Đời Ảo Chương 72


Chương 72
“Rồi sau nó sẽ ập tới. Những cơ hội bỏ lỡ. Những điều có thể đã xảy ra. Nhưng tôi muốn anh nhớ như thế này: Bố anh thật may mắn mới có anh.”

Giám đốc nhà tang lễ cũng là người đã sắp xếp đám tang của mẹ tôi. Ông tử tế, nồng nhiệt, tóc đen đậm và hàng ria rậm cứng. Tên ông ta là Frank - “cùng tên với bố cậu”, như lời ông nói. Ông dẫn tôi vào phòng khách của nhà tang lễ, trông giống như nhà ở ngoại ô chưa có đồ đạc đầy đủ, với thảm phương Đông và đồ sẫm màu, một vài phòng trên hành lang chính. Văn phòng ông nhỏ và tối, với tủ hồ sơ bằng thép lỗi thời và vài bức tranh sao chép đóng khung vẽ hình thuyền và phong cảnh. Ông không có điểm nào giả tạo; thực sự tỏ ra thông hiểu tôi. Frank kể chút ít về lúc bố ông mất, sáu năm trước, và bảo chuyện đó khó khăn như thế nào. Ông đưa tôi một hộp khăn giấy Kleenex nhưng tôi không cần. Ông ghi chép về cáo phó trên báo - tôi thầm tự hỏi ai sẽ đọc nó, ai sẽ thực sự quan tâm - và chúng tôi chọn xong lời lẽ. Tôi cố nhớ tên chị của bố, bà cũng đã mất rồi, cả tên bố mẹ ông, người tôi gặp không đến mười lần trong đời, và chỉ biết gọi là “bà nội” và “ông nội”. Quan hệ của bố với ông bà căng thẳng, nên chúng tôi hiếm khi gặp họ. Tôi hơi lờ mờ về lịch sử công việc dài và phức tạp của bố, nên tôi có thể đã bỏ qua trường ông từng dạy, nhưng tôi nhớ được những nơi quan trọng.

Frank hỏi về lý lịch quân sự của bố, và tôi chỉ nhớ rằng ông từng tham gia huấn luyện cơ bản ở doanh trại nào đó và chưa từng đi đâu đánh trận, và ông ghét quân đội thậm tệ. Frank hỏi liệu tôi muốn phủ cờ lên quan tài không, bố tôi có quyền được như thế vì là cựu chiến binh, nhưng tôi bảo không. Bố hẳn sẽ không muốn có cờ trên quan tài mình. Ông hẳn sẽ xỉ vả điều đó, hẳn sẽ nói những điều như, “Mày nghĩ tao là ai, John F. Kennedy nằm trong tang lễ cấp liên bang khốn kiếp à?” Frank hỏi liệu tôi muốn quân đội chơi điệu “Taps” không, bố cũng có quyền được như thế, và ông bảo thời nay không có lính kèn, và họ thường bật đĩa thu ở bên mộ. Tôi bảo không, bố cũng sẽ không muốn “Taps” đâu. Tôi bảo Frank rằng mình muốn tang lễ và những chuyện khác tổ chức càng sớm càng tốt, ngay khi ông sắp xếp được. Tôi muốn cố nhanh cho xong.

Frank gọi nhà thờ Thiên Chúa nơi chúng tôi tổ chức đám tang cho mẹ tôi và lên kế hoạch lễ tang vào hai ngày tới. Không có họ hàng nào ngoài thành phố, ít nhất như tôi biết; những người duy nhất còn lại là vài người anh em họ và một bà cô ông chả gặp bao giờ. Có vài người tôi cho có thể coi là bạn ông, dù họ chưa nói chuyện với nhau hàng năm trời rồi; họ đều sống quanh đây. Frank hỏi bố tôi có y phục nào tôi muốn chôn cùng ông không. Tôi bảo có thể. Tôi sẽ xem lại.

Rồi Frank đưa tôi xuống cầu thang tới một dãy phòng trưng bày quan tài. Tất cả đều to và sặc sỡ, đúng kiểu bố hẳn sẽ lấy ra làm trò cười. Tôi còn nhớ hồi mẹ tôi mất, ông từng rủa xả ngành tang lễ và coi nó là trò gian lận khổng lồ, về cách người ta bơm giá cắt cổ cho các cỗ quan tài đằng nào cũng bị chôn xuống đất, thế thì để làm gì chứ, ông còn nghe nói họ thường thay thế quan tài đắt tiền bằng đồ rẻ tiền bằng gỗ thông khi bạn không để ý. Tôi biết không đúng vậy - tôi đã thấy quan tài của mẹ hạ xuống, và đất được xúc lên, và tôi không nghĩ có vụ lừa đảo nào xảy ra nổi trừ phi người ta đến lúc nửa đêm và đào nó lên, tôi thấy khó tin lắm.

Vì sự ngờ vực này - dù sao cũng là cái cớ của ông - bố chọn quan tài thuộc loại rẻ nhất cho mẹ, gỗ thông rẻ tiền nhuộm cho giống gỗ gụ. “Tin tao đi,” ông nói với tôi ở nhà tang lễ khi mẹ tôi mất, khi tôi còn đang khóc sướt mướt. “Mẹ mày không thích lãng phí tiền bạc đâu.”

Nhưng tôi sẽ không làm thế với ông, dù ông đã mất và không biết được sự khác biệt. Tôi lái xe Porsche, tôi sống trong căn hộ khổng lồ ở Harbor Suites, và tôi có thể mua được một cỗ quan tài tốt cho bố mình. Với số tiền tôi kiếm được từ công việc ông không ngừng xỉ vả. Tôi chọn quan tài gỗ gụ trông sang trọng, bên trong có thứ được gọi là “hộp kỷ niệm”, một ngăn tủ để người ta đặt những đồ từng thuộc về người đã khuất.

Vài giờ sau, tôi lái về nhà và trèo lên cái giường chẳng bao giờ được dọn dẹp và lăn ra ngủ. Cuối ngày hôm đó, tôi lái tới căn hộ của bố và lục lọi trong tủ quần áo, tôi chắc khá lâu rồi không ai mở nó ra, và thấy một bộ com lê màu xanh trông rẻ tiền tôi chưa thấy ông mặc bao giờ. Trên mỗi vai đều có dải bụi. Tôi tìm được áo sơ mi nhưng không có cà vạt - tôi không nghĩ ông từng bao giờ đeo cà vạt - nên tôi quyết dịnh lấy một cái của mình. Tôi lục khắp căn hộ tìm những thứ mình nghĩ ông muốn chôn cùng. Một bao thuốc lá, có lẽ vậy.

Tôi cứ sợ đến căn hộ sẽ khó khăn lắm, rồi tôi sẽ lại bật khóc. Nhưng tôi chỉ buồn não lòng khi thấy những gì ông để lại ít ỏi như thế nào - mùi thuốc lá phảng phất, xe lăn, ống thở, ghế bành hiệu Barcalounger. Sau nửa tiếng khổ sở trong đống đồ của ông, tôi bỏ cuộc và quyết định mình sẽ không đặt gì vào “hộp kỷ niệm”. Cứ để nó trống trỗng như một biểu tượng, sao lại không?

Khi về đến nhà, tôi lấy chiếc cà vạt mình ít yêu thích nhất, cà vạt xanh-và-trắng trông vừa đủ u sầu, và tôi không tiếc bỏ đi. Tôi không muốn quay lại nhà tang lễ nên mang nó xuống bàn của người giữ cửa và bảo đem chuyển nó đi.

Ngày hôm sau là ngày viếng người đã khuất. Tôi tới nhà tang lễ sớm hơn bắt đầu hai mươi phút. Nơi này bật điều hòa tới mức gần như lạnh buốt, và sực mùi chất làm thơm phòng. Frank hỏi tôi muốn “kính viếng” bố một mình không, và tôi đồng ý. Ông chỉ về một căn phòng bên kia hành lang. Khi vào phòng, thấy quan tài đang mở, tôi như bị giật điện. Bố nằm đó mặc bộ com lê rẻ tiền màu xanh và đeo cà vạt sọc xanh của tôi, tay vắt chéo trên ngực. Tôi thấy cổ họng mình sưng lên, nhưng thoáng qua nhanh chóng, và tôi không bật khóc, thật lạ lùng. Tôi chỉ thấy trống rỗng.

Ông nhìn không thật chút nào, nhưng người ta chẳng bao giờ, chẳng bao giờ như thế cả. Frank hay bất cứ ai chịu trách nhiệm đã làm tốt việc mình - không bôi quá nhiều sáp môi hay gì đó - nhưng trông bố vẫn giống một bức tượng trưng bày bằng sáp trong viện bảo tàng Madame Tussaud, giữa những hình nhân giống thật nhất. Sinh khí đã rời khỏi cơ thể và người làm tang lễ không thể làm gì để đưa nó quay trở lại. Mặt ông “hồng hào” giả tạo. Dường như trên môi điểm son nâu nhạt. Ông nhìn ít giận dữ hơn khi ở bệnh viện, nhưng họ vẫn không thể làm ông trông thanh thản được. Tôi đoán họ chỉ làm được có hạn để duỗi đôi lông mày khỏi nhăn lại. Da ông giờ đây lạnh giá, và bợt bạt hơn lúc ở bệnh viện. Tôi do dự một lúc rồi hôn má ông; cảm giác lạ lùng, không tự nhiên, không sạch sẽ.

Tôi đứng đó nhìn cái vỏ xác thịt, cái bao bị vứt bỏ này, đó là cái kén từng chứa đựng linh hồn bí ẩn và đáng sợ của bố mình. Và tôi bắt đầu nói chuyện với ông, vì tôi đoán hầu hết tất cả những người con đều nói chuyện với bố khi ông mất. “Bố ạ,” tôi nói. “Cuối cùng bố cũng rời khỏi đây. Nếu thực sự có cuộc sống sau khi chết, con hy vọng bố sẽ hạnh phúc ở đó hơn nơi này.”

Tôi thấy thương tiếc cho ông, có lẽ đó là điều tôi không bao giờ cảm nhận được khi ông còn sống. Tôi nhớ vài lần ông thực sự hạnh phúc, khi tôi còn nhỏ và ông kiệu tôi đi chơi. Rồi lần đội bóng của ông đoạt giải vô địch. Vài lúc như vậy. Nhưng ông hiếm khi cười, trừ khi phá lên điệu cười cay đắng. Có lẽ ông cần dùng thuốc chống suy nhược, có lẽ đó chính là vấn đề của ông, nhưng tôi ngờ lắm. “Con không hiểu được bố nhiều,” tôi nói. “Nhưng con thực sự đã cố hiểu.”

Chẳng mấy ai đến trong ba giờ đồng hồ đó. Có vài người bạn từ thời trung học của tôi, một số đi với vợ, và hai người bạn đại học. Bà dì Irene tới một lúc và bảo, “Bố cháu thật may mắn khi có cháu.” Giọng bà hơi mang chất Ailen và bà dùng loại nước hoa sặc mùi mà các quý bà nhiều tuổi hay dùng. Seth đến sớm và về muộn, ở bên cạnh tôi. Cậu ta kể chuyện về bố cố làm cho tôi cười, những giai thoại từ thời ông còn làm huấn luyện viên, những chuyện đã thành truyền kỳ giữa bạn bè tôi ở trường Bartholomew Browning. Có lần ông lấy bút đánh dấu và vẽ một đường thẳng ngay giữa mặt nạ của một thằng nhóc, một đứa ngốc nghếch tên là Pelly, rồi xuống đồng phục tới tận giày, và xuống cỏ thành đường dài dọc sân bóng, thậm chí dù bút dánh dấu không để lại vết trên cỏ được, và ông nói, “Em chạy hướng này, Pelly, hiểu không? Đây là hướng em chạy.”

Có lần ông gọi hội ý rồi đi tới một cầu thủ bóng bầu dục tên là Steve, nắm lấy mặt nạ cậu ta và bảo, “Em có ngu không, Steve?” Rồi không đợi Steve trả lời, ông giật mặt nạ lên xuống, khiến Steve gật đầu như con búp bê. “Có, thưa huấn luyện viên,” ông the thé giả giọng Steve. Cả đội thấy hài hước và phần lớn phá lên cười. “Có, em ngu.”

Có ngày ông gọi hội ý giữa trận khúc côn cầu và la mắng một thằng nhóc tên là Resnick vì chơi quá thô bạo. Ông vớ lấy gậy côn cầu của Resnick nói, “Anh Resnick, nếu tôi còn thấy anh đâm cầu thủ khác bằng chuôi gậy” - và ông thọc mạnh gậy vào bụng Resnick, ngay lập tức khiến nó bị nôn - “hay đầu gậy” - và ông lại thúc gậy vào bụng nó - “tôi sẽ tiêu diệt anh.” Và Resnick nôn ra máu, và rồi nôn khan. Không ai cười cả.

“Ờ,” tôi nói. “Ông thật vui tính nhỉ?” Lúc này tôi muốn cậu ta đừng kể nữa, và may mắn thay, Seth ngừng lời.

Buổi tang lễ sáng hôm sau, Seth ngồi bên cạnh tôi trên ghế nhà thờ, bên kia là Antwoine. Vị linh mục tóc bạc và đạo mạo, trông như một vị bộ trưởng trên ti vi, là Cha Josepth Iannucci. Trước đám tang, Cha gọi tôi sang bên và hỏi đôi chút về bố - “tín ngưỡng”, ông trông như thế nào, ông kiếm sống ra sao, ông có sở thích nào không, những câu hỏi như thế. Tôi bí rì rì.

Có khoảng hai mươi người trong nhà thờ, vài người là giáo dân đến dự tang lễ và không biết bố. Vài người khác là bạn tôi thời trung học và đại học, rồi bạn bè trong vùng và bà lão nhà bên cạnh. Một người “bạn” của bố đến, ông ta từng ở câu lạc bộ Kiwanis cùng bố cách đây nhiều năm, cho đến khi bố bỏ đi vì tức giận chuyện vặt vãnh nào đó. Ông thậm chí còn không biết bố bị ốm. Có vài anh em họ lớn tuổi tôi chỉ lờ mờ nhận ra.

Seth và tôi hộ tang cùng với những người ở nhà thờ và nhà tang lễ. Trước cửa nhà thờ có một vòng hoa - tôi không biết tại sao nó lại ở đấy, có người gửi hoa hay do nhà tang lễ mang đến.

Đám tang là một nghi lễ dài không tưởng nổi, đầy đứng lên với ngồi xuống và quỳ, có lẽ để bạn không ngủ gục. Tôi mệt lử, mờ mịt, vẫn còn sốc nặng. Cha Iannucci gọi bố là “Francis” và vài lần đọc tên đầy đủ của ông, “Francis Xavier”, như thể muốn bảo ông là tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo chứ không phải lão vô thần mà mối liên hệ duy nhất với Chúa là gọi tên Người trong những lời rỗng tuếch. Cha nói, “Chúng ta đều thương tiếc khi phải chia tay với Francis, chúng ta đau buồn trước sự ra đi của ông, nhưng chúng ta tin rằng ông đến với Chúa, rằng ông tới một nơi tốt đẹp hơn, và giờ ông cùng chia sẻ sự hồi sinh của Chúa bằng một cuộc sống mới.” Cha hỏi, “Tại sao Francis phải chịu đựng nhiều như vậy trong những tháng cuối cùng của cuộc đời?” rồi trả lời điều gì đó về sự chịu đựng của Chúa và nói “Chúa không bị đánh bại hay khuất phục trước khổ đau.” Tôi không rõ ông muốn nói điều gì, nhưng tôi cũng không lắng nghe lắm. Tôi thần người đi.

Khi kết thúc, Seth ôm tôi, rồi Antwoine ôm và bắt tay tôi thật chặt, và tôi ngạc nhiên khi thấy một giọt nước mắt rớt xuống trên mặt anh chàng to con này. Tôi không khóc suốt cả buổi lễ; tôi không hề khóc cả ngày hôm nay. Tôi thấy mình như bị gây mê. Có lẽ với tôi chuyện đã qua rồi.

Dì Irene run rẩy ra chỗ tôi và nắm lấy tay tôi bằng cả hai tay mềm yếu da đã đồi mồi. Son đỏ chót trên môi bà được tô bằng bàn tay run rẩy. Mùi nước hoa sặc sụa đến mức tôi phải nín thở. “Bố cháu rất tốt,” bà nói. Bà dường như đọc được gì đó trên mặt tôi, sự nghi ngờ tôi không định để lộ, và bảo, “Ta biết ông không phải là người dễ dàng chấp nhận tình cảm của mình. Ông không thoải mái khi biểu lộ cảm xúc. Nhưng ta biết ông yêu cháu.”

Được rồi, nếu dì nhất định thế, tôi nghĩ, rồi cười và cảm ơn bà. Ông bạn của bố ở Kiwanis, một người to lớn trạc tuổi bố nhưng nhìn phải trẻ hơn tới hai mươi tuổi, nắm lấy tay tôi và bảo: “Xin chia buồn với cháu.” Thậm chí cả Jonesie, người công nhân ở khu bốc dỡ của hãng Viễn thông Wyatt cũng đến với vợ, Esther. Cả hai đều nói chia buồn với tôi.

Tôi đang rời nhà thờ, chuẩn bị vào xe limousine để theo xe tang đến nghĩa trang thì thấy một người ngồi ở hàng ghế cuối. Người này tới sau khi tang lễ bắt đầu một lúc, nhưng từ xa, dưới ánh đèn tối bên trong nhà thờ, tôi không nhìn rõ mặt ông.

Ông quay lại và bắt gặp ánh mắt tôi.

Đó là Goddard.

Tôi không tin nổi. Ngạc nhiên và cảm động, tôi chầm chậm bước đến chỗ ông. Tôi mỉm cười, cảm ơn ông đã tới. Ông lắc đầu, xua tay từ chối lời cảm ơn.

“Tôi tưởng ông ở Tokyo?” tôi nói.

“Ôi dào, đâu phải bộ phận châu Á Thái Bình Dương chưa bắt tôi đợi hết lần này đến lần khác.”

“Tôi không...” Tôi lóng ngóng, hoài nghi. “Ông xếp lại lịch công tác?”

“Một trong những điều ít ỏi tôi học được trên đời là biết xác định thứ tự ưu tiên quan trọng như thế nào.”

Tôi không nói nổi nên lời trong phút chốc. “Sáng mai tôi sẽ quay lại công ty,” tôi nói. “Có lẽ hơi muộn, vì chắc tôi phải giải quyết một số chuyện...”

“Không sao,” ông bảo. “Cứ từ tốn mà làm. Chậm thôi.”

“Tôi ổn rồi, thật đó.”

“Nên tử tế với chính mình, Adam. Chúng ta sẽ xoay xở được khi vắng anh ít lâu.”

“Không phải - không giống chuyện với con trai ông đâu, Jock. Ý tôi là bố tôi đã ốm yếu vì bệnh khí thũng khá lâu rồi, và... thế này thực tốt hơn. Ông ấy cũng muốn ra đi.”

“Tôi biết cảm giác đó,” ông khẽ khàng nói.

“Chúng tôi thực tình cũng không thân thiết đến thế.” Tôi nhìn quanh bên trong nhà thờ tối lờ mờ, những hàng ghế gỗ, các bức tranh vàng và đỏ trên tường. Vài người bạn đang đứng ở cửa đợi nói chuyện với tôi. “Tôi có lẽ không nên nói như vậy, đặc biệt là ở đây, đúng không?” Tôi cười buồn bã. “Nhưng ông ấy không phải là người dễ gần, ông già khắc nghiệt, như thế chuyện ông mất với tôi cũng dễ dàng hơn. Tôi cũng không suy sụp hoàn toàn hay gì cả.”

“Ồ, không, như thế càng khó khăn hơn, Adam. Rồi anh sẽ thấy. Khi mà tình cảm của anh lại phức tạp đến thế.”

Tôi thở dài. “Tôi không nghĩ tình cảm của mình với ông ấy là - từng là - phức tạp.”

“Rồi sau nó sẽ ập tới. Những cơ hội bỏ lỡ. Những điều có thể đã xảy ra. Nhưng tôi muốn anh nhớ như thế này: Bố anh thật may mắn mới có anh.”

“Tôi không cho là ông ấy nghĩ mình...”

“Đúng vậy. Bố anh, ông ấy là người may mắn.”

“Tôi chẳng nghĩ thế đâu,” tôi nói, và đột nhiên, không hề báo trước, cái van bị khóa trong tôi trượt đi, con đập vỡ tan, nước mắt tôi trào lên. Mặt đỏ bừng xấu hổ vì nước mắt cứ chảy xuống mặt, tôi thốt lên, “Xin lỗi, Jock.”

Ông đưa cả hai tay lên đặt trên vai tôi. “Nếu anh không khóc được, anh không còn sống nữa,” Goddard nói. Mắt ông ươn ướt.

Giờ tôi khóc như đứa bé, và tôi vừa xấu hổ vừa có chút gì nhẹ nhõm. Goddard vòng tay ôm chặt lấy tôi, và tôi thổn thức như thằng ngốc.

“Tôi muốn anh biết điều này, con trai,” ông nói, rất khẽ khàng. “Anh không đơn độc đâu.”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29959


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận