Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 22


Truyện ngắn 22
Trăng suông

Ngày Thuận trút bộ quần áo hải quân trở lại quê nhà, trong bữa cơm có đông đủ vợ chồng con cái, ông Thuần nhìn cậu con mới giải ngũ, hỏi: "Nghĩa vụ xong rồi, về định làm gì hả con, để bố còn liệu?". Cái sự liệu của ông đây, dẫu không nói trắng ra sợ vợ con hoang mang, chứ thực là liệu khoản tiền. Nghe nói chạy được một chân vào công ty nuôi trồng thủy sản, hay quản lý thủy nông huyện bây giờ cũng tốn kém hàng chục triệu. Vậy nên bà Thuần mới nghe chồng nói với con trai thế đã vội gàn, thôi ông ơi, nhà mình đào đâu ra lắm tiền thế mà ông khới ra. Nhưng cô con gái lấy chồng có cửa hiệu may trên thị trấn, hẳn cũng có máu mặt, liền bảo, mẹ cứ để bố hỏi cậu ấy xem ý định cậu thế nào. Nhưng theo chị, cậu không nên ở nhà. Thời đại này thanh niên sức dài vai rộng như cậu, có mấy đứa muốn ở nhà bám đất làng nữa đâu. Còn đi tốn kém bao nhiêu, cậu và ông bà lo được đến đâu thì lo, còn anh chị giúp. Đúng là có con gái lấy chồng giàu bằng ba trâu mộng, ông Thuần nghe mà nở ra từng khúc ruột, vội giục con trai. Có cả anh rể chị gái đây, thằng Thuận cứ nói thẳng nói thật nguyện vọng của con ra, để mọi người còn biết đường giúp con lo công việc. Ở nhà hay đi thoát ly cũng đều phải có tiền, chứ không tiền đến mua lược cũng không xong nữa là. Mà riêng anh thì, ba năm nghĩa vụ về, bố xem chừng chỉ đủ ăn tiêu ba tháng thôi, con ạ.

Thuận từ nãy vẫn ngồi lặng nghe mọi người nói, toàn là những lời nói hay nói tốt vun vào cho cậu. Người không biết bảo Thuận lì,

 

nói bao nhiêu cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Người biết bảo Thuận cả nghĩ, trước mỗi việc lớn vẫn hay lặng lẽ thế. Kỳ thực, Thuận đã tính nát nước từ khi rời quân ngũ. Tiền Thuận có tiền, không nhiều cũng dăm bảy triệu. Tiếng là đi nghĩa vụ quân sự, nhưng Thuận ở một đơn vị hải quân làm kinh tế, nói cho dễ hiểu là nuôi trồng thủy hải sản ở ngoài đảo ba năm kém hai tháng sáu ngày. Ba năm ấy chất lại trong đầu Thuận bao nhiêu hiểu biết về chăn nuôi cá, từ lúc bằng cái lá tre đến khi con nào con ấy nần nẫn như những chiếc quạt mo quạt nan, có con xách tay không nổi phải đặt lên bàn mới cân được. Thế nên xin vào đâu, chứ vào công ty nuôi trồng thủy sản huyện Thuận không ngại, mà dẫu ngại thiếu tiền thì đã có chị hứa giúp còn gì. Thuận lễ phép thưa: "Từ nãy đến giờ bố mẹ và anh chị nói đều đúng cả. Nhưng con xin phép bố mẹ và vợ chồng chị gái cho con được nói thật cái điều con đã nghĩ từ khi còn ở ngoài đảo, là con muốn được làm chủ trang trại". Bà chị gái vừa nghe cậu em nói đến đấy đã như bị chọc tức, đứng bật dậy, chẳng kịp nghĩ cậu em giờ đã là một thanh niên cao một mét sáu tám, nặng sáu mươi mốt ký, nước da bánh mật, chắc khỏe như cây sắt, sau ba năm nghĩa vụ ở ngoài đảo xa mới về; chứ không còn là cậu Thuận ngày nào học trường huyện, trưa đói chạy vào nhà chị gái vét bát cơm nguội nữa, vừa chỉ tay vào mặt cậu em vừa mắng té tát: "Cậu ngu nó vừa vừa chứ! Trang trại ở đâu, chứ ở cái xó nhà quê đồng chua nước mặn này thì có mà trang... trang trải cái lỗ mồm còn khó!". Anh rể thấy chị em lời qua tiếng lại ngại tai vách mạch rừng, vội bảo vợ, thôi để cậu Thuận nghĩ thêm. Biết đâu thực tế ở quê lại giúp cậu ấy nghĩ lại. Lời anh rể như làm không khí trong nhà dịu lại. Bấy giờ Thuận mới nhìn thẳng vào anh rể như biết chắc điều mình nói ra sẽ được anh tán đồng, vì thật lòng giúp em, vì nể bố mẹ vợ, và cả vì sĩ diện, chẳng gì cũng là ông anh rể từ phố về: "Em nói thật với anh rể là khoản tiền anh chị định lo việc cho em đâu đấy, anh cứ cho em mượn, mấy hôm nữa xã cho đấu thầu cánh đầm Đuối là em thầu". Bà chị gái nhiệt tình không muốn cậu em trai nối dõi tông đường phải ở nhà lặn lội ngoài đồng sớm hôm đầu tắt mặt tối, cố lèo lái. Thôi cậu đừng mộng mơ cái chủ trang trại cá mú ấy nữa, để rồi chị lo cho. Nhưng cậu em vội cắt ngang: "Chị không lo cho em được đâu. Mà chị lo cho em thật, thì có cả anh rể đây, cho em vay mươi triệu để em bỏ thầu cao là nhất


định trúng".

Đúng như Thuận nói, bởi triệu bạc với người thành phố có khi chẳng là gì, nhưng với người nhà quê là to lắm. Thế nên, xã thông báo cho đấu thầu cánh đầm Đuối hàng tháng trời, chỉ có mười hai nhà ghi tên. Đến hôm bỏ thầu lại rụng ba, còn chín, thì sáu nhà anh em, chú bác chung nhau thầu, còn thực tế có ba nhà thầu độc lập là Thuận, bác Lập và ông Khỏa. Nhưng dẫu tính cả chín nhà dự thầu, thì khi mở gói cũng không có ai bỏ thầu tới hai mươi mốt triệu như Thuận. Nhưng đấy là ý định của Thuận ngay từ đầu, bỏ thầu cao là nhất định trúng, và Thuận đã trúng. Chỉ có điều Thuận không ngờ, số người bỏ thầu thấp hơn giá sàn lại nhiều đến thế. Điều ấy làm Thuận thắng thầu mà vừa tiếc tiền, lại vừa thấy man mác một nỗi buồn về mức thu nhập của phần đông những người ở làng còn thấp quá. Dẫu biết rõ lợi ích từ vùng đầm ấy mang lại là không nhỏ, bởi nuôi cá từ lâu đã là một nghề gá bạc như người xưa dạy, nhưng lực bất tòng tâm, nhiều người cũng không đủ sức bỏ ra một lúc hàng mấy chục triệu để thầu. Còn ông Thuần, bố Thuận, thì đến mấy ngày liền cứ ngơ ngơ ngác ngác, hết ở nhà lại ra cánh Đuối, đứng hàng giờ bên bờ đầm ước lượng mức nước, độ cao con bờ, có lúc khum tay vục xuống đầm múc lên đầy hai tay nước lờ lờ phù sa đưa lên ngang mặt chăm chăm nhìn. Nội tộc nhà ông, từ thuở cụ kỵ, ông bà chưa bao giờ có cả một cánh ruộng hàng mấy mẫu thế này. Nên dẫu thấy con bỏ thầu với giá cao cũng tiếc thật đấy, nhưng ông lại tặc lưỡi, một miếng giữa làng bằng một sàng góc nhà, thế cho họ biết bố con Thuần này đã làm là không có thua kém ai đâu nhá.

Quả có vậy.

Cánh đầm Đuối lăn lác là thế, về tay bố con Thuận quay đi quay lại chẳng mấy đã khác. Những người trong xã lâu lâu đi ngang qua không sao nhận ra nơi ấy trước là vùng đầm chiêm khô mùa úng, đến nỗi chỉ nghe tên đầm Đuối đã dựng hết tóc gáy. Bây giờ từ huyện lỵ về, đến cái bốt xây xi măng cốt thép thời chống Pháp chín năm, nay đã chất mấy tầng rêu đen rì nằm lù lù bên đường Mười, rẽ bên phải một đoạn là thấy vùng cây xanh um tùm, trĩu trịt những quả, người không biết ngỡ vùng đầm ấy có từ bao nhiêu năm mới trù phú thế. Còn người làng Phương mỗi khi qua đấy không ai gọi là đầm Đuối nữa, mà quen gọi là vùng cá anh Thuận. Cũng như ngày còn hợp tác xã ăn chia công điểm, người ta vẫn gọi cái ao năm sào ở đầu xóm Miếu là ao dân quân, vì xã cho dân quân hẳn cái ao ấy để trả công đi tuần đêm cả năm trời. Nhưng khác ao dân quân trên bờ bỏ đất hoang, dưới nước thả rặt cá mè ranh sục bùn tanh như ngoé; vùng cá anh Thuận bờ cao to, trồng kín các loại cây ăn quả, ngắn ngày là chuối, chi chít những khóm chuối lòa xòa tàu lá như cánh phản, xen bên những khóm chuối là cây ăn quả dài ngày, nhiều nhất là vải, nhãn, xoài, cây mới trồng, cây vừa bói, cây hè tới cho thu quả lứa đầu. Nhưng có giá vẫn là sản vật dưới nước, với mấy mẫu mặt nước đầm và kinh nghiệm tích lũy được sau ba năm kém hai tháng sáu ngày ở đơn vị hải quân nuôi trồng thủy sản ngoài đảo, Thuận mang ra nhào quyện hòa tan trong đầm nước. Vùng đầm của Thuận trở thành trang trại chăn nuôi cá nổi tiếng, cung cấp cá thịt cho không chỉ nhà ăn tập thể huyện, tuần nào cũng có vài cuộc hội họp hàng trăm người ăn, mà nhiều nhà hàng, khách sạn ở thị trấn, thị xã
cũng đánh xe về mua cá của Thuận, vừa bắt dưới vùng lên còn giẫy đành đạch.

Được ít lâu, bố Thuận tuổi ngày một cao, năm ấy ông đã bảy mươi ngoài, lại thêm nỗi nặng lòng thương con, đêm hôm thường ra chiếc lều ngoài đồng sương sa gió lộng ngủ trông nom vùng cá, nên sức cùng lực kiệt, đến nắng ráo cũng ít khi ra ngoài nữa là những hôm mưa to gió cả như đêm nay thì chỉ còn mình Thuận chèo chống ngoài vùng cá. Mưa như trút nước, gió giật đùng đùng, mái lều bị hất tung, chỉ còn trơ cái khung èo ọt mấy khúc tre cọc. Nhưng lều bay mặc lều, Thuận còn lo giữ cho được cái đập bờ vùng khỏi bị vỡ. Đã thế chiếc đèn bão lại không chịu được với gió máy, chỉ có đèn pin mới không sợ mưa gió làm tắt, nhưng đèn pin lại không thể để một chỗ mà soi được cả đường đi. Dạo bố Thuận còn khỏe, những khi mưa to gió lớn thế này thể nào ông cũng ra, không giúp được một tay đóng mai vác đất cơi bờ, thì cũng cầm cho con được cái đèn pin soi cho Thuận biết đường đi lại. Nhưng mấy hôm nay ông nằm liệt giường, Thuận một mình trông nom chèo chống vùng cá. Giữa lúc Thuận đang kẹp chiếc đèn pin vào nách, hai tay dồn hết vào cạnh sườn, cắp tấm lưới sắt chạy lại chỗ bờ đập, thì bỗng nhìn thấy trong màn mưa lây rây như có người chập chờn đi như chạy ra ngoài vùng.Thỉnh thoảng một vệt chớp rạch trời, kèm tiếng sấm xé màn đêm, thì cái bóng lại như đổ xuống tan biến trong thinh không. Thuận dẫu chăm chú vào công việc chắn giữ con đập, cũng không thể không để mắt về phía bóng người chập chờn khi tỏ khi mờ ấy. Nhưng nhìn mãi cũng không tách bạch được là nam hay nữ, sao đi lâu thế chưa tới, hay đã quay lại khi nào mà không biết. Thuận càng phân vân. Chẳng lẽ lại là ma. Ma đầm Đuối còn lẩn quất thật sao? Dạo Thuận mới thầu vùng đầm, có hôm bố đi ăn giỗ xã bên chưa về, Thuận rủ mấy bạn trai trong làng ra ngủ đêm. Vậy mà có hôm cả đêm không ngủ được, chỉ vì chập tối cậu Muôn không biết nghe ai, hay tự bịa ra, mà kể như cháo chảy rằng giờ thế nào không biết, chứ trước đầm này thiêng lắm đấy, chẳng mấy đêm trở trời không có người đàn bà trẫm mình năm đã lâu, hiện lên đứng sừng sững trên bờ. Chẳng lẽ chuyện cậu Muôn kể hôm nào lại là thật? Mà thật, sao không vào hẳn bờ vùng này, lại đứng mãi ngoài đường cái ấy? Thuận chắn xong đám bờ đập, trở lại chỗ chiếc lều đổ. Nhưng không dọn dẹp những thứ gió máy làm tung tóe quanh chiếc chõng, chỉ phủ lại tấm vải nhựa trên hòm đựng quần áo, giấy tờ, rồi tắt đèn, đến bên khóm chuối lẳng lặng ngồi xuống, dõi nhìn về phía con đường từ làng ra. Mưa đã bớt nặng hạt. Gió cũng dìu dịu hơn. Nhưng màn trời vẫn mọng nước, tưởng chừng chỉ khẽ chạm cái que lên đó là lập tức òa xuống từng dòng nước xối xả. Thuận lẳng lặng dõi nhìn, chỉ bằng người châm xong cái đóm hút thuốc đã thấy lờ mờ trong màn trời mọng nước, cái bóng đen ban nãy lại xuất hiện. Nhưng lần này rõ hơn. Thuận còn nhận ra cả tấm áo người kia mặc có màu trăng trắng, rất dễ lẫn với màn trời như sắp mưa. Người kia mỗi lúc một đến gần, rõ là đang đi ra phía vùng cá, còn giới tính thì giờ Thuận không thể nghi ngờ gì nữa, đúng là con gái rồi. Nhưng ai thế nhỉ? Không, không thể có chuyện người chết thành ma. Nhưng Thuận vẫn thấy nổi da gà, khẽ rùng mình, chờ đợi. Kia rồi, người ấy đang đi đến. Thao. Sao lại là Thao, cô gái ở làng ngày ngày vẫn cắt cỏ mang ra bán cho Thuận làm thức ăn cho cá. Chẳng lẽ Thao không biết còn đang mưa gió, lại đi cắt cỏ. Mà cắt ở đâu, chứ ngoài này làm gì có cỏ mà cắt. Nhưng Thao đã đến đây rồi. Vừa nhìn thấy Thuận đứng bên khóm chuối, Thao vội nhào tới, như thể cái giây phút ấy cô đã chờ đợi hằng bao năm nay, giờ dẫu chỉ chờ một giây, cũng không thể kìm nén nổi. Thao ôm riết lấy Thuận, chà xát bộ ngực ngồn ngộn lên khuôn ngực trần còn nhớp nháp nước mưa của Thuận mà hổn hển, lắp bắp: "Em yêu anh lắm, Thuận ơi! Mấy lần em định ra...". Nhưng Thuận sợ có con ma xó nào ở giữa đồng không mông quạnh, vội đưa tay che miệng Thao. Động tác ấy làm Thao ngỡ Thuận muốn ngắm nhìn khuôn mặt trái xoan với hàm răng trắng muốt của mình, liền vít đầu Thuận xuống hôn như mưa như gió. Khi Thao nhận từ Thuận những lời ngọt ngào, và niềm khát khao kìm nén bấy lâu đã được toại nguyện, Thao nới rộng vòng tay, cùng lúc với tiếng Thuận nhỏ nhẹ: "Em về đi, kẻo trời sáng người đi làm họ thấy". Thao nói ráo hoảnh: "Thấy thì có sao. Ngày nào em chả mang cỏ ra vùng cá của anh. Cứ để em ở đây giúp anh một tay dọn các thứ cho gọn vào". Thế là suốt từ đấy cho đến sáng, Thao cầm đèn pin, giờ thì đã có người cầm đèn, Thuận không còn phải cắp đèn pin vào nách như ban nãy nữa. Thao vừa cầm đèn giữ cột, vừa đưa cây que nứa lá cho Thuận dựng lại lều. Nói là lều, nhưng cũng không khác cái nhà con là mấy. Cũng có chỗ kê cái giường, cạnh đặt chiếc bàn con vừa làm chỗ ngồi ăn cơm, vừa là nơi nước nôi mỗi khi có khách đến mua cá. Vừa làm hai người vừa trò chuyện. Người nọ hỏi người kia. Sao mọi ngày em gánh cỏ ra chỉ đổ ở đầu bờ vùng rồi về, chẳng nói năng gì cả thế. Cứ nhìn thấy anh là được rồi, cần gì phải nói. Thế mà hôm nay lại bạo, còn liều nữa chứ, mưa gió thế cũng ra. Em biết hôm nay chỉ có mình anh ở ngoài này, nên càng mưa to gió lớn em càng thấy sốt ruột quá thể, chỉ thương anh mỗi mình ở ngoài vùng nhỡ bờ lậm làm sao thì biết đường nào đèn đóm đắp vít. Đêm tối một mình ra vùng không sợ ma đầm Đuối à. Làm quái gì có ma đầm Đuối, chỉ có ma anh bắt em thì có. Thật không. Không thật, chẳng lẽ giữa đêm hôm mưa gió thế này, em ra tận đây với anh vẫn còn là giả.

Cầu trời không là giả.

Nhưng chỉ sau cái đêm giông gió ấy đúng bảy bảy bốn chín ngày, Thuận nhận được giấy gọi lên xã nghe thông báo quy hoạch vùng Láng. Thực ra, không phải mãi hôm ấy Thuận mới biết tin, mà từ cách đó hơn tuần, một tối trăng sáng mung lung, Thao vận chiếc áo màu xanh lơ như lẫn vào da trời, ào vào chiếc lều con trên bờ vùng, làm Thuận đang nằm nghe đài vội choàng dậy. Em làm anh giật nảy mình. Tưởng có đứa quăng lưới trộm. Mấy hôm nay trở trời, cá chép tức trứng, đêm qua anh phải thức suốt. Thế mà hai đứa con nhà Dẩn vẫn rình bờ bên kia mãi gần sáng mới về, có gớm không. Nghe Thuận nói, Thao chẳng những không tỏ ra tức giận đám con nhà Dẩn chuyên trộm cắp vặt, hết gà vịt trong xóm lại cá mú ngoài đồng, mà còn nửa thật nửa đùa: "Cứ như em thì mặc chúng bắt. Đằng nào người ta cũng thu lại vùng, còn giữ làm gì". Em buồn cười, cá trong vùng mình lại bảo mặc cho chúng bắt. Mà em bảo người ta thu lại vùng là thu thế nào? Ai dám vào đây mà thu? Thì anh cứ bình tĩnh ngồi dậy nào. Thế, nhưng phải ngồi sát lại chỗ em đây này, rồi hôn em đã cơ thì em mới nói. Yên nào, tay chân đừng có rờ roạng nhiều, em khó chịu lắm. Ờ, được rồi. Nhưng anh phải bình tĩnh đấy. Hồi chiều em thấy hai anh ở huyện đi xe máy về, đưa cho anh Thạo em giấy tờ gì ấy, em chỉ nghe lõm bõm họ nói với nhau thu hồi vùng Láng, ừ, cả đầm Đuối mới tới mấy chục mẫu chứ. Họ bàn những gì mà lời qua tiếng lại lúc nhỏ lúc to lâu lắm. Em làm rau lợn ngoài sân nghe câu được câu chăng. Tức ghê cơ. Lúc hai anh kia lên xe máy đi, em vào nhà vờ rót nước uống, hỏi anh Thạo, nhưng anh ấy lại chỉ đe: "Không được nói ra bên ngoài, gây hoang mang dân chúng đấy!". Có gì mà hoang mang, anh nhỉ? Nghe Thao hỏi, Thuận như nghe người từ cõi nào, không còn đầu óc đâu mà tách bạch cho rõ ràng làm sao dân chúng lại hoang mang được nhỉ. Nhưng đến hôm Ủy ban xã gọi lên thông báo quy hoạch vùng Láng, thì dẫu tâm trạng rối bời, chứ sao lại không, bao nhiêu năm trời đổ cả cơ nghiệp ra đấy, giờ bỗng chốc trắng tay lại chả rối, Thuận cũng cố căng tai ra nghe thông báo thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp, giá đất đền bù cho diện tích cấy lúa, trồng màu... Mới đến đấy, những người thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng cánh đồng Láng, ngồi kín hội trường Ủy ban, đã nhao nhao lên, mỗi người một lời như ong vỡ tổ. Không thể như thế được, vùng Láng từ xưa đến giờ vẫn thuộc loại mật điền, mà định giá có một trăm năm mươi nghìn một mét vuông đất là quá rẻ mạt. Cứ đưa hẳn cho các ông hội đồng đền bù ba trăm nghìn, đố các ông ấy mua ở đâu được giá đất như thế, về đây cho không. Đất ấy nuôi sống bao người làng này từ đời ông đời cha đến giờ, mà chẳng lẽ lại mạt hạng thế sao? Im lặng. Yêu cầu bà con im lặng. Một vị lãnh đạo xã đứng lên chém tay vào không khí. Tiếp đến giá đất nuôi trồng thủy sản này... Thuận vội đứng lên nghe cho tường. Thì đã thấy gần như cùng lúc, hai bố con ông Khỏa đứng dậy. Nhưng con trai nhường lời cho bố, giọng ông Khỏa trầm khàn, không có vẻ gay gắt nhưng nghe lại tham thảm. Cả cửa nhà cơ nghiệp hai bố con dồn lại mới thầu được đám đầm. Riêng tiền vay ngân hàng đã chục triệu bạc, trả mãi đến tháng tư vừa rồi mới xong. Lại còn bao công sức bỏ vào đấy sớm khuya, riêng thóc ăn mượn người đắp bờ vùng đã tốn gần một tấn. Thế mà bây giờ, đùng một cái xã thu hồi là trắng tay chứ gì. Ai chả biết là có đền bù. Nhưng đền bù thì làm gì, năm bảy chục cái triệu đồng bạc liệu có sống được mãi? Đời này đã vậy, còn đời con, đời cháu. Nông dân sống bằng ruộng đất, giờ không có ruộng đất thì sống bằng gì. Tiền, ai chả biết tiền là quý, nhưng tiền bất quá cũng chỉ nuôi sống một đời, chứ ruộng đất nuôi sống được bao đời cơ. Trong lúc ông Khỏa nói, bên dưới mọi người cứ lao xao cả lên. Nói ngắn thôi. Nói thẳng vào giá đất đi. Đầm thì đầm, trũng thì trũng, cũng không thể có giá đất rẻ như bèo thế được. Năm mươi nghìn một mét vuông ruộng đầm, quá bằng cho không các ông dự án. Thuận vừa ngồi xuống lại đứng lên, đi nhanh ra giữa hội trường. Nhưng từ phía trên bàn chủ tọa, chủ tịch Thạo, anh trai Thao, không biết có nhìn thấy Thuận mặt đỏ tía tai đang len đám đông ra giữa, cũng đứng bật dậy. Bốn mắt nhìn nhau một giây. Khi Thuận vừa định cất lời thì nghe tiếng ông chủ tịch Ủy ban xã gọi đúng tên mình, nói như ra lệnh: "Chú Thuận, ngồi xuống! Chú có hai mẫu đầm, tiền đền bù tới mấy chục triệu còn thắc mắc cái nỗi gì. Cần ruộng ai
làm. Tới đây chú lấy vợ, chắc gì vợ chú đã ở nhà làm ruộng, thả cá mà giữ".

Khi ấy lòng còn đau như muối xát về nỗi đang có nghề nuôi cá gá bạc, mỗi năm thu hàng chục triệu đồng, thì đùng một cái xã lại thu hồi, nên Thuận cũng chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ tới câu nói của ông anh vợ tương lai. Tiếp đến là những ngày tiếc ngẩn tiếc ngơ, dồn dập mượn người đánh bắt cá dưới vùng để kịp trả lại đầm cho xã, không thì mất cả chì lẫn chài, vừa bị phạt trừ tiền đền bù, vừa bị bên dự án họ cứ thế cho xe đổ cát xuống lấp đầm thì mất không biết cơ man nào là cá. Thuận không còn đầu óc đâu mà nghĩ tới câu Thạo nói, cũng không còn thời gian đâu tìm gặp Thao hỏi có thật như anh trai cô nói thế không, để tôi còn liệu đường. Mãi đến khi trả xong vùng đầm cho xã, lẽo đẽo theo các ông dự án hàng tháng trời còn thiếu ngửa tay ra xin từng trăm, từng chục tiền đền bù, cuối cùng mới thanh toán được mấy chục triệu bạc về trả chị gái anh rể cả gốc lẫn lãi, còn đâu mua chiếc xích lô kẽo kẹt khi thì chở rau cá, tôm cua cho mấy bà buôn đầu huyện bán cuối huyện, khi thì chở những ông bà nhà quê ít tiền ra tỉnh ngại đi xe ôm chóng mặt, tốn tiền thì ngồi xích lô vừa đỡ tiền lại khỏi say xe. Nhưng dẫu buồn chán đến đâu, chứ sao không, đang làm chủ trang trại mỗi tháng bán hàng tấn cá cho các nhà ăn, nhà hàng, khách sạn ở thị trấn, thị xã bỗng chốc trắng tay, ruộng đất không còn, nghề ngỗng gì cũng không biết, ngoài cái nghề nuôi thả cá. Buồn đến nẫu ruột nẫu gan, nhưng Thuận vẫn mấy tối liền lững lờ qua ngõ nhà Thao. Qua ngõ thôi, chứ không muốn vào. Từ sau cái hôm Thạo, anh trai Thao, nói vỗ mặt Thuận ở chỗ họp đền bù ruộng đất, không hiểu sao Thuận không muốn giáp mặt Thạo. Nhưng lượn lờ ngoài ngõ mấy lần không gặp Thao ra ngoài hay đi đâu về, thậm chí chỉ cần nhìn thấy Thao dọn dẹp ngoài sân là Thuận có thể đánh tiếng để Thao biết mình đang chờ ngoài ngõ. Nhưng cũng tuyệt nhiên không. Mãi đến hôm lên thị xã đăng ký xe xích lô, về đến ngang đường gặp Hồng, cô bạn ở gần nhà Thao, mới biết Thao được anh trai xin cho vào làm ở cụm công nghiệp ngay vùng Láng làng mình rồi. Nhưng chưa biết làm ở công ty nào, may mặc hay giày dép, chế biến thức ăn gia súc, vì nghe đâu ở đấy có những mấy công ty cơ. Thuận nhận mẩu tin từ Hồng mà lòng cồn cào bao ý nghĩ. Nhưng cũng không mảy may nửa lời bóng gió trách Thao, nhất là khi nghe Hồng nói, Thao nhờ có ông anh làm chủ tịch xã mà được nhận vào đợt đầu, lại được cho đi Hà Nội học bằng tiền công ty nuôi, thì Thuận dẫu chưa nguôi nỗi giận Thạo hôm nào, cũng thầm cảm ơn Thạo khéo thu xếp công việc cho Thao, mà biết đâu lại không đến lượt mình. Mới nghĩ đến đấy, Thuận đã rùng mình không muốn nghĩ gì thêm nữa. Càng nghĩ càng rối lòng, càng thấy vành tai hâm hấp nóng, vì ngượng ngùng, và cả vì tức giận. Chẳng lẽ một người chỉ có niềm ham mê tạo dựng chỗ đứng vững chãi giữa vùng quê yên tĩnh, mà bây giờ lại phải nấp bóng người khác. Cứ nghĩ đến đấy, Thuận đã thấy ngượng chín mặt.

Một hôm, Thuận đang lững thững đạp xích lô đi đón khách, thì gặp Hồng đèo bà chị gái đi cùng chiều từ thị xã xuống. Không biết từ hôm gặp Thuận đi đăng ký xe, Hồng đi đường có hay để ý người đạp xích lô, mà vừa đi ngang qua đã nhận ra Thuận, vội dừng xe, ngoái lại hỏi toáng giữa đường: "Anh đi đón khách hay đón hàng? Chở cho chị em xe hàng ở cụm công nghiệp Láng lên thị xã có được không?". Thuận dừng xe, xuống đường. Cũng vừa lúc hai chị em Hồng dựng xe vào dệ đường, quay ra. Hồng lướt nhìn khuôn mặt chữ điền có vừng trán dô và đôi mắt to, với hàng lông mi dày của Thuận, lòng bỗng man mác một nỗi buồn không biết từ đâu đến. Người con trai gần ba mươi tuổi đang đứng trước Hồng đây, mới hôm nào còn là sự ngưỡng mộ của bao thanh niên trong làng ngoài xã, cũng là niềm ước mơ của bao cô gái khát khao yêu. Thì bây giờ trông mặt hốc hác, mắt thâm quầng và người gầy rộc đi nhiều so với hôm gặp Thuận đi đăng ký xích lô. Hồng thoáng một giây nhận xét với tâm trạng buồn thương lẫn lộn, rồi quay giục chị gái: "Chị lên xe đi. Có khi xuống dưới ấy gặp hàng quán, hai chị em ăn tạm cái gì rồi hẵng vào nhận hàng, không tối về muộn là đói đấy". Chiếc xe lăn bánh, chị gái Hồng như giờ mới nhận ra xích lô là người làng, mở túi xách lấy bao thuốc lá quay lại mời: "Chú hút điếu thuốc này!". Cảm ơn chị, em không biết hút. Thế có biết uống bia không? Em chỉ biết, chứ không thích uống. Người như chú bây giờ là hiếm đấy. Chả trách nghe con Hồng nói chú đi nghĩa vụ về dám một mình thầu cả cánh đầm Đuối. Thế vừa rồi xã thu hồi đầm có thanh toán cho chú được nhiều không? Ừ, để thì còn, bán thì mất, mấy cái chục triệu bạc tưởng là to, nhưng khấu đầu trừ đuôi còn được là bao. Sao có tiền chú không nhờ ai chạy cho vào cụm công nghiệp mà làm, chứ đi xích lô thế này suốt ngày lang thang ngoài đường, lúc nắng đã vậy còn lúc mưa, khi khỏe lại còn khi yếu. Câu hỏi của chị gái Hồng vô tình động tới lòng tự trọng cố hữu ở Thuận, làm Thuận bỗng thấy giữa mình với người đàn bà này như cách vời, dù chị ta đang ngồi xích lô do chính Thuận đạp trên đường về địa phận làng mình.

 Mọi lần chở người đi nhận hàng ở cụm công nghiệp Láng - giờ người ta gọi vùng đồng Láng của làng Phương như thế - Thuận chỉ dừng xe ở phía ngoài xa, chứ không được vào gần bức tường bao xây gạch quét vôi trắng. Nhưng hôm nay bà chị gái Hồng cứ bắt đưa xe thẳng vào trong, bốc hàng ở kho ra ngay xe, chứ không khuân vác đi lại mất công. Thuận hiểu rất nhanh, bà này chắc quyền thế, không cũng phải có tay trong mới đưa được xe vào tận nơi. Thế thì tiện quá. Nhân thể lại được biết những gì sau bức tường bao trắng lóa kia, mà từ khi có cụm công nghiệp đến giờ Thuận tiếng người làng này, lại một tuần vài bận chở người, chở hàng từ trong ấy ra, ở nơi khác đến, nhưng cũng chỉ được đứng từ xa nhìn vào, chứ chưa lần nào được vào tận nơi. Bên trong quả là rộng. Vùng Láng trước riêng ruộng đã mấy chục mẫu mật điền, chưa kể đầm nuôi thả cá, chả chăm bẵm mấy cũng lớn nhanh chẳng kém nuôi ao tăng sản. Trong khu tường bao, những dãy nhà chỗ lợp tôn xanh, chỗ tôn nâu, dãy thì tường chắn tôn kín, dãy thì dưới tôn, trên kính xám mờ. Nhà nhiều kiểu dáng thế, nhưng nhìn khắp cụm công nghiệp vẫn thấy bề thế, ngăn nắp. Cứ hai hoặc ba dãy nhà lại thấy có khu để xe đạp, xe máy, chắc là của công nhân viên đến làm việc. Bỗng nhiên Thuận lại nghĩ tới Thao. Nghe đâu Thao đã đi học về, nhưng Thuận lai vãng mấy lần cũng chưa gặp. Thấy những người làm trong ấy bảo giờ giấc căng lắm, sớm quá cũng chưa được vào, mà chậm một tí là phải quay về, coi như bỏ việc, có thể bị đuổi ngay tắp lự. Tiếng là làm ca, nhưng không phải là tám tiếng đâu, mà có khi phải làm tới mười, f5f mười hai tiếng để kịp giao hàng. Nhiều người chưa quen, làm trong nhà máy về ăn vội bát cơm là lăn ra ngủ như chết. Nghe người ta kháo nhau thế, Thuận nghĩ lại càng thương Thao, người gầy gò, cao lêu nghêu, chịu sao nổi với cường độ lao động căng thẳng thế. Trước ở nhà cắt cỏ bán cho Thuận cũng còn nhiều hôm gánh cỏ ra đến đầu bờ vùng, đặt xuống, thở như trâu nữa là bây giờ vào làm trong cụm công nghiệp. Mà không biết Thao làm ở đâu, giày da, giày vải, may mặc hay chế biến thức ăn gia súc. Tiếng Láng chỉ là cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở vùng nông thôn xa thành phố đến nửa ngày đường, chứ chưa phải khu công nghiệp cao, nhưng đã mênh mông bể sở thế này biết đâu mà tìm. Chứ lại chả mênh mông, riêng vùng đầm Thuận thầu nuôi cá đã mấy mẫu, chưa kể cái đầm bên cạnh bố con ông Khỏa thầu còn rộng hơn, cũng lại chưa kể khu ruộng mật điền tới mấy chục mẫu, bây giờ tất thảy biến thành những dãy nhà lợp tôn, những con đường rải nhựa, và ngoài kia là bãi để xe và tập kết nguyên vật liệu, rồi cả những quán hàng ăn, giải khát, bia hơi lúp xúp hai bên đường. Cánh đồng Láng ngày nào giờ khác gì một thị trấn, thị tứ. Thuận cứ ngáo ngơ trở đi trở lại bên ngoài dãy nhà mái tôn xanh, tường chắn tôn trắng, bên trên có kính mờ nhưng người bên ngoài nhìn vào không thấy gì ở phía trong, mà khi nãy chị gái Hồng lách cửa vào. Nhưng ngáo ngơ đâu thì ngáo, Thuận vẫn phải để mắt đến cái xích lô nằm khuất chỗ đầu dãy nhà tôn xanh. Kia rồi, chị gái Hồng đang lách cửa ra. Theo sau là ba người đàn ông to khoẻ, người nào cũng vác trên vai chiếc bao bố căng phồng, nặng đến lệch một bên người. Có tiếng chị gái Hồng gọi khẽ: "Xích lô!". Thuận vội bước rảo theo bàn tay vẫy vẫy, ra ý nhanh chân lên, của chị ta. Khi Thuận đứng giữ xe cho một ông khuân vác xếp lại mấy chiếc bao cho cân, thì cửa dãy nhà tôn xanh lại mở. Một cô gái cao ráo, nhỏ nhắn, vận bộ quần áo màu xanh da trời, trang phục của những người làm ở cụm công nghiệp Láng. Đã quen với màu trang phục ấy, Thuận cũng không để ý nhiều tới cô gái vừa từ dãy nhà tôn xanh bước ra. Bỗng Thuận giật nảy người, khi nghe tiếng chị gái Hồng gọi giật giọng: "Ơ kìa, em không đưa giấy cho chị, sao ra cổng được!". Thuận vụt nhìn về phía có tiếng chị gái Hồng gọi, thì ôi chao! Thuận có nhìn gà hóa cuốc không thế này. Hẳn là không, vì trên các ngả đường trong cụm công nghiệp mắc toàn đèn cao áp tỏa ánh sáng trong suốt, nhỡ có rơi cây kim cũng nhìn thấy. Chẳng những thế, nền trời lại không một gợn mây, chỉ có vầng trăng tỏa ánh sáng mung lung xuống cõi trần. Thuận cũng vội bỏ chiếc xích lô không kịp chèn bánh, vừa bước như chạy theo chị gái Hồng lại phía dãy nhà tôn xanh, vừa gọi: "Thao, Thao ơi! Anh đây, Thuận đây mà!". Nhưng ở gần cửa ra vào, Thao chợt dừng chân, quay lại đưa cho chị gái Hồng tờ giấy, rồi vội vã chui tọt vào sau cánh cửa tự đẩy. Thuận đứng như trời trồng dưới ánh trăng suông trong cụm công nghiệp Láng. Chợt có tiếng chị gái Hồng giục: "Thôi về đi em. Về mau kẻo cái Hồng làm cơm, chờ chị em mình sốt ruột!".

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85586


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận