Nắng Vỡ Truyện ngắn 6


Truyện ngắn 6
Đương trong mùa hoa cải

Chình chịch…cằn cặt…chình chịch…cằn cặt…

Con tàu Thống nhất lao nhanh trên đường ray. Khoang giường nằm toa số bẩy ngoài hai ông bà ngoại, hai vợ chồng tôi còn có thêm một ông khách nữa. Đây là chuyến về quê ngập niềm vui và tràn đầy hạnh phúc. Sau bẩy năm xa nhà, kể từ ngày bố con tôi có mâu thuẫn và tôi bỏ nhà đi. Vào Sài Gòn hai năm thì tôi lấy vợ. Một năm sau bé Diệu Linh ra đời. Kể từ đó bố con tôi dần tha thứ cho nhau. Gọi là vết thương cũng được. Nó đã lên da non. Gần như không ai muốn nhắc lại chuyện cũ. Trước lúc ra Bắc tôi điện thoại về làm cho cả nhà nhộn nhạo cả lên. Tôi hỏi ý kiến bố là mời ba, má vợ tôi ra thăm sui gia và ra chơi miền Bắc. Bố tôi hấp hởi bảo: "Con thay mặt gia đình, nói là bố mời ba, má con trong ấy ra chơi. Nhớ nói là bố mời". Bố tôi cứ dặn đi dặn lại mãi câu: "Nhớ nói là bố mời đấy nhá"! Lúc ấy tôi vừa vui, vừa thương bố biết chừng nào. Mấy năm nay sức khoẻ của bố tôi kém lắm, tự nhiên đổ bệnh rồi cứ đổ tội cho sốt rét Trường Sơn. Một tình cảm yêu thương, ấm áp, ăm ắp nhớ thương đầy cả khoang tàu. Biết là mọi người ngoài đó đang ngóng nhưng chuẩn bị cho một chuyến đi xa thật không đơn giản một tẹo nào, nhất là đi cả gia đình. Hai vợ chồng tôi đều làm trong một khu Công nghiệp nhưng khác nhà máy, việc xin nghỉ cùng một dịp thật khó. Ba, má trong này vui lắm, mặc dù không nói ra nhưng tôi biết ba má đang mong chờ chuyến đi này từng ngày. Sắm sanh quà bánh đủ thứ. Mua cái gì cũng phải đắn đo xem ngoài Bắc có thứ này không? Có thích không? Nhiều thứ ba mua tưởng đặc Nam Bộ, liền đem khoe với tôi. Tôi xem rồi bảo: "Ba ơi, những thứ này ngoài Bắc đầy". Ba tôi cứ lăn tăn rồi lại đi chọn thứ khác. Sắp đến ngày lên đường ba tôi bỗng trở nên tư lự. Ông bảo tôi: "Hay để mình má con ra "ngoải", ba ở lại trông nhà". Ơ hay! Chắc lại có lý do chi đây nhưng hỏi thế nào ba tôi cũng không nói. Má tôi bảo: "Tính ba con vậy đó. Ổng có chuyện day dứt mấy chục năm rồi mà mãi không bỏ qua đi được". Tôi hỏi chuyện gì thì má tôi không nói. Không biết làm thế nào bây giờ? Tôi nói: "Bố con ngoài đó cứ hối con hoài. Biết ba không ra chắc bố con buồn lắm". Lý - Vợ tôi tính tình xộn xạo thấy thế hỏi dồn một hồi: "Sao ba kỳ vậy?". Ba tôi bỏ ra ngoài vườn, tôi liền đi theo. Ba không nhìn tôi mà bảo: "Để từ từ cho ba tính". Bé Diệu Linh chạy theo ông, vừa chạy vừa hét toáng lên: "Ngoại! Ngoại ơi, ngoại không ra chơi với nội, con cũng không đi nữa, con ở nhà với ngoại". Ba bế xốc bé lên, ôm riết vào người, hai mắt ngân ngấn - "Được! Được rồi! Ngoại sẽ đi cùng với con". Ba linh hoạt và vui vẻ hẳn. Bé Diệu Linh tụt xuống, lắc lắc cánh tay ông ngoại: "Nhưng ngoại nhớ mua quà cho con nghen". Ba tôi hứa: "Bao giờ tới nhà nội con, ngoại sẽ mua". Tôi "hừm" con gái mà lòng thấy thoải mái vô cùng.

Tàu chạy một đêm. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy ba và ông khách cùng khoang đang ngồi uống cà phê. Má tôi chắc chạy đâu đó. Lý đã thức nhưng còn nằm làm biếng. Bên cạnh Diệu Linh còn ngủ. Con tàu vẫn chình chịch…cằn cặt đều đều. Tôi nằm sấp trên giường và nhìn ra cửa sổ. Nắng nhức nhối trên những vạt rừng của cao nguyên Trung bộ. Lâu lắm mới gặp được một làng quê…tôi xem một lúc rồi chán. Tiếng ông khách ngồi cùng toa đang nói chuyện với ba ở giường tầng một:

- Trước 75, tôi đã từng chiến đấu ở vùng này. Ba năm.

- Tôi cũng đã từng nhảy dù… À, mà đi qua thôi. Vùng này vẫn còn nghèo quá. Có đi mới thấy đất nước mình còn rộng dài lắm!

Lặng yên một lúc rồi ông khách hỏi:

- Anh chị đã ra Bắc lần nào chưa?

- Dạ, chưa. Đây là lần đầu đó anh!

Ông khách càng nói càng sôi nổi. Ông tỏ ra tỷ mỷ, cặn kẽ, tường tận những phong tục tập quán vùng miền. Ông chắc đi nhiều nơi, tỏ ra am hiểu cuộc sống. Ba tôi ít nói, chỉ ngồi nghe và "dạ"

- Con rể anh chị quê ở đâu vậy?

- Dạ, cháu người Hà Nôị

- Chà! Ông khách buột ra tiếng reo khẽ - Người Hà Nội khôn lắm! Vừa lịch thiệp lại vừa lọc lõi. Rồi như sợ mình tự nhiên quá sẽ làm cho ba tôi không vui, ông nói tiếp: "Đấy là tôi nói thế thôi chứ người Hà Nội hào hoa, âm tiết phát ra không lẫn vào đâu được, vừa mềm, vừa đẹp, vừa chuẩn, nhẹ nhàng và điệu đàng lắm"

Tôi suýt phì cười, con người tôi đây một hoa hào hoa cũng chả có chứ đừng nói đến lọc lõi. Tiếng nói của tôi còn ngọng bè bẹt, đâu có điệu đàng gì. Cái ông khách này lẻo mép quá! Má tôi cũng đã về phòng rồi cùng ngồi tiếp chuyện người khách dễ mến. Nằm ở giường đối diện, tôi nhìn ông ấy trạc tuổi ba tôi, tuy khuôn mặt hơi khắc khổ, chỉ có cặp mắt sắc và linh hoạt. Tôi đoán người này chắc lúc nhỏ cũng nghịch như giặc. Mọi người nói với nhau đủ chuyện làm ba má tôi vui lắm. Ông khách châm điếu thuốc rồi cất giọng đằm đằm:

- Sau giải phóng. Tôi công tác ở thành phố gần chục năm rồi chuyển ra Bắc. Đến tận bây giờ tôi vẫn thích tính thiệt thà của người Nam Bộ.

Ông khách cũng người Bắc như tôi, thật khéo nịnh nhưng tôi thấy ông ta cũng có lý đấy chứ vì nếu nói rộng lượng tôi cũng thấy người Nam Bộ có phần nhỉnh hơn. Người Bắc thường chặt chẽ, lắm ngụy biện, nhiều lo toan. Tàu chạy suốt hai đêm, một ngày. Người khách cùng khoang và ba tôi càng tỏ ra thân mật với nhau hơn. Cách Hà Nội chừng sáu chục km ông khách bảo: "Còn ít cây số nữa là đến quê tôi". Ba tôi nhìn ra cửa sổ có vẻ náo nức lắm. Những thửa ruộng bát ngát, làng xóm xanh xanh trải dài, liên tục. Ba tôi không khỏi ngỡ ngàng và cứ khen đẹp mãi, miền Bắc đẹp quá! Rồi ông khách xuống toa. Hai người bịn rịn chia tay, ba tôi xách hộ hành lý ra tận cửa, còn đứng hẹn hò, mời mọc nhau đến thăm quê cho đến khi tàu chạy.

Quê tôi thuộc ngoại thành Hà Nội. Mặc dù đã đổi tên phường tên phố nhưng người phố tôi vẫn chăn trâu bò, vẫn cấy hái, trồng rau bán cho người trong nội thành. Cứt gia súc vẫn còn nhoe nhoét đầy lối đi. Tôi không thích tên phường, tôi vẫn thích gọi là làng hơn. Nói như ông khách trên tàu thì người Hà Nội khôn lắm! Vừa lịch lãm, vừa lọc lõi. Tôi cũng coi như đây là một phát hiện mới mẻ, chứ quê tôi chất nông thôn còn đặc sền sệt. Cái thứ chất ấy thật khó mà đánh giá. Nó vừa đẹp đẽ vừa xấu xí, vừa tử tế vừa đê tiện, vừa thông tuệ vừa mê muội, vừa đạo đức vừa đểu, vừa kiêu hãnh vừa hèn hạ, vừa sáng tạo vừa phá hoại…Cái ngày cách đây bảy năm tôi không còn nhớ bắt đầu từ đâu nhưng vì chuyện học hành chểnh mảng, bố tôi nện cho tôi một trận. Mẹ tôi bênh. Bố tôi hùng hổ: "Để yên cho tôi dạy nó bài học. Cứ già đòn non lý". Không hiểu sao lúc ấy tôi ngang thế: "Ông đánh tôi cũng không sợ". Bố tôi nện tới tấp: "À, thằng này láo! Mỹ chúng tao cũng đánh cho sợ sấp mặt nữa là loại ăn bám như chúng mày". Đang học phổ thông, lúc ấy tôi 17 tuổi. Nói đến ăn bám tự nhiên tôi giận run người. Thế mới biết con người ta đòn roi không sợ bằng bị xỉ nhục. Tôi liền bảo với mẹ: "Con sẽ đi làm để khỏi mang tiếng ăn bám". Bố tôi nhổ xuống đất: "Cái ngữ mày rời đũng quần mẹ đến cứt cũng chả có mà ăn". Tôi lặng lẽ vào nhà thu dọn quần áo, mượn chiếc ba lô của bố tôi rồi tống các thứ vào. Bố tôi cười khinh bỉ: "Ba lô của tao để đựng huân chương. Đừng bỏ những thứ giẻ rách vào đấy cho xấu hổ". Tôi nhìn quanh thấy cái bao tải xác rắn liền giũ tuột hết mọi thứ vào trong ấy, xoắn xoắn miệng bao túm lại rồi cất lên vai. Mẹ tôi hốt hoảng: "Con ơi, đừng đi. Con còn đang đi học, nào đã biết làm gì" rồi quay sang bố, lúc ấy nước mắt mẹ cũng hốt hoảng văng ra: "Tôi xin ông. Con nó còn dại. Sao ông nỡ nói con như thế". Lúc đầu bị đánh tôi cũng không đau bằng câu ăn bám. Tôi đến bên chào mẹ, mẹ tôi níu lấy chiếc bao: "Con cứ ở nhà mẹ nuôi cho đi học, bao giờ học xong thì đi làm". Hình như tất cả các bà mẹ đều kiên cường như thế, bất khuất như thế để bảo vệ con mình. Càng về sau này tôi càng thấy đúng. Lúc ấy tôi đã quyết, chỉ muốn đi ngay lập tức nên nói: "Ai cũng muốn làm thầy thiên hạ thì lấy ai làm thợ nuôi thầy". Bố tôi đỏ mặt: "Bà cứ để cho nó đi. Nó đi từ ngõ vào nhà thì có".

Không ngờ tôi đi thật. Bặt vô âm tín. Hành lý chỉ mang theo một gương mặt đỏ phừng phừng, ngạo nghễ, khinh bạc và một khuôn mặt đau thương tràn trụa nước mắt. Suốt một năm trời tôi không tin tức, lăn xả vào công việc mưu sinh. Rời gia đình tôi mới 17 tuổi mà không hề nuối tiếc. Tôi ra đi cho xã hội nó "nện" còn hơn ở nhà để bố nện chắc tôi thành lưu manh mất! Chỉ có một năm, tôi học được nhiều điều từ cái trường cuộc sống đầy danh tiếng. Tôi đã bình tĩnh và già dặn lên rất nhiều. Tôi tha thứ nhưng cũng cần mọi người tha thứ. Tôi đau xót, mọi người cùng đau xót. Tôi có lầm lỡ không? Mọi người có lầm lỡ không? Trong gia phả gia đình tôi có hai anh em. Liệu không cần có tên tôi không? Trong cơn tức giận sách vở của tôi bố tôi đem đốt sạch. Bố tôi muốn xoá sạch dấu vết của tôi. Tôi muốn là tôi sau một năm xa nhà. Tôi yêu Lý. Một năm sau tôi cưới nàng, không có ai đại diện cho tôi. Bố tôi là đại sỹ diện. Bố tôi sợ bị mất mặt. Còn cái mặt tôi thì sao? Bố tôi muốn tôi đi từ ngõ vào nhà, ông sẽ tha thứ cho tôi nhưng tôi đã cao chạy xa bay làm ông tức điên lên, tôi không xin xỏ, tôi sống tốt lên, ông lại càng tức. Ngày cưới, tôi nhờ người về báo tin. Mẹ tôi bảo đi. Bố tôi không cho, bắt tôi phải về xin phép. Mẹ tôi cương quyết, bố tôi giả ốm lên bệnh viện Quân đội nằm để mẹ tôi không thể đi. Lúc này tôi cần có một gia đình xiết bao. Ôi gia đình! Gia đình! Một việc nhỏ như thế mà 7 năm sau mới đủ thời gian hàn gắn. Chỉ lúc vết thương tái phát, bố tôi yếu đi trông thấy ông mới chịu nghĩ lại nhưng vẫn quyết không nói chuyện với tôi. Tôi cứ phải thăm dò mãi, biết ông thèm con lắm rồi nhưng vẫn giả bộ coi như lập trường kiên định. Tôi không thông tin gì nữa. Mẹ tôi nhắn: "Mày giận bố mày chứ giận hết cả nhà này sao? Mày biết không, ông ấy thương con mõm cả ra rồi đấy". Nghĩ lại, tôi bắt đầu thấy thương bố. Nhớ lần đầu tiên gọi điện về nhà gặp ngay bố tôi. Ông mừng lắm nhưng vờ nói dỗi: "Sao không đi nữa đi" rồi trả vờ không thèm nghe máy: "Này, mẹ mày nói chuyện với thằng Lâm này". Mẹ như vồ lấy điện thoại rồi chỉ nói được mỗi một tiếng a lô rồi khóc nức lên, tôi ở đầu này cũng khóc. Mẹ tôi khóc mãi cũng chỉ gọi thêm được tiếng Lâm ơi rồi tôi nghe thấy tiếng bố chen vào: "Bà để cho tôi nói chuyện với con". Tôi hiểu bố tôi. Lúc này tôi không còn bé bỏng nhưng rất muốn ở bên ông. Tuổi 17 của bố tôi đẹp lắm! Tôi sinh ra trong thời bình. Bố tôi sinh trong thời loạn. Tuổi 17 rờ rỡ bố làm đơn tình nguyện đi đánh giặc hừng hực khí thế. Tự hào lắm chứ! Tuổi 17 của bố thật hào hùng, đẹp lóng lánh không một vết cá nhân, hiến dâng tất cả. Hình ảnh của bố đẹp toàn vẹn, tự hào lắm, hả hê lắm! Niềm tự hào đã nhuốm sang tôi bao năm cứ như phù sa bồi đắp và lũ anh em tôi như những cái cây cứ chén dần cái thứ phù sa ấy. Đất nước thống nhất, cha tôi trở về nhà đem theo ánh hào quang chiến thắng. Tôi thật tự hào vì có một người cha như thế. Sau này, năm nào các bác, các chú trong đơn vị cũng tụ họp ở nhà tôi, năm nào cũng kể lại cho nhau nghe những chiến công, bùi ngùi nhớ người đồng đội đã hy sinh. Năm nào cũng thế, mọi người góp tiền đánh chén một bữa, hào khí trận mạc như vẫn còn chưa tan khói súng. Năm tôi vừa sang tuổi 17, lần đầu tiên tôi được ngồi chung mâm như một người lớn. Lần đầu tiên chạm cốc. Lần đầu tiên tôi đưa cái thứ cay cay vào họng rồi ho sặc sụa. Các bác cựu chiến binh được một trận cười như phản pháo. Vô tư. Vô hại. Vui là chính.

Xuống ga, tôi thuê một chiếc tắc xi về nhà. Xe chạy từ nội thành ra ngoại thành. Ba tôi ngắm nhìn thành phố khen Hà Nội nhiều cây xanh hơn ở Sài Gòn, Hà Nội đúng là điệu đàng hơn Sài Gòn, Hà Nội đông đúc nhưng tươm tất, đi làm mà cứ như đi chơi! Không như Sài Gòn cuồn cuộn và cật lực. Xe chạy dần ra ngoại thành và bắt đầu lên đê sông Hồng. Ba thật sự bị choáng ngợp hết ngoảnh bên này lại ngoảnh bên kia cửa xe. Thấy vậy tôi bảo lái xe dừng lại cho ba tôi xuống ngắm nhìn con sông Hồng đang vào mùa nặng gánh phù sa. Những cây cầu hiện đại bắc ngang qua dòng sông ven bờ bát ngát ngô xanh. Ba tôi thật sự xúc động: "Miền Bắc đẹp quá con ơi. Đất nước mình đẹp lắm! Chắc không đâu đẹp bằng". Gió se lạnh thổi dọc triền sông, đem theo ánh nắng vàng ấm áp. Vợ tôi mặc dù sức cảm thụ không mạnh như ba tôi nhưng cũng kêu lên: "Đẹp dữ". Bé Diệu Linh hỏi: "Nhà mình ở đâu ba?" Tôi chỉ cái vệt xanh đằng trước: "Đó. Đó. Nhà mình ở chỗ kia kìa". Nó cứ tíu tít: "Ở đâu ba? Sao con không nhìn thấy?". Điện thoại trong túi tôi réo lên sùng sục, hết người nọ gọi lại đến người kia gọi xem đã về đến đâu rồi. Má tôi giục: "Anh ơi, mình đi thôi kẻo anh chị sui mong".

Đi dọc sông Hồng chừng bốn km rồi rẽ xuống đường bê tông chạy qua cánh đồng là đến làng tôi. Một biển vàng đột ngột hiện ra. Ba tôi hỏi: "Gì thế này?" - "Hoa cải đó ba" - "Trời đất"! Ba tôi kêu lên rồi vùng chạy cho tới gần hơn: "Đẹp quá! Sao lại đẹp đến cỡ này mà ba không hay". Má tôi cười: "Động phải cái túi thơ của ổng rồi". Tôi thấy vui vui. Ba tôi vui là tôi thích. Đã là người Việt Nam, ai mà chả có túi thơ! Bố tôi cũng làm thơ, cái "túi thơ" của bố tôi cũng có vài bài toàn súng ống đạn dược rất hiên ngang. Thơ của tôi ít hơn nhưng sặc mùi tiền. Mấy năm nay làng tôi bỗng trở nên phát tài nhờ vào dịch vụ trồng hoa cải. Hoa của một loài rau ăn. Giản dị chỉ là hoa rau. Không sang trọng. Không đài các. Mộc mạc thế thôi mà sao có sức quyến rũ đến thế. Có lẽ cái chất đồng quê làm cho mê hồn. Đứng ở đây người sang không sợ chê là hèn, người hèn không sợ đánh giá là học làm dáng. Cũng mộc mạc như nhau, quấn vào với nhau, chiêm ngưỡng nhau, tự nhận thấy nó đẹp chứ không khen leo như một số những loài hoa khác. Cả một cánh đồng chia ô chia thửa, nắng rực rỡ trên cánh đồng cải hoa vàng, mỏng manh, bây bẩy trong gió bắc. Ba tôi dừng bước, gần như đang nói với chính mình: "Hiểu rồi. Tại sao bài thơ ấy lại hay đến thế!". Rồi ông đọc mấy câu trong bài thơ Đương trong mùa hoa cải. Ba tôi đã từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn, ba tôi yêu thơ và mê thơ lắm. Thơ của ba chìm và lắng sâu là thơ âm, thơ của bố tôi ồn ào, quấy đảo là thơ dương. Tất nhiên thơ của ba tôi trầm buồn hay hơn thứ thơ hợp tác xã của bố tôi. Hai dòng thơ này đọc lên tôi cho là lạc loài cả. Nghe ba phân tích thơ tôi cũng thấy lòng mình như mở ra. Nhưng nhìn những người nông dân quê tôi đang quanh quẩn chăm sóc bên luống cải, vuốt ve những thân cây gẫy dập trước những bàn chân của nam thanh nữ tú quần thảo trên luống cải để hớt lấy cái đẹp tôi bỗng ước cho giá dịch vụ cho thuê chụp ảnh năm nay được nâng lên 30.000 đồng/ lượt người. Thế mới đẹp!

Ba tôi cầm một cây cải hoa vàng bị nhổ vứt bên vệ đường, ông ngắm nó một lúc lâu rồi thở dài: "Rốt cuộc, cải chỉ đẹp ở trong cánh đồng cải mà thôi".

Chúng tôi về đến nhà. Một quang cảnh nhộn nhịp khiến tôi cũng phải bất ngờ. Má tôi khẽ hỏi hơi run: "Nhà có đám hở con?". Tôi phải vào tít trong nhà, nhận ra rất nhiều người trong gia đình, rất nhiều các bác trong hội đồng ngũ với bố tôi. Một cái phông màu đỏ, một dòng chữ bằng xốp trắng "Lễ gặp mặt những người đồng đội", bên dưới là ngày, tháng, năm nhập ngũ - ngày, tháng, năm tổ chức. Tôi hãnh diện giới thiệu: "Thưa ba, thưa má. Hôm nay ở nhà con diễn ra buổi gặp mặt của những người đồng ngũ. Mỗi năm một lần. Để mừng ba má ra chơi nên bố con tổ chức đúng ngày hôm nay để chào mừng đấy ạ". Bố tôi, mẹ tôi, em tôi, chú tôi, bà ngoại tôi, các đồng chí của bố tôi ào ra tíu tít, ồn ã. Tôi giới thiệu: "Đây là ba má của con, Đây là Lý vợ con, còn đây là Diệu linh con gái của con" và giới thiệu ngược lại cho ba má tôi hay. Bố tôi ôm lấy ba tôi. Cảm động lắm. Buông nhau ra vẫn còn bắt tay rất chặt. Ba tôi hỏi:


"Anh sui khoẻ không? Nhìn thấy anh chị khoẻ mạnh tôi mừng lắm?"

- Cảm ơn anh sui, tôi khoẻ re! rồi dang hai tay ra để biểu diễn sức mạnh. Ba tôi bắt tay những người xung quanh. Rộn ấm tiếng cười. Hạnh phúc tuyệt vời!

Trong điện thoại bố tôi không nói với tôi chuyện này. Suốt bảy năm qua tôi cũng không được dự không khí hào hùng của những buổi gặp mặt những người đồng ngũ với bố tôi. Tôi đoán ông sẽ dành sự bất ngờ, sự long trọng để đón gia đình sui gia. Tôi vui lắm và lại càng tự hào hơn vì có một người cựu chiến binh Việt Nam. Bẩy năm xa nhà giờ tôi lại như một đứa trẻ lúc 17 tuổi tự nhiên và hồn nhiên. 24 tuổi đầu tôi đã có một gia đình, trẻ quá phải không? Tôi đã bước vào đời một cách sớm sủa. Ý thức về một gia đình đã bén rễ bắt vào cuộc sống. Tôi đã trở nên vững vàng ở tuổi 24. Tuổi 24 của bố tôi ngày đó vẫn còn đang vẫy vùng nơi sa trường, đi qua biết bao chiến thắng. Tuổi 24 của mẹ vẫn còn đang đợi chờ bố tôi bên những luống cải và còn phải chờ thêm bốn năm nữa. Mẹ tôi trồng không biết bao nhiêu là cải. Cải đã không biết bao nhiêu lần ra hoa? Tôi biết tuổi 24 của tôi không bằng được với bố tôi. Tuổi của bố tôi hào hùng thế cơ mà. Có lẽ suốt đời này tôi không trả được nợ phù sa. Tôi muốn, tôi muốn! Tôi muốn làm một cái gì đó thật phi thường để thoát ra khỏi cái bóng của bố. Bố tôi bao giờ cũng đúng, cả cái làng tôi cũng thế, cũng đúng! Cho dù tôi có đúng vẫn trở thành sai. Cả làng tôi sai là thành đúng. Khổ lắm!

Đã bắt đầu đến mục đánh chén. Ba má tôi. Bố mẹ tôi. Vợ chồng tôi ngồi cùng một mâm. Ấm áp và hạnh phúc. Ba má tôi thật sự cảm kích trước tấm lòng của mọi người, sướng đến mụ mị cả người, ông cứ ngượng nghịu không biết nói gì, cứ "cảm ơn" người này xong thì người kia lại đến chúc mừng, lại đứng dậy "cảm ơn", cứ đứng lên ngồi xuống mãi không dứt. Cũng may là mọi người không để ý đến chén rượu của ba tôi hãy còn đầy nguyên. Hơn một chục mâm cỗ bắt đầu rầm rộ khai hoả, tiếng đụng bát, tiếng chạm cốc canh cách như lên quy lát. Rượu ê hề. Rượu tràn trề. Ai đến chúc mừng cũng nghĩ người Nam Bộ rượu uống thay nước, ước tính mỗi một lượt như thế ba tôi phải xài hết cả can. Tôi biết ở nhà ba không bao giờ uống rượu, chỉ nghiền cà phê. Thấy vậy tôi nói đỡ: "Ba con không biết uống rượu". Một bác ở xã bên tên là Lung chơi rất thân với bố tôi, tửu lượng của bác không phải vừa, cứ ngần nào hết ngần ấy! Bác bảo: "Không biết uống là tội nhỏ, cản trở người khác là tội lớn đấy con. Phạt mày một chén!". Tôi uống rượu phạt. Cứ tưởng thế là xong nhưng bác vẫn giảng giải: "Mày cứ phải để cho bố vợ mày vui chung với các bác chứ. Nam - Bắc vui chung một nhà. Không mấy khi có cuộc hội ngộ đặc biệt thế này. Uống rượu đã là cái gì". Ba tôi lúng túng không biết chối từ làm sao, càng không thể thanh minh cuối cùng cũng phải gượng uống một chén. Uống chén này tất phải uống chén khác, uống với người này mà không uống với người kia là bất kính, sẽ bị giận, sẽ mất vui. Rượu là thế! Nghe người ta bảo phát minh vĩ đại nhất của loài người là tìm ra tiền với rượu. Cả hai thứ đó tôi thấy văn minh nhất song cũng đê tiện nhất. Chỉ khổ cho ba tôi mặt thì đỏ, mắt mũi bị rượu xông cho chảy cả nước. Cuối cùng ai đến chúc, tôi xin được phép uống thay ba. Tôi uống bừa, nói bừa: "Ở Sài Gòn, lượng rượu cháu uống đủ chết đuối cả cái làng này". Thế là mọi "hoả lực" cáu tiết tập trung vào tôi, bắn như "vãi đạn". Ấy thế mà nhiều bác chỉ ăn vài "viên đạn" đã "hy sinh ngay tại trận địa". Nhìn các bác "chớ" ra như bơm nước, tôi nghĩ thế mới là con người. Tôi càng uống càng hăng, ai chúc tôi chấp hết. Bố tôi há hốc mồm ngạc nhiên. Ba tôi đã được giải vây. 17 tuổi tôi đã làm quen với rượu, ở đây, chỗ này, với các bác đây. Một trong cái cổng vào của sự sống là cái mồm. Cái cổng này tốn kém, xa xỉ, vô lối và hung dữ. Mọi thứ năng lượng được đưa qua thực quản chỉ có rượu là hấp thụ nhanh nhất và cũng nhanh tủi nhục nhất. Rượu là thứ dẫn tốt, từ lịch lãm đến be bét, từ vui đến buồn, từ rộng lượng biến thành ti tiện, từ hiền lành biến thành quỷ sứ…. Rượu cũng là thứ ma tuý hạ đẳng. Khi bị phê rượu thật chẳng còn gì để mà nói. Tôi đang phê. Trong cơn phê tôi còn nhận ra mọi người to tiếng với nhau, bới móc nhau từ cả những việc bỉ ổi, mất nết. Bác Lung cười: "Vui quá nhỉ" rồi đứng dậy sang bàn bên cạnh vỗ vai chú Luân: "Chú còn nhớ cái trận đánh ở Đồng Xoài không?" - "Dạ. Em còn nhớ chứ. Quên cái gì thì quên, nhưng cái đó quên làm sao được" Rồi chú ấy khật khừ nói với người bên cạnh: "Tôi được thưởng cái huân chương ở trận đánh ấy đấy. Chà! Trận ấy choảng nhau với tiểu đoàn dù số 3 của Nguỵ. Bọn ấy đánh cũng ra trò". Bác Lung tiếp: "Ông phải chia cái tiền huân chương cho ông Lẫm với đấy". Chú Luân cười khà khà rồi rót đầy chén rượu, lâng khâng đến đứng bên cạnh bố tôi: "Anh Lẫm à, suốt đời này em phải biết ơn anh. Hôm ấy không có anh, em bị hai thằng Ngụy nó thịt rồi". Bố tôi nói chuyện cho ba tôi nghe: "Cái trận ấy ác liệt quá anh sui ạ. Đánh giáp lá cà. Tôi đang vận động thì nhìn thấy hai thằng lính dù đánh ngã chú Luân xuống đống gạch vụn. Đúng là hôm ấy không có tôi đến kịp thì chú ấy đi toong rồi. Cứu được chú ấy, tôi cũng bị xơi một nhát dao vào bụng đây" Rồi bố tôi vén áo, chỉ vào một vết sẹo dài ở sườn phía trái: "Đây này". Ba tôi bỗng nhiên thất sắc, xỉu xuống như người tụt huyết áp. Mọi người bảo bố tôi khoe làm gì cái vết thương xấu xí. Tôi không còn đủ sức để ngồi nghe bố tôi và các bác nói chuyện chiến tranh. Tôi đổ gục xuống bàn trong lòng vẫn còn rạo rực niềm tự hào. Vui lắm!

 

*

 

- Dậy! Dậy. Lâm ơi! - Dậy đi con! - Tôi nghe tiếng mẹ lay gọi khẩn thiết. Tôi mở mắt ra nhưng vẫn chưa tỉnh hẳn.

- Dậy nhanh lên con. Dậy đi tìm ba má con. Mau! Không biết họ đi đâu nữa?

 

 Nghe đến thế là tôi tỉnh hẳn như không hề uống rượu. Ngoài sân mọi người đã về hết. Bữa tiệc đã tan, cuộc vui đã tàn. Tôi hốt hoảng hỏi:

- Ba má con thì đi đâu được chứ? Có khi chỉ chạy quanh đây thôi.

- Không có! Mẹ đã sang nhà bà ngoại, nhà chú con, sang các nhà hàng xóm xung quanh mà không thấy đâu. Tôi hỏi Lý: "Ba má đi đâu có nói với em không?" - "Đâu có, ba má làm chuyện gì kỳ vậy". Bố tôi đang đứng ở góc sân điện thoại hỏi xem có bác nào mời ba má thằng Lâm lại nhà chơi không. Họ còn đùa lại: "Thông gia để lạc mất sui gia rồi à?"

Bé Diệu Linh bỗng nói: "Ba ơi! Ngoại đi mua quà cho con đấy!" Tôi như sực nhớ ra điều gì. Hốt hoảng giục: "Ra ga ngay". Tôi nhớ có lần về thăm ba, má dưới quê, hình như hôm ấy 27/7 thì phải. Ngó ba buồn thiu. Má tôi bảo năm nào ổng chả vậy. Má thì thầm với tôi chuyện ngày xưa, đã lâu lắm rồi ba lỡ đâm phải một người. Hàng năm cứ đến ngày này ba con lại buồn, cả ngày không nói một câu". Tôi cười thật lớn: "Tưởng gì. Bây giờ người ta đâm mười nhát còn chẳng thấy buồn nữa là. Thôi quên đi ba". Nhưng ba lại không quên.
Tôi biết người như ba nhạy cảm, yếu mềm và rất dễ
tổn thương.

Chúng tôi đến ga vừa lúc có một chuyến tàu Thống nhất rời bến. Tôi lao đến phòng bán vé hỏi thăm. Họ nói thấy có hai vợ chồng người miền Nam vừa mới mua vé trước khi tàu chạy. Trông họ vội lắm!

Bố tôi cứ vò đầu bứt tai: "Không biết tôi có làm điều gì phật ý anh sui không?". Mẹ tôi thì càng sốt ruột hơn: "Hai người lần đầu ra Bắc đâu có thông tỏ đường đất". Lý tỏ ra rất giận dữ, cứ luôn mồm cảu nhảu: "Ba má làm cái gì kỳ vậy?". Chỉ có tôi là hiểu. Đã bao nhiêu năm nay cũng có biết gì đâu. Tôi buồn. Tôi biết vì sao ba má tôi bỏ về mà không một 9e4 lời từ biệt.Vết thương đã lên da mà không quên. Tôi biết rồi nhưng chẳng nói đâu. Nếu nói được cũng chả biết nói sao, giấu biệt trong lòng. Tôi sẽ cố quên đi. Quên đi như cái chuyện của bố con tôi. Coi như nó đã từng không xảy ra. Nhắc lại làm gì. Chỉ là sự vô tình thôi, nhưng xót ba lắm, ba ơi! Tôi biết sau chuyến đi này trở về Lý sẽ giận ba má đến kỳ cùng. Chẳng ai nói cho cô ấy biết đâu. Ba ơi, Hà Nội điệu đàng lắm phải không ba? Ba ra Bắc đương trong mùa hoa cải. Hoa cải đẹp lắm phải không ba? Con tàu lao nhanh rồi mất hút để lại những âm thanh từng tiếng chình chịch…
cằn cặt…chình chịch.

Chúng tôi uể oải ra về. Mọi người im lìm. Ai cũng mải theo những suy nghĩ của mình. Chỉ có bé Diệu Linh là hồn nhiên cứ khăng khăng bảo ngoại đi mua quà cho con. Lý ngồi tựa vào cửa xe, đôi mày nhíu lại. Nếu có nói, chắc chỉ vẫn một câu "sao kỳ vậy?". Bố mẹ tôi liệu đoán ra sự tình? Tôi nghe bố nói nhỏ vào tai mẹ: "Là lính, ai chả nhớ thương đồng đội của mình". Xe bắt đầu chạy về làng. Bỗng nhiên bé Diệu Linh hét lên:

- Nội ơi! Ngoại con kìa!

Trong biển vàng hoa cải. Ba tôi đuổi theo những cánh hoa. Má đang ôm một bó hoa cải. Lý nhìn ba má rạng ngời sung sướng. Bố mẹ tôi cuống quýt mở cửa xe vừa kêu: "Ôi, anh sui nhà tôi". Bé Diệu Linh tung tăng hết cỡ:

- Đấy! Con đã bảo mà. Chả ai tin con cả!

Tôi nhìn con gái tung tăng chạy trên đồng hoa cải. Trong trường hợp này, chỉ có trẻ con là đúng. Tôi muốn cười, muốn khóc. Những người lớn còn chứa chất biết bao hoài niệm. Tôi như mê đi, người rung lên khi nhìn bố mẹ cùng nhau hái hoa cải. Ba ơi, khi khơi nguồn cho thi ca chảy vào cuộc đời này, thì người ta sẽ thấy cải chỉ đẹp trong cánh đồng cải. Phải thế không ba?

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87831


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận