Jên Erơ Chương 3


Chương 3
Điều tôi nhớ trước tiên là lúc tỉnh dậy tôi có cảm giác như vừa qua một cơn ác mộng và nhìn thấy trước mắt một ánh đỏ rùng rợn có những đường rạch đen và dày.

Tôi cũng nghe thấy những tiếng nói văng vẳng như bị gió rít hay tiếng thác đổ át đi. Kích động mung lung và một cảm giác kinh khủng lấn át tất cả đã làm cho năng lực của tôi bị hỗn loạn. Ngay sau đấy tôi thấy như có ai lại nâng tôi dậy nhè nhẹ, đỡ tôi ngồi lên, chưa bao giờ tôi thấy mình được người ta nâng giấc dịu dàng như lúc ấy. Tôi ngả đầu trên một chiếc gối hay có lẽ trên một cánh tay nào đó. Thật là dễ chịu.

Chừng năm phút sau, làn mây bàng hoàng tan dần, tôi biết rõ là tôi đang nằm trên chiếc giường của mình, còn cái ánh sáng đỏ là ngọn lửa trong buồng trẻ. Trời đã tối; một ngọn nến cháy leo lét trên bàn, chị Betxi đứng ở cuối giường, tay bưng cái liễn, một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế bành ngay sát đầu giường và cúi xuống gần tôi.

Tôi cảm thấy một niềm an ủi vô bờ, một tin tưởng êm đềm là mình được che chở và yên ổn, khi tôi biết là có một người lạ ở trong buồng, một người không ở lâu đài Gatơhet mà cũng chẳng có họ hàng gì với bà Rit.

Quay đi không nhìn chị Betxi (mặc dù sự có mặt của chị không đến nỗi làm tôi gớm ghiếc như của chị Abôt), tôi ngó kỹ mặt ông ta: tôi nhận ra đó là ông Lôi, ông bào chế mà thỉnh thoảng bà Rit vẫn mời lại... mỗi khi có đầy tớ trong nhà đau ốm. Còn đối với bà và các con cái thì bà cho mời bác sĩ.

Ông ta hỏi tôi:

- Tôi là ai nào?

Tôi nói tên ông và chìa tay ra, ông ta nắm lấy tay tôi, mỉm cười nói:

- Chỉ lát nữa là khỏe thôi.

Rồi ông để tôi nằm xuống giường và dặn Betxi phải hết sức chăm sóc để tôi được nghỉ yên đêm đó. Sau khi dặn dò thêm và hẹn ngày mai sẽ lại, ông ra và khiến tôi buồn bã. Trong khi ông ngồi ở ghế gần bên gối của tôi, tôi cảm thấy mình được che chở chăm sóc rất nhiều, rồi khi ông khép cửa ra về, cả gian buồng bỗng như tối sầm, tôi lại thấy lòng rười rượi. Một nỗi buồn vô tả trĩu nặng lòng tôi.

- Cô xem có thể ngủ được không? - Betxi hỏi, giọng khá dịu dàng.

Tôi ngập ngừng trả lời, chỉ sợ chị lại gắt với tôi ngay:

- Tôi sẽ cố ngủ.

- Cô có muốn uống nước hoặc thấy có thể ăn một chút gì không?

- Không, cảm ơn chị Betxi.

- Vậy tôi đi ngủ nhé, vì quá nửa đêm rồi, nhưng nếu đêm cần gì cô cứ việc gọi tôi.

Quái, sao lại nhã nhặn thế nhỉ? Tôi đánh bạo hỏi một câu:

- Chị Betxi này, tôi làm sao thế? Có phải tôi ốm phải không?

- Tôi cho là cô bị ngất đi vì khóc nhiều quá trong buồng đỏ đấy. Tôi không dám ngủ một mình với cô bé tội nghiệp ấy đêm nay đâu; không khéo nó chết mất; cơn mê sảng của nó lạ thật, tôi cho rằng nó đã trông thấy một cái gì... bà chủ cũng nghiệt lắm cơ.

Xara quay lại với Betxi, hai người đi nằm. Họ thì thầm với nhau đến nửa giờ đồng hồ rồi mới ngủ. Tôi nghe câu được câu chăng, nhưng cũng hiểu đươc đại khái:

- Có cái gì đã hiện ra trước mặt nó, mặc đồ trắng toát rồi biến mất... một con chó đen to tướng theo sau ông ta... ba tiếng đập mạnh vào cửa buồng... Một điểm sáng ngoài nghĩa địa, đứng ngay trên mồ ông ta v.v...

Cuối cùng cả hai đều ngủ, lửa trong lò sưởi và nến cũng tắt. Tôi thức chong chong suốt đêm dài ảm đạm ấy, mắt, tai và tâm trí tôi căng thẳng vì hãi hùng, sự hãi hùng mà chỉ trẻ con mới cảm thấy.

Sau việc xảy ra ở căn buồng đỏ, tôi cũng không bị ốm nặng và lâu cho lắm. Chỉ có thần kinh tôi bị kích động mà hậu quả còn lại đến tận ngày nay.

Vâng, thưa bà Rit, vì bà mà tôi bị khiếp nhược thần kinh, nhưng tôi cũng tha thứ cho bà vì bà đã không biết việc bà làm(1). Khi bà khiến tôi đau lòng đứt ruột, bà chỉ tưởng là diệt trừ đến cội rễ những tính xấu của tôi thôi.

Trưa hôm sau, tôi đã đứng đậy được mà mặc quần áo, quấn một chiếc khăn quàng, ngồi bên lò sưởi trong buồng trẻ. Tôi cảm thấy mình yếu đuối suy nhược, nhưng điều làm cho tôi đau đớn nhất là cảm thấy khổ sở về tinh thần, khổ sở hết chỗ nói, đến nỗi chỉ còn có biết lặng lẽ khóc thầm. Nước mắt chan hòa, tôi vừa lau giọt này, giọt khác lại tuôn theo trên gò má. Đáng lý tôi phải thấy sung sướng, vì bây giờ ở đấy không có một người nào trong gia đình nhà Rit. Bọn trẻ đã lên xe đi đâu với mẹ chúng. Chị Abôt cũng ngồi khâu ở một buồng khác còn chị Betxi thì đi đi lại lại, xếp các đồ chơi và dọn ngăn kéo, thỉnh thoảng lại nói với tôi một lời dịu dàng khác hẳn mọi ngày. Hoàn cảnh đó đối với tôi đáng phải là cảnh thiên đàng êm dịu, vì xưa nay tôi chỉ quen với cuộc sống bị mắng chửi và áp bức tàn nhẫn. Nhưng thần kinh tôi bị kích động quá mạnh nên không có sự yên tĩnh nào làm dịu được, và cũng không có sự vui thích nào làm cho tôi phấn khởi.

Chị Betxi xuống bếp mang lên cho tôi một cái bánh có nhân đựng trong chiếc đĩa sứ bằng men sặc sỡ có hình một con chim trên thiên đàng làm tổ trong một vòng nụ hoa hồng và hoa tầm xuân. Cái đĩa này từ lâu vẫn làm tôi say mê thích thú, mà tôi vẫn ao ước được mó tay vào và nhìn rõ, nhưng vẫn bị người ta coi là không xứng đáng được hưởng ân huệ đó, thì nay chiếc đĩa quý giá ấy đã đặt ngay trên đầu gối tôi và người ta ân cần mời tôi ăn tấm bánh ngon lành, tròn trặn, xinh xắn đặt trên đó. Một sự ưu đãi vô ích! Nó đến quá quá muộn mất rồi, cũng như phần lớn những ân huệ từ lâu tôi hằng mong đợi và luôn luôn bị từ chối. Tôi không thể nuốt trôi tấm bánh, bộ lông chim và màu sắc những bông hoa trên đĩa đối với tôi hình như đã phai nhạt một cách kỳ lạ. Tôi đặt đĩa bánh sang một bên. Betxi hỏi tôi có muốn đọc sách không. Tiếng "sách" có tác dụng kích thích tôi ngay lập tức, nên tôi nhờ chị ra tủ sách lấy cho tôi cuốn Nhng cuộc phiêu lưu ca Gulivơ. Trước đây tôi vẫn thích thú đọc đi đọc lại cuốn sách này. Tôi cho rằng đấy là chuyện có thực, tôi thấy nó hứng thú hơn cả những chuyện thần tiên. Tôi đã hoài công tìm các thiên tinh giữa những lá mao địa hoàng, hay những hoa loa kèn, dưới những cái nấm hay những dây trường xuân phủ những góc tường cũ. Cuối cùng tôi đành buồn rầu kết luận rằng chúng đã rời bỏ nước Anh này để đến một miền man rợ nào, ở đấy rừng hoang vu rậm rạp hơn, và dân cư cũng thưa thớt hơn. Còn xứ Liliput và xứ Brôdina tôi cho là có thật ở trên lục địa; tôi tin ràng rồi sẽ có một ngày kia, trong một cuộc du lịch dài, tôi sẽ có thể tận mắt trông thấy ở vương quốc tý hon những cánh đồng, nhà cửa, cây cối nhỏ xíu, những người loắt choắt, những con bò cái, con cừu, con chim bé tí ti, và ở đất nước khổng lồ những đồng lúa cao như rừng, những con chó lớn khỏe mạnh, những con mèo kếch xù, đàn ông đàn bà cao như cái tháp. Vậy mà khi tôi đã cầm quyển sách thích thú ấy trong tay, khi đã giở vài trang tìm trong những bức hình kỳ diệu sự quyến rũ từ trước đến nay vẫn hằng lôi cuốn tôi, thì lúc này tôi chỉ thấy hoàn toàn lạ lùng, buồn thảm. Người khổng lồ chỉ còn là những con yêu tinh gầy guộc, người tý hon là những con ma độc ác và đáng sợ, còn Gulivơ là một du khách bất hạnh, lạc lõng trong những miền hết sức kinh khủng và nguy hiểm. Tôi gấp sách lại, không dám xem lâu và đặt nó lên bàn, bên tấm bánh ngọt mà tôi đã không đụng tới.

Chị Betxi đã lau bụi và xếp dọn xong. Chị rửa tay rồi mở một cái ô kéo nhỏ đầy những mụn lụa và sa tanh rực rỡ, và bắt đầu khâu một cái mũ mới cho con búp bê của Giơrgiana. Vừa làm chị vừa hát. Điệp khúc của bài hát ấy như sau:

Những ngày đời sống lang thang

Thủa xưa xa xôi

Tôi thường được nghe bài hát ấy và bao giờ cũng rất lấy làm thú vị, vì Betxi có giọng hát hay - ít ra là theo ý tôi. Nhưng hôm đó, mặc dầu giọng chị vẫn êm đềm, tôi lại thấy trong cái điệu du dương ấy một nỗi buồn vô tả. Đôi lúc mải mê làm việc, chị hát rất khẽ và rất trầm câu điệp khúc: Thuở xưa xa xôi nghe như nhịp ngâm của một điệu hát tang buồn thảm nhất. Chị hát sang một bài khác, bài này mới thật là bi ai.

Chân đã chồn, tay đã mỏi

Đường còn dài thêm núi hiểm hoang vu;

Màn đêm xuống u buồn che dần mãi

Trên bước đường em bé nhỏ bơ vơ.

Sao xa cách muôn trùng, sao đơn chiếc

Bãi đồng hoang đá xám cht chồng xa

Người nhẫn tâm, ch thần linh từ thiện,

Độ bước đường em bé nhỏ bơ vơ.

Gió nhè nhẹ đêm thanh vi vu thổi;

Trời quang mây, lp lánh ánh sao khuya.

Thượng đế nhân từ đoái tình che chở,

Làm dịu lòng, đem hi vọng cho cô nhi.

Dù tôi ngã trên cầu ngang gãy đ,

Hay lạc giữa đồng lầy với ánh ma trơi,

"Người" vẫn ban phước lành không nỡ bỏ

Kẻ cô nhi "người " ôm mãi chăng rời.

Một ý nghĩ lòng tôi thêm can đảm,

Dù rằng không chỗ trú với ngirời thân.

Trời là nhà, và một chỗ ngh chân

Không làm tôi yếu mềm, trời là bạn

Ca cô nhi kh sở bơ vơ.

- Kìa cô Jên, đừng khóc nữa - Betxi hát xong nói vậy. Thực chẳng khác gì chị nói với lửa rằng: "Thôi đừng cháy!". Nhưng chị đoán sao nổi thống khổ đang day dứt lòng tôi? Buổi sáng hôm ấy, ông Lôi lại đến.

- Ô kìa! Đã dậy được rồi kia à? - Ông vừa nói vừa đi vào buồng. - Thế nào, chị bảo mẫu, cô ấy ra sao?

Chị Betxi trả lời rằng tôi khỏe lắm.

- Thế thì lẽ ra cô ấy phải vui vẻ hơn mới phải chứ? Lại đây, cô Jên. Tên cô là Jên có phải không nhỉ?

- Thưa ông vâng, Jên Erơ

- Kìa, cô đã khóc rồi, cô Jên Erơ, cô có thể nói cho tôi biết tại sao không? Cô có bị đau không?

- Thưa ông, không.

Chị Betxi nói chêm vào:

- Ồ, tôi cho rằng cô ấy khóc chỉ vì không được đi xe chơi với bà chủ đấy thôi.

- Chắc không phải thế, cô ấy nhớn rồi chứ đâu có trẻ con như vậy.

Tôi cũng nghĩ thế, và vì bị quy tội oan nên tôi tự ái trả lời ngay:

- Không khi nào tôi khóc vì một chuyện như vậy! Tôi thiết gì đi xe, tôi khóc là vì tôi khổ sở.

- Hừ! Thôi đi cô! - Betxi nói.

Ông bào chế tốt bụng có vẻ như hơi khó xử. Tôi đứng trước mặt ông, ông chăm chú nhìn tôi. Đôi mắt xám của ông bé và không sáng lắm, nhưng lúc này tôi thấy sắc sảo chứ. Nét mặt ông tuy thô nhưng coi hiền từ. Sau khi đã nhìn kỹ tôi, ông hỏi:

- Chuyện gì hôm qua đã khiến cô phát ốm?

Betxi lại nói chêm vào:

- Cô ấy ngã đấy.

- Ngã à? Lại chuyện con nít rồi! Nhớn thế mà còn chưa biết đi hay sao? Cô ấy lên tám hay lên chín rồi chứ còn gì.

Một lần nữa bị chạm tự ái, tôi trả lời phắt:

- Tôi bị người ta đánh cho ngã, rồi nói thêm: "nhưng không phải vì thế mà tôi ốm", trong khi ấy ông Lôi hít một hơi thuốc. Lúc ông bỏ hộp thuốc lá vào túi thì vừa lúc tiếng chuông báo giờ ăn của các gia nhân reo vang, ông cũng biết hiệu chuông này.

- Chuông gọi chị đấy, chị bảo mẫu ạ, chị xuống đi. Trong lúc không có chị ở đây, tôi sẽ giảng giải cho cô Jên nghe.

Betxi muốn nán lại, nhưng chị bắt buộc phải đi, vì ở lâu dài Gatơlet nguyên tắc là phải ăn đúng giờ. Lúc Betxi đi khỏi, ông Lôi nói tiếp:

- Không phải vì ngã mà cô ốm, vậy thì sao?

- Cháu bị người ta nhốt vào trong một cái buồng có ma cho đến tận đêm.

Tôi thấy ông Lôi chau mày mỉm cười:

- Ma! Sao, thế cô là con nít thực sự rồi còn gì! Cô sợ ma à?

- Cháu sợ hồn ông Rit hiện về: ông chết ở trong phòng ấy, và người ta quàn thi hài ông ở đấy. Tất cả mọi người kể cả chị Betxi, đêm đến chẳng bao giờ dám bén mảng đến căn phòng này, vậy mà cháu bị nhốt vào đấy, tối mò mò, một ngọn nến cũng không có, thật là độc ác, ác đến nỗi suốt đời cháu không bao giờ quên được.

- Vô lý thực, có thế mà cháu khổ sở như vậy ư! Thế bây giờ ban ngày cháu có sợ nữa không?

- Không, nhưng rồi lại sắp tối đến nơi; với lại... với lại cháu khổ sở... khổ sở lắm, vì nhiều chuyện khác nữa.

- Còn chuyện gì nữa? Cháu thử kể vài chuyện xem nào.

Sao mà tôi ước mong trả lời được cặn kẽ câu hỏi đó thế! Nhưng sao mà cũng khó nói nên lời! Trẻ con có những tình cảm mà chúng không thể phân tích được, và nếu trong đầu óc chúng có phân tích được phần nào, thì chúng cũng chẳng biết diễn tả kết quả của sự phân tích đó ra bằng lời nói. Nhưng sợ lỡ mất cơ hội đầu tiên và độc nhất để thổ lộ ra cho vợi nỗi đau buồn, sau một lúc im lặng vì xúc động, tôi đã trả lời tuy vắn tắt nhưng chân thật:

- Trước hết là cháu không còn cha mẹ anh chị em nào cả.

- Cháu có một bà mợ tốt và các em họ.

Tôi lại im lặng nhưng tôi vụng về đáp lại:

- Nhưng chính Jôn Rit đã đánh ngã cháu và mợ cháu nhốt cháu vào gian buồng đó.

Lần thứ hai ông Lôi rút hộp thuốc lá hít ra.

- Cháu không thấy rằng lâu dài Gatơhet là một tòa nhà cực đẹp à? Được ở một nơi đẹp như thế mà cháu không biết ơn ư?

- Thưa ông, không phải nhà của cháu, và chị Abôt nói rằng ở đấy cháu không có quyền bằng một đứa ở.

- Ờ! Nhưng cháu không đến nỗi ngốc gì mà lại mong rời khỏi một nơi lộng lẫy như thế này?

- Nếu cháu có một chỗ nào khác thì cháu rất vui lòng từ bỏ nơi đây, nhưng cháu không bao giờ mong ra khỏi Gatơhet nếu chưa khôn lớn.

- Có lẽ cháu có thể... biết đâu đấy? Ngoài bà Rit ra, cháu còn họ hàng gì nữa không?

- Thưa ông, chắc là không?

- Họ nội cháu không còn ai nữa à?

- Cháu không được biết, cháu có hỏi mợ Rít một lần, và mợ ấy trả lời rằng có lẽ cháu có vài người họ hàng nghèo khó, dòng họ Erơ, nhưng bà không biết gì về những người này cả.

- Nếu thật có thế, cháu có muốn đến ở với họ không?

Tôi suy nghĩ. Sự nghèo khó là đáng buồn đối với người lớn, lại càng buồn hơn đối với trẻ con. Chúng không có ý niệm gì về sự nghèo khó đáng quý trọng, sự cần cù lao động, mà tiếng nghèo chỉ gợi lên cho chúng những hình ảnh quần áo rách rưới, ăn uống kham khổ, bếp lạnh tro tàn, cử chỉ tục tằn và thói xấu đồi bại. Đối với tôi nghèo đói đồng nghĩa với sa đoạ.

- Không, cháu không thích sống với người nghèo, - tôi trả lời.

- Ngay cả nếu họ tốt với cháu, cháu cũng không thích à?

Tôi lắc đầu, tôi không thể nào thấy người nghèo mà lại có đủ phương tiện để tốt được; rồi lại phải học lối nói như họ, phải làm quen với những cử chỉ của họ, không được giáo dục, rồi lớn lên thành một người phụ nữ như những phụ nữ khốn khổ mà đôi lần tôi trông thấy đang cho con bú hay giặt quần áo trước cửa những túp lều của làng Gatơhet này, không, tôi không đủ can đảm mua sự tự do bằng cái giá hạ lưu đến như thế được.

- Như họ hàng cháu có nghèo khó đến như vậy không? Họ có phải là dân lao động không?

- Cháu cũng không biết, mợ Rit nói là nếu cháu có bà con thì tất họ là những người ăn mày. Cháu không muốn đi ăn mày.

- Thế cháu có muốn đi học không?

Tôi lại suy nghĩ. Tôi chỉ biết lờ mờ thế nào là nhà trường. Chị Betxi đôi khi nói rằng đó là nơi những thiếu nữ phải ngồi trên ghế gỗ, đeo bảng sau lưng(1) và phải tỏ ra ngoan ngoãn đúng mực. Jôn Rit ghét nhà trường, nói xấu thầy giáo, nhưng cái thói của nó thì đáng kể gì để tôi noi theo và nếu những điều Betxi kể lại về kỷ luật của trường học (qua những thiếu nữ của một gia đình mà chị ta làm công ở đấy trước khi đến Gatơhet) làm tôi hoảng chừng nào, thì những chi tiết về những thành tựu mà các thiếu nữ ấy đạt được, theo tôi, cũng lại hấp dẫn chừng ấy. Betxi tán dương những bức họa phong cảnh và hoa lá do chính tay họ vẽ, những ca khúc họ có thể hát, những vở kịch họ có thể đóng, những cái túi họ có thể đan, những sách Pháp văn họ có thể dịch được. Nghe thế tôi đã thấy phấn khởi ganh đua rồi. Lại nữa, đi trọ học sẽ thay đổi hẳn cuộc sống, việc đó có nghĩa là phải đi xa một chuyến, thoát ly hẳn Gatơhet, bước vào một cuộc đời mới.

- Cháu thích đi trọ học lắm! Đó là câu kết thúc những điều tôi suy nghĩ.

Ông Lôi đứng dậy nó:

- Được, được. Ai biết trước sự việc sau này ra sao?

Ông nói thêm một mình: "Em bé này cần phải đổi không khí và chỗ ở. Thần kinh nó bị suy nhược".

Chị Betxi trở vào buồng; cùng lúc ấy có tiếng bánh xe lăn trên đường sỏi.

- Bà chủ về đấy phải không, chị bảo mẫu? - ông Lôi hỏi. Tôi cần nói chuyện với bà trước khi tôi về.

Betxi mời và dẫn ông sang phòng ăn. Trong cuộc nói chuyện ấy giữa ông Lôi và bà Rit, căn cứ vào những việc xảy ra sau này tôi phỏng đoán là ông bào chế đã đánh bạo đưa ra ý kiến cho tôi đi trọ học. Và ý đó chắc đã được chấp thuận ngay; vì cứ theo lời Abôt kể, một buổi tối trong khi cả Betxi và Abôt ngồi khâu ở buồng trẻ, họ bàn đến chuyện đó - lúc ấy tôi đã đi nằm nên họ tưởng là tôi đã ngủ rồi.

- Bà chủ chắc cũng thích tống khứ cái con bé của nợ ấy đi, lúc nào nó cũng rình mò người và âm mưu cái gì.

Tôi cho rằng chị Abôt coi tôi là một đứa trẻ nổi tiếng về mưu đồ thủ đoạn(1).

Và cũng nhân dịp đó, qua câu chuyện Abôt nói với Betxi, lần đầu tiên tôi được biết rằng cha tôi là một mục sư nghèo, mẹ tôi đã lấy cha tôi trái với ý của bạn bè, vì họ cho rằng lấy như thế không tương xứng, ông ngoại tôi giận mẹ tôi trái lời, đã cắt đứt mà không cho một đồng nào. Lấy nhau được một năm thì cha tôi mắc bệnh sốt chấy rận khi đi thăm người nghèo ở một tỉnh kỹ nghệ lớn, nơi cha tôi làm mục sư, và ở đó bệnh dịch ấy đang hoành thành. Mẹ tôi lây bệnh cha tôi, và hai người chết cách nhau một tháng.

Betxi khi nghe câu chuyện ấy thở dài nói:

- Tội nghiệp cho con bé Jên, kể cũng đáng thương, chị Abốt ạ!

- Đúng, nếu nó là một đứa trẻ xinh đẹp và ngoan ngoãn thì người ta cũng thương hại cảnh côi cút của nó. Những người ta không thể thương được một con cóc như thế.

- Nhất định rồi, một người xinh đẹp như cô Giorgiana mà ở trong cảnh ngộ ấy thì còn đáng thương xót hơn nhiều.

- Phải đấy, tôi yêu cô Giorgiana quá chừng! - Abôt kêu lên một cách nồng nhiệt. - Người đâu mà xinh đẹp thế, tóc búp dài, mắt xanh, nước da nõn nà như là người trong tranh ấy!... Chị Betxi này, tôi thèm ăn một chút thịt thỏ bữa tối nay.

- Tôi cũng vậy... với hành phi. Nào, chúng mình đi xuống nhà đi.

Nói xong hai người bước ra.



1. Câu này dịch giải một câu, theo truyền thuyết Gia tô giáo mà Chúa Giêsu nói về những kẻ hành hạ mình (NXB).

1. Nữ học sinh thường phải đeo tấm bảng sau lưng để ngồi thẳng không thể cúi xuống được.

1. Nguyên văn: "Coi tôi là một Guy fokx trẻ con". (Guy Fawkes) là một sĩ quan công giáo người Anh, sinh ở York bị xử tử ở Londres (1570 - 1606), vì là một thủ lĩnh trong vụ Âm mưu thuốc nổ, bị tra tấn nhưng không chịu khai tên những người đồng đảng (NXB).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83747


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận