Mưa Ở Kiếp Sau Truyện ngắn 4


Truyện ngắn 4
Lá thư của đứa con gái chưa bao giờ gặp

 

Dì Lan đưa cho tôi một mẩu giấy, trên đó có tên một người đàn ông, một số nhà, một tên đường, tên quận và tên thành phố.

Tôi bồn chồn, mong đợi trong nhiều ngày để biết tên và địa chỉ cha tôi. Khi có tờ giấy ghi những thứ đó, tôi mới biết tôi không biết làm gì với nó. Tôi đặt tờ giấy vào đâu đó giữa những trang của quyển sổ, tôi nghĩ, tối nay tôi sẽ viết thư cho cha. Nhưng buổi tối tôi không đủ tập trung để viết. Tôi gấp sổ lại và chờ đêm khuya hơn. Khi tất cả mọi người đã ngủ và thành phố im ắng, tôi mới giở cuốn sổ có kẻ hàng, chọn một trang giấy trắng mà tôi sẽ xé khỏi quyển sổ, và bắt đầu bức thư. Lạ lùng thay, tôi không biết viết gì cả. Người cha trong tâm tưởng và mảnh giấy này, cái tên này có liên quan gì với nhau không? Tôi sẽ bắt đầu lá thư như thế nào?

Con viết lá thư đầu tiên gửi đến cha vào một giờ rất khuya, con ngồi nơi bàn học kê bên cạnh cửa sổ vẫn còn mở. Con nhìn ra ngoài, chỉ thấy mảng tường cũ của căn nhà bên cạnh. Con phải đến đứng sát cửa sổ ngước nhìn lên trên thì mới thấy bầu trời, không phải là bầu trời, mà chỉ là một mảnh trời hẹp đóng khung giữa những bức tường của những căn nhà xây chung quanh. Bên dưới mảnh trời đó là một khoảng sân tập thể lát gạch cũ, chông chênh và lúc nào cũng ẩm ướt.

Tôi không thể viết như vậy được. Mở đầu bức thư, tôi phải nói tôi là ai. Cha tôi phải biết ngay trong hàng chữ đầu tiên ai đang viết bức thư ông vừa mở ra.

Có thể cha nhớ, có thể cha quên là con đã được sinh ra, nhưng con thì lúc nào cũng nghĩ đến cha và mơ ước ngày được gặp cha. Con đã hai mươi hai tuổi. Con sống với mẹ.

Tôi biết là tôi không thể nào viết thêm một câu nào nữa về mình. Dì Lan đã bắt tôi hứa không bao giờ được nói với mẹ về cha hoặc nói với cha về mẹ, không bao giờ được nhắc tên người này với người kia. Dù tôi không hiểu tại sao tôi phải hứa điều đó, tôi vẫn phải hiểu rằng lời hứa đó thiêng liêng, và nếu nó không được giữ, thì một điều gì đó sẽ đổ vỡ. Tôi không biết là điều gì, khi biết thì không còn làm nó đừng vỡ được nữa.

Tôi còn lại gì để viết về mình? Tôi có một gương mặt, một thân thể. Tôi có thuở ấu thơ và thời trung học. Tôi có kỷ niệm và những giấc mơ. Tôi có tình yêu và nỗi buồn. Tôi có những chuyện không nói cùng ai được và có trăm nghìn điều chưa biết. Có những thứ gì trong số đó tôi có thể viết lên giấy, biến thành chữ được để cha tôi đọc và qua đó nhìn thấy tôi?

Cha lúc nào cũng có mặt trong thế giới của con. Khi con đứng trú mưa, con nghĩ cha cũng đang nép dưới hiên một căn nhà nào đó bên kia đường…

Tôi muốn lá thư của tôi gợi trong cha tình yêu dành cho đứa con gái ông chưa bao giờ gặp mặt. Tôi nhớ tới tựa một cuốn truyện đọc vào năm cuối trung học, Lá thư của người đàn bà không quen biết. Còn thư của tôi là của một đứa con gái chưa gặp mặt. Lá thư của người đàn bà không quen biết hay vì nó đến trễ. Nó được viết sau khi đứa con giữa người đàn bà đó và nhà văn đã chết, nó được nhà văn đọc sau khi người đàn bà đã chết. Cái đẹp nằm ở sự muộn màng. Nếu đến sớm hơn, nó chỉ là một bức thư tỏ tình như nghìn vạn bức thư tỏ tình khác, không có một cuộc đời đã dâng hiến cho tình yêu, hay sương khói, một cuộc đời đã bỏ đi và không còn lấy lại được. Cái đẹp nằm ở sự bâng khuâng yên lành của người đọc thư khi không còn gì ông ta có thể làm được nữa cho người đã yêu mình. Cái đẹp nằm ở sự câm lặng. Lá thư của tôi không thể có cái đẹp đó, vì tôi còn sống, đầy những đợi chờ và run sợ, lời nói của tôi là tiếng kêu chứ không phải sự câm lặng. Tự nhiên, tôi thấy tất cả đều dễ vỡ. Tôi không thể nào mở đầu lá thư cho cha vì không có lời lẽ nào mênh mang như nỗi thương nhớ rất mơ hồ và rất dài của tôi. Tôi không thể nào viết xong lá thư cho cha, vì nó không bao giờ đủ hoàn hảo, đủ đằm thắm và đẹp đẽ, và bất cứ một lỗi lầm nào trong lá thư đầu tiên cũng có thể gây ra một vết rạn trên chiếc bình vô hình.

 

 

 

Tôi đứng trong gian kính hẹp, gọi điện thoại cho dì Lan.

"Mi đã gửi thư cho cha chưa?"

"Con viết chưa xong. Có lẽ không bao giờ xong."

"Viết những gì mà không xong? Chỉ cần nửa trang thôi."

"Con thấy viết ngắn còn khó hơn."

"Vậy thì cứ viết dài."

"Nhưng con không biết viết gì."

"Mi thật lạ, vậy mà kêu viết ngắn lại không chịu."

"Con không viết bức thư ấy được."

"Mi phải vào gặp cha. Anh ấy phải tiếp tục lo cho mi ăn học. Mẹ mi lo đến đây đã đuối sức rồi."

Tôi nghe tiếng thở dài của dì. Tôi còn buồn hơn.

"Hôm nay mi gửi bức thư ấy đi nhé."

"Con không viết được."

"Mi phải vào gặp cha."

"Vâng."

"Nhưng không được nói với mẹ."

Mi nói mi tìm được việc làm bán thời gian ở Sài Gòn, vào đó vừa đi làm vừa đi học."

"Mẹ con không tin đâu."

"Chị ấy phải chấp nhận thôi."

 Mẹ đã đi chợ từ khi trời còn khuya. Sáng sớm khi tôi đổ nước ra thau để rửa mặt từ góc nhà phía bên kia, nhìn lại tấm ván nơi tôi ngủ cạnh cửa sổ, nhìn một cạnh của tấm chăn rơi xuống đất, tự nhiên tôi linh cảm thấy có một thứ gì rất lạ, rất buồn đang nằm ở đó, bên dưới tấm ván, khuất đàng sau tấm chăn. Tôi rửa mặt vội vã rồi chạy lại giở tấm chăn lên nhìn, và tôi thấy nơi đó có một túi hành lý có dây đeo may bằng vải nhựa màu xanh đựng quần áo và một chiếc giỏ đan bằng sợi nhựa có ít sách vở bên dưới, mấy chai xà phòng tắm gội bên trên, cùng với một đôi giày tôi mới mua chưa mang. Đó là hành lý của chính tôi, sắp đặt sẵn sàng trước một chuyến đi xa. Tôi thảng thốt. Ai đã sắp hành lý cho tôi vào đêm hôm trước, và vào lúc nào? Hẳn là lúc đó đã khuya lắm, vì khi tôi giăng mùng cho mẹ tôi ngủ và mang chăn gối của tôi ra tấm ván thì bên dưới chưa có cái túi hành lý và cái giỏ ở đó. Sau khi giăng mùng cho mẹ thì tôi làm gì, tôi đi ngủ lúc nào? Tôi không nhớ gì về đêm qua. Ai đã sắp hành lý cho tôi? Hay chính tôi đã làm điều đó trong những khoảnh khắc tôi không thật sự còn thức, làm trong một cơn mộng du? Tôi cảm thấy sợ, và buồn kinh khủng.

Tôi rót một ly nước lọc và ngồi xuống ghế uống thật chậm từng ngụm bình tĩnh nhớ lại. Dường như vài hôm trước dì Lan gửi cho tôi tấm vé tàu một chiều vào Sài Gòn. Hành lý này dành cho chuyến đi đó. Tôi đến mở dây kéo ngăn phía ngoài của chiếc túi, và tôi thấy vé tàu nằm ở đó. Tôi không nhớ mình đã sắp quần áo vào túi, vậy mà tôi lại biết, một cách lạ lùng, từng thứ một những món mà tôi đã sắp xếp cho chuyến đi xa. Tôi biết xấp tiền mẹ tôi cất trong tủ hương chỉ còn một nửa, vì nửa kia nằm trong chiếc ví của tôi, trong ngăn ngoài của túi hành lý, cùng với vé tàu hỏa xuyên Việt.

 

Buổi chiều, tôi nói với mẹ:

"Con đặt anh Cam con bác Hoài đóng cái bàn bán nước, với một cái tủ kính nhỏ để mẹ bày bánh kẹo và thuốc lào, con đã trả tiền rồi. Anh ấy nói đầu tuần sau xong anh ấy mang sang."

"Bàn gì? Ai bán nước? Mày nói gì mẹ không hiểu?"

"Con cũng nhờ anh mua hộ mấy cái ghế nhựa thấp cho khách ngồi, anh ấy cũng sẽ đem đến cùng với cái bàn của mẹ."

"Mai. Mẹ không hiểu gì cả."

"Mẹ hiểu mà. Mẹ biết rằng con đã nói chuyện với tất cả các hộ ở trong ngõ. Từng nhà một đã đồng ý cho mẹ bày một cái bàn nhỏ bán nước chè ở ngoài đầu ngõ. Con cũng đã báo với tổ trưởng tổ dân phố. Con đã mua quà tặng người ta."

"Mày tặng người ta những gì, mà sao lại tặng? Hết bao nhiêu tiền?"

"Không nhiều đâu mẹ, chỉ có mấy xấp vải và mấy cân chè, vài cái nồi… Người ta biết mẹ từ lâu, ai cũng muốn giúp mình."

"Bán nước chè làm sao kiếm đủ tiền mà sống. Mày điên rồi, mẹ còn đủ sức khỏe để đi chợ mà."

"Mẹ vất vả quá, mà kiếm chẳng được bao nhiêu. Con biết thế, xấp tiền của mẹ trong tủ hương cứ vơi dần đi, một hôm nào mình chẳng còn vốn. Đằng nào cũng không kiếm đủ tiền, thôi mẹ bán nước chè cho đỡ cực nhọc. Bày hàng cũng nhanh, chỉ có mấy gói kẹo, mấy túi chè và ấm nước. Bao giờ mẹ thích thì mẹ ra ngồi bán, không thích thì nghỉ ngơi, xem vô tuyến, đi chơi ở Bờ Hồ. Mỗi ngày mẹ kiếm hai mươi, ba mươi nghìn là đủ rồi. Mẹ đâu có cần gì nhiều."

"Còn mày, mày không ăn cơm, không đi


học à?"

"Con không ở nhà nữa. Còn sắp đi rồi."

"Đi đâu?"

Giọng mẹ tôi thảng thốt, như giọng của một người đứng nhìn căn nhà của mình vừa đổ xuống. Nỗi buồn rầu và thương tiếc chưa kịp đến, chỉ mới có sự bàng hoàng và ngơ ngác.

"Con vào Sài Gòn. Con vừa tìm được việc làm trong ấy. Làm buổi chiều, buổi sáng con có thể đi học. Con chuyển vào Nam học tiếp đại học."

"Mai, con nói một chuyện thật kinh khủng. Bao lâu nay mày toan tính những gì cho đời mày mà không cho mẹ biết. Mày không có đi đâu hết, ở nhà với mẹ, mẹ lo cho ăn học. Mày biết gì mà dám bỏ nhà đi."

"Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."

"Mẹ cấm con. Không được. Chuyện gì cũng phải bàn với mẹ trước."

"Con không thể bàn với mẹ, vì mẹ không đồng ý với bất cứ thay đổi nào. Vì mẹ chỉ muốn hy sinh đến bao giờ mẹ chết, không chịu nhận lấy sự thật là bản chất mẹ yếu đuối, mẹ không thể tiếp tục làm cái nghề vất vả hiện giờ nữa để nuôi một đứa con gái học đại học trong thời buổi tốn kém này…"

"Thôi im đi."

Và tôi im. Chúng tôi im lặng suốt buổi chiều. Khi đêm buông xuống, tôi dọn cơm. Mẹ phải ăn rồi đi ngủ sớm để khuya dậy đi chợ. Chúng tôi không nói gì trong lúc ăn cơm. Mẹ tôi giá lạnh, không gì có thể chạm đến mẹ được. Vậy mà lúc ăn gần xong, tôi đứng dậy châm trà thì mẹ vỡ ra khóc. Tôi thấy buốt trong ngực, như có một thứ gì nặng chận lên một nửa trái tim tôi. Cơn đau buốt tràn xuống tận những đầu ngón tay. Và chúng tôi vẫn im lặng.

Cuối cùng, nước mắt đã khóc hết, mẹ tôi hỏi:

"Nếu không có tao cản đường thì bao giờ mày đi?"

Vé tàu hỏa ghi ngày đi là ngày mai, nhưng không hiểu vì sao tôi lại nói:

"Lát nữa con đi. Con đi chuyến tàu khuya."

Nói xong, tôi mới biết mình nói gì. Tôi vừa chạy trốn những giờ cuối cùng buồn thảm. Trốn cơn nghẹn trong lồng ngực đang lan xuống làm đau đốt xương những ngón tay.

Dường như mẹ tôi ngất đi. Không, mẹ tôi chỉ rũ xuống vì kiệt sức. Tôi dìu mẹ đến giường.

"Con sẽ về thăm mẹ. Con sẽ làm việc giỏi giang, học hành chăm ngoan. Con sẽ sống thật đơn giản, để dành tiền mua vé tàu về thăm mẹ. Con sẽ gửi tiền cho mẹ. Con muốn mẹ sống thư thả, yên vui."

"Mày im đi. Đừng nói thêm một tiếng một lời nào nữa hết. Mẹ không muốn nghe. Thôi để tao một mình."

"Con lạy mẹ. Nếu con không đi hôm nay, thì một hôm nào khác con cũng phải đi thôi. Con phải vào đời, dù đời thế nào, con cũng phải bước vào. Ai cũng phải thế."

"Nhưng con mới từng này. Con là con gái. Con chưa đủ lớn. Con còn ở tuổi thơ ngây. Con phải ở với mẹ, trong căn nhà này, yên tâm lo ăn lo học đến nơi đến chốn đã rồi mới tính. Nếu mẹ không đủ sức nuôi con ăn học, làm sao con lớn được tới từng này? "

"Mẹ."

"Đồ bội bạc."

Mẹ tôi không nói gì nữa, quay mặt vào tường. Tôi mang túi hành lý lên vai, nắm quai chiếc giỏ và bước ra ngoài cầu thang. Mẹ tôi không tiễn tôi. Tôi bội bạc và cô đơn vô tận.

Xuống đến khoảng sân tập thể ướt nước tôi dừng lại và ngước nhìn lên khung cửa sổ căn hộ chúng tôi. Tôi biết mẹ sẽ đứng ở khung cửa đó nhìn xuống, mẹ sẽ tiễn tôi từ một khoảng cách, đủ xa để tiếng nói hay tiếng khóc không được nghe thấy, để nỗi buồn của mỗi người được sự im lặng bao bọc cho được yên lành. Tôi bước chậm lại, ngước nhìn. Tôi dừng lại. Nhưng mẹ tôi không đứng ở khung cửa sổ đó. Tôi chờ, tôi gọi mẹ ơi, tiếng gọi không thoát ra được khỏi lồng ngực, nó tắt ở đâu đó. Tôi bước ra khỏi tầm nhìn từ khung cửa đó, và ngồi xuống một góc khuất của con hẻm. Tôi ngồi xuống để khóc nhưng sao nước mắt không rơi. Chúng tôi chỉ mới cách nhau một cái cầu thang, đôi ba bức vách, nhưng cả một đại dương yên lặng đã tràn về che khuất người thân yêu.

Khuya lắm tôi mới đến nhà đứa bạn gái để trả một cuốn sách và giã từ. Tôi ngủ lại với nó, và ra ga Hà Nội lúc năm giờ sáng. Trời lạnh như trong một giấc mơ về một nơi trăm năm rồi không có mặt trời.

 

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86798


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận