Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 2


Chương 2
Lạc mất tuổi thơ

Có những người lớn lên không hề nhớ lúc nhỏ mình như thế nào, riêng tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng gia đình mình ngày ấy. Từ những tháng ngày hạnh phúc ấm êm bên ba, bên má cho đến những đổ vỡ, tan nát, chia lìa.

Má tôi là vợ thứ. Nếu không tính anh, chị con của má lớn thì tôi là chị Hai trong gia đình – gồm tôi và ba đứa em trai. Lúc nhỏ, tôi là đứa èo uột khó nuôi, trông như con mèo ốm. Chị em tôi thật hạnh phúc vì có ba má săn sóc yêu thương. Rồi biến cố xảy ra năm tôi lên bảy. Ba tôi có người đàn bà khác. Má tôi vì ghen tuông đã đánh chửi nhau với ba như cơm bữa. Tôi không biết ai phải ai trái giữa ba với má, nhưng những lúc như vậy, chị em tôi chính là cái cớ để người lớn trút giận.

Ba liên tục vắng nhà. Còn má tối ngày bận đi rình tìm xem ba tôi quen những ai, rồi giở trò đánh ghen hoặc tới tận nơi ba tôi làm việc la lối om xòm. Má không còn thời gian để chăm sóc chị em tôi như trước nữa. Dạo ấy, ba tôi đóng quân tại Vĩnh Long, nhưng để xoa dịu má, ba lại đổi qua tỉnh Phong Dinh. Dĩ nhiên cả nhà chúng tôi phải theo ba về Cần Thơ. Ở Cần Thơ, ba lại giở thói trăng hoa. Má tôi ghen lồng ghen lộn vì ba cứ bỏ nhà đi đêm. Tôi không biết do má có lỗi hay tại người đàn bà mới “quyến rũ” ba? Nhưng cứ mỗi lần ba đi làm về là ba má lại đánh chửi nhau. Và cứ mỗi lần như vậy, chị em tôi phải chui xuống gầm giường mà trốn, núp sau tủ mà xem.

Đánh nhau chán chê, má lại đem chị em tôi ra mà rủa mắng, bảo tại chị em tôi nên ba mới bỏ má đi tìm vợ khác. Có phải tại chị em tôi mà ba đi tìm người đàn bà khác không? Có phải chúng tôi là nguyên nhân khiến ba má đánh chửi nhau không? Tôi cũng không biết nữa! Nhưng nếu vậy tại sao ba má sinh chị em tôi ra làm gì? Người lớn sao khó hiểu quá…

Khi đứa em trai nhỏ nhất của tôi còn nằm trên võng chưa biết ăn, ba má tôi chia tay. Ba bỏ nhà đi theo dì ghẻ. Má tôi ghen quá hóa bệnh. Tôi không biết má mắc bệnh gì, chỉ thấy tối ngày má cứ ngồi chải tóc soi gương, rồi cười khóc một mình, miệng thì lảm nhảm câu gì không rõ. Má như người vô hồn, chẳng buồn ngó ngàng đến chị em tôi. Tôi nghe người lớn nói với nhau, má tôi bị bệnh tà ma, chỉ có thầy chùa mới chữa được bệnh của má. Nhiều người tốt bụng đi tìm thầy về chữa bệnh cho má, nhưng bệnh má vẫn không bớt. Rồi cho đến một ngày, ông thầy ấy dẫn má tôi đi biệt luôn, bỏ lại bốn chị em tôi trong căn nhà nửa trên bờ nửa dưới sông. Má đi mất tiêu, bốn chị em tôi đói la liệt, không có ai nấu cơm cho ăn, không còn ai chăm sóc.

Đói thì đầu gối phải bò. Tôi đi xin lối xóm cơm để ăn, xin sữa về cho em Ngọc bú. Nhưng cũng chỉ được vài ba bữa, người ta không ai cho nữa. Chị em tôi không dám lượm mót ăn vì nhớ lời ba má dạy. Vậy mà cuối cùng cái đói đã “dạy” tôi biết ăn cắp. Mỗi buổi trưa, tôi đi rình nhà hàng xóm để ăn cắp cơm nguội về mấy chị em cùng ăn với muối hột. Còn thằng Ngọc thì đành chịu vì tôi không thể ăn cắp sữa cho nó bú. Đói, thằng nhỏ la khóc om sòm khiến hàng xóm không ngủ được. Người ta đành lấy nước cơm cho nó bú đỡ.

Ngày qua ngày, chị em tôi chờ má về, nhưng chờ hoài không thấy. Tự nhiên chị em tôi vắng cả ba lẫn má, thành bơ vơ. Mỗi lần đói bụng, thằng Châu vừa khóc vừa hỏi tôi: “Chị Tâm ơi! Má đi đâu mất tiêu rồi? Sao má không về nấu cơm cho tụi mình ăn hả chị? Em đói quá, anh Dũng cũng đói, chị có đói bụng không hả chị?”. Thằng Dũng cũng thút thít khóc: “Em nhớ má lắm! Tối ngủ không có má, em sợ ma…”.

Cả bốn chị em tôi ôm nhau khóc vì đói, vì không có má ở nhà, và vì sợ ma. Sợ nhất là vào ban đêm, khi tiếng mèo hoang kêu vang vọng, kéo dài nức nở như ai đang vừa khóc vừa gọi má ơi, má hỡi. Chị em tôi sợ tím tái, chỉ biết trùm mền kín mít, cầu mong con ma đừng thấy mà bắt chị em tôi đi vì chị em tôi sợ không được gặp má nữa. Càng ngày tôi càng khôn hơn trong việc đi ăn cắp cơm. Tôi chờ hàng xóm ngủ trưa là tôi đi ăn cắp cơm nguội đem về. Cũng may nơi tôi ở, người ta nấu cơm bằng rơm, trấu hoặc củi nên chái bếp đặt phía sau nhà, không có cửa nẻo gì. Chỉ tội thằng Ngọc, hễ đói là khóc… Khóc đến lả người rồi ngủ. Tôi không biết ẵm nên để nó nằm võng suốt ngày. Đái ỉa, hết ướt rồi khô, trở thành một lớp dày trên võng..

Có lần, tôi bị bắt quả tang tại trận khi đang mở nắp nồi nhà hàng xóm bốc cục cơm nguội bự chảng. Một trận đòn cùng những lời chửi rủa phủ lên thân thể còm nhom bé xíu của tôi: “Đồ trôi sông lạc chợ. Cha mẹ không biết dạy để con cái mới bây lớn đã đi ăn cắp cơm! Lớn chút nữa còn ăn cắp tới thứ gì nữa hả?”. Về nhà, tôi chỉ biết ôm các em mà khóc. Sau trận đòn, tôi luôn thắc mắc mà không tìm ra lời giải đáp: Tại sao ba thương dì ghẻ rồi đi theo dì ghẻ luôn? Còn má nữa, ông thầy chùa biểu là dẫn má đi chữa bệnh điên, bây giờ má ở đâu sao cũng bỏ chị em tôi luôn?...       

Nhiều lúc thấy mấy đứa nhỏ hàng xóm được ba má cưng chiều, tôi thèm được như tụi nó. Thèm để rồi tủi thân chạy về nhà nhớ ba má mà khóc. Lũ trẻ quanh đó thường rủ nhau chơi trốn tìm, nhưng mỗi lần chị em tôi xin được chơi chung đều bị chúng đuổi như đuổi tà: “Tụi mày đi chỗ khác chơi đi. Hôi rình ai dám chơi chung. Với lại, chơi với tụi mày má tao la”. Biết thân biết phận, chị em tôi chỉ dám quanh quẩn trong nhà. Cứ đến giờ là tôi chuẩn bị đi ăn cắp cơm. Tôi không chừa nhà nào, kể cả nhà bà chủ cho ba má tôi mướn ở. Tôi biết ăn cắp là xấu nhưng tôi vẫn làm, vì nếu không ăn cắp thì ai sẽ cho chị em tôi ăn đây? Ba má đã bỏ chị em tôi cả tháng rồi. Mỗi lần thằng Ngọc khóc la đòi bú, mấy cô chú ở cạnh nhà thương tình lại cho ít nước cháo. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều phải nghe họ chửi ba má tôi quá chừng.

Dần dần, người ta không để nồi cơm ngoài chái bếp nữa nên tôi chỉ còn cách vào nhà bà chủ nhà ăn cắp cơm. Rồi bà cũng bắt quả tang lúc tôi đang nhón chân bốc cơm trong nồi. Bà không đánh mà bà ôm tôi khóc. Bà nói để bà đánh điện tín cho ba tôi về nuôi chị em tôi và đóng tiền nhà.

Ba tôi nhận được điện tín từ bà chủ nhà. Ba về lúc chị em tôi đã ngủ say với cái bụng đói mốc meo. Ông kêu chị em tôi thức dậy… Vừa thấy ba, chị em tôi khóc như mưa. Thằng Ngọc nằm trên võng nghe tiếng ba cũng khóc quá chừng. Ba ẵm thằng Ngọc xuống, người nó thúi hoắc vì cả tháng trời chưa được tắm. Ba phải đi nấu nước nóng để rửa ráy cho nó. Thấy một vết lở bự chảng ở mông của nó, ba lấy thuốc đỏ bôi đỡ, chờ về nội mới điều trị. Ba tắm cho thằng Ngọc xong rồi lần lượt tắm cho chị em tôi. Trong lúc tắm, tôi méc ba đủ thứ chuyện, nào là bị bỏ đói, nào là đi ăn cắp cơm bị đánh, chỉ có bà chủ nhà là không đánh…

Ba đi mua sữa về pha cho thằng Ngọc bú và còn mua bao nhiêu thức ăn cho chị em tôi. Chị em tôi vừa ăn xong, không hiểu sao má cũng về tới. Trời gần sáng. Lại một trận chiến nảy lửa giữa ba và má để giành giật chị em tôi. Lần này, ba má không đánh nhau như những lần trước mà chửi nhau ầm ĩ. Cuối cùng, ba hỏi chị em tôi: “Đứa nào theo má? Đứa nào theo ba thì về nội”. Sợ bị bỏ đói, lại thêm sợ ma nên chị em tôi đều đòi theo ba. Thế là ba má tôi quay sang đánh lộn. Chị em tôi sợ quá ôm nhau chui xuống gầm giường trốn. Đánh nhau một hồi ba tôi thắng. Ông thu dọn đồ đạc và dắt chị em tôi ra xe.

Ba mượn một chiếc xe đốt (GMC) của lính để chở chúng tôi từ Cần Thơ về Giồng Ông Tố. Tất cả chị em tôi lên xe, còn má đứng dưới đất. Xe lăn bánh, má bắt đầu chạy theo, vừa chạy vừa khóc. Chị em tôi cũng vừa khóc vừa ngoắc tay vẫy gọi má. Thấy vậy, ba tôi nói: “Thôi các con đừng khóc nữa. Má bây không theo đâu, đừng kêu réo làm gì cho mất công. Ba đưa mấy đứa về ở với ông bà nội. Về nội có anh chị con của má lớn cùng ở, cùng chơi, tụi con không sợ bị mấy đứa khác ăn hiếp nữa”.

Nhưng đến nơi tôi mới biết má lớn cũng bỏ anh chị tôi để đi lấy chồng khác rồi. Bà đã có gia đình khác để yêu thương nên anh chị tôi nheo nhóc về ở với ông bà nội. Giờ đến lượt chúng tôi, ông bà nội phải nuôi hết...

Nhờ nội cưu mang

Năm 1963, chị em tôi bắt đầu cuộc sống mới tại nhà nội. Tuy không có sự chăm sóc của ba má, nhưng dù gì chúng tôi cũng được no ấm hơn. Tôi không phải đi ăn cắp cơm mỗi bữa nữa. Nội cho tôi và em Dũng đi học đàng hoàng ở trường Giồng Ông Tố. Thằng Châu và thằng Ngọc còn quá nhỏ nên ở nhà. Riêng em Ngọc, bệnh liên miên vì vết lở ở mông bị nhiễm trùng,khoét sâu thấy xương. Ông nội đem nó chạy chữa cách nào cũng không hết.

Giờ trưa, tôi thường bồng nó sang nhà họ hàng chơi. Trưa hôm đó, vào tháng cuối hè, tôi và thằng Ngọc qua nhà ông Mười là em ông nội tôi. Các cô chú con ông Mười rủ tôi chơi nhảy cò cò. Tôi vừa ẵm thằng Ngọc, vừa nhảy. Đang chơi vui vẻ thì ông Mười rầy: “Con Tâm mày ẵm em chơi ngoài nắng chang chang,  mày vác thằng nhỏ nhảy cà tưng hoài làm sao nó chịu nổi? Đem em về nhà cho nó ngủ rồi hãy qua chơi!”. Tôi lật đật xí xin nghỉ để ẵm thằng Ngọc về.

Tới nhà, tôi hối ông nội giăng võng lẹ lẹ để còn kịp đi chơi. Ông nội đỡ thằng Ngọc từ tay tôi để lên võng. Thế nhưng, nó đã chết trên vai tôi từ lúc nào mà tôi không hay biết!. Mình mẩy nó cứng ngắc cong queo. Nội vừa khóc vừa trải chiếu cho thằng Ngọc nằm. Nội vừa biểu chị em tôi qua nhà bà Bảy chơi. Nội nói: “Thằng Ngọc chết rồi. Tụi con đi chơi đi, ở nhà không nên.

Chờ khi nào nội đóng hòm cho nó xong tụi con mới được về biết chưa”. Bà Bảy hay chuyện, chạy qua dẫn chị em tôi đi chỗ khác. Riêng tôi thì lén đứng ngoài rào tre nhìn vào để coi người lớn làm gì em tôi. Tôi thấy nội để thằng Ngọc nằm trên chiếu, lấy rượu tắm rửa, bóp tay chân nó cho thẳng ra rồi từ từ bỏ vô hòm, đóng đinh kín mít. Cái hòm nhỏ xíu để giữa nhà, ai cũng khóc. Nội là người khóc nhiều nhất.

Họ hàng vừa thu xếp cho thằng Ngọc vừa chửi má tôi quá chừng. Tôi không biết tại sao thằng Ngọc chết mà ông bà, cô, chú lại chửi má tôi nhiều như vậy. Thằng Ngọc được đem đi chôn liền trong ngày. Cả nhà buồn hiu. Thế nhưng tôi và mấy đứa còn lại vừa buồn vừa mừng. Buồn vì từ giờ không thấy mặt nó nữa. Mừng vì từ giờ khỏi phải ẵm em, khỏi sợ ông, bà nội la rầy vì cái tội mê chơi không giữ em để cho nó té.

Từ lúc thằng Ngọc chết, nội càng ghét cay ghét đắng má tôi. Trong ba chị em tôi, hễ đứa nào vô tình nhắc đến má là đứa đó bị ăn đòn ngay. Cho nên, dù nhớ má đến mấy, chị em tôi cũng không dám nhắc. Tôi thường đem chiếu ra gốc ổi sau nhà để nằm, tha hồ mà mơ về ba, về má. Tôi mơ được như mấy đứa bạn học chung lớp, tan trường có ba má tới đón. Nhưng chỉ là mơ vậy thôi, chứ tôi biết thân phận chị em tôi. Mỗi buổi tan học, chị em tôi lại lủi thủi đi bộ hàng mấy cây số giữa trưa trời nắng chang chang để về nhà. Ban ngày mơ ước, đến tối trong giấc ngủ tôi cũng mơ thấy má đón chị em tôi trước cổng trường, chị em tôi vui mừng đi bên má… …

Giật mình tỉnh giấc không thấy má đâu..  Biết nằm mơ, tủi thân tôi lại thút thít khóc. Hai đứa em nằm ngủ cạnh không hay biết gì. Nghe tiếng tôi khóc, nội đốt đèn dầu lên, vén mùng sờ trán, sờ bụng tôi hỏi: “Con đau bụng hả, đau có nhiều không? Để nội xức dầu cho”. Tôi òa lên khóc… “Con nhớ má con quá nội ơi! Con mơ thấy má dẫn tụi con đi học. Giựt mình dậy không có má con mới khóc”. Nghe tôi kể một hơi, nội nổi cơn lôi đình. “Má mầy là cái thứ hư thân mất nết. Bỏ con, bỏ cái đi theo trai, mày tiếc lắm hả? Cả tháng trời nhịn đói, nhịn khát, mình mẩy ghẻ chóc, đầu tóc thì chí đẻ như dòi bò, chưa sợ sao mà còn nhắc tới nó nữa! Thằng Ngọc chết là tại ai? Mày nói đi… Tại ai?”.

Một trận đòn nửa đêm đổ xuống tôi sau mỗi tiếng “Nhắc nè! Nhắc nè!...” của nội. Sau trận đòn nên thân đó, tôi không bao giờ dám nhắc má trước mặt ai, ngay cả trước mặt các em tôi. Mỗi lần nhớ má, tôi chỉ ra sau hè ngồi khóc. Khóc đã rồi nằm luôn dưới cát mà ngủ, mà tha hồ mơ về má. Tôi lại thấy được má tắm rửa, cho chị em tôi ăn, đưa chị em tôi đi học. Có lúc tôi còn thấy má ôm hôn chúng tôi trong vòng tay yêu thương của má. Vậy mà...  Có lúc giấc mơ của tôi không trọn vẹn, tại vì lũ em phá đám!

Thực tế, chị em tôi chỉ sống với ông bà nội. Từ khi đưa chị em tôi về đây, ba không hề gửi đồng nào để nội nuôi chị em tôi ăn học. Cả gánh nặng đè lên vai bà nội. Cô Ba của tôi đi làm gửi tiền về nuôi ông bà nội, nhưng ông bà nội lại nuôi thêm đàn cháu nên chẳng đủ vào đâu. Nội già rồi mà mỗi ngày vẫn phải đi xúc tép, xúc cá ngoài sông, ngoài ruộng đem về nuôi chúng tôi. Bất kể việc gì làm có tiền nội đều làm hết. Nội hái rau sau vườn, rau dền mọc hoang về nấu canh. Mùa mưa nội đi soi ve. Loại ve sầu còn non kho tiêu ăn rất ngon. Nội đi sáng đêm soi được hai - ba lít đem bán đủ mua gạo đắp đổi qua ngày. Nội tôi già yếu, đầu thì cạo trọc lóc. Nội tự tay cạo tóc, phần vì hà tiện, phần không có tiền đi cắt tóc…  

Chị em tôi còn sống, còn tồn tại là nhờ công ơn của nội. Nội già yếu phải lặn lội thân cò nuôi cháu nên nội cứ bệnh hoài. Mỗi lần nội bệnh, nội phải lên Thị Nghè xin cô Ba tiền mua thuốc uống. Cô Ba là em của ba tôi. Nội chỉ sinh hai người con là ba tôi và cô Ba. Cô Ba vừa nuôi con vừa phụ tiền cho nội. Còn ba tôi chỉ lo cho vợ con riêng của ông mà ít khi nào nghĩ đến chị em tôi.

Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng muốn đi xúc tép, bắt cá giống nội. Buổi sáng đến trường, buổi chiều tôi thường lấy đồ nghề của nội rồi ra mấy bờ ao trong làng, hoặc ra ruộng. Mỗi lần được ít cá, tép đem về, tôi rất vui vì mình cũng phụ được việc nhà với bà nội. Nhưng nội thì cứ la rầy là tôi phá phách rổ rá của nội. Tôi bị phạt quì gối…

Tóm lại, người lớn làm gì là tôi bắt chước làm theo. Từ quét nhà, rửa chén, nhóm lửa, nấu cơm đến cả xách nước dưới giếng lên để tưới cây, tôi đều làm được. Trong nhà, tôi lủi thủi một mình không có ai chơi chung. Nhà có tôi và chị Ba con má lớn là con gái, nhưng chị Ba suốt ngày buôn bán ở chợ, tối mới về nhà. Anh Hai thì đi lính, mỗi tuần chỉ về thăm nội một lần. Còn anh Tư thì không bao giờ cho tôi chơi chung, lại hay cú đầu tôi nữa. Tôi không hiểu sao anh Tư ghét tôi như vậy.

Năm tôi học lớp nhì, là lớp bốn bây giờ, má tôi ghé về thăm. Má mua đủ thứ, nào là giày dép mới, quần áo mới và rất nhiều thức ăn ngon. Thế nhưng nội không cho chúng tôi nhận bất cứ thứ gì. Nội cũng cương quyết không cho má vô nhà, không cho chị em tôi kêu má dù má đã năn nỉ nội hết lời. Chị em gặp má mừng lắm, nhưng mấy đứa kia không dám chạy ra khỏi nhà, chỉ có mình tôi là chạy ra đại để mừng má. Tôi ôm chặt lấy má, má con ôm nhau mà khóc. Nội tức giận lôi tôi vô nhà và trút lên người tôi một trận đòn giận lẫy nhừ tử. Má tôi chỉ biết đứng ngoài rào tre mà khóc. Dù bị đòn ê ẩm nhưng tôi quên hết mọi đau đớn, tôi chỉ muốn đi theo má thôi. Hai đứa em tôi khiếp sợ đứng hàng một trong nhà để nhìn má chứ không dám ra. Má lại năn nỉ nội cho chị em tôi được phép nhận quà, song nội tôi nhất định cấm đoán. Má lén để gói quà ở bụi tre rồi ra dấu cho tôi biết chỗ để lấy. Má đi rồi, chị em tôi mới ra bụi tre mở gói quà của má. Ôi nhiều quá chừng! Mỗi đứa được má mua cho ba bộ đồ Tết. Tôi có đôi guốc đẹp ơi là đẹp. Chúng tôi lén ra sau hè mặc thử đồ mới, rồi mạnh đứa nào đứa nấy đem giấu. Mấy chị em bảo nhau đừng cho nội biết, để dành đến Tết hãy lấy ra mặc, chắc nội sẽ không biết đồ của ai đâu.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/73891


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận