Dạo này Tiêu Mai có phần béo hơn trước, càng thấy nóng bức khó chịu hơn, nhưng vì muốn đạt giải trong cuộc thi, cô đã cố gắng mỗi sáng sớm đều đem giá vẽ đi thực tế sáng tác, để có thể đi sớm về sớm, đến trưa nắng chói gay gắt sẽ không thể chịu nổi.
Ngày hôm nay cô ngồi bên hồ đã hoàn thành xong bức tranh, thu xếp xong giá vẽ cô đi ra bến xe buýt đợi xe, cảm thấy trời nóng nực oi bức tưởng như thở không ra hơi, chỉ đứng một chỗ mà mồ hôi vẫn vã ra như tắm. Cô vừa luôn tay lau mồ hôi trên trán và cổ, vừa không ngừng cau mày sốt ruột ngước mắt đợi xe buýt đến, trong lòng vừa trách mắng sao cái thời tiết quái quỷ lại khiến người ta khó sống, lại thêm xe buýt mãi vẫn chưa thấy tăm hơi đâu.
Lúc này, vạch trắng đường dành cho người đi bộ qua đường phía đối diện có một ông lão đang qua đường, mái tóc bạc phất nhẹ trong gió, đang khom lưng đi từng bước thật chậm thật chậm. Ông không sợ nóng sao? Tiêu Mai dường như cảm nhận được làn hơi nóng bốc lên dưới từng bước chân của ông. Ánh nắng chiếu gay gắt xuống khuôn mặt ông, Tiêu Mai cố giữ lòng mình thoát khỏi cảm giác bồi hồi.
Dưới cái nắng chói chang ông lão chậm chạp như chịu trận phơi nắng, trên khuôn mặt hiện rõ sự bình thản hiếm thấy, trong cái nhìn của ông không hề thấy sự nôn nóng vội vã của nhịp sống thời đại, chỉ thấy sự bất khuất hiên ngang. Đúng thế, cô chắc chắn trong ánh mắt nhìn của ông lão ẩn sâu một tinh thần hiên ngang và niềm yêu cuộc sống thiết tha.
Tiêu Mai vốn là người rất dễ xúc động trước những chuyện rất kỳ lạ và nhỏ bé trong cuộc sống, rồi lại vì không tìm thấy hình bóng bản thân trong những cảm xúc đó mà trở nên có chút hoang mang. Cô không lau mồ hôi nữa, cũng không còn cau mày nữa, một ông lão chắc chỉ là tầng lớp thấp của xã hội nhưng vẫn có tinh thần hiên ngang, thì một người như cô còn có điều gì phải oán trách nữa? Nhìn ông cụ, trong lòng cô chợt dâng lên cảm xúc mãnh liệt cho những sáng tác, nếu như trời không quá oi nóng như thế này, hẳn cô đã tìm ngay một chỗ nào đó để ngồi vẽ lại khung cảnh này.
Xe buýt đã đến, Tiêu Mai vội lên xe, cố khắc sâu ghi nhớ hình ảnh ông lão ban nãy, trong đầu đã hình dung ra tác phẩm dự thi lần này, tiêu đề sẽ là "Đài hoang giả".
Cái tên rất được, Tiêu Mai nắm vào tay vịn trên xe buýt, miệng khẽ mỉm cười, dòng máu trong người tràn ngập cảm hứng sáng tạo, hướng mắt nhìn mong mau chóng về đến nhà để bắt kịp nguồn cảm xúc.
Nhưng càng mong mau chóng về nhà, chiếc xe buýt dường như càng chậm chạp. Xe đã đi qua được hai trạm dừng, người lên xe mỗi lúc lại thêm đông đúc, lúc cô đang nhìn xem còn mấy trạm dừng nữa mới về tới nhà, chợt nhìn thấy có tên trộm đang nhẹ kéo khoá chiếc túi da của một người phụ nữ.
"Này làm trò gì thế? Có ăn cắp". Tiêu Mai chưa kịp nghĩ gì đã vụt miệng kêu to.
Người phụ nữ nghe thấy tiếng kêu, quay đầu lại nhìn, thấy khoá của chiếc túi đã bị kéo ra quá nửa, bà ta chẳng nói gì, kéo chiếc túi về phía trước ngực rồi đi dần lên phía trên đầu xe.
"Mẹ mày chán sống rồi à, nói ai ăn cắp”. Miếng ăn đến mồm còn biến mất, tên ăn cắp nổi cáu, giơ tay tát Tiêu Mai một cái.
Cái tát quả không nhẹ, miệng Tiêu Mai bị chảy máu mồm. Cô ôm mặt quay người tức giận quát lại: "Ngươi, ai cho ngươi đánh người".
"Đánh mày thế còn nhẹ đấy, ai khiến mẹ mày quản chuyện thiên hạ". Bên cạnh một tên khác đánh vào phía sau Tiêu Mai, khiến cô lảo đảo, suýt ngã về phía trước.
Bị đánh cô chẳng hề bận tâm, điều làm Tiêu Mai căm giận chính là thái độ lạnh lùng của mọi người trên xe, khi cô ngã về phía trước, những người xung quanh đều tránh sang một bên, ai cũng lo giữ cho thân mình, trên xe không thiếu đàn ông nhưng tuyệt nhiên không một ai phản ứng gì.
Cô giữ lại được thăng bằng, quay đầu tức giận nhìn hai tên ăn cắp.
"Nhìn cái gì mà nhìn? Giương mắt lên chém hết bây giờ!"
Vừa lúc xe vào trạm dừng, hai tên ăn cắp chửi rủa rồi xuống xe.
Tên ăn cắp vừa xuống xe, không khí trên xe náo động hẳn lên, người này chửi mắng mấy thằng ăn cắp, kẻ trách cứ người phụ nữ kia, nói rằng bà ta không nên chỉ đứng nhìn Tiêu Mai bị đánh. Một người đàn ông đưa cho Tiêu Mai một tấm danh thiếp, nói rằng anh ta là phóng viên của một tờ báo nào đó, khi về nhất định sẽ cho đăng một bài về sự việc này.
Tiêu Mai xé vụn tấm danh thiếp, nói: "Anh muốn đăng báo việc gì? Viết về việc một phụ nữ yếu đuối nhỏ bé thấy việc bất bình phản ứng mà lại bị đánh, viết chuyện cả một xe đầy những người là người mà không ai có hành động gì đều đứng im như tượng gỗ? Đăng những chuyện đấy có tác dụng gì? Chỉ là để cho thêm nhiều người biết, thấy việc bất bình mà phản ứng sẽ có kết cục chẳng ra gì, chỉ khiến thêm nhiều người tự biến mình thành tượng gỗ".
Lúc chuẩn bị xuống xe, Tiêu Mai nhìn khắp lượt mọi người trên xe, nói chậm rãi: "Trên xe buýt có hai tên ăn cắp, tất cả đều giương mắt nhìn cái xấu diễn ra. Chỉ ngồi nhìn không phản ứng, không có ai là người hết".
Tiêu Mai nói xong bước xuống xe, cô cảm thấy khó chịu với việc người tự nhận nhà báo gì đó định viết về việc thấy nghĩa quên thân, cả thái độ lạnh lùng không chút phản ứng của mọi người trên xe. Vì chỉ một quyển sách, một bài báo, ở một mức độ cao hơn và rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến quan điểm và thế giới quan của một loạt người. Cô thật không hiểu dụng ý của mấy người trong giới báo chí đó định đặt nơi nào, là khiến người ta đọc xong bài báo sẽ lên án khiển trách mấy người xấu đó sao?
Nếu như giới báo chí đăng bài là đám đông nhìn thấy kẻ xấu mà hành động, lại thêm phần truyền thông thức tỉnh sự trì trệ nơi mỗi con người, vậy thì những kẻ xấu nghe những lời thức tỉnh mà cũng ngày một ít đi.
Cô về tới nhà, Ân Tú Chi đang khâu giày vải cho cô trong phòng khách, cô đã từng nhìn thấy giày bà làm cho Trịnh Sảng, đường kim mũi chỉ vừa đẹp vừa dày dặn chắc chắn. Cô đã nghe Trịnh Sảng nói cứ một hai năm bà lại gửi cho anh mấy đôi giày vải, vì Trịnh Sảng thích đi giày do bà khâu, anh nói giày bà tự tay khâu đi rất dễ chịu và thoải mái. Mấy hôm trước, bà cũng đã nói với cô, cả ngày cô đem giá vẽ ra ngoài phố sáng tác, bà khâu cho cô đôi giày đợi sang thu hãy dùng, bảo đảm chân cô sẽ thoải mái hơn so với khi đi mấy đôi giày mới mua.
Tiêu Mai không muốn bà nhìn thấy vết đỏ trên má vì bị đánh, nên đã nhẹ nhàng lén về phòng nhưng bị bà gọi lại. Bà nhìn đôi giày chỉ còn mấy mũi khâu nữa là hoàn thành, cười hỷ hả gọi cô lại bảo: "Mai ơi, lại đây con, thử xem nào, thử xem đôi giày mẹ khâu cho con đi có thoải mái, dễ chịu không".
"Ấy, không cần thử cũng biết mà mẹ, chắc chắn là rất thoải mái".
"Không thử làm sao biết được? Lại đây, mau cởi dép ra thử xem nào"
"Không, không cần thử, con biết mà"
"Này, má con sao lại thế kia?"
"Đâu có gì đâu ạ". Tiêu Mai muốn chạy ngay về phòng nhưng đã bị mẹ giữ lại, bà kéo mặt cô lại nhìn kỹ, ngay lập tức to tiếng nói: “Mẹ là mẹ con, mặt con làm sao thế kia? Bị ai đánh? Con làm gì người ta sao?".
Thu Nhi nghe thấy tiếng ồn ào ngoài phòng khách liền chạy ra, Bát Kim cũng theo đó vây quanh, Tiêu Mai che má vội vàng nói: "Không có, không phải đâu, không phải bị đánh mà. Ai dám đánh con chứ, chỉ là do con không cẩn thận bị ngã thôi".
"Nói vớ vẩn". Ân Tú Chi chỉ vào má cô rồi nói với Thu Nhi, “cô lại nhìn xem, trên má vẫn còn nổi rõ vết bàn tay, phải không? Thu Nhi cô nói xem, trên mặt vẫn còn rõ vết hằn dấu tay tát?”.
Thu Nhi không lên tiếng, nhưng ánh mắt nhìn đã nói rõ ràng, đúng là vết tay tát.
“Mai ơi là Mai, con nói xem nào, kẻ nào mà dám đánh con thế này? Con đưa mẹ đi tìm nó, mẹ sẽ không tha cho nó!”. Ân Tú Chi tức đến điên ruột. Tính cách của bà vốn vẫn thế, bà có thể mắng con mình, cũng sẽ tự mình quát tháo Phượng Bình ầm cả nhà, nhưng nếu ai dám đụng đến Phượng Bình con bà, bà sẵn sàng sống chết với kẻ đó, có thể xé hắn ra hoặc đến trước cửa nhà họ rủa mắng không thôi. Bà quyết không để cho người ngoài dễ dàng bắt nạt, ức hiếp người nhà mình.
Biết không thể giấu được chuyện này, Tiêu Mai đành thuật lại chuyện vừa xảy ra trên xe buýt.
"Sao lại thế? Ối giời, mẹ nói con rồi mà Mai, đầu óc con làm sao thế hả? Sao con lại để cho mấy tên đó đánh thế này. Mẹ nói cho con biết, bình thường con là đứa thông minh lắm cơ mà, có phải là hay đi làm những việc không đâu? Mà bấy nhiêu người trên xe đều chết cả rồi à, không ai lên tiếng, con gặp chuyện gì thế không biết? Con thật là..."