Ba người đàn bà lầm lũi bước đi trên con mương tắt qua đồng lúa. Mặt trời rạng, trồi lên từ dưới cánh đồng, nhìn rõ một vệt xanh thẫm trải dài của làng Duy Minh phía trước. Bây giờ mới nhìn rõ mặt ba người đàn bà. Người đàn bà thấp lùn có khuôn mặt bầu, da mái. Người đàn bà mặt nhỏ có lọn tóc xoăn trước trán, còn người đàn bà dỏng cao thì thật lòng khổ hại vì một gương mặt đẹp, mịn trắng lại được sinh ra ở nông thôn. Ba đôi chân bước đều trên mặt con mương có lối đi bạc màu ở giữa, cỏ gà hai bên thấp mềm như trải thảm xanh, lưa thưa cỏ may mọc lẫn. Hai đôi chân đi đất quần xắn lên vài gấu,
một đi phía trước, một đi đằng sau. Chính giữa là đôi chân đi dép, quần chấm gót, gấu ướt sương một đoạn, cỏ vài lá dính vào.
Mặt trời lên cao một chút.
Một khối tròn màu đỏ hồng chiếu trên cánh đồng. Một màu vàng rờ rỡ rực lên. Hai bên bờ mương, dưới chân ba người đàn bà, từng bông lúa vàng trĩu hạt, bẻ cong xuống dưới những chiếc lá nhọn màu vàng trên thân lúa. Ba cái bóng thẫm màu như đang tắm trong một biển vàng, cả dòng nước dưới con mương cũng long lanh chiếu lên một màu vàng. Một mùa gặt đang sắp đến...
- Giá công ty để cho mùa màng xong hẵng gọi.
Người đàn bà mặt nhỏ tiếp lời người đàn bà mặt bầu:
- Thế thì còn nói chuyện gì nữa!
Người đàn bà dỏng cao vẫn lầm lũi, im lặng theo bước chân người đi trước, gót dép vẩy nhẹ những hạt bụi mờ ẩm ướt vào ống quần của người đi sau. Gương mặt người đàn bà thật đẹp và trông thật buồn trong suy tư:
Ừ, giá được thế thì hay quá! Vụ này anh ấy phải gặt một mình...
Anh ấy... Anh ấy lúc nào cũng yêu đất, trăn trở với đất. Anh bảo: "Đất chính là máu của người nông dân". Người ta bỏ đi khắp phương, đi tìm một quê hương thứ hai có tương lai hơn nhiều cái quê hương đã sinh ra họ vì nó chẳng có hứa hẹn gì ngoài hai vụ chiêm mùa, lúa vài tạ một sào. Một trăm thứ cần đến tiền, đều bâu vào vài tạ lúa ấy.
Anh mất ngủ nhiều đêm. Đất này đã đẻ ra anh, ruộng này đã nuôi sống anh. Nếu bảo anh bỏ làng đi thì chỉ có cái chết mới đem được anh đi. Một người yêu quê, yêu đất như anh không dễ gì chấp nhận sống nghèo. Chị biết điều ấy. Chị biết mơ ước của anh, anh muốn bà con họ mạc dồn điền lại, chỉ có thế mới hy vọng đổi đời. Anh yêu đồng ruộng, anh yêu quê lắm! Còn chị thì yêu anh. Anh cần công việc, còn chị thì cần sự yên ổn. Nhưng thế giới này đang phẳng dần ra, cả cái làng của anh cũng thế. Một bữa anh bảo: "Em đi xuất khẩu lao động vài năm đi". Chị giãy nẩy lên bảo: "Không đi!". Anh buồn lắm, chỉ khe khẽ thở dài. Cái tiếng thở dài đã nén căng như lò xo. Chị thương anh, thương tiếng thở dài trong người đàn ông? Hay tiếng thở dài của một nền văn minh lúa nước?
*
Mặt trời lên cao chút nữa.
Biển vàng bắt đầu chuyển từ màu tươi sang màu vàng sậm. Ba người đàn bà đã sắp đi hết cánh đồng. Một con mương lớn chặn ngang, một chiếc cầu tre bắc qua. Ba người đàn bà bước lên, chiếc tay vịn lay động hàng cọc cắm dưới lòng mương tạo những vòng nước loang ra làm cho những con nhện nước đuổi theo những gợn sóng màu vàng. Đến bờ bên kia, người đàn bà thấp lùn bảo: "Nghỉ một lúc đi". Rồi cùng người đàn bà gầy xuống mương rửa chân. Người đàn bà dong dỏng rút từng chiếc dép ra khỏi chân gõ đất dính lên thành cầu tre. Từng tiếng gõ dép cọc cạch lẫn với tiếng khoát nước ong óc, âm âm tan vào không gian vàng như mật.
Hai người đàn bà dưới mương đang đùa:
- Đêm qua lão ấy có làm gì không?
- Nói làm gì cái loại chó đực ấy!
Người đàn bà tóc xoăn nửa như không muốn giấu giếm, nửa như trách móc người chồng vừa nát rượu, vừa nát cả tình. Nhìn tay chị lơ đễnh khoát nước. Chị cứ bao nhiêu lần tự hỏi: Làm nũng là gì? Chị không biết người ta làm nũng thì như thế nào? Được hưởng lợi gì từ sự làm nũng? Làm nũng khó quá! Chị chả biết đâu. Chỉ có nỗi khổ là chị biết, nỗi khổ lớn hơn, bao vây lấy chị tầng tầng, lớp lớp. Quanh năm chị sống trong nỗi sợ đàn ông. Chị ước ao giá đừng có đàn ông. Đời chị sinh ra trót vướng vào đàn ông. Những người đàn ông khác cho những người đàn bà khác tin tưởng tựa vào, còn chị thì không. Quanh năm làm lụng vất vả, đói cơm và đói cả tình chồng. Mấy năm nay vợ chồng chị chăn nuôi thất bại, nợ ngập đầu. Mỗi lần khuyên hắn đừng chăn nuôi nữa, thì chị lại bị một trận đòn. Hắn cứ uống rượu với ớt xong lại lôi chị ra đánh, vừa đánh vừa chửi: "Con mẹ mày! Không chăn nuôi thì lấy gì mà ăn". Đánh vợ xong, hắn lại bắt chị làm "chuyện ấy". Mỗi một lần như thế, chị chỉ biết nằm im. Từ lúc hắn đóng cái cọc vào người chị cho đến lúc hắn rút nó ra, chị vẫn nằm như thế, chả thấy gì cả, chỉ thấy cuộc đời đen tối hơn bên trong cái làng quê đang ngày một sáng ra và đẹp lên. Cứ mỗi lần lùa vịt ra khỏi lều, lại có hàng chục con vịt chết đi, chị lại xót ruột, lại kêu ca: "Thôi đừng nuôi nữa". Lại bị đòn, lại bị lột trần truồng ra trong cái lều vịt. Mỗi lần như thế, thật lạ là chị chỉ ước giá như không có đàn ông...
Đêm hôm qua, chị cho hắn uống nhiều rượu hơn, hắn ăn hết hơn một chục quả ớt. Chị lại nằm ra cho hắn đóng cái cọc vào đấy. Chị nằm và nghĩ đến ngày mai, chửa đi đã thấy nao nao xứ người. Bất ngờ chị thấy thương cái người đàn ông là chồng chị, tỏa ra toàn mùi rựợu ớt. Chết đi! Ai bảo là chồng. Mà nếu chăn nuôi được thì hắn có ăn cả vào mồm hắn đâu, cả chị nữa, chí ít ra chị cũng được gặm hai cái cẳng chân vàng vàng. Mà hắn cũng có lười đâu, xem ra hắn càng chăm thì càng nghèo thêm. Rồi chị lại nghĩ đến các món vay, đến cái lều vịt bên sào ao đa canh. Đến nửa đêm chị trốn đi. Ba chị em đã bàn kỹ rồi, hành lý chị gửi ở nhà bạn. Các chị phải ra đi từ tang tảng sáng. Nếu hắn thức dậy mà biết thì mọi việc coi như hỏng cả...
*
Người đàn bà mặt bầu thôi không nói nữa, cũng không tròng ghẹo người đàn bà mặt nhỏ cho vui, lại sợ chạm vào, cày lên nỗi buồn cơ kiếp buộc thắt người đàn bà tóc xoăn. Chị nhìn xuống lòng mương và thấy mình trong ấy. Vén mớ tóc, chị buồn buồn bảo:
- Chả ai như lão ấy nhà em, vợ đi xa mà cứ coi như đi chợ Đại.
- Được như chú ấy đã sướng một đời.
- Thì đành rằng như thế, nhưng vợ chồng ăn ở với nhau. Hai năm mới lại được về chứ có ít gì đâu. Lúc em đi nằm, lão ấy cứ ngồi xem ti vi. Đến lúc em đi thì lão ấy vào đi ngủ...
- Ai bảo sinh ra làm cái kiếp đàn bà làm gì. Thôi! Giá tôi chỉ cần được một phần như thế thôi!
- Em cũng biết thế! Cả đời lão ấy lúc nào cũng chỉ mơ làm được cái nhà mái bằng thôi. Lão ấy bảo xây xong cái nhà, chết luôn ở trong ấy cũng sướng!
- Chán chuyện!
Người đàn bà dỏng cao từ lúc ra đi đến giờ không buồn tham gia cái gì, cứ chăm chú vào đôi dép. Dường như đã gỡ đất xong liền đưa mắt dõi qua cánh đồng lúa chín về làng: Chỉ cần anh ấy nói: Thôi, ở nhà đi em, thì dù có trăm nghìn vạn mớ thì em cũng quyết không bỏ bố con anh. Cả một đêm dài trằn trọc, ôm chặt vợ mình trong tay, anh kể: Lúc còn nhỏ, ngày mẹ tiễn bố lên đường đi bộ đội, cũng một đêm như thế này, nằm ở giường bên kia nghe bố mẹ dặn nhau những gì anh nhớ hết. Giờ anh cũng như mẹ anh tiễn vợ đi... Sao họ không tuyển đàn ông đi làm Ôsin?
Hai người đàn bà kia đã đi lên mặt đường nhìn người đàn bà dỏng cao có bộ ngực phô, rất mạnh. Ở vú bên trái, một vết ướt tròn, to bằng bông hoa đồng tiền. Người đàn bà có lọn tóc xoăn hỏi: "Con gần tuổi rồi mà chưa cai sữa à?". Người đàn bà đưa tay chụp lấy đầu vú mình, cũng không trả lời người đàn bà kia: Không phải đâu, chín tháng đã cai sữa rồi, nhưng nhìn con thương quá, muốn cho con bú lại lần nữa...
*
Từ chỗ ba người đàn bà ngồi nghỉ còn một đoạn đường bằng bê tông là lên đến đường quốc lộ. Người đàn bà mặt nhỏ dặn:
- Sang đến nơi, bất kể thế nào, ba chị em cũng phải thường xuyên liên lạc với nhau.
Người đàn bà mặt bầu nói:
- Cả tuần vừa rồi tôi bảo cháu dạy thêm mấy câu tiếng Anh. Tiếng Đài mới chỉ vài câu, chữ lại không biết, sau này nhỡ gặp chuyện gì thì trông cậy vào đâu? Biết mấy câu tiếng Anh, gặp người nước ngoài thì cứ nói: Ai - em - Việt Nam - my.
Người đàn bà dỏng cao cúi xuống vừa nhổ những sợi cỏ lông may, vừa phủi bẩn bụi bám vào ống quần, bây giờ mới cất tiếng hỏi:
- Cái gì? Ai in Việt Nam my á?
Hai người đàn bà kia nhìn người đàn bà dỏng cao rồi đưa mắt nhìn nhau. Người đàn bà có lọn tóc xoăn đã luồn xong dép vào chân và thả hết gấu quần, nói:
- Tôi hỏi thật, vợ con như thế mà chú ấy vẫn quyết chí cho đi cơ à? Như chúng tôi thì chẳng nói làm gì.
- Vâng, anh ấy cứ động viên, bảo nhìn vào hai đứa con mà cố gắng, đừng có lo lắng gì cả.
Ba người cùng đứng dậy, xách va li lên tay đi lên phía đường quốc lộ. Người đàn bà mặt bầu vừa đi vừa nói:
- Nói thì nói vậy, chú ấy để vợ đi hai năm, thế nào chả lo...
Người đàn bà dỏng cao cả quyết:
- Không! Anh ấy chỉ dặn: Em ra đất người thì luôn nhớ mình là con gái làng Nhì. Thế thôi!
Con gái làng Nhì vốn nổi tiếng "Phá pháo" trị thói tà dâm. Hai người đàn bà kia lặng im, chân bước mau hơn...
Mặt trời lên cao chút nữa.
Bóng ba người đàn bà néo vào với nhau, đổ dài
một đoạn.