâu tây, mặc cả, trả tiền, rồi trở về nhà. Anh đổ chúng vào hai chiếc đĩa sâu lòng, nghiền đường trong cối, rồi rắc đường thật nhiều vào đĩa quả, cho đường dôi hơn. Anh thích làm việc gì cũng theo trình tự.

Trong khi anh đặt nước sôi pha trà, lấy bánh mì và bơ từ trong tủ ra. Đó là bữa tối của anh, hôm nay, thứ bẩy, bữa tối sẽ được kết thúc bằng món tráng miệng tuyệt vời là một đĩa dâu tây chín mọng, thơm phức. Đĩa kia anh để dành đến bữa trưa mai.

Rồi anh rửa bát đĩa, lau sạch, xếp vào chạn, tháo chiếc đàn măng-đô-lin tuyệt đẹp của mình ra khỏi tường và bước ra khỏi nhà.

Về mùa hè, buổi chiều thứ bảy, toàn thể thanh niên đều kéo nhau ra ngoài phố, nhất là Đường Dạo Chơi Của Bò. Anh Xô-bếch luôn luôn gặp người quen. Với một số người anh dừng chân, trò chuyện dăm câu, đùa cợt, với những người khác anh chỉ cúi chào từ xa. Anh đi hết phố Vi-len-xka, phố Na-pô-lê-ông, rồi quá bộ đến Ba Cây Lê và quay trở về. Đám thiếu nữ cố tìm cách lôi kéo anh vào hội của mình. Nghe nhạc thì bao giờ cũng thật dễ chịu. Song anh cứ chối từ, đi một mình, thỉnh thoảng lại dùng móng gẩy khẽ lên dây đàn.

Khi đang đi trên phố Ô-smi-an-xka, anh nhìn thấy trước hiên nhà ông Lei-zo-rơ có mấy thanh niên. Họ đang ngồi hút thuốc lá.

- Ê, - một gã gọi, - ông Xô-bếch. Đến đây, chơi một bản nào.

- Tôi không thấy hứng lắm, - Xô-bếch dừng bước.

- Cần gì hứng, - giọng nói thứ hai cất lên. - Ông cứ ngồi với chúng tôi thì sẽ có hứng thôi.

- Với các anh thì tôi không ngồi, - Xô-bếch nói.

- Sao lại thế?

- Bởi trong các anh có một con bọ hung, mà tôi thì không thích gần bọ hung tí nào.

Im lặng bao trùm một lát, rồi sau có giọng nói thứ ba cất lên:

- Ông nghĩ về ai thế, nếu như ông vui lòng cho biết?

- Nghĩ thì tôi không thèm nghĩ, - Xô-bếch thong thả dằn từng tiếng. - Tôi khinh hắn. Còn nếu anh tò mò muốn biết tôi muốn nói về ai, Vôi-đư-uô ạ, thì chính là tôi nói về anh đấy.

- Tôi á?

- Phải, về anh, anh cựu học sinh trường dòng ạ! Đối với tôi anh chỉ là một con bọ hung và tôi không hề muốn chung đụng gì với anh hết.

- Sao lại miệt thị người ta thế, ông Xô-bếch? - Một giọng khác vẻ giảng hòa cất lên.

- Không phải người, mà là đồ súc vật. Còn tệ hơn đồ súc vật, bởi vì nó là thằng khốn nạn.

- Hắn say hay sao thế nhỉ?!... - Zê-nôn thốt lên.

- Say à?... Không, ông Vôi-đư-uô, tôi không phải đồ nát rượu đâu. Tôi hoàn toàn tỉnh táo. Không như ông, kẻ thường trú đêm trong rãnh đâu. Kẻ tấn công các cô gái trẻ bằng những câu thô bỉ ạ. Chỉ có đồ con lợn, nói xin lỗi, mới có thể ném vào mặt một cô gái vô tội và không ai che chở giữa bàn dân thiên hạ những lời thô bỉ mà thôi. Thế đấy.

Và anh lại gẩy vài nhịp trong bài van "Nhịp sống mùa thu".

- Hắn muốn nói đến con bé Ma-rư-sia nhà Skốp-kô-va đấy mà, - một kẻ nào đó nhắc.

- Đúng là cô ấy đấy, - Xô-bếch xác nhận. - Cô ấy, một người mà một con bọ hung như ngài Vôi-đư-uô đáng kính đây, đã...

- Mày câm mồm đi! - Vôi-đư-uô thét lên. - Đủ lắm rồi!

- Ông thấy đủ, nhưng tôi thấy còn ít quá!...

- Lo mà giữ cái mũi của ông ấy!

- Ông cũng có thể lo giữ mũi của mình. Một màu tối đen. Từ xa chẳng nom thấy gì. Nhưng ông chẳng dám mò ra chỗ tôi đâu, sợ mà.

Zê-nôn bật cười.

- Vì sao, vì sao, thằng ngu kia, tao lại sợ mày kia chứ?

- Mày sợ vì mày không muốn bị quạng vào mõm!...

- Các ông thôi đi, không đáng gì, - có ai đó ngồi trong hiên ôn tồn khuyên.

- Hẳn rồi, không đáng phải bẩn tay, - Xô-bếch cũng đáp lại bằng giọng như thế.

- Có mà mày bị quạng vào mõm ấy! Zê-nôn gầm lên.

Trước khi những người có mặt kịp giữ lại, y đã lao ra khỏi hiên. Quần nhau lộn tùng phèo trong bóng tối. Vài cú đấm khô khốc, rồi một tiếc rắc thật mạnh. Đó là chiếc đàn măng-đô-lin tuyệt đẹp của anh chàng Xô-bếch vỡ tung ra từng mảnh khi va phải cái đầu của gã cựu học sinh trường dòng. Hai địch thủ ghì chặt lấy nhau cùng lăn xuống đất. Họ lăn sát vào hàng rào.

- Buông ra, - giọng Zê-nôn nghẹt thở thốt lên.

- Này, cho mày, đồ mất dạy, này, này, cho mày, này, để mày nhớ đời!

Giọng Xô-bếch đi kèm với tiếng đấm hự hự.

- Mày dám trêu vào tay tao à!... Này, cho mày! Cho mày! Nữa này! Mày còn chọc ghẹo con gái nữa thôi?! Hả?

- Tôi xin thôi!

- Thế thì nhận lấy cú nữa, để mà nhớ!

- Tôi sẽ thôi, xin thề!

- Thì cho mày cú nữa, để mày nhớ lấy lời thề! Nữa này! Nữa này!

- Anh em ơi! Cứu tôi với! - Zê-nôn gào lên.

Mươi người tụ tập chung quanh xem cuộc đánh nhau. Nhưng không một ai vào cứu. Xô-bếch được mọi người kính trọng, và ngay cả những người không hiểu có chuyện gì cũng muốn tin rằng lẽ phải thuộc về anh, thêm nữa địch thủ của anh lại vốn là kẻ hay gây sự, chẳng được ai yêu mến. Bọn bạn bè của Zê-nôn cũng không cảm thấy có nghĩa vụ đoàn kết. Tận đáy lòng, ngay từ đầu, bọn họ cũng đã đứng về phía Xô-bếch. Vả chăng Zê-nôn bắt đầu đánh trước.

- Thôi, các ông, - một người nào đó trong đám đông cất tiếng.

- Thôi, thôi đi! - Thôi đi! - Người thứ hai bảo.

Xô-bếch nhổm dậy. Ông Lei-zo-rơ từ trong nhà cầm đèn chạy ra. Trong ánh sáng đèn trông rõ toàn cảnh tang thương hình hài bên ngoài của Zê-nôn. Hắn đứng đấy, áo quần rách tươm tướp, mắt bị đánh thâm tím, mũi tóe máu. Hắn đưa lưỡi sờ sờ một lát trong mồm rồi phun ra mấy cái răng.

Xô-bếch phủi quần áo, nhặt chiếc đàn măng-đô-lin, có dính mấy sợi dây đang run rẩy một cách thảm thương giữa những mẩu vụn của hộp đàn, anh khẽ đằng hắng và không nói một lời nào, bỏ đi.

Những người khác cũng bắt đầu tản đi, không nói, không hỏi gì. Nhưng hôm sau toàn trấn Ra-đô-li-xki dậy lên như trong một tổ ong. Sau buổi lễ trọng trước nhà thờ, người ta không bàn đến một chuyện gì khác. Tất cả mọi người đều biết chính xác nguyên nhân cũng như diễn biến của vụ đánh nhau. Nói chung người ta đều thừa nhận rằng Xô-bếch có lý và thích chí vì việc Zê-nôn bị trừng phạt. Song mặt khác, cũng có ý kiến phê phán nhằm vào Ma-rư-sia. Thứ nhất, vụ đó là do cô, hai nữa, việc cậu chủ Trưn-xki cứ hay ngồi lâu trong hiệu dù sao vẫn chứng tỏ đạo đức của cô gái có vấn đề.


Hơn nữa, khó lòng hiểu nổi vì sao người cùng hội cùng thuyền trong cùng thị trấn, một công chức nhà nước với con trai một gia đình giàu có được trọng vọng, mà lại đánh nhau công khai trước bàn dân thiên hạ chỉ vì một cô gái lang bạt đến đây, một cô gái bán hàng vớ vẩn nào đó.

Nhiều người 10000 quan tâm xem gia đình họ nhà Vôi-đư-uô sẽ phản ứng ra sao. Người ta vô tình quấy rầy cả hai người anh trai của Zê-nôn, song cả hai chỉ nhún vai.

- Không phải việc của chúng tôi. Để cha chúng tôi về rồi khắc hay.

Quả thực, ông lão Mô-xte-rơ-giây không có mặt ở Ra-đô-li-xki. Ông đang đến chỗ những thợ thuộc da Vin-nô mua hàng.

Ngay từ sáng sớm, Ma-rư-sia đã được biết về việc Zê-nôn bị đánh. Hai người đàn bà láng giềng cùng chạy sang thuật lại tất cả, với đầy đủ các chi tiết tỉ mỉ. Nếu như bà Skốp-kô-va hài lòng đón nhận cái tin ấy, coi đó như sự trừng phạt của Chúa đối với Zê-nôn vì đã chối bỏ sứ mạng thiêng liêng của giáo sỹ, thì Ma-rư-sia lại hết sức kinh hoàng. Cô cay đắng tự trách mình đã nói lại những điều không cần thiết. Sao cô lại than thở với anh chàng Xô-bếch tốt bụng ấy làm gì kia chứ? Cô đã khiến anh phải gặp sự khó chịu nhường kia. Họa có Chúa mới biết chuyện ấy sẽ mang đến cho anh hậu quả gì. Ông lão Vôi-đư-uô sẽ không chịu cho qua chuyện con trai bị đánh đâu. Chắc chắn ông ấy sẽ kiện ra tòa, chắc chắn ông sẽ kêu ca chuyện này lên tận ban giám đốc bưu điện. Vì tính nghĩa hiệp của chàng, Xô-bếch rất có thể sẽ mất việc làm...

Không nghi ngờ gì nữa, cô cảm thấy biết ơn anh, song cũng vẫn hơi oán anh. Anh đã hy sinh vì cô, đã liều thân, đã tự nguyện dấn mình vào cái chuyện đơm đặt bẩn thỉu kia, cái chuyện mà giờ đây sẽ còn bị miệng thế nhai đi nhai lại với cái tên anh. Vì tất cả những điều ấy cô đâm ra thành người mang nợ anh. Dù cho anh không thốt ra một lời nào về chuyện ấy, mỗi ánh mắt của anh sẽ nói cùng cô:

- Tôi đã đứng ra để bảo toàn danh dự, phẩm giá và uy tín cho cô, lẽ nào tôi không được đón nhận một sự đền đáp hay sao?

Và một điều này nữa. Do cái vụ xô xát này. Ma-rư-sia hiểu một cách chính xác rằng, người ta sẽ mang cô ra bàn tán, sẽ đầu độc cuộc sống của cô. Cho nên cô không hề nói dối rằng cô bị nhức đầu để từ chối đi lễ. Quả thực, cô cảm thấy bị ốm, thấy bất hạnh và rã rời. Suốt cả ngày chủ nhật cô không ló mặt ra khỏi nhà, cô khóc thầm và suy nghĩ về những gì sẽ đến. Giá như có thể chạy trốn khỏi nơi đây, cô sẽ đi thật xa cho khuất. Đi hẳn đến Vin-nô. Cô sẽ nhận làm bất cứ việc gì, làm người hầu cũng cam... Song cô không có tiền để đi, và cô không hề có ảo vọng rằng bà Skốp-kô-va sẽ cho cô vay. Không mong gì ở bà Skốp-kô-va, không trông mong gì ở một ai trong thị trấn. May chăng... may chăng...

Và cô chợt nghĩ đến ông thầy lang ở cối xay. Bác An-tô-ni chắc chắn không từ chối cô điều gì. Đó là người duy nhất, người độc nhất mà cô còn trông mong được trên cuộc đời này.

Cô bắt đầu hấp tấp suy nghĩ kế hoạch hành động. Đến tối, khi nhọ mặt người, cô sẽ đi theo lối đằng sau vườn đến xưởng cưa... Rồi từ đó đến cối xay. Dọc đường, cô sẽ thuê một chiếc xe và đến sáng cô đã có mặt ở ngoài ga. Từ đó, cô sẽ viết thư cho bà Skốp-kô-va... Và cho chàng, cho anh Lê-sếch.

Trái tim Ma-rư-sia thắt lại. Và sẽ ra sao nếu chàng không muốn đến Vin-nô?...

Tất cả mọi điều dự định đều sụp đổ tan tành.

Không, trăm lần cô thà ở lại đây để ngày ngày bị xỉa xói, bị chê bai, dè bỉu, thậm chí bị nhục nhã, chứ không thể nào mất đi khả năng được trông thấy đôi mắt, cái miệng, mái tóc của chàng, được nghe cái giọng trầm thân thuộc của chàng, được chạm vào bàn tay mạnh mẽ và đẹp đẽ của chàng.

- Cứ mặc cho mọi sự muốn ra sao thì ra, - cô quả quyết.

Còn có một lối thoát khác nữa: thổ lộ với chàng tất cả. Chàng thông minh hơn cô nhiều, chắc chắn chàng sẽ tìm được cách gì đó tốt hơn.

Nhưng không bao giờ cô dám làm điều đó. Cô biết rằng không một ai trong thị trấn dám nói thật cho chàng hay về nguyên nhân vụ xô xát giữa Xô-bếch và con trai nhà Vôi-đư-uô. Vả lại chàng Lê-sếch cũng chẳng hề trò chuyện với ai ở đây bao giờ. Còn nếu chàng nghe nói đến vụ xô xát, chàng sẽ nghi ngờ rằng cái anh chàng Xô-bếch kia có một thứ quyền gì đấy để đứng ra bảo vệ cho Ma-rư-sia, và khi ấy...

- Không, ta sẽ không nói gì với chàng hết, không nói gì hết! - Cô quyết định.

Sáng hôm sau, cô đi từ nhà đến cửa hiệu, đầu cúi gằm, nhanh như có ai đuổi. Cô thở dài nhẹ nhõm khi đã ở bên trong cửa hiệu. Cô liếc qua gương và lo lắng khi thấy rằng hai đêm không ngủ và những chuyện mà cô vừa phải chịu đựng đã để lại dấu vết. Mặt cô tái, mắt thâm quầng. Chính điều đó đã khiến cô mất hẳn thăng bằng.

- Nếu chàng trông thấy ta xấu xí nhường này, - cô nghĩ bụng, - chàng sẽ không thích ta nữa. Giá chàng đừng đến đây thì hay biết bao.

Thì giờ trôi qua. Ma-rư-sia mỗi lúc một thêm lo lắng.

- Mình nghĩ nhầm phải giờ gở rồi, khi mong chàng đừng đến! - Cô tự trách mình.

Chuông nhà thờ đã điểm giữa trưa cô mới trông thấy những con ngựa của Lu-đơ-vi-kốp. Nhưng trong xe không có chàng Lê-sếch. Anh đánh xe ngồi trên ghế ngựa ngáp dài. Bà Mi-kha-lép-xka, béo trục béo tròn, quản gia của Lu-đơ-vi-kốp, bước xuống xe đi mua hàng. Ma-rư-sia rất muốn chạy đến bên xe hỏi thăm chàng Lê-sếch nhưng cô kịp dừng lại, và quả là cô đã hành động đúng, vì chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, tiếng xe mô-tô đã nổ giòn trên đường phố.

Cô suýt phát khóc vì sung sướng.

Song chàng Lê-sếch không nhận thấy cả vẻ nhợt nhạt của cô lẫn những giọt lệ đang nhòa trong mắt. Lao vào như một cơn bão, trong một vũ điệu ma-zua, chàng nhịp vào nhịp chân và hét váng lên:

- Kỹ sư thiên tài muôn năm! Muôn năm! Hãy chúc mừng anh đi nào, Ma-rư-sien-kô! Anh đã tưởng trời nóng thế này thì đến quỷ tha ma bắt mất, nhưng thế mà quyết rồi cũng xong!

Chàng bắt đầu thuật lại chiếc xe bị hỏng dọc đường ra sao, chàng phải vất vả thế nào mới sửa được, mặc dù chàng có thể đi nhờ xe ngựa với bà Mi-kha-lép-xka.

Chàng tự hào về bản thân đến nỗi mặt sáng bừng cả lên.

- Để đến với cô gái nghèo của ta, không có con đường nào xấu, - chàng thốt lên.

- Ông bẩn hết cả người rồi, ông Lê-sếch! Để tôi mang nước cho ông ngay bây giờ.

Cô đang đổ nước vào chậu thì bà Skốp-kô-va mang cơm trưa vào. Bà nhìn họ một cách đầy chê trách nhưng không nói gì.

- Ông Trưn-xki phải chữa xe, - Ma-rư-sia giải thích. - Ông ấy muốn rửa tay một chút vì dầu mỡ bôi bẩn cả.

- Tôi sẽ chẳng vầy ướt hiệu của bà đâu, - chàng nói thêm.

- Không sao, bà Skốp-kô-va khô khan đáp lại và bước ra.

Chàng kỹ sư hoàn toàn không nhận thấy vẻ mặt lạnh lùng của bà chủ hiệu. Anh vui vẻ giải thích cho Ma-rư-sia hiểu sự hư hỏng của động cơ và cách anh sửa chữa thật hết sức buồn cười. Dần dần cô cũng thấy thoải mái.

- Em cười thật tuyệt vời! - Trưn-xki cứ lắp đi lắp lại.

- Thường thôi.

- Không thường tí nào! Ma-rư-sien-kô, anh xin thề với em, em thuật khác thường về mọi phương diện. Còn nếu nói về nụ cười... thì mỗi người một kiểu.

Nói đoạn chàng bắt đầu biểu diễn các kiểu cười khác nhau. Chàng làm việc đó thật hài, mặt chàng lúc đó nom buồn cười đến người chết cũng phải hé môi. Chàng bắt chước tài nhất và lâu nhất kiểu cười của bà quản gia to béo, bà Mi-kha-lép-xka.

Chàng không hề biết rằng chính lúc ấy bà Mi-kha-lép-xka đang muốn khóc hơn cười, mà lý do chính là vì chàng.

Ngay khi bà ì ạch leo lên xe, chàng đánh xe đã nhận thấy rằng mặt bà quản gia đang đỏ bừng bừng như vừa từ lò nướng bánh ra vậy. Suốt dọc đường anh cứ nghe tiếng bà lẩm bẩm gì đó sau lưng, nghe bà thở dài thườn thượt và rên rẩm.

- Chắc phải có chuyện gì đây, - anh đoán.


Và quả thực là có chuyện. Ở thị trấn, bà Mi-kha-lép-xka được biết những chuyện kinh khủng, đến nỗi bà không muốn tin và bà sẽ không chịu tin nếu không có tới mấy người cam đoan, và nếu như chính mắt bà không nom thấy cậu chủ Lê-sếch để mô-tô ở đâu và ngồi chết dí ở đâu suốt ròng rã hai tiếng đồng hồ.

Đôi ngựa màu hạt dẻ nhỏ nhắn nhưng được chăm sóc tốt chạy nước kiệu rất khỏe khoắn, nhưng bà Mi-kha-lép-xka vẫn cảm thấy chiếc xe đi chậm rì rì. Bà cứ đăm đăm nhìn nhìn về phía trước, đếm xem còn mấy cây số nữa mới về đến Lu-đơ-vi-kốp.

Rốt cuộc, phía sau cánh rừng cũng đã hiện ra một quang cảnh thênh thang. Đồng ruộng thoai thoải dốc xuôi đổ xuống một dải hồ nước màu thanh thiên hiện rõ phía chân trời. Trên bờ hồ là một dãy đối xứng những chiếc ống khói. Trên đồi, giữa những ngọn cây xanh tươi, nổi bật một tòa lâu đài cao, màu trắng, được cả huyện xem là kỳ quan thứ tám, nếu không phải của toàn thế giới, thì chí ít cũng là của miền đông bắc này. Chỉ mỗi mình bà Mi-kha-lép-xka không đồng tình với những lời tán thưởng ấy. Bà thích tòa nhà ngày trước, dẫu bằng gỗ thật đấy, nhưng to lớn và ấm cúng hơn dinh thự mới, tòa nhà nơi bà đã sinh ra, lớn lên và làm lụng thuở thiếu thời.

Bà cũng không thể tha thứ cho ông chủ đồng thời là bạn cùng tuổi với mình, ông Trưn-xki, thay vì xây dựng lại y hệt như cũ tòa nhà đã bị thiêu rụi hồi chiến tranh, ông lại cho xây một dinh thự hiện đại, lại những hai tầng nguy nga, dường như ông chỉ muốn cho hai cẳng chân già nua của bà quản gia có thêm được nhiều bậc thang để mà trèo mà trụt.

Ngay lúc này, mặc dù bị chi phối bởi những ý nghĩ khác, bà Mi-kha-lép-xka cũng dành một lời than cho cái kiểu cách tân thời kia, cái mà mặc dù đã hơn chục năm rồi, bà vẫn không tài nào quen nổi.

Chiếc xe băng qua cổng lớn rẽ vào một con đường tắt qua khu vườn và dừng lại trước cổng dành cho gia nhân. Bà Mi-kha-lép-xka quá nóng ruột nên không thể đích thân mang các thứ hàng hóa mua được cất vào trong kho. Giống như một đầu tầu hoả tốc hành, bà lao qua nhà bếp, phòng để bát đĩa, phòng ăn, thở có phần hổn hển hơn mức mà sự mệt nhọc đòi hỏi, và tăng tốc độ lên nữa.

Bà biết rất rõ giờ này ông bà Trưn-xki đang ở chỗ nào, và bà không nhầm. Họ đang ở ban công phía bắc. Bà E-lê-ô-no-ra, cứng đờ và thẳng đơ trong chiếc áo nịt ngực, ngồi trên một chiếc ghế cứng không trải nệm (bà không công nhận những loại ghế khác) và chìm đắm trong đống những quyển sổ cái khổng lồ của nhà máy. Sau lưng bà, ông Xu-pếch, kế toán, đang đứng với nét mặt của một kẻ tội đồ, lát nữa thôi sẽ bị mang đi tra khảo. Cái đầu hói của ông, giống như một cái nấm phấn to tướng màu hồng, được phủ đầy những giọt mồ hôi. Ở đầu kia ban công, trong một chiếc ghế mây to tướng, ông Xta-nhi-xoáp Trưn-xki đang ngồi, chung quanh là những chồng báo nhiều đến khó tưởng tượng nổi.

Bà Mi-kha-lép-xka không nói một lời, đứng sững giữa ban công, nom như một pho tượng đầy vẻ đe dọa.


Ông Trưn-xki hạ thấp chiếc kính mắt xuống và hỏi:

- Có chuyện gì thế, Mi-kha-le-siu?

- Chuyện không lành! - Bà rên lên.

- Không có chanh à?

- Ôi, chanh gì mà chanh!... Chuyện ô danh!

- Có gì xảy ra thế? - Ông Trưn-xki đặt báo xuống, hỏi bình tĩnh nhưng đã chú ý hơn.

- Chuyện gì xảy ra?... Chuyện bê bối! Tôi ngượng đến cháy cả người. Cả thị trấn không bàn gì đến chuyện khác nữa! Chỉ nói đến cậu ấy mà thôi!

- Nói đến ai?

- Đến cậu Lê-sếch thân yêu nhà ta chứ ai.

- Lê-sếch à?

Phu nhân Trưn-xka ngẩng đầu bảo:

- Ông Xu-pếch, ông nhớ nhé. Ta tạm dừng ở hàng này, 1482 zuốt-ty và 24 grôs (33).

- Vâng thưa bà, - ông kế toán thở hắt ra. - Hai mươi bốn grôs. Tôi có phải đi không ạ?

- Không, ông cứ ở lại. Thế Mi-kha-lép-xka bảo sao?

- Cậu chủ Lê-sếch ấy ạ! Thật điếm nhục cho cả nhà! Tôi được nghe những chuyện mà... mà...

- Bà kể lại xem nào. Chắc là tin đồn vớ vẩn nào đó thôi, - bà Trưn-xka nói với vẻ bình tĩnh sắt đá.

- Người ta đánh nhau ở Ra-đô-li-xki, người ta giết nhau vì cậu chủ Lê-sếch nhà ta. Trưởng chi nhánh bưu điện phang ghita đến nát vụn lên đầu hắn, rồi cả hai lăn lộn khắp bãi chợ. Anh ta quạng đập mũi hắn ra! Gẫy cả bao nhiêu là răng...

- Ai? - ông Trưn-xki ngắt lời. - Thằng Lê-sếch ấy à?

- Không, thằng con trai ông Mô-xte-rơ-giây, thợ yên cương kia.

- Thế thì bận gì đến chúng ta?

- Nhưng đó là vì con bé mà cậu Lê-sếch đang bày chuyện yêu đương kia kìa.

Phu nhân Trưn-xka nhíu mày.

- Tôi chẳng hiểu gì cả. Xin Mi-kha-lép-xka kể lại tất cả cho thứ tự xem nào.

- Thì tôi đã nói rồi đấy thôi! Vì một con bé. Vì cái cô Ma-rư-sia nhà bà Skốp-kô-va. Đã từ lâu, tôi biết là có chuyện ám muội mà. Mắt già thật nhưng nhìn tinh lắm. Có phải tuần rồi tôi chả bảo là: - Nào, nào, cậu Lê-sếch có chuyện gì mà hay đi Ra-đô-li-xki quá đấy!... Hay là tôi không nói nào?... Nào, xin ông bà cứ bảo là tôi chưa nói đi xem...

- Bỏ qua chuyện đó. Thế nhưng cái cô ấy thì sao?

- Gái thì vẫn là gái. Đẹp thì có đẹp, nhưng tôi cũng chẳng thấy cô ấy có gì phi thường cả. Đến nỗi gì mà phải đánh nhau vì một cô như thế?... Nhưng đó là một chuyện. Ngày nào cũng phóng lên thị trấn. Tôi nghĩ bụng: - Có gì lôi kéo cậu ấy ở đấy thế nhỉ, giờ thì mới lộ tẩy hết cả ra! Đến tận bây giờ.

- Nhưng mà lộ chuyện gì chứ?

- Chuyện rằng cậu chủ đi lại với con bé ấy, con bé Ma-rư-sia ấy đấy. Suốt cả ngày, cái xe mô-tô phải đứng ở đâu nào?... Ngay trước cửa hiệu bà Skốp-kô-va. Ai cũng thấy, ai cũng lắc đầu. Thế còn cậu Lê-sếch thì ở đâu ạ?... Trong cửa hiệu. Chỉ có hai người với nhau! Vâng! Chỉ độc cậu ấy với cô kia, vì lẽ bà Skốp-kô-va không ngồi trong hiệu. Bà chủ hiệu thuốc cũng nói lại là cho đến nay cha xứ trên đài giảng không lên án những đồi phong bại tục kia. Nếu như cha chưa làm việc ấy, bà ta bảo, thì có nhẽ là do kính trọng cha mẹ cậu thanh niên thiếu năng lực kia đấy thôi, bà ấy bảo thế.

Ông Trưn-xki nhăn mặt khó chịu.

- Thế rồi sao?

- À, thế rồi thằng con trai ông thợ yên cương, cái thằng cựu học sinh trường dòng ấy, hôm thứ bẩy... Không, không, hôm thứ sáu... Không, tôi nói đúng đấy, hôm thứ bẩy, trước cả đông đủ bàn dân thiên hạ, mới gặng hỏi cái cô Ma-rư-sia kia là tại sao đem trường kỷ đặt trong cửa hiệu làm gì... Cái cô Ma-rư-sia kia không trả lời. Thế là hắn bèn nói những lời gì ấy về cậu Lê-sếch nhà ta với cô kia, khiến cho mọi người phải ôm bụng mà cười.

- Mọi người nào mới được chứ? - Phu nhân E-lê-ô-no-ra lo ngại hỏi.

- Thì bàn dân thiên hạ. Chuyện xảy ra ngay ngoài phố, ai mà chẳng nghe. Rõ là cô kia bị xấu hổ quá. Không nói lời nào, cắm đầu chạy thẳng. Nhưng chắc cô ả phải kêu ca với anh chàng Xô-bếch, ở bưu điện ấy. Mà cũng có thể anh ta làm cách nào đó biết chuyện. Chỉ biết rằng gặp thằng cha cựu chủng sinh kia, anh ta lăn xả ngay vào và nện cho hắn một trận thừa sống thiếu chết. Còn hôm nay thì chính mắt tôi trông thấy xe mô-tô của cậu Lê-sếch lại dựng trước cửa hiệu ấy rồi. Thế nào rồi cậu ấy cũng chuốc lấy chuyện không lành vào thân cho xem. Cái anh chàng Xô-bếch kia sẵn sàng gây cho cậu một chuyện gì đó, vì nhẽ...

- Thôi được rồi, - phu nhân Trưn-xka cắt ngang. - Cảm ơn Mi-kha-le-sia đã thông báo. Chúng tôi sẽ lưu tâm đến việc ấy.

Bà nói rất thản nhiên, nhưng bà quản gia hiểu rất rõ câu ấy báo hiệu điều gì. Lúc này bà cũng mới chợt nhận thấy là mình đã hành động quá vội vàng và thiếu thận trọng. Quả thực, bà quá phẫn uất vì những cuộc viếng thăm thiếu luân thường đạo lý của cậu Lê-sếch, nhưng bà vẫn yêu thương cậu hơn cả con đẻ, giờ đây bà đâm hối về những hành động của mình.

- Thưa ông bà, - bà nói, - tôi thì tôi chẳng bảo gì cậu Lê-sếch nhà ta, bởi vì rằng thì là...

Nhưng ông bà Trưn-xki đã chuyển sang nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, điều đó có nghĩa là bà Mi-kha-le-sia đã đến lúc phải lui ra ngoài. Bà lần khân khi làm chuyện ấy, bà cứ cân nhắc không biết có nên chạy ra đường đón cậu Lê-sếch để báo trước cho cậu cái tai vạ mà bà đã gây ra chăng (34). Nhưng sau khi cân nhắc, bà đi đến kết luận rằng một trận lôi đình giáng xuống cậu chủ, - trận lôi đình mà cậu cũng đáng được nhận - sẽ chỉ có lợi cho cậu mà thôi, và thế là bà từ bỏ ý định đó.

Dù thế nào chăng nữa, cậu cũng đáng phê phán. Nếu cậu định lừa một cô gái gia giáo, thì cậu đã hành động rất tồi. Còn nếu cô Ma-rư-sia không thuộc con nhà gia giáo, thì cậu làm điếm nhục cả bản thân lẫn gia đình.


Bà Mi-kha-le-sia nghĩ thế, và ông bà Trưn-xki cũng có cùng ý kiến như thế.


Vậy nên khi Lê-sếch trở về, anh ngạc nhiên và lo ngại khi nhận thấy những ánh mắt lạnh lùng đón anh. Thoạt tiên, anh chợt hoảng hồn bởi thoáng nghĩ: cái thằng khốn kiếp Bau-erơ, giám đốc khách sạn ở Vin-nô, đã gửi hóa đơn thanh toán đến rồi chứ chẳng chơi.

- Mà như thế thì thật là khốn nạn, - anh nghĩ bụng trong khi im lặng dùng bữa tối, - hắn không thể chờ được vài tuần hay sao. Hóa đơn - nếu trí nhớ không đánh lừa Lê-sếch - có ghi những khoản mà anh không hề muốn để cho cha mẹ biết một chút nào. Nhất là những cái gương bị vỡ kia, cùng với một số hơi nhiều, quả thực là cũng quá nhiều - những chai sâm banh đã uống...

- Anh có thể dành cho chúng tôi chừng nửa tiếng đồng hồ được không? - Phu nhân Trưn-xka vừa đứng dậy khỏi bàn vừa hỏi. - Chúng tôi muốn nói chuyện với anh.

- Những nửa tiếng đồng hồ kia ạ? - Lê-sếch nghi ngờ hỏi lại.

- Anh cho rằng thế là quá nhiều đối với cha mẹ hay sao?

- À không, thưa mẹ. Con xin tùy cha mẹ.

- Ta sang phòng làm việc.

- Ồ! - Lê-sếch tự nhủ - Chắc phải là chuyện quan trọng đây.

Thông thường, trong phòng làm việc diễn ra những cuộc trao đổi ít phần dễ chịu nhất và nhiều phần nghiêm khắc nhất với cha mẹ.

Ông Trưn-xki ngồi vào vị trí chủ tịch đoàn cạnh bàn làm việc, hắng giọng những hai lần rồi mở đầu.

- Lê-sếch con! Cha mẹ được biết rằng do tính nhẹ dạ của mình con đã đi đến giới hạn không những chỉ vượt quá thuần phong mỹ tục mà còn quá khái niệm về danh dự cá nhân, những điều mà cha mẹ đã cố gắng để làm con được thấm nhuần.

- Cha muốn nói đến những vụ lộn xộn đáng xấu hổ giữa các thanh niên chưa vợ trong thị trấn... những vụ tai tiếng do con gây ra.

Lê-sếch nhẹ nhõm nghĩ thầm:

- Vậy là không phải hóa đơn! Ơn Chúa! - và chàng nở một nụ cười hoàn toàn thoải mái.

- Kính thưa cha mẹ! Con thấy người ta đã đánh lừa cha mẹ, hay nói đơn giản, người ta đã bịa đặt ra những chuyện vớ vẩn nào đó thì phải. Con lại càng không thể là nguyên nhân của những vụ đó được.

- Thế ra con cũng không biết một tí gì về một cô Ma-rư-sia nào đó chứ? - Bà mẹ thong thả hỏi, - về cô bán hàng ở hiệu bà Skốp-kô-va?

Lê-sếch hơi đỏ mặt.

- Chuyện ấy thì liên can gì đến việc này ạ?

- Rất liên can, con ạ.

- Vâng. Con có biết Ma-rư-sia ấy. Một cô gái dễ mến.

Chàng hắng giọng rồi nói thêm:

- Con cũng hay thường ghé vào hiệu ấy để mua thuốc lá.

- Ngày nào cũng vào, - bà mẹ nhấn mạnh.

- Cũng có thể thế, - chàng trai nhíu mày. - Nhưng thế thì sao kia ạ?

- Ngày nào con cũng lui tới đó và ngồi lại hàng tiếng đồng hồ.

- Thậm chí nếu quả có thế đi chăng nữa... Thưa mẹ, chắc mẹ cũng hiểu rằng con đã vượt quá cái tuổi chịu kiểm tra rồi chứ ạ?...

- Hẳn rồi. Nếu như chỉ nói đến sự kiểm tra của cha mẹ. Nhưng ngay cả một người đã trưởng thành và hoàn toàn độc lập vẫn phải chịu một sự kiểm soát khác, ít cảm thông hơn nhiều. Mẹ muốn nói đến sự kiểm soát của dư luận xã hội.

Lê-sếch giật mình.

- Xin lỗi mẹ, nhưng con chưa hề phạm tội gì cả!

- Thì cũng chưa ai đổ tội cho con.

- Vậy thì có chuyện gì mới được chứ?

- Mẹ muốn nói đến phép lịch sự và lòng tự trọng. - phu nhân Trưn-xka nhấn mạnh từng tiếng trả lời.

- Con không nghĩ là mình đã vi phạm đến một trong hai thứ đó.

Ông Trưn-xki sốt ruột nhấp nhổm trên ghế.

- Lê-sếch của cha. - ông lên tiếng. - Tự con phải hiểu rằng việc con thường xuyên lui tới, việc con ngồi lâu một cách quá đáng trong cửa hiệu ấy, không thể không gây nên những điều bình luận...


- Chuyện ấy chẳng phiền toái đến ai cả. Cửa hiệu... cửa hiệu là chỗ công cộng. Ai cũng có quyền vào.

- Xin lỗi, - bà mẹ cắt ngang, - nhưng những lời chối cãi quanh co ấy nằm ở dưới tầm con. Trước tiên, con ngồi ở đó suốt ngày, khiến cho người ta để ý và gây nên tiếng đồn không hay. Có lẽ con không nghĩ ai đó ngây thơ đến mức tin rằng con dùng những thời gian ấy để nghiên cứu phương pháp buôn bán của cửa hiệu nhỏ. Con ngồi ở đó chính là vì cô gái bán hàng kia.

- Cũng có thể. Nhưng mà thế thì sao?

- Từ đó có thể suy ra rằng con xem mối quan hệ bạn bè với cô gái đó là rất thú vị.

- Chính thế, thưa mẹ.

- Và xứng với con nữa chứ?... Đúng thế không?... Xứng đáng với ngài Trưn-xki về cả phương diện trí tuệ, xã hội và bằng hữu?

Lê-sếch nhún vai:

- Đó chính là những vấn đề quan niệm, cách nhìn...

- Mẹ xin được nói rằng theo quan điểm của cha mẹ, trong chuyện này không có chuyện gì bàn cãi cả. Mà bằng chứng rõ ràng nhất là những cuộc viếng thăm của con đã trở thành đầu đề cho những chuyện ngồi lê đôi mách trong thị trấn.

- Con coi khinh những chuyện ngồi lê đôi mách! - Chàng nóng nảy thốt lên.

- Và không chỉ chuyện ngồi lê đôi mách đâu. Chính cô gái ấy đã bị công khai nhục mạ bởi một trong số... những địch thủ ít may mắn hơn con, và hậu quả là một... kẻ ngấp nghé khác của cô gái... nổi tiếng này đã tự coi là có nghĩa vụ phải đứng ra bảo vệ danh dự của cô ta trong một cuộc đấm đá trên đường phố. Nhờ thế mà... những cuộc tán tỉnh của con cũng như chính con đã trở nên nổi tiếng trong vùng rồi đấy.

Lê-sếch giương tròn hai mắt.

- Nhưng con không hề biết chút gì! Không thể nào lại thế được!

Chàng bật dậy phẫn nộ, kêu lên:

- Đó chỉ là những tin đồn bậy bạ, trong đó không hề có một chút sự thật nào cả!

- Rất tiếc, con ạ, - ông Trưn-xki lên tiếng, - cha mẹ có được những tin tức hoàn toàn chắc chắn.

- Tôi không tin! - chàng nổi khùng. - Nếu có, cô ấy đã kể cho tôi nghe! Còn mẹ, khi nói đến cô gái mà mẹ không quen, một cô gái đoan chính nhất, mẹ không nên dùng những... những chữ ẩn ý hai nghĩa như thế! Đó... đó thật là ghê tởm!

Ông bà Trưn-xki đưa nhanh mắt cho nhau. Họ hoàn toàn bất ngờ trước sự bùng nổ của cậu con trai, người từ trước đến nay vẫn thường nói ra những lời không mấy coi trọng phụ nữ.

- Mẹ thấy rằng cô gái ấy là người có ý nghĩa đối với con.

- Tất nhiên là có ý nghĩa, nếu như vì con mà cô ấy phải chịu... một chuyện như thế...

Chàng cắn môi, không nói hết lời.

Bà Trưn-xki bình tĩnh thuật lại tất cả những gì bà quản gia kể lại. Lê-sếch đã nén được đến mức không ngắt lời mẹ lần nào. Khi bà nói hết, chàng hỏi khô khan:

- Vậy từ chuyện đó cha mẹ định rút ra điều gì?

- Sao lại điều gì? - Ông Trưn-xki ngạc nhiên. - Điều kết luận duy nhất là cha mẹ muốn đề nghị con phải cân nhắc cho kỹ hành động của mình. Thế thôi.

Lê-sếch lắc đầu.

- Đó chưa phải là tất cả. Cha mẹ có thể công nhận hoặc không, nhưng trong hành động của mình, con không hề thấy có gì có thể khiến cha mẹ, bản thân con, hay một người nào khác phải xấu hổ. Con không có điều gì phải tự trách mình cả. Hoàn toàn không! Ngược lại, cả con, lẫn cha mẹ, cũng không thể bỏ qua chuyện một thằng khốn nạn nào đó bôi xấu danh dự của một cô gái tuy nghèo nhưng rất đáng tôn trọng, bằng cách sử dụng tên tuổi của con.

Phu nhân E-lê-ô-no-ra nhìn con trai vẻ chế giễu.

- Hình như con quá tin chắc vào sự đáng tôn trọng mà cô gái kia phải được hưởng đấy, con trai ạ. Mẹ không nghĩ là con ngây thơ! Nhưng con định phản ứng thế nào?... Mẹ đang rất muốn biết. Không lẽ con lại theo gương anh chàng nhân viên bưu điện kia dấn thân vào một cuộc đánh nhau tay đôi với con trai lão thợ làm yên cương hay sao?

- Không, con sẽ đưa việc này ra toà!

- Điều đó không chứng minh cho sự chín chắn của con. Việc xét xử của tòa án không cứu được uy tín của cô gái kia.

- Vậy thì con sẽ ra lệnh cho xà ích quật cho hắn một trận! - Chàng cáu kỉnh hét lên. - Dù thế nào chăng nữa... kể từ ngày hôm nay chúng ta sẽ không nhận hàng của cha hắn, cho cả nhà máy lẫn điền trang!

- Nhưng cha hắn chẳng có tội tình gì ở đây cả, - ông Trưn-xki nhận xét.

- Tất nhiên rồi, - bà E-lê-ô-no-ra nói thêm. - Ngoài ra, cho phép mẹ được bày tỏ nỗi ngạc nhiên vì cái giọng điệu quá quả quyết, dường như cả nhà máy lẫn điền trang đều đã là tài sản riêng của con rồi, và chuyện đặt hàng chỉ tùy thuộc vào một mình con thôi hay sao ấy.

Nhưng thần kinh của Lê-sếch đã bị kích động quá mức, chàng bước lui một bước, hỏi lại:

- Ra thế đấy?... vậy ra mẹ định tiếp tục mua hàng của cái lão thợ yên cương ấy?

- Mẹ không thấy có lý do gì để phải thay đổi.

- Nhưng con thấy! - Chàng hét lên

- May thay, điều đó vẫn chưa bắt buộc được hai chúng tôi.

- Ra thế? Vậy thì các người hãy nghe đây! Tôi cương quyết đòi hỏi chuyện đó. Tùy các người lựa chọn. Hoặc các người làm theo đòi hỏi của tôi, hoặc sẽ không bao giờ thấy mặt tôi nữa.

Chàng quay ngoắt người lại, bước ra khỏi văn phòng. Chàng phẫn nộ đến tột cùng, phẫn nộ đến mức không ngần ngại thực hiện lời đe dọa và ra đi ngay tức khắc.

Chàng không muốn và không thể suy nghĩ xem mình hành động có đúng không. Chỉ nguyên ý nghĩ rằng một thằng cha chưa ráo máu đầu nào đó ở thị trấn dám công khai đem chàng ra làm trò cười, đã đủ cho chàng điên tiết, khiến chàng không thể nào suy nghĩ minh mẫn, hối thúc phải phản ứng ngay lập tức. Và lúc này đó là điều quan trọng nhất: trừng phạt, trả thù. Thách cha mẹ chàng cản thử xem! Thách đấy! Chàng gần như mong muốn chuyện đó. Chàng sẽ chứng tỏ cho họ thấy rằng chàng không chịu lùi bước trước bất kỳ thứ gì. Chàng sẽ trừng phạt cả họ nữa.

Chàng lao ra vườn và bằng chiếc can của cha mà chàng vớ được ở tiền phòng, chàng điên cuồng quật rơi tơi tả lá cây dẻ.

Tất nhiên, bỏ nhà đi cũng có nghĩa là sẽ phải chịu đói khổ. Tuy chàng có nghề gốm thật, tuy chàng có thể tự tìm được việc làm ở Chmie-lốp hay một nhà máy nào khác. Nhưng khi ấy toàn bộ ngân quỹ của chàng sẽ chỉ đóng khung trong tổng số vài trăm zuốt-ty quèn mỗi tháng.

- Đành vậy, - chàng tự thuyết phục mình. - Ta vẫn sống được.

Đột nhiên một dấu hỏi bật ra:

- Nhưng cái gì thật sự là nguyên nhân của sự xung đột, sự xung đột sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời ta?

Câu trả lời đến thật dễ dàng:

- Ma-rư-sia...

Phải, cốt lõi của mọi chuyện là ở đây, là Ma-rư-sia, cô gái tuyệt vời, vì cô, chàng có thể làm tất cả. Và nếu như, cứ cho rằng không phải là tất cả, thì cũng rất nhiều...

- Rất là nhiều, - chàng tự tin chắc thế.

Song ngay lập tức lại nảy ra những nghi vấn mới. Liệu có phải là cái giá quá cao không khi ta phải từ bỏ cả cha mẹ, từ bỏ cả địa vị tài sản, từ bỏ tất cả?...

Chàng căm phẫn xua đuổi ý nghĩ ấy đi. Vấn đề được đặt ra rất rõ ràng: một kẻ nào đó đã dám nhục mạ Ma-rư-sia và chàng, vậy hắn phải bị trừng trị. Nếu cha mẹ muốn từ chối đứa con trai độc nhất một điều cỏn con như thế kia, thì chính họ đã tự chứng tỏ rằng họ không đáng được hưởng sự ưu ái nào cả. Cứ để họ phải đau khổ.

Còn Ma-rư-sia?... Với Ma-rư-sia lại là chuyện hoàn toàn khác. Ở đây không nên đặt ra câu hỏi xem cô có xứng đáng được hưởng hay không. Bởi nếu tỉnh táo mà suy xét thì Ma-rư-sia cũng không ổn. Con trai gã thợ yên cương rõ ràng cảm thấy có quyền được thân thiết đến một mức nào đó trong quan hệ với cô hoặc cô đã khiến hắn phải phát ghen. Thế còn tay nhân viên bưu chính, tay Xô-bếch kia nữa?... Tại sao anh ta lại đứng ra bảo vệ Ma-rư-sia?... Hoàn toàn không có nguyên nhân gì à?...

Nghĩ thế thì quả là ngây thơ đến mức ngu dốt quá chừng. Tất nhiên phải có gì gắn bó giữa anh ta và cô gái chứ.

Chàng cảm thấy cáu kỉnh đến cực điểm. Chỉ nguyên cái ý nghĩ do mẹ chàng đưa ra, rằng những người kia là... tình địch của chàng, với chàng đó đã là một điều xúc phạm, một điều xúc phạm nặng nề nhất.

- Đó là kết quả - chàng cay đắng nghĩ bụng - của việc gần gũi với những kẻ thuộc môi trường đó.

Rõ ràng mẹ chàng là một phụ nữ có nhiều kinh nghiệm. Bà biết nhìn đời tỉnh táo, nếu như những nghi ngờ của bà chỉ đúng một phần thôi, thì...

- Thì mình mới đẹp mặt làm sao! Mình đã làm trò cười như một thằng oắt! Ở bên cạnh mình, cô ả cứ như một bông huệ dại ngoài đồng, nhưng ai biết đâu, với một gã như tay Xô-bếch kia chẳng hạn, thì cô ta cho phép làm những chuyện gì...

Điều nghi vấn quả là bẩn thỉu, nhưng ai dám cam đoan là sự thật không kém phần bẩn thỉu hơn?

Và một nỗi chán chường chiếm lấy Lê-sếch. Chàng ngồi xuống chiếc ghế đá ẩm sương đêm, thế giới với chàng sao bẩn thỉu, đáng ngán, không xứng với bất cứ một nỗ lực nào, một hy sinh nào...

...Bởi vì nếu Ma-rư-sia là người ngay thật, thẳng thắn, thì chắc cô ta đã không giấu chàng cái chuyện rắc rối kia. Ngược lại cô sẽ kể tất cả, sẽ cầu xin chàng đứng ra bênh vực, chứ không phải là một tay Xô-bếch vớ vẩn nào đó...

Vầng trăng ló ra tròn vành vạnh từ sau rặng cây. Nói chung, Lê-sếch không thích trăng. Nhưng lần này chàng nhận rõ ở diện mạo của vầng trăng kia một nét cười nhạo báng.

- Ta hãy còn ngu dốt quá đáng lắm thôi, - chàng thầm nghĩ, - ngu quá chừng.

Và chàng cân nhắc xem cha mẹ chàng sẽ nói gì với nhau về toàn bộ việc này, cũng như về cách cư xử của chàng.

Giá như có thể nghe được câu chuyện của họ, chàng sẽ được biết rằng chàng không hề có gì khác cha mẹ trong việc đánh giá mức độ thông minh của bản thân mình.

Sau khi chàng bước ra, ông bà Trưn-xki im lặng khá lâu, rồi rốt cuộc phu nhân E-lê-ô-no-ra thở dài đánh thượt:

- Tôi thấy rất lo cho tính tình ngốc nghếch của thằng Lê-sếch.

- Tôi cũng chẳng vui mừng gì - ông Xta-nhi-xoáp nói thêm rồi đứng dậy.

Theo thói quen hàng ngày, ông hôn tay và hôn trán vợ rồi trở về phòng riêng. Mười lăm phút sau ông đã nằm trên giường và đang định đọc "Trận hồng thuỷ"(35), quyển sách mà đối với ông, việc đọc trước khi đi ngủ là cách tốt nhất, công hiệu nhất để an thần, để rũ ra khỏi đầu óc những chuyện hàng ngày và ru đưa trí tưởng tượng một cách thần tiên nhất, thì chợt có tiếng gõ cửa.

- Mình đấy à? - Ông ngạc nhiên khi trông thấy vợ. Đã từ bao năm nay, ông đã không còn quen với những cuộc thăm viếng của bà trong chiếc áo choàng nội tẩm vào giờ này nữa.

- Vâng, ông Xtas. Tôi muốn hỏi ý kiến ông. Tự tôi không rõ nên làm thế nào cho phải. Ông nghĩ thế nào, có nên coi trọng những lời đe dọa của thằng Lê-sếch lắm không?

- Nó là một đứa không được thăng bằng lắm, - ông Trưn-xki nói nước đôi.

- Vì mình thấy đấy... Sẽ rất thiếu sư phạm nếu chịu lùi bước trước sức ép của một lời đe dọa. Nhưng mặt khác chúng mình cũng phải lưu ý đến cái tuổi của nó. Nếu như cho đến nay ta chưa giáo dục được nó thì có tiếp tục khoa sư phạm nữa cũng chẳng làm gì.

Ông Xta-nhi-xoáp thèm thuồng nhìn liếc nhìn tập sách dày cộp đã mở ra để trên chân. Ra-gu-ô-ba (36) vừa mới lĩnh nhận quyền thủ lĩnh quân sự và đang bắt tay vào tích trữ lương thảo cho doanh trại. Một đe dọa đặc biệt dễ chịu, ấy thế mà đột nhiên lại lôi chuyện thằng Lê-sếch ra đây mới lạ chứ!

- Elu (37), tôi cho rằng chúng mình từ chối nó hơi cương quyết quá.

- Nhưng mà đúng.

- Thì hẳn rồi. Nhưng mặt khác lòng tự ái của thằng bé bị tổn thương. Tôi cho rằng, rốt cuộc...

Đầu óc ông vẫn đang nghĩ tới chuyện chuyển khí giới và đạn dược từ Bi-au-ô-gô-xtốc tới, nghĩ tới chuyến đến thăm của quận công Xa-pi-ê-ha (một cái đầu đến là ngu, chắc hẳn là dân Vi-tép!), tất cả những điều đó khiến cho tâm trạng ông ôn hòa và dễ dãi.

-... rốt cuộc cái lão thợ yên cương kia phải dạy cho thằng con một bài học đạo đức mới phải. Không thể phủ nhận rằng thằng Lê-sếch cũng có lý một phần.

- Nghĩa là ông nghiêng về phía đồng ý với điều kiện của Lê-sếch? - Phu nhân E-lê-ô-no-ra chớp ngay ý chồng.

- Tôi á? - Ông Xta-nhi-xoáp ngạc nhiên một cách thành thật.

- Kìa, thì rõ là không phải tôi - bà vợ sốt ruột nhún vai. - Bao giờ tôi cũng có ý kiến là ông quá mềm tay và quá cợt nhả với con. Mong sao sau này chúng ta không phải ăn năn về sự nhu nhược của ông đấy, ông ạ.

- Xin lỗi mình, Elu... - ông Trưn-xki mở miệng, song bà vợ đã ngắt lời ông:

- Ông ạ, tôi sẽ chiều theo ý ông. Mặc dù tôi xin nhấn mạnh một lần nữa tôi làm thế là ngược với suy nghĩ của mình.

- Nhưng mà... - ông Xta-nhi-xoáp định chống chế, - nhưng mà tôi...

- Ông? Ông á? Ông chồng của tôi ạ, ông đã dạy dỗ con không nên hồn! Chúc ông ngủ ngon!

Và phu nhân E-lê-ô-no-ra bước ra. Bà bước ra với cảm giác xấu hổ với bản thân mình. Lương tâm không cho phép bà tự đánh lừa bằng cách trút một cách hình thức trách nhiệm về việc chịu nhượng bộ lên vai chồng. Tính cách chuyên quyền của bà nổi dậy chống lại tối hậu thư của con trai, và nếu như ông Xta-nhi-xoáp có một lời, chỉ một lời thôi, khuyến khích bà phải cương quyết - thì hẳn bà không bao giờ thay đổi quyết định của mình. Còn việc bà đến phòng ngủ của chồng hoàn toàn tin chắc rằng sẽ không được nghe từ miệng ông một lời khuyến khích như vậy - thì đó lại là chuyện khác.

Song ai nghĩ rằng phu nhân E-lê-ô-no-ra Trưn-xka cam chịu nhận thất bại hoàn toàn thì người ấy vẫn chưa hiểu bà. Thực tình, bà cũng run cả người khi nghĩ rằng đứa con trai có thể thực hiện lời đe dọa của nó, nó sẽ đi đến tận cùng thế giới, song bà vẫn không thể thừa nhận sự đầu hàng của mình là sự từ bỏ tất cả mọi lợi ích.

Vì vậy, hôm sau bà gọi con đến và tuyên bố ngắn gọn rằng không phải vì áp lực của chàng, mà do sự thuyết phục của cha chàng, bà quyết định sẽ không đặt mua hàng của ông thợ yên cương Vôi-đư-uô nữa, song dưới một điều kiện. Đó là ngày hôm nay Lê-sếch phải đi Vac-sa-va, đến ở tại nhà chú Ô-ta-si một thời gian dài.

Bà cố tình không quy định thời hạn vì sợ nếu dài quá sẽ bị Lê-sếch từ chối. Song những lo xa của bà là không cần thiết. Sau một đêm ngủ không an giấc, sau nhiều loạt ý nghĩ phê phán, thậm chí chê trách, Lê-sếch hoàn toàn ngã lòng. Chính chàng cũng đang cân nhắc xem tốt nhất có nên ra đi hay chăng, và chàng đón nhận kế hoạch của mẹ không một lời phản đối.

Bản thân chuyến đi xa đã tự động đẩy lùi niềm ham muốn lui tới thị trấn: tại ngôi nhà ồn ào náo nhiệt và vui vẻ của chú Ô-ta-si, nơi lúc nào cũng đầy các cô gái và các thiếu phụ trẻ trung, chắc hẳn thời gian trôi đi sẽ dễ chịu hơn nhiều so với ở cái địa phương thô kệch này, trong cái ao tù hãm đặc bùn này, giữa những chuyện vụn vặt, bẩn thỉu và thấp kém này.

Chàng nghĩ như vậy mãi cho đến khi những tòa nhà của khu ga bắt đầu chạy lùi lại đằng sau khung cửa sổ toa tàu. Nhưng đến khi những chiếc bánh sắt bắt đầu gõ nhịp đều đều, đơn điệu thì những ý nghĩ bắt đầu hỗn độn, quay cuồng, và đột nhiên chạy tuột về một hướng hoàn toàn khác.
Nhưng đó là chuyện về sau.

Nguồn: truyen8.mobi/t110653-thay-lang-znachor-chuong-9.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận