Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 24


Truyện ngắn 24
Cuộc chiến mộ phần

Bác còn thức đấy không?

- Anh vẫn thức. Chú có chuyện gì muốn nói à?

- Ối giời, chuyện quê thì nhiều lắm. Nhưng bao nhiêu năm bác mới về, thì chỉ nên nói chuyện gì đáng nói thôi, phải không bác nhởi.

- Sao rào đón thế? Cứ thẳng ruột ngựa ra xem nào.

- Cũng việc nhà cả, chứ có gì phải rào đón bác đâu. Nhưng em ngại bác không có thì giờ ở nhà lâu...

- Trước thì thế. Nhưng từ nay chỉ lo vợ chồng chú không có gạo, chứ giờ tôi muốn về quê lúc nào, ở quê bao lâu chả được. Bà ấy với các cháu nhà tôi hễ nói đến về quê là cứ tíu tít cả lên. Còn tôi, hưu rồi, cũng nhiều thì giờ chơi bời thăm thú, chứ không như khi còn công tác, đến mấy ngày phép năm cũng không thể dứt ra nghỉ được.

- Thế nên em nói câu này bác đừng giận. Vì bác "vô sản" quá, đến khi hưu, cuối chiều xế bóng rồi mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Đến một chỗ cho mình nằm xuống lúc về già cũng không có!

- Hì hì hì, chú nói cũng có lý. Nhưng anh hỏi chú, vợ chồng anh với vợ chồng chú, bây giờ ai hơn ai, chỉ về đường cửa nhà con cái thôi đấy?

- Ối giời, ai lại đi so cửa nhà, con cái của một anh cán bộ nhà nước với một anh nông dân, quanh năm mặt bán đất lưng bán giời bao giờ. Nhưng em hỏi thật bác, mà bác cũng phải nói thật với em đấy nhá.

 

- Hì hì hì, cái chú này, anh em nói chuyện với nhau mà cứ như đánh đố ấy. Anh về với vợ chồng chú cũng là về nhà, về với quê cha đất tổ. Thử hỏi không thật thà được với tổ tiên, anh em trong nhà, còn thật thà được với ai.

- Khà khà khà! Bác nói thế thì em bái phục bác! Vậy thì em hỏi thật: Bác định lúc hai năm mươi về già, bác với bác gái, và sau này cả các cháu nữa, an nghỉ ở đâu? Về quê, hay đi Ninh Hải, Phi Liệt? Vâng, hỏa táng hay điện thiêu gì gì chăng nữa, cuối cùng cũng phải đưa ra nghĩa địa, chứ ở ta không như bên Tây, cứ để bình tro trong nhà mà nhìn.

- Dào ồi! Sao mà chú nghĩ dông dài thế.

- Không dông dài đâu bác ơi! Sinh có hạn tử bất kỳ, không biết đâu mà nói mạnh được. Như cái nhà tay Nhậng xóm trong, béo khỏe như trâu, tối còn đi ăn mừng vào nhà mới của ông anh trên phố huyện, đêm về nhà ngủ, thế nào lại chết ngoẻo trên bụng vợ, mới khổ chứ. Thế mà bác bảo không lo, cứ nước đến chân mới nhảy, thì như tay Nhậng còn đâu nữa mà nhảy.

- Nhưng mà mình đang sống nhăn răng thế này, đã nghĩ đến cái chỗ khi chết nằm xuống thì cũng kỳ quá, chú ạ!

- Bác nói thế dễ bao nhiêu người họ đều kỳ cả chắc.

- Chú nói sao, bao nhiêu người đều kỳ cả là thế nào?

- Là họ đều làm cái việc em vừa hỏi bác đấy. Chẳng tin, lần này về nhà lâu, bác cứ lên Ba Đống mà xem. Bao nhiêu người lập mộ phần dựng lăng bia, dễ còn to đẹp bằng mấy bia mộ nghĩa trang liệt sĩ xã ấy chứ. Nói thì bác không chắc đã tin, nhưng đúng là anh em nhà Lìn chỉ lập mộ phần đã hết hơn hai trăm triệu. Đấy là mồm con vợ nó nói ra, chứ không phải đồn thổi đâu. Chỉ riêng lăng và bia phả đã xây lắp tới mấy tháng trời. Đá khắc bia là đá mua mãi từ trong Thanh Hóa đưa ra. Đấy là còn chưa kể tiền đất, chứ gần nửa sào đất, chính xác là một trăm hai mươi mét vuông, đổ rẻ hai triệu một mét, cũng đi tong hai trăm bốn mươi triệu nữa. Ờ ờ, không mất một đồng mua đất, là vì có thằng em làm chánh án tòa án huyện. Nghe đâu năm trước "nhẹ tay" cho thằng con ông chủ tịch xã dính vào vụ buôn bán ma túy, chỉ phải phạt án treo ba tháng thôi. Giờ ông chủ tịch xã đánh "bài lơ" cho thằng anh, cứ tự nhiên nhi nhiên thuê xe chở đất cát lập mộ phần. Nhà thằng Lìn lập được thì nhà khác cũng lập được. Thế là tranh nhau mỗi nhà giành một đám lập mộ phần, dựng lăng bia, xây tường bao rào chắn. Đầu tiên còn tranh giành nhau nơi đất trũng, chỗ thùng đấu, tha ma để không phải trả tiền đất. Không, không phải đất cũ, cũng đều là đất người ta đã để một lần, nhưng cải táng lâu rồi. Mà đất cũ giờ cũng chẳng mấy đâu còn, toàn đất mới cải cả đấy. Đất mới cải không nhanh rồi cũng không còn nữa ấy chứ. Không, đất canh tác muốn lấy phải là những người có máu mặt như anh em nhà Lìn mới lấy được, chứ còn như bác với em thì tìm được một đám đất người ta mới cải táng cũng là may lắm rồi. Vậy mà bác lại bảo người ta kỳ. Em sợ là, nói khí không phải, bác đừng giận, bác nhá, em sợ chính bác lại kỳ hơn cả những người kỳ nữa ấy chứ.

- Ừ thôi, cứ cho là anh kỳ đi. Nhưng mà chú định nói với anh chuyện gì, chứ chẳng lẽ lại chỉ cái chuyện mồ mả đất cát, tha ma nghĩa địa thế?

- Cái chuyện em định nói, cũng là câu khi nãy em hỏi: Bác định lúc hai năm mươi về già, bác với bác gái, và sau này cả các cháu nữa, an nghỉ ở đâu? Về quê, hay đi Ninh Hải, Phi Liêt? Bác đã trả lời


em đâu.

- Ừ ừ... Ờ ơ ơ... Cái này, chú để anh nghĩ...

- Vâng, bác cứ nghĩ. Nhưng mà... À này... Giờ bác hưu rồi, cũng nhiều thời gian, lần này về, bác ở nhà chơi với chúng em dăm bữa nửa tháng. Bác cứ dành hẳn mấy hôm lên Ba Đống mà xem, trăm nghe không bằng một thấy. Em sợ sau đấy bác lại không hối thúc chúng em tranh cho anh một chỗ rồng rộng một tí, ấy chứ lị.

- Hì hì hì, cái chú này...

 

 

*

*      *

 

- Ô, chú Thìn! Chú về hồi nào mà ra mộ các cụ, hay đi thăm đồng đấy?

- Chào bác Hào! Bác dạo này vẫn khỏe chứ ạ? Em mới về. Ra thắp hương các cụ, cũng tiện thăm đồng áng. Lâu ngày em không về, đồng ta dạo này có nhiều đổi thay quá bác nhỉ.

- Thời đổi mới mà chú. Chỉ hôm trước hôm sau ra đồng trông đã khác rồi. Chú thấy đồng ta xưa gặt mùa xong là cho đất nghỉ, sang mãi tháng chạp mới đập đất trồng thuốc lào, chứ có đâu mới cữ tháng một đã xanh rói khoai tây, đỏ ối cà chua thế này.

- Vâng, đồng đất mình, trước tưởng chỉ có trồng được mỗi cái anh thuốc lào, thế mà giờ lại trồng được cả cà chua, khoai tây nữa thì đúng là, đến đất cũng phải đổi màu, bác nhỉ!

- Không thế lấy gì mà ăn, hả chú. Nhà quê chỉ trông vào hạt thóc, củ khoai. Nên dẫu thế nào cũng phải vày vò hòn đất cho ra khoai ra thóc, chứ biết làm sao!

- Nghe bác nói thì như quê mình đang khó khăn, mà sao em nhìn nghĩa địa làng thấy mồ mả, lăng bia xây cao to thế, hả bác?

- Chú cũng thấy thế à?

- Thì đây, kia. Lố nhố những mồ mả, chỗ thì ốp gạch men đỏ ối, chỗ ốp gạch men đen, trông xa như lát đá, ai mà chả thấy.

- Nhưng đấy là chú mới thấy cái bên ngoài, còn cái bên trong thì chưa đâu. Chú có biết cái chỗ mộ phần có lăng bia cao to nhất Ba Đống, với mấy người thợ đang làm kia là của ai không?

- Của ai hả bác?

- Của nhà Lìn, có thằng em làm chánh tòa án huyện, chứ còn ai.

- À, em cũng có nghe chú Dần nhà em nói.

 

- Đấy đấy, mấy chỗ mộ phần rộng rãi, mồ mả cao to, lăng bia đỏ chói cánh đồng kia đều là của những nhà có máu mặt, có cha chú, anh em, con cháu làm việc trên huyện, trên tỉnh cả. Chứ còn cái đám "phó thường dân" như tôi với chú Dần nhà chú, thì đến tiền đóng góp cho con đi học còn không có, lấy đâu ra tiền xây lăng mà tranh giành đất cát lập mộ phần. Mà nói chú đừng bảo tôi lạc hậu, cả làng mình ngày xưa thử hỏi mấy nhà xây được lăng mộ ông cha, hay chỉ có mỗi nhà bá Bấc với nhà lý Uyên, còn cả làng từ người già đến trẻ con qua đời đều đưa vào nghĩa địa cả, thì đã sao. Hay nhà giàu thì to mồ lớn mả, còn nhà nghèo thì mồ con mả bé. Thế mà chú xem, bây giờ thì...

- Ông Hào ơi, ông nói chuyện với ông cán bộ nào mà phân biệt giàu nghèo cả từ chỗ mồ mả nghĩa địa, nghe mất lập trường thế hả?

- Ô dà! Thằng Ngọ đấy à. Sao lại khép tao vào tội to thế hả mày. Cán bộ nào đâu, đây là chú Thìn, anh em con chú con bác với cậu Dần nhà mày. Không nhận ra à?

- Cháu chào chú. Chú được cái ưu điểm hay về quê vài năm một lần, nên mới nhìn cháu không nhận ra. Cháu hỏi khí không phải, chú đã hưu chưa, hay còn đương quyền chức, mà phải về tận làng, ra tận nghĩa địa tìm đất lập mộ phần thế này, hả chú?

- Ờ, mà thằng Ngọ nói phải đấy, chú Thìn ạ. Nãy giờ gặp mải hàn huyên chưa kịp hỏi, chú còn công tác hay hưu rồi. Hưu rồi khỏi nói, chứ còn công tác, chú làm trên tỉnh, sao không di động cho mấy tay lãnh đạo xã, để họ bảo người cắm cho một đám ở chỗ nào chú thích, mà phải lận đậm ra tận chốn tha ma nghĩa địa thế này, hả?

- Bác nói gì kỳ thế! Đất đai công thổ chứ đâu phải của tư gia mà bảo "cắm cho một đám" được, hả bác?

- Thì là đất đai công thổ mới dễ, của người phúc ta, mất gì của mình mà không cắm. Chú không trông ai, cứ trông đám nhà Vuông kia kìa. Chú đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam rồi, nó còn đội mũ rơm đi học. Thế mà giờ mãi trên Hà Nội gọi điện về cho tay Thành, bí thư đảng ủy xã, đâu có mỗi một lần mà được hẳn đám đất ngay đầu nghĩa địa, chỗ gần đường đồng đi xuống kia kìa.

- Bác Hào ơi, bác so chú Thìn đây với ông Vuông thì so thế nào được. Nhưng mà cháu hỏi chú Thìn thế này khí không phải, ban nãy cháu nghe bác Hào nói chú làm trên tỉnh, đúng không. Vậy thì chú không thể bằng ông Vuông được thật. Ông ấy làm ở bộ gì mãi trên Trung ương cơ mà.

- À à, tôi nhớ ra rồi chú Thìn với cháu Ngọ ơi! Ông Vuông làm ở cái bộ có cả kế hoạch lại đầu tư, gọi thế nào nhỉ... Thì cái nhà trẻ xã ta đang xây, nghe nói những mấy tầng, lại có cả chỗ ngủ nghê, ỉa đái ở trong nhà, à à, khép kín, cũng là do ông ấy dành cho từ chương trình viện trợ của Nhật hay Hàn hiếc gì đấy. Của người phúc ta, nào mất gì của ông ấy, mà cả xã lại hàm ơn. Đúng là một người làm quan cả họ được nhờ. Huống hồ đây không chỉ một họ, mà cả làng xã được nhờ ông Vuông mới có cái nhà trẻ to nhất, nhì huyện, thì hẹp gì ông ấy gọi điện về bảo cho đám đất lập lăng mộ ông bà cụ kỵ, lại không giải quyết. Vậy thì đúng như thằng Ngọ vừa nói, chú không thể bằng ông Vuông được thật. Vì ngẫm ra, nói chú đừng giận chú Thìn nhá, bao nhiêu năm chú đi công tác, nhưng đã khi nào chú dành về cho địa phương được chương trình, dự án gì chưa? Chưa chứ gì? Thế nên chú không được mấy ông xã trọng vọng như ông Vuông cũng là phải.

- Nhưng không bằng ông Vuông làm mãi trên Trung ương, thì chú Thìn làm trên tỉnh cũng còn hơn tay Đà, trưởng phòng Công thương và tay Mạ, phó chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện, chứ bác Hào? Vậy sao những tay ấy ở huyện lại được xã cho đất lập mộ phần gia tộc, còn chú Thìn đây ở trên tỉnh lại phải ra tận nghĩa địa tìm đất, thì, cháu nói khí vô phép, chú chỉ có bỏ tiền ra mua, chứ còn tìm thì đến mục thất cũng chả còn chỗ nào tôn tốt có thể lập mộ phần được đâu, chú ạ!

 

- Này Ngọ ơi, thế mày không biết câu người xưa: "Đầu gà hơn đuôi trâu" à? Chú Thìn đây tiếng làm trên tỉnh, nhưng cái chức trưởng phòng tuyên truyền cổ động ở Sở văn hóa Thông tin của chú, bì thế nào được với trưởng phòng Công thương và phó chi nhánh Ngân hàng huyện mà mày cứ bì. Thời nào cũng thế, "Đầu gà vẫn hơn đuôi trâu" chứ, phải không chú Thìn!

- Em... Em...

- Kìa, chú Thìn! Mà bác Hào cũng đừng nói nữa, kẻo chú ấy...

- Anh Ngọ! Anh nghĩ chú là người thế nào mà dễ tự ái thế hả?

- Cháu không nghĩ chú dễ tự ái. Nhưng mấy khi chú về quê, lại ra đến đồng làng mà nghe toàn chuyện buồn cũng mất vui.

- Nghĩ đi thì mất vui, nhưng nghĩ lại cũng hợp thời thế cả thôi, chú ạ. Cụ Trạng Trình sống cách anh em mình mấy trăm năm, nhưng từ bấy giờ Cụ đã truyền dạy: "Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến; ang không mật mỡ kiến bò chi". Tiếng là làm đến cán bộ tỉnh, nhưng thử hỏi chú có mật mỡ gì mà bảo người khác bâu đến nào. Nhưng mà thôi, anh hỏi thật, chú ra thắp hương các cụ rồi rẻo thăm đồng, hay định tìm chỗ lập sinh phần thì cứ nói, anh có thể giúp chú, không nhiều, cũng đủ chỗ đặt phần mộ chú thím với các cháu.

- Bác Hào...!

- Không. Chỗ anh em, anh hỏi thật chú đấy. Người ta dẫu làm đến ông to bà lớn thì rồi cũng hai tay buông xuôi. Mà đã hai tay buông xuôi thì cũng chẳng ai bảo người nào lớn mả hơn người nào. Vậy thì có gì phải lấn cấn, miễn là chết có chỗ chôn xuống là xong. Người nhiều tiền thì chôn chỗ đất rộng, người ít tiền thì chôn chỗ đất hẹp. Cũng đều là vùi sâu ba thước đất, chứ ai còn vẽ vời đất ấy là đất gì, nguyên canh hay đất mới cải táng...

- Thôi bác Hào ơi, chú Thìn chú ấy mới ở xa về không biết, bác nói thẳng ra đi, đất loại mấy, mỗi suất bao nhiêu? Chứ cứ vòng vo Tam quốc mãi làm gì cho mệt.

- Ơ ơ ơ...!

- Chú thấy lạ lắm, hả chú Thìn? Không đâu. Bây giờ người khôn của hiếm, cái gì cũng có giá cả. Tiếng là đất tha ma nghĩa địa, ngày xưa không mấy ai tranh giành lập mộ phần, nhưng bây giờ thì đúng là "đất quý hơn vàng". Nếu không phải là anh có máu mặt hoặc chức quyền trong tay thì đừng hòng lấy được đất canh tác xây lăng mộ. Ngay đến đất người khác đã để một lần, mới cải táng, tìm được chỗ ưng ý cũng còn khó. Huống hồ đằng này chú lại không mất công tìm, nhưng muốn chỗ nào, rộng hẹp bao nhiêu đều có ngay.

- Em, em... Bác biết vợ chồng em, tiếng là làm trên tỉnh...

- Thôi thôi, chú chẳng nói thì anh cũng hiểu hoàn cảnh của chú. Học lớp bảy xong đi bộ đội một lèo, đến sau bảy nhăm mới chuyển ngành, sang làm cái chân kẻ vẽ băng rôn cổng chào khẩu hiệu ở Ty Thông tin, chứ chó gì. Còn thím ấy đi thanh niên xung phong, làm sân bay mãi trên Yên Bái, lúc về may có bà chị ở Huyện hội Phụ nữ mới xin cho được cái chân đổ bô, quét rác trong bệnh viện huyện, để sau này chú mới có điều kiện xin cho thím ấy vào làm hộ lý trong biên chế bệnh viện đa khoa tỉnh. Chứ không, chỉ ở nhà làm ruộng, tôi đố chú một lúc bốc được cả mụ xề với ba cái tàu há mồm lên tỉnh đấy. Nhưng mà thôi, sông có khúc, người có lúc, bây giờ vợ chồng chú cũng đã qua cái đậm cam lai, con cái cũng thuyền lớn sóng lớn thuyền bé sóng bé cả rồi. Thì anh bảo thật, chú cũng nên nghĩ đến cái lúc hai tay buông xuôi. Mà đã buông xuôi, thì không xuôi về đâu bằng xuôi về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thế nên, như ban nãy anh nói với chú đấy, chú định tìm chỗ lập mộ phần thì cứ nói, anh có thể giúp. Với người khác thì khó, nhưng với chú mươi mười lăm mét vuông thì anh có thể tìm được. Đẹp chứ, sao không đẹp. Nhưng anh nói thật với chú Thìn, chỗ đất đẹp hết ý là hiện nay hơi cứng đấy. Năm chỉ một mét vuông, tính theo thời giá khi trả tiền. Như hôm nay, giá vàng ở hiệu con Thúy Hồng chỗ đầu làng, lúc sáng đi qua anh nhìn nó đề trên bảng treo cửa là một triệu chín trăm bảy mươi ba nghìn đồng một chỉ...

- Ối ối ô ô ô...!

- Kìa, chú Thìn! Chú sao thế?

- Ờ ờ, chú bất ngờ quá! Nhưng không sao. Chỉ thấy người chao đảo tí thôi, cháu ạ.

- Có lẽ lâu chú Thìn không ra đồng, lại gặp khi lộng gió, nên thấy người khó chịu đấy thôi. Anh Ngọ đưa chú ấy vào lều đi. Ngồi trong ấy chuyện trò cho đỡ gió máy. Rõ khổ, con người ta lúc sống chẳng nghĩ đến khi chết sẽ ra sao, có được trở về với đất quê nữa không. Vậy mà lúc về già, sắp hai tay buông xuôi thì chẳng mấy ai không nghĩ đến cái chỗ mình nằm xuống ở đâu, có quang quẻ, mát mẻ, to đẹp hay không. Thế mới xảy ra cái sự tranh giành, ganh đua nhau tìm đất lập mộ phần, đến đánh nhau bươu đầu sứt trán như đám con nhà Huy với anh em tay Hậu xóm trong. Chả là bố Huy nó mới chết được hai năm, chưa biết sang năm thứ ba có cải táng được hay không, thế mà anh em tay Hậu dám đóng cọc, căng dây xí cả chỗ mộ bố nó vào khu đất lập mộ phần nhà mình, nhẽ nào chẳng
đánh nhau.

- Chú đã vào sinh ra tử mà xem ra bóng vía cũng yếu, mới nói đến mỗi mét đất lập mộ phần nơi nghĩa địa làng năm chỉ vàng, bằng gần mười triệu thôi đã ngất xỉu rồi. Thế này mà mua thật thì lúc đếm tiền trả, không biết sẽ ra sao nữa đây, hả chú.

- Vợ chồng chú là cái anh viên chức quèn, làm gì có tiền mà cháu bảo lúc đếm tiền trả không biết sẽ ra sao nữa đây. Thôi thì sống thế nào thác thế ấy, lo gì. Đất quê ta mênh mông, sao phải tranh giành nhau tí đất làm mộ phần, có phải không bác Hào với cháu
Ngọ nhỉ!

 

 Xóm Mới, 1-2009

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85588


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận