Nắng Vỡ Truyện ngắn 8


Truyện ngắn 8
Riêu cua
Anh Lực đặt gói cua xuống nói với vợ:

 - Cua hôm nay lên ba nghìn đồng một cân.

 Chị Cật đang dỡ chồng bàn ăn bằng nhựa, liền ngoảnh ra:

 - Cái đ... gì cũng lên! Sao ông không bảo vào cái mặt chúng nó, muốn lên xuống gì cũng phải từ từ chứ!

 - Mẹ mày nói dở. Xăng lên thì cua nó cũng lên!

 - Ông thì biết cái gì? Một chai xì dầu vừa mới tăng mất mấy nghìn bạc. Giờ lại đến cua! Mà bún nhà mình có bán hơn được đâu. - Chị Cật dồn nỗi bực dọc vào mấy cái ghế. Chồng ghế bằng nhựa ăn khay chặt năng nắc. Chị đẩy ngửa chúng ra, dùng hai tay nâng chồng ghế lên rồi đập xuống nền quán. Xếp ghế nhựa tách ra làm hai như sắt đôi khúc cá. Gì thì gì, doanh thu của chị hôm nay chi phí cũng đội lên mất bốn nghìn rưỡi. Thế còn buôn bán cái nỗi gì? Anh Lực đến bên bảo: "Để tôi". Chị Cật quay ra bê cái bếp than tổ ong ra ngoài chuẩn bị nhóm.

 

Anh Lực, tay trái nâng xấp ghế, tay phải dứt phừn phựt từng chiếc ra khỏi chồng như nhổ gai. Xong. Đoạn quay ra ôm hai cái mành cuộn tròn trông như hai cuộn vải thâm, treo lên, tháo cái móc. Hai cái mành sổ xuống giống như một cái phông chiếu phim, nổi lên hai chữ "RIÊU CUA" bằng sơn trắng.

 Ở phía đầu quán, chị Cật bẻ mấy cái que, vo viên tờ giấy, châm lửa bỏ lên ghi lò, rồi bốc nắm than hoa cho lên. Chị lấy chiếc quạt nan rách lua tua quạt phành phạch vào cửa lò. Khói bạt đi, lửa bùng lên, cháy lem lém vào những viên than. Chờ cho những viên than hoa cháy hồng chị mới đặt viên than tổ ong lên trên rồi quay miệng cửa lò về phía nam. Lúc này gió nồm đang thổi hồng hộc từ phía sông Nhuệ hắt lên. Nếu tính cả cái bếp than tổ ong của chị Cật thì giờ này có ba cái lò than đang hoạt động trên cùng một trục đường. Ở phía chính đông có cái ống khói của nhà máy rác thải y tế đang ung dung nhả cột khói đen, đặc sánh như đốt nhựa đường. Phía đằng tây, nhà máy gạch đang đùn giật cục từng tảng khói trắng đục như nấm bom nguyên tử. Còn ở giữa, là cái lò than tổ ong của chị Cật cũng đang nhả những sợi khói mỏng tang như đốt vong.

 Chừng nửa buổi, mọi thứ chuẩn bị đã xong. Chị Cật lấy cua ra xé trong khi anh Lực mang đoạn thân cây chuối hột ra thái, xong việc anh bê ra chỗ chị rồi vào cầm cái cối đá ra để giã cua. Trời vào hè xanh trong ngằn ngặt, cột khói từ lò xử lý rác thải y tế như chiếc vòi rồng đen sì xua mặt trời lên cao. Anh Lực giục chị nhanh lên. Chị Cật mang cua ra cho anh rồi quay vào nhặt rau. Anh Lực bốc một nắm cua cho vào cối đá, bàn tay trái be trên miệng, tay phải vung chiếc chày bằng gỗ nghiến giã như giã giò. Những tiếng chí chát, cành cạch vang lên.

 Ngoài đường có ba chiếc xe đạp xòng xọc lao vào quán. Anh Cật ngẩng mặt lên nhìn thấy thằng Kiến, thằng Sâu và thằng Jun, liền cất tiếng hỏi: "Chúng mày không đi làm à?".

 Thằng Sâu dựng chiếc xe vào cột trước cửa, trả lời: "Có c... việc đâu mà làm". Tiếng anh Lực: "Dắt xe ra đầu quán mà dựng". Thằng Kiến và thằng Jun vén mành bước vào trong, rồi tự nhiên kéo ghế ra ngồi, thằng Jun nói với ra: "Mấy thằng thầu trong khu công nghiệp chắc lại giở trò, rõ ràng có việc mà nó không chịu thuê mình làm". Thằng Kiến bê một chiếc bàn đặt vào chỗ trống nói với anh Lực: "Thời buổi bây giờ mà vẫn còn ngồi dạng háng ra giã cua…". Anh Lực đã giã xong mẻ thứ hai, xúc nốt chỗ cua vào chiếc xoong nhôm, trả lời: "Con mụ nhà tao quyết không cho xay, cứ bắt tao phải giã". Chị Cật đứng liền sau lưng: "Nói cái gì đấy! Cả ngày được mấy cân bún, không làm cho nó ngon ngon, chó nó ăn!" Chị quay ra chỗ ba người: "Mấy thằng ông mãnh, không có việc thì về! Tụ bạ ở đây làm gì?". Thằng Jun cười toe toét: "Bọn em đi qua hút nhờ điếu thuốc lào". Chị Cật giục: "Hút xong thì về luôn đi". Thằng Kiến trình bày: "Chị bảo chúng em về, xem nhà chị xem có việc không? Trước đây bảo có mấy sào ruộng thì đã đành. Bây giờ bán hết, đến xin đi phu hồ còn chả xong nữa là…". Rồi nó rợn rợn cái mặt lên nhìn chị…

 Cả ba thằng xúm lại cười. Thằng Sâu đế thêm: "Em tính hay là đào cái sân gạch nhà em lên mà đóng mộ?". Rồi chúng lại nhăn nhở cười với nhau một trận. Chị Cật nghiêm mặt: "Không tán tỉnh lăng nhăng, nhà quê thì thiếu gì việc, lười thì có". Nói xong chị bê xoong cua đi lọc.

Ba thằng đưa mắt nhìn nhau, thằng Jun rút trong người ra cỗ bài. Anh Lực rửa tay xong cũng sán lại, rót cho mỗi thằng một chén nước chè hãm trong cái giành tích, hỏi: "Hôm nay chơi gì?". Cả ba đứa lặng thinh, thằng Kiến xáo bài xong chia làm ba cửa, vừa chia vừa nói: "Anh Lực nhịn không chị lại đuổi tất về thì hết".  Anh Lực đứng sau lưng thằng Sâu. Nó bốc hai con bài được một con Ngũ và một con Lục, nhấc con bài thứ ba, nó úp mặt vào hai con đầu tiên, rồi dùng hai ngón tay "nặn" từ từ. Thằng Kiến xướng: "Thất". Thằng Jun hô: "Cửu". Thằng Sâu "nặn" được con Bát hoa liền hạ bài thì thằng Jun hô: "Cửu sừng - đớp!". Hai thằng kia đưa tay vào túi móc ra mỗi đứa một nghìn ném lên bàn. Thằng Jun lấy cái chén uống nước đè lên số vốn đầu tiên.

Ở góc quán đằng kia nồi riêu của chị Cật đã lục bục sôi, quay lại thấy anh Lực đứng chầu rìa, chị nguýt cho một cái, gọi: "Ông cho tôi siêu nước, đứng đấy làm gì?". Anh Lực đi ngay, rót siêu nước xong đặt xuống cạnh bếp lại định quay đi thì bị chị Cật giật lại: "Ông cứ đứng đấy phụ với tôi". Anh Lực ngồi xuống ghế, liếc mắt nhìn ba đứa đánh bài. Anh cứ ngồi bắt chéo chân chờ chị sai. Chị Cật ý chừng biết chồng từ lâu muốn theo cánh đàn ông trong làng đi làm linh tinh vừa được tự do, vừa đỡ bị vợ hãm. Nhưng cái giống bán hàng ăn thì chẳng ai bán được một mình. Nếu chị bán ngày được mươi cân, không khéo lại phải mượn thêm một người phụ việc nữa. Từ ngày hết ruộng, chơi nhăng nhít gần một năm trời. Dần dần mới có công ty may đầu tiên hoạt động. Chị bám vào đấy, thế là quán riêu cua mở ra bán sáng. Nhưng đám công nhân con cái nông dân mấy làng quanh đấy, mấy trăm bạc lương một tháng dù chị có vừa bán vừa cho cũng đố đứa nào dám ăn, thành ra quán ăn sáng của chị đẩy xuống thành ăn trưa, lõng mấy đứa nhà xa không về được. Thỉnh thoảng cũng bán được mươi bát cho khách vãng lai hoặc cánh lái xe đến chờ lấy hàng. Thôi thì ngày ế, ngày đắt cũng giúp chị thu xếp được cuộc sống, nước riêu khách ăn thừa mang về chăn nuôi phụ thêm vào cũng có cái cho hai đứa con ăn học. Nồi riêu cua đã sôi, hơi nước bốc lên ngùn ngụt. Chị Cật lấy cái lót tay ghệch nắp xoong gang sang một bên, giơ tay đỡ chiếc rổ lọc mẻ do anh Lực đưa. Trông anh giống y chang như một hộ lý đứng phụ mổ. Chị dấn chiếc rổ lọc mẻ vào xoong rồi dùng đũa ngoáy vữa ra. Nồi riêu cua ở giữa sôi cuộn lên ùng ục, đẩy đám gạch cua đóng bánh ra xung quanh vành xoong như nham thạch bám trên miệng núi lửa. Đánh mẻ xong chị cho hành tươi với rau mùi tàu thái nhỏ vào nồi, đóng bớt cửa lò. Nước cua kết hợp với nước mẻ tạo thành mùi riêu thơm nực khắp mái quán thấp tè tè. Mấy đứa đánh bài ngửi thấy mùi riêu cứ nhấp nha, nhấp nhổm, thuốc lào chuyền tay rít liên tục. Thằng Jun lúc đầu đỏ thế giờ đã hết nhẵn số tiền lẻ, liền đưa tờ mười nghìn đồng ra. Thằng Sâu đến vận nhưng không đủ tiền trả lại mới bảo ra chị Cật mà đổi. Thằng Jun chạy lại chỗ nồi riêu khen ngon nhưng liền bị chị Cật vỗ ngay vào mặt: "Đừng có nịnh đầm, tao không có tiền lẻ đâu mà đổi cho lũ chúng mày". Thằng Jun quay về chỗ, tay với cái điếu bảo không chơi nữa. Thằng Sâu hỏi: "Ăn non à?". Nó bảo: "Quay sang trò khác đi". Thằng Kiến gợi: "Bây giờ đánh đít xe". Ô tô hai nghìn, xe máy một nghìn. Thằng Jun thu dọn cỗ bài cho vào túi áo rồi quay ra cửa ngóng. Đằng xa có một chiếc xe con chạy lại. Thằng Jun kết lẻ, hai đứa kia đánh chẵn. Anh Lực cũng đứng dậy nhìn ra phía tấm mành được thằng Kiến vén lên. Chiếc xe êm êm lướt qua. Ba đứa dán mắt vào biển số đeo phía trước. Thằng Jun hô: "Lẻ - đớp!". Hai đứa kia vừa xuýt xoa vừa móc tiền ra trả. Anh Lực đứng xem một lúc rồi quay vào. Chị Cật đã xong phần nước riêu, chị cùng anh khiêng sang chiếc kiềng bên cạnh rồi lại đặt một cái xoong nhỡ lên trên bếp lửa. Chị cẩn thận rót dầu ra một cái muôi lớn rồi múc, chờ mỡ sôi già, chị lấy bát hành khô thái phay đổ vào. Mùi hành cháy đã bắt đầu thơm rộn lên, chị đỡ bát màu cua từ tay anh Lực đổ vào. Một tiếng "xèo" thật lớn, một quầng lửa hình nấm trùm từ bếp lên cháy trên miệng xoong trông như bom napan. Một mùi ngậy thơm dậy trời đất, đánh thức tất cả lục phủ ngũ tạng, cái mùi thơm của cái chất đồng quê khiến cho hồn xiêu phách lạc, khiến cho ba thằng đang đánh chẵn lẻ ngoảnh hết cổ lại, ba cái cựa gà trên cổ đưa lên đưa xuống như pít tông. Thằng Jun kêu toáng lên:

- Ác bỏ mẹ! Giờ này đem tống cái mùi ấy vào mũi, thôi về! - Nói rồi nó là người ra trước tiên. Chị Cật mời:

- Về làm gì vội, mỗi đứa mở hàng cho tao một bát. Thằng Sâu vừa dắt xe vừa trả lời:

- Ăn cho bà để chúng tôi bán nhà à?

Anh Lực nhìn theo ba chiếc xe đạp chằng ba cái thước nhôm dọc khung. Trông ba thằng vặn vẹo đạp xe như ba hình nhân, anh Lực chép miệng rồi ngồi xuống ghế nhìn chị Cật dỡ bún ra cái thúng. Những sợi bún trắng bóng, mềm và dai như dây cao su. Anh đứng dậy bốc rau thơm ra từng rổ nhựa nhỏ. Chị Cật xong xuôi hết mọi việc, vén mành bước ra đường. Lúc này mặt trời đã lên gần đỉnh đầu, chị nhìn về phía cổng nhà máy. Bóng chú bảo vệ bước từ bốt gác xuống, nhấc cái barie cho một chiếc xe chạy ra rồi lại đóng xuống. Chị nhẩm: "Quái, hôm nay sao tầm tan muộn thế?". Một chiếc xe tải nhẹ chạy qua chỗ chị đứng, chị đọc: Công ty Thiên - Địa - Nhân. Chiếc xe tránh nhau rồi chạy vào cổng. Chị bỗng linh tính thấy có điều gì đấy, trong người nôn nao, khó tả. Chị đi vào, lại đến lượt anh Lực ra, mắt liếc nhìn đồng hồ tay rồi nhìn theo những người đi làm trưa về, rẽ ngay con đường vào làng. Anh lững thững vào trong quán bốc một quả sung muối bỏ vào miệng.

 

*

 

Đám khói từ nhà máy gạch câu mặt trời ra khỏi đỉnh đầu. Có hai người khách đi vào quán. Đó là một anh xe ôm và một ông già. Ông cụ tuổi ngoài 70, tóc dài và mềm như tóc con gái. Hàng ria con kiến xén tỉa rất đẹp. Cả râu, tóc đều bạc như cước nên nhìn ông lão vừa giống tiên, lại vừa giống nghệ sĩ. Ông lão xuống xe, vào quán gọi hai bát bún riêu. Ông vẫy anh xe ôm, bảo: Ta ăn xong rồi hẵng đi. Lúc ngồi xuống ghế, ông lẩm bẩm: Quái, sao vùng này mặt trời như lặn ở đằng đông? Anh xe ôm giải thích:

- Ngày trước có con đường đi từ hướng tây lại, giờ nhà nước mở con đường mới, hướng đi ngược lại nên ông mới có cảm giác thế thôi.

- Ngày trước tôi cũng qua lại vùng này nhiều. Ở chỗ kia... Tay ông lão chỉ về phía nhà máy gạch - Là cánh đồng rất lớn!

 

Anh xe ôm bảo: - Ông nhớ nhầm rồi. Cánh đồng ngày trước nằm ở chỗ có cái ống khói của cái lò đun thịt người đằng kia kìa. - Vừa nói vừa chỉ tay về hướng đông.

Anh Lực lấy tay đập vào vai anh xe ôm nhắc: - Lò xử lý rác thải y tế! Anh này cố cãi: Thì tôi thấy chân tay cưa cắt, nội tạng phế đều cho vào lò đun cùng với bông gạc... còn gì? Ông cụ đưa mắt nhìn anh xe ôm, vẻ khinh thị. Chị Cật múc hai bát bún riêu đưa lên. Mùi riêu cua nóng hôi hổi, ngào ngạt. Ông cụ hai tay bưng bát bún lên miệng mà húp rồi khen: Chậc, chậc, ngon quá!

Chị Cật ngồi cạnh bếp nhìn hai người khách ăn, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn về hướng nhà máy. Mọi hôm vào giờ này quán chị tíu tít, lũ công nhân kéo ra ăn, cười nói ồn ào, còn anh Lực thì chỉ được đi trên năm đầu ngón chân. Chị nhìn thúng bún rồi lo lắng, thở dài. Anh Lực cũng tỏ ra không kém, lại gần chị, hỏi: Sao hôm nay không thấy đứa nào ra ăn nhỉ? Chị vặc: Ông vào trong ấy mà hỏi. Anh Lực chẳng chia sẻ được gì liền quay ra rót nước mời hai ông khách vừa mới ăn xong. Ông khách trông nửa như tiên, nửa như nghệ sĩ cứ tấm tắc khen ngon mãi, ông mô tả bún ở đây giống như bún riêu cua ăn bằng bát tàu ngày trước. Anh xe giục đi vì anh còn muốn làm cuốc nữa. Ông lão hỏi hết bao nhiêu? Anh Lực tính: Sáu ngàn hai bát. Ông trợn mắt ngạc nhiên: Ở Pari, một bát bún riêu chất lượng không được như thế này, chỉ có bát to hơn thôi mà giá ba trăm đô một bát. Anh Lực nhận tiền rồi cười: Đây có ba nghìn cũng chẳng có người ăn. Ông lão vừa lắc đầu vừa đi ra:

- Thật tiếc cho một món ẩm thực Việt Nam. So với phở nó vừa lành, dân dã, rẻ tiền mà độc đáo. Chết tiệt! Chết tiệt!

Trước khi xe chạy, ông lại còn đảo mắt nhìn lên bầu trời, tự vấn:

- Tôi vẫn cứ thắc mắc, mặt trời ở đây hình như mọc giật lùi.

Chị Cật từ trong đi ra bực mình vì những thắc mắc dở hơi. Kệ xác mặt trời muốn mọc ở đâu thì mọc, muốn lặn ở đâu thì lặn, cũng chả liên quan gì đến thúng bún vẫn còn đầy của chị. Chị nửa muốn vào công ty hỏi thăm tình hình, nửa ngại ngần. Thấy vậy, anh Lực xung phong: Mẹ mày trông hàng để tôi vào hỏi chú bảo vệ xem sao? Lúc anh Lực trở về mặt khó đăm đăm. Chị Cật toan hỏi thì thấy thằng Bọi người trong xã dẫn theo một thanh niên bước vào:

- Chị cho em một ấm chè?

- Chị không bán chè ấm, chỉ có nước chè pha


sẵn thôi.

- Cũng được.

Hai đứa ngồi xuống ghế móc thuốc lá ra hút. Anh Lực bồn chồn ngồi xuống cạnh thằng Bọi, đưa mắt liếc nhìn chị Cật. Anh vừa nhận được tin chẳng lành nhưng cũng không dám tâu với vợ ngay. Thằng Bọi đưa tay sờ vào háng anh Lực, bị anh hất tay ra, cáu: Đùa vớ vẩn. Hai thằng trời đánh cười khằng khặc văng cả đờm ra ngoài. Thanh niên tên là Mọt hỏi thằng Bọi:

- Dạo này công việc thế nào?

- Ế lắm! Đám thanh niên ở vùng này vét sạch cả rồi. Mấy công ty xuất nhập khẩu lao động đặt hàng mà có lấy được đứa nào đâu, bọn nước ngoài sử dụng lao động tài thật! Giờ nông thôn chỉ còn hai loại là thừa mứa: Một là lão nông già, hai là loại không ra già cũng không ra trẻ, loại lao động nhỡ nhàng đông vô kể, còn khỏe mà chả biết làm gì, thế có chết không? Còn trông vào mấy con mẹ đưa đi làm ô sin, kém lắm!

- Này! Tôi bàn với ông chuyện này. - Thằng Mọt hạ giọng, tiếng nhỏ xầm xì. Anh Lực giả vờ không quan tâm nhưng cũng cố căng tai ra nghe lỏm:

- Có sản phẩm mới đây. Ông xem xã ông có đứa nào muốn bán dương vật không?

Thằng Bọi giật mình, lấm lét nhìn ra xung quanh, nói: - Tôi chỉ nghe đến chuyện bán thận, cái này mới quá!

- Đúng. Thận cũ rồi. Sản phẩm này mới ra. Mới thì mới kiếm được!

- Cẩn thận. Luật pháp nó tõi ra thì chết! - Thằng Mọt khẩy ánh mắt về phía anh Lực rồi nhìn thẳng vào mắt thằng Bọi đầy ngụ ý:

 

- Có luật nào cấm người ta phải nhịn nghèo không? Với lại chuyện này dễ hơn bán thận. Đây là chuyện đổi chác chứ không bán mất như bán thận.

- Ông nói rõ ra xem nào?

- Hiện nay có rất nhiều đại gia lắm tiền nhiều của nhưng bị trời phạt mắc cái bệnh bất lực nên nó mới nghĩ ra cái trò này. Sản phẩm đây khác với bán thận ở chỗ là giữa hai người chỉ cần thỏa thuận đổi dương vật cho nhau, kiểu như người dùng ít đổi cho người dùng nhiều. Chuyện này y học giải quyết đơn giản lắm, không phức tạp như ghép thận đâu. Tôi được nghe giới thiệu công nghệ phẫu thuật rất tinh vi, cắt ra và nối vào nhanh đến nỗi không kịp chảy máu...

Anh Lực bàng hoàng cả người, bỏ dở điếu thuốc lào định hút chạy ra ngoài đường đúng lúc công nhân tan ca. Hàng trăm con người nam thanh, nữ tú đổ ra cổng như đàn kiến vỡ tổ. Họ đi qua chỗ anh đứng, không một gương mặt nào ngoảnh vào cái quán riêu cua Cật Lực. Ở trong này chị Cật cũng dõi qua tấm mành mà không hiểu hư thực ra sao. Bảo bún chị nấu không ngon thì không đúng, bảo chị bán đắt cũng không phải, hay là người ta nhịn ăn? Chị không tài nào giải thích nổi, đầu cứ nghĩ lung bung, bụng thì quắn lên nỗi lo, mỗi lúc nén một căng. Một lúc lâu sau anh Lực vén mành bước vào, thấy cô Tẻ vợ thằng Kiến làm nghề đánh tiết canh chim sẻ cho mấy nhà hàng, đang ti tỉ nói chuyện với chị Cật, anh nghe đại để: Cô Xen mới được gia đình đưa từ Trung Quốc về hôm qua. Cách đây một năm, có người môi giới đưa cô vượt biên sang bên kia. Công việc của cô là hàng ngày trông nom một đứa trẻ vị thành niên bị mắc bệnh điên. Thỉnh thoảng nó mới bị lên cơn nên công việc cũng nhàn mà lương cũng bở, cơm nuôi rồi mỗi tháng nhận được một trăm tệ. Công việc đang suôn sẻ thì một hôm thằng bé bỗng tỏ ra ngoan ngoãn. Nó nói từ nay không thèm nghịch ti của cô Xen nữa vì ti của cô mõm lắm, làm cho cô mừng rơn. Nhân lúc cô mất cảnh giác, nó rút từ trong người ra một thanh sắt rồi phang vào đầu cô. Máu tóe ra, thằng bé vứt thanh sắt nhìn cô giãy giụa trong vũng máu rồi cất tiếng cười khành khạch. Gia đình bên Trung Quốc băng bó cho cô xong, gọi điện về Việt Nam nhắn người sang mà đưa về...

- Rõ khổ! Thế tình hình sức khỏe của cô Xen hiện giờ thế nào? - Chị Cật hỏi thăm.

- Tốt rồi, nhưng ngặt một nỗi cứ thấy ai có vẻ tử tế thì cô ấy sợ, cứ ôm lấy đầu mà rú lên, nghe rợn lắm! - Rồi cô Tẻ bỗng nhìn vào thúng bún, ớ ra: "Ế hay sao mà còn nhiều thế! Thôi em đi về kẻo tối".

Cô Tẻ về rồi, chị Cật ngồi thừ ra trên ghế. Ánh chiều tà đã thấp thoáng ngoài mành. Anh Lực lúc này mới nói:

- Mẹ nó này. Tình hình quán ta phải đóng cửa thôi. Lúc chiều tôi sang hỏi thăm, chú bảo vệ nói bắt đầu từ hôm nay, công ty cơm bụi Thiên - Địa - Nhân hợp đồng nấu cơm hộp mang vào tận nơi, không cho công nhân ra ngoài ăn tự do nữa. Họ tính mỗi công nhân chỉ cần chậm một phút đem nhân với số người rồi quy ra sản phẩm thành tiền cũng làm họ thiệt hại mất mấy trăm bạc một ngày. Chỉ ác một cái là họ làm vợ chồng mình không kịp trở tay.

Chị Cật nghe nói xong, người cứng đơ, hai tay duỗi ra như người bị trúng đạn. Hồi lâu, sự quật cường trong chị trỗi dậy, chị động viên mình: Chẳng sao, không làm việc nọ thì làm việc kia, sợ gì? Chị suy tính rất nhanh rồi đưa mắt nhìn quét anh Lực một lượt từ đầu đến chân. Anh nghĩ chị nhìn anh lo lắng sợ lại chơi dài như hồi mới bị thu hồi đất, kỳ thực chị đang tính toán, cắt đặt và có chút phân vân vì chị thấy anh gầy yếu, ẻo lả, nhìn rõ cả xương bên trong nên chị có phần ái ngại, nhưng rồi chị vẫn quyết:

- Từ ngày mai, ông theo bọn thằng Kiến, thằng Sâu, thằng Jun, theo chúng nó mà đi làm. Nhưng nhớ hết việc phải về, đừng có mà theo lũ chúng nó chơi bời hư người. Anh Lực rõ mừng nhưng cố không để lộ ra, nhưng chị thì biết thừa. Anh cũng có cái lo lắng cho riêng mình, nhưng không biết làm thế nào, chỉ biết nhìn chị đăm đăm. Chị Cật nhận ra, khoát tay một cái:

- Còn tôi, ông khỏi lo. Tôi cầm tinh con ruồi, cứ hễ chỗ nào có việc là tôi bu đến. Thực tình tôi chỉ lo cho bố con nhà ông, hễ sểnh ra là hỏng, có thế thôi!

- Thế còn cái quán này? - Anh Lực hỏi

 

- Thu dọn mang về hết, chỉ có cái quán dỡ ra là hỏng thì để lại.

- Hay để tôi làm mồi lửa cho xong.

Chị Cật trợn mắt nhìn anh, nghĩ: Sao bão lũ không về mà quét sạch cái lũ cường đạo ở nông thôn đi, nhưng rồi chị vẫn ôn tồn:

- Đốt là đốt thế nào. Có ảnh hưởng gì đến nhà ông không mà đòi đốt. Ông cứ để đấy cho tôi, mai kia trời đất xoay vần, biết đâu tôi vẫn bán được bát bún cho
người ăn.

Quán riêu cua Cật Lực bắt đầu thu dọn. Chiếc xe thồ của anh Lực một bên đặt nồi riêu ế hãy còn ấm nóng. Một bên đặt cái bếp than tổ ong, trên là chồng bát đũa. Toàn bộ bàn ghế bằng nhựa lại xếp vào khay cho cả lên yên xe chằng buộc kỹ càng. Anh Lực tay đặt lên đoạn tre đực nối với ghi đông xe, dạng chân lấy đà. Trông anh giống như một con cung quăng đang quẫy mình trong biển chúng sinh. Chị Cật đi sau với thúng bún ế trên đèo hàng, bước những bước chân ậm ịch trên con đường cơm áo gập gềnh. Hai vợ chồng đi trong buổi chiều tàn, ít nhiều vẫn còn ngửi thấy mùi tinh khiết của thinh không. Từng cơn gió hạ vật vờ lật giở tà áo anh Lực, sượng sùng ve vuốt mớ tóc sâm sấp mồ hôi trên má chị Cật. Hoàng hôn đang buông xuôi xuống một vùng quê không còn cấy gặt, ruộng đồng lố nhố những cọc phân lô. Mặt trời như bị khói làm cho đau mắt, chiếu vớt vát thứ ánh nắng kèm nhèm xuống con đường về làng. Anh Lực đằng trước không dám đi nhanh sợ riêu sóng ra, vừa đi vừa nghĩ mà chả nghĩ được gì. Bất chợt anh nhớ đến câu chuyện đổi dương vật của hai thằng ban chiều. Không hiểu sao anh buông tay đẩy đằng sau xe ra và vô thức sờ xuống đũng quần. Anh biết cái của anh mặc dù ít dùng nhưng hẵng còn tốt! Đột nhiên anh thấy ớn lạnh cả sống lưng rồi buông tay sờ đũng quần ra, đặt vào chồng ghế nhựa rồi đẩy mạnh một cái. Chị Cật đi cách anh một đoạn, tiếng líp xe lách tách như tiếng đồng hồ đếm hoàng hôn. Chị đang nghĩ đến câu chuyện gàn dở của ông lão ban chiều, rồi câu chuyện cô Xen in đậm trong đầu, làm chị suy nghĩ lung lao. Tất nhiên cô Xen về Việt Nam, bên ấy còn trống một chỗ làm... chị nhủ mình rồi nói với lên:

- Tối nay ăn xong, ông ở nhà để tôi sang hỏi thăm cô Xen một tý!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87833


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận