Jên Erơ Chương 4


Chương 4
Từ lúc nói chuyện với ông Lôi và nghe được câu chuyện giữa Betxi và Abôt, tôi thấy có đủ lý do để mong muốn khỏi bệnh,

 đời tôi sắp có sự thay đổi đây, tôi âm thầm ước ao chờ đợi. Thế mà lần lữa ngày lại ngày, tuần lại tuần cứ trôi qua. Tôi đã bình phục như thường, mà cái điều tôi hằng ấp ủ bẵng hẳn đi không hề được đả động đến. Bà Rit thỉnh thoảng nhìn tôi bằng con mắt khắc nghiệt và rất ít khi nói gì với tôi. Nhất là từ dạo tôi ốm, bà càng gây thêm hố ngăn cách giữa tôi và các con bà. Bà bắt tôi ngủ riêng ở một căn buồng con, phạt tôi chỉ được ngồi ăn một mình, và suốt ngày phải ở trong phòng trẻ, trong khi những đứa em họ của tôi cứ ở lì ngoài phòng khách. Bà Rit không hề đả động đến việc gửi tôi đến ký túc xá, nhưng tự nhiên tôi vẫn cứ cảm thấy bà không thể nào chịu được tôi ở cùng với bà, vì nhất là hồi đó mỗi khi nhìn đến tôi, là bà lại càng tỏ ra ghét cay ghét đắng.

Tất nhiên là Êliza và Giorgiana được lệnh phải hết sức tránh chuyện trò với tôi. Khi nào nhìn thấy tôi, thằng Jôn cũng thúc lưỡi vào bên má, và có một lần nó định thử trị tôi một trận, nhưng cũng như lần trước, sự hung dữ và chống đối liều lĩnh của tôi lại bùng lên, tôi chống cự ngay; nó thấy rằng thôi đi là hơn cả, nên vừa nguyền rủa vừa bỏ chạy, kêu ầm lên là tôi đã đánh nó toạc cả mũi. Thực tế, tôi đã nắm tay đấm hết sức cho tẹt hẳn mũi nó đi. Lúc thấy nó đã chùn vì quả đấm hoặc vì cái nhìn của tôi, tôi chỉ muốn nhân lúc thắng thế cho nó một trận, nhưng nó đã chạy lại với bà Rit rồi. Tôi nghe thấy nó nức nở mách với mẹ rằng "con chó ghẻ Jên Erơ" đã nhảy xổ vào nó như một con mèo điên. Bà Rit cắt đứt ngay câu chuyện.

- Jôn, thôi con đừng nói đến Erơ với mẹ nữa, mẹ đã bảo con không được lại gần nó; nó không đáng để mình đếm xỉa đến, mẹ không bằng lòng cho con và các em chơi với nó kia mà.

Tôi dựa vào lan can cầu thang ngay cạnh đấy, nghe đến đây bất chợt tôi hét lên và không kịp suy nghĩ gì về lời nói của mình:

- Chúng nó không đáng để cho cháu chơi thì có.

Bà Rit là một người khá lực lượng; vậy mà khi nghe câu nói lạ lùng hỗn xược ấy, bà nhảy vội lên cầu thang như một cơn lốc, bà quát tôi vào buồng trẻ và đẩy xuống chiếc giường nhỏ của tôi, giọng sang sảng bà ra lệnh cấm tôi không được rời khỏi chỗ, và nói một lời nào trong suốt ngày hôm ấy.

- Nếu cậu Rit còn sống, liệu cậu sẽ bảo mợ ra sao? Tôi buột miệng hỏi lại bà thế. Tôi nói buột miệng, vì hình như lòng không muốn mà lưỡi tôi cứ tự nhiên thốt ra. Có một cái gì khiến tôi bật lên lời mà không thể tự kiềm chế được.

- Cái gì? - Bà Rit nghẹt thở hỏi. Con mắt xám thường lạnh lùng và nghiêm nghị của bà nhìn có vẻ bối rối như sợ hãi, bà buông tay tôi ra rồi nhìn tôi, như không hiểu tôi là người hay là ma quái nữa. Lúc ấy tôi cứ nói bừa đi.

- Cậu Rit ở trên thiên đường có thể biết hết mọi việc làm và ý nghĩ của mợ; cả thầy mẹ cháu cũng thế. Tất cả đều biết mợ nhốt cháu suốt ngày ra sao và mong cho cháu chết đi.

Bà Rit định thần được ngay, bà túm lấy tôi mà lay lấy lay để, bạt tai tôi, rồi bỏ mặc tôi ở đấy bước ra không nói một lời. Chị Betxi bổ khuyết thêm vào đó bằng một bài giảng đạo đức trong suốt một tiếng đồng hồ. Chị ấy nói quả quyết rằng tôi là một con bé dữ tợn vô cùng, một đứa trẻ vô giáo dục chưa từng thấy có ở một nhà nào. Tôi hơi tin lời chị, vì quả thực tôi cũng cảm thấy trong lòng tôi chỉ nảy ra toàn những tình cảm xấu.

Tháng chạp, tháng chạp và nửa tháng giêng trôi qua. Cũng như thường lệ, lễ Nôen và ngày Tết ở lâu đài Gatơhet được tổ chức rất vui vẻ. Người ta tặng nhau quà biếu, mời mọc nhau dự tiệc tùng dạ hội. Tất nhiên, tôi bị gạt ra ngoài lề tất cả các cuộc vui đó, tôi chỉ dự phần vui góp, bằng cách đứng ngoài chứng kiến cảnh sắm sửa hàng ngày của Êliza và Giorgiana, ngắm chúng nó xuống phòng khách, mặc những bộ áo mỏng mịn màng, những dải thắt lưng đỏ chói, những búp tóc cuốn búp công phu; và sau nữa, nghe tiếng dương cầm và thụ cầm vẳng ra từ dưới nhà lên, tiếng chân qua lại của người quản gia và các gia nhân, tiếng chạm cốc pha lê và đồ sứ lúc họ thù tạc, tiếng chuyện trò khi to khi nhỏ tùy theo cánh cửa phòng mở hay đóng. Khi nào chán những chuyện đó, tôi rời khỏi cầu thang vào trong căn buồng trẻ con âm thầm và hiu quạnh, ở đấy tuy có hơi buồn nhưng tôi không thấy khổ sở.

Nói cho đúng thì tôi cũng chẳng thiết đến chỗ đông một chút nào, vì trong đám đông rất ít khi tôi được người ta chú ý tới; và nếu Betxi có tử tế gần gũi tôi, thì tôi vẫn cứ thích ngồi riêng với chị ấy trong những buổi tối lặng lẽ còn hơn là qua những buổi tối bà Rit nhìn tôi với con mắt cay nghiệt trong buồng đầy các ông các bà lịch sự. Nhưng chị Betxi mặc quần áo cho các cô chủ xong, lại cứ quen đến những chỗ ầm ĩ trong nhà như bếp và buồng gia nhân, thường chị ấy mang theo cả cây nến đi. Khi ấy tôi đặt con búp bê lên đầu gối, ngồi cho đến lúc lửa lò sưởi tàn dần, đảo mắt nhìn quanh để tin chắc rằng không có ma hiện lên trong căn buồng tối âm thầm. Và khi than trong lò đã vạc dần, tôi vội vàng cởi xống áo, hết sức tháo giật cho nhanh những dây nút, chui tọt vào chiếc giường con để tránh bóng tối và giá lạnh. Bao giờ tôi cũng đem theo con búp bê vào giường; đã là con người thì phải có cái gì để yêu, và trong khi không có vật gì xứng đáng hơn để mà trìu mến, tôi đành phải tìm thú vui trong tình âu yếm một con búp bê đẽo bằng gỗ, màu bềnh bệch, tả tơi như một thằng bù nhìn nhỏ xíu. Bây giờ hồi tưởng lại, tôi lấy làm lạ, không hiểu sao tôi lại vô lý yêu thực tình một thứ đồ chơi như thế, hầu như tưởng tượng nó là một vật sống và có tri giác. Tôi không thể nào chợp mắt nếu không ủ nó trong áo của tôi; và khi nó đã nằm yên ổn ấm áp rồi, tôi mới tạm thấy sung sướng vì tin rằng nó cũng sung sướng như vậy.

Trong lúc tôi đợi cho khách khứa ra về, thời giờ cứ như kéo dài và tôi lắng nghe tiếng chân chị Betxi trên cầu thang; đôi khi chị lên gác tìm cái đê hay cái kéo, hoặc có thể mang lên cho tôi một thứ gì đó để ăn tối - chẳng hạn chiếc bánh sữa hoặc chiếc gatô - trong lúc tôi ăn, chị ngồi xuống cạnh giường, và khi tôi ăn xong chị đắp lại chăn cho tôi; hôn tôi hai lần và bảo: "Thôi, cô Jên ngủ nhé". Trước thái độ dịu dàng ấy, tôi thấy hình như chị Betxi là người đẹp nhất, tốt nhất, tử tế nhất trên đời và tôi hết sức ước mong bao giờ chị cũng dịu dàng đáng yêu như thế, và không bao giờ xua đuổi mắng mỏ tôi, hoặc bắt tôi làm việc một cách vô lý như chị vẫn đối xử thường ngày. Tôi nghĩ rằng Betxi Li phải là một thiếu nữ có khả năng thiên bẩm, chị làm việc gì cũng khéo léo, chị có tài kể chuyện rất hấp dẫn; ít nhất tôi cho là như vậy, căn cứ vào ấn tượng chị gây cho tôi trong lúc kể những chuyện trẻ con. Nếu trong ký ức tôi hình dung lại nét mặt và dáng người chị không sai thì Betxi cũng là một người xinh đẹp. Tôi còn nhớ chị là một người đàn bà trẻ, dáng mảnh khảnh, tóc đen óng, đôi mắt đen, nét mặt rất thanh tú, nước da mịn màng trắng trẻo; nhưng tính nết chị bất thường, nóng nảy, chị có những ý nghĩ mơ hồ về lẽ phải và sự công bằng, tuy nhiên tôi vẫn thích chị, thích chị hơn tất cả mọi người ở lâu đài Gatơhet.

Hôm ấy vào ngày mười lăm tháng giêng, quãng chín giờ sáng, chị Betxi xuống nhà ăn điểm tâm, lũ em họ tôi chưa được mẹ chúng gọi lên. Êliza đang đội mũ và mặc áo ấm để ra vườn cho gà ăn, một việc mà nó rất thích; nó cũng không kém việc bán trứng cho người quản gia để găm tiền. Nó có óc con buôn và khuynh hướng rõ rệt để dành để dụm, không những tỏ ra trong việc bán trứng và gà con mà còn tỏ ra ở chỗ so kè giá cả chi li với người làm vườn về những cây hoa nhỏ, hạt giống, những chồi cây. Người này, theo lệnh bà Rit, phải mua cho cô chủ tất cả những thứ gì trong vườn mà cô ấy muốn bán. Có lẽ Êliza có thể bán cả tóc trên đầu đi nếu thấy là có lợi. Còn tiền, lúc đầu nó bí mật giấu vào những xó xỉnh rất kỳ lạ, bọc trong những mảnh giẻ rách hoặc những mảnh giấy dầu; nhưng rồi một vài chỗ giấu tiền của nó bị một chị ở trong nhà biết, Êliza sợ sẽ có ngày bị mất cái kho tàng quý giá đó, nên bằng lòng đem gửi mẹ, đòi phải trả lãi nặng, chừng năm mươi hoặc sáu mươi phân; số tiền lãi cứ ba tháng nó lấy một lần, lo lắng tính toán biên vào một quyển sổ.

Giorgiana ngồi trên một chiếc ghế đẩu cao trước gương chải tóc, cài hoa giả và những lông chim khô vào các búp tóc, nó đã tìm thấy một lô những thứ đó trong ngăn kéo ở buồng xép sát mái nhà. Trong khi ấy tôi bận dọn giường, vì chị Betxi bảo tôi phải dọn cho xong trước khi chị trở lại (hồi này Betxi thường dùng tôi làm người phụ việc, để dọn dẹp trong buồng và quét bụi bàn ghế...). Sau khi đã trải đệm và gấp áo ngủ của tôi lại rồi, tôi đi lại chỗ khuôn cửa sổ thu dọn vài quyển tranh ảnh và những đồ chơi búp bê vứt bừa bãi ở đấy. Nhưng Giorgiana chợt ra lệnh cho tôi để mặc những đồ chơi của nó ở đấy (vì những chiếc ghế và gương xinh xắn, những đĩa chén đẹp đẽ là của cải riêng của nó), nên tôi không dọn nữa. Không có việc gì làm, tôi bèn thổi những bông tuyết đọng trên cửa sổ, nó giạt ra một khoảng trống trên mặt kính, khiến tôi có thể nhìn ra ngoài cảnh vật im lìm khô cứng trong giá rét lạnh buốt.

Từ cửa sổ tôi nhìn thấy căn nhà của bác gác cổng và con đường cho xe đi. Đúng lúc tôi thổi tan được một mảng lá bạc trắng phủ mặt kính để nhìn ra ngoài, tôi thấy cánh cổng mở rộng, một chiếc xe ngựa chạy vào. Tôi lạnh lùng nhìn xe đi vào. Lâu đài Gatơhet thường có xe ngựa đến luôn, nhưng không bao giờ xe đưa tới người khách nào có ích lợi cho tôi cả. Xe dừng lại trước nhà, tiếng chuông ngoài cửa rung leng keng, người khách được mời vào. Điều đó không liên quan gì đến tôi, nên tâm trí tôi bị hấp dẫn ngay một cách thú vị khi thấy một con chim cổ đỏ đến đậu trên một cành anh đào trụi lá mọc sát bờ tường cạnh cửa sổ cất tiếng hót. Bánh và sữa còn lại sau bữa ăn của tôi vẫn ở trên bàn. Tôi bóp vụn một mẩu bánh rồi mở cửa sổ để ném bánh lên thành cửa. Vừa lúc ấy chị Betxi chạy lên cầu thang vào phòng trẻ.

- Cô Jên, hãy cởi tạp dề ra đi, cô đang làm gì đấy? Sáng nay đã rửa chân tay mặt mũi chưa?

Trước khi trả lời chị, tôi mở khung cửa một lần nữa, vì tôi muốn cho con chim thế nào cũng được ăn no, khung cửa mở ra, tôi tung những mẩu bánh, một ít vãi trên gờ đá, một ít vương trên cành anh đào, bấy giờ tôi mới khép cửa sổ lại trả lời:

- Chưa, chị Betxi ạ, tôi chỉ mới phẩy bụi đồ đạc xong.

- Cô thực vô ý vô tứ, đoảng vị quá? Thế bây giờ cô đang làm gì? Mặt thì đỏ bừng lên như là vừa làm việc gì ám muội ấy! Thế cô đang mở cửa để làm gì đấy?

Tôi không phải trả lời câu hỏi ấy vì hình như chị Betxi vội lắm, không có thì giờ nghe tôi biện bạch. Chị lôi tôi ra chỗ chậu rửa, lấy xà phòng, nước và một chiếc khăn ráp rửa mặt và tay cho tôi chẳng nương nhẹ chút nào cả, nhưng cũng may chị rửa xong ngay; rồi chị lấy một chiếc bàn chải cứng chải đầu và cởi tạp dề cho tôi và kéo vội tôi ra phía đầu cầu thang, chị bảo tôi đi xuống ngay, vì ở dưới buồng ăn có người đang đợi tôi.

Tôi muốn hỏi xem ai đợi và có bà Rit ở dưới ấy không, nhưng chị Betxi đã đi ra ngoài và đóng cửa buồng trẻ lại. Tôi thong thả đi xuống. Đã gần ba tháng tôi không hề được gọi đến trước mặt bà Rit; bị giam lâu ngày trong buồng trẻ nên tôi coi buồng ăn và phòng khách như là những nơi gớm ghiếc, tôi rất sợ phải vào các buồng đó.

Lúc này tôi đứng trong gian phòng trống không, trước mặt tôi là cửa phòng ăn, tôi dừng lại sợ hãi, run rẩy. Hồi ấy, nỗi sợ bị trừng phạt vô lý đã làm tôi trở thành một con bé hèn nhát khốn khổ nhường nào. Tôi đứng lưỡng lự đến mười phút, không dám quay về buồng trẻ mà cũng chẳng dám tiến vào buồng khách. Tiếng chuông rung vang trong phòng ăn khiến tôi dứt khoát: tôi bắt buộc phải vào.

Lòng tự hỏi: "Không hiểu ai gọi mình đây", hai tay tôi nắm quả đấm cửa, cố quay đến mấy giây mới mở ra được. Không biết trong buồng, ngoài bà Rit ra tôi sẽ còn thấy ông hoặc bà nào nữa đây?. Quả đấm vừa quay, cánh cửa hé ra, tôi bước vào cúi chào thật thấp, rồi ngước mắt lên tôi thấy - một cái cột đen! Trong giây phút đầu tiên, mới thoạt nhìn, ít ra tôi cũng thấy như thế, dáng người cứng đờ, gầy guộc, vận đồ đen, đứng thẳng trên chiếc thảm, bộ mặt khắc khổ như một cái mặt nạ bằng gỗ đẽo cắm trên cột để làm cái đầu.

Bà Rit vẫn ngồi ở chỗ mọi khi, bên cạnh lò sưởi, bà ra hiệu cho tôi lại gần, tôi vâng lời; và giới thiệu tôi với cái người lạ cứng đờ ấy như sau: "Đây là con bé mà tôi đã nói chuyện với ông".

Ông ta - vì đó là người đàn ông - từ từ quay đầu lại chỗ tôi đứng, đôi mắt xám nhấp nháy dưới đôi lông mày sâu róm, xoi mói nhìn tôi, ông trịnh trọng nói, giọng trầm trầm:

- Người nó bé quá, nó bao nhiêu tuổi rồi?

Bà Rit trả lời:

- Mười tuổi.

- Thế kia à? - Ông không tin hỏi lại, và quan sát tôi thêm mấy phút nữa, rồi ông quay ra hỏi tôi:

- Tên cô là gì, cô bé?

- Thưa ông, Jên Erơ ạ.

Trong lúc trả lời tôi ngẩng lên nhìn ông ta, tôi thấy ông ta cao lớn, còn tôi thì nhỏ xíu, nét mặt ông to, và tất cả dáng người ông đều thô kệch và cứng nhắc.

- Này, Jên Erơ, cô có phải là một đứa bé ngoan ngoãn không?

Không thể nào trả lời là có được, những người quanh tôi đều nghĩ trái ngược lại, tôi lặng im. Bà Rit trả lời thay tôi bằng cái lắc đầu đầy ý nghĩa và nói ngay:

- Có lẽ không nên bàn đến vấn đề đó thì hơn, ông Brôckơn-hơc ạ.

- Thực ra, phải nghe điều đó tôi rất lấy làm khổ tâm, nhưng tôi cũng cần phải nói chuyện với nó một lát.

Và ông ta gập cái thân hình cứng nhắc ngồi xuống ghế bành đối diện với bà Rit. "Lại đây", ông ta gọi tôi.

Tôi bước qua tấm thảm tiến lại gần; ông bắt tôi đứng thẳng đờ trước mặt ông. Chao ôi, lúc này mặt tôi sát ngang với mặt ông, trông bộ mặt ông ta mới ghê chứ! Cái mũi mới lớn làm sao! Và cái mồm nữa! Và bộ răng bàn cuốc to tướng, vổ ra ngoài!

- Không có gì buồn hơn là nhìn thấy một đứa trẻ hư, ông ta bắt đầu nói, nhất là lại làm một đứa con gái hư. Cô có biết những người xấu lúc chết sẽ đi tới đâu không?

- Xuống địa ngục, - tôi trả lời ngay như một giáo đồ chính cống.

- Thế nào là địa ngục, cô có thể nói cho tôi biết không?

- Một cái vực đầy những tia lửa.

- Thế cô có muốn rơi vào cái vực ấy và bị thiêu đốt mãi mãi không?

- Thưa ông, không

- Thế cô phải làm thế nào để tránh điều đó?

Tôi nghĩ một lát rồi trả lời: "Tôi phải giữ gìn sao cho khỏe mạnh và không chết". Câu nói của tôi lại làm cho ông hỏi vặn thêm.

- Làm thế nào cô có thể giữ cho khỏe mạnh được? Ngày nào cũng có khối trẻ con, bé hơn cô, chết đấy. Vừa cách đây độ một hai hôm, tôi mới chôn một đứa bé năm tuổi, một đứa bé ngoan. Bây giờ hồn nó đang ở trên thiên đàng. Cô mà có bị gọi sang thế giới bên kia, thì sợ rồi cô chẳng được như thế đâu.

Vì không có cách nào làm cho ông ta khỏi ngờ vực, tôi chỉ còn biết cúi xuống nhìn đôi bàn chân to tướng của ông đặt trên thảm và thở dài, ước gì ra thoát khỏi chỗ này.

- Tôi mong rằng cái thở dài này xuất phát từ đáy lòng cô, và cô hối hận vì đã luôn làm khổ tâm cho vị ân nhân rất tốt của cô.

"Ân nhân! Ân nhân!" Tôi tự nói thầm trong bụng: "mọi người đều bảo bà Rit là ân nhân của mình, nếu như vậy thì ân nhân chẳng hóa chỉ là một cái gì khó chịu mà thôi".

- Sáng và chiều cô có cầu kinh không? - Ông ta lại hỏi tiếp.

- Thưa ông, có ạ!

- Cô có đọc thánh kinh không?

- Thỉnh thoảng ạ.

- Đọc một cách vui thú chứ? Cô có thích Thánh kinh không?

- Tôi thích thiên Khải thị, về Cuốn sách của thánh Đanien, thiên Sáng Thế kỷ và Xemuen, một đoạn ngắn của thiên Di trú và vài đoạn của thiên Các nhà vua và Biên niên sử, thiên Jôb và Jôna(1).

- Còn thiên Thánh thi, tôi mong rằng cô cũng thích chứ?

- Không, thưa ông.

- Không à? Quái thật? Tôi có một đứa con trai còn ít tuổi hơn cô, nó thuộc lòng sáu bài thánh thi, và khi có người hỏi nó thích ăn một chiếc bánh có hạnh nhân hơn hay là học một đoạn Thánh thi, nó bảo ràng: "Ồ, thánh thi chứ? Các vị thiên thần đều ca Thánh thi! Tôi ước gì được là một thiên thần nhỏ ở dưới trần này". Nó nói vậy đấy, thế là người ta thưởng ngay cho nó hai chiếc bánh, vì bé mà đã ngoan đạo.

- Thánh thi có ích lợi gì đâu, - tôi nói.

- Điều đó tỏ rằng cô có một trái tim rất xấu, cô phải cầu Chúa đổi cho cô trái tim khác trong trắng, vứt bỏ trái tim bằng đá của cô mà thay vào đấy một trái tim bằng thịt.

Tôi vừa định hỏi cách làm thế nào thay đổi được trái tim, thì bà Rit nói xen vào, bảo tôi ngồi xuống; rồi bà lại tiếp tục câu chuyện:

- Ông Brôckơn-hơc, tôi nghĩ đã nói với ông trong lá thư gửi ông ba tuần trước đây rằng con bé này không hẳn có những tính nết mà tôi mong đợi, nếu ông vui lòng nhận cho nó được vào ký túc xá ở Lôut, tôi mong bà hiệu trưởng và các cô giáo chú ý đến nó, và nhất là cẩn thận đối với cai thói xấu nhất của nó, là cái thói dối trá. Tao nói ra những điều này trước mặt mày, Jên ạ, để mày đừng có mà lừa dối ông Brôckơn-hơc.

Tôi sợ và ghét bà Rit là đúng lắm, vì bản chất của bà là thích làm nhục tôi tàn tệ. Tôi không bao giờ được sung sướng khi có mặt bà ta, dù tôi cẩn thận vâng lời bà, dù tôi cố sức làm bà ta vui lòng, thì tất cả mọi cố gắng của tôi cũng đều vô ích và được bà đối lại bằng những lời nói như vừa rồi. Bây giờ bà lại nhục mạ tôi trước mặt một người lạ, làm cho tôi vô cùng đau đớn. Tôi lờ mờ cảm thấy rằng bà Rit đã dập tắt hết mọi hy vọng trong quãng đời mà bà định đưa tôi đến. Tôi cảm thấy, dù cảm giác của tôi không diễn tả được, rằng bà đã gieo rắc sự ghét bỏ hằn thù trên bước đường tương lai của tôi. Tôi thấy mình đã bị ông Brôckơn-hơc nhìn bằng con mắt thành kiến, ông coi tôi là một đứa trẻ gian ngoan, nguy hiểm, làm thế nào mà tôi có thể sửa chữa được sự bất công đó?

"Thực không còn cách nào nữa", tôi nghĩ thế trong khi cố nén cho tôi khỏi bật khóc, và vội vàng lau mấy giọt nước mắt, những biểu hiện bất lực của sự đau đớn.

- Bé mà đã gian ngoan thì xấu lắm, đáng buồn lắm, ông Brôckơn-hơc nói, gian ngoan cùng một loại với man trá. Và rồi tất cả những kẻ gian dối đều bị trừng trị trong vực lửa lưu hoàng. Tuy nhiên con bé này được trông coi, bà Rit ạ, tôi sẽ nói với cô Tempơn và các cô giáo.

- Tôi cũng mong nó sẽ được dạy bảo xứng với tương lai của nó, bà ân nhân của tôi nói tiếp: cho nó trở nên hữu ích, biết khiêm nhường; còn trong các kỳ nghỉ hè, xin ông cho phép nó cứ ở luôn tại Lôut.

- Thưa bà, bà quyết định như thế là rất đúng, ông Brôckơn-hơc trả lời. Khiêm nhường là đạo đức thiên chúa giáo, và là đức tính đặc biệt thích hợp cho học trò ở Lôut. Cho nên tôi đặc biệt chú trọng dạy nó cho các học sinh. Tôi đã nghiên cứu cách nào tốt nhất để làm tịt cái tính kiêu ngạo phù hoa của chúng. Và hôm mới rồi, tôi đã có được một bằng chứng thú vị về sự thành công của tôi. Con cháu thứ hai Augơxta nhà tôi, một buổi cùng với mẹ nó đến thăm trường, trên đường về nó đã reo lên: "Ồ ba ạ, sao trông các nữ sinh ở Lôut có vẻ âm thầm và giản dị quá! Tóc thì chải vắt ra sau tai, mặc tạp dề thì lại khâu nổi ở phía ngoài áo - trông như lũ con nhà nghèo khổ! Và cháu nói: "Chúng cứ trố mắt nhìn áo của con và của má, tưởng như chúng chưa hề được nhìn thấy một chiếc áo lụa bao giờ ấy!".

- Đó là một điều tôi hết sức tán thành, bà Rit trả lời, dù tôi có tìm khắp nước Anh, cũng khó kiếm ra được phương pháp nào thích họp hơn cho một đứa trẻ như con Jên Erơ này. Cần phải kiên định, ông Brôckơn-hơc ạ! Tôi tán thành là phải kiên định về mọi mặt.

- Kiên định, thưa bà, đó là bổn phận đầu tiên trong đạo Thiên chúa; và điều đó được tuân theo trong tất cả mọi việc ở ký túc xá Lôut: ăn uống thanh đạm, quần áo giản dị, những thứ cần thiết cũng thế nào xong thôi, thói quen cần cù, nghiêm chỉnh. Đó là nội quy hằng ngày của nhà trường và của mọi người trong đó.

- Tốt lắm, thưa ông, vậy tôi có thể coi như con bé này được nhận vào trường như một học sinh ở Lôut, và ở đấy nó sẽ được giáo dục thích hợp với hoàn cảnh và hướng sau này của nó chứ?

- Thưa bà, bà có thể tin như vậy nó sẽ được nhận vào ngôi nhà ươm giống chọn lọc đó - và tôi mong rằng nó sẽ tỏ ra biết ơn đối với sự ưu đãi quý báu được tuyển lựa ấy.

- Tôi sẽ gửi nó đến càng sớm càng hay, ông Brôckơn-hơc ạ, vì tôi xin nói ông rõ, tôi muốn sớm trút cho xong một cái trách nhiệm trở nên nặng nề khó chịu quá.

- Đúng thế, đúng thế, thưa bà, và bây giờ thì xin kính chào bà. Tôi sẽ trở về lâu đài Brôckơn-hơc chừng một hay hai tuần lễ nữa, vì ông bạn thân của tôi, ông phó giáo chủ, sẽ chẳng chịu để cho tôi về sớm hơn. Tôi sẽ viết cho cô Terapơn mấy chữ, báo cho cô ấy đợi sắp có một nữ học sinh mới, để cô ấy đón con bé cho tiện. Thôi chào bà.

- Vâng, chào ông Brôckơn-hơc, ông nhớ cho tôi gửi lời thăm bà và các cô Brôckơn-hơc, cô Augơxơ, Têôđo, và cậu Brôtơn Brôckơn-hơc nữa.

- Vâng, thưa bà tôi xin nhớ. - Này cô bé, đây là quyển "Sách chỉ nam cho nhi đồng" phải tâm tâm niệm niệm mà đọc, nhất là phần "Chuyện về cái chết khủng khiếp bất ngờ của Mactha G, - một đứa trẻ xấu, chuyên gian dối và lừa lọc".

Nói đến đây ông Brôckơn-hơc đưa cho tôi một cuốn sách mỏng bìa khâu, và sau khi rung chuông gọi xe, ông ta ra đi.

Chỉ còn lại bà Rit và tôi; mấy phút im lặng trôi qua. Tôi ngắm bà ngồi khâu. Hồi ấy bà chừng ba mươi sáu, ba mươi bảy, vóc người lực lượng, vai vuông, chân tay chắc nịch, không cao lớn, tuy mập mạp, nhưng không béo phệ. Mặt bà tương đối to, hàm dưới rất nở nang và cứng, cái trán ngắn ngủn, cằm rộng và nhô ra, mồm mũi 4309 khá cân đối. Dưới cặp lông mày thưa long lanh đôi mắt thiếu dịu dàng, nước da đen sạm, làn tóc hung hung. Tạng người khỏe mạnh, bà chẳng đau ốm bao giờ. Là người nội trợ khéo léo, cẩn thận, bà trông nom cửa nhà và điền sản, một tay quán xuyến mọi việc chu đáo. Đôi khi chỉ có các con bà là coi thường và nhạo báng uy quyền của mẹ. Bà ăn mặc khéo, chú ý đến dáng dấp cử chỉ để quần áo càng đẹp thêm.

Tôi ngồi trên một chiếc ghế con thấp, cách ghế bành của bà chừng vài bước, ngắm nghía hình dáng và đọc những nét mặt bà. Tôi cầm trong tay cuốn sách có truyện cái chết thình lình của đứa bé nói dối, câu chuyện đó khiến tôi chú ý như một điềm báo trước cho bản thân tôi. Những việc vừa qua, những điều bà Rit nói về tôi với ông Brôckơn-hơc, tất cả ý nghĩa câu chuyện của hai người, còn mới mẻ như đâm vào ruột tôi. Tôi cảm thấy từng lời thấm thía như vẳng bên tai, và sự uất ức sôi sục trong lòng.

Bà Rit đang khâu ngừng tay nhìn vào mắt tôi:

- Đi ra ngay, đi về buồng trẻ kia, - bà ra lệnh cho tôi. Có lẽ cái nhìn hay cử chỉ nào đó của tôi đã phạm đến bà, nên bà nói có vẻ hằn học tức tối, tuy cố nén. Tôi đứng dậy đi ra phía cửa, nhưng tôi lại quay lại, đi về phía cửa sổ, qua gian buồng, đến sát ngay cạnh bà.

Tôi phải nói mới được, tôi đã bị chà đạp khốn nạn, tôi phải phản ứng lại, nhưng bằng cách nào đây? Liệu tôi có đủ sức đương đầu với địch thủ của tôi không? Tôi tập trung hết khí lực để bật ra những lời này:

- Cháu không phải là một kẻ giả dối. Vì nếu như vậy thì cháu đã bảo cháu yêu mợ, nhưng đằng này cháu nói thẳng là cháu không yêu mợ kia mà. Ngoài thằng Jôn Rit ra, cháu ghét mợ nhất trần đời, và cuốn sách nói về đứa gian dối này, mợ có thể đem cho con gái của mợ, con Giorgiana ấy, vì chính nó mới là đứa gian dối, chứ không phải cháu.

Tay bà Rit vẫn ngừng khâu, con mắt lạnh lùng của bà vẫn nhìn chằm chằm vào mắt tôi.

- Mày còn điều gì muốn nói nữa không? - bà hỏi tôi bằng một giọng như đối với một địch thủ người lớn, chứ không phải giọng thường dùng đối với trẻ con.

Từ con mắt đến lời nói của bà đều dấy động lên tất cả mọi mối ác cảm của tôi. Toàn thân tôi lẩy bẩy, tôi xúc động run lên, không sao kìm được. Tôi nói tiếp:

- Tôi rất sung sướng vì bà không có họ hàng gì với tôi. Còn sống trên đời này, thì từ nay tôi sẽ không bao giờ gọi bà bằng mợ nữa. Sau này lớn lên, tôi cũng sẽ không bao giờ đến thăm bà; nếu có ai hỏi tôi có yêu bà không và bà đối xử với tôi ra sao, tôi sẽ trả lời rằng chỉ nghĩ đến bà thôi, tôi cũng đủ phát ốm lên rồi, và bà đối xử với tôi hết sức dã man tàn nhẫn.

- Làm sao mày dám nói như thế hở, con Jên Erơ kia?

- Làm sao tôi dám à, bà Rit? Sao tôi dám à? Vì đấy là sự thực. Bà nghĩ tôi là kẻ không có tình cảm và tôi có thể sống không cần đến tình thương, không cần được đối xử tử tế; nhưng tôi không thể nào sống như vậy được, còn bà là người nhẫn tâm. Tôi sẽ nhớ mãi bà đã đẩy tôi vào phòng đỏ một cách phũ phàng tàn nhẫn ra sao, rồi bà giam tôi trong đó, tôi sẽ nhớ cho đến chết. Mặc dù lúc đó tôi như kẻ hấp hối, mặc cho tôi kêu khóc nghẹn ngào khổ sở: "Mợ thương cháu, xin thương cháu, mợ Rit ơi!". Tôi bị bà trừng phạt đau đớn ê chề như vậy, chỉ vì thằng con trai mất dạy của bà đánh đập tôi, tôi chẳng tội lỗi gì mà nó đánh tôi vùi dập. Ai hỏi chuyện, tôi cũng sẽ kể lại đúng như thế. Người ta cứ tưởng bà là một người phúc hậu, nhưng thực ra bà rất xấu và tàn ác, chính bà là kẻ giả dối.

Khi tôi trả lời xong những câu đó, tâm hồn tôi như mở tung ra, khoái trá với một cảm giác tự do và đắc thắng kỳ lạ, mà tôi chưa bao giờ cảm thấy. Hình như một sợi dây trói buộc vô hình đã bị đứt tung, và tôi vừa mới đấu tranh đòi được một sự tự do không bao giờ ngờ đến. Cảm nghĩ này không phải không có lý, vì trông bà Rit lúc đó có vẻ hốt hoảng; đồ khâu tuột khỏi đầu gối, bà giơ hai tay lên, người bà lắc lư, mặt nhăn lại như sắp khóc.

- Jên, mày nghĩ lầm rồi, mày làm sao thế? Sao mày run bần bật lên như vậy? Mày có muốn uống nước không?

- Không, thưa bà Rit.

- Mày còn ước ao điều gì nữa không, hở Jên? Tao nói thực rằng tao muốn là người bạn đối với mày.

- Không phải, bà đã nói với ông Brôckơn-hơc rằng tôi là một đứa có tính xấu, một kẻ lừa dối; và tôi sẽ nói cho mọi người ở Lôut biết bà là người như thế nào và bà đã làm những việc gì.

- Jên ạ, mày không hiểu những chuyện đó, trẻ con có lỗi cần phải được uốn nắn.

- Lỗi của tôi không phải là gian dối! - tôi kêu to lên một cách man rợ.

- Nhưng bây giờ mày đang tức giận, Jên ạ, mày phải nhận điều đó; thôi, hãy về buồng đi, con ạ, và hãy nằm nghỉ một lát.

- Tôi không phải là con bà, tôi không thể nằm được, bà gửi ngay tôi đến ký túc xá đi, bà Rit, vì tôi đã ngấy ở đây lắm rồi.

"Thực thế, cần phải gửi nó đến trường ngay thôi", bà Rit khẽ lẩm bẩm, rồi bà nhặt đồ khâu, bước vội ra ngoài.

Còn lại một mình tôi, kẻ chiến thắng trên chiến trường. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt nhất và là chiến thắng đầu tiên tôi giành được. Tôi đứng một lát trên tấm thảm, chỗ ông Brôckơn-hơc đứng ban nãy, tận hưởng cái cô đơn của kẻ chiến thắng. Mới đầu tôi mỉm cười với mình và cảm thấy phấn khởi, nhưng sự thích thú hung dữ này dịu lại ngay cùng với sự sôi nổi trong huyết quản của tôi. Một đứa trẻ con không thể nào cãi nhau với người lớn, như tôi đã cãi, không thể buông thả sự cáu giận của mình, như tôi đã làm, mà sau đó lại không cảm thấy sự đau đớn của hối hận và sự giá lạnh của cắn rứt. Trong khi kết tội và đe dọa bà Rit, lòng tôi rừng rực như một đống lá giành chổi bốc cháy bùng lên, thiêu đốt phá phách; và cũng đống lá ấy, sau khi lửa tàn rồi, chỉ còn lại đám tro đen, nó tượng trưng cho tâm trạng của tôi, sau nửa giờ lặng lẽ suy nghĩ, khi tôi cảm thấy mình đã có thái độ điên cuồng và cám cảnh cho cái tình trạng mình thù ghét người mà cũng bị người ghét lại.

Lần đầu tiên tôi thưởng thức sự trả thù, say sưa như men nồng, uống vào thấy ấm lòng sôi nổi, nhưng nó để lại sau đó một hương vị gay gắt, cháy bỏng, khiến tôi cảm thấy như mình bị đầu độc. Bấy giờ, tôi sẵn sàng muốn đến xin lỗi bà Rit, nhưng theo kinh nghiệm cũng như theo bản năng, tôi biết rằng làm như vậy chỉ tổ khiến bà khinh bỉ mình thêm, cũng có thể vì thế mà lại kích động tính nóng nảy của con người tôi bùng lên nữa.

Tôi muốn huấn luyện một năng tính nào khác tốt hơn là ăn nói phũ phàng, muốn trau dồi một tình cảm nào đỡ quỷ quái hơn là sự cáu giận u uất. Tôi cầm lấy một cuốn truyện Ả-rập, ngồi xuống cố gắng đọc. Nhưng tôi chẳng hiểu chuyện gì sốt, tâm trí tôi vẩn vơ giữa tôi và trang sách mà thường ngày tôi rất say mê. Tôi mở toang cửa kính ra vào phòng ăn: vòm cây im lìm; sương muối âm u bao trùm khắp vườn không bị một cơn gió hay ánh mặt trời đánh tan đi. Tôi lấy áo trùm lên đầu và cánh tay, rồi bước ra, đi vào một khu vườn cô tịch, nhưng tôi chẳng thấy vui thú gì giữa những cây cối im lìm, những quả thông rụng, những tàn dư giá lạnh của mùa thu, những lá vàng úa bị gió quét vun lại thành từng đống, bây giờ cứng quèo, chồng chất lên nhau. Tôi tựa vào cổng nhìn ra cánh đồng vắng, không một bóng cừu, và cỏ ngắn bị hớt trụi, trắng xóa. Đó là một ngày ảm đạm, bầu trời mờ đục, cảnh vật bị tuyết phủ. Những bông tuyết rơi từng đợt, không tan trên con đường khô cằn và trên đồng cỏ trắng phau. Tôi đứng lặng, buồn rầu khổ sở, luôn mồm lẩm bẩm: "Ta sẽ làm gì đây? Ta sẽ làm gì đây?".

Bỗng tôi nghe thấy một giọng trong trẻo gọi: "Cô Jên! Cô ở đâu đấy? Đi vào ăn chứ!".

Tôi biết rõ chị là Betxi nhưng tôi vẫn đứng nguyên; chị nhẹ nhàng bước ra vườn.

- Cô thực sự hư quá đi mất, - chị Betxi bảo, tại sao nghe có người gọi mà cô không vào?

Mặc dù chị Betxi thường hay cáu bẳn, tôi vẫn thấy sự có mặt của chị dễ chịu hơn là những điều tôi đang suy nghĩ. Thực tế sau cuộc tranh cãi thắng lợi của tôi với bà Rit, tôi không còn để tâm đến tính nóng nảy chốc lát của chị bảo mẫu, và tôi sẵn sàng đến sưởi dưới ánh sáng tươi trẻ của tâm hồn chị. Tôi dang hai tay ôm lấy chị và nói: "Lại đây, chị Betxi, đừng mắng mỏ tôi".

Thường ngày tôi không quen có cái cử chỉ thẳng thắn và mạnh dạn như thế; dù sao nó cũng làm chị hài lòng.

- Cô là một đứa trẻ kỳ quặc, cô Jên ạ! Chị vừa nói vừa nhìn tôi; một đứa trẻ lang thang và đơn độc, cô sắp vào trường có phải không?

Tôi gật đầu.

- Thế cô không buồn vì phải xa chị Betxi tội nghiệp này ư?

- Chị Betxi thì quan tâm gì đến tôi cơ chứ? Chị mắng mỏ tôi luôn ấy.

- Khốn nhưng cô kỳ lắm kia, nhút nhát rụt rè, cô phải mạnh bạo lên mới được.

- Hừ! Để mà càng bị ăn những cái củng à?

- Ngốc lắm? Nhưng kể ra cô cũng có điều bị đối xử tệ thật đấy. Tuần lễ vừa rồi, mẹ tôi ra thăm tôi, có bảo rằng bà chả bao giờ muốn có một người con gái ở vào địa vị như cô. Nào, bây giờ đi vào, tôi có tin rất hay báo cho cô biết.

- Chị nói dối, chị Betxi.

- Bé này? Cô muốn nói gì vậy? Sao cô nhìn tôi bằng đôi mắt buồn rầu thế! Này! Trưa nay, bà Rit cùng các cô con gái và cậu Jôn đi uống trà ở nhà khác, còn cô thì sẽ uống trà với tôi. Tôi sẽ bảo chị bếp làm cho cô một chiếc bánh, rồi cô sẽ giúp tôi một tay xem lại các ngăn kéo của cô, vì tôi còn phải sửa soạn hòm xiểng cho cô nữa. Bà Rit định cho cô rời khỏi Gatơhet trong vòng một hay hai hôm, và tùy ý cô thích chọn thứ đồ chơi nào mang đi thì mang.

- Betxi, chị phải hứa rằng từ giờ cho đến khi tôi đi, chị đừng mắng mỏ gì tôi nữa cơ.

- Được, tôi hứa, nhưng cô phải là một cô bé thực ngoan và đừng có sợ tôi kia. Lúc nào tôi có hơi gắt một chút thì đừng giật nẩy mình lên; như thế làm tôi bực mình lắm đấy.

- Tôi cho rằng tôi sẽ không phải sợ chị mãi đâu, chị Betxi ạ, vì tôi đã quen với chị rồi, và tôi sẽ có những người khác để mà sợ.

- Nếu cô sợ họ, họ sẽ ghét cô.

- Cũng như chị, có phải không, chị Betxi.

- Tôi không ghét cô đâu, tôi tin rằng tôi yêu cô hơn mọi người khác.

- Chị có tỏ ra như vậy đâu.

- Cô là một cô bé gái sắc mắc, cô có lối nói chuyện mới lạ đấy. Ai làm cho cô trở nên liều lĩnh táo bạo như vậy?

- Hừ, tôi sắp phải xa chị, vả lại....

Tôi toan nói vài điều về chuyện xảy ra giữa tôi với bà Rit, nhưng nghĩ lại tôi thấy vấn đề này nên yên lặng là hơn cả.

- Thế xa rời tôi, cô thấy vui thú phải không?

- Không đâu, chị Betxi ạ; thực ra, chính lúc này tôi thấy hơi buồn.

- "Chính lúc này" và "hơi buồn! Cô bé nhà tôi nói câu đó mới lạnh lùng làm sao! Tôi dám chắc giá bây giờ tôi xin cô một cái hôn, cô sẽ chẳng cho nào! Cô sẽ bảo rằng cô "hơi" không muốn.

- Tôi rất thích được hôn chị, chị hãy cúi thấp đầu xuống.

Betxi cúi xuống, chúng tôi ôm hôn nhau, rồi tôi theo chị vào trong nhà, lòng thoải mái. Buổi trưa hôm ấy trôi thanh bình êm ả, tối đến chị Betxi kể cho tôi nghe mấy câu chuyện hay nhất và hát mấy bài ca êm đềm nhất của chị. Còn đối với tôi cuộc đời cũng bừng lên ánh nắng.

 



1. Jên Erơ thích những thiên sách đó trong Kinh thánh hơn thiên Thánh thi, là vì trong đó có nhiều chuyện được kẻ lại (NXB).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83748


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận