Jên Erơ Chương 19


Chương 19
Lúc tôi bước vào, phòng sách có vẻ khá yên tĩnh, và mụ Xybin- nếu thực đó là một mụ Xybin - ngồi khá thoải mái trong một chiếc ghế bành ở góc lò sưởi.

Mụ khoác áo choàng đỏ, đội mũ đen, hoặc nói đúng hơn, một chiếc mũ rộng vành của người gipxy, buộc xuống cằm bằng một chiếc khăn tay kẻ sọc. Trên bàn có một cây nến đã tắt; mụ ghé sát vào lửa và hình như đang đọc một cuốn kinh, bên ánh sáng lò sưởi. Cũng giống như phần lớn các bà già, trong khi xem, mồm mụ lẩm nhẩm. Thấy tôi vào, mụ không ngừng đọc ngay, hình như mụ muốn xem cho hết một đoạn.

Tôi đứng trên thảm sưởi hai bàn tay lạnh giá vì ngồi mãi ở phòng khách xa lò sưởi. Trong đời chưa bao giờ tôi thấy bình tĩnh như lúc này, thực vậy, bề ngoài của mụ thầy tướng không hề gây cho người ta một sự bối rối nào. Mụ gấp sách lại, từ từ ngẩng đầu lên; một phần mặt bị sấp bóng cái vành mũ, tuy nhiên lúc ngẩng lên, tôi cũng nhận thấy đó là một bộ mặt kỳ lạ màu nâu xạm. Những món tóc gớm ghiếc thò ra ngoài, một dải khăn trắng quấn quanh cằm và che nửa má, nói đúng hơn là che bộ quai hàm của mụ; mắt mụ lập tức nhìn thẳng vào tôi, vẻ táo bạo.

- Thế nào, cô muốn đoán số chứ? mụ nói, giọng quả quyết như cái nhìn của mụ, và cũng nghiệt ngã như nét mặt mụ.

- Tôi không quan tâm chuyện tướng số đâu cụ ạ; cụ có thích đoán thì tùy cụ thôi; nhưng tôi phải nói trước để cụ rõ là tôi không tin đâu.

- Cô nói thế thực hợp với cái vẻ trâng tráo của tôi; về phần cô thì tôi cũng đã chờ đợi điều đó; nghe tiếng chân cô bước qua ngưỡng cửa là tôi đã biết rồi.

- Thực ư? Tai cụ thính nhỉ?

- Thính lắm, cả mắt cũng tinh, và óc cũng minh mẫn nữa.

- Nghề của cụ cần phải thế.

- Đúng, nhất là đối với những khách hàng như cô. Tại sao cô không run?

- Tôi không lạnh.

- Tại sao cô không tái mặt?

- Tôi không ốm.

- Tại sao cô không nhờ tôi đoán số?

- Tôi không là đồ ngốc.

Mu già giấu một nụ cười dưới vành mũ và dải băng quấn mặt, mụ lấy ra một tẩu thuốc ngắn màu đen, châm lửa và bắt đầu hút. Hút được một lúc, mụ ưỡn thẳng cái lưng còng, bỏ tẩu thuốc ra khỏi mồm, và đăm đăm nhìn vào lò sưởi, mụ nói quả quyêt:

- Cô lạnh, cô ốm, và cô là đồ ngốc.

- Vì cớ gì mà cụ nói vậy? Tôi trả lời.

- Được, tôi sẽ nói, vài lời thôi. Cô lạnh, vì cô sống lẻ loi đơn chiếc, không có sự tiếp xúc nào để nhóm lên ngọn lửa vẫn ủ trong lòng cô. Cô ốm, vì cô không hề biết tới cái tình cảm tốt đẹp nhất, cao cả nhất và êm đềm nhất của người đàn ông. Cô ngốc, vì tuy đau khổ nhiều, cô vẫn không chịu gọi cái tình cảm đó lại gần, cũng chẳng chịu nhích một bước để đón gặp nó, trong khi nó vẫn chờ đợi cô.

Mụ lại đưa tẩu thuốc ngắn ngủi, đen sì lên môi, tiếp tục rít mạnh.

- Cụ có thể nói tất cả những điều đó với hầu hết những ai mà cụ biết là sống lẻ loi, phụ thuộc, trong ngôi nhà lớn.

- Phải, tôi có thể nói với bất cứ ai như thế; nhưng có phải là với ai những lời ấy cũng đúng không?

- Đúng như trong trường hợp của tôi.

- Phải, đúng thế, trong trường hợp của cô. - Nhưng cô thử tìm cho tôi một người khác thật đúng như địa vị cô xem.

- Tìm cho cụ hàng nghìn người cũng dễ thôi.

- Cô khó mà tìm nổi lấy một người đấy. Giá cô biết cảnh cô đặc biệt ra sao! Rất gần với hạnh phúc; đúng, chỉ với tay là được. Điều kiện đã sẵn sàng cả rồi đấy, chỉ cần một cử động để phối hợp. Do tình cờ, những điều kiện ấy có phần nào còn bị tách rời nhau; cứ xích chúng lại gần nhau là đạt kết quả tốt đẹp thôi.

- Tôi không hiểu được những lời bí hiểm đâu. Cả đời tôi chưa bao giờ đoán nổi một câu đố.

- Nếu cô muốn tôi nói rõ ràng, thì hãy đưa bàn tay đây tôi xem.

- Và hẳn phải kèm theo một đồng tiền vào đấy chứ?

- Dĩ nhiên.

Tôi đưa cho mụ một đồng silinh; mụ lôi trong túi ra một chiếc tất cũ, bỏ đồng silinh vào, thít chặt miệng tất, rồi lại bỏ nó vào túi. Mụ bảo tôi chìa tay ra. Tôi làm theo, mụ ghé mặt lại gần, không sờ vào tay mà chỉ nhìn chăm chú.

- Bàn tay quá mịn, tôi không thể đoán gì được với một bàn tay như vậy; hầu như không có đường nét gì; vả lại, trông bàn tay thì thấy cái gì? Số mệnh người ta đâu phải ghi ở bàn tay?

- Cụ nói đúng.

- Không, - mụ nói tiếp, - số mệnh ở trên mặt, trên vầng trán, quanh con mắt, ở ngay trong con mắt, ở những đường nét của khuôn miệng. Hãy quỳ xuống, và ngẩng đầu lên.

- À, bây giờ cụ mới đi vào chân lý, - tôi nói và làm theo lời mụ, - tôi sẽ bắt đầu tin vào lời cụ phần nào.

Tôi quỳ cách mụ chừng nửa mã; mụ cời lửa than hồng bốc lên thành ngọn; tuy nhiên, mụ ngồi như vậy thì ánh lửa chỉ làm cho mặt mụ càng bị che tối hơn nữa, và chỉ rọi ánh sáng vào mặt tôi.

- Tôi không hiểu tình cảm của cô ra sao khi cô đến gặp tôi tối nay, - mụ nói sau khi ngắm tôi một lát. - Tôi không hiểu trong lòng cô nghĩ thế nào trong suốt những giờ đồng hồ cô ngồi trong căn phòng kia nhìn những người sang trọng lượn lờ trước mắt cô như những chiếc bóng trong đèn chiếu; đúng là không có sự giao cảm giữa họ và cô, như thể họ chỉ là những bóng người mà chẳng phải là người thực.

- Tôi thường cảm thấy mệt mỏi, đôi khi buồn ngủ, nhưng rất ít khi âu sầu.

- Vậy thì cô có một niềm hy vọng thầm kín phấn khích cô, và cứ thì thầm với cô về chuyện tương lai làm cho cô thú vị.

- Không phải; niềm hy vọng thiết tha nhất của tôi là dành dụm được một món tiền kha khá để một ngày kia thuê một ngôi nhà xinh xắn mở một trường học.

- Đó chỉ là một món ăn nghèo nàn cho tâm hồn cô thôi, trong khi cô ngồi ở chỗ cửa sổ (cô thấy đấy, tôi biết cả thói quen của cô)...

- Cụ hỏi dò bọn đày tớ chứ gì?

- À, cô tưởng là cô sắc sảo lắm đấy! - Được, có thể là tôi đã dò hỏi họ, nói thực thì tôi có quen một người làm trong nhà... chị Pun ấy mà...

Tôi đứng bật dậy khi nghe đến tên Pun, và nghĩ thầm: "Thế ra bà đã quen... có phải thế không? Vậy thì xét cho kỹ, trong chuyện này tất có sự ma quái gì đây".

- Không việc gì mà sợ! - mụ già kỳ dị nói tiếp, - chị Pun là một người chắc chắn, trầm tĩnh và kín đáo, có thể tin cậy chị ta được. Nhưng hãy để tôi nói tiếp, trong khi ngồi ở chỗ cửa sổ, cô không nghĩ đến chuyện gì khác ngoài trường học tương lai của cô sao? Cô không để ý đến người nào trong số khách khứa ngồi trên các ghế xôpha và ghế bành trước mặt cô sao? Cô không nhìn thấy bộ mặt nào à? Một bộ mặt mà cô theo dõi từng chuyển động, ít nhất vì tính tò mò?

- Tôi ưa quan sát tất cả mọi bộ mặt và tất cả mọi người.

- Thế trong số đó cô không hề chú ý đến một người, hay có thể là hai người ư?

- Có, tôi thường chú ý đến cặp nào có những cử chỉ, những cái nhìn như nói một câu chuyện gì, tôi thích thú ngắm họ.

- Cô thích nghe chuyện gì nhất?

- Ồ, tôi không được lựa chọn nhiều đâu. Thường thường họ chỉ có một đề tài tán tỉnh nhau; và hứa hẹn đi đến cùng một kết quả tai hại, là lấy nhau.

- Thế cô có thích cái đề tài đơn điệu ấy không?

- Sự thực thì tôi không chú ý, chuyện ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi.

- Chẳng có ý nghĩa gì đối với cô? Khi một thiếu nữ trẻ măng, khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, sắc đẹp quyến rũ, lại có địa vị giàu sang, mỉm cười với một người đàn ông mà cô...

- Mà tôi làm sao?

- Mà cô biết, và có lẽ cũng có thiện cảm với người ấy.

- Tôi chẳng biết một ông nào ở đây hết. Tôi gần như chưa hề trao đổi một lời nào với họ; còn về chuyện có thiện cảm với họ, thì tôi thấy rằng có một vài người đáng kính, đường bệ và đứng tuổi, những người khác thì còn trẻ, sôi nổi, giỏi trai và hoạt bát; nhưng chắc chắc là họ cứ tha hồ tiếp nhận nụ cười của những cô nào họ ưng ý, mà tôi chẳng hề có lúc nào muốn ở vào địa vị các cô được họ tán tỉnh cả.

- Cô không biết các ông ở đây à? Cô không trao đổi một lời nào với ai à? Đối với ông chủ ở đây cô có nói thế không?

- Ông chủ có nhà đâu.

- Nhận xét sâu sắc nhỉ! Một cách nói lảng khéo tuyệt!

- Ông ấy đi Mincôt sáng nay, và tối nay, hay ngày mai sẽ về, có phải vì thế mà cô không kể ông ra trong danh sách những người mà cô biết - mà cô gạt bỏ ông ấy ra khỏi cuộc sống không?

- Không đâu, nhưng tôi không cho rằng ông Rôchextơ có liên quan đến vấn đề cụ vừa nói.

- Tôi đang nói về các cô mỉm cười với các ông, và gần đây những nụ cười duyên ấy dồn cả vào mắt ông Rôchextơ, đến nỗi mắt ông cứ ứ lên như hai chén nước tràn đầy; cô nhận thấy thế không?

- Ông Rôchextơ có quyền vui thú cùng các vị khách của ông.

- Ông có quyền - điều đó không thành vấn đề, nhưng cô có bao giờ nhận thấy trong tất cả các chuyện hôn nhân bàn tán ở đây, thì chuyện ông Rôchextơ được đặc biệt nhắc đến một cách sôi nổi và liên tiếp không?

- "Sự khao khát của người nghe khiến người kể thêm hứng khởi" - tôi nói câu đó với tôi đúng hơn là với mụ gipxy. Câu chuyện kỳ dị, giọng nói và thái độ của mụ lúc đó như bao bọc trong một giấc mơ. Ở miệng mụ liên tiếp tuôn ra những câu nói thật bất ngờ, khiến tôi như bị vướng vào một mạng của sự mê hoặc và tự hỏi không biết bóng ma vô hình nào đã rình bên trái tim tôi hàng tuần lễ, nghe ngóng từng động tác và ghi lại từng nhịp đập của nó.

- Sự khao khát của người nghe à? Mụ nhắc lại lời tôi.

- Đúng, ông Rôchextơ đã ngồi hàng giờ, lắng nghe đôi môi quyến rũ thích thú tâm sự với ông; và ông rất hài lòng tiếp chuyện; trông ông có vẻ biết ơn vì được hưởng trò tiêu khiển ấy, cô có nhận thấy điều đó không?

- Biết ơn! Tôi không nhớ là đã phát hiện được trên mặt ông có vẻ gì biết ơn.

- Phát hiện! Vậy là cô đã phân tích. Thế cô đã phát hiện ra vẻ gì, nếu không là biết ơn?

Tôi không nói gì cả.

- Cô đã nhìn thấy tình yêu, có phải thế không? Và nhìn xa nữa, cô thay ông ta lấy vợ, và thấy vợ ông có hạnh phúc?

- Hừ! Không hẳn thế. Cái tài phù thủy của cụ đôi khi cũng sai lầm đấy.

- Thế cô nhìn thấy cái quái gì chứ?

- Cần chi điều đó, tôi đến đây để hỏi chứ không phải để thú tội. Có phải ông Rôchextơ sắp cưới vợ không?

- Đúng, lấy cô Ingram kiều diễm

- Sắp sửa à?

- Mọi vẻ ngoài hình như báo hiệu kết luận ấy, và mặc dù cô hình như còn nghi ngờ điều đó, cô táo bạo như vậy thật đáng trừng phạt - chắc chắn họ sẽ là một cặp vợ chồng hết sức hạnh phúc, ông ấy tất phải yêu một thiếu nữ kiều diễm, quý phái, thông minh, hoàn toàn như cô ta; và có lẽ cô Ingram cũng yêu ông ấy, hoặc nếu không yêu con người ông thì ít nhất cũng yêu cái túi tiền của ông. Tôi biết cô ta rất coi trọng gia sản của ông Rôchextơ, mặc dù (xin Chúa tha lỗi cho tôi vừa cách đây một giờ, tôi có nói với cô ấy đôi điều về vấn đề này, làm cho cô ấy sầm mặt lại, hai mép cô trễ xuống đến nửa đốt(1). Tôi muốn khuyên cái người tình đen xấu của cô ta nên cẩn thận, vì nếu có một người khác đến, lắm tiền của hơn, thì ông ấy sẽ bị đá đít thôi.

- Nhưng, cụ ơi, tôi không vào đây để nghe đoán số cho ông Rôchextơ; tôi đến để nghe đoán cho bản thân tôi thôi, vậy mà cụ chẳng nói gì về chuyện ấy.

- Số mệnh cô còn lắm điều mơ hồ, nhìn mặt cô tôi thấy nét nọ mâu thuẫn với nét kia. Thần may rủi đã thận trọng đặt hạnh phúc một bên dành cho cô. Tôi đã nhìn thấy thế. Chỉ còn tùy cô giơ tay ra mà với lấy nó, nhưng cô có làm việc ấy hay không, đó mới là điều tôi đang nghiên cứu. Nào, cô hãy quỳ xuống tấm thảm kia một lần nữa.

- Cụ đừng giữ tôi lâu thế; tôi đến chết ngốt vì lửa mất thôi. Tôi quỳ xuống. Mụ không cúi xuống gần tôi mà chỉ nhìn chằm chằm, ngả người trên ghế bành. Mụ bắt đầu lẩm bẩm:

- Kìa ánh lửa lung linh trong mắt; mắt lấp lánh như hạt sương, hiền từ mà chứa chan tình cảm; nó mỉm cười vì những câu nói khó hiểu của ta. Nó dễ cảm; qua khóe mắt trong sáng ấy những tình cảm liên tiếp ánh lên; khi nó ngừng mỉm cười thì lại đượm vẻ u sầu. Một nỗi chán chường bất giác đè nặng trên mi mắt; điều ấy nói lên nỗi u sầu, tức là hậu quả của cảnh lẻ loi đơn chiếc. Mắt nàng quay đi không nhìn ta, nó không muốn bị quan sát tỉ mỉ hơn nữa; hình như nó muốn phủ nhận, bằng một cái nhìn nhạo báng, những sự thực mà ta đã khám phá, phủ nhận cả hai điều bị nó quy kết; tính đa cảm và nỗi đau buồn. Chỉ có vẻ kiêu hãnh và dè dặt của nó là khiến cho ý kiến của ta thêm khẳng định. Đôi mày này tốt...

Còn cái miệng, đôi khi nó rất đáng yêu khi cười, nó sẵn sàng nói lên tất cả những ý nghĩ trong đầu; mặc dầu ta có thể đoán rằng nó không chịu nói ra những ý nghĩ của con tim. Nó mềm mại, uyển chuyển, không thể nào cứ chịu nén mãi trong cô đơn âm thầm vĩnh viễn.

Cái miệng ấy đáng lẽ phải nói nhiều, cười luôn, và có tình thương nhân hậu đối với người nói chuyện với nó. Cái miệng cũng thật dễ thương.

Ta không trông thấy kẻ thù nào ngăn cản tương lai tốt đẹp ngoài vầng trán kia ra. Vầng trán như muốn nói: "Ta có thể sống cô đơn, nếu lòng tự trọng và hoàn cảnh đòi hỏi như vậy. Ta chẳng cần bán tâm hồn đi để mua hạnh phúc. Trong người ta có cả một kho tàng, bẩm sinh cùng với ta; nó có thể giữ cho ta sống trên đời nếu tất cả mọi lạc thú ngoại lai đều khước từ ta, hoặc đòi hỏi một giá mà ta không thể nào đương nổi. Vầng trán kia tuyên bố: "Lý trí ngồi vững vàng và nắm dây cương; nó không thể để cho tình cảm bùng lên và xô nó xuống vực thẳm hoang vu. Các dục vọng có thể lồng lộn điên cuồng, như những kẻ tà đạo cuồng tín; lòng ham muốn có thể tưởng tượng ra bao chuyện hão huyền, nhưng óc phán đoán bao giờ cũng sẽ cho lời phán quyết cuối cùng trong mọi cuộc tranh luận, và sẽ là tiếng nói uy thế hơn cả trong mọi quyết định. Mặc cho gió táp, đất rung, lửa bùng thiêu đốt bên mình; ta vẫn cứ theo sự hướng dẫn của tiếng nói nho nhỏ ở trong ta, nó truyền đạt những ý muốn của lương tâm".

Vầng trán kia nói đúng; những lời tuyên bố của người sẽ được tôn trọng. Ta sắp đặt kế hoạch của ta, theo ý ta thì đó là nhũng kế hoạch chính đáng, và trong việc này ta đã nghe lương tâm và những lời khuyên của lý trí. Ta biết tuổi thanh xuân chóng phai nhạt và hoa kia sớm tàn úa nhường nào nếu ô nhục, một thoáng hương vị của ân hận. Ta không muốn có những hy sinh đau đớn, hủy hoại... đó không phải là sở thích của ta. Ta muốn nuôi dưỡng chứ không phá phách, muốn nhận ơn chứ không làm tuôn trào những dòng huyết lệ, không, cả đến nước mắt cay đắng cũng không. Mùa gặt của ta tiến hành trong nụ cười, những lời êm ái, dịu dàng. Sẽ phải như thế. Nhưng có lẽ ta đang chìm đắm trong một cơn mê sảng tuyệt vời. Giờ đây ta muốn kéo dài giây phút này đến vô tận; nhưng ta không dám. Cho đến lúc này ta đã hoàn toàn tự chủ được mình. Ta đã hành động đúng như ta đã nguyện với lòng mình phải hành động; nhưng nếu ta kéo dài thêm nữa, có thể nó sẽ vượt quá sức của ta. Đứng dậy thôi, cô Erơ; để tôi ngồi đây một mình; "màn kịch thế là kết thúc"(1).

Tôi ở đâu thế này? Tôi thức hay ngủ đây? Tôi đã mơ chăng? Tôi còn mơ nữa không? Tiếng nói của mụ già đổi hẳn đi. Giọng nói, cử chỉ của mụ đều quen thuộc với tôi như mặt tôi phản chiếu trong gương, quen thuộc như lời nói chính tôi phát ra vậy. Tôi đứng dậy, nhưng không bước đi. Tôi nhìn mụ, tôi cời lửa, rồi lại nhìn mụ, nhưng mụ kéo mũ xụp thêm xuống cùng với dải băng che mặt, rồi ra hiệu bảo tôi đi. Ánh lửa soi rõ bàn tay mụ chìa ra; lúc này mối ngờ vực của tôi đã trỗi dậy, lập tức tôi nhận ra ngay bàn tay đó. Chẳng khác gì tay tôi, nó không còn là bàn tay nhăn nheo của một mụ già nữa, mà là một bàn tay mập mạp, mềm mại, ngón tay mịn, cân xứng; một chiếc nhẫn, và thấy một hạt ngọc mà tôi đã nhìn quen hàng trăm lần. Tôi lại nhìn lên khuôn mặt; lúc này mụ không quay đi nữa, trái lại mụ hất bỏ mũ, gỡ dải băng để lộ đầu ra.

- Thế nào, cô Jên, cô nhận ra tôi chứ? - một giọng quen thuộc hỏi.

- Hãy cởi nốt tấm áo choàng đỏ ra thôi, thưa ông, thế là...

- Nhưng dây bị thắt nút, cô cởi hộ tôi với.

- Dứt dứt đi, ông ạ.

- Được, thôi đây... "Hãy trút quần áo mượn ra!"(2) và ông Rôchextơ xuất hiện nguyên hình.

- Thưa ông, ông nảy ra một ý nghĩ kỳ khôi thật!

- Nhưng thực hiện khá đấy chứ, hả? - Cô không thấy thế ư?

- Đối với các bà hẳn là ông đã đóng trò giỏi?

- Nhưng đối với cô thì không giỏi sao?

- Với tôi, ông đã không đóng vai trò mụ gipxy.

- Thế tôi đã đóng vai gì vậy? Vai của chính tôi sao?

- Không, một vai khó hiểu. Tóm lại, tôi cho là ông làm thử cho tôi lạc hướng; ông đã nói những câu vô nghĩa để cho tôi cũng nói ra những câu vô nghĩa. Như vậy không tốt lắm đâu thưa ông.

- Cô tha lỗi cho tôi không, cô Jên?

- Tôi chưa thể trả lời khi chưa suy nghĩ về điều đó. Nếu sau khi nghĩ rồi, thấy mình đã không mắc phải một điều ngu ngốc lớn nào thì tôi sẽ cố tha thứ cho ông nhưng ông làm thế là không đúng đâu.

- Ồ, cô đã rất đúng mức, rất thận trọng và rất dễ xúc cảm.

Tôi nghĩ lại, và thấy rằng, tôi đã như thế thật, thấy yên lòng. Nhưng thực ra ngay từ lúc đầu cuộc gặp mặt tôi đã phòng; tôi đã nghi có một sự trá hình. Tôi biết những mụ gipxy, những mụ đoán số không nói năng như cái người có vẻ là cụ già này; ngoài ra tôi còn để ý giọng mụ giả tạo và mụ cứ lo giấu mặt đi. Nhưng tôi chỉ nghĩ đến Grêxơ Pun, sự khó hiểu bằng xương bằng thịt, niềm bí ẩn của những niềm bí ẩn, như tôi vẫn coi chị ta như thế xưa nay. Tôi không hề nghĩ đến ông Rôchextơ.

- Thế nào? Ông nói, cô đang nghĩ gì thế? Nụ cười nghiêm trang của cô ngụ ý gì?

- Tôi vừa lấy làm lạ vừa tự khen mình đấy, ông ạ. Bây giờ ông cho phép tôi lui ra chứ?

- Khoan, ở lại một phút nữa; cô cho tôi biết mọi người ở ngoài phòng khách đang làm gì vậy?

- Chắc họ đang bàn tán về mụ thầy tướng.

- Cô hãy ngồi xuống! Cho tôi biết họ nói gì về tôi.

- Thưa ông, tôi không nên ở đây lâu nữa thì hơn, có lẽ gần mười một giờ rồi. À, ông Rôchextơ ạ, ông có biết không, sáng nay lúc ông đi khỏi rồi có một người lạ mặt đến đây?

- Một người lạ mặt à! Không, ai thế nhỉ? Tôi không chờ đợi ai cả. Người ấy đã đi chưa?

- Thưa, ông ta nói quen biết ông từ lâu, và bảo có thể cứ ở lại đây chờ cho đến khi ông về.

- Quái quỷ thực! Thế hắn có nói tên là gì không?

- Tên ông ta là Maxơn, thưa ông. Ông ta từ miền Uext Indies(1), ở Xpanixt Tao(2) thuộc Jamaica, thì phải.

Lúc ấy Rôchextơ đứng cạnh tôi, ông nắm lấy tay tôi như định dắt tôi đến một chiếc ghế. Nghe tôi nói, bỗng ông siết chặt cổ tay tôi; nụ cười trên môi ông biến mất; hình như một cơn kinh giận làm ông nghẹn lời.

- Maxơn! Uext Indi! - ông nói với cái giọng đặc biệt như người ta có thể tưởng tượng một người máy chỉ biết xạm đi như tro xám. Hình như chính ông không biết mình đang làm gì.

Tôi hỏi:

- Ông thấy khó ở, thưa ông?

- Cô Jên, tôi bị choáng váng, tôi đã bị choáng váng, cô Jên ạ! - ông lảo đảo.

- Ồ, ông hãy dựa vào tôi, thưa ông.

- Cô Jên, đã một lần cô đưa vai cho tôi vịn, bây giờ cô lại cho tôi vịn vai đi.

- Vâng thưa ông; và cả cánh tay nữa đây. Ông ngồi xuống và kéo tôi ngồi bên cạnh; hai tay ông nắm lấy tay tôi mà vuốt ve, đồng thời ông nhìn tôi chằm chặp, cái nhìn thực bối rối và buồn bã. Ông nói.

- Cô bạn nhỏ của tôi ơi! Ước gì tôi được sống trên một hoang đảo chỉ với một mình cô thôi, và trút bỏ được mọi nỗi lo lắng, nguy hiểm, mọi kỷ niệm gớm ghiếc.

- Tôi có thể giúp đỡ ông điều gì chăng! Tôi có thể hy sinh cả cuộc đời tôi để phục vụ ông.

- Cô Jên, nếu cần sự giúp đỡ, tôi sẽ nhờ đến tay cô, tôi xin hứa với cô như vậy.

- Cảm ơn ông; ông hãy cho tôi biết tôi phải làm gì; tôi sẽ cố gắng ít nhất làm cho được.

- Cô Jên, cô hãy vào phòng ăn rót cho tôi một cốc vang, lúc này chắc họ đang ăn bữa tối ở đó; và cô cho tôi biết ông Maxơn có ở đấy không và đang làm gì.

Tôi bước ra. Đúng như lời ông Rôchextơ, tôi thấy mọi người đang ở trong phòng ăn. Họ không ngồi quanh bàn; thức ăn bày trên tủ buyp phê; ai thích ăn gì thì chọn món ấy, và họ đứng rải rác thành 1351 từng đám, tay cầm cốc và đĩa. Người nào xem chừng cũng vui vẻ, chuyện trò cười nói ầm ĩ. Ông Maxơn đứng bên lò sưởi, đang nói chuyện với ông bà đại tá Đen; xem chừng ông ta cũng vui như mọi người. Tôi rót một cốc rượu đầy (trong lúc rót tôi thấy cô Ingram cau mày nhìn tôi; chắc cô cho tôi là tự do quá chớn) rồi quay về phòng sách.

Vẻ tái xanh trên mặt ông Rôchextơ đã biến, lúc này trông ông lại có vẻ cương quyết và nghiêm nghị, ông cầm lấy cốc rượu ở tay tôi, nói:

- Chúc sức khỏe cô, một tâm hồn bác ái! - ông uống cạn cốc rượu rồi trao cốc cho tôi.

- Cô Jên, họ làm gì vậy?

- Họ trò chuyện, cười đùa, thưa ông.

- Họ không có vẻ nghiêm trang bí mật, như đã nghe thấy điều gì kỳ lạ chứ?

- Không đâu họ hoàn toàn vui nhộn.

- Còn ông Maxơn?

- Ông ấy cười đùa.

- Nếu tất cả những người ấy cùng đến phỉ nhổ vào mặt tôi, thì cô sẽ làm gì, cô Jên?

- Tôi sẽ đuổi họ ra khỏi cửa, thưa ông, nếu tôi đuổi được.

Ông Rôchextơ mỉm cười:

- Nhưng nếu tôi phải vào gặp họ mà họ chỉ nhìn tôi bằng con mắt lãnh đạm, rồi xì xào với nhau, tỏ ý khinh bỉ tôi, rồi từng người một lần lượt tránh xa tôi thì sao? Liệu cô có đi theo họ không?

- Chắc là không, thưa ông; có lẽ tôi sẽ thấy ở lại với ông thích hơn.

- Để an ủi tôi?

- Vâng, thưa ông, để an ủi ông với tất cả khả năng có thể làm được.

- Nhưng nếu họ ruồng rẫy cô vì cô trung thành với tôi thì sao?

- Có lẽ tôi chẳng hay biết gì về sự ruồng rẫy ấy; và nếu có biết thì tôi sẽ chẳng quan tâm đến.

- Vậy cô có thể vì tôi mà dám đương đầu với dư luận sao?

- Tôi không thể không dám đương đầu với dư luận vì bất cứ người bạn nào xứng đáng với lòng trung thành của tôi, cũng như ông sẽ xử sự như vậy thôi, tôi chắc thế.

- Giờ thì cô hãy trở lại phòng ăn; cô sẽ lại gần ông Maxơn, rỉ tai ông ấy rằng ông Rôchextơ đã về và muốn gặp ông ta; cô đưa ông Maxơn vào đây rồi để mặc chúng tôi.

- Thưa ông, vâng.

Tôi làm theo lời ông. Khi tôi đi qua mặt mọi người, họ đều trố mắt nhìn tôi. Tôi tìm ông Maxơn, báo tin cho ông ta biết, rồi tôi đi trước, dẫn ông vào phòng sách sau đó tôi lên gác.

Khi đêm đã khuya, lên giường nằm được một lát, tôi mới nghe thấy khách khứa trở về buồng riêng. Tôi nhận ra tiếng ông Rôchextơ nói.

- Đi lối này, anh Maxơn; buồng anh đây.

Giọng ông vui vẻ, làm cho tôi cũng an tâm. Sau đó tôi ngủ thiếp đi.



1. Đốt (inch): đơn vị đo lường Anh, tương đương 2,54cm.

1. Câu kết của Hội chợ phù hoa của Thackơrê (NXB).

2. Câu này có là do Rôchextơ đặt ra (NXB).

1. West Indies: miền quần đảo Ăng-ti ở quảng giữa châu Bắc Mỹ và châu Nam Mỹ, gồm có Cuba, Jamaica, Haiti, Porto Ricô.

2. Nguyên văn: Spainish Town (thành phố Tây Ban Nha).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84533


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận