Nắng Vỡ Truyện ngắn 5


Truyện ngắn 5
Một cuộc đi chơi

Trước hôm chúng tôi lên đường một ngày, cha tôi gọi tôi lại bảo: "Mai nghỉ học đi chơi với cha". Quyết định đột ngột quá khiến tôi đần hết cả mặt. Rồi như chợt hiểu, tôi vụt chạy đi không sợ cha thu lại quyết định thì tiếc lắm. Tôi chạy sang nhà Nga, cô bạn học cùng lớp. Lúc ấy do cái chân tôi quen lối chứ thực tình trong lòng chỉ thấy đang hớn hở, cái đầu tôi chỉ nghĩ về cha. Cha tôi - càng lớn tôi càng hiểu ông và hiểu thêm hoàn cảnh gia đình. Thời gian gần đây cứ thấy cha ra thăm đồng luôn xoành xoạch. Rồi một bữa ông bảo với mẹ tôi: "Chuyến này tôi xuôi Hà Nội dự đại lễ. Mẹ mày ở nhà chịu khó vất vả, đi mấy bữa tôi về". Mẹ tôi giật mình:

- Lúa má sắp chín. Anh đi mình em gặt sao kịp.

- Mẹ mày có thể gặt đổi công hay đi tìm thuê người mà gặt.

 

- Lúa chín rộ, nhà nào biết nhà nấy biết đổi công cho ai? Còn ở đây đồng rừng người đâu mà thuê, có phải như dưới xuôi.

Cha tôi hơi ngần ngừ, nhưng vẫn nói:

- Tôi đã quyết rồi.

Đó là mệnh lệnh. Từ trước đến nay, bất kể công việc gì, hễ thấy cha tôi bảo quyết thì dù sập trời ông cũng mặc. Có những việc sau khi quyết xong rồi biết trái lè ra nhưng cha tôi cũng không hối tiếc. Mẹ tôi buồn buồn quay đi. Lúc ngang qua chỗ tôi đang ngồi học bài, mẹ nói một câu vu vơ: "Học bài đi con".

Cũng nên nói qua về mẹ tôi một tý. Mẹ tôi quê ở Tõm Cầu. Học sư phạm xong thì lên Sà Phì công tác. Lúc ấy cha tôi đóng quân ở đây. Hai người quen rồi lấy nhau. Cha tôi quê ở Khu 4, nhưng lại không nói tiếng trọ trẹ. Sau này khi lớn lên nghe mọi người kể lại cái đầu tôi cũng ngộ ra nhiều điều, nhưng cũng có những thứ thắc mắc mà không biết lý giải ra sao. Nghe tin cha tôi lấy vợ giáo viên, và ở lại miền núi, ông nội phản ứng dữ dội. Có hai điều, một là lấy vợ giáo viên không hợp với nông dân. Thứ hai là ông nội tôi bắt cha tôi hết nghĩa vụ phải về quê, chứ ở trên đồng rừng nó ngu người đi. Cha tôi không nghe ông. Hai người cãi lộn. Đúng là cha nào con nấy! Khi ấy mẹ tôi cũng theo cha về quê, không biết nói câu gì mà ông nội chỉ tay vào mặt cha quyết một câu đanh thép:

 

- Mày lấy nó thì đừng có vác mặt về cái nhà này nữa.

Từ đó mẹ tôi không bao giờ về quê nội, cũng chả buồn về quê ngoại. Chỉ có cha tôi sau này thỉnh thoảng vẫn về, nhưng chủ yếu ra Hà Nội vì họ mạc ở đây đông lắm. Có vài lần tôi theo cha về quê, thấy hai người vẫn lỳ ra với nhau. Cha chào, ông nội coi như không nghe thấy. Tôi hỏi cha sao không bao giờ thấy mẹ về cùng, cha tôi nói sẵng:

- Chưa ngoan, chưa được về quê.

Lòng tôi đầy mặc cảm nhưng không dám hỏi thêm. Chuyện của người lớn biết đâu đấy. Thỉnh thoảng tôi cũng nghe hai người to tiếng. Có lần cha bàn về quê. Mẹ bảo: "Bao giờ bố anh nói lại tôi mới về". Cha bảo: "Dù sao họ cũng là bố mẹ tôi. Tôi hỏi cô; ở cái nhà này ai là chủ?". Mẹ nói: "Thế tôi thì là cái gì?". Cha bảo: "Tôi quyết, cô không được cãi". Mẹ nói: "Thế thì càng không bao giờ". Riêng chuyện này tôi biết cha tôi không "quyết" được, nhưng mà hậm hực lắm. Tôi hay để ý mẹ. Nhiều lúc thấy mẹ đứng buồn một mình, hai mắt đau đáu nhìn về phương xa, nơi xa ấy có phải là quê không? Những lúc ấy chắc lòng mẹ đau như cắt. Có người rủ về quê ngoại, mẹ tôi buồn. Lắc đầu.

Gọi là xóm Chùa nhưng chỉ có ba nóc nhà. Nhà tôi nằm giữa. Đi nửa quả đồi, bên phải là nhà chú Thơm, nhà Nga. Vòng hết hẳn quả đồi, sang quả thứ hai là nhà bác Thắng. Từ nhà Nga chúng tôi vượt qua con suối bằng chiếc cầu tre tự làm. Mùa này nước cạn, ri rỉ chảy quanh những hòn đá dưới lòng suối. Tôi chạy sang nhà Nga cốt để khoe tin. Chúng tôi ngồi với nhau gần hết buổi chiều. Nga hỏi:

- Tuấn có biết sao mình lại được đi không?

- Không biết.

- Bác Thắng bảo kiêng đi ba người, nên bố mới cho Tuấn đi đấy.

À ra thế! Chắc mọi người bàn chuyện đi chơi nhiều lắm. Nhưng tôi chỉ biết có một lần chú Thơm, bác Thắng và cha tôi ngồi uống rượu, mọi người bàn chuyện đi chơi rôm rả, tôi ngồi hóng chuyện cũng thấy lòng nao nức lắm. Giá như mà được làm người lớn thì dứt khoát tôi cũng được ngồi đây dự bàn. Lúc ba người chạm chén cha tôi hô: "Đi chứ!". Cả hai người kia cùng hô: "Đi!". Bác Thắng hỏi mọi người: "Còn lúa má ngoài đồng thì sao?". Chú Thơm rót đầy ba chén, nói rất hăng hái: "Lúa thì một năm hai vụ nhưng đại lễ 1000 năm mới có một lần". Ba người lại nâng chén, cứ cạch đi cạch lại. Bác Thắng mặt chín tím như mía đỏ, níu cả lưỡi:

- Sinh nhật Thăng Long. Thương cho đứa chết sớm. Thiệt cho đứa sinh sau. Hê hê…

Cha tôi:

- Đời là mấy tý.

Chú Thơm:

- Sống trên đời không chơi cũng thiệt.

Tôi ngồi chầu rìa bên ngoài cũng kích động mạnh, đầu nghĩ ngầm: "Như ta đây gặp thời cũng có được đi chó đâu". Tiếng cha tôi bạt cả hơi rượu: "Được! Cứ thống nhất thế. Xe cộ tôi lo. Đằng nào tôi cũng còn phải xuống thị trấn đánh một chuyến ngô về cho lợn. Các ông nhớ cho là phải dạo xong đại lễ mới về". Nói rồi nhìn ba người khắp một lượt: "Tôi nói trước, đứa nào không đi thì làm con chó!". Hai người kia cùng thề:

- Đứa nào không đi, không bằng con chó!

Mẹ tôi vác cây chuối hột đi vào sân. Lúc ấy mọi người mới giải tán.

Suốt mấy hôm, xóm ba nhà chúng tôi chưa đi mà đã được sống trong không khí lễ hội. Nôn nao lắm.

- Tuấn được đi sướng nhé! Ước gì mình cũng là


con trai.

- Ừ, thích thì thích nhưng mà cứ thấy thế nào ấy.

- Thế nào là thế nào?

- Mấy hôm nữa lúa chín. Nhà Nga còn có ba người. Nhà tớ trơ trụi chỉ có một mình mẹ.

Nga không nói gì. Hai đứa mênh mang nhìn xuống dưới thung lũng. Bên phải chỗ chúng tôi ngồi là đồi mua lác đác trổ những bông hoa tím. Đàn trâu đang thong thả gặm cỏ, thỉnh thoảng ngẩng lên mõ khua lốc tốc. Con đường mòn cong cong cắt đôi vạt đồi là con đường hàng ngày tôi với Nga vẫn đi học, trường cách đó chừng 3 cây số. Chiều Tây Bắc, nắng đổ dồn xuống thung lũng lúa chín rồi hất ngược lên đồi cây nhà bác Mạnh. Xa xa, con đường như một dải thắt lưng màu chì buộc xoắn lấy eo núi lên đến tận đỉnh rồi đột ngột đổ xuống sườn núi phía bên kia. Con đường ấy ngày mai chúng tôi sẽ đi lên để xuống dưới thị trấn. Cha tôi gửi xe ở đấy rồi mọi người bắt ô tô về Hà Nội. Tôi thấy trong người nôn nao khó tả, hết nhìn xa rồi lại nhìn vạt lúa chín trước mặt. Mặt ruộng khô nước đã bắt đầu nẻ. Bông lúa bẻ cong trong bẹ lá xanh mọc thẳng trông như bông lay ơn hoa vàng. Tôi biết giống lúa bây giờ chín rất nhanh. Bắt đầu được gặt là vài ngày sau đã gục xuống. Chợt nhớ cha tôi hay ra thăm đồng là vì thế. Cha tôi tháo hết nước cho lúa nhanh chín, dồn chúng vào thế không nhanh thì chết! Nhưng lúa thì không tuân theo tính toán của cha tôi.

- Tuấn nghỉ học lâu thế có ngại không? - Nga hỏi
cắt ngang.

Tôi định nói "không" rồi lại thôi. Thực ra cha tôi không tha thiết lắm cho việc học của con cái, vả lại tôi học không giỏi. Mẹ tôi thì khác, mẹ lúc nào cũng muốn cho tôi học đến khi nào không học được nữa thì thôi. Hễ nói đến việc học của tôi y như rằng cha tôi lại nói: "Học như mẹ mày là cùng chứ gì?". Mẹ tôi rõ ràng ân hận vì trước đây bị cha tôi ép bỏ nghề. Mỗi lần như thế mẹ tôi chỉ bảo: "Chẳng qua ngày trước tôi dại mới thế". Còn cha chả thèm để ý, nói rất lỗ mãng: "Cô không biết à? Tôi lấy cô chứ thèm gì cái chữ của cô. Cô ngu lắm!". Mẹ tôi than: "Còn bố anh thì nói; con cái nông dân đẻ ra đã biết cầm liềm. Cần gì học lắm. Phí!" Mẹ tôi chỉ còn nước trách mình sao lại đi đánh đổi với số phận, mình đã chọn nhầm đối tượng biết nói gì đây? Hễ nhắc đến tri thức là y như rằng cha tôi như bị sâu răng. Mẹ tôi sợ.

- Tuấn nghĩ gì thế?

- À không, tớ đang nghĩ đến Hà Nội không biết nó thế nào.

Nga dặn:

- Tớ nghe bố hay nhắc đến kẻ cắp ở Hà Nội. Tuấn phải cẩn thận đấy. Tớ còn thấy nói đến ruồi Hà Nội, tớ chả hiểu ra sao. Hôm nọ nghe bác Thắng bảo Hà Nội chỉ nổi tiếng mỗi cái kem Tràng Tiền. Đợt này ra đấy, cậu nhớ xem nó còn hay không?

Chàm tối. Con đường trên dốc đã mờ đi trong sương. Nga đứng dậy bảo: "Về đi". Rồi Nga đưa tay lên búi tóc, tháo chiếc kẹp. Một suối tóc sổ tràn xuống vai, dập dềnh hai bên gò má. Nga dúi vào tay tôi tờ giấy bạc hai trăm ngàn: "Cho Tuấn đấy! Ra Hà Nội tốn tiền lắm". Nói rồi chạy đi, mớ tóc bồng bềnh trên vai. Tôi chợt thấy tim mình nhói đau, một cảm giác buồn buồn trào dâng, cứ bâng khuâng như thế cho đến khi Nga khuất hẳn bên kia chiếc cầu.

 

*

 

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường. Mọi việc chuẩn bị chu đáo. Mẹ tôi dậy rất sớm thổi cơm tẻ để ăn, thổi cơm nếp nắm mang đi, đóng nước uống vào hai cái chai cô ca cô la. Cuối cùng vẫn bị cha tôi vứt lại hết, chỉ mang theo can rượu. Cha chỉ vào cái can: "Mẹ mày nên nhớ đàn ông mang theo người luôn luôn chỉ có rượu, và chỉ có rượu mà thôi". Mẹ tôi không dám nài vì biết tính cha, không nghe là vứt đi ngay cho mà biết. Bác Thắng cũng đã sang từ sớm. Cha tôi đánh chiếc công nông ra đường mòn trước ngõ, máy nổ tành tành. Trong lúc đợi chú Thơm sang. Hai người kiểm tra hành lý rồi vứt cả lên thùng xe. Bác Thắng định hút cố điếu thuốc lào. Cha tôi bảo: "Đổ nước đi, mang theo luôn". Bác Thắng bảo: "Ừ, để lúc nào đi hẵng đổ". Tôi cũng kiểm tra "hành lý" của mình. Quần áo thì bỏ chung túi với cha. Hai trăm ngàn Nga cho hôm trước, hai trăm ngàn mẹ tôi cho riêng tối qua, tôi bỏ vào trong bít tất rồi xỏ giày vào. Tôi nghĩ; kiểu này đến ông cụ đẻ ra bố thằng kẻ cắp ở Hà Nội cũng chịu. Nhớ tối qua, mẹ gọi tôi ra đầu nhà, nói nhỏ, dặn nhiều nhưng tôi chỉ nhớ được lúc đưa hai trăm ngàn, mẹ âu yếm bảo: "Mẹ cũng muốn cho con đi. Mẹ rất muốn con đi ra đường, đi khắp Việt Nam xem cái đất nước này nó to bé ra sao. Có điều sau này lớn lên đừng có ham chơi như thằng bố mày". Lúc ấy tôi bỗng thương mẹ và oán cha tôi vô cùng. Thương mẹ thui thủi một mình nhưng đi chơi vẫn thích, với lại tôi còn muốn hỏi cho Nga xem cái kem Tràng Tiền có còn ngon
hay không?

Chờ mãi chưa thấy chú Thơm sang. Mẹ đứng cạnh tôi. Bác Thắng trèo lên thùng xe rồi lại trèo xuống. Cha tôi hết kiểm tra két nước lại lấy tay quay gõ bình bịch vào lốp, xong đứng sau thùng xe nhìn về phía nhà chú Thơm. Cha tôi gọi: "Tuấn". Tôi: "Dạ".

- Mày chạy sang nhà chú Thơm xem thế nào? Lâu thế khônng biết!

Tôi định vù đi nhưng thấy bàn tay mẹ trên vai siết nhẹ. Tôi ngước lên nhìn. Im phắc. Cha quắc mắt về phía tôi. Từ trước đến giờ mọi mệnh lệnh cha tôi ban ra đều phải được thi hành ngay lập tức. Thấp thoáng có bóng người đằng xa. Đến gần mọi người mới hóa ra cô Tịnh - Vợ chú Thơm. Cha tôi biết chú ấy giở trò, điên tiết quẳng mạnh chiếc tay quay lên thùng. Bác Thắng quay mặt lên đồi. Cô Tịnh không dám nhìn cha tôi, cuối cùng đành nói chuyện với cái gáy của bác Thắng:

- Bác với chú thông cảm. Anh Thơm nhà em đau bụng suốt cả đêm qua. Cứ tưởng sáng ra đỡ thì đi. Nhưng mà…

Cha tôi nói kháy:

- Nhưng mà nó vẫn đau không đi cắt lúa được chứ gì? Thôi! Anh em mình đi. Mất thời gian. - Bác Thắng quay người lại. Cha tôi trèo lên ghế lái. Tôi lại nhìn mẹ. Lúc thấy cô Tịnh sang mẹ tôi mừng lắm. Cha tôi quát: "Thằng kia!". Mẹ buông tôi ra. Cô Tịnh cố phân bua: "Bác với chú thông cảm cho nhà em". Nói rồi cô gượng gùng vớt vát: "Mọi người đi vui vẻ nhé! Ra Hà Nội nhớ mua quà về nhá…". Cha tôi cài số. Chiếc xe giật nẩy, phịt phịt đùn một đống khói to tướng trùm lên hai người đàn bà đang vẫy tay chào mấy người nông dân đi chơi đại lễ.

Xe chạy qua nhà bác Thắng một đoạn thì rẽ ra con đường liên huyện. Xóm Chùa của tôi mất hút đằng sau. Chiếc xe công nông chạy đều ga hơn. Bác Thắng bắt đầu hạch tội chú Thơm:

- Không ngờ thằng ôn con nó lỏi thật! Mấy lần uống rượu nói thì hăng thế. Đúng là đồ chó!

Cha tôi còn đầy nguyên một lòng bực bội, liền tiếp:

- Khôn gì cái thằng "oắt" ấy. Để xem hơn được ai. Mẹ kiếp! Đời là mấy tý. Sống ru rú xó nhà khác gì gián chui kẽ chạn.

Hai người cứ đối đáp với nhau cái kiểu như thế.

Bác Thắng lại chê:

- Chung quy lại nó cũng là thằng tính toán. Nó bảo lúa một năm hai vụ, đại lễ nghìn năm chỉ có một. Nói như thánh bố hóa ra đều là phét cả. Ghét cái mặt.

Cha tôi lái xe một tay, tay kia bóp bóp như Trần Quốc Toản bóp cam:

- Thằng ấy từ nay em coi như nó chết.

 Tôi biết cha không nói đùa. Tính ông thù dai, ghét ai thì hại cho bằng được. Ít nhất cũng sỉ nhục người ta cho sướng mồm. Cha tôi và chú ấy bằng tuổi nhau. Tôi gọi chú bằng chú, ngược lại Nga cũng gọi cha tôi như vậy. Thực tình tôi thấy chú Thơm sống được. Tính chú hiền lành, rất chịu nhường nhịn. Đặc biệt đối với vợ con chú luôn tỏ ra săn sóc nhưng bao giờ nói chuyện với cha chú cứ nói phóng lên, khoe khoang khoác lác mà không biết sượng mồm, chẳng hạn như: "Tôi vừa cho con vợ tôi một bài". Hoặc: "Con vợ tôi nói không nghe chuyến này tôi cho ra bã". Lần nào chú cũng bị cha tôi vỗ ngay vào mặt mà vẫn không chừa: "Cái loại đàn ông như mày dám hỗn hào với vợ thế cơ á?".

Sáng sớm. Đường miền núi hiu quạnh, vắng vẻ. Tiếng xe phành phành. Đường xấu. Cha tôi lượn tránh ổ gà mà không giảm tốc độ. Xóc kinh khủng. Bác Thắng mặt nhăn như khỉ. Thỉnh thoảng gặp những người phụ nữ dân tộc đầu đội khăn, mặc áo chàm xanh, tay cầm dao phát nương đứng nép hẳn vào ta-luy tránh, mắt như dán vào chúng tôi. Đôi khi gặp chiếc xe máy cùng chiều vượt lên. Hai người lâu lắm không thấy nói chuyện với nhau. Cha tôi chăm chú lái xe. Chạy đến ngã ba, xe bắt đầu lên dốc, khói hất ngược lên, buồn nôn. Một chiếc xe công nông khác đang đỗ bên lề đường. Tôi nhìn lên chả thấy dốc gì nhưng nhìn xuống thì thấy mình đang lên cao, cao dần… Bác Thắng tư lự như đang lo lắng điều gì. Bên trái tôi là vách núi ướt át. Đây là lần đầu tiên tôi ra khỏi xóm Chùa cũng chưa thấy gì lạ cả. Con đường này nhìn từ xóm Chùa thấy cheo leo nhưng đi lên thì thấy cũng bình thường. Bác Thắng rút chiếc điếu cày ở thành xe ra, vê thuốc rồi gí bật lửa ga vào nõ điếu. Tôi ngồi ngang với bác. Gió từ thung lũng phía dưới hất ngược lên khiến tôi ăn trọn khói thuốc lào, ho như ông cụ, phòi cả nước mắt. Bác Thắng hút xong lại diu mắt xuống phía dưới thung lũng, vẻ mặt căng thẳng. Xe vẫn chạy đều, thỉnh thoảng mới phải tránh những chiếc xe đi ngược chiều. Bác Thắng lại vê thuốc. Điếu cày không nước đưa cả khói, cả lửa vào phổi khiến bác phải nhè mồm ra để nhả khói. Lần này tôi đứng hẳn dậy để tránh. Chả dại. Tôi thấy bác rõ ràng đang bồn chồn vì cái gì đó. Bác Thắng năm nay ngót sáu mươi, nhưng trông người như một khúc gỗ táu, nứt nẻ đủ chỗ. Râu lưa thưa và cứng, để lâu không cạo trông như gai bồ kết. Cha tôi vẫn gọi ác ấy là râu cáo, nhưng bác mát tính nhất xóm. Bác gái bị bệnh bại liệt đã mấy năm nay, chỉ đi bằng hai tay nhưng chả cần ai giúp mà vẫn nấu rượu bán cho cả vùng. Bác có ba người con gái. Chị lớn nhà bác tôi gọi bằng cô thì thiệt mà gọi bằng chị thì nhỡ. Hai người em lớn đến đâu lấy chồng hết đến đấy, mỗi mình chị cả tính tình cau cảu chả ma nào hỏi. Xe chúng tôi đã leo lên quá nửa đèo. Tôi nhìn những đám mây như dải lụa thắt cổ những đỉnh núi nhấp nhô phía trước. Càng lên cao gió càng thổi mạnh. Lạnh. Mặt đường thẫm nước. Bác Thắng bỗng nhoài người vỗ vào bắp tay cha tôi: "Này, đi chầm chậm tôi bảo".

- Xe đang lên dốc, chạy chậm lỡ trơn không đi được.

- Thế thì mày dừng hẳn tao bảo.

Cha tôi cố tình chạy thêm một đoạn dài nữa mới đỗ lại bên lề, máy vẫn để nổ. Bác Thắng nhẩy xuống. Một chiếc xe máy cùng chiều xẹt qua. Cha tôi vẫn ngồi trên ghế lái. Bác đến bên trình bày:

- Có khi tôi phải quay lại. Đi ba người tôi không
yên tâm.

- Bác nói vớ vẩn gì thế. - Rồi cha tôi nhảy phắt xuống lấy gỗ chèn bánh xe và tắt máy

- Ông định "đào ngũ" à? Hèn thế!

- Không phải. Đi ba xúi lắm!

- Đi chơi chứ có làm gì mà xúi?

- Chú thông cảm. Tính tôi nó thế. Lúc thằng Thơm không đến tôi đã định ở lại rồi nhưng lại sợ chú bị sái. Vừa nói bác Thắng vừa nhấc chiếc ba lô ra khỏi thùng xe.

- Tôi không tài nào hiểu được các ông. Lúc sáng ông chửi thằng Thơm, bây giờ ông lại thế, có khác gì nó?

- Tôi nghĩ lại rồi. Đi ba là tôi không đi.

- Hay là bác sợ tốn kém? Đã gọi là ăn chơi thì còn bát gạo cũng nấu. Hay là bác lo vài cái sào lúa ở nhà?

- Lúa thì tôi có nhiều như nhà các chú đâu mà lo. Tôi chỉ vẩy dái một buổi là xong. Còn đồi cây mười năm nữa mới được thu, tôi lo cái gì.

- Thế thì đi chứ còn gì nữa. Chán cho các ông bỏ mẹ.

- Tôi đã nói rồi. Người ta kiêng đi ba.

Tôi ngó lên mặt cha, thịt như dầy lên, tím lại, căng như da quả bóng. Vừa có một chiếc xe mười hai chỗ chạy xuống. Bác Thắng đưa tay vẫy. Xe dừng. Cửa mở ra. Một người phụ xe nhảy xuống. Bác Thắng chào: "Thôi, cha con chú đi nhá".

- Khoan đã. - Cha tôi kéo tay bác Thắng. Người phụ xe đứng chờ.

- Không phải cứ thích đi là đi, thích về là về. Ông đừng có giở trò, không xong với tôi đâu.

- Không xong thì chú làm gì? Ăn thịt tôi chắc?

- Tóm lại là bác phải đi. Nếu về phải có lý do, không được nói dối.

- Thế chú không nghe tôi nói từ nãy à? - Bác Thắng cáu. Cha tôi nghiêm giọng: "Tôi cho bác nói lại. Đi hay không đi!".

- Không! Đi ba tôi không đi.

Cha tôi không thèm nói nữa, giật cái ba lô trên tay bác Thắng quẳng lên thùng xe.

- Đã thế tôi với bác đi. Để xem ông giở trò gì. - Cha quay sang nhìn tôi.

- Tuấn! Mày theo xe về. Sáng đi học, chiều về đi gặt với mẹ mày. May thế! Tao cho một trăm nghìn đây. - Cha đưa cho tôi tờ giấy bạc màu xanh. Tôi ngó sang
bác Thắng.

Lúc ấy mặt bác cũng xanh như tờ giấy bạc.

Lúc ấy tôi cũng giận bác.

 

Lúc ấy tôi cũng thấy thương thương.

Cha tôi ra lệnh: "Tuấn. Lên ô tô!". Rồi rút tay quay trở ra đầu máy, quay nổ. Nhân lúc tôi chưa kịp lên xe, bác Thắng vội chộp lấy ba lô leo lên, mồm rối rít: "Cho xe chạy, cho xe chạy". Bước lên xe bác nói lại với tôi: "Nói hộ bác bảo cha cháu thông cảm. Bác không thể bỏ mặc mọi người ở nhà trong lúc này được".

Đang quay máy nổ nếu buông ra lúc này maniven đánh cha tôi gẫy tay tức khắc. Máy nổ tành tành… tành tành. Cha nhìn theo chiếc xe mười hai chỗ đã chạy, ném tay quay xuống mặt đường nhựa:

- Mẹ kiếp! Đời toàn những thằng đểu. Không một đứa nào dám đểu thật. Toàn một lũ đểu giả!

Cha nhặt tay quay quăng lên thùng. Tiếng sắt thép rởn gai ốc. Tôi nhìn cha vừa phân vân vừa sợ. Mặt cha cũng đã chùng xuống. Cha nháy mắt với tôi, cố làm dịu cơn tức giận nhưng ánh mắt vẫn sắc như dao thái chuối. Hình như cha đang cười.

- Đi. Cha con mình chơi tới cùng.

Tôi giúp cha tháo chèn rồi leo lên xe. Ngồi sau lưng, mùi của cha tôi rất giống mùi da beo đóng trên tường nhà. Tôi bất giác rùng mình rồi uể oải nhìn xuống lòng vực sâu, trong người không còn chút hào hứng gì nữa. Xe tiếp tục leo dốc. Đã sắp lên đến đỉnh đèo, chuẩn bị vào cua. Con đường khuất lấp phía trước. Cha tôi cho xe cướp cua sát bên trái đường. Xe nào đi ngược chiều mà gặp xe của tôi, do che khuất tầm nhìn nếu tránh chỉ có con đường đi xuống vực. Vách đá dựng đứng. Có một đoạn sạt lở đất đá lấp đầy rãnh thoát nước, tràn cả ra mặt đường. Cha tôi đánh xe vòng ra, lượn sát vào hàng cọc tiêu, sát mép vực bên phải. Tôi níu chặt thành xe nhìn xuống dưới vực sâu thăm thẳm. Thật là nguy hiểm. Tôi bỗng nhớ tới mẹ tôi, ở nhà một mình cũng nguy hiểm không kém. Giờ này không biết mẹ đang làm gì? Có thể hôm nay mẹ đi vào bản Én tìm người cắt lúa. Mẹ tôi không biết đi xe máy. Nếu đi bộ chừng hai tiếng rưỡi đồng hồ mới tới nơi. Bây giờ tôi thấy tiếc mình không học giỏi để sau này về Hà Nội học. Tôi sẽ về quê ngoại chơi với dì Dương. Dì hơn tôi chục tuổi. Năm ngoái bà ngoại dẫn một phái đoàn lên thăm. Mẹ tôi không về thì bà ngoại lên thăm cũng được chứ sao? Lúc mẹ tôi lấy chồng, dì Dương còn nhỏ. Bây giờ nhìn dì cao, mảnh, nhẹ nhàng như nghề giáo của mình. Dì và mẹ gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bà ngoại tôi khóc quá. Suốt mấy ngày ở trên này dì hay đi chơi với tôi, quanh quẩn bên mấy vạt đồi bị dãy núi bao vây, mây mù che lấp. Dì khe khẽ thở bên tai, dì khen tôi lớn, bá vai tôi như hai người bạn rồi hỏi han tình hình học hành. Dì bảo tôi năm nay thi phổ thông trung học phải biết nỗ lực. Tôi bảo với dì: "Con học dốt lắm". Cuối cùng dì nói với tôi một câu làm tôi nhớ mãi: "Học cao học thấp, học nhiều học ít không quan trọng. Cốt học lấy một chữ làm người cho nó chắc". Dì nhìn tôi. Tôi nhìn cha. Cha nhìn lên núi. Bà ngoại
thở dài…

Xe chạy lên đến đỉnh đèo. Một quang cảnh đột ngột hiện ra khiến tôi choáng ngợp. Thật không tài nào tưởng tượng nổi, cùng một vùng mà mới chỉ qua một khúc ngoặt, khung cảnh đã hoàn toàn khác nhau. Bên kia lam nham đồi núi, mây mù u uẩn quanh năm. Bên này đẹp như thiên đường. Lúa chín vàng rực một vùng trên các thửa ruộng bậc thang trông như những lưỡi sóng liếm lên bờ cát. Xa xa núi non một màu xanh trùng trùng điệp điệp. Quanh co con đường đổ về thung lũng nhấp nhô những mái nhà cao thấp, quây quần trên một dải đồng bằng. Lòng tôi xốn xang, một cảm giác ấm áp khó tả. Tôi đứng hẳn dậy phóng hết tầm nhìn. Tây Bắc của tôi đẹp vô cùng. Cha tôi cho xe chạy rất chậm để thưởng ngoạn. Cảnh đẹp làm cha động lòng. Trong người tôi lúc ấy đâm bối rối. Tự nhiên nhớ mẹ. T 7de ầm mắt này là do mẹ tôi mở. Tôi nhớ cái xóm Chùa chỉ vẻn vẹn có ba nóc nhà. Rồi nhớ đến buổi đi chơi chú Thơm không tham gia, bác Thắng bỏ về, cha tôi suýt nữa bắt ép mọi người đi chơi bằng được. Tôi bỗng nhớ đến Nga, nhớ day dứt.
Nhớ việc Nga nhờ: "Kem Tràng Tiền có còn ngon nữa hay không!".

Xe chuẩn bị đổ đèo. Lòng tôi sôi sục. Tất cả xảy ra rất nhanh. Tự nhiên tôi thấy mình lớn hẳn.

Tôi muốn quay lại.

 

Tôi muốn về đi học.

Tôi rất ngại cha tôi.

Tôi không sợ cha đánh.

Tôi không muốn đi nữa.

Tôi thu hết can đảm hét lên:

- Cha cho con xuống đây.

Cha bất ngờ đạp phanh. Tôi nhào về đằng trước. Cha trừng trừng nhìn tôi. Tôi nghĩ đến lúc nãy cha bảo đời toàn những thằng đểu giả. Tôi biết thế nào cha tôi cũng gọi tôi là thằng đểu, mày là đồ đểu. Tôi sẵn sàng và sẽ thét to vào mặt cha hỏi xem ông là đồ đểu gì? Tôi hăng tiết đợi cha lên tiếng. Cha nhảy xuống. Chửi:

- Cút nốt con mẹ mày đi!

Tôi cút. Tôi chợt nhìn thấy mẹ mình đang bay là là duới dốc. Đi được một đoạn xa vẫn còn nghe tiếng máy nổ tành tành, tành tành.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87537


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận