Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 1-2

Chương 1-2
1 Tiếng rằng hai chị em gái kề nhau nhưng Mai Hoa thua chị Mai Du vừa đúng 10 tuổi.

 

Thời thơ ấu của chị, Mai Hoa chỉ biết được qua những câu chuyện kể của hai anh trai và ba, mẹ mỗi khi họ có dịp ngồi lại với nhau nhớ về những kỷ niệm của gia đình. Mai Hoa mường tượng thấy hình ảnh một đội văn nghệ của Hội Ái hữu ở Hương Khê, Hà Tĩnh những năm đầu chống Pháp, khi lướt thuyền xuôi ngược trên sông Ngàn Sâu, khi từng tốp ung dung ngồi trên yên ngựa vào tận chân núi Vũ Quang để diễn kịch và ca múa tuyên truyền cho kháng chiến, trong đó cả ba, mẹ và các anh chị cô đều là những diễn viên giàu nhiệt tình. Ba, mẹ cô từng sắm vai mẹ con bà cụ Phương trong vở kịch "Bắc Sơn" đầy xúc động, và dượng Đặng cô đã diễn xuất rất thành công vai bác sĩ Thành trong vở kịch "Những người ở lại" cùng của Nguyễn Huy Tưởng. Còn các anh chị của Mai Hoa thường để lại ấn tượng cho khán giả trong vai các học trò của lớp học vùng tề mà mẹ họ là một vị hiệu trưởng giàu lòng yêu nước, hoặc trong vai những tiên em lả lướt mà mẹ họ là nàng tiên chị mơ mộng trong vũ điệu "Cô hái mơ"... Những khi chờ đợi mở màn, hoặc để lấp chỗ trống giữa hai tiết mục lớn, chị Mai Du thường xuất hiện ngay trên sân khấu với giọng hát hồn nhiên, trẻ thơ, rất dễ yêu cùng tiếng đàn ghi-ta đệm trầm lắng hay tiếng vi-ô-lông réo rắt của anh Đoàn Trần Doanh, một nhân viên hỏa xa trẻ măng mà về sau là anh rể họ của Mai Hoa. Cũng có khi khán giả háo hức đợi chờ một màn hòa tấu nhạc nhẹ của ban nhạc Chim Non gồm đủ trống phách, sáo đà n mà các anh chị Mai Hoa là người sử dụng những nhạc cụ chính: anh cả ghi-ta, anh hai đàn an-tô, lướt phím nhẹ nhàng trên tay chị Mai Du là một cây măng-đô-lin xinh xắn.

Đó là thời "vàng son" của gia đình Mai Hoa mà cũng là thời thơ ấu đáng nhớ của chị cô.

 

2

 

Đầu năm 1952, gia đình Mai Du trở về quê, nhưng căn nhà nhỏ, mảnh vườn xưa, sau khi bà nội cô mất, đã bán sạch rồi. Mẹ cô lại sinh thêm em gái. Gia đình được một người làng tốt bụng cho ở nhờ ngay cạnh khúc đê vỡ bên bờ sông La. Ba Mai Du phải đi làm xa. Hai anh lớn vừa trọ học, vừa làm thuê tận trên huyện lỵ. Ở nhà, mẹ đẻ, em thơ, lại thêm bà ngoại ốm nặng, chỉ hai bàn tay Mai Du chăm nom. Càng lớn lên, Mai Hoa càng thấu hiểu nỗi vất vả gian truân của chị cô ngày ấy thế nào. Ban ngày tối mắt, tối mũi với bao nhiêu công việc. Chiều tối đến thì sách, vở, đèn chai bấc lùng, đi bộ ngót bốn, năm cây số dọc Hói Đẻo vào tận Ngu Lâm - Lạc Thiện để học lớp 5 trường Trần Phú, mãi khuya mới lẽo đẽo theo các bậc đàn anh trở về. Nhưng chị vẫn học giỏi, nhất là về môn văn. Cho nên, Mai Hoa chẳng lấy làm lạ, khi hàng chục năm sau cô còn nghe thầy Võ Ngọc Kháng, thầy giáo cũ của chị cô ngày ấy, xưng hô với chị là "ba", "con" ngọt lịm. Nhưng rồi cái xóm Tân Hòa nhỏ bé mà gia đình Mai Du đang ở nhờ bị bom của máy bay giặc Pháp ném tan tành. Ông chủ nhà bị thương và con bò cái trên miệng hầm của họ trúng đạn chết. Bấy giờ, mẹ con cô mới thực sự trong cảnh vô gia cư, lênh đênh trên một con thuyền, phiêu bạt tới đất Đô Lương xa lạ. Cuộc sống càng túng bấn hơn, Mai Du phải kiếm thêm việc làm thuê: khi dạy trẻ nhỏ học bài, khi gánh nước, rửa rau, giặt giũ, rồi gánh giấy sang sông... Những bài thơ và những trang bút ký đầu tiên của Mai Du ra đời từ đó.

Hòa bình lập lại, gia đình về Vinh trước, ít lâu sau Mai Du về theo. Thầy Phan Hy Xuyến chủ nhiệm đã viết cho cô mấy dòng trong quyển sổ lưu niệm nhỏ đến nay cô vẫn còn giữ, khi tiễn cô học trò lớp 6 của mình ra ô tô về xuôi "... Nhớ bút ký "Gánh giấy sang sông" của em, nhớ bài thơ đầy xúc cảm hôm liên hoan, mến một học sinh đã làm cho nghề dạy của anh thêm vui. Nghĩ đến Mai Du là nghĩ đến trách nhiệm của người giáo viên nhân dân phải đi sát học sinh...". Thầy Xuyến mua cho Mai Du một cái vé xe, ân cần dặn dò em mọi nhẽ. Vẫn chưa yên tâm với "thân gái dặm trường", thầy giáo đưa mắt tìm trên xe một người đàn ông đứng tuổi đáng tin cậy, nài nỉ nhờ ông đưa em về đến


tận nhà.

Thị xã Vinh vừa qua chiến tranh còn ngổn ngang bề bộn, người ít, nhà cửa thưa thớt. Mai Du ào về trong một đêm trừ tịch, trời không trăng không sao. Mẹ con Mai
Hoa từ trong mùng ùa dậy đón, mừng vui mà không khỏi ngỡ ngàng.

Gia đình Mai Du đã dựng tạm một căn nhà lá ở dọc phố Ngô Quyền, mé trái nhà thông tin thị xã, ngay trước cửa thành Vinh. Nhà nhỏ, nhưng đất chưa ai về ở, rất rộng. Chỉ mấy hôm sau, Mai Du đã biến tất cả khoảnh đất trước mặt thành vườn, hàng hàng, luống luống đất tơi mịn, thẳng tắp. Rồi cà chua, cải bẹ, đu đủ, bí xanh, hành, mướp, mía, tỏi... đua nhau mọc xanh rờn. Mai Du đưa những cây cải bẹ Côn Minh Trung Quốc to đùng và những quả cà chua chín mọng biếu khắp mọi nhà. Đã có những chú thanh niên và những anh học trò lớp trên từ trong các nhà hàng xóm nhìn trộm Mai Du bắt sâu, làm cỏ trên vườn. Có anh còn mạnh dạn viết mấy câu thơ đáp lễ khi được ăn cải bẹ, cà chua Mai Du mang tặng.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t86806-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-1-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận