Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 21


Truyện ngắn 21
Trong phòng chờ bay

Lúc ở nhà ga sân bay Nội Bài, ông đã nhìn thấy anh ta. Khi ấy ông đang ngồi ở một đầu ghế, chiếc túi xách vải xanh cũ kỹ căng phồng để bên cạnh. Cả ông và chiếc túi chiếm già nửa chiếc ghế dài. Ông đang bần thần ngóng ra lối cửa vào phòng chờ bay tìm cô cháu gái, lúc gặp ở cửa nhà ga xởi lởi nhận là cháu về đằng ngoại, ông đã mừng gặp được người quen sang bên kia cũng đỡ lạ thông thổ, thế mà rồi không biết biến đâu, lâu thế chưa vào. Thì thấy một người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi, tay kéo chiếc túi da có bánh xe miết trên nền nhà lạo xạo như siết ốc, tay dắt đứa bé gái khoảng mười một, mười hai cao rảnh rớt đi ngang qua. Con bé chừng đi nhiều mỏi, thấy một đầu ghế cạnh ông còn bỏ trống vội sà vào định ngồi. Nhưng anh ta vội kéo tay con, vẻ khó chịu: "Đừng ngồi đấy! Đi con...". Ông vội ngẩng đầu nhìn anh ta dắt con đi với cái nhìn của người ông thương cho đứa cháu gái đáng tuổi cháu ông ở nhà, giờ này đang nằm lọt giữa một bên là mẹ một bên là bố. Nhưng mà sao anh ta lại có vẻ khó chịu khi con bé định ngồi xuống cạnh ông. Bất giác ông nhìn lại mình. Chiếc áo sơ mi trắng buông vạt dài phủ đến gần đầu gối, chiếc quần vàng gắt màu nắng hè. Ông lại nhìn xuống dưới chân. Hai bàn chân trần đang đặt trên nền nhà mát rượi. Còn đôi giày da đen đã chiếc nọ chồng lên chiếc kia để ở cạnh. Hừ, đã bảo nắng nóng thế này đừng bắt bố đóng bộ giày tất vào làm gì cho ca cách, mà nào chúng có nghe. Thằng cả hạ trên ránh xuống đôi giày da từ đời nảo đời nào, hớt hải bảo: "Ông đi đôi này may thì vừa". Nhưng nào có may, chân ông to bè, hai ngón cái tõe ra, mũi giày chật kích đau như đóng nẹp. Thôi thôi, để bố đi đôi dép nhựa bố vẫn đi mọi ngày ấy cho tiện. Nhưng cô con gái dạy lớp ba trường làng vừa cười vừa nói: "Không được. Ông sang bên ấy thăm con cháu ông, nhưng là thể diện đất nước đấy, ông ạ". Gì mà to tát thế. Mình ở nhà thế nào thì ra ngoài vẫn thế, chứ sao thay hình đổi dạng nhanh vậy. Nhưng cô con gái đã vội phóng xe lên phố huyện. Chỉ bằng người nhai giập miếng trầu mang về cho bố đôi giày da đen đóng quá cỡ, với đôi tất cũng màu đen đi rất vừa. Nhưng mà nóng. Nóng kinh khủng. Hai chân cứ như ngâm trong chậu nước sôi. Vào đến phòng chờ bay, việc đầu tiên ông nghĩ đến là tháo đôi tất ra khỏi chân. Nhìn thấy chiếc ghế còn bỏ trống, ông đặt vội chiếc túi xách đang mỏi rã một bên tay lên trên ghế, ngồi xuống tụt giày, tháo tất ngay. Nhưng giờ thì ông lại thấy như cái việc mình tụt giày tháo tất vất bên cạnh, còn đôi chân đen đúa với những chiếc ngón lúc nào cũng như bấm xuống đất, đang đặt trên nền nhà bóng loáng, mát rười rượi, như có cái gì lạ lẫm, khiến anh ta không muốn cho con ngồi cùng ghế với ông. Chẳng lẽ lời cô con gái nói là thật. Ông nhìn ngớp lại phía cuối phòng chờ. Người đàn ông có nước da trắng trẻo, nét mặt trầm trầm, kiêu kiêu, vận chiếc áo sơ mi kẻ sọc ngắn tay bỏ trong quần màu ghi sáng, cổ mang ca- vát đỏ lấm tấm những đường kẻ vàng, vẫn tay kéo chiếc túi có bánh xe, tay dắt con ngơ ngáo tìm chỗ ngồi. Con bé mặc chiếc áo liền váy màu da trời, vừa đi vừa nhảy chân sáo không có gì là ngỡ ngàng trước một nhà ga hàng không quốc tế cơ man là người lạ. Ông bỗng thấy có cái gì tiêng tiếc. Giá có con bé ngồi đây cũng có người trò chuyện cho khuây khỏa. "Một già một trẻ như nhau", dễ cảm thông chia sẻ. Biết đâu, con bé lại còn chỉ bảo cho ông cặn kẽ cách lên xuống máy bay nữa ấy chứ. Mà sao cái cô cháu gái gặp ở cửa nhà ga, bảo bác cứ vào phòng chờ trước, cháu đợi chị bạn rồi vào sau, mà mãi không thấy. Ông chăm chắm nhìn ra lối cửa vào. Mấy nhân viên hải quan đang làm thủ tục xuất cảnh. Cũng như ông ban nãy, người nào qua cũng phải dừng lại giơ hai tay lên cho một nhân viên cầm máy dò lướt đi khắp người từ đầu đến chân. Lúc ở nhà, mấy đứa bảo, ra vào sân bay là họ khám kỹ lắm, ông không được để cái gì trong người đâu đấy. Có gì mà để. Chỉ có mỗi cái hộ chiếu với vé máy bay thì cô con gái đã cẩn thận bỏ vào chiếc túi ni lông nhỏ cho ông giắt cạp quần rồi. Chỉ còn cái túi xách tay ông đang để trên ghế đây. Trông to nặng thế, nhưng trong chả có gì, chỉ mỗi bộ quần áo ông mang đi thay, còn là thứ cây nhà lá vườn cả. Một ít hành tỏi. Mươi cân vải thiều. Hành tỏi trên gác bếp lấy xuống. Còn vải thiều, mãi lúc sắp đi ông mới bảo bố con anh cả ra cây trẩy vào cho bố mang sang bên đó cho em cho nó tươi. Thằng cháu trưởng đích tôn mười chín tuổi hai lần thi trượt đại học, chỉ muốn ông ở nhà tháng tám này cưới vợ cho cháu, vội nói trêu: "Ông mang cái của nợ ấy đi làm gì cho nặng. Hay là vải ở nhà đang rẻ rề, ông muốn mang sang Séc chào hàng thì để cháu bẻ cả cành cho đẹp mã". Anh con cả cũng vào hùa với con, nhưng giọng ôn hòa, từ tốn hơn: "Chú ấy đã điện về dặn đi dặn lại con là chỉ để ông đi người không thôi, quần áo cũng không phải mang, sang đấy vợ chồng chú ấy bán quần áo, thiếu gì. Giờ để ông mang quần áo đi thay đổi đã là sai lời chú ấy dặn, lại còn bắt lấy những mươi cân vải nữa thì...". Anh con cả chưa nói hết câu, ông đã bước một bước qua hai bậc cửa: "Không lấy để tôi lấy. Anh ở nhà ê hề thì thấy nó không là gì. Nhưng ở bên ấy mà có những thứ từ quê mang sang "của một đồng công một nén" nó mới quý chứ!". Thế, giờ ông mới có cái túi xách tổ bố này chễm chệ trên ghế bọc da êm như ru, giữa nhà ga toàn kính là kính mát rười rượi, rồi lát nữa ông còn xách cả nó lên máy bay sang tận bên Tây nữa cơ. Vậy mà bố con cái nhà anh kia, mới chỉ nhìn thấy ông với cái túi xanh cũ kỹ đặt trên ghế, đã vội tránh xa như mấy đứa dở hơi ở làng dạo trước Tết mới nghe nói đến dịch cúm gà đã táo tác vơ tất tần tật gà mẹ gà con mang đi chôn, chẳng cần biết dịch diếc có về đến làng mình hay không.

Những ý nghĩ trong ông như cuộn băng chạy khi nhanh khi chậm. Còn phòng chờ bay lại mỗi lúc một đông. Người đi lại nhốn nháo, ai cũng có vẻ tất bật, ngáo ngơ. Dường như người nào cũng có người đi cùng, hay người quen mà chuyện trò hoan hỉ, chứ chẳng thấy ai mặt mày rầu rĩ, ngơ ngác, lẻ loi như ông. Lúc ở nhà anh con trưởng, cô gái út, rồi thằng cháu đích tôn cứ dặn đi dặn lại đến sân bay là ông phải bắt quen ngay người nào đấy, được cùng quê thì tốt, không cũng người vùng mình bay cùng chuyến sang Séc để họ chỉ lối đưa đường cho, chứ không lớ ngớ lạc ở sân bay thì khổ. Khổ thì chưa đến, nhưng lơ ngơ thì đích thực là đến thật rồi. Một mình ngồi lẻ loi trên chiếc ghế dài giữa phòng chờ bay rộng thênh thang toàn người xa lạ, ông như chim chích lạc vào rừng, chẳng biết ai mà hỏi, chẳng quen ai mà nhờ. Lúc ở ngoài cửa ông đã khấp khởi mừng hạnh ngộ đến bỗng dưng. Bấy giờ ông đang đứng xếp hàng chờ vào cửa thì một cô gái dáng người cao, nước da trắng, mặc chiếc quần đen, áo thun vàng ngắn tay, nét mặt tươi tỉnh, miệng nói như cười, vừa kéo chiếc túi da lọc cọc tiến lại phía ông, vừa nói như reo: "Bác sang thăm vợ chồng anh Hân đấy ạ?". Ông ngớ người, chưa nhận ra con cái nhà ai mà lại nói đúng tên thằng con ông đang làm ăn ở bên kia, thì cô gái như đã hiểu, vội nói: "Cháu là con bố Dần. Cháu về đằng bác gái đây mà". Ối giời, thế chả trách không nhận ra. Bố cháu làm trên tỉnh, rồi đưa cả mẹ con cháu lên ở trên thành phố dễ đến hai chục năm còn gì. Hồi bà nhà bác còn sống, tỉnh thoảng về quê bố mẹ cháu cũng hay ra ngoài nhà bác; nhưng từ khi bà ấy về già, dễ mấy năm chưa gặp. Thế bố mẹ cháu dạo này vẫn khỏe đấy chứ? Cháu về khi nào mà giờ lại đi, hay lên tiễn ai? Ông tíu tít hỏi cô cháu về đằng ngoại của bà vợ đã quá cố. Miệng hỏi, mà bụng cứ nở ra từng khúc ruột. Nhất là khi cô cháu nói: "Cháu về thăm nhà đã hai tháng nay rồi, giờ cũng bay sang bên ấy đây". "Thế thì may quá rồi, cho bác đi với, chứ bác chả biết đường nào mà lần. Thì cả đời đã đi đâu ra ngoài huyện, ngoài tỉnh mà biết". Quả có vậy. Ông trông người cao to, da dẻ hồng hào, gân cốt còn săn, mắt nhìn tinh anh, khuôn mặt chữ điền mới hơi tí nếp nhăn trên vầng trán rộng, mái tóc nhìn kỹ mới lưa thưa vài sợi bạc, nhưng năm nay ông đã sang tuổi tám mươi hai rồi đấy. Tám hai tuổi với bảy đứa con, ông chỉ tối mắt làm nuôi chúng cũng chật vật. Vợ lại ốm đau luôn, không bận ở cữ nào không ốm tưởng khó dậy nổi. Thế mà chỉ dậy ra đồng tháng trước, tháng sau lại chửa được ngay. Nhưng nhờ hồng phúc tổ tiên ăn lành ở hiền, bảy đứa con bốn gái, ba trai nay đều toàn vẹn. Chỉ có anh con cả đi bộ đội đánh Mỹ bị mất cánh tay bên trái, nhưng nhờ trời về đường sức lực thì người lành lặn tứ chi theo được cũng còn khướt. Anh cả từ ngày xuất ngũ về vẫn tham gia công việc xã, mãi năm nọ mới nghỉ. Cũng nhờ có anh cả là thương binh, năm ấy lại đang làm phó chủ tịch Ủy ban xã, em Hân nó mới được đi lao động Tiệp Khắc, chứ không, làm sao có suất đi Tây đến hạng mình. Thế mà cái thằng chẳng biết có nghĩ, từ ngày đi đến nay đã mười mấy năm, cấm có về nhà lấy một lần. Cái đận bà ấy mất, điện thoại còn khó khăn, chẳng biết làm cách nào mà tin cho được. Mãi qua bốn chín bà, thằng cháu trưởng mới theo lời ông, viết lá thư kể vòng vo, cuối cùng cũng chỉ úp úp mở mở mỗi dòng y lời ông đọc: "Sinh có hạn, tử bất kỳ chẳng ai mà lường được. Nên cái việc bà đi cũng không kịp báo tin, mong chú thông cảm". Cho đến khi nó viết thư về cho thằng anh làm công nhân xi măng ở trên tỉnh, chứ cũng không dám gửi thư về cho bố và anh ở nhà, rằng em nhận được tin mẹ mất mà nghĩ nhục quá chó. Con chó nó thấy chủ đau buồn còn biết chạy đến phủ phục dưới chân. Còn em, biết tin mẹ đi mà không sao về được đến quê hương bản quán thắp cho mẹ nén hương, thì quả là một đứa con bất hiếu. Nhưng em cắn răng cắn cỏ trước linh hồn mẹ tha tội cho em, cũng chỉ vì em mang tiếng là đi Tây, nên em chưa muốn về thăm nhà khi chưa có tí lưng vốn nào. Nếu anh không tin mà cứ nghĩ rằng ở bên này kiếm được đồng tiền dễ bằng mấy bên nhà, thì em cũng đành chịu. Nhưng thật đâu có vậy, hả anh. Em sang bên này ngần ấy năm, nhưng vẫn nay tấm quần, mai tấm áo, ngày nóng cũng như ngày rét dưới độ không cứ phải đứng mời chào khách ngoài chợ trời, chứ không sao đủ tiền thuê lấy một chỗ bán hàng. Không những thế, em mấy lần bị bọn xấu lừa lấy mất hàng, mãi hàng năm chưa trả hết nợ. Rồi con vợ em, người Nam Định, lại vơ hết cả tiền hàng đi theo một thằng Tây, thế là em tay trắng lại hoàn tay trắng. May gặp được Hạnh, người cùng quê, có ít lưng vốn, chứ không mình em, chẳng biết rồi đời sẽ ra sao.

Nghĩ lắm lại thêm mủi lòng, ông xỏ tất vào chân, rồi xỏ giày, xách chiếc túi nặng trĩu một bên tay, đứng lên, đảo mắt khắp nơi tìm cô cháu về đằng ngoại. Kia rồi! Nó vào khi nào mà không nhìn thấy. Có khi là lúc đang nghĩ vẩn vơ về thằng con. Bỗng dưng nó nhờ một anh người Hà Nội cầm giấy tờ với hơn nghìn đô la về, bảo đây là giấy mời ông sang chơi, để ông mang đi làm hộ chiếu, còn tiền thì khi nào ông được cấp thị thực vào Séc, bác cả mua cho ông cái vé máy bay, thừa thiếu bao nhiêu bác ứng ra hộ em, không khi nào em để bác thiệt. Cốt là ông sang được đến bên này với vợ chồng em một lần dối già là em toại nguyện làm con lắm rồi. Còn như về, thì năm nay em chưa thể về được. Sau bao năm lang thang chợ trời, vợ chồng em mới dành dụm lưng vốn thuê được cái cửa hàng để bán quần áo, giày dép. Nhưng mới bán được ít lâu thì tháng trước vợ em nở cháu, bị thiếu những một tháng mấy ngày cơ, nên em phải nghỉ bán hàng ở nhà phục vụ vợ con. Ông anh cả đọc đến đấy bực quá, cầm lá thư đập xuống bàn: "Thế này có khác gì nó bảo ông sang bên ấy cơm nước, giặt giũ hầu hạ vợ con nó. Không sang!". Ông còn chưa kịp nói gì, thì nàng dâu cả ra chiều cảm thông cảnh vượt cạn nơi xứ người của em dâu, liền giội ngay gáo nước lạnh vào ông chồng nóng tính: "Anh thật buồn cười, thế nào gọi là "giàu con út, khó con út", bao nhiêu năm chú ấy xa nhà, cha con chưa gặp nhau. Giờ chú ấy gửi giấy mời, lại cả tiền vé cho ông đi một chuyến dối già, thì cứ để ông đi. Mới lại, không để ông đi, dễ tiền chú ấy gửi về cho ông mua vé máy bay mình để tiêu chắc". Ông xưa nay vẫn thầm khen nàng dâu cả xấu người nhưng tốt nết, nhanh trí; giờ càng thấy ý nghĩ của nàng dâu sao mà hợp. Chẳng qua cũng chỉ nghĩ thương con. Cố đẻ đứa nữa lấy thằng con trai cho mỗi lần giỗ tổ nhà đóng đủ bốn suất, tròn mâm, để không phải chia cỗ với nhà nào, mà mãi năm ông năm mốt, bà năm mươi còn tòi thêm thằng này giữa buổi bà đang tát nước ngoài đồng Mực. May mà đẻ rơi trên bờ, chứ xuống vũng gầu hay lòng mương cũng không biết thế nào. Xưa nay ông chẳng tin vào số mệnh, cả thế hệ của ông cũng chỉ biết tôn thờ duy vật, chứ chẳng mảy may luẩn quất trong đầu cái gì gọi là duy tâm. Vậy mà về già ông lại hay nghĩ đến số phận thằng con đẻ rơi bên vũng gầu tát nước. Khổ từ lọt lòng, giờ không biết sướng thế nào, nhưng cứ thấy thư bó viết: "Con đã hơn chục năm không được gặp bố, nghĩ nhớ bố lắm đêm không ngủ được. Nhà con từ khi nở cháu người gầy và xanh, chẳng mấy ngày ngơi uống thuốc (Cái này thì nàng dâu út giống mẹ chồng, cứ đẻ là ốm), nên mất sữa, cháu toàn phải ăn ngoài. Con xin bố cho con một đặc ân: bố sang bên này với chúng con vài tháng, cho vợ con được gặp bố chồng, cháu biết mặt ông nội, bố nhá!". Người xưa dạy: "Cá chuối đắm đuối vì con", nên ông mới thân cô thế cô ngày đàng ngang nước thế này, chứ phải đâu là ông thích đi mà những đứa rỗi mồm mấy hôm ông rục rịch đi, gặp đâu chúng cũng bóng gió: "Ông sắp thành Tiên rồi nhởi. Chỉ có Tiên mới bay trên trời. Giờ ông đi máy bay sang tận trời Tây chẳng phải cũng thành Tiên". Tiên đâu chưa thấy, chỉ thấy ông đang ngồi trong phòng chờ bay lẻ loi một mình, buồn đến vỡ bọng đái mà không biết chỗ vệ sinh ở đâu mà đi. Chẳng lẽ lại hỏi. Cả đời chưa một lần hỏi chỗ đi cầu tiêu ở đâu, giờ giữa nơi xa lạ thế này, hỏi ngượng lắm. Thôi cố nhịn, chờ cô cháu gái đến. Không biết chuyện gì với cái nhà anh có đứa con gái nhỏ ở đằng kia mà lâu thế. Hai người đứng cuối phòng chờ bay, một tay cầm chiếc quai đẩy túi lăn, tay kia vung vẩy đánh nhịp theo câu nói. Thỉnh thoảng lại thấy cả hai cùng cười. Có lúc còn thấy anh ta cầm tay cô cháu gái lắc lắc rất tự nhiên. Quên chưa hỏi con bé đã có ai chưa. Chắc là chưa, chứ nếu chồng con rồi thì dẫu ở thành phố bố mẹ nó cũng phải có lời với họ tộc ở quê, ông phải biết chứ. Còn anh ta nữa, vợ con đâu mà chỉ mỗi đứa con nhỏ đi cùng. Chẳng lẽ bố con anh ta lại cùng quê với nó, cũng có nghĩa với cả ông. Không nhẽ, cái người nhìn thấy dáng quê mùa xuềnh xoàng của ông ở một đầu ghế đã vội kéo con lảng xa như lảng tránh dịch cúm gà lây lan, lại là người gốc gác quê ông ư.

Nhưng cũng mãi đến lúc ở trong nhà chờ ga hàng không Pa-ri, điều phân vân ấy của ông mới được giải tỏa. Lúc ấy, thực tình ông cũng chẳng còn sức đâu nghĩ ngợi điều gì cho rõ rệt. Hơn chục tiếng đồng hồ ngồi trong máy bay từ Hà Nội sang Pa-ri người mỏi như dần, nhất là hai chân đi lại quen rồi, giờ ngồi một chỗ lâu ơi là lâu, lại chỉ một thế ngồi ngay như phỗng, nên hai đầu gói mỏi tưởng rời ra. Còn người thì bải hoải không ra mệt, cũng không ra khỏe, cứ chông chênh, váng vất, nôn nao thế nào. Nên khi từ máy bay sang ô tô, qua cửa kiểm soát, vào thang máy, lên tầng hai nhà ga, ông chỉ còn biết bám theo cô cháu gái có cái áo thun màu vàng choé, chứ không còn để mắt tới những gì diễn ra xung quanh. Cho đến lúc thấy mọi người nhốn nháo. Rồi tiếng cô cháu gái hỏi: "Bác nhìn lại thẻ xem đi cửa nào ra máy bay?". Bấy giờ, ông mới như bừng tỉnh sau cơn mê, thọc tay vào đai quần rút ra nắm giấy bọc trong túi ni lông, đưa cho cô cháu gái: "Đây, cháu xem. Tất cả ở trong này". Cô cháu vội bảo: "Cái này là hộ chiếu và vé bay, lúc qua cửa vào cháu đưa lại cho bác đây mà. Còn thẻ lên máy bay nó thế này cơ mà". Cô cháu rút tấm giấy cứng hình chữ nhật bằng ba ngón tay từ trong tập vé và hộ chiếu của mình đang cầm ở tay ra cho ông xem. Nhưng ông bảo: "Thế thì không có". Cô cháu gái bỗng kêu lên như vừa mất cắp: "Chết, không có thẻ sao bác lên máy bay được!". Rồi quay ra hớt hải nói với mấy người vừa cùng chuyến bay từ Hà Nội sang, đang chờ nối chuyến bay đi Pra-ha: "Bác em chưa có thẻ bay, giờ làm thế nào các anh ơi!". Thế ở Nội Bài người ta không cho thẻ lên máy bay à? Một anh vội quay lại hỏi. Cô cháu gái chưa kịp nói, thì một chị chừng bốn nhăm tuổi, tay dắt cậu con trai dễ chỉ mười ba, mười bốn mà cao gần bằng mẹ đã lên tiếng: "Chắc ông cụ xuất ngoại lần đầu, chứ ở chỗ cửa máy bay ra, người ta cũng phát thẻ cho hành khách chưa có thẻ bay chuyển chuyến mà". Cô cháu gái vội thanh minh: "Vâng, bác ấy mới đi lần đầu. Lại không có ai dẫn". Cái nhà anh hỏi ban nãy nghe đến đấy liền ặt cổ, hắt ra: "Thế thì gay rồi!". Đoạn quay lại nhìn mọi người hỏi: "Có ai biết tiếng Pháp không? Tiếng Tiệp thì nói làm gì. Đây là sân bay Pa-ri, phải biết tiếng Pháp mới nói với nhân viên nhà ga được chứ". Mọi người ngơ ngáo, hỏi lẫn nhau: "Không ai nói được vài câu tiếng Pháp à?". Vài câu ăn nhằm gì, phải giảng giải dài dòng chắc đâu nó đã giải quyết ngay cho. Khéo không ông cụ phải ở lại chờ đi chuyến sau mất. Chuyến sau là bao giờ? Này, đừng ai đi đâu nhá. Ở cả đây chờ xem giải quyết cho ông cụ thế nào đã. Ai nấy đều lo cho ông nhỡ vé viếc có thế nào thì thật khổ cái thân già bơ vơ nơi xứ lạ. Còn ông mặt tái mét, tưởng cắt không còn giọt máu, miệng cứ há hốc nhìn mọi người ngơ ngác hỏi nhau mà không nói được câu nào. Bỗng cô cháu gái như chợt nhớ ra điều gì, vội quay ra ngáo ngơ nhìn vào đám đông hành khách đang tay mang tay xách nhốn nháo trong nhà chờ bay, buột reo lên: "Kia rồi, có anh kia biết tiếng Pháp". Mọi người còn ngơ ngác nhìn, thì cô cháu gái đã bước rảo lại chỗ người đàn ông đang dắt đứa con gái cao rảnh rớt, mặc bộ áo liền quần màu xanh lơ. Ông chăm chăm nhìn theo cô cháu gái đang đi lại chỗ người đàn ông cô vừa reo như vớ được vàng. Vẫn là cái anh đã đứng với nó ở nhà ga Nội Bài. Hai người như đã quen thân nhau tự bao giờ. Cô cháu gái một tay cầm hộ chiếu và vé bay, một tay vung vẩy chỉ lại chỗ ông đang đứng với mấy người Việt Nam ở đằng này. Giây lát thấy anh ta đưa tay cầm giấy tờ cô cháu gái đưa, rồi quay ra đi lối cầu thang máy xuống tầng dưới. Cô cháu gái một tay dắt đứa bé gái rảnh rớt, một tay kéo chiếc túi có bánh xe lăn anh ta vừa đưa, đi lại phía ông và mấy người đang đứng chờ. Tới nơi, chưa kịp để ông hỏi sự thể ra sao, cô cháu gái đã tíu tít: "May quá. Lúc hai anh em đứng nói chuyện ở Nội Bài, thấy anh ấy quay ra hỏi mấy lão Tây đi qua. Chứ không, tìm được người mình biết tiếng Pháp ở đây bây giờ cũng khó". Chị có thằng con cao gần bằng mẹ săn đón hỏi: "Anh ta ở đâu mà lại biết tiếng Pháp?". Cô cháu gái có vẻ am tường lý lịch trích ngang của người đàn ông kia: "Trước ở Pháp, mới sang Séc làm ăn với vợ chồng bà chị gái ở Bra-nô". "Là mình hỏi quê ở đâu ta cơ". Nghe chị kia hỏi lại, cô cháu gái vội quay nhìn ông bác về đằng ngoại, nói như khoe, chẳng biết với ai: "Anh ấy người huyện mình đấy". Chị có con cao gần bằng mẹ chẳng biết cô ấy nói huyện mình là huyện nào, nhưng cũng thấy như có cả mình ở đó, vội quay sang nhìn ông già đang đứng bên cô cháu gái nét mặt vẫn u trầm nhưng nhìn kỹ đã có vẻ tươi tỉnh, chứ không héo hắt như ban nãy. Bỗng lại nghe tiếng cô cháu gái, không biết nói với ông bác về đằng ngoại hay kể với mấy người đang đứng đây: "Người trông thế nhưng lận đận lắm. Bao nhiêu năm làm lụng vất vả ở bên này, có đồng nào gửi về nhà cho vợ sắm xe, mua đất, xây nhà. Nào ngờ, cô vợ cặp với tay phó giám đốc công ty mấy năm mà cả nhà không ai biết. Mãi đến khi mụ ta đâm đơn ra tòa ly dị mới té ra cả giấy tờ xe cộ, nhà đất đều đứng tên vợ, chứ không thứ nào đứng tên chồng. Duy mỗi thứ này, cô cháu gái cười cười chỉ vào đứa bé mặc áo váy màu xanh lơ, đang ngồi thếch trên nền nhà ga chơi đánh chuyền bằng quả bóng cao su và mớ que nhựa, là giấy tờ có đứng tên hai người. Có lẽ thông cảm với mất mát quá lớn của anh, tòa giải quyết cho anh được quyền nuôi con, chứ không để con theo mẹ như những cặp ly hôn khác. Cô cháu gái cứ nhẩn nha kể chuyện nhà người đàn ông kia. Lúc đầu những người đứng quanh chỉ nghe chểnh mảng, như để giết thời gian. Nhưng càng nghe càng chăm chú, đám đàn ông có người còn nổi máu mắt: "Vào tay đây thì đừng hòng. Lành làm gáo vỡ làm muôi, chứ lại chịu mất trắng thế a!". Chỉ có ông là im lặng. Sự im lặng ẩn giấu nỗi niềm chất chứa bên trong. Ông bỗng nhớ đến lúc thấy anh ta dắt đứa con gái rảnh rớt ngang qua chỗ ông ngồi trong phòng chờ ở sân bay Nội Bài. Ông chăm chăm nhìn lại chỗ con bé đang ngồi thếch trên nền nhà ga chơi đánh chuyền. Ông lẳng lặng đi lại sà ngay xuống chỗ nó. Ông vơ nắm que chuyền bằng nhựa nhẹ tênh, rồi tách làm hai, đặt trước mặt đứa bé gái một nửa, ông một nửa. Con bé vội ngẩng lên. Bốn con mắt nhìn nhau trìu mến. Con bé bỗng hỏi dồn: "Ông ơi, ông cũng đi sang Séc à? Tí nữa ông lên máy bay với cháu nhé!". Ông chỉ ư hừ, nhưng trong lòng lại thấy man mác nỗi buồn. Sao anh ta đi mãi không thấy quay lại, hay giấy tờ làm sao rồi. Thật cả đời có một lần đi xa, mới sẩy nhà đã ra người lạc. Giữa lúc tâm trạng ông rối bời, thì nghe tiếng cô cháu gái hỏi giật giọng: "Có được không anh?". Ông vội ngẩng lên. Anh ta đang bước rảo đến, tay cầm nắm giấy tờ giơ lên: "Được rồi. Ông cụ đâu?". Bỗng ông thấy người nhẹ bẫng, vội đứng lên nói líu cả lưỡi: "Tôi đây! Tôi đây!". Cùng lúc, đứa bé gái thấy bố về cũng bỏ cuộc chơi chuyền, đứng dậy cạnh ông. Anh ta nhìn ông già rồi lại nhìn con gái, bảo: "Con đi với ông lên máy bay nhé". Đoạn, quay ra nói với cô cháu gái về đằng ngoại của ông: "Ta đi thôi em!". Rồi mỗi người một tay kéo chiếc túi có bánh xe lăn, còn tay kia nắm tay nhau cùng sánh bước.

 

Bên sông La-be, CH Séc, hè 2004

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85585


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận