Điệp Viên Của Chúa Chương 2

Chương 2
NHÀ THỜ SANTA MARIA - TẠI TRASPONTINA

 

Số 14, đường Conciliazione

Thứ ba, ngày 05 tháng 04 năm 2005, 10:41 sáng

Thanh tra Paola Dicanti khép hờ mắt trong giây lát để quen với bóng tối khi cô đứng trước lối vào tòa nhà.

Cô mất gần nửa tiếng đồng hồ mới đến được hiện trường vụ án. Bình thường Rome vẫn là trung tâm hỗn loạn về giao thông, thì sau cái chết của Đức Thánh cha, Rome thực sự trở thành một địa ngục xe cộ. Mỗi ngày có đến hàng nghìn người đổ về thủ đô Thiên Chúa giáo để viếng di hài Giáo hoàng hiện đang được quàn tại Nhà thờ Thánh Peter. Vị giáo hoàng này đã sang thế giới bên kia với danh tiếng của một vị thánh, và ngay lúc này đã có những người tình nguyện đi khắp nơi trên các đường phố thu thập chữ ký của mọi người để có thể bắt đầu thủ tục yêu cầu phong thánh cho Giáo hoàng. Cứ mỗi giờ đồng hồ, lại có mười tám nghìn người đi qua trước linh cữu trần tục của ông. “Một thành công tuyệt đỉnh của ngành pháp y” , Paola tự nhủ đầy châm biếm.

Trước khi cô rời căn hộ của hai mẹ con trên phố Croce, mẹ cô đã cảnh báo, “Nếu con đi đường Cavour sẽ mất quá nhiều thời gian, tốt nhất là đi lên phố Regina Margherita, rồi xuống phố Rienzo.” Bà mẹ vừa nói vừa luôn tay quấy món cháo bột semolina của mình cho con gái, một công việc mà sáng nào bà cũng làm suốt 33 năm qua.

Và tất nhiên Paola đã đi đường Cavour, và bỏ phí khá nhiều thời gian vì tắc đường.

Vị cháo semolina vẫn còn đọng lại trong miệng cô. Đó bao giờ cũng là món đầu tiên mà cô ăn mỗi sáng. Trong suốt năm học tại tổng hành dinh của FBI ở Quantico, bang Virginia của Mỹ, cô nhớ món cháo này của mẹ mình đến nỗi gần như lúc nào cũng bị nó ám ảnh. Cuối cùng cô phải gọi về nhà bảo mẹ gửi cho mình một hộp cháo to đùng, mỗi sáng cô lại cho một chút vào lò vi sóng ở phòng ăn của Vụ Khoa học Hành vi. Mùi vị tất nhiên không còn được như cũ, nhưng ít nhất nó cũng giúp cô bớt nhớ nhà hơn trong suốt một năm dài đầy khó khăn nhưng cũng nhiều thành công. Paola đã sinh ra và lớn lên trên phố Condotti, một trong những con phố hào nhoáng và giàu sang nhất thế giới, nhưng gia đình cô thì nghèo.

Paola chưa bao giờ thực sự hiểu được ý nghĩa của cuộc đời cho đến khi cô đến Mỹ, một đất nước với những tiêu chí riêng cho tất cả mọi điều. Lòng cô ngập tràn hạnh phúc khi được quay lại thành phố quê hương mà trước đó cô chỉ toàn thấy một lòng căm thù sôi sục.

Ở Italia, Cục Phân tích Tội phạm hình sự (UACV, hay Unità per l’Anatisi del Crimine Violento) được thành lập năm 1995, với nhiệm vụ chủ yếu là theo dõi những kẻ giết người hàng loạt. Kể ra cũng thật khó tin rằng ở một đất nước đứng thứ năm thế giới về số người mắc bệnh tâm thần mà mãi về sau mới có cơ quan hình sự chuyên trách về những tên tội phạm điên loạn. Trong UACV có một phòng đặc biệt dược gọi là Phòng Thí nghiệm phân tích hành vi (LAC Laboratorio per l'Analisi del Comportamento) do Giovanni Balta, thầy dạy và người hướng dẫn của Dicanti, sáng lập ra. Balta qua đời hồi đầu năm 2004 sau một cơn đột quy, vào đúng thời điểm Dottoressa ([6]) Dicanti trở thành Ispettore ([7]) Dicanti, phụ trách văn phòng của LAC tại Rome. Kinh nghiệm huấn luyện tại tổng hành dinh FBI cùng những lời nhận xét tuyệt vời của Balta là sự bảo đảm hoàn hảo trong lý lịch của cô. Sau cái chết của Balta, nhân sự của LAC bị giảm sút thảm hại: toàn bộ đội ngũ nhân viên thực ra chỉ còn có Paola. Mặc dù vậy, cơ quan này vẫn là một phần không thể thiếu của UACV, và nói chung lực lượng cảnh sát Rome vẫn có thể trông đợi vào sự hỗ trợ kỹ thuật của một trong những đơn vị khoa học hình sự hàng đầu châu Âu.

Mặc dù vậy, ở thời điểm đó, họ vẫn chưa giải quyết được vụ nào ra hồn. Tại Italia thực ra vẫn còn 30 tên giết người hàng loạt đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí danh tính của chúng còn chưa xác định được.

Trong số đó, có chín vụ được coi là “nóng bỏng”, vì chúng có liên quan chặt chẽ với những cái chết gần đây nhất được lưu trong hồ sơ. Từ lúc Dicanti trở thành người phụ trách LAC thì vẫn chưa có thêm thi thể nào được phát hiện, trong khi việc thiếu những bằng chứng xác thực càng làm tăng thêm áp lực, khiến cho những hồ sơ tâm lý tội phạm mà cô phác ra trở thành thứ duy nhất giúp cảnh sát xác định kẻ tình nghi. “Những lâu đài trên không”, đó cách gọi những vụ như vậy của Carlo Troy. Troy là một nhà vật lý và toán học cứng nhắc, một người dành phần lớn thời gian ngồi bên điện thoại hơn là ở trong phòng thí nhiệm. Chỉ buồn một nỗi ông ta lại là giám đốc UACV và là sếp trực tiếp của Paola, và mỗi lần chạm mặt nhau ngoài hành lang là ông ta lại ném cho cô một cái nhìn châm biếm. “Nữ văn sĩ nhỏ nhắn xinh xắn của tôi” là biệt danh mà ông ta tặng cho cô mỗi khi chỉ có hai người trong phòng: một kiểu chế giễu nhằm vào sự tưởng tượng phong phú trong những chân dung tội phạm của Dicanti.

Paola khát khao hy vọng rằng công việc của mình sẽ sớm mang lại thành quả, để cô có thể quật thẳng vào mặt sếp. Ông ta là một lão dê già, và một hôm cô đã phạm sai lầm là chiều ý lên giường với ông ta. Sau những giờ làm việc căng thẳng, sự cảnh giác của cô tự nhiên chùng xuống, trong trái tim cô là một nỗi trống vắng không thể gọi tên.

. . để rồi sáng hôm sau là sự hối tiếc và tủi hổ. Nhất là khi cô tự nhắc nhở mình rằng Troy đã có vợ và ông ta hơn gấp đôi tuổi cô. Dù sao ông ta cũng là một người tử tế, không lẵng nhẵng bám theo cô để đòi hỏi thêm, và cũng thận trọng giữ gìn khoảng cách, nhưng ông ta cũng không để yên cho Paola quên chuyện đó, thỉnh thoảng ông ta lại bóng gió nhắc nhở cô bằng những lời lẽ nửa khêu gợi nửa dâm đãng. Trời ạ, sao mà cô căm thù ông ta đến thế.

Và rồi cuối cùng, lần đầu tiên kể từ khi đảm nhiệm cương vị này, cô được nhận một vụ án mà cô có thể bắt tay giải quyết ngay từ đầu, thay vì phải dựa vào những bằng chứng thứ phẩm do những nhân viên điều tra đần độn mang về. Đang ăn dở bữa sáng thì nhận dược điện thoại, cô đâm bổ vào phòng thay quần áo. Cô vội vàng chải lại mái tóc dài, đen óng của mình trước khi buộc lên thành búi, cởi bỏ chiếc quần vải và áo nịt len cô đã định mặc đi làm, thay vào đó là một bộ vest trang nhã, với áo khoác đen. Paola cảm thấy cực kỳ phấn khích: cú điện thoại cũng chẳng cung cấp chi tiết nào cụ thể, ngoài thông tin có một vụ án mới xảy ra nằm trong lĩnh vực chuyên môn của cô, và họ yêu cầu cô đến nhà thờ Santa Maria ở Traspontina “ngay lập tức”. Và giờ đây cô đang đứng trước cửa nhà thờ. Sau lưng cô là cả một biển người đang lặng lẽ nối đuôi nhau dài dằng dặc đến hàng cây số, mãi đến tận cầu Victoria Emanuele II.

Paola lo lắng nhìn khung cảnh trước mặt. Mọi người đã xếp hàng ở đây suốt đêm, nhưng người có khả năng chứng kiến những điều đã xảy ra thì có lẽ cũng đi xa lắm rồi. Những người hành hương lặng lẽ đi qua thỉnh thoảng lại liếc nhìn hai sĩ quan cảnh sát đứng gác ở lối vào nhà thờ. Cảnh sát đã lịch sự giải thích với những ai tình cờ ghé vào đây rằng nhà thờ đang tạm thời đóng cửa để sửa chữa.

Paola hít một hơi thật sâu rồi mạnh dạn bước thẳng qua ngưỡng cửa nhà thờ tối om. Nhà thờ này có một gian đại sảnh ở giữa, cùng với năm nhà nguyện ở mỗi bên, không khí bên trong thoảng một mùi hương lưu cữu đến mốc meo. Ánh đèn trong nhà thờ cũng lờ mờ không rõ, chắc chắn là đúng như khi thi thể nạn nhân được tìm thấy. Đó là một trong những phương châm của Troy: “Để xem cách hắn làm như thế nào”. Cô nhìn quanh, căng mắt cố xác định mọi thứ trong bóng tối. Có hai người đang nói chuyện khe khẽ ở phía cuối nhà thờ, lưng quay về phía Paola. Một tu sĩ dòng Carmelite ([8]), đang bồn chồn lần tràng hạt đọc kinh rôze trước bình đựng nước thánh, chăm chăm nhìn Paola khi cô đang quan sát hiện trường.

“Rất đẹp phải không, thưa cô ([9])? Nhà thờ được kiến trúc sư Peruzzi ([10]) xây từ năm 1566, các nhà nguyện của nó...”

Dicanti ngắt lời ông ta, nhưng vẫn nhã nhặn mỉm cười.

“Tôi sợ là ngay lúc này tôi không hứng thú cho lắm về nghệ thuật và kiến trúc. Tôi là thanh tra Dicanti. Cha có phải linh mục của giáo xứ này không?”

“Vâng. Tôi chính là người đã phát hiện ra thi thể nạn nhân. Tôi đoán là cô quan tâm đến điều đó hơn. Cầu Chúa phù hộ cho tất cả chúng con...Một vị thánh đã ra đi và chỉ còn lại quỷ dữ lộng hành!”

Vị tu sĩ dòng Carmelite trông có vẻ rất già. Ông đeo một cặp kính gọng đồi mồi, mắt kính dày cộp, trên mình khoác áo màu nâu của dòng tu, với một dải quàng vai lớn thắt lại quanh hông; ông để nguyên bộ râu quai nón trắng xóa phủ kín mặt. Ông lặng lẽ bước vài bước về phía bình nước thánh, Paola kịp nhận ra là lưng ông hơi gù và chân tập tễnh. Bàn tay ông run rẩy lần tràng hạt, chốc chốc lại run lên bần bật.

“Cha cứ bình tĩnh. Tên cha là gì?”

“Francesco Tomas, thưa thanh tra”

“Xin Cha hãy kể lại những gì đã xảy ra. Tôi biết là cha đã kể đi kể lại sáu bảy lần rồi, nhưng không thể khác được. Xin cha cứ tin tôi.”

Vị tu sĩ thở dài.

“Cũng không có gì nhiều mà kể. Ngoài giáo xứ, tôi còn được giao cai quản nhà thờ này. Tôi sống trong một phòng nhỏ, đằng sau phòng để đồ thờ. Sáng nay, tôi dậy lúc sáu giờ như mọi khi, rửa mặt mũi rồi mặc áo choàng. Tôi bước qua phòng để đồ thờ và vào nhà thờ qua cánh cửa nhỏ ẩn kín bên dưới bàn thờ lớn. Tôi vào nhà nguyện Đức bà Carmen, nơi tôi vẫn cầu nguyện hàng ngày. Tôi để ý thấy còn những ngọn nến đang cháy ở trước cửa nhà nguyện Thánh Thomas, nhưng khi tôi quay về phòng mình thì đã thấy nến tắt hết rồi. Đó là lúc tôi nhìn thấy nạn nhân. Tôi vội vàng bỏ chạy về phía phòng để đồ thờ, sợ đến chết vì vào lúc đó rất có thể tên giết người vẫn còn ở trong nhà thờ. Tôi đã gọi cho 113.”

“Cha không động gì đến hiện trường chứ?”

“ Không. Hoàn toàn không. Tôi sợ đến phát điên, lạy Chúa tha thứ cho con.”

“Sao cha không tìm cách giúp đỡ nạn nhân?”

“Tôi thấy rõ là không thể giúp gì cho ông ta được nữa.”

Một bóng người bước về phía họ từ lối đi chính giữa hai dãy ghế trong nhà thờ. Đó là thám tử Maurizio Pontiero, cũng của UACV.

“Dicanti, nhanh lên. Họ sắp bật điện lên đấy.”

“Chờ một chút. Cha cầm lấy cái này. Đây là danh thiếp của tôi. Số điện thoại cầm tay của tôi ở dưới cùng ấy. Nếu cha nhớ thêm được gì thì gọi ngay cho tôi nhé.”

“Tôi sẽ gọi ngay. Còn đây là quà cho cô.”

Vị tu sĩ chìa cho cô một tấm ảnh nhỏ, màu sắc rực rỡ.

“Đức mẹ Carmen. Cô nhớ luôn mang theo mình. Nó sẽ giúp cô tìm ra con đường đúng đắn trong những giây phút khó khăn nhất.”

“Cám ơn cha! Dicanti hờ hững cầm tấm ảnh từ tay vị tu sĩ già, và nhét thẳng nó vào túi ngực.

Cô bước theo Pontiero đi dọc nhà thờ đến nhà nguyện thứ ba bên trái, xung quanh nhà nguyện đã được vây lại bằng dải băng màu đỏ trắng đánh dấu hiện trường của UACV.

“Cô đến muộn”, Pontiero làu bàu.

“Đường sá thật khủng khiếp. Ngoài kia người ta đi như trảy hội ấy.”

“ Lẽ ra cô phải đi đường Rienzo.”

Trong hệ thống cấp bậc của cảnh sát Italia, mặc dù Dicanti nắm giữ chức vụ cao hơn Pontiero, nhưng ông ta lại là đặc vụ phụ trách bộ phận Điều tra hiện trường của UACV, và vì lý do đó, ông ta nghiễm nhiên được xếp trên bất kỳ chuyên viên nghiên cứu nào, dù đó có là Paola Dicanti, người phụ trách bộ phận của mình. Pontiero đã 51 tuổi một người cẩn thận và nóng tính. Mặt ông ta trông như một quả nho khô, lúc nào cũng quàu quạu. Paola biết thừa Pontiero phải lòng cô, nhưng ông ta cố gắng không thể hiện điều đó.

Dicanti đang định luồn qua dải băng thì Pontiero chìa cánh tay ra ngăn cô lại.

“Chờ một lát, Paola. Chắc chắn là cô chưa chứng kiến điều gì khủng khiếp như thế này đâu. Tôi cam đoan với cô đây là tội ác cực kỳ man rợ.” Giọng ông chợt run lên.

“Tôi tin là tôi sẽ giải quyết được mà, Pontiero. Dù sao cũng cảm ơn ông.”

Cô bước vào nhà nguyện. Một nhân viên kỹ thuật của UACV đã có mặt từ trước, đang chăm chú chụp ảnh. Cuối nhà nguyện, dựa sát vào tường, là một bàn thờ nhỏ trang trí ảnh Thánh Thomas lúc người đang bịt những ngón tay vào vết thương của Chúa Jesus.

Bên dưới bàn thờ là cái xác.

“Lạy Đức mẹ Đồng trinh.”

“Tôi đã cảnh báo mà.”

Đó là một cảnh địa ngục mà Dante ([11]) đã miêu tả . Người chết ngồi dựa lưng vào bàn thờ. Mắt ông ta đã bị khoét đi, chỉ còn lại hai hốc sâu đen ngòm, máu dây ra xung quanh đã khô hết. Gương mặt khủng khiếp, méo xệch đầy đau đớn và kinh hoàng, từ cái miệng há hốc thò ra một vật gì đó màu nâu xám. Trong khoảnh khắc ánh đèn flash của máy ảnh lóe sáng, Dicanti nhận ra điều kinh khủng nhất: hai bàn tay của nạn nhân đã bị cắt rời nằm vắt chéo lên nhau bên cạnh thi thể. Hai bàn tay đều được kẻ giết người lau sạch vết máu và đặt lên một tấm vải trắng.

Trên một bàn tay có thể thấy chiếc nhẫn to lạ thường.

Người chết mặc một chiếc áo choàng đen dài có khăn thắt lưng màu đỏ và tay viền mà những hồng y thường mang.

Paolo mở tròn mắt, trân trối.

“Pontiero, hãy nói với tôi đó không phải là một hồng y đấy chứ?”

“Chúng ta vẫn chưa biết, Dicanti. Đang cho điều tra rồi. Mặc dù khuôn mặt hầu như không còn lại gì nguyên vẹn. Chúng tôi giữ nguyên hiện trường để cô có thể quan sát ngay từ đầu và tìm hiểu cách thủ phạm thực hiện vụ giết người.”

“Những người khác trong đội Phân tích hiện trường đâu rồi?”

Đội Phân tích là lực lượng trọng yếu của UACV. Tất cả thành viên trong đội đều là chuyên gia khoa học hình sự và bệnh học có khả năng và kinh nghiệm, chuyên về xác định dấu vết, vân tay, lông, tóc và bất kỳ thứ gì mà một tên tội phạm có thể để lại. Họ làm việc theo nguyên tắc trong tất cả những vụ án đều có một sự đánh đổi: thủ phạm lấy đi vài thứ và để lại vài thứ.

“Họ đang trên đường rồi. Xe của đội bị kẹt trên đường Cavour.”

“Lẽ ra họ phải đi đường Rienzo.”

Người kỹ thuật viên xen vào.

“Không ai hỏi anh cả,” Dicanti giật giọng.

Người thợ chụp ảnh rời khỏi nhà nguyện, miệng lầm bầm nguyền rủa Paola.

“Cô phải học cách kiểm soát cái tính đanh đá của mình đi nhé.”

“Vì Chúa, tại sao ông không gọi cho tôi sớm hơn, Pontiero?” Dicanti hỏi, hoàn toàn phớt lờ lời khuyên vừa rồi của tay thám tử. “Đây là vụ án cực kỳ nghiêm trọng. Bất kỳ kẻ nào làm chuyện này chắc chắn bị điên rồi.”

“Đó là phân tích chuyên môn của cô sao, Tiến sĩ?”

Carlo Troy bước vào nhà nguyện, nhướng mắt nhìn cô với vẻ giễu cợt. Ông ta luôn thích xuất hiện đột ngột như vậy. Lúc này Paola mới nhận ra ông ta là một trong hai người nói chuyện quay lưng lại phía bình nước thánh khi cô mới bước vào nhà thờ; cô thầm rủa mình đã để ông ta có cơ hội tấn công trong lúc không hề phòng bị. Người đàn ông kia vẫn đứng bên cạnh tay giám đốc, nhưng ông ta không hề hé răng nói câu gì và cũng không bước chân vào nhà nguyện.

“Không. Bản phân tích chuyên môn của tôi sẽ nằm trên bàn ông ngay khi hoàn thành. Tôi chỉ đơn giản nhận xét rằng, cho dù chúng ta có nói gì đi nữa, kẻ nào gây ra tội ác này chắn chắn có cái ốc nào đó trong đầu bị lỏng.”

Troy định nói gì đó, nhưng đúng lúc này đèn điện trong nhà thờ vụt sáng. Và tất cả mọi người đều nhận ra cái mà họ đã không nhìn thấy lúc đầu: dòng chữ được viết trên sàn nhà thờ, sát với thi thể của nạn nhân: “EGO TE ABSOLVO.”

“Hình như là viết bằng máu,” Pontiero thốt lên điều mà mọi người cũng đang nghĩ trong đầu.

Một chiếc điện thoại di động của ai đó đột nhiên vang lên tiếng nhạc chuông “Hallelujah”. Ba người quay sang nhìn người đàn ông đang đứng cạnh Troy, ông này lặng lẽ lấy chiếc điện thoại di động ra khỏi túi với vẻ mặt hết sức nghiêm trọng rồi trả lời. Thực ra ông ta hầu như không nói gì, chỉ là những tiếng “à, hả” và “hừm, hừ.” Sau khi ngắt máy, ông ta nhìn Troy và gật đầu.

“Đúng là điều mà chúng ta lo sợ,” Giám đốc UACV nói. “Dicanti, Pontiero này, không cần phải nói chắc các vị cũng biết đây là một vụ hết sức nhạy cảm. Thi thể này là của vị hồng y giáo chủ Emilio Robayra đến từ Argentina. Bản thân việc một hồng y bị ám sát tại Rome đã là một bi kịch khủng khiếp, nhưng điều còn khủng khiếp hơn là nó xảy ra đúng vào thời điểm này. Nạn nhân là một trong số 115 hồng y sẽ tham gia Hội nghị hồng y trong vài ngày tới để bầu chọn Giáo hoàng mới. Do đó đây là tình huống hết sức nhạy cảm. Không được phép để vụ này lọt đến tai báo chí vì bất kỳ lý do gì. Hãy tưởng tượng những dòng tít: ‘Kẻ giết người hàng loạt đang theo dõi cuộc bầu chọn Giáo hoàng.’ Tôi thậm chí còn không dám nghĩ đến chuyện đó”.

“Khoan đã, thưa Giám đốc, ông vừa nói đến một kẻ giết người hàng loạt? Có thông tin gì mà chúng tôi chưa biết phải không ạ?” Troy hắng giọng và liếc nhìn con người bí ẩn đứng bên cạnh ông ta.

“Paola Dicanti, Maurizio Pontiero, cho phép tôi giới thiệu với các bạn ông Camilo Cirin, Chánh thanh tra của Corpo di Vigilanza, lực lượng cảnh sát Tòa thánh Vatican.”

Cirin gật đầu và bước lại gần mọi người. Ông ta dè dặt cất tiếng một cách khó khăn, như thể ông ta không hề thích thú gì việc phải hé lộ điều bí mật này.

“Chúng tôi tin rằng người đàn ông này là nạn nhân thứ hai.”

Mời bạn đón đọc chương tiếp!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t120216-diep-vien-cua-chua-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận