Sự thực thì tôi đã phát cáu, hay như câu nói thông thường của người Pháp, "Tôi đã nổi điên". Tôi cũng biết rằng chỉ vì một phút chống cự mà bao nhiêu hình phạt ghê gớm sẽ đổ lên đầu tôi, và cũng như bất cứ kẻ nô lệ nổi loạn nào khác, trong tình trạng vô vọng, tôi thấy phải cương quyết chống lại đến cùng...
- Giữ lấy tay cô ấy, chị Abôt, bây giờ cô ấy như một con mèo điên.
- Không biết xấu, không biết xấu! - Chị hầu phòng rít lên, - thật là bêu xấu, bêu hổ. Cô Erơ! Dám đánh lại cậu ấm con trai ân nhân của mình, cậu chủ của mình!
- Chủ tôi ấy à, ngữ nó mà đòi là chủ tôi à? Dễ tôi là đầy tớ của nó chắc?
- Không, cô còn kém cả đấy tớ nữa là khác, vì cô không kiếm nổi lấy cái gì mà đổ vào miệng. Ngồi xuống đây mà ngẫm cho kỹ về cái tội đanh ác của cô.
Lúc ấy họ đã lôi tôi vào căn buồng bà Rit bảo và ẩy tôi ngồi xuống một chiếc ghế đẩu. Sự nóng nảy khiến tôi nhổm phắt dậy như một chiếc lò xo, nhưng bốn cánh tay của họ đã giữ riệt ngay lấy tôi. Chị Betxi nói:
- Nếu cô không ngồi yên thì phải trói cô lại đấy. Chị Abốt, cho tôi mượn cái nịt, chứ cái của tôi thì cô ấy làm đứt ngay mất.
Abôt cúi xuống tháo chiếc nịt ở bắp chân mập mạp của mình ra. Thấy họ sửa soạn dây trói và cũng nghĩ đến sự bị nhục một lần nữa, tôi bớt hung hăng, kêu lên:
- Đừng tháo nịt nữa, tôi sẽ ngồi yên đây.
Để bảo đảm cho lời hứa của mình, tôi ngồi yên, hai tay giữ chặt lấy ghế. Chị Betxi nói:
- Nhớ đừng có mà cựa quậy.
Và khi tin chắc tôi đã thực sự khuất phục, chị mới buông tôi ra; rồi chị và Abôt đứng khoanh tay quàu quạu nhìn vào mặt tôi, nghi ngại nhưng không tin sự ngoan ngoãn của tôi.
Cuối cùng, Betxi quay sang nói với cô bạn hầu phòng:
- Xưa nay nó có thế bao giờ đâu?
- Bao giờ mà nó chẳng có cái chứng ấy? Tôi vẫn thường có ý kiến với bà Rit về con bé này và bà cũng đồng ý với tôi. Nó là một đứa bé thâm hiểm, tôi chưa từng thấy đứa con gái nào vào trạc tuổi nó mà lại gian giảo đến thế.
Betxi không nói gì, nhưng một lát sau quay sang bảo tôi:
- Cô phải nhớ rằng cô hàm ơn bà Rit rất nhiều: bà ấy nuôi cô; ví thử bà đuổi cô đi thì cô chỉ còn nước là vào trại tế bần.
Tôi không biết trả lời câu nói đó ra sao, nhưng tôi nghe nó đã quen rồi, vì những kỷ niệm ban đầu cuộc đời thơ ấu của tôi đều gợi đến những lời lẽ bóng gió đại loại như thế. Nhưng lời nhiếc móc tôi là kẻ ăn hại đã thành một điệp khúc mơ hồ bên tai tôi, thực là chua cay day dứt, nhưng tôi cũng chỉ hiểu một cách mập mờ. Abôt hùa theo:
- Cô đừng thấy bà Rit có từ tâm nuôi nấng dạy bảo cô cùng với các con mà tưởng rằng mình ngang hàng với các cô Rit và cậu Rit đâu. Người ta sau này sẽ giàu có, còn cô, cô chỉ có hai bàn tay trắng. Cái địa vị của cô là phải biết phận hèn và cố làm sao cho người ta vừa lòng.
Betxi nói thêm, giọng chị dịu lại:
- Những điều chúng tôi nói với cô là mong cho cô hay, cô phải làm sao trở thành một người dễ thương, không đến nỗi vô dụng, như thế cô còn có cớ lấy chốn này làm nơi nương tựa: chứ nếu cô trở nên nóng nảy cục cằn thì tôi cam đoan là bà Rit sẽ mời cô ra khỏi cửa.
Chị Abôt tiếp lời:
- Rồi lại còn bị Chúa trừng phạt nữa ấy chứ, bị quật chết tươi ngay giữa lúc phát dại, và rồi đời nó sẽ ra sao? Thôi chị Betxi ạ, chúng mình đi ra thôi, cũng may là tâm địa mình không giống nó(1). Khi ngồi dậy một mình thì hãy cầu nguyện đi, cô Erơ ạ; vì nếu cô không ăn năn hối lỗi, ma quỷ sẽ chui từ ống khói xuống bắt cô đem đi đấy.
Hai người bước ra khóa trái cửa lại.
Buồng đỏ là một gian buồng để không, rất ít khi, có thể nói là chưa bao giờ có ai ngủ ở đấy, thực tế, trừ lúc nào có đông khách khứa đến lâu đài Gatơhet, bấy giờ tất cả mọi buồng trong nhà mới phải dùng đến cho khách ngủ. Tuy vậy, đó là một gian phòng rộng và trang nghiêm nhất trong nhà. Giữa buồng kê một chiếc giường chân bằng gỗ đào hoa tâm đồ sộ và có tấm màn Đamat đỏ thẫm rủ xuống nom như một cái ngai thờ. Hai chiếc cửa sổ lớn, mành mành lúc nào cũng buông kín, bị những diềm hoa thêu và những tấm màn cửa cùng một loại dạ che khuất một nửa. Thảm trải nhà màu đỏ; cuối giường kê một chiếc bàn phủ một tấm khăn đỏ thắm. Tường màu tím nhạt phơn phớt hồng. Tủ áo, bàn trang điểm, ghế, đều bằng gồ đào hoa tâm màu thẫm đánh bóng. Giữa đám đồ đạc âm thầm này nổi bật lên một đống đệm và gối trắng toát, ở trên trùm một tấm khăn trải giường Macxây trắng phau như tuyết. Gần đầu giường là một chiếc ghế bành rộng có đệm cũng màu trắng nhưng không nổi như đống đệm gối. Đằng trước ghế bành có một chiếc ghế con để gác chân, tôi tưởng như đấy là một cái ngai màu xám.
Gian buồng lạnh lẽo vì ít khi người ta đốt lửa trong đó. Nó âm thầm vì xa cả buồng trẻ con lẫn nhà bếp, nó trang nghiêm vì ai cũng biết họa hoằn mới có người đặt chân tới. Chị người ở chỉ cứ thứ bảy mới vào để lau bụi bặm bám lên tấm gương và đồ đạc trong suốt cả tuần. Còn bà Rit cũng lâu lâu mới vào soát lại một chiếc ngăn kéo bí mật của tủ áo, trong đó để các thứ giấy má, cái tráp đựng đồ nữ trang của bà và một tấm ảnh nhỏ của ông chồng quá cố. Trong mấy chữ sau cùng này có ngụ cái bí mật của văn phòng nhỏ đỏ. Sự bí mật đó làm cho căn phòng dù uy nghĩ vẫm đượm vẻ âm thầm.
Ông Rit mất đã chín năm rồi, chính trong căn phòng đó ông đã trút hơi thở cuối cùng. Thi hài ông đặt ở phòng này, và cũng chính từ nơi đây những người phu đòn đám ma rước linh cữu ông đi. Từ ngày ấy, mọi người coi gian phòng là chỗ thờ tự u uất nên cũng ít vãng lai.
Cái chỗ mà chị Betxi và chị Abốt khắc nghiệt kia ẩy tôi ngồi dính xuống là một chiếc ghế Thổ Nhĩ Kỳ thấp, kê cạnh lò sưởi lát đá cẩm thạch. Giường kê ngay trước mặt tôi: bên phải là cái tủ áo cao, màu thẫm, cửa tủ loáng loáng phản chiếu lờ mờ và gẫy góc các đồ vật, bên trái là hai cửa sổ có màn che kín. Giữa hai cửa sổ treo một tấm gương soi lớn phản chiếu cái vẻ trang nghiêm trống trải của căn phòng và chiếc giường.
Tôi không rõ Betxi và Abôt lúc ra có khóa cửa buồng không; khi đã đánh bạo cựa quậy, tôi đứng ngay dậy, chạy ra coi cho biết: Than ôi! Không còn nhà giam nào kiên cố hơn được nữa. Trở về chỗ ngồi, tôi bắt buộc phải đi qua tấm gương; mắt tôi bị mê hoặc nhìn vào gương, vô tình tôi khám phá thấy chiều sâu thẳm của nó. Trong cái ảo ảnh thăm thẳm đó mọi vật đều lạnh lùng âm u hơn ở ngoài thực tế. Kìa một con bé nhỏ nhắn, kỳ dị, đang nhìn tôi, mặt và hai cánh tay trắng bệch hiện rõ trong bóng tối, đôi mắt long lanh sợ hãi đưa đi đưa lại, trong khi mọi vật chung quanh đều im lìm bất động, khiến tôi nghĩ đến cảnh ma hiện hình: tôi tưởng nó là một trong những con ma bé nhỏ, nửa tiên nữ, nửa yêu tinh, mà buổi tối chị Betxi thường kể chuyện, là vẫn hiện lên trước mặt khách bộ hành đi khuya, trong những thung lũng dương sỉ tịch liêu giữa cánh đồng hoang vắng. Tôi quay về chỗ ghế đẩu.
Lúc đó tôi đâm ra tin dị đoan. Nhưng mê tín cũng chưa hoàn toàn choán hẳn tâm hồn tôi. Máu tôi vẫn còn bừng bừng; tinh thần của kẻ nô lệ vùng lên chống đối làm trỗi dậy trong lòng tôi một sức mạnh đắng cay. Tôi phải kìm bớt những hồi tưởng miên man về quá khứ trước khi bị suy nhược vì những sợ hãi hiện tại.
Mọi điều ngang ngạnh tàn bạo của thằng Rit, tất cả sự lãnh đạm kiêu kỳ của các em gái nó, tất cả sự ghét bỏ của mẹ nó, và cái lối vào hùa của bọn đầy tớ trong nhà đều quay cuồng trong tâm trí hỗn loạn của tôi như bùn đất quay cuồng trong một cái giếng ngầu bẩn. Tại sao suốt đời tôi cứ chịu đau khổ, áp chế để cho người ta đọa đầy mãi thế? Tại sao tôi lại chẳng thể gây được tình cảm với người khác? Eliza bướng bỉnh ích kỷ thì lại được mọi người trọng vọng, Giorgiana tính nết hư hỏng, một đứa gian giảo, hay sinh sự, hỗn láo thì được mọi người chiều chuộng. Sắc đẹp, đôi má hồng và những búp tóc vàng óng của nó hình như làm cho ai nhìn thấy cũng ưa và có thể chuộc lại tất cả lỗi lầm cho nó. Thằng Jôn không bị một ai làm phật ý còn nói gì đến bị mắng mỏ, dù cho nó có vặn gẫy cổ chim bồ câu, giết chết những con công nhỏ, xua chó xô vào đàn cừu, ngắt tiệt cả nho trên giàn trong nhà lồng kính, vặt gẫy nụ của các cây quý nhất trong nhà ươm cây đi nữa. Nó còn gọi mẹ nó là "mụ già", đôi khi nó nhiếc cả mẹ vì da bà đen làm cho nó cũng bị đen lây. Nó chẳng coi những ý muốn của mẹ nó vào đâu, thường lại còn xé rách và bôi bẩn vào áo lụa của bà, nhưng nó vẫn cứ là "cậu ấm của mẹ".
Còn tôi thì không bao giờ sơ xuất phạm một lỗi nhỏ, tôi cố gắng làm tròn bổn phận, thế mà họ vẫn dè bỉu tôi là đoảng vị, quấy rầy, hãm tài, hèn hạ, suốt từ sớm đến trưa, từ trưa đến tối.
Từ lúc bị Jôn đánh ngã, đầu tôi còn đau và rỉ máu. Nó đánh tôi một cách vô lý thế mà cũng không bị ai mắng, còn tôi chỉ vì dám đối phó lại nó để tránh mọi sự tàn bạo vô lý khác nữa, tôi lại bị mọi người sỉ nhục đến điều. Tôi tự lý luận: "Thực là bất công, bất công", ý nghĩ này là do sự thôi thúc đau xót của một sức mạnh bồng bột tuy chỉ nhất thời; và ý định của tôi cũng trở nên quyết liệt, xui tôi nghĩ đến những kế kỳ lạ để thoát khỏi cảnh áp bức không thể chịu nổi này bằng cách trốn đi, hoặc nếu không làm thế được, thì tôi sẽ tuyệt thực chẳng ăn uống gì nữa, chết thì thôi.
Trong cái buổi chiều ảm đạm ấy tâm hồn tôi khủng hoảng nhường nào! Đầu óc tôi sao mà hỗn loạn, lòng tôi chỉ muốn bùng lên nổi loạn! Tuy nhiên những ý nghĩ này vật lộn trong sự tối tăm dốt nát dày đặc biết bao? Tôi không thể nào trả lời cái câu hỏi liên miên không dứt trong đầu óc mình - tại sao tôi chịu khổ như thế; giờ đây, cách xa khoảng thời gian ấy, không nhớ là đã bao nhiêu năm - tôi mới nhìn thấy rõ.
Ở lâu dài Gatơhet tôi bất hòa với hết thảy: tôi khác hẳn mọi người ở đấy; tôi không có điểm gì hòa hợp được với bà Rit, hay lũ con bà, hay bọn kẻ ăn người ở được bà ta ưa. Họ ghét tôi thì thực sự tôi cũng chẳng ưa gì họ. Họ không bắt buộc phải tỏ ra trìu mến đối với một kẻ không thể nào có cảm tình với một ai trong bọn họ; một kẻ khác hẳn họ về tính tình, khả năng, khuynh hướng; một kẻ vô dụng, không phục vụ gì được cho lợi ích của họ hoặc làm cho họ được thêm vui; một kẻ có hại, nuôi dưỡng trong lòng những mầm mống căm phẫn đối với cách đối xử của họ, khinh thường những ý kiến của họ. Tôi biết rằng nếu tôi là một con bé tính nết nóng nảy, hoạt bát, vô tâm, hay đòi hỏi, xinh đẹp, và ồn ào nghịch ngợm thì bà Rit cũng có thể vui lòng chịu đựng được tôi hơn, dù cho tôi không có ai là thân thích và vẫn sống bám vào bà đi nữa; những đứa con của bà cũng có thể gần gũi thân thiện với tôi hơn, và những đầy tớ trong nhà cũng đỡ lôi tôi ra làm cái "bung sung" trong buồng trẻ.
Trong phòng đỏ ánh sáng ban ngày đã tắt, lúc ấy đã quá bốn giờ, và cái buổi chiều trời đầy mây ấy đã ngả sang hoàng hôn ảm đạm. Tôi nghe tiếng những hạt mưa liên miên tí tách đập vào cửa kính chỗ cầu thang, tiếng gió rít trong lùm cây sau nhà. Dần dần người tôi lạnh giá như tiền, và rồi bao nhiêu can đảm biến đi đâu cả. Cái tính nhút nhát thường ngày, không tin ở mình, sự chán chường thoái chí của tôi đổ lụn ướt át trên đống tro của lửa hờn tàn lụi. Mọi người đều bảo là tôi hung dữ, không chừng mà đúng. Sao tôi lại có ý nghĩ tuyệt thực cho chết đói nhỉ? Rõ ràng đó là một tội lỗi: tôi đã đáng chết chưa? Hay cái hầm của nhà thờ Gatơhet là một cái đích an nghỉ có sức quyến rũ người ta? Chính trong cái hầm này tôi nghe nói người ta đã chôn ông Rit. Ý nghĩ đó làm tôi liên tưởng đến ông, tôi sợ chết khiếp cả người. Không thể hình dung lại ông ra sao, nhưng tôi biết ông là cậu ruột tôi - em trai mẹ tôi. Ông đã đem tôi về nhà nuôi, hồi đó tôi là một đứa trẻ côi cút; và lúc lâm chung, ông đã bắt bà vợ hứa rằng sau này sẽ nuôi nấng dạy dỗ tôi như con đẻ. Có lẽ bà Rít nghĩ rằng bà đã giữ đúng lời hứa; và tôi có thể nói rằng bản thân của bà cho bà làm được đến chừng nào thì bà đã làm theo đúng đến chừng ấy. Nhưng làm sao bà có thể yêu được một đứa trẻ ở trong nhà bà, không còn dây mơ rễ má gì với bà, sau khi chồng bà đã chết? Bà rất khó chịu thấy mình bị ràng buộc vì lời hứa miễn cưỡng kia mà bà không thể nào mến được, và cứ phải nhìn thấy đứa trẻ khó chịu ấy giữa đám con cái nhà bà.
Một ý nghĩ lóe ra trong đầu óc tôi: tôi tin chắc - bao giờ tôi cũng tin chắc - rằng nếu ông Rit còn sống, thế nào ông cũng đối xử tốt với tôi; bây giờ, trong lúc ngồi nhìn chiếc giường trắng toát và những bức tường ngợp trong bóng tối - chốc chốc tôi lại đưa mắt sợ sệt nhìn tấm gương chỉ còn phản chiếu ánh sáng lờ mờ, - tôi bắt đầu nhớ lại những câu chuyện nghe nói về những người đã chết, chỉ vì lời trối trăng cuối cùng của họ bị vi phạm, mà nằm dưới mồ không yên, họ trở về trần thế để trừng phạt kẻ nuốt lời thề và trả thù cho những người bị ức hiếp. Tôi nghĩ rằng linh hồn ông Rit, bị dằn vặt vì thấy đứa cháu gái của mình bị ngược đãi, có thể sẽ chui lên khỏi mồ - dù trong hầm nhà thờ hoặc ở thế giới hư vô nào của những người quá cố - và hiện lên trước mắt tôi trong buồng này. Tôi lau nước mắt, cố nén những tiếng nức nở, sợ rằng những biểu hiện đau đớn sẽ gợi lên một giọng nói siêu phàm nào đó để an ủi tôi, hay làm cho từ trong bóng tối hiện ra một khuôn mặt rực hào quang cúi sát xuống tôi với vẻ vô cùng thương cảm. Trên lý luận thì ý nghĩ đó, cố giữ cho mình can đảm. Tôi cố sức xua đuổi ý nghĩ đó, cố giữ cho mình can đảm. Tôi hất những mớ tóc xõa xuống mắt, ngửng đầu lên bạo dạn nhìn quanh căn buồng tối om. Vừa lúc đó, một vệt sáng rọi lên tường. Tôi tự hỏi có phải đó là ánh trăng chiếu qua khe mành cửa? Không, ánh trăng bao giờ cũng đứng yên; đàng này nó lại chuyển động, nó rọi lên trần nhà rồi lung linh trên đầu tôi. Bây giờ tôi cho đó có lẽ là ánh sáng do chiếc đèn lồng của một người nào đó đi qua bãi cỏ chiếu vào. Nhưng lúc ấy tôi đã sợ sẵn, những dây thần kinh của tôi đã bị sự dao động vừa rồi làm cho nao núng, tôi cho rằng vệt sáng đó chính là một sứ giả đi trước báo hiệu một linh hồn bên kia thế giới sắp đến. Tim đập mạnh, đầu nóng bừng lên, bên tai tôi như có tiếng cánh chim đập. Tôi tưởng như có gì hiện đến bên cạnh mình: bị bức bối ngột ngạt, không thể chịu đựng được nữa, tôi chạy xổ ra cửa cố gắng lay ổ khóa nhưng vô ích. Có tiếng chân người đi dọc theo hành lang bên ngoài, tiếng thìa quay trong ổ khóa. Betxi và Abôt bước vào. Chị Betxi hỏi:
- Cô Erơ, cô ốm đấy à?
Chị Abôt hỏi tiếp:
- Làm gì mà kêu inh lên thế! Tôi hoảng cả hồn?
Tôi kên lên:
- Đưa tôi ra! Cho tôi vào buồng trẻ!
Chị Betxi lại hỏi:
- Làm sao? Cô bị đau à? Cô đã nhìn thấy cái gì?
- Ồ, tôi thấy một vệt sáng, và tôi cho rằng ma sắp hiện về
Lúc này tôi nắm lấy tay chị Betxi và chị cũng để yên.
- Nó đã cố tình kêu lên đấy! - Abôt nói, giọng khinh bỉ - Tiếng kêu mới ghê chứ! - Nếu nó đau ốm mà kêu thì đã đi một nhẽ, đằng này nó chỉ cốt làm thế để bắt chúng mình phải lại đây; tôi còn lạ gì lối tác quái của nó.
- Cái gì thế hử? - Một giọng nói hách dịch khác hỏi.
Bà Rit ở hành lang đi đến. Mũ của bà bị gió thổi hất lên và áo bà phần phật.
- Này chị Abôt và Betxi, tôi đã ra lệnh nhốt con Erơ ở trong buồng đỏ cho đến khi nào tự tôi đến tha cho nó kia mà!
Chị Betxi chống chế:
- Thưa bà, nhưng cô Erơ hét to quá.
- Kệ nó đấy! - Câu trả lời cụt ngủn, - buông tay chị Betxi ra, con kia! Mày giở cái trò ấy ra cũng vô ích thôi, nhớ thế! Tao rất ghét cái thói đóng kịch, nhất là mới nứt mắt ra. Tao có bổn phận phải làm cho mày hiểu rằng cái mưu ấy không ổn đâu, bây giờ thì hãy ngồi trong ấy một giờ nữa. Có khôn hồn thì ngồi yên, phải biết vâng lời thì rồi tao mới tha cho.
- Mợ ơi! Xin mợ thương cháu! Tha lỗi cho cháu, cháu không chịu nổi như thế nữa đâu... Mợ hãy phạt cháu bằng cách khác; cháu sẽ chết mất nếu...
- Im ngay! Cái lối hung dữ của mày đáng ghét lắm, chắc chắn là bà Rit thấy như thế thật. Trước con mắt bà thì tôi là một kẻ đóng kịch quá sớm. Thực tâm bà coi tôi như một đứa trẻ có nhiều đam mê độc ác, hèn hạ và phản phúc đáng sợ.
Betxi và Abôt đi rồi. Bà Rit không chịu được sự sợ hãi nhiệt cuồng và những tiếng khóc nức nở của tôi, bất thình lình bà đẩy mạnh tôi vào buồng, khóa trái cửa lại nhốt tôi vào trong đó, không nói thêm nửa lời. Tiếng chân bà nghe xa dần; bà vừa đi khỏi, tôi thấy mình choáng váng như bị ngất đi, không biết gì nữa.
1. Nguyên văn: đó là điều mới mẻ đối với tôi.
1. Nguyên văn: tôi cũng không muốn có tâm địa như nó.