Mơ Một Ngày Mai Chương 4

Chương 4
Bà Thúy Diễm vừa bưng tô phở bò ra cho khách, xoay người lại gặp Trúc Vy mặc bộ đồ thun ở nhà đi vào tiệm, không khỏi ngạc nhiên hỏi:

- Sao mày lại ở đây? Không phải đi học rồi hay sao?

Trúc Vy đáp nhỏ:

- Sáng nay đi học trễ nên cổng trường đã đóng, không vào được ạ.

- Đóng cổng thì kêu người mở ra. Đi trễ có năm mười phút thì ăn nhằm gì chứ.

- Đi trễ phải có lý do chính đáng như tai nạn hay là bị bệnh bất ngờ gì đó, hoặc là do phụ huynh gọi điện trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm, để chủ nhiệm đi nói với chú bảo vệ mở cổng mới vào được. Còn lại mọi lý do đều không được, đó là quy định của trường.

Tính ra thì do bà, Trúc Vy mới đi học trễ và không thể vào cổng được. Nghĩ thế, bà Thúy Diễm liền liếc xéo Trúc Vy một cái rồi bảo:

- Thôi được rồi, không đi học một buổi cũng không mất miếng thịt nào đâu mà sợ. Mau vào trong làm cá tiếp con Hương đi.

- Dạ.

Trúc Vy cúi đầu đi vào bên trong vách tường. Mỹ Hương một tay cầm kéo, một tay cầm con cá rô phi, ngẩng đầu lên nhìn Trúc Vy, trề môi nói:

- Thấy chưa, em biết trước mà. Lúc nãy thấy bã sai chị đem phở vào trường cho mấy giáo viên trong đó, thì em liền biết thế nào chị cũng sẽ trễ học cho xem, thế nào cũng sẽ bị nhốt ở ngoài không thể vào cổng được.

Trúc Vy đi đến ngồi xuống ghế ngồi bên cạnh Mỹ Hương, cầm lấy cái kéo trong rổ lên bắt đầu làm cá, miệng cười nhẹ:

- Em giỏi quá he, như thế cũng đoán trước được.

- Cần gì đoán, nhìn là biết bã đang làm khó chị thôi.

- Được rồi, đừng nói chuyện đó nữa. Coi chừng mợ út nghe được sẽ không mướn em làm việc nữa đâu.

Nghe thế, Mỹ Hương không khỏi than thở:

- Nhà em nghèo thật, mỗi ngày em phải lại đây làm cá lặt rau để kiếm tiền thêm đi học, nhưng về nhà cũng được ăn cơm nóng do mẹ nấu. Còn chị phải làm việc vất vả suốt cả ngày, vừa không có tiền lương lại không được ăn no. Trông khi Bảo Ngọc lại chẳng làm gì cả, suốt ngày chỉ biết xòe tay lấy tiền.

- Cậu mợ đã nuôi chị mười mấy năm, cho ăn, cho ở lại còn cho đi học, như thế cũng đã đủ lắm rồi.

- Chị là cháu ruột của cậu út Bình mà, nhưng bọn họ xem chị chẳng khác nào người ở. Em thấy còn tệ hơn, người ở ít ra còn có tiền lương và cơm nóng mà ăn, còn chị mỗi tuần chỉ được có năm chục ngàn tiền tiêu vặt, một tháng cũng chỉ được hai trăm ngàn, tính ra còn không bằng một cái áo đầm của Bảo Ngọc nữa.

Dừng lại một chút như để nhớ lại, Mỹ Hương mới tiếp tục nói:

- Em để ý rất kỹ a, em thấy mỗi ngày Bảo Ngọc xòe tay xin đủ thứ tiền, nào là tiền mua trái cây, mua sữa tắm, mua kem dưỡng da mặt còn kem dưỡng da tay, rồi đến sinh nhật của bạn phải mua áo đầm, mỗi một cái đám phải mua một cái đầm mới, rồi còn tiền điện thoại nữa, nói chung tiền tiêu một tháng của Bảo Ngọc cũng phải vài triệu bạc.

- Mỗi người có một cái số, số Bảo Ngọc là may mắn, em có muốn cũng không được đâu.

- Cũng đúng, nhưng chị cũng là cháu của họ mà. Sao đối xử khác biệt quá vậy?

Trúc Vy cười cười đáp:

- Em cũng nói chị là cháu mà, chữ cháu và con có khoảng cách rất xa đấy. Nhưng thật ra cậu út cũng thương chị lắm.

- Em biết, nhưng cậu út cứ đi suốt ngày nào có biết chị bị mợ út đối xử như con ở đâu chứ.

- Em đừng có nói quá như thế. Mợ út không đánh, cũng không có mắng chị.

Mỹ Hương ném con cá đã đánh sạch vẩy sang cho Trúc Vy mổ bụng, trề môi nói:

- Không đánh nhưng lại bắt chị làm việc suốt cả ngày, không mắng nhưng lại nói bóng nói gió nói xiên nói xỏ. Em thấy như thế còn cha hơn là đánh là mắng nữa.

Trúc Vy vẫn cúi đầu nhìn chăm chú vào con cá trên tay, trong lòng vừa chua xót lại vừa cay đắng, giọng nói cũng không tự chủ chùng xuống:

- Chị chỉ là một đứa ăn nhờ ở đậu mà thôi.

Nói thì nói cho sướng miệng vậy thôi, chứ Mỹ Hương cũng hiểu được hoàn cảnh không may mắn của Trúc Vy, cũng hiểu được vì sao Trúc Vy lại phải nhẫn nhịn chịu đựng đến thế. Nếu không chịu đựng, không siêng năng làm việc thì sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Thử hỏi một đứa con gái chưa đủ mười tám tuổi, lại không họ hàng thân thích. Nếu bị đuổi ra khỏi nhà thì phải đi đâu? Phải làm gì để sống bây giờ?

- Thôi chị cũng đừng buồn nữa. Vài ngày nữa thì thi tốt nghiệp rồi, thi xong thì chị có thể đi thi đại học, nếu đậu thì chị có thể đi học, có thể rời xa ngôi nhà hắc ám đó rồi.

Thi đại học sao? Trúc Vy cúi đầu thở dài một hơi.

……….

Nguồn: truyen8.mobi/t115024-mo-mot-ngay-mai-chuong-4.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận