Đứng lấp ló, ngại ngần trước cửa lớp Mai Du là một cô gái đen đen, dong dỏng cao, đôi bím tóc lúc lắc ngang vai và bộ quần áo màu xanh công nhân hơi rộng. Mai Du đứng dậy ra đón. Cô gái nhờ đó chóng hòa vào mọi người. Chẳng bao lâu, Đào, Thúy - tên cô gái mới vào và Phú tách thành một bộ ba "xe-pháo-mã", đi đâu cũng có nhau. Ngày ngày, họ kéo nhau vào nhà Phú ở trong cổng thành Vinh học nhóm, ăn nghỉ rồi cùng đi tới trường. Từ đó, dần dần Mai Du không còn thói quen dừng chân ở đầu ngã ba chờ người bạn trai từ trong cổng thành bước ra cùng đi. Cũng không còn cái nếp trao đổi bài hào hứng với Phú mỗi bận đi về. Cô lầm lũi bước đến lớp, lầm lũi ôn bài một mình, mỗi khi tan học lại vội vàng, hối hả, một mình trở về. Cái bóng dáng gần gũi thân thuộc chẳng còn gắn bên mình, cô cảm thấy cô đơn, không thiết tham gia một trò chơi giải trí gì ở trường nữa, ngoài việc làm thơ, viết báo tường và sinh hoạt văn nghệ. Vào những ngày hội của trường, các thầy, các bạn không bao giờ thấy vắng bóng Mai Du với cây đàn măng-đô-lin cùng đôi bím tóc dài quá lưng và bộ quần áo hoa tím dìu dịu của hoa mười giờ.
Cho đến một ngày giữa năm lớp chín, khi nhóm Thúy, Đào cùng cả chi đoàn thanh niên nhất trí kết nạp Phú thì cũng là khi ban chấp hành thanh niên quyết định đưa Mai Du ra hội nghị toàn lớp để kiểm thảo. Một đêm, hai đêm rồi ba đêm liền. Mãi tận khuya Mai Du mới về. Một số đoàn viên lên án cô đã viết một bài thơ trên báo tường mang gi ng điệu của "nhân văn giai phẩm", "một bài thơ bất mãn", "một bài thơ chống đối", "một bài thơ buồn rớt", "một bài thơ tiêu cực", v.v... và v.v. Bấy giờ là năm 1957, trên văn đàn đang diễn ra cuộc đấu tranh sôi nổi chống nhóm phá hoại "nhân văn giai phẩm". Đó thực sự không chỉ là cuộc đấu tranh về quan điểm văn nghệ mà là một cuộc đấu tranh tư tưởng rất lớn giữa cách mạng và phản cách mạng, chính trị và vô chính trị. Mai Du hiểu điều đó, và cô chán nản trả lời những người chất vấn mình, đêm nào cũng chỉ một vài câu: "Tôi không viết, mà tôi cũng chưa hề đọc, chưa hề biết bài thơ các đồng chí vừa nêu".
Nghe trả lời như vậy, cuộc kiểm điểm lại nhao nhao các câu hỏi, các câu trói thắt:
- Thì chính Mai Du viết bài thơ rồi đưa cho Đoàn Hạ chép lên báo, còn chối gì?
- Có giống chữ Đoàn Hạ không?
- Đoàn Hạ viết bằng tay trái, chữ không giống chữ viết bằng tay phải đâu.
...
Mai Du và Đoàn Hạ cùng bị đẩy về một phía. Hai người cùng nỗi "oan Thị Kính" đã trở nên gần gụi và thân nhau hơn. Đêm khuya, trên đường phố vắng ngắt, Đoàn Hạ tự thấy cần phải an ủi bạn, đưa bạn về tận nhà. Đêm sau họp, có người lên tiếng rằng: "Hai người cấu kết với nhau để đối phó". Đến đêm thứ ba, Mai Du không thể chịu được nữa, đứng lên:
"Tôi đã nói nhiều lần rồi. Tôi không viết, thậm chí chưa hề đọc bài thơ, bài báo đó. Các anh các chị không tin thì thôi, hỏi nữa cũng vô ích. Đoàn mà không sáng suốt, cậy cán bộ Đoàn mà áp đặt như thế, chẳng bao giờ tôi cần vào Đoàn!".
Nói xong, Mai Du bước ra khỏi cuộc họp về thẳng. Thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Tần Đạt chứng kiến từ đầu, vội đứng lên dặn với theo: "Mai Du, 8 giờ sáng mai em đến thầy nhé!".
Sáng hôm sau, đúng 8 giờ, Mai Du đến trước cổng nhà thầy giáo chủ nhiệm, vừa lúc thấy Khanh, bạn cùng lớp với cô từ trong nhà thầy bước ra. Khanh bảo người bạn gái:
- Về thôi. Không phải vào thầy nữa đâu. Mình
- Nhận gì?
- Nhận là bài thơ đó, mình viết.
- Sao lại thế? Khanh thương hại mình à? Khanh nhận thay cho mình?
- Không, của mình thật đấy.
- Khanh có biết làm thơ đâu? Họ bảo bài thơ đầy giọng bất mãn. Khanh có bất mãn gì đâu?
- Chẳng bất mãn gì sất. Đến hạn nộp báo, mình không viết được, đọc trên một tờ báo thấy có bài hay hay liền viết dán lên, thế thôi.
- Khanh nói với thầy như thế?
- Ừ. Đi về đi.
- Không, Khanh về trước đi. Thầy đã dặn thì mình cứ vào.
Thầy Đạt nghe tiếng Mai Du, nhìn qua cửa sổ,
cười xòa:
- Mai Du hả? Vào đây! Vào đây!
- Dạ! Em chào thầy.
- Em vào chơi thôi, thầy không hỏi gì nữa. Khanh nhận hết rồi.
Và thầy khuyên:
- Bây giờ thầy có trách nhiệm của thầy. Còn Mai Du nên chủ động làm lành với mọi người, làm lành với cả Phú. Em đừng giận mọi người làm gì. Cũng đừng để mất tình bạn rất thân, rất đẹp giữa Phú và em. Chẳng mấy chốc lên lớp mười, rồi chia tay mỗi người một ngả... Rồi các em sẽ hiểu tình bạn ở trường phổ thông đáng nhớ biết
chừng nào.
- Dạ...
Mai Du cúi đầu đáp gọn rồi đứng lên chào thầy
ra về.
Chỉ mấy hôm sau, khi nhận rõ những ánh mắt ngường ngượng của các bạn lớn tuổi trong lớp, biết là thầy chủ nhiệm đã minh oan cho mình rồi, Mai Du liền dán lên báo tường của lớp hai bài: một bài thơ và một truyện ngắn. Bài thơ "Nhắn nhủ" khuyên mọi người đoàn kết lại, làm hòa với nhau, bởi sắp ra trường rồi, như lời thầy giáo dặn. Còn truyện ngắn lấy tên là "Nắng hè", nhân vật chính là hình ảnh thật của Mai Du và Lê Phú: một tình bạn sách đèn từ thuở ấu thơ, có vui buồn thương nhớ, có lầm lẫn giận hờn, nhưng đến cuối năm lớp mười, chia tay thì mỗi người một cảnh ngộ: anh vào đại học, chị làm thợ gò... Bấy giờ họ mới ngậm ngùi tiếc một tình bạn phổ thông.