Ðây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi: đầy hồi hộp và bấn loạn. Phải nói thêm là, tôi sống cách Sài Gòn khoảng hai trăm cây số về phía Bắc. Bởi vậy, hành trình từ nhà đến phi trường Tân Sơn Nhất khiến tôi mệt lả đi và làm hao mòn không ít hào khí “Cố lên Nhật Bản!” đang hừng hực. Ðã thế, tôi còn bị “hăm dọa” về nhiều thứ, đại loại như “sốc mây”. Bây giờ, khi không còn mấy xa lạ với phương tiện hàng không, ngẫm nghĩ lại tôi không khỏi phì cười.
Rốt cuộc thì tôi cũng ngủ ngon lành trên máy bay, bên cạnh một người đàn ông Mĩ tốt tính vừa kịp chuyện trò vài câu lúc máy bay cất cánh.
Từ trên cao nhìn xuống, Tokyo gọn gàng và xanh mướt thành từng mảng vuông vắn. Khí quyển của vùng này trong lắm. Trong vắt, đến nỗi có thể thấy rõ từng chiếc xe tải của nông dân đi thăm đồng đang chuyển động, nom bé xíu. Tôi hồi hộp dán mắt qua khung cửa máy bay, nhìn mây trôi lững lờ, mỏng tang và nắng vàng óng, dịu nhẹ phủ khắp dải đất phía dưới.
Sắp rồi!
Lòng tôi chộn rộn bởi cảm giác sắp hòa vào dòng người ở xứ sở mộng ước trong từng thước phim, trang truyện. Ðến nỗi, quên mất cảm giác hồi hộp, lo lắng. Ðến nỗi, quên mất đang một mình giữa một xứ người lạ hoắc. Ðến nỗi, quên mất năm ấy tôi mười bảy.
Tôi cảm thấy mình nhỏ xíu giữa phi trường Narita rộng lớn và chật ních người. Ông chú người Mĩ vẫy tay chào tôi trìu mến rồi vội vã sang chuyến bay chuyển tiếp để về nhà.
Tôi bắt đầu thấy hơi run. Run tới nỗi xếp nhầm vào hàng trình hộ chiếu của dân Nhật. Anh nhân viên hải quan từ tốn đưa hộ chiếu lại cho tôi bằng hai tay, rồi đưa bàn tay hướng về phía bàn cách đó vài hàng người và nói thứ tiếng gì đó nghe dễ thương như trong những bộ phim hoạt hình Nhật tôi từng xem. Anh hải quan mới, sau khi đóng cho tôi vài dấu mộc cũng trịnh trọng trao trả hộ chiếu và không quên cúi đầu chào mừng tôi đến với đất nước của anh. Tôi tự hỏi, rất ngô nghê, cả ngày, cả tháng, cả năm đều cúi chào như thế với nhiều thật nhiều người, anh có mệt hay phát chán không nhỉ? Nhưng rồi, tôi cũng có câu trả lời. Cúi chào là thói quen, và là nét văn hóa đẹp của dân Nhật rồi. Họ thấy trân quý và hãnh diện khi thực hành nếp văn hóa trang nhã này của xứ sở mình.
Người của đoàn đón tôi với ánh nhìn trìu mến và nụ cười rất Nhật Bản. Người Nhật, họ cười cả bằng môi và mắt. Lắm khi môi chưa kịp nhoẻn thì mắt đã ánh lên nụ cười. Nắng trời Nhật Bản vàng óng ban nãy cũng chỉ ấm áp đến chừng này mà thôi.
Ðợi chờ một lát, chuyến bay của vài người bạn đến từ các nước lân cận cũng đáp tới, chúng tôi hồ hởi leo lên chuyến xe buýt về khách sạn: không gì trọn vẹn, thú vị bằng ngắm nhìn cuộc sống của một nơi chốn qua cửa kính xe.
Tokyo vắng người quá, sao không sầm uất như tôi vẫn hằng tưởng nhỉ? Hỏi han cô bạn bản xứ, được biết, thì ra đang là giờ hành chính, mà dân Nhật thì cực kì nghiêm túc khi làm việc, nên đại đa số đang ở trong các cao ốc công sở cả. Ðó là một lí do vì sao lúc này lại ít thấy người trên đường. Lí do khác nữa là vì người ta đang… ở dưới lòng đất cả rồi. Là xe điện ngầm. Chằng chịt và đầy bí ẩn với tôi.
Khi tôi nói rằng mình đến Nhật, ai cũng đinh ninh về việc được ngắm hoa anh đào. Than ôi, nhưng vào mùa hè thì làm gì có hoa anh đào để mà ngắm. Song, bù lại, tôi được chìm đắm trong một thứ “đặc sản” quý hiếm khác của xứ sở này. Là nắng, nắng trời Nhật Bản.
Nắng ngày hè ở đây hãy còn dìu dịu, và đặc biệt là nắng rất trong. Dưới ánh nắng trời, những đôi mắt lúng liếng đầy tình ý, những miệng cười e ấp, những tiếng ríu rít trong trẻo của thiếu nữ như cùng hòa điệu với vẻ trong của nắng. Ðắm mình. Say sưa. Phải các cô gái nhà mình thì sẽ che chắn rất kĩ càng, để tránh cái nắng nhiệt đới chói chang thiêu đốt.
Cũng phải thôi. Mùa đông của Nhật lạnh lẽo và kéo dài, nắng ấm và trong veo thế này hiếm hoi lắm mới chịu ló mặt, chẳng trách nó làm say lòng những thiếu nữ thanh xuân rời rợi kia. Và nhất lại là nắng trong. Trong và tinh sạch lắm.
Ðêm buông xuống. Ngồi thừ bên bàn, tôi ngóng ra phía cửa sổ áp kính lặng thinh, nhìn khoảng trời cao vút vằng vặc trăng soi. Hãy còn vương mệt mỏi sau chuyến bay thẳng dài năm tiếng, mà cảm giác nhớ nhung bất giác vồ vập.
Lúc ấy, thưở mười bảy, tôi không nghĩ rằng mình có thể hoàn toàn thấu cảm hết thảy những giai điệu của Trịnh Công Sơn. Nhưng thực sự rung động trong thời khắc ấy là có thật. Là Chiếc lá thu phai.
“Về đây đứng ngồi
Ðường xa quá ngại
Ðể lòng theo chút nắng bên ngoài
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai…”
Cái tâm tư của một người lặn lội nơi đất khách quê người, kì diệu thay, qua từng con chữ mà Lệ Thu hát lại thấm rõ mồn một trong tâm thức của tôi. Trăn trở, mỏi mệt, bồn chồn. Và cả những mong ngóng, hoài vọng. Thoáng rùng mình, tôi áp má vào khoảng trời bên ngoài, miên viễn dõi theo từng chiếc máy bay cất cánh cao vút. Ðời người là những chuyến đi. Thôi thì, cứ đi đi, đến khi nào ta vẫn còn có thể dấn bước.
Tôi thiếp đi trong tiếng nhạc êm đềm và ánh trăng se sắt qua rèm cửa.
Sáng hôm sau, cùng những người bạn mới quen, tôi di chuyển từ sớm ra sân bay Haneda, một sân bay nội địa của Nhật, để bay sang tỉnh Okinawa, nơi hiện đang có quân đội Mĩ đóng quân. Vùng đất này thời tiết từa tựa như miền Nam của Việt Nam, là một địa danh du lịch đẹp của Nhật. Tôi chủ yếu ở đây trong suốt thời gian lưu lại Nhật.
Mảnh đất Okinawa tràn đầy nắng ấm, bãi biển trải dài xanh ngan ngát. Những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi, trả lại khung trời hửng nắng. Cầu vồng là thứ tôi gặp thường xuyên trên bãi biển nơi đây.
Tuần đầu tiên, chúng tôi dừng chân tại Itoman Youth House. Tại đây, chúng tôi tập làm quen với cuộc sống tập thể, dần dà thích nghi với sự khác biệt về văn hóa, những điều cấm kị về tôn giáo, sắc tộc. Ví dụ, bạn không được chạm vào người một cô gái đạo Hồi, thay vì bắt tay thì chỉ được chắp tay chào. Hay, người Lào thường dùng muỗng và nĩa, họ chỉ dùng đũa khi ăn mì. Ở đây, chúng tôi học theo kiểu practice to learn (làm để hiểu), nhờ vậy mà nhớ rất lâu và dai.
Tuần thứ hai, chúng tôi đi thuyền ra đảo Tokashiki, một thắng cảnh đẹp của Okinawa. Khu chúng tôi ở lại là một trung tâm dã ngoại dành cho học sinh, sinh viên. Các tòa nhà cách nhau khá xa nhưng việc đi lại giữa những thảm cỏ xanh rì và hai hàng cây được tỉa cắt gọn gàng, dưới ánh chiều tà đỏ tía một góc trời lại chẳng làm tôi mấy khó chịu hay mệt mỏi. Từ tầng thượng của tòa nhà hội trường, có thể phóng một góc nhìn xa xăm ra biển Tokashiki và chân trời xanh mướt một màu mây trắng xóa. Tôi vẫn thường cùng ngắm nghía từng ấy thứ với cô bạn Fillipino.
Phần thời gian còn lại, chúng tôi được chuyển sang ở những nơi có không gian riêng hơn sau khi trải qua giai đoạn huấn luyện đời sống tập thể. Lần lượt là Yumeya Resort và Okinawa Hotel. Trên đường đi từ bến tàu về resort, chúng tôi có đi ngang một chỗ đóng quân của quân đội Mĩ. Yên ắng và vắng lặng. Nhác thấy bóng một hay hai anh binh sĩ Mĩ đang rảo bước đi ở hành lang bên ngoài, nom có vẻ đang đi dạo hơn là đi hành quân hay thi hành một nhiệm vụ nào đó. Trừ khi, thong dong đón gió cũng là một nhiệm vụ.
Tôi nghe kể, dân chúng Okinawa đã và đang đấu tranh về việc di dời căn cứ quân sự Mĩ khỏi vùng đất này, vì nhiều lẽ. Chẳng hạn như, tiếng máy bay quân sự gây ồn ào, hay các vụ rơi máy bay liên tục xảy ra khiến cho nguy hiểm lúc nào cũng rập rình.
Trước khi về Yumeya Resort chuẩn bị cho bài báo cáo cuối khóa, chúng tôi được ra đảo Ie để tham gia hoạt động “homestay”. So với lần ra đảo Tokashiki, lần này tôi có vẻ quen hơn với việc đi lại trên tàu, không còn cảm thấy nhờn nhợn, chóng mặt vì say sóng nữa.
Nhớ lần trước, tôi phải vạ vật trong khoang toilet để “chạy đi” nhanh nhất có thể. Hết vạ vật ở đấy, tôi lại ngồi bệt trên sàn tàu, đón cái nắng âm ấm và nghe sóng biển tạt nhẹ lớp hơi muối lên da lạnh buốt. Giá mà có vài con hải âu chờn vờn bên cạnh cơn mệt lúc ấy, chắc tôi đã tự huyễn tưởng mình là gã Robinson Crusoé mất rồi.
Lần ra đảo Ie này, tôi khấm khá hơn, có thể bỏ chỗ ngồi trong khoang hành khách mà tung tăng đi lại vòng quanh, lên boong tàu chơi đùa, tận hưởng và chụp thật nhiều hình ảnh với các bạn. Thi thoảng, vài ngọn sóng bạc đầu ham vui ào lên sàn tàu làm cả bọn la lên đầy thích thú và khoái chí với cảm giác lạnh tê buốt và ẩm ướt của nước biển. Tôi và cô bạn người Úc vẫn kịp hài hước diễn lại hình ảnh huyền thoại của nàng Rose và chàng Jack trong kinh điển Titanic. Tình yêu và điện ảnh là một cây cầu nối kết những trái tim, bất kể dân tộc, tôn giáo.
Chúng tôi mải mê chơi đùa, nghịch sóng, nghịch nắng cùng nhau cho đến lúc tiếng còi tàu rúc từng hồi dài rền vang và đất liền hiện ra ngay trong tầm mắt. Tất cả vội vã quay lại khoang hành khách, chuẩn bị chờ tàu cập cảng.
Tôi quay lại chỗ ngồi của mình, cạnh bên các vị khách bản xứ, thay vì ngồi theo cả nhóm với các bạn trong đoàn. Một phụ nữ trung niên ngồi bên tay trái vừa nhác thấy dáng tôi, đôi mắt đã sáng lên ánh mừng rỡ với nụ cười ái ngại. Cô chỉ tay vào cái ba lô bên cạnh tôi và cúi đầu ra hiệu rằng: “Này, của cậu này”.
Tôi hoàn toàn bất ngờ với hành động và cử chỉ của cô ấy. Thực ra, trong ba lô chỉ toàn giấy tờ học tập, nên tôi đã chẳng mảy may để ý hay lo lắng khi để lại ghế ngồi và bỏ đi tung tăng cùng các bạn. Vậy mà, một phụ nữ Nhật Bản chẳng quen biết lại tự nguyện coi chừng nó mãi cho đến lúc tôi quay trở lại để dùng ánh mắt trao tận tay. Bất ngờ và cảm động, tôi chỉ còn biết cúi chào cô thật sâu theo những gì đã học được. Cô cũng tươi cười cúi chào tôi và lắc lắc hai bàn tay tỏ ý “không có gì đâu”. Dù không lời nói nào được cất lên, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự vui vẻ và nhiệt tình của cô.
Ở chung một nhà với tôi là một bạn người Brunei và một bạn người Nhật, dân vùng Aichi. Một bà mẹ Nhật dáng người thâm thấp, phốp pháp và gương mặt phúc hậu đón chúng tôi. Chúng tôi gọi bà là “mama”.
Mama chở cả ba đứa tôi đi thăm đồng trên chiếc Toyota của bà.
Cánh đồng ở đây trải dài và rộng, ít bị chia cắt thành mảnh nhỏ, hệ thống tưới tiêu rất vững chãi và dồi dào. Rải rác trên cánh đồng là các máy bán nước tự động nạp tiền xu. Mama chậm rãi chỉ trỏ khắp nơi về các dự án mới mẻ của Ie, còn cậu bạn đến từ Aichi liên tục dịch lại cho tôi và Baddhi (cậu bạn Brunei). Tiếng máy lạnh của xe Toyota phả ra đều đều, và con đường trải nhựa phẳng lì phía trước làm tôi thoắt nghĩ đến nụ cười móm mém của ông ngoại mỗi lần đi thăm đồng về trên đường bờ ruộng nhỏ hẹp.
Mama đưa chúng tôi đi mua đồ ăn sau chuyến thăm đồng. Trong cửa hàng tiện ích, bà hào hứng chỉ tay vào khu mì ăn liền, cười toe với tôi: “Betonamu Pho!” (Phở Việt Nam nè con!). Tôi cũng phì cười và gật đầu thích thú. Mama giơ ngón tay cái và nói bập bẹ: “Delicious!” (Ngon lắm!). Tôi cười vang thành tiếng: “Arigatou, mama” (Con cảm ơn mama!). Lòng thầm nghĩ, giá mà mama có dịp ăn phở - là phở tươi - thì hẳn bà sẽ phải khen, trên cả “delicious” nữa kìa.
Ngủ với gia đình mama được hai đêm, chúng tôi phải quay lại Yumeya Resort cho bài báo cáo.
Ngày chia tay, ba đứa con trai cứ dính lấy mama chẳng rời. Người ta khóc khi buồn, có đôi khi vui quá cũng rơi nước mắt. Hôm ấy, mama khóc nhưng miệng thì vẫn nhoẻn cười. Tàu bắt đầu rời cảng nhưng mama vẫn đứng ngay cầu tàu mà vẫy tay hoài về phía ba đứa tôi cho đến khi bà chỉ còn là một chấm nhỏ trong mắt tôi.
Những ngày cuối ở Yumeya Resort và Okinawa Hotel, mấy cô em Nhật Bản đã bắt đầu tíu tít đi xin chữ kí lên áo thun, thật giống với học trò nhà mình mỗi năm hè đến. Vài cô còn dễ thương hơn: viết thiệp gửi trao.
Ngày chia tay, cả đám học sinh quốc tế và học sinh Nhật ôm nhau sụt sùi. Mấy anh trai người Nhật trong nhóm lần lượt đi cúi chào từng bạn quốc tế, cảm ơn và tạ từ. Một phong thái rất chững chạc và khí phách.
Ðoàn học sinh quốc tế chúng tôi lại trở về Tokyo, ở trong khách sạn cũ. Nghỉ ngơi một đêm, hôm sau, ai nấy sẽ lại theo những chuyến bay khác nhau trở về đất nước của mình.
Ðó là một đêm trắng. Tất cả cùng ngồi bên nhau quanh một căn phòng, trò chuyện rôm rả chẳng rời.
Ðến sáng, lần lượt, hễ ai phải ra sân bay là cả bọn đều ra trước cổng khách sạn tiễn chân. Lại là những lưu luyến chẳng nói thành lời.
Chỉ còn lại năm người nằm trong tốp cuối cùng ra sân bay. Và trong số ấy, tôi là người bay cuối cùng. Tiễn đưa các bạn chán chê, tôi lại một mình quây quần với nỗi buồn người ở lại. Cảm giác tiễn đưa thật không dễ chịu gì.
Hai người đàn ông người Nhật, cũng là hai người trong đoàn đã đón tôi ở sân bay ngày tới, tiễn tôi lên máy bay. Họ ân cần đưa tôi đi làm thủ tục và dẫn tôi đến cửa hải quan. Trước khi từ giã, tôi không quên từ tốn cúi chào họ, “Arigatou gozaimasu”(Xin cảm ơn rất nhiều). Họ đứng thẳng người lại rồi cùng chào tôi, “Please be back to Japan” (Xin mời trở lại Nhật Bản).
Tôi lẫn vào dòng người đi qua khu cách li, hai người đàn ông kia vẫn dõi theo cho đến lúc tôi vẫy tay lần cuối cùng và nhận được cái cúi chào đầy thân ái.
Tôi lặng đi giữa sảnh sân bay thênh thang, nghe sao buồn trên hai mi mắt. Tâm trí đầy ắp những hình ảnh trong suốt một tháng qua, tôi đã thực sự sống và hòa nhập trên mảnh đất dễ mến này. Từng ánh mắt, môi cười, cái ôm, cái siết tay, cái cúi chào, giọng nói thỏ thẻ. Niềm vui và nước mắt. Nỗi buồn và nụ cười…
Bây giờ là đang buổi tối mà sao tôi vẫn thấy ánh nắng quanh mình.
Nắng trời Nhật Bản thật ấm áp.