Thiên Nhược sư thái quay lưng đáp:
- Thí chủ đã nhầm lẫn! Lão ni chưa hề quen biết thí chủ!
Trần Quang bàng hoàng. Hắn gắng gượng gom hơi tàn nói:
- Xin…người…nhìn lại! Người…có biết …có biết con mà!
Thiên Nhược sư thái lạnh lùng đáp:
- Thí chủ đã nhầm lẫn! Ta không hề quen thí chú!
Văn Viễn cứ ngỡ bà ta chưa nhận ra được Trần Quang là ai bèn nói chen:
- Xin sư thái dừng bước! Người này chính là con ruột của sư thái đó!
Chẳng ngờ lão ni nghe vậy thì quay lại trừng mắt nghiến răng nhìn Văn Viễn:
- Thí chủ nên cẩn thận lời nói! Ta tịnh thân đầu phật từ bé sao có thể có con được! Thí chủ chớ nên vu khống cho ta!
Các ni cô trẻ tuổi đứng quanh bắt đầu xì xầm bàn tán. Văn Viễn tự biết lão ni có chổ khó xử. Chuyện bà ta luyến ái với Cố Thiên Lượng rồi sanh ra Trần Quang rõ ràng không tiện để nói oang oang ra ngoài. Nhưng dầu gì Trần Quang cũng đã gần chết, lão ni luận tình hay lý cũng chẳng thể lạnh lùng đến vậy được.
Vương Y Nguyệt liền đến bên cạnh Văn Viễn mà thì thầm:
- Người ta đã không muốn nhận con! Ngài có là Án Anh tái thế cũng khó lòng xoay chuyển được!
Quả thật, lão ni này không hề tỏ ra muốn nhận Trần Quang. Văn Viễn càng nghĩ càng nổi giận. Ông liền gằn giọng:
- Lão sư thái có dám đứng trước tượng quan thế âm bồ tát mà thề độc hay không?
Vốn trước am có dựng một bức tượng phật quan âm bồ tát đứng trên tòa sen bằng đá. Văn Viễn nhất thời thuận miệng nói như vậy đoán chừng lão ni sẽ phải ngập ngừng không dám thề độc. Chẳng ngờ Thiên Nhược sư thái tức thì quỳ dưới chân tượng phật mà dõng dạc:
- Có bồ tát làm chứng, Thiên Nhược ta đầu phật từ bé luôn chuyên cần kinh kệ một lòng tu đạo! Ta chưa hề luyến ái càng không thể có con được! Nếu ta mang lòng dối trá xin trời tru đất diệt!
Lão ni tuôn luôn mấy tràng dài toàn là thề thốt độc mồm độc miệng. Nếu chẳng phải chết xuống bị cắt lưỡi dìm chảo dầu, thì cũng là sét đánh tan xác. Văn Viễn giận đến độ hai chân run rẩy không sao đứng nổi. May có Vương Y Nguyệt kịp thời đỡ lấy nên ông chẳng phải té bịch xuống đất. Chỉ có Trần Quang thẩn thờ nhìn lão ni thề thốt. Lão ni càng thề độc nặng thì đôi mắt của y càng trắng dã tựa như vô hồn. Y lẩm bẩm như kẻ mất trí:
- Phải lắm! Phải lắm! Ta vốn chỉ là côi nhi! Ta vốn chỉ là côi nhi!
Thiên Nhược sư thái thề thốt hả hê xong liền quay lại nhìn Văn Viễn, Vương Y Nguyệt cùng Trần Quang, nói giọng thản nhiên:
- Các thí chủ vì sao cố tình gieo điều thị phi cho ta? Nơi đây là am bồ tát, xin các vị tự trọng đi cho!
Văn Viễn tức giận đến thiếu điều hộc máu. Chỉ là ông vốn quen phép tắc lễ nghĩa nên không sao nặng lời được. Bằng không nhất định ông sẽ rủa xả một trận cho hết ấm ức trong bụng.
Chuyện Trần Quang có nhận được mẹ hay không thì chẳng liên quan gì đến Vương Y Nguyệt. Nhưng nàng thấy lão ni trơ tráo quá độ bèn chắp tay vái lễ:
- Bội phục! Bội phục! Ta thật tình phải nghiêng người bội phục!
Thiên Nhược sư thái nhìn điệu bộ tuy kính cẩn lại pha nhiều giễu cợt liền cau mày hỏi:
- Thí chủ khâm phục điều gì!
Vương Y Nguyệt cười mai mỉa đáp:
- Ta khâm phục bà đầu phật tự nhỏ, tịnh thân trong sáng không chút tư tình luyến ái! Tấm lòng hướng phật của bà thật sự to lớn vô kể! Nhưng điều ta khâm phục nhất là bà tu luyện được da mặt dày quá đổi! Còn cộng thêm tấm lòng đến hổ sói cũng khó bề bì lại! Thật tình công đức của lão ni khiến kẻ hậu sanh như tiểu nữ đây phải cúi mình khâm phục!
Lão ni bị Vương Y Nguyệt cạnh khóe liền sa sầm nét mặt. Tuy nhiên, bà ta chỉ hừ nhạt:
- Thí chủ chớ gieo thêm thị phi! Thứ lỗi ta không tiễn!
Thiên Nhược sư thái tức tốc quay trở vào trong miếu. Văn Viễn để ý bà ta từ lúc thề độc đến khi bỏ đi chớ hề ngó nhìn Trần Quang dầu chỉ nửa cái liếc mắt. Ông bàng hoàng lẩm bẩm:
- Tên …Trần Quang này vì sao lại …có cha như vầy…có mẹ như vầy…hỡi ôi!
Thiên Nhược sư thái vừa đi khuất dạng thì Trần Quang ngửa mặt lên trời bật cười ha hả. Các vết thương trên người hắn tức thì chấn động không ngừng tuôn máu xối xả:
- Cha thì muốn giết bỏ ta! Mẹ ta lại không nhìn nhận ta! Phải lắm, thân xác này là của hai người! Ta trả lại cho hai người đây!
Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt nghe y nói lời phẫn uất tự nhiên cũng chảy dài nước mắt thương cảm. Cả hai nhìn nhau toan lựa lời an ủi bỗng nhiên nghe một tiếng binh thật lớn. Trần Quang đã gom hết tàn lực lao đầu vào chân tượng bồ tát mà tự vẫn. Đầu của y đập vào tòa sen bằng đá liền vỡ nát. Máu đỏ cùng óc tươi bắn vương tung tóe khắp nơi. Khuôn mặt tượng bồ tát bị dòng máu đỏ văng lên nằm thành hai hàng đều đặn nơi khóe mắt. Nhìn tựa như tượng bồ tát đang nhỏ lệ máu khóc than.
Các ni cô trẻ tuổi sợ hãi không sao thét lớn thành tiếng được. Văn Viễn bàng hoàng té bịch xuống đất trơ mắt nhìn xác Trần Quang nằm chỏng chơ dưới chân tượng bồ tát. Vương Y Nguyệt không sao đỡ nổi cũng bị ông kéo té xuống đất cùng. Nàng từ đầu đến cuối vẫn dửng dưng nhưng trước thảm kịch như vậy lòng dạ đều hãi hùng chẳng biết phải làm gì. Văn Viễn bật khóc hu hu:
- Hắn…hắn thật là số khổ! Hắn vừa bị cha ruột xuống tay tàn nhẫn giờ còn bị mẹ ruột chối bỏ! Hắn có tội gì? Hắn có tội gì?
Văn Viễn đau đớn cùng cực nên khóc thảm nảo vô cùng. Vương Y Nguyệt chỉ biết khóc theo đồng cảm. Ông khóc chừng hết một khắc thì nghiến răng trèo trẹo:
- Mụ …mụ ác độc đó đâu rồi? Mụ ta ở đâu rồi?
Văn Viễn đứng phắt dậy chạy thẳng vào bên trong miếu. Các ni cô sau khi biết chuyện đã tụ tập rất đông không ngừng chỉ trỏ xác Trần Quang mà thì thầm bàn tán. Bọn họ nhìn bộ dạng Văn Viễn hung hãn đoán chừng ông có ý gây hấn với Thiên Nhược sư thái bèn đứng cản đường. Văn Viễn lúc này bừng lửa giận nên không thèm kiêng nể. Các ni cô kia tuy cũng có võ nghệ nhưng so với Văn Viễn chẳng khác gì đứa trẻ lên ba. Văn Viễn chỉ tống một luồng hàn nhiệt đã đánh văng cả bọn tứ tán rồi xộc thẳng vào điện thờ. Vương Y Nguyệt sợ ông làm càn nên vội vã chạy theo.
Am Quan Âm chia làm hai khu tiền viện và hậu viện. Văn Viễn xộc vào điện thờ chỉ thấy hằng hà các ni cô từ già đến trẻ. Nhưng ni cô này nghe tiếng la hét của các ni cô trẻ bên ngoài đã đoán chuyện chẳng lành. Bọn họ thấy Văn Viễn hầm hầm nét mặt liền túa ra vây chặt ở giữa. Người nào trên tay cũng lăm lăm trường kiếm. Một ni cô lớn tuổi nói:
- Xin thí chủ trở gót!
Văn Viễn lúc này dầu có trời sập núi lỡ cũng chẳng màng tới huống hồ chi chỉ mấy chục thanh kiếm mỏng manh. Ông vận hàn nhiệt theo lối Tử Hà Thần Công đồng loạt phát lộ bốn phương tám hướng. Các ni cô không chịu nổi, phần tháo chạy giữ mạng, phần bị kình lực thổi văng đi. Văn Viễn tuy nổi giận cực điểm nhưng không muốn làm hại người vô tội. Cho nên hàn nhiệt phát ra bốn năm phần chỉ là nhu lực. Các ni cô tuy trúng đòn cùng lắm chỉ bị xây xát chưa đến mức nội thương.
Văn Viễn thẳng đường chạy vọt ra sau hậu viện. Các ni cô từ già đến trẻ tức tốc đuổi theo. Cả bọn cứ cản đường giằng co, Văn Viễn không thể thoát được trong lòng các hậm hực. Ông toan dùng Loạn Tiếu Mệnh nhưng ngẫm nghĩ những ni cô ở đây nội công yếu kém, e cả bọn nghe chưa quá một tràng cười đã lăn đùng ra chết. Văn Viễn vì vậy chần chừ chưa quyết. Đột nhiên cả bọn nghe tiếng thét thất thanh phát ra từ hậu viện. Văn Viễn ngờ ngờ chưa nhận ra được giọng của ai. Riêng các ni cô tức thì bỏ mặc Văn Viễn ùn ùn chạy đi:
- Chủ trì bị nạn! Chủ trì bị nạn rồi!
Văn Viễn đoán chừng chủ trì ở đây chính là lão ni Thiên Nhược. Ông cũng vội vàng chạy theo đám ni cô xem thử chuyện gì. Hậu viện là nơi để các ni cô nghỉ ngơi. Kiến trúc chỉ đơn giản là bốn dãy phòng dài cứ hai dãy làm một áp lưng vào nhau. Ở giữa là đoạn hành lang rộng chừng sáu bảy bước chân. Văn Viễn vừa đặt chân vào hành lang trên đã thấy năm sáu ni cô chạy trước kêu la đau đớn bị đánh văng ngược trở lại. Văn Viễn vội vàng dùng Du Ảnh Biến chạy mấy vòng đón đỡ các ni cô không bị té đập đầu vào vách đá. Ông ngó lại thì ra ở giữa hành lang có một kẻ mặc y phục toàn màu đen đang đứng ngạo nghễ. Thiên Nhược sư thái đang nằm dài dưới đất. Lão ni thất khiếu đều ứa máu hiển nhiên do tên hắc y kia ra tay.
Văn Viễn nhìn đã nhận ra là Cố Thiên Lượng. Cố Thiên Lượng cũng nheo mắt nhìn Văn Viễn. Lão ta nói:
- Thì ra là Bạch công tử của Tam Ác Thánh! Ngươi quả nhiên là kẻ nhiều chuyện!
Lão ta nói bình thường nhưng thanh âm cứ đập chan chát vào tai người nghe. Văn Viễn có hàn nhiệt sung mãn chỉ bị hoa đầu chóng mặt. Riêng các ni cô từ già đến trẻ đều ôm tai lăn lộn dưới đất. Cố Thiên Lượng chỉ dùng một câu nói đem nội công phát lộ để dọa nạt. Văn Viễn tuy bừng bừng lửa giận nhưng không khỏi ớn lạnh trong bụng. Ông tự biết bản thân không thể bì nổi với lão ta về nội lực thành ra ngán ngại.
Cố Thiên Lượng ung dung nói:
- Xem như ta nể mặt Tam Ác Thánh! Mong công tử về sau chớ lo việc bao đồng! Ta khuyên ngài nên về Bạch gia trang thì hơn! Ở đây đâu đâu cũng hung hiểm khó lường, lỡ như ta lỡ tay làm ngài bị thương, chỉ e ngài không còn mạng để về khóc lóc với Tam Ác Thánh!
Lão nói xong thì bật cười ha hả. Ba phần ni cô đang ở hậu viện đều trợn mắt bất tỉnh nhân sự. Văn Viễn cắn răng phát công chống chọi. Ông liếc thấy Vương Y Nguyệt đang ngồi bệch ở một góc nét mặt nhăn nhó xem chừng chẳng thể chịu nổi. Nàng ta vốn chỉ mới vừa chạy vào hậu viện lại trúng ngay lúc Cố Thiên Lượng bật cười. Cầm nghệ của Vương Y Nguyệt chí ít cũng ngang hàng với Diệu Thủ Cầm Ma nhưng so bề nội lực thì nàng ta còn kém cả ni cô trẻ tuổi nhất trong am bồ tát này.
Văn Viễn không chần chừ liền vận hàn nhiệt theo phép chuyển khí của Phan Khôi Diện. Từ người ông phát lộ luồng khí tím mang theo hơi lạnh càng lúc càng lan tỏa khắp nơi. Luồng khí này phủ lên người các ni cô đang nằm mê mang dưới đất lẫn Vương Y Nguyệt ở phía sau. Cố Thiên Lượng càng cười lớn thì luồng khí tím càng tỏa rộng trong chốc lát đã nuốt chửng cả thân hình của lão.
Cố Thiên Lượng trợn mắt quát:
- Ngươi biết Tử Hà Thần Công? Ngươi từ đâu học được Tử Hà Thần Công?
Văn Viễn tự biết khó lòng dùng nội lực đấu nổi nên tức thì thu lại hàn nhiệt. Luồng khí tím liền tiêu tan. Ông lựa lời đáp:
- Tại hạ chỉ may mắn học được chút tài nghệ của song thân mà thôi!
Lời này đáp lôi cả Tam Ác Thánh vào cuộc. Cố Thiên Lượng dầu muốn dầu không cũng phải kiêng nể Tam Ác Thánh mấy phần. Lão hừ nhạt:
- Chỉ mong ngài lần sau chớ can hệ việc bao đồng!
Lão nói dứt lời thì phóng người nhảy vọt lên mái hậu viện chạy đi mất. Văn Viễn thở phào nhẹ nhỏm vội quay lại Vương Y Nguyệt. Nàng ta chỉ bị rối loạn khi huyết chút đỉnh. Văn Viễn áp hai tay lên thái dương Vương Y Nguyệt vận hàn nhiệt xoa nhẹ mấy cái. Nàng ta liền bình thường trở lại. Có mấy ni cô chưa hôn mê xúm lại quanh lão ni Thiên Nhược mà khóc kể um trời. Văn Viễn tuy hận bà ta chối bỏ con cái nhưng không nỡ bỏ mặc đành bước đến xem xét. Lão ni bị trúng một chưởng thẳng trước ngực, lục phủ ngũ tạng đều dập nát. Văn Viễn dò mạch xong khẽ lắc đầu lẩm bẩm:
- Lão Cố Thiên Lượng kia vì sao lại giết lão ni này làm gì?
Văn Viễn thấy các ni cô khóc lóc thảm thương quá đỗi cũng không khỏi chùng lòng:
- Nghĩa tử là nghĩa tận! Bà ta coi như đã chết, ta sao phải xét nét chút oán giận làm gì?
Văn Viễn vận hàn nhiệt dồn xuống hai tay rồi áp lên ngay vết thương của lão ni Thiên Nhược. Chừng tàn nửa nén hương, lão ni liền cựa mình tỉnh dậy. Các ni cô thấy vậy mừng rỡ. Người vái lạy, kẻ cảm ơn chẳng khác gì Văn Viễn như bồ tát hiển linh cứu khổ cứu nạn. Văn Viễn không nỡ làm bọn họ mất vui nhưng cũng đành thành thật nói:
- Lão ni không sống nổi đâu! Tại hạ chỉ giúp bà ta trước khi chết đỡ bớt đau đớn mà thôi! Các vị nên lo hậu sự là vừa!
Các ni cô nghe vậy thì òa khóc thêm trận nữa thê lương thống thiết hơn trước bội phần. Lão ni Thiên Nhược gắng gượng cất giọng hỏi:
- Hắn…hắn…đâu rồi?
Văn Viễn không biết lão ni đang muốn hỏi Cố Thiên Lượng hay Trần Quang. Ông bèn đáp:
- Trần Quang đã tự vẫn trước điện! Còn lão họ Cố đã bỏ đi mất dạng!
Lão ni cười thảm não:
- Bỏ đi…bỏ đi rồi ư? Một đời…một đời của ta bị lão làm nhơ nhuốc đến nỗi không có mặt mũi…mặt mũi để nhận con! Ta …ta chết xuống nhất định sẽ bị Bồ Tát trách phạt!
Văn Viễn hậm hực nghĩ:
- Làm gì lại không có mặt mũi? Chẳng phải sợ làm ô danh chủ trì am bồ tát đó ư? Nếu đã sợ nhơ danh thì ngày trước sao không giữ tâm cho vững còn lén lút luyến ái!
Văn Viễn toan nói trách nhưng thấy lão ni đang hấp hối đành phải giằng lòng im lặng. Lão ni xua tay ra hiệu. Các ni cô liền cúi đầu lui hết ra khỏi hậu viện. Kể cả các ni cô đang nằm bất tỉnh nhân sự cũng được dìu đi hết. Lúc này, lão ni Thiên Nhược liền gọi Văn Viễn đến gần. Bà ta thều thào:
- Thí chủ…thí chủ nhất định rất hận ta không chịu nhận mặt con cái của mình!
Văn Viễn chỉ ậm ừ không dám đáp.
Lão ni nói tiếp:
- Ta…ta thật sự chưa hề động tình luyến ái với Cố Thiên Lượng! Ta từ nhỏ đầu vào am bồ tát chỉ biết tụng niệm kinh kệ chẳng hề dám đem chuyện hồng trần làm vấy bẩn cửa thiền! Nhưng…nhưng…
Lão ni chảy dài hai dòng nước mắt tức tưởi không sao nói nên lời được. Văn Viễn không khỏi ngạc nhiên, tự hỏi:
- Lẽ nào…lẽ nào…lão họ Cố kia đã cưỡng ép lão ni đây ư?
Lão ni Thiên Nhược cố dằn nước mắt hờn tủi nói tiếp:
- Năm đó ta chỉ là một ni cô chưa rành rẽ lòng dạ người! Cố Thiên Lượng khi đó có việc ngang qua am nên xin trú nhờ một đêm! Sư phụ của ta đi vắng! Các sư bá cũng không có mặt! Trong am chỉ còn vài ba ni cô trẻ tuổi mà thôi! Ta không dám đuổi khách đành cho hắn ngủ ở điện trước! Chẳng ngờ đêm đó hắn lại lén vào phòng ta giở trò đồi bại! Hắn vốn là cao thủ đương thế! Ta chỉ là một ni cô chân yếu tay mềm làm sao có thể chống đối nổi!
Lão ni kể đến đây như thế nhớ lại chuyện cũ liền bưng mặt khóc nghẹn ngào. Văn Viễn liếc nhìn Vương Y Nguyệt đang đứng sau lưng. Cả hai đều ái ngại trong lòng. Ví như vừa rồi Văn Viễn xông vào hậu viện trước gặp được lão ni Thiên Nhược nhất định phải động tay chân. Khác gì, ông chỉ là kẻ hồ đồ thôi sao. Vương y Nguyệt liếc Văn Viễn sắc lẹm như dao đầy trách móc. Ông tự nhiên thấy xấu hổ liền cúi đầu vái lễ với lão ni:
- Tại hạ thật hồ đồ đã trách oan sư thái! Xin sư thái rộng lượng bỏ qua!
Lão ni xua tay lia lịa:
- Không..không! Thí chỉ tâm tư tốt mới nổi giận như vậy! Ta…ta làm sao có mặt mũi để nhận con! Đứa con khổ mạng của ta!
Lão ni nghẹn ngào kể tiếp:
- Ta khi đó vừa nhục nhã vừa sợ hãi nên chỉ đành im lặng! Chẳng ngờ lão ta sau này còn tiếp tục cưỡng ép ta! Ta sợ sư phụ sư bá biết sẽ đuổi ra khỏi am thành thử cam chịu! Ít lâu ta có mang! Ta nghĩ bụng ngày càng lớn khó lòng che giấu được chỉ muốn tự vẫn cho xong! Ta bèn lấy cớ đi vân du xin sư phụ sư bá cho rời am! Bọn họ ưng thuận! Ta rời am bồ tát liền tìm một nơi để tự kết liễu! Trời xui đất khiến thế nào lại gặp lão ta! Lão ta tức thì mừng rỡ bắt ta về đỉnh Nghinh Vân núi Hoa Sơn rồi giấu trong hang đá! Lão…lão lại cưỡng ép ta! Khi biết ta có mang, lão liền xuống tay giết bỏ! Ta trong lòng đã có ý tự vẫn nên không hề kháng cự! Chỉ chờ lão đánh một chưởng sẽ về với trướng bồ tát mà sám hối!
Cơn giận của Văn Viễn vừa nguội lạnh lại bừng bừng. Ông nghiến răng ken két:
- Lão ta chấp chưởng một phái sao lại làm chuyện hèn hạ đến thế?
Lão ni lắc đầu kể tiếp:
- Chẳng ngờ ác nghiệp của ta chưa tận! Lúc lão toan hạ thủ thì có một người xuất hiện! Ta sau này mới biết là sư đệ của lão tên gọi Vô Tình Kiếm Hoàng Kỳ! Hoàng Kỳ hay chuyện liền trách mắng lão rất nặng lời! Ta khi đó nghĩ Hoàng Kỳ dầu sao chỉ là sư đệ đồng môn không hiểu vì lẽ gì mà Cố Thiên Lượng rất sợ hãi! Lão ta quỳ xuống dập đầu lia lịa xin Hoàng Kỳ bỏ qua! Sau này ta mới biết, thì ra sư phụ của họ muốn truyền lại ngôi chấp chưởng Hoa Sơn! Ông ta đang phân vân giữa Hoàng Kỳ và Cố Thiên Lượng! Nếu chuyện này vỡ lỡ, hiển nhiên Hoàng Kỳ sẽ làm chưởng môn Hoa Sơn! Cố Thiên Lượng vì lẽ đó mà sợ hãi!
Văn Viễn liền kêu thầm trong bụng:
- Trước đây khi biết chuyện Ân Thương Bá vâng lệnh Cố Thiên Lượng hóa thân thành Lạc Tín Phủ đầu dưới trướng Hoàng Kỳ, ta cứ thắc mắc không hiểu vì sao? Thì ra do Hoàng Kỳ đã biết chuyện xấu này, thành thử lão ta mới cho đệ tử giám sát hòng ngăn chặn kịp nếu Hoàng Kỳ bếu rếu ra ngoài!
Lão ni lại ứa nước mắt mà nói:
- Tên Cố Thiên Lượng lòng dạ đê hèn nhưng sư đệ hắn lại là người tốt! Hoàng Kỳ khi rõ ràng mọi chuyện liền hết lời khuyên giải rồi chăm sóc ta cẩn thận! Y còn thuê một bà mụ đỡ đẻ cho ta! Ta sanh con xong, y nói, ta làm ni cô sao có thể giữ con bên mình được! Y cũng biết tánh của Cố Thiên Lượng sợ hắn sẽ làm bậy bèn giữ đứa bé lại! Y bắt Cố Thiên Lượng phải nhận nuôi đứa trẻ còn dạy Tử Hà Thần Công cho nó! Hoàng Kỳ từ đó chẳng bao giờ rời khỏi Hoa Sơn! Y thủy chung giám sát tỉ mỉ nên Cố Thiên Lượng chẳng dám chểnh mảng, dạy dỗ đứa bé rất cẩn thận!
Lão ni ôm ngực ho nghẹn đứt quãng không sao kể tiếp được. Thì ra từ đầu, Cố Thiên Lượng đã muốn giết bỏ cả mẹ lẫn con. Chỉ vì Hoàng Kỳ can thiệp, lại hơn hai mươi năm ở lỳ núi Hoa Sơn để giám sát nên lão chẳng thể ra tay được. Cố Thiên Lượng dùng kế độc thoát xác xúi giang hồ tranh đoạt Tử Hà Thần Công thật sự là nước cờ cao tay. Vừa khiến những tình địch theo đuổi đại tiểu thư chém giết lẫn nhau, vừa bức hại Trần Quang cùng Hoàng Kỳ. Lão ta trong bóng tối cứ ung dung hưởng lợi. Đấu đá đến kẻ chết người sống thì lão càng thích chí. Văn Viễn nghĩ ra không khỏi rùn mình hãi hùng:
- Lòng dạ con người sao có ác độc đến thế được!
Vương Y Nguyệt liền đặt tay lên vai ông an ủi:
- Thiên hạ này chuyện gì chẳng có, ngài không nên đa mang làm gì!
Văn Viễn thở dài mấy lượt thừa nhận Vương Y Nguyệt nói rất đúng. Ông lựa lời định an ủi lão ni nhưng nhìn lại Thiên Nhược sư thái đã tắt thở tự lúc nào. Văn Viễn bèn quỳ xuống khấu đầu chín cái. Ông tự thấy phận người sao lại lắm cảnh ai oán không sao hiểu nổi. Văn Viễn từ lúc bước chân vào giang nam đến nay đã thấy không ít cảnh sống chết. Chính tay ông cũng đã an táng không ít người. Duy, ông ngẫm lại hoàn cảnh của Trần Quang cùng Thiên Nhược sư thái thấy quá đổi bi thương. Ông càng nghĩ càng không kềm nổi nước mắt òa khóc nức nở. Vương Y Nguyệt chẳng biết vỗ về thế nào đành cứ để mặc ông khóc thỏa thích. Các ni cô lấp ló bên ngoài nghe tiếng khóc của Văn Viễn thì biết sự chẳng lành. Bọn họ lập tức ùa vào. Cả bọn thấy lão ni đã tạ thế thì ùa khóc dữ dội. Vương Y Nguyệt đứng giữa hai bên tự nhiên cũng phải ứa lệ theo.
Bản tính nàng ta cao ngạo ngoan cường hiếm khi bộc lộ cảm xúc. Nàng ta hiển nhiên không vì vài ba tiếng khóc của các ni cô mà khóc theo. Căn bản nàng đã đồng cảm với Văn Viễn nên mới ứa lệ. Nàng vừa khóc vừa nhìn Văn Viễn đang nước mắt ngắn dài tự nhiên lại muốn cung tay đánh ông một bạt tai:
- Cái tên này! Cái tên mọt sách không ra gì này!
Vương Y Nguyệt giơ tay toan đánh thì bỗng nhiên rụt tay lại ngơ ngác:
- Ta…! Ta vì sao lại muốn đánh hắn?
Văn Viễn thì chẳng hay biết gì. Ông ngó thấy Vương Y Nguyệt giơ tay lưỡng lự cứ ngỡ nàng ta muốn an ủi. Ông đang đau lòng thảm thiết liền gục mặt lên vai nàng khóc nức nở. Chỉ tội Vương Y Nguyệt lâm vào tình huống dỡ khóc dỡ cười. Nàng xô Văn Viễn ra thì không nỡ đành bấm bụng để ông khóc thỏa thê. Vương Y Nguyệt thân hình yêu kiều xinh đẹp chẳng thể bì nổi thân hình tầm thước của Văn Viễn. Ví như Văn Viễn lúc này bỗng nhiên bất tỉnh, đến mười Vương Y Nguyệt cũng khó lòng đỡ được.
Văn Viễn cùng các ni cô khóc kể xong thì ai lo phận nấy. Văn Viễn bái biệt am bồ tát mà ảo nảo lên đường. Ông mượn danh Thiên Nhược lão ni căn dặn các ni cô an táng lão ni và Trần Quang gần nhau. Hai mẹ con này sống không thể nhìn mặt chí ít ra chết đi cũng có thể nằm liền kề. Văn Viễn nghĩ vậy cũng thấy an ủi trong lòng.
Vương Y Nguyệt nhìn Văn Viễn đánh ngựa đi nét mặt bi đát bèn tìm cách làm ông vui. Nàng ta hết kể chuyện tiếu lại hát những khúc dân ca rộn ràng. Nhưng Văn Viễn chỉ gượng cười đáp lễ chẳng buồn mở miệng. Vương Y Nguyệt làm đủ trò đều bất lực bèn chỉ Văn Viễn đánh xe ngựa chếch lên hướng đông bắc. Quá hai canh giờ, xe ngựa đã đến một trấn tương đối sầm uất. Văn Viễn ngó thấy bia đá trước trấn đề ba chữ Trấn Sa Hà thì lẩm bẩm:
- Trấn Sa Hà! Trấn Sa Hà! Chẳng phải là thị trấn có con sông cát kỳ diệu đó ư?
Vương Y Nguyệt thấy Văn Viễn mở miệng thì mừng rỡ liền đáp:
- Không sai! Đã đến được đây thì chúng ta phải ngắm con sông cát đó một chút để khỏi uổng công!
Thị trấn này căn nguyên chỉ là chốn bình thường chẳng có gì nổi bật. Nó không nằm trên đường thông thương buôn bán cũng không mang danh lam thắng cảnh nào. Tuy nhiên, vào lúc nữ đế Võ Tắc Thiên đăng cơ bỗng nhiên ở đây lại xuất hiện một trận động đất nhẹ. Dãy đồi phía tây thị trấn sau đó bị sụt lún tạo thành một lòng chảo sâu hun hút. Điềm quái lạ là từ lòng chảo đó lại nổi lên hằng hà cát vừa nhỏ mịn lại bóng mẩy. Thứ cát này không ngừng trôi qua trôi lại trong lòng chảo như thể con nước theo gió ngược xuôi. Chính vì cảnh trí kỳ dị này trấn mới có tên Sa Hà, nhờ vậy nổi danh từ đó. Phàm ai ngang qua đều tạt vào thị trấn để nhìn cho được con sông cát nọ. Văn Viễn ngày trước đã được nghe danh trấn Sa Hà. Thành thử bây giờ tuy sầu nảo trong bụng nhưng vẫn háo hức muốn tận mắt nhìn rõ thực hư. Vương Y Nguyệt đánh trúng điểm này thì mừng rỡ liền thúc giục liên hồi.
Trấn Sa Hà có mấy quán trọ dựng sát lòng chảo cát nọ. Vương Y Nguyệt chọn một quán hẻo lánh nhất ra hiệu cho Văn Viễn tập xe ngựa vào. Văn Viễn đang có tâm trạng ủ ê nên không thích chổ đông người. Ông thấy Vương Y Nguyệt rất tâm lý nên càng cảm kích.
Chủ quán đang vắng khách nhác thấy Văn Viễn dừng xe liền tức tốc chạy ra tận cửa nghinh tiếp. Vương Y Nguyệt còn phát tay rộng rãi. Lão ta mừng thầm được mối tốt liền hầu hạ hết sức cẩn thận chu đáo. Chưa đầy nửa khắc sau, Văn Viễn cùng Vương Y Nguyệt đã được đường hoàng ngồi trong phòng thượng hạng với hằng hà thức nhắm đồ uống tuyệt hảo. Lão chủ quán còn ưu ái đem vò rượu Hỏa Phụng Liên đã ủ mấy mươi năm ra đãi khách. Hỏa Phụng Liên vừa gắt vừa cay nồng. Vương Y Nguyệt dầu biết rượu ngon nhưng chỉ nhấp một ngụm đã nhăn mặt nhăn mũi. Riêng Văn Viễn uống liền bốn năm bát lớn như thể rượu uống người.
Vò rượu mười cân Hỏa Phụng Liên trong nháy mắt đã bị Văn Viễn đổ hết ba cân qua cuống họng. Hàn nhiệt trong người ông bộc phát tống bớt một phần men rượu ra ngoài. Nhưng vì đây là Hỏa Phụng Liên được ủ lâu năm nên Văn Viễn vẫn bị ngấm say. Ông buông chén ngó qua cửa sổ nhìn sông cát lên xuống qua lại kỳ ảo tự nhiên thở dài thườn thượt. Bao nhiêu ai oán phẫn nộ dồn nén theo men rượu bộc phát, Văn Viễn gục đầu khóc nức nở. Vương Y Nguyệt bèn giục Văn Viễn uống rượu liên hồi. Ông chẳng thèm từ chối, bê cả vò Hỏa Phụng Liên đổ ào vào miệng. Lẽ hiển nhiên ba phần rượu vào thì có bảy phần chảy lai láng bên ngoài. Toàn thân Văn Viễn lúc này đã có một làn hơi sương mỏng bao phủ. Là hơi rượu bị hàn nhiệt đẩy ra. Vương Y Nguyệt ngửi phải tự nhiên cũng xây xẩm mặt mày.
Bỗng nhiên Văn Viễn ngưng uống. Ông đưa mũi sát vào vò rượu ngửi kỹ lưỡng. Vương Y Nguyệt liền cười xòa:
- Ta và ngài đều có khứu giác bẩm sinh nhạy bén! Ngài lại được Thiên Niên Trùng cắn, bản thân kháng mọi kịch độc trên đời! Lẽ nào ngài sợ có người chuốc độc ám toán hay sao?
Văn Viễn đã ngấm rượu nên phải ngửi đi ngửi lại mấy lần vẫn không hết nghi ngờ. Ông ngầm thử vận công thì giật mình kinh hãi. Hàn nhiệt đã bị ứ trệ ở các huyệt đạo lớn nhỏ không sao di chuyển được. Văn Viễn thả vò rượu rơi xuống sàn vỡ tan tành. Ông run rẩy nói:
- Huyết nham! Là…huyết nham…!
Văn Viễn đã mấy bận trúng phải huyết nham của Độc Ông nên chẳng thể nhầm lẫn được. Vương Y Nguyệt cũng rành rẽ y lý. Nàng nghe Văn Viễn nói vậy liền ngạc nhiên. Nàng ta thử nhóm người đứng dậy nhưng tức thì té bịch xuống ghế. Hai chân Vương Y Nguyệt đã tê buốt không sao cử động được. Trong chốc lát hai tay của nàng cũng uể oải chẳng thể nhấc lên nổi.
Văn Viễn còn chút hàn nhiệt ở đan điền nên tạm thời vẫn xoay trở được. Ông tức tốc nhoài sang cõng Vương Y Nguyệt trên lưng rồi tung cửa dùng khinh công chạy đi. Gian phòng này nằm tận lầu năm, Văn Viễn cõng Vương Y Nguyệt nhảy thẳng xuống nóc quán rượu lân cận làm đà mới có thể nhảy xuống đất an toàn. Ông kịp ngó thấy ba bóng người đang đuổi theo bén gót:
- Mau bắt tên mọt sách khốn kiếp đó lại!
Văn Viễn nhận ra là giọng nói của Độc Ông Thiên Phạt. Lão ta chạy trước, theo sau là hai nam nhân khác. Văn Viễn cố ngoái đầu nhìn lại thì rụng rời tay chân:
- Độc Ông, Lãnh Diện Lãng Ông, còn có cả tên Tứ Đường Chủ! Bọn chúng sao lại đi cùng nhau?
Quả thật, hai nam nhân theo sau Độc Ông chính là Tứ Đường Chủ Bách Tửu Độc Hành cùng Lãnh Diện Lãng Ông. Thật sự, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đã để lộ tung tích lúc ở am bồ tát. Văn Viễn khi đó nửa phẫn nộ, nửa bi thương nên không còn tâm trạng chú ý xung quanh. Vương Y Nguyệt lại chẳng có chút nội lực nào. Nàng ta tuy ngửi ra được mùi hương lạ nhưng ít lưu tâm. Dọc suốt đường đi, nàng cứ luôn miệng bày trò an ủi Văn Viễn. Vì vậy, cả hai bị theo dõi suốt mấy chục dặm đường chớ hề hay biết.
Bách Tửu Độc Hành đã biết lợi hại khứu giác của Văn Viễn. Cho nên, hắn mới bỏ tiền mua chuộc tên chủ quán đem rượu Hỏa Phụng Liên có chứa huyết nham lên cho Văn Viễn. Rượu Hỏa Phụng Liên cay nồng át đi dư vị của huyết nham. Chỉ đến khi thấy mạch tượng đập khác thường Văn Viễn mới nhận ra thì đã muộn màng. Huyết nham vốn là thứ dược chất giúp đông máu. Nó không phải độc dược nên hầu như không xung khắc với hàn nhiệt trong người Văn Viễn. Độc Ông Thiên Phạt ngày trước đã dùng nó mà bắt được Văn Viễn nên rất an tâm. Lão ta cùng Lãng Ông, Bách Tửu Độc Hành tuy thấy Văn Viễn chạy như gió cuốn nhưng vẫn cười thầm trong bụng. Cả ba độ chừng thêm một khắc nữa máu huyết bị nghẽn ở các yếu mạch, Văn Viễn tự động phải dừng lại.
Tuy nhiên, sau gần canh giờ, Văn Viễn vẫn chạy băng băng như tên bắn. Độc Ông, Lãng Ông, Bách Tửu Độc Hành không khỏi kinh hãi sợ bị mất dấu. Cả ba càng gia tăng cước lực đuổi theo bén gót. Vốn hàn nhiệt ở đan điền của Văn Viễn đã gần cạn. Ông liền theo lối vận khí của Phan Khôi Diện cố lưu dẫn hàn nhiệt ở các huyệt đạo nhỏ chưa bị phong bế. Hàn nhiệt ở những nơi này tuy ít nhưng khã dĩ vẫn dùng được. Hơn nữa, món khinh công Du Ảnh Biến chẳng tốn hao nhiều nội lực. Vì lẽ đó, Văn Viễn vẫn thừa sức cõng Vương Y Nguyệt chạy đi tìm chổ lánh thân. Dẫu vậy, mấy chục dặm đường quanh đây nếu không phải đất đá khô cằn thì là đồng hoang xơ xác, Văn Viễn chạy hơn hai mươi dặm đường vẫn chưa tìm được chổ nào ẩn mình được. Ông đành cắn răng cố chạy thật nhanh.
Vương Y Nguyệt toàn thân đều rã rời. Nàng ta tự biết bọn người chạy theo sau chỉ cốt ý bắt Văn Viễn. Nàng sợ bản thân cản trở Văn Viễn liền nói:
- Ngài mau bỏ ta lại! Bọn họ không biết ta là ai nên nhất định không làm khó dễ! Ngài mau mau chạy thoát thân đi!
Tình cảnh này khiến Văn Viễn nhớ lại lần đầu gặp Ngô Ân Ân. Ông cũng cõng Ân Ân trên lưng chạy trối chết trước sự truy đuổi của Độc Ông, Lãng Ông. Vương Y Nguyệt thấy Văn Viễn như lạc hồn vía lên mấy tầng trời liền quát:
- Ngài sao còn chần chừ! Mau mau bỏ ta lại mà chạy đi!
Văn Viễn vẫn còn chìm trong ký ức về Ngô Ân Ân. Ông nghe tiếng quát thì giật mình ngoái nhìn lại. Độc Ông, Lãng Ông, Bách Tửu Độc Hành đã theo kịp chỉ còn cách chưa tới một trăm bước chân. Vương Y Nguyệt quát mắng liên hồi. Văn Viễn vẫn cặm cụi cõng nàng ta chạy không hề có ý nghe lời. Vương Y Nguyệt giận quá liền nặng lời chửi mắng. Văn Viễn biết nàng chỉ cốt làm ông nổi giận mà vứt bỏ nàng ta ở lại để ông tiện bề thoát thân. Văn Viễn làm sao có thể nghe theo được. Thành thử, Vương Y Nguyệt có khản cổ mắng chửi, Văn Viễn thủy chung vẫn cõng chặt nàng ta trên lưng mình mà chạy:
- Tại hạ làm sao bỏ tiểu thư lại được!
Vương Y Nguyệt nổi giận chỉ muốn tát tai Văn Viễn mấy cái. Khổ nổi toàn thân nàng đều bị huyết nham phát tác nên hai tay chẳng cử động thuận tiện được. Nàng đành hậm hực định bụng khi xong chuyện sẽ bắt Văn Viễn đứng yên mà tát cho thỏa thích:
- Tên khờ này ai bảo ngươi liều mạng cứu ta?