Nắng Vỡ Truyện ngắn 2


Truyện ngắn 2
Xanh và đỏ
Hai mươi bốn giờ.

Chiếc Isuzu hi lander từ từ đỗ lại trước cửa. Không chậm đến một giây.

Tôi ôm chào mẹ rồi xách hành lý bước ra. Mẹ tôi đóng cửa. Bố tôi bỏ các thứ vào hàng ghế sau rồi đứng nhìn vào trong nhà. Tối sẫm. Ông lặng lẽ chui vào trong xe. Trời rét như cắt. Xoa hai bàn tay vào nhau, tôi bảo:

- Bố chính xác quá!

Bố không nói gì, chỉ hỏi:

- Đã đi được chưa? - Tôi gật. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Mùi khói dầu xộc vào (mặc dù kính xe đã đóng kín). Tôi bỗng sực nhớ ra còn quên một thứ, nó đã được bó lại để cạnh chiếc túi du lịch thế mà tôi cũng quên được.

- Chết rồi! Con còn mấy quyển truyện tranh chưa mang theo!

Bố tôi cau mày rồi cho xe lùi lại:

- Của khỉ ấy để ở đâu? - Bố lạnh lùng hỏi.

 

- Con để ngay cửa ra vào thôi ạ.

Bố đưa tay gõ cánh cửa. Đèn trong nhà bật sáng. Mẹ tôi vẫn đứng đó. Trong bóng tối. Bà lặng lẽ chìa của khỉ qua cánh cửa đã mở. Bố tôi đón lấy. Hơi chậm. Bố nhìn mẹ. Mẹ buông ra, tay kia khép cửa. Tắt điện. Bố lầm lũi đi ra. Mưa lất phất, nhìn qua đèn xe nó được phóng to hơn, đan ken như chăng tơ. Bố tôi vào trong xe. Gió lạnh ùa vào. Bố ngồi im năm giây rồi mới cho xe chạy. Tôi bắt đầu hỏi thăm bố sống thế nào? "Ổn".

- Còn công việc ra sao, hả bố?

- Kinh tế khủng hoảng. Khách đi cũng dè dặt lắm!

- Vậy sao bố không đầu tư một cái xe chạy xăng?

- Bố phải đầu tư theo cách nghĩ của khách hàng.

Tôi muốn hỏi thăm công việc kinh doanh của bố chứ không bàn đến lợi ích khách hàng. Bố hỏi thăm tôi tình hình học hành. Tốt nghiệp, kế hoạch việc làm…

- Con chưa nghĩ tới. Con vừa mới ra trường mà.

- Nghĩ bây giờ cũng là quá muộn. Đáng lý ra con phải xây dựng kế hoạch ngay từ năm đầu tiên khi bước chân vào đại học.

Im lặng. Tôi hơi bực mình. Không muốn tranh


luận với bố.

- Bố có ý định về sống với mẹ không?

- Khi nào cả hai thấy cần.

- Bố mẹ xa nhau đã bao lâu rồi còn gì.

 

- Chín năm, chín tháng. Trước hai bốn giờ hôm nay là mười một ngày.

Tôi vẫn ghét bố cái tính tỉ mỉ như thế. Cái gì cũng chính xác. Cái gì cũng zin đét!

Đèn đỏ ở một ngã tư, chiếc Isuzu hi lander từ từ dừng lại. Tôi nhìn rõ vạch sơn trắng trước mũi xe. Trời mưa đậm hơn. Đêm nay chắc rét lắm. Hai hàng bóng cao áp soi rõ những căn hộ bên đường. Tất cả đang ngon giấc. Con đường vắng ngắt không một bóng người. Tiếng máy xe rung nhè nhẹ. Cái gạt nước đều đều vang lên tiếng sụt sịt. Bố tôi bật radio, chỉ nghe tiếng ò ò. Tất cả đã đi ngủ. Trong xe lạnh quá.

- Cái xe này không có sưởi à bố?

- Không. Nó chế tạo để bán sang châu Phi. Chạy vài cây số nữa máy sẽ sưởi ấm sàn xe. Tôi đã ngồi trên con Mercedes Benz của Thi. Nó hoàn toàn hiện đại hơn chiếc Isuzu hi lander. Tôi đã định hỏi bố xem làm thế nào để giữ ấm cho khách vào mùa đông, nhưng kiểu gì, thế nào bố cũng sẽ trả lời khách chọn xe chứ xe không chọn khách. Tôi ngoái người lại đằng sau lấy từ trong túi du lịch chiếc khăn choàng. Đèn xanh đã bật, xe chạy. Ông vẫn giữ tốc độ năm mươI kilomét trên giờ. Tôi hỏi:

- Bố chạy nhanh lên được không? Đường vắng như thế này.

Ông hoàn toàn im lặng và vẫn cho xe chạy từ từ
như thế.

 

Tôi nhận được tin nhắn của Thông: Da k0i haf c? Di den đau rui? A dg chai. Nh len ne (đã khởi hành chưa? đi đến đâu rồi? Anh đang chạy. Nhanh lên nhé). Tôi trả lời: Ok. Bít rùi (Được. Biết rồi). Xe chạy qua ngã tư kế tiếp. Đèn tín hiệu màu vàng liên tục, bố tôi hỏi:

- Con dự định đi mấy ngày?

- Cũng còn tùy bố ạ. Chúng con đi theo nhóm mà.

- Còn tuỳ... - Chữ tùy kéo dài như kẹo kéo. Bố nói tiếp: - Nhưng cũng cần có lịch trình.

Tôi nhí nhoáy soạn tin nhắn cho Thương, lờ đi không trả lời bố, bố tôi vẫn nói:

- Người ta đi đâu không thể không có ý tưởng. Thu hoạch những ý tưởng ấy bằng những kết quả.

- Vâng! Con cũng có ý tưởng đây. Cuộc đi chơi này không hẳn đợi chờ một kết quả. Chúng con muốn tận dụng những khoảng thời gian chết để ở bên nhau. Sau này mỗi đứa một nơi sẽ không còn có cơ hội ấy nữa. Cơ hội đến đâu, thu hoạch đến đấy bố ạ! - Tôi thì thầm với mình, phớt lờ ý kiến của ông, tay nhắn lại cho Thương: Đang đi. Như rùa. Nhóm toàn T chúng tôi có một cuộc chia tay theo sáng kiến của Thông. Như hầu hết các sinh viên, sau khi tốt nghiệp, gọi nhau ra một quán cóc vỉa hè, sang trọng hơn nữa thì đi nhà hàng rồi tạm biệt nhau ngay ở Hà Nội. Còn chúng tôi chọn cách chia tay ở một vùng núi phía Bắc. Bốn chúng tôi chia tay, trong đó tôi với Thông ngầm chia tay nhau (là tôi chứ không phải anh ấy), không ồn ào, không lăn xả vào nhau, không day dứt, không nuối tiếc như ta thường bỏ quên một vật dụng gì đó rất giá trị song không còn sử dụng được nữa. Tôi với anh ấy yêu nhau bắt đầu từ năm thứ ba. Anh ấy luôn ân cần, săn sóc, đôi khi còn tỏ ra quá tỉ mỉ nữa. Tôi luôn so anh với bố tôi, Thông cũng chả khác gì một ông cha non. Vài lần Thông muốn làm "chuyện ấy". Chúng tôi có đầy đủ bản lĩnh để lên giường với nhau nhưng không hiểu sao khi lúc cao trào dâng cao thì chợt cái khuôn mặt rầu rĩ của mẹ lại hiện ra, và cái câu mà tôi nghe được không chính thức của cái buổi mẹ tiễn một người bạn ra cửa; lúc quay vào mẹ tự phán xét mình: "Tất cả bọn gộc (đàn ông) đều đểu ráo như nhau. Chưa làm được mình thì tỏ vẻ quý trọng, nâng niu. Làm xong rồi thì coi như bát - đũa - cốc - chén". Tôi rất lấy làm vui, hôm ấy mẹ tống cổ cái gã đàn ông mà mẹ quý hóa, lần đầu tiên mẹ đem về nhà. Cái lão gằng (già) mà mẹ tôi qua từng câu chuyện úp mở với tôi, bà quý trọng ông ta lắm, bà rất muốn có một lần giới thiệu với tôi. Tôi chẳng thích thú gì, cũng không cần biết lão là trưởng đoàn, giám đốc nhà hát hay là gì đó... Mẹ tôi muốn dựa vào cái thứ mục nát ấy ư? Thật là hài hước, song tôi vẫn bảo: "Tùy mẹ!". Hôm ấy, lão gằng ăn cơm ở nhà tôi, lão huyên thuyên đủ chuyện hết sức tự nhiên, cứ làm như lão là chủ nhà vậy. Mỗi lần mở cái miệng hố không có bộ phận khử mùi thối ấy ra, lão lại nhìn chằm chằm vào ngực tôi, khiến mẹ tôi vô cùng khó chịu. Tôi tỏ ra thú vị và muốn chọc tiết đôi mắt của lão nên cố tình hơi cúi xuống. Tôi muốn lão sập bẫy, muốn mẹ bắt cái con gộc ném đi ra khỏi cuộc đời, ý nghĩ, bóc gỡ cái hình ảnh bẩn thỉu ấy đi. Còn lão thỉnh thoảng lại vào toilet để tháo bàng quang, xả nước ầm ĩ. Mẹ tôi có vẻ xấu hổ. Tôi ngồi lặng im. Tôi nhấm nháp sự khinh thường của mình bằng vẻ mặt tự nhiên, thản nhiên như không. Tôi còn nghe thêm mẹ tôi nói với gằng: "Đê tiện". Không! "Đại tiện" mới đúng!

Mẹ tôi là một ca sĩ hạng ba. Bà không bao giờ trở nên nổi tiếng nhưng lại nổi tiếng vì những chuyện phóng túng. Lúc nhỏ tôi thường ở với bố nhiều hơn mẹ, bố tôi ôm cũng chặt hơn mẹ, hôn tôi cũng nhiều hơn mẹ. Sau mỗi lần đi biểu diễn về mẹ thường ườn ra như một con cá thiu. Bố cho tôi đi học, đón tôi ở trường về, lai tôi về bà ngoại… Tôi chỉ biết bố có vậy và còn biết hơn những cuộc cãi nhau triền miên, dằng dặc. Khi lớn lên, đã biết xấu hổ tôi muốn họ phải im tiếng súng. Không chiến tranh nóng được thì họ lại quay sang chiến tranh lạnh. Nếu muốn dựa vào uy tín thì tôi chọn bố nhưng để nương tựa vào sự thoải mái, tự do cá nhân thì tôi chọn mẹ. Ở với bố, ông luôn bó tôi vào những cái khuôn, cái ông gọi là sự chuẩn mực, lúc thì là giới hạn, lúc lại là điểm rơi, điểm dừng mà ông đặt ra. Đến đi chơi, chẳng bao giờ ông để cho tôi chơi đến thích. Bằng một số thời gian nhất định, bao giờ ông cũng bảo: "Thế là đủ rồi đấy". Không như mẹ, mẹ thường để cho tôi chơi chán nhè ra mới thôi. Tôi chơi với lũ trẻ con, còn mẹ tôi ngồi buôn chuyện hỉ xả với những người lớn. Hình như hai người đợi tôi lớn thêm tý nữa, đến khi tôi vào trung học. Cái lúc ấy họ không chịu đựng được nhau nữa mới xì ra chuyện ly thân. Không hiểu sao họ lại chọn cách này mà không ly dị béng đi cho xong. Mẹ tôi khăn gói, bảo: "Mẹ con tôi sẽ ra khỏi nhà này. Cái nhà này là của bố mẹ anh để lại". Bố trông thật buồn nhưng cương quyết: "Nhà, sau này cũng để lại cho cái Thu. Để tôi đi". Bố tôi đi. Bố tôi đã giành cái phần lẽ ra mẹ tôi phải lãnh. Bố còn yêu mẹ? Nhưng sao lại nói là vì cái Thu? Còn mẹ tôi thì chẳng mảy may suy nghĩ. Trong suốt từng ấy năm, bố thường đến thăm tôi vào ban ngày và không bao giờ ngủ lại trong ngôi nhà của mình. Tôi luôn về phe với mẹ. Chúng tôi sống theo sở thích, thoát khỏi những nguyên tắc của bố lúc nào cũng cứ xanh xanh, đỏ đỏ, lúc nào cũng phải zin đét! Nhưng càng ngày, sự phiền phức càng nhiều. Mẹ tôi không kham được những thách thức cuộc sống, những chi phí ngày càng tăng. Những hóa đơn thanh toán ngày càng nhiều, đẩy mẹ tôi vào thế nợ nần chồng chất. Nhưng nợ thế chứ nợ nữa mẹ tôi vẫn: "Ok. Vô tư đi". Bố tôi bao giờ cũng đem phần đóng góp nuôi con đúng ngày, bao giờ cũng đủ và không bao giờ có hơn! Sinh nhật của tôi hay nhà có công việc gì đó bố đến tặng quà, nhưng cũng chẳng bao giờ có nhiều. Mẹ tôi quay ra uống rượu. Mới đầu tập tọng, học đòi, sau thành thói quen. Đôi khi mẹ rót một ít rượu vào cái ly rồi đẩy về phía tôi. Tôi lắc đầu. Mẹ tôi cười, dốc cả ly rượu vào họng rồi nói: "Mình sống chả có xì - tốp gì cả. Đàn bà cần có xì - tốp. Xì - tốp Thu ạ". Nhiều lần tôi bắt gặp mẹ ngồi uống rượu một mình, giở những tấm ảnh trong cuốn album. Thấy tôi, mẹ giấu giếm. Tôi biết mẹ đang đi tìm quá khứ. Mẹ tôi không chịu được sự khuôn khổ nhưng thả ra còn tệ hơn. Sống một mình bà chả thu được kết quả gì. Thời kỳ lũng đoạn của mẹ tôi đã hết! Không có ai thuê mẹ hát, thi thoảng được đi hát phối bè là may, còn không chuyên đi minh hoạ, nhưng toàn những minh họa ước lệ; ví dụ như người ta thuê bà đóng vai một tảng đá, người ta trát đủ các thứ lên người rồi cũng cử động rùng rình trong một ca khúc "Tảng đá hát". Hôm biết ý định đi chơi của tôi, bà gọi điện cho bố đến ăn cơm rồi đưa tôi đi. Bố tôi hỏi ngày, giờ chứ không đến ăn cơm. Tôi giận bố điên người định thuê taxi để đi nhưng mẹ tôi bảo: "Đừng". Rồi mẹ tôi cố tình ngồi đợi ông. Có lẽ bây giờ mẹ tôi đã lặng lẽ dọn đi.

Trước hôm lên đường, kế hoạch có thay đổi một chút. Đáng lẽ chúng tôi đi xe của Thi nhưng bố anh ấy đi công tác nên phải thuê xe của một hãng du lịch. Chúng tôi hẹn nhau địa điểm ở chân biển báo, đầu đường cao tốc. Lái xe đi đón ba người ở ba địa chỉ trong thành phố, chỉ có tôi phải tự đi từ dưới tỉnh lên. Hẹn nhau đúng một giờ rưỡi đêm. Theo tính toán của Thông và Thi thì đi đêm đường thoáng, không có cớm, sẽ chạy nhanh hơn, đến Yên Bái ăn sáng. Chạy tiếp lên đến Sa Pa vào tầm chiều tối, đúng thời điểm gặp tuyết rơi. Nhưng hiện giờ, có thể tôi sẽ bị trễ. Tôi nhận tin nhắn của cả ba người: Den dau rui? Khan trg ln (đến đâu rồi? Khẩn trương lên) - Không cần xem số cũng biết tin của Thi: B N Q. die vi sai xe mit th0i (buồn ngủ quá. Chết vì say xe mất thôi). Là cô bạn Thương vừa lười vừa nhõng nhẽo. Eiu. S0t r0t q! tuc die di dc (em yêu. Sốt ruột quá! Tức chết đi được). Tôi chỉ nhắn lại một tin cho Thi hỏi xem mọi người hiện đi đến chỗ nào, có gặp cảnh sát giao thông không? Thi nhắn lại: Van dg 0 fo. Cin die (vẫn đang ở phố, cớm đi ngủ rồi). Xe chạy trên đường đôi. Thấp thoáng có chiếc container ở phía trước, vượt đèn đỏ ở ngã tư bùng binh. Xe của chúng tôi cũng đến nơi, bố tôi cho xe đỗ lại. Một con Altis vượt bên phải. Tôi giục:

- Sao bố không cho xe chạy thẳng?

- Con không nhìn thấy đèn đỏ sao?

- Bốt có Meclin nào đâu?

Một chiếc Hyundai vừa đỗ ở ngã tư chiều ngược lại, chiếu đèn pha lên cái trạm gác rỗng không hiện rõ chữ CSGT bằng sơn phản quang. Có hai chiếc taxi màu trắng đang nằm chết cóng bên mé con đường cắt ngang.

- Meclin là cái gì?

 

- Cớm lục lộ mà bố không biết sao? - Bố tôi rất khó chịu khi tôi toàn dùng từ lóng

- Trong đầu bố không bao giờ có cớm kiếc gì sất. Đừng bao giờ để cho hoàn cảnh điều khiển mình,
nhớ chưa!

Tôi quá ư bực mình. Mọi người tiếp tục nhắn tin. Tôi không đọc. Cho đến bây giờ, bố tôi vẫn giữ cách sống ấy, ức không chịu được. Lúc tối bố đã từ chối bữa cơm do mẹ đích thân nấu. Tôi biết bà đang muốn làm lành với bố, nhưng bố không thuộc loại đàn ông gallant mà mẹ thì rất thích những tay gộc như thế. Nếu cứ đà này, tôi sẽ đến trễ ít nhất nửa giờ. Một chiếc Mitsubishi bốn chỗ dừng lại bên phải xe. Tôi vùng vằng nói với bố:

- Bố có biết con hẹn các bạn mấy giờ không? Từ đây lên đầu đường cao tốc bạn con chạy chỉ hết có hơn bốn lăm phút.

- Vấn đề không phải là chạy nhanh mà là chạy an toàn. - Bố tôi nói rất gay gắt. Điện thoại của tôi không còn nhắn tin nữa mà là cuộc gọi. Tôi không nhấc call. Tôi sốt ruột nhìn cái đèn đỏ chết tiệt cũng đang co ro vì rét. Mưa vẫn không ngừng rơi. Tiếng nhạc chờ - bản Balat màu xanh tôi cài riêng cho Thông. Có thêm hai chiếc xe tải đứng nối vào chiếc Mitsubishi. Đằng sau xe bố tôi có thêm một chiếc taxi nữa. Tôi oằn oại trên ghế, đã thế lại còn bị trách:

- Tại sao con không gọi bố đến sớm hơn?

 

- Chỉ cần bố chạy nhanh hơn, con vẫn còn thừa
thời gian.

- Bố luôn giữ đúng thời gian, giữ đúng tốc độ. Từ nhà lên đầu cao tốc bao giờ cũng hết một giờ bốn lăm phút chưa kể sự cố ngoại lệ.

- Nhưng con đã tính thời gian rồi. Con chỉ có một tiếng rưỡi mà thôi. - Tôi cãi bố, đến nỗi người nóng sực lên. Bố quát thẳng vào mặt tôi:

- Đừng bao giờ khoán thời gian cho lái xe. Mình phải biết làm chủ thời gian, đừng để thời gian làm chủ mình. Con phải tập cách sống tự lập đi.

Đến đây thì tôi không làm chủ được nữa

- Bố có biết con đã từng tự lập bao năm nay không?

- Đó không phải là tự lập. Đó là cuộc sống tự thả trôi. Trôi tự do. - Bố ngập ngừng trong giây lát rồi tiếp:

- Bố biết mình có một phần lỗi trong đó. - Rồi ông lại tự khẳng định: "Nhưng chỉ vài năm lúc con còn là vị thành niên".

Lại ngụy biện. Dù không nói ra nhưng tôi nghĩ nếu có sống với bố thì tôi cũng không chịu nổi ông ấy, những quy tắc của ông ấy. Những ô, những ngăn trong đầu, những lập trình trong đầu, những việc cần làm trước, những việc theo thứ tự không bỏ sót một việc nào… Cứng nhắc, khô cứng như một cỗ máy chẳng hề có cảm xúc gì. Khó chịu, đáng ghét nhưng không tài nào cãi ông được. Mấy năm học đại học, ông vẫn tìm cách can thiệp vào nhưng tôi không còn là cô bé vị thành niên. Có cái tôi nghe theo nhưng rốt cuộc tôi vẫn tìm cách sống cho mình. Cuộc sống là của tôi, tôi phải biết cách để thưởng thức nó, bất tận và không có xì - tốp!

- Con thực sự không hiểu được bố. Cuộc sống có lúc cũng phải bừa phứa đi một tý.

- Không phải là con không hiểu bố mà là con không muốn sống có nguyên tắc. Công việc cũng là cuộc sống, không bừa phứa được. Tôi hậm hực nhìn đồng hồ trên bảng taplo. Không biết chế độ đèn đặt 100s, 70s hay 150s mà lâu thế. Tôi ngó sang mặt bố. Mặt bố trông cũng giống như cái đèn đỏ. Chúng tôi tranh luận, có lúc còn hơn thế. Tôi rất muốn hạ gục được bố bằng một việc nào đấy mà từ trước đến nay cả tôi lẫn mẹ đều chưa làm được. Quan trọng là đêm nay tôi sẽ bị trễ giờ, các bạn sẽ phải đợi, sẽ cằn nhằn vì không có cơ hội ngắm tuyết rơi. Nó chỉ xảy ra trong vòng vài tiếng đồng hồ vào lúc chiều tối ngày mai. Tôi bị cụt hứng. Điện thoại réo liên hồi, tôi tắt đi lại càng gọi. Đèn xanh đã bật. Tiếng còi xe cằn nhằn phía sau. Chiếc Mitsubishi vọt tiến, bắn đầy nước bẩn vào kính lái. Bố tôi từ từ cho xe chạy. Tôi vặn người nhìn thẳng vào bố. Đằng nào thì cũng muộn, tôi tỏ ra bất cần:

- Đáng lẽ ra mẹ không nên gọi điện cho bố. Con đã sai lầm là để bố đưa con đi. Không bao giờ con ngồi lên một chiếc xe hôi hám như thế này nữa!

 

Lúc ấy xe chưa ra khỏi bùng binh. Bên phải còn một chiếc xe tải, chiếc taxi đã lách vượt lên trên. Bố tôi chồm người trên ghế, tay phải buông ra khỏi vô lăng, hình như ông định đánh tôi. Chờ cho chiếc xe tải đi qua, thoát khỏi bùng binh, tôi bỗng thấy bố tôi bật xi nhan cho xe từ từ đỗ vào lề đường bên phải. Bố tôi mở cửa, nhẩy phắt xuống xe, vòng sang phía bên này mở toang cánh cửa. Ông điềm tĩnh nói, giọng rắn chắc:

- Xuống! Cút khỏi xe của tôi.

Tôi bị bất ngờ. Không thể ngờ ông lại xử sự với con gái mình như vậy. Quá rõ ràng, khắt khe và cả tàn nhẫn nữa. Ông ấy không có quyền đối xử với khách hàng như thế, nhất là với phụ nữ. Ông không bao giờ dám làm như thế với khách hàng, tôi biết và đây là lần đầu tiên ông vi phạm những luật lệ mà người lái xe không được phép. Tôi sẽ kiện ông ra tòa. Không thể tưởng tượng nổi. Cho dù tôi có thế nào đi nữa, dù tôi có trót nói hỗn với ông một câu thì tôi vẫn cứ là con gái của ông cơ mà. Đang giữa đêm đông, trời tối mịt mùng, mưa rét căm căm, đồng không mông quạnh mà lại đuổi con gái mình ra khỏi xe chỉ vì một câu nói chê bai cái xe chạy dầu. Tôi muốn ra khỏi xe ngay lập tức. Tôi sẽ khóc gào to lên, tôi tuyên bố sẽ từ bỏ ông mãi mãi, vĩnh viễn, mãi mãi… trong lòng đầy oán hận, hùng hổ và sục sôi, tôi sẽ lạnh lùng bước xuống giống hệt như bố tôi đã đối xử tàn nhẫn với tôi. Rồi ông ấy sẽ phải hối tiếc suốt đời. Ông ấy sẽ bị dư luận, bạn bè, đồng nghiệp tẩy chay, ông ấy sẽ trở thành thân tàn ma dại. Rồi ông ấy sẽ phải ân hận, con ma cô đơn sẽ hành hạ ông ấy suốt đời. Tôi đã nhìn thấy hai chiếc taxi ở bên kia góc đường đang nằm chết duỗi ra vì không có khách. Chắc ông ấy cũng đã tiên lượng hết rồi. Nếu tôi xuống xe liệu ông ấy có nài nỉ tôi không? Nào là bố xin lỗi con bố nóng quá, nào là bố chỉ hù dọa con một tý thôi mà. Tôi cứ ngồi im tưởng tượng ra các cảnh huống, tưởng tượng ra khuôn mặt thất bại của ông ấy. Hai má xị xuống, hai cái mắt cụp lại, cái môi dưới trề ra trông vẻ ăn năn. Hai cái tay thừa thãi đưa lên đầu gãi gãi… Nhưng tôi đã lầm. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt bố. Hết sức lạnh lùng, cương quyết, quai hàm bạnh ra, sừng sững trong mưa trông thật bất khuất. Đây mới là con người thật của bố. Tôi đâm run. Gió lạnh ùa vào trong xe. Những hạt mưa lẻ loi bay vào đậu lên má như cắm những chiếc kim vào da mặt làm tôi phải co người lại, ép chặt vào tựa ghế, hai tay xiết chặt chiếc khăn quàng. Thật là khủng khiếp. Tôi đâm ra luống cuống. Đến đây thì tôi không dám xuống nữa. Chắc chắn bố tôi không lôi tôi ra khỏi xe của ông như một chiếc bao và quẳng nó xuống vệ đường. Tôi ngồi nép sâu hơn gần ghế lái. Tôi đã bị bố tôi xì - tốp!

Sầm. Hai bố con tôi tiếp tục đi. Im lặng. Không ai nói với ai một câu. Bố cho xe chạy đều ga. Tiếng lốp bám đường nhem nhép. Chừng khoảng ba kilomét chúng tôi phát hiện có vụ tai nạn. Đèn pha của những chiếc xe tìm cách lách qua những chiếc xe bị tai nạn quét loang loáng. Gần đến nơi, tôi nhận ra chiếc Altis cắn vào đít chiếc container vỡ toác cả mõm bên phải. Đầu chiếc xe container quay lấn gần hết lòng đường. Vô cùng kinh hãi, nếu bố không đang lái xe chắc tôi ôm chặt lấy ông mất. Bố tôi từ từ bám đuôi chiếc xe tải vượt lên trên đầu chiếc container và thấy hai tài xế đang đứng lướt thướt ở dải phân cách, gân cổ phân bua với nhau. Lúc này tôi vẫn đang run lên vì sợ. Tôi biết, nếu xe chúng tôi vượt đèn đỏ ở ngã tư bùng binh thì rất có thể sẽ gây ra một tai nạn liên hoàn. Tôi đưa mắt liếc nhìn ông, bố tôi vẫn chăm chú lái xe thản nhiên như không. Hình như những cảnh này quá quen thuộc với ông. Tôi làm quen với bố, lý nhí xin lỗi và hỏi xem lý do hai xe gây tai nạn. Bố giải thích nguyên nhân trực tiếp do đường trơn, tốc độ của chiếc Altis quá lớn khi chưa đủ điều kiện vượt chiếc container. Còn rất nhiều nguyên nhân mà bố tôi không cần giải thích tôi đã hiểu. Rồi bố tôi cắt ngang hỏi chiếc xe du lịch xuất phát từ đâu, đón ba người ở những chỗ nào rồi ông đưa ra nhận định rằng xe của chúng tôi sẽ đến trước điểm hẹn ít nhất cũng mười lăm phút. Tôi vẫn còn đang chưa hết run thì bố lại kéo tôi về sự chán ngấy mà tôi phải chịu đựng và suýt nữa thì phải trả giá. Làm gì có chuyện xe của tôi lại đến trước xe họ được. Các bạn tôi giờ này đã đang đứng dưới chân đường cao tốc mà đoán già đoán non xem tôi đi đến đâu, vô cùng lo lắng vì tôi không trả lời điện thoại. Bây giờ mới nhớ ra, tôi liền đọc các tin nhắn rồi vội alô cho Thông. Anh ấy cuống lên trong máy hỏi tôi đang ở đâu? Tại sao không nghe điện thoại? Có việc gì xảy ra không? Tôi ơ hờ trả lời:

- Em còn cách khoảng mười cây số nữa. Đợi em có sốt ruột không?

- Ô, bọn anh vẫn chưa ra khỏi thành phố. - Rồi Thông dặn cứ đợi cả bọn ở chỗ đã hẹn.

Tôi không thể tin được và lén nhìn bố. Sao ông ấy lại biết xe của họ đến chậm hơn xe của tôi? Có thể ông dựa vào kinh nghiệm chạy xe của mình. Nhưng tôi không tin vì quãng đường của mọi người ngắn hơn quãng đường của tôi. Đường vắng, chỉ xéo một cái là đến chỗ hẹn. Vậy họ đi kiểu gì mà chậm vậy? Tôi đọc lại tin nhắn của Thông thấy cả hai chiếc xe gần như xuất phát cùng một thời điểm cơ mà? Xe lao tương đối nhanh, đấy là bố tôi đã giảm tốc độ vì trời mưa. Đúng như bố tôi nói, chúng tôi đã đến sớm. Ông bật xi nhan phải và đèn trong xe. Tôi hí hoáy gọi điện thì bố tôi bảo đừng gọi, bố muốn dành thời gian để nói chuyện. Ông không đả động gì tới việc đã qua, bảo:

- Nếu ngày mai các con lên Mẫu Sơn thì đúng là tuyết chỉ xuất hiện vào lúc nửa đêm và chỉ được xem nước đóng băng đá lác đác trên các cành cây. Nhưng ở Sa Pa thì trong vòng ba ngày liền theo dự báo khí tượng nhiệt độ có thể giảm xuống dưới không độ. Vậy nên bọn con cũng không cần vội vã.

Lúc này tôi xem nhẹ việc đi chơi. Dù tuyết rơi hay vàng rơi cũng không làm tôi hứng thú nữa. Thực tế tôi đang say sưa khám phá con người bố tôi và cuộc sống xung quanh ông. Tôi chưa bao giờ chú ý đến ông cả, chưa bao giờ nghe, chưa bao giờ tuân phục, thay vào đó chỉ ấm ức, khó chịu và chọc ngoáy cho bõ ghét. Tôi may hơn mẹ tôi. Mẹ tôi giờ chắc đã nhận ra thì đã lãng p 10f5 hí qúa nửa cuộc đời. Tôi chưa thấy mẹ tôi ngồi đợi cơm bố bao giờ mà chỉ bố đợi cơm mẹ thì thường xuyên. Giờ mẹ có cảm nhận cảnh đợi chờ một bữa cơm gia đình quan trọng thế nào không? Ngày xưa bố đã từng ngồi như thế bao nhiêu lần. Ông cho tôi ăn cơm, cho tôi đi ngủ rồi ngồi trầm ngâm hút thuốc đợi một người vợ hạng ba trong nghề ca hát. Bố tôi tôn trọng mẹ tôi, bố tôi tôn trọng đam mê được cất lên thành lời ca mà cả bản thân ông cũng thích. Bố tôi không xì - tốp nhưng đáng ra mẹ tôi phải tự mình xì - tốp. Tôi không biết đàn ông gallant là như thế nào, nhưng tôi chắc rằng ông mới chính là người sinh ra anh gallant. Tôi lái câu chuyện về những điều tôi còn đang canh cánh. Tôi nói với bố lời xin lỗi lần nữa và nhìn bố trìu mến. Tôi chưa bao giờ nhìn ông như thế. Có thể qua ánh mắt run rẩy, yếu đuối, chất chứa biết bao nỗi niềm yêu kính, cảm phục của tôi mà bố đã nhận ra. Hai bố con tôi nói bao nhiêu là chuyện cho đến lúc chiếc xe Hà Nội Tourist đến lúc nào không hay. Lái xe là một thanh niên rất trẻ, có lẽ chỉ chừng ngang tuổi tôi. Trong vòng hai giờ đồng hồ, tới phút chót tôi bỗng nhận ra mình lớn hẳn, bằng một diện mạo khác hẳn, vượt lên trên chính mình, đứng hẳn trên vai mình. Người ta bảo "có những phút làm nên lịch sử." Đúng đấy! Đó chính là lúc ta giác ngộ, hay đơn giản là tìm ra kỹ thuật cuộc sống, như một cái then cài mà phải tự mình phải tháo nó ra. Chúng tôi vội đi, các bạn tôi cứ rối ra rối rít. Thông rất lo tôi giận vì đến muộn. Tôi cười lên với anh ấy. Chính xác là tôi cười tôi, với anh tôi là đứa con gái léng téng nhất trần đời. Thương thì thầm giải thích việc các bạn đến trễ: "Cái ông trẻ này (lái xe) tức đến lồng ruột. Đèn đỏ nào cũng dừng. Ghét thế!". Bố tôi chuyển đồ cho tôi lên xe du lịch, và hai người trao đổi với nhau một lúc, anh tài trẻ bảo: "Đi đường rừng núi nhẽ ra phải cưỡi con Hi lander này của chú mới đã". Tôi đứng bên cửa xe tần ngần nhìn bố. Mọi người chào ông. Giờ tôi không muốn xa bố tôi nữa. Ông đến bên chìa cho tôi chiếc phong bì: "Chúc đi chơi vui vẻ". Tôi cảm ơn bố và lạ thay không còn quan tâm đến số ít và với tôi như vậy đã là quá nhiều. Bố đẩy tôi vào trong xe. Tôi nhoài ra, nghiêm trang bảo bố:

- Con đi đúng hai ngày sẽ về! - Tôi hứa như thế mới thấy yên tâm và ngồi xuống. Anh lái xe trẻ tuổi tươi cười chào bố tôi. Ông vỗ vỗ vào đuôi xe như người ta vỗ vào mông con ngựa. Trong xe, mọi người hào hứng quá đỗi. Xe chạy. Tôi nhận điện thoại của mẹ: "Đi chưa? Mau cho bố về ăn cơm. Mẹ đang đợi".

Tai tôi ù đi, tôi không nghe được gì nữa.

Tôi ngoái lại nhìn ông.

Một mình.

Giơ tay chào theo kiểu nhà binh.

Đèn vàng nhấp ngắt. Mờ dần. Trong mưa. Lòng thắt lại, nước mắt tự trào ra. Mọi người ngơ ngẩn nhìn tôi không hiểu có chuyện gì. Bố tôi còn chưa ăn tối. Bố tôi đang đợi bữa cơm này. Tôi nức nở lên. Thương ôm chầm lấy tôi dỗ dành như một người chị:

- Đường lên Tây Bắc cảm động quá phải không cưng? Mai lên ngắm nhìn tuyết rơi tha hồ mà khóc!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87534


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận