Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 2

Chương 2
Những ngày hè năm lớp chín ấy đến với Mai Du thật là căng thẳng và cô cảm thấy lẻ loi cô quạnh.

Phú không đến. Viết thơ, viết truyện là thế nhưng thực ra cô vẫn tránh mặt Phú - con người đã ở "chiến tuyến bên kia" một thời! Cô vẫn còn giận Phú lắm. Rằng thân thì đã nên thân đến vậy mà những lúc cô gặp khó khăn, Phú không hề bảo vệ, những lúc cô muốn tìm một chỗ dựa tinh thần thì Phú hút bóng và dấu mòn trên con đường hai người vẫn cùng đi tới trường nay đã mờ vết chân anh. Có lẽ vì vậy mà Phú không đến. Phú đã về quê rồi chăng?

Về sau Mai Du mới xác định được: đúng cái dịp hè đó, Phú đã đưa cả bộ ba "xe-pháo-mã" của mình về thăm quê. Mẹ Phú vồn vã đón Thúy như đón một người thân về thăm nhà. Thúy đã ra đồng giúp bà gánh rạ. Xóm làng những ngờ: bà Thiệu ướm chọn được nàng dâu thật chăm?

Chính giữa những ngày hè của năm lớp chín ấy, nhà Mai Du có thêm một nhân vật mới. Anh thứ hai của cô trọ học bên Đức Thọ về nghỉ hè, đem theo một cậu em kết nghĩa cũng vừa học hết phổ thông ở trường cấp III Phan Đình Phùng. Chị em Mai Hoa có thêm một người anh và Mai Du thì thêm việc. Cô phục vụ hai anh như nhau: nào cơm nước, nào giặt giũ, còn cả việc gánh nước cho hai người tắm. Một tuần rồi hai tuần. Người anh kết nghĩa của cô cũng quen dần với không khí đầm ấm của gia đình. Vừa kịp ba Mai Du về phép. Anh gọi "ba", gọi "mẹ" rất tự nhiên. Ba mẹ Mai Du thấy anh trắng trẻo, hiền lành, lại biết anh học rất giỏi nên c àng quý mến, cũng xưng "ba", "mẹ" và gọi "con" tự nhiên, trong lòng thầm ao ước: mai ngày, Thái (tên người con kết nghĩa) sẽ là con rể nhà mình. Còn Mai Du, biết anh Thái đỗ tốt nghiệp cao nhất trường, lại sắp đi học nước ngoài, ra chiều kính nể lắm.

Anh Thái ít nói, bao giờ cũng nhìn mấy chị em Mai Du bằng ánh mắt vui vui và cái miệng cười rất dễ gần. Có những đêm anh ngồi đối diện với Mai Du qua một cái bàn nước mà nói chuyện rất khuya, khi mọi người trong nhà đã đi ngủ cả. Cũng có đêm anh hướng dẫn Mai Du giải một bài toán đại số. Giữa chừng, anh Thái dừng lại nói một câu bâng quơ:

- Em giải được nhiều bài toán rồi. Chỉ còn bài toán của anh... vẫn chưa có đáp số.

Mai Du nhìn anh ngỡ ngàng, thì anh tiếp:

 

- Chuyến này về nhà ta nghỉ hè là anh muốn... tìm lời giải cho bài toán của anh...

- ???

- Em giúp anh nhé. Được không? Em tìm đáp số cho anh nhé?

Đi đôi với những lời nói ngọt ngào ấy là một vài cử chỉ dịu dàng. Hẳn Mai Du đã nhận biết có điều gì khang khác, mới lạ trong tình cảm của Thái. Đó không chỉ là tình anh em. Cho nên, cô bối rối, má hơi ửng hồng lên một chút. Từ đó, trong quan hệ với Thái, Mai Du trở nên mất tự nhiên, ngượng ngùng, ý tứ hơn.

Một tháng trôi qua vội vã. Chiều nay cả nhà làm bữa cơm liên hoan để tiễn hai anh sáng sớm mai ra Hà Nội. Ngồi vào bàn đông đủ rồi, anh Thái trịnh trọng đứng dậy, thưa gửi rất ngọn ngành:

- Con xin thưa với ba mẹ, chuyến này ra Hà Nội con học tiếp một năm bổ túc ngoại ngữ. Sau đó con sang học ở trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Ba mẹ đã thương con như con. Nay con muốn được ba mẹ nhận cho con được làm... con rể của ba mẹ, một thành viên chính thức của gia đình.

Ba mẹ Mai Du dường như được cởi tấm lòng, vui vẻ nhìn sang con gái lớn, âu yếm hỏi:

- Mai Du! Anh Thái nói thế, con nghĩ sao con?

Mai Du nhìn xuống chân mình, nói nho nhỏ:

- Dạ. Anh cũng đã có nói với con...

Mai Du không phản đối. Và cố nhiên là ba mẹ cô nhận lời anh Thái để anh yên tâm đi xa.

Phải chăng như thế đủ để coi là một cuộc đính hôn? Chỉ biết rằng sáng sớm hôm sau, trước lúc ra đi, anh Thái cầm tay Mai Du rất lâu, miệng nhắc đi nhắc lại: "Chờ anh nhé", "Mai Du! Em chờ anh nhé". Chỉ nghe Mai Du "dạ" một tiếng nhè nhẹ, rồi cô cứ chớp chớp mãi cặp mắt cay sè. Chị dâu cả của Mai Du nửa đùa nửa thật tháo chiếc nhẫn ở tay mình đeo vào tay Mai Du, cười cười: "Nhớ anh hả? Thì đeo cái nhẫn này vào cho các chàng trai biết là cô đã đính hôn rồi nè!". Thái nhìn Mai Du vui vui. Mai Du hiểu rằng anh muốn nói: "Anh cũng rất muốn tặng em một cái nhẫn như thế, để các chàng trai biết là chúng mình đã đính hôn rồi, nhưng mà anh còn là một cậu học trò nghèo!".

Mai Du để cả chiếc nhẫn của chị dâu trong tay mình, tiễn hai anh ra tận bến ô tô. Cô cảm thấy ở cái ô tô đối diện có ai đó đang nhìn mình. Thì ra chính là Phú. Phú cũng đang tiễn ai lên ô tô. Anh nhìn chòng chọc vào ngón tay đeo nhẫn của Mai Du. Vẫn không ai hỏi ai. Mà Mai Du thì lại cứ như cố tình cho Phú thấy "chiếc nhẫn đính hôn" trên tay mình.

 

Lên lớp mười, vài bạn khác lớp biết chuyện cũ ở 9Đ, rủ rê Mai Du xin sang lớp khác với họ, đừng học lớp cũ nữa. Nhưng, Mai Du nhớ lời thầy Đạt dặn, nhớ hai bài báo mình đã viết, đã khuyên các bạn đoàn kết lại, làm hòa với nhau. Để quên những mặc cảm với lớp, ngoài giờ học, Mai Du say sưa lao vào tập văn nghệ. Chẳng những hát múa, chơi đàn mà cô còn hăng hái sắm vai trong những vở kịch. Cô đóng vai Mỵ Châu trong kịch "An Dương Vương", vai em Lả, kịch "Anh Păn về bản". Cô tham gia diễn cả "Lôi vũ" và "Ông Giuốcđanh". Thầy giáo dạy văn Nông Văn Gia vốn đã quý Mai Du, càng gần gũi cô thêm qua mỗi lần làm đạo diễn kịch. Có lần thầy mua vé cho Mai Du đi xem phim Ôtenlô. Đến nơi, Mai Du đã thấy bao quanh thầy có bao nhiêu là học trò gái, cả Thúy nữa. Và có lần, đối diện, thầy cứ cúi mãi xuống, cúi mãi xuống... Con gái tuổi mười bảy không phải không có linh cảm. Mai Du run lên rồi vụt chạy biến. Vở kịch đang tập phải bỏ dở. Thầy Gia đành phải thay người.

Mai Du vẫn thấy ngại tiếp xúc với Phú. Họ không còn ngồi cạnh nhau. Những lần đi lao động công ích, hễ Phú cầm xẻng xúc đất ở chỗ này thì Mai Du mang quang gánh đến lấy đất ở chỗ khác. Cứ như thế, như thế. Không hiểu tại sao Mai Du không thể làm hòa với Phú, mặc dầu cô đã hầu như quên hết mọi chuyện cũ, đã làm hòa với mọi người. Có lẽ ở cả hai người cái "cục tự ái" đều to quá, không ai chịu hỏi ai trước.

Cho đến một lần từ trường về, Mai Du có cảm giác là Phú đang đi sau lưng mình. Đã lâu lắm rồi, cô mới lại có được cái cảm giác xao xuyến vui vui đó. Nhưng cô vẫn không ngoái lại. Sắp đến ngã ba rẽ về nhà mình,


Mai Du bước chầm chậm. Đằng sau nghe một tiếng
gọi sẽ sàng: "Mai Du ơi!". Mai Du quay đầu lại, vừa lúc bắt gặp đôi mắt đen láy, hơi đượm buồn của Phú đang nhìn chòng chọc vào ngón tay đeo nhẫn của mình như hôm nào. Phú đứng lặng mấy giây rồi mới cất tiếng rụt rè hỏi:

- Mai Du đeo nhẫn đính hôn?

Người con gái muốn có ý trêu cợt, liền làm mặt nghiêm, gật đầu. Vẫn cái giọng hơi rụt rè, Phú hỏi tiếp: "Có phải cái người hồi nọ Mai Du tiễn đi cùng với anh trai Mai Du?". Cô bạn lại gật đầu. Đoạn, Mai Du cất tiếng:

- Có sao không Phú?

- À, không sao, không sao.

Phú lúng túng trả lời bạn rồi lại lúng túng giục:

- Thôi, Mai Du về đi! Mai Du về đi!

Họ chia tay nhau. Đúng là từ đó họ đã "chia tay" nhau, mặc dầu họ vẫn nhìn thấy nhau hàng ngày, vẫn học cùng nhau một lớp. Năm học lớp mười trôi qua, với cả hai người đều rất nặng nề.

 

Khi Mai Du cầm tập hồ sơ xin đi học lớp kỹ thuật điện ảnh ở Cộng hòa Dân chủ Đức đến xin chữ ký của thầy giáo chủ nhiệm, thầy Nhậm vui vẻ bảo:

- Vậy là lớp ta có hai người đi khóa này! Mai Du
và Phú.

Mai Du kéo vội tập hồ sơ trở lại. Thầy Nhậm ngạc nhiên:

- Sao vậy em?

- Dạ, em nghĩ lại rồi. Em không muốn đi nữa, vì em rất sợ phải xa nhà.

Ít lâu sau, khi làm hồ sơ thi đại học, Mai Du hỏi thầy chủ nhiệm:

- Thưa thầy, lớp ta những ai đi Tổng hợp hóa?

Thầy Nhậm đọc ra bốn người, có cả Phú. Mai Du lại thưa:

- Nghe nói năm nay sẽ có trường đại học trên quê Bác? Thưa thầy! Thầy cho em đổi hồ sơ.

Hôm liên hoan cuối năm, cả lớp nhao nhao đề nghị Mai Du đọc thơ. Cô đứng lên ngay, định phát biểu mấy lời, định đọc mấy câu thơ, nhưng chưa kịp mở miệng Mai Du đã cảm thấy cổ mình nghèn nghẹn, hai mắt cay sè. Tất cả, tất cả cứ nhòe đi. Mai Du vụt chạy ra khỏi phòng, đến bên máy nước rửa mãi, rửa mãi mà vẫn thấy không thể trở lại với cuộc vui được.

Nguồn: truyen8.mobi/t86811-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận