Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 23


Truyện ngắn 23
Bố con người thuyền chài

Cả ngày hôm ấy gió nam. Đến chiều bỗng tắt gió. Ngày đông mà nóng nực như ngày hè. Thung phải cởi bớt cái áo len dài tay ra cho con, rồi gom mấy thứ đồ dùng có giá của cả nhà vào cái bao dứa, buộc chặt lại. Mấy thứ đồ dùng gọi là "có giá" của một gia đình người chài quanh năm lấy thuyền là nhà, biển cả là quê hương, thật cũng chẳng có gì nhiều. Ngoài đồ dùng đi biển, còn lại chỉ là mấy bộ quần áo, cái đài bán dẫn như vật bất ly thân; còn các thứ đồ ăn thức đựng và mấy can nước ngọt thì dù có để dưới thuyền một đêm, chứ mười đêm vẫn đâu còn đấy.

Chỗ bố con Thung chọn đậu thuyền nằm khuất nơi ốc đảo, quanh năm vắng ngắt như cái đảo hoang. Từ ngày chọn nơi đây làm chỗ đi về những khi trời giông gió giật, đâu mới chỉ hai lần thấy người qua lại.

Lần đầu là mấy người cả Tây lẫn ta, chẳng biết là đi thăm dò địa chất, khảo sát địa bàn hay du lịch, vãn cảnh. Chỉ thấy đứng lố nhố trên bờ đá, hỏi vọng xuống: "Thuyền có tôm bán, mua cân nướng uống bia nào?". Thuyền câu mực, làm gì có tôm.

Lần sau là hai người đi săn. Thung đoán thế. Vì thấy họ khoác cái bao da dài ở vai như khoác súng. Mỗi người lễ mễ xách một bao nặng. Thung nhận ra, trong bao như có con vật gì chốc chốc lại động đậy, quẫy quẫy rung cả bao. Không biết là hoẵng, khỉ, voọc, hay cầy hương. Chứ chim gô, gà rừng, tắc kè không quẫy đạp được mạnh

 

thế. Thung đang cắm mắt vào cái bao của gã đi trước, người nhỏ mà cao lêu nghêu, thì gã đi sau to béo, râu xồm, xẵng giọng: "Có chở thì ghé thuyền vào, không thì bảo, đây có cách". Một kiểu gọi đi đò của kẻ lắm tiền, nhiều quyền. Đúng là từ ngày Liên, vợ Thung, bỏ theo giai, giờ mới lại nghe một người lạ quát tháo thế.

Nhưng cả hai lần ấy cũng đã qua đi lâu lắm rồi, bố con Thung không gặp một bóng người nào lai vãng đến cái ốc đảo này nữa. Thung xếp các thứ vào cái bao dứa, rồi một tay dắt đứa con gái kém hai tháng nữa mới đầy bảy tuổi, một tay xách cái bao nhẹ tênh lên bờ. Trời mùa đông, đang lạnh, bỗng nóng nực thế này là thể nào cũng có gió mùa đông bắc về. Tránh trước là hơn. Thung đưa con rời thuyền lên cái hang hàm ếch nằm khuất sâu trong khe núi đá bên bờ vịnh.

Nửa đêm, gió nổi đùng đùng. Biển gầm gào bật tung sóng nước vào bờ đá. Gió lồng lộn văng trên mặt nước, đập vào vách núi, rừng cây trên đảo như những tiếng hú dài vô tận. Cây cối vặn mình đổ gẫy răng rắc, va vào đá lăn ầm ầm. Mưa như trút nước. Gió như quất từng đợt vào trong hang hun hút. Gió mùa tràn về biển đảo mạnh không kém những cơn bão cấp bảy, cấp tám.

Hai bố con Thung từ lúc nghe tiếng gió hú, biển gầm đều thức giấc. Cái Lũng, con gái Thung, không biết có ngủ nghê gì được chưa, chứ Thung chỉ nằm nghĩ lung mung không chợp mắt được tí nào. Từ ngày vợ bỏ theo giai, chớp cái gần hai năm rồi. Đã có những trận vòi rồng, gió lốc cuốn như xoáy nước trên mặt vịnh. Lại có những trận mưa đổ từng cột nước xối xả xuống biển. Mới nửa chiều mà mặt biển giăng giăng hơi nước xám ngắt, không còn nhìn thấy gì, chiếc thuyền con suýt đâm vào đá. Nhưng cũng chưa có trận gió nào như đêm nay. Gió mỗi lúc một mạnh. Mưa rào rào quất lên rừng cây, đập vào vách đá. Đất đá lao từ trên sườn núi xuống, đánh bật tung cả gốc cây cổ thụ, đổ đánh rầm trước cửa hang.

Hôm Thung đưa vợ vào bên Nghiêng, để Liên đón xe lên thị xã bán tôm cho được giá - ấy là Liên nói vậy - cũng là một buổi sáng, sau đêm gió mùa đông bắc tràn về, như thế này. Nhưng Thung nhớ, đợt gió mùa ấy mưa không to, gió không mạnh như đêm nay. Lẽ ra, như mọi khi, Liên vẫn bán tôm cho người buôn ở bến Nghiêng, rồi vội vội vàng vàng mua mấy thứ cần dùng, là trở lại thuyền Thung còn đợi dưới bến. Nhưng hôm ấy, mãi khi thuyền cập bến, Thung nhảy lên kéo dây ghìm thuyền cho vợ bước lên bờ như mọi khi, Liên mới bảo: "Anh cho thuyền về trước đi, đừng chờ em nữa. Hôm nay em vào bến đón xe lên thị xã. Nghe nói, dạo này cửa khẩu thông thương, người từ bên kia sang bên này mua tôm cá tươi đông lắm. Tội gì không mang sang bán cho được giá, mà cứ ở mãi đây cho mấy con buôn nó bắt chẹt". Thung một thoáng bất ngờ trước ý nghĩ mới mẻ và bạo dạn của vợ, chợt nhớ, có lần lên thị xã bon chen xe cộ mà rùng mình, vội bảo: "Thôi, đắt rẻ bán ngay ở bến cho xong, rồi về, em ạ!". Nhưng vợ lại dứt khoát: "Anh cứ để em đi. Thiên hạ người ta đi ầm ầm, chứ riêng mình đâu mà anh cứ lo bò trắng răng". Bò trắng răng đâu chưa thấy, chỉ thấy cái dáng thon nhỏ và đôi mắt sắc như dao cau của người vợ một con trông giòn con mắt trên bến Nghiêng sáng ấy là lần cuối cùng, sau gần chục năm vợ chồng đầu gối má kề trong cái thuyền con lênh đênh trên mặt biển.

Mấy ngày sau, khi gửi được con ở thuyền người anh trai mới từ ngoài đảo Rêu sang, Thung nhờ người quen chạy xe ôm đưa lên thị xã. Vào hết các nhà quen. Gặp hết người buôn tôm cá từ các làng chài Vạn Ngọc, Thủy Giang, Tùng Dinh lên. Không ai biết Liên hôm ấy mang tôm lên bán ở đâu. Hết đường. Thì tình cờ, Thung đang thất thểu ra bến định nhảy xe xuôi, lại gặp Vang, người cùng vạn chài, đi bộ đội biên phòng đóng đồn cửa khẩu. Vang vô tư kể: "Hôm ấy đúng phiên em trực. Em còn hỏi: Chị sang bên kia chơi, hay có công việc gì? Chị ấy bảo: Sang chơi thôi. Nhân có bà chị ở miền Nam ra, rủ nhau đi cho biết bên ấy thế nào". Thung cùng lúc vừa thương vợ nhẹ dạ cả tin, vừa tức giận, bảo: "Trời ơi, cô ấy bị con mụ dắt gái cho bùa mê thuốc lú để sang bên kia làm vợ người ta rồi, chứ làm gì có bà chị nào miền Nam ra rủ đi cho biết". Thung lại chợt nhận ra, con người ta như có tiền định. Không thế, sao hôm kia ở bến, khi cô ấy từ dưới thuyền bước lên, lại bảo: "Đừng chờ em nữa". Lẽ nào?

Thung buồn bã quay về. Nói với vợ chồng người anh trai trông thuyền cho mấy hôm nữa, để em đưa cháu lên bờ gửi ông bà nuôi hộ, rồi em lại xuống. Nhưng con Lũng ngay từ đầu đã không muốn ở với ông bà nội, cứ ngằn ngặt đòi xuống thuyền với bố. Trẻ con nhà chài, lọt lòng ra đã nằm trên thuyền, có sóng nước lắc lư như đưa võng, quen rồi. Giờ dẫu xa một ngày cũng nhớ nhịp chao đưa của sóng, của gió biển mặn mòi. Được mấy hôm, ông bà phải cho người nhắn Thung về. Thôi thì vất vả con gắng chịu, cho cháu nó theo kẻo ở với ông bà nó nhớ bố, nhớ mẹ rạc cả người, tội lắm. Thung lại mang con xuống thuyền, lục cục sớm tối gà trống nuôi con.

Vậy mà chớp cái gần hai năm rồi. Ngày ấy, con Lũng mới lên năm. Còn giờ, thiếu hai tháng đã đầy bảy tuổi. Thung định mai kia hè, thể nào cũng phải dỗ ngon dỗ ngọt cho con chịu ở trên bờ với ông bà, để còn đi học. Con cái thuyền chài, học được cái chữ cực lắm.

"A...ái...!". Con bé đang ngủ tự nhiên kêu thét rỡ, ôm choàng lấy bố. Thung chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, đã thấy cái gì nhột nhột một bên tay gối đầu cho con. Thung hơi hoảng. Trăn hay rắn lại trườn vào cạnh con bé nằm thế này. Thung vội choàng dậy. Thì tay cũng quàng ngay vào một con vật ướt chườn chượt, đang rúc rúc trong đám chăn trùm đầu con bé. Thung nhanh tay túm lấy con vật, không vất ra, mà lại cầm chặt lấy gáy và hai chân sau, giơ lên. Con khỉ con. Lông vàng vàng. Mặt dài dài. Mồm mũi tím tái. Hai tai quắt lại như hai cái nấm. Mắt lờ đờ. Lông ướt chườn chượt. Run cầm cập. Thung giơ con khỉ lên một giây. Rồi đặt nó xuống chỗ có cái chăn vừa cuộn lên. Gọi con dậy. Con bé sau phút ngỡ ngàng, nhận ra con khỉ con cũng có vẻ thinh thích. Nó vừa mỉm cười vừa xoa đầu, vuốt mũi con khỉ. Khác với vẻ ngơ ngác khi nãy, con khỉ cũng nhìn con bé cười cười, rồi đưa cái lưỡi dài và mềm ra liếm liếm tay con bé như thèm ăn. Con bé nựng con khỉ, nó gọi ngay con khỉ là "em bé": "Em bé chắc đói lắm hả?", nó âu yếm rấu. Rồi ngẩng lên, hỏi bố: "Bố ơi, khỉ ăn được gì? Nó có ăn được cơm hay chỉ ăn hoa quả thôi, hả bố?". Hẳn con bé vừa chợt nghĩ đến Tôn Ngộ Không và đàn khỉ ở Hoa Quả Sơn. Thung quay lại bảo con: "Khỉ ăn được cơm. Nhưng giờ làm gì có cơm mà cho nó ăn, hả con". Đúng là cả ngày nay, chính xác là từ khi gió mùa đông bắc kèm theo mưa giông gió giật tràn về vùng biển này, hai bố con đưa thuyền tránh vào ốc đảo, rồi chui tọt vào hang sâu này, thì cả đến miếng cơm nguội cho người cũng chẳng còn mà ăn, chứ đừng nói cơm cho khỉ. Thung nói xong câu ấy, như biết mình lỡ lời, liền nói như để an ủi con: "Thôi, chờ mưa tạnh gió tan, con ạ". Cả hai bố con như đều nhìn ra bên ngoài. Gió đã bớt thổi thốc tháo. Mưa cũng không còn xối xả như hồi đêm. Con Lũng đang chong mắt nhìn ra bên ngoài, bỗng chợt nhớ ở dưới sạp thuyền phía lái, chiều qua thu dọn lên bờ, còn nải chuối ăn dở và mấy củ đậu cất ở đấy. Chiếc thuyền bố Thung đã kéo lên bãi, cột chặt vào gốc cây gần cửa hang, chỉ chạy vài bước là tới. Con Lũng tung chăn, đứng dậy. Nhưng Thung đã kéo tay con, rồi ấn ngay con khỉ vào tay nó, bảo: "Để bố ra lấy cho". Cái Lũng ôm gọn con khỉ con áp vào ngực, như bế em bé. Rồi nó nheo mắt nhìn cái mặt nhăn nhúm và cặp mắt ươn ướt, dài dại của con khỉ. Nó vuốt đầu, vuốt lưng, dứ dứ con khỉ. Trên tay cái Lũng, con khỉ con hết ngáo ngơ, cất lên tiếng khẹc khẹc khẹc khẹc như reo như cười, hai chân trước quặp chặt lấy tay cái Lũng. Khi Thung cầm nải chuối dở với mấy củ đậu để trong cái xô nhựa quay lại hang, nhìn thấy con gái với con khỉ đang đùa giỡn vui vẻ như hai đứa trẻ, lòng bỗng vơi đi nỗi buồn hiu hắt. Biết đâu chiếc thuyền nhỏ của hai bố con gần hai năm nay, từ ngày Liên bỏ nhà đi theo giai, thưa thớt tiếng nói cười, nô giỡn, thì từ nay lại luôn đầy ắp lời nói yêu thương, tiếng cười trong trẻo. Thung vừa chợt nghĩ, vừa chăm chăm nhìn con gái bóc vỏ chuối, đút từng miếng chuối chín vàng vào mồm con khỉ, chứ không để nó háu đói đớp lấy đớp để chả mấy mà hết. Cứ mỗi lần con bé đút cho miếng chuối vào mồm, con khỉ lại nhai nhem nhém, mắt hếch lên nhìn cái Lũng. Bỗng con bé ngẩng lên nhìn bố, hỏi:

- Khỉ con ở đâu mà lại vào đây, bố nhỉ?

Thung hơi sững người. Rồi chợt nhớ ra. Hai người đàn ông


hôm nọ...

Thung lúc đầu cũng thấy ngờ ngợ, không muốn chở. Nhưng sau nghe tiếng gã râu xồm nói như đe: "Không đi thì bảo, đây có cách", Thung đành ghé thuyền vào bờ, cũng không buồn nhảy lên buộc dây chằng mời khách xuống. Nhưng hai gã đeo mỗi người cái bao nặng như đang vội, chỉ đợi thuyền áp bờ là nhảy xuống liền. Khi hai gã kia đã xuống thuyền, Thung bảo họ để gọn bao vào một góc và ngồi cho cân thuyền. Nhưng cả hai chỉ lựa chỗ ngồi giữa thuyền, còn bao thì người nào người ấy vẫn ôm khư khư bên người, chứ không chịu để xuống sạp thuyền. Người có râu xồm nói như ra lệnh cho Thung chèo thuyền về hướng tây vịnh. Nhưng khi Thung hỏi cho thuyền đậu bến nào, thì gã lại không nói dứt khoát, chỉ giục: "Cứ đi!". Trời đã về chiều. Mặt vịnh xanh ngăn ngắt. Sóng lặng. Biển yên. Không một tàu thuyền qua lại. Chỉ mãi hòn Trống mới thấy thấp thoáng mấy chiếc thuyền thảnh thơi nằm phơi mình trên mặt nước. Thung cho thuyền đi mải. Lo khi quay về không khéo đã đêm khuya. Bỗng gã râu xồm nhổm phắt dậy, vỗ tay rối rít: "Dừng chèo, dừng chèo!". Thung còn chưa hiểu ra sao, đã nghe tiếng hú kéo dài, phát ra từ hai bàn tay che lên làm loa của gã râu xồm, tới tấp bay ra. Thung nhìn theo, phía xa xa chỗ hòn Trống, một chiếc thuyền con sơn màu xanh thẫm đang quay lái, hướng mũi về phía thuyền của mình. Một giây ngỡ ngàng. Nhưng rồi Thung cũng kịp dừng tay chèo. Chiếc thuyền lạ chạy xé nước. Mỗi lúc một tiến lại gần. Nghe rõ tiếng máy nổ rì rì và lùm khói ngoằn nghèo bay trên nóc thuyền. Gã râu xồm thọc nhanh tay vào túi quần, móc ra tờ giấy hai mươi nghìn, đưa về phía Thung, giọng lành lạnh: "Này, cầm lấy!". Thung ở thế tiến thoái lưỡng nan. Không cầm có khi trắng tay. Đành cầm tờ giấy bạc đút vào túi quần, để nó đi cho rảnh nợ. Chiếc thuyền gắn máy cũng vừa táp mạn. Một thằng thấp béo, khoác chiếc áo da đen từ đằng mũi con thuyền gắn máy, hỏi với sang, giọng trống không: "Cầy hương, Ngộ không hay Mộc tồn?". Gã râu xồm tinh tướng: "Ngộ không, chứ Cầy hương, Mộc tồn bắt làm gì cho bẩn tay". Từ trong buồng lái con thuyền gắn máy, một thằng đội mũ dạ xám ngó cổ ra: "Có khỉ con không?". Gã cao lêu nghêu đi cùng gã râu xồm, từ trong thuyền bên này vội nói vỏng sang: "Dạ, không có ạ". Gã khoác áo da đứng mũi thuyền máy nói chõ xuống: "Tiếc nhỉ! Một con khỉ con có giá bằng hai, ba con khỉ to. Bọn nhà giàu, quan lại bây giờ nhiều đứa thích chơi khỉ như chơi chậu hoa, cây cảnh trong nhà. Tôi đã dặn các ông cố lùng bằng được khỉ con mang về cơ mà". Gã râu xồm nghe giọng trách móc ấy, có vẻ bực, gắt: "Hai vợ chồng con khỉ tới bốn mươi cân, mỗi con lại không hàng cân óc, bằng mấy khỉ con ấy a. Mau áp thuyền vào cho tụi tao sang đã". Thuyền tắt máy. Một gã từ trong khoang nhảy lên, tung dây xuống chiếc thuyền của Thung. Gã lêu nghêu túm lấy một đầu dây chão. Gã râu xồm vội nhấc bổng cả hai chiếc bao, đưa cho một gã bên thuyền máy. Đoạn, giục gã lêu nghêu mau nhảy sang thuyền kia, còn gã xô nhanh lại phía đằng lái, bất ngờ đẩy Thung rơi ùm xuống biển. Chiếc thuyền nổ máy, chạy như xé nước về phía hòn Trống. Còn Thung. Sau ít giây lặn ra xa con thuyền phòng bất trắc, đã nhô lên mặt nước, dập dềnh bơi ngược vòng sóng lại phía chiếc thuyền con của mình. Nhưng chưa lên thuyền ngay, mà cứ bám tay vào mạn thuyền cho sóng đẩy thuyền trôi, đề phòng bọn kia nhìn thấy lại quay lại. Trời giá rét. Nước vịnh sâu. Thung những tưởng cái lạnh thấm đến tận xương tủy. Mãi khi không còn nhìn thấy bóng dáng con thuyền máy đâu nữa, Thung mới lập cập trèo lên chiếc thuyền con của mình, trở lại nơi ốc đảo.

Gần trưa thì trời hửng nắng. Sau trận gió mưa bão bùng hồi đêm, biển như quang quẻ trở lại. Mặt nước xanh ngơ xanh ngắt. Nền trời cũng vời vợi cao xanh.

Thung kéo chiếc thuyền con từ trên bãi tránh xuống mép nước, buộc dây chằng, rồi quay vào hang đón con và mang các thứ về thuyền. Cái Lũng đang ngồi trùm chăn ôm con khỉ con áp vào bụng, thấy bố nhô đầu vào hang, sợ bố bắt con khỉ trả về rừng, vội nói:

- Mặc kệ, nó ở đâu lạc vào đây cứ mang về thuyền nuôi, bố ạ!

Thung nhìn con, như đọc trong mắt nó niềm thương yêu và sự nuối tiếc. Liền bảo:

- Nó là con khỉ mồ côi. Con thích cứ mang về thuyền nuôi cho vui cũng được.

Con Lũng cười cười tít mắt. Rồi tay xách cái xô nhựa, bây giờ chỉ còn vài củ đậu và mấy cái vỏ chuối, tay ôm con khỉ con cùng với bọc chăn màn quần áo lếch thếch xuống thuyền. Vừa đi, nó vừa làm bộ ngúc ngắc cái đầu con khỉ, nựng:

- Mày về thuyền ở với bố con tao cho vui nhá. Phải ngoan đấy. Không được bỏ đi đâu, nghe chưa!

Quả là có con khỉ con, chiếc thuyền của bố con Thung cũng vui lên thật. Con bé thơ thẩn chơi với con khỉ suốt ngày. Nhiều lúc chúng như hai đứa trẻ, tranh nhau từng miếng củ đậu. Con Lũng tiếng còn thiếu hai tháng mới đầy bảy tuổi, nhưng ở với ông bố vừa thương con vừa nghiêm khắc, con bé tự nhiên cũng sinh khôn trước tuổi. Đến bữa cũng biết so đũa, bày bát. Ăn xong bố mang bát đũa đi rửa, con cũng biết lấy khăn lau chỗ ngồi. Từ hôm có con khỉ, sau bữa ăn con bé lại dạy con khỉ cách cầm khăn lau. Có hôm sáng ngủ dậy rửa mặt, con khỉ nghịch thò tay vào chậu nước, cái Lũng tức, cầm cả cái khăn ướt táp lên mặt con khỉ, làm nó kêu eng éc như bị đòn. Nhưng rồi cái Lũng đi một bước, con khỉ con lại theo một bước. Lúc nào cũng quấn lấy con bé. Có lúc cái Lũng ngồi vơ vẩn một mình, hẳn khi ấy nó đang dào lên nỗi nhớ mẹ, từ ngày bỏ nhà đi, chưa một lần nhắn về cho bố nó lấy nửa lời. Những lúc như thế, con khỉ lại nhảy phóc lên vai cái Lũng, một tay chọc chọc vào tai con bé mà cười lên khanh khách. Chiếc thuyền chỉ có hai bố con Thung, với một con khỉ con, mà nhiều lúc ồn ã tiếng cười, tiếng nói đầy ắp khoang thuyền.

Một trưa, Thung nằm chợp mắt trong khoang. Hầu như trưa nào Thung cũng phải chợp mắt một tý, như cái bệnh ngủ ngày quen giấc rồi. Thường thì cơm trưa xong, hai bố con đều chui vào khoang thuyền nằm nghỉ. Có hôm con bé ngủ, có hôm thức đổ đống đồ chơi trong hộp nhựa ra, chơi bán hàng một mình. Nhưng từ hôm có con khỉ, không mấy trưa cái Lũng ngủ. Con bé với con khỉ dẫn nhau ra lái thuyền, đổ hộp đồ chơi bằng nhựa xanh đỏ trắng vàng ra, chơi bán hàng với nhau. Cũng xoong nồi đun nấu, múc múc từng thìa đổ ra những cái bát nhựa nhỏ xíu, đây của chị, đây của em, cái Lũng bảo con khỉ. Con Lũng và con khỉ chơi với nhau thân thiết, nhường nhịn như hai chị em.

Nhưng trưa ấy, không hiểu sao đứa nọ lại tranh giành đồ chơi của đứa kia. Đùa giỡn. Xô đẩy. Và trong một giây tránh né, cái Lũng trượt chân ngã xuống vịnh. Con khỉ cũng lao theo, túm nhanh được tóc cái Lũng. Rồi cái Lũng cũng nhô được đầu lên. Hai đứa cùng kêu. Tiếng cái Lũng gọi bố. Tiếng con khỉ khẹc ẹc khẹc ẹc. Dồn dập. Thao thiết. Thung bừng tỉnh. Hiểu ngay sự tình. Vội lao ra. Nhảy ào xuống vịnh, túm ngay được con Lũng. Tức thì, con khỉ cũng nhanh chân đu ngay lên vai Thung, như đứa trẻ tinh nghịch ngồi trên vai người lớn. Khi Thung bám một tay vào thuyền, đặt được chân cái Lũng lên mạn, thì con khỉ đã nhảy phóc vào lòng thuyền, hai tay đưa ra kéo tay cái Lũng vào thuyền với nó...

 

*

*      *

 

Tôi được nghe chuyện này ở làng chài Thủy Giang, ngoài đảo Vân Hạ, vào một ngày đẹp trời. Người từ các nơi nườm nượp kéo ra bãi tắm Tiên Sa và rừng Quốc Gia nghỉ ngơi, thăm thú. Nơi đây đang nổi tiếng về du lịch sinh thái, với thảm thực vật dầy đặc, nhiều loài cây quý hiếm và động vật được liệt vào sách đỏ thế giới...

Nhưng tôi dám chắc, không mấy người biết bố con người thuyền chài bao nhiêu năm sống ở nơi ốc đảo và con khỉ mồ côi đã trải qua những ngày tháng như thế nào, để khi Thung tình cờ thấy con khỉ rong huyết, thì cả hai bố con gạt nước mắt bế con khỉ lên bờ, thả nó trở lại với rừng Khe Sâu, nơi bố mẹ nó bị hai gã thợ săn bắt ngày nào.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85587


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận