Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 10

Chương 10
Đoàn kiểm tra của Bộ không dự thêm tiết nào của Mai Du nữa nhưng những ấn tượng đẹp về cô vẫn còn lưu giữ mãi trong lòng mỗi người.

Trước khi rút quân, Thứ trưởng Võ Thuần Nho vui vẻ khẳng định: "Qua chất lượng của sinh viên, đã có thể tin tưởng và tự hào về trường Đại học đầu tiên trên quê Bác. Chuyến đi này, chúng tôi sẽ có thêm những thực tế sinh động để tiến tới tổ chức Hội trường Đại học Sư phạm Vinh lần thứ nhất, kỷ niệm 5 năm thành lập trường".

Bác Thứ trưởng lần lượt bắt tay chào mọi người. Ông giữ bàn tay nhỏ nhắn của Mai Du trong tay mình lâu hơn một chút.

Khi cả đoàn khách đã ra khỏi cổng trường, anh Trương Diễn vẫn siết chặt tay Mai Du và nói với cô bằng một giọng miền Nam nghe thật dịu: "Anh hiểu Mai Du, và anh tin ở cô. Hãy can đảm và vững vàng trong cuộc sống, nghe em!". Mai Du nhìn theo hút bóng anh Diễn đang xa dần, lòng thầm cám ơn anh và tự cảm thấy ngường ngượng: trong cái phút mình không tự chủ được ấy, anh Diễn cũng có mặt!

Sáng thứ năm, Mai Du không có tiết dạy. Song, như thường lệ cô vẫn tới lớp từ đầu buổi để cùng học sinh nghe đọc báo tập thể và để... điểm danh.

Đã sắp vào tiết một mà một chỗ ngồi trong lớp 8B còn trống vắng? Mai Du hỏi lớp trưởng:

- Sung ơi! Phan Trừng đâu? Sao Phan Trừng không


đi học?

- Dạ, thưa cô! Anh ấy... bị ố m ạ.

- Hay là... anh ấy ngủ quên? Có ai gọi Phan Trừng đi học với không?

- Dạ, em có gọi, nhưng anh ấy bảo anh ấy bị ốm ạ.

Một học sinh trai đáp. Mai Du lắc đầu thoáng buồn: một năm nay làm chủ nhiệm, cô đã hết sức cố gắng để đưa lớp vào nề nếp. Từ việc tổ chức ăn ở nội trú cho học sinh, đến việc sắp xếp những nhóm học tập, những đôi bạn cùng tiến, việc quản lý học sinh đọc báo tập thể và truy bài đầu giờ... tất cả đều sớm ổn định. Lớp 8B của cô cũng đã xây dựng được một số phong trào về văn nghệ, thể dục thể thao, và nhất là đăng ký giờ học tốt, xứng đáng là lớp điển hình của toàn khối. Đối với một số học sinh chậm tiến, cô cũng đã sâu sát tâm tình, giúp đỡ để mỗi người đều có những chuyển biến rõ rệt. Chỉ có Phan Trừng, dường như chưa hề chịu chấp nhận một sự tác động hỗ trợ nào của bạn bè và của cả cô giáo trẻ.

Phan Trừng là một học sinh miền Nam, dáng người to lớn, mập mạp, hơn hẳn các bạn cùng lớp dễ đến mấy tuổi, và cũng chưa chắc đã kém tuổi cô giáo chủ nhiệm của mình. Không hiểu vì sao, anh chuyển từ trên thành phố về học ở trường cấp 3 huyện H. Thấy Phan Trừng lúc nào cũng tay đeo đồng hồ, tóc rẽ ngôi, quần áo sang trọng và thỉnh thoảng lại la cà quán nước ra vẻ con nhà giàu có, các bạn cùng lớp rất kiềng. Ngày cô Mai Du phân phối nhà trọ, bọn con trai không đứa nào muốn ở với Phan Trừng. May mà chính Phan Trừng giơ tay đề nghị: "Cô giáo ạ! Em ở một mình".

Mai Du hiểu, đối với các học trò khác của cô, phần lớn là con cái nông dân và ngư dân các huyện miền biển, đi trọ học chỉ cần một ruột tượng gạo, một ít cá mắm kho mặn và mấy đồng mua rau. Còn Phan Trừng, việc ăn uống không đơn giản thế. Mai Du phân vân. Rồi cô gật đầu nói với cậu học trò lớn tuổi của mình:

- Được, tạm thời có thể chấp nhận: anh Phan Trừng ở một mình. Nhưng ở một mình cũng có nhiều cái bất lợi đó, anh Trừng ạ. Thứ nhất là khó thực hiện thời gian biểu một cách nghiêm túc, thứ hai là... dễ ngủ quên.

Cả lớp cười rộ lên. Cô chủ nhiệm nói thêm:

- Để hạn chế những bất lợi đó, tôi đề nghị nhóm anh Vĩnh, ở gần nhà Trừng nhất, nhớ giúp cho hai việc: chiều nào cũng sang học nhóm với Phan Trừng và sáng nào cũng nhớ gọi Phan Trừng cùng đi học. Được chứ?

- Vâng ạ.

Nhà Phan Trừng ở trọ cao ráo, khá giả. Hàng tháng anh chỉ việc đưa cho chủ nhà mấy chục đồng là ngày hai bữa có canh nóng cơm dẻo bày đợi sẵn, khỏi cần lo nấu nướng. Thỉnh thoảng về thành phố, Trừng lại tha xuống mấy lọ ruốc thịt hay thứ gì đó để ăn kèm vào bữa cho "có chất". Còn việc ăn sáng thì Trừng "giải quyết" vào giờ ra chơi ở các quán xá gần trường cho thoải mái.

Mặc dầu cô Mai Du đã phân công nhóm Vĩnh giúp đỡ Trừng nhưng tác động chẳng được là bao. Vĩnh tuy cũng lớn tuổi, xấp xỉ tuổi Trừng, nhưng là học sinh công giáo, lại ở tận miền biển xa xôi, tháng ngày chỉ mới biết theo cha chú ra khơi vào lộng đánh cá, câu tôm chứ đâu đã có dịp tiếp xúc với dân thành thị, cho nên vốn tính nhút nhát, trong quan hệ với Phan Trừng, Vĩnh lại càng e dè. Những khi sang học nhóm với Phan Trừng, Trừng bảo Vĩnh: "Hút thuốc đi, Vĩnh nè. Cứ để hai thằng nó làm, rồi tụi mình chép. Bài hôm nay khó thấy mẹ!".

Vĩnh không hút thuốc, cũng không ngồi chờ để chép. Nhưng Trừng vẫn vừa đưa võng, vừa tròn mồm nhả khói thuốc thành những chữ o, cười khoái chí. Đoạn, Trừng dúi hai quyển vở bài tập của mình vào tay mấy bạn nhỏ cùng lớp, nói rất tự nhiên:

- Này, hai đứa chép cho anh. Tao đi mua kẹo bột về, liên hoan.

- Rồi mai lên bảng anh lại chết đứng như Từ Hải? - Một đứa chọc.

- Yên trí, mai không đến lượt tao đâu.

Nói rồi, Trừng bỏ đi cho mãi đến gần tối. Khi Trừng về, chỉ thấy hai quyển vở của mình vứt chỏng trơ trên bàn, bài tập toán và bài soạn văn đã chép đủ. Chẳng biết vì hai đứa bạn nhỏ sợ Trừng hay là kiềng nể anh bạn miền Nam lớn tuổi. Trừng cười, cái răng bịt bạc ở hàm trên ánh lên, anh ta ra đứng giữa sân, gọi với sang chúng bạn:

- Này, về cả rồi à? Sao không đợi tớ?

- Còn phải nấu cơm. Tối rồi, anh Trừng ạ.

- Anh Trừng xem lại bài đi nhé. Cần gì, tối sang đây.

- Ừ, tối rỗi tao sang.

- Bao giờ mà anh chẳng rỗi?

Hồi đó, cả sáu huyện miền Nam tỉnh Nam Định mới có được một trường cấp 3 huyện H. Học sinh tứ xứ, xa hàng ba bốn chục cây số cùng kéo về, phải ở nhà dân, trọ học. Trường phân khu vực, mỗi lớp trọ ở một thôn thuộc mấy xã lân cận. Cô Mai Du tìm nhà cho học sinh lớp mình trọ ở thôn Vượt, xã Thủy Phương. Hôm nay, lớp vắng Phan Trừng, Mai Du không tin là anh ta có thể ốm. Người to khỏe là thế, có nhức đầu sổ mũi cũng chưa đến nỗi phải nghỉ học. Cô quyết định đến tận nhà trọ của Phan Trừng cho rõ thực hư.

Thôn Vượt ở cách trường một cái mương thủy lợi khá rộng. Đi đường nhà thờ lớn rồi rẽ về đường nhà thờ thôn Vượt thì xa, cô qua cầu khỉ, cái cầu bắc qua mương nước chỉ có một cây tre, thật khó đi. Trên đường đến nhà trọ của Phan Trừng, Mai Du nghĩ về anh ta: đúng là cả lớp đã vào nề nếp, còn Phan Trừng, vẫn giữ tính tự do, vô kỷ luật, vẫn lười học và hay bỏ tiết. Chỉ được cái đá bóng giỏi. Mỗi bận Phan Trừng ra sân bóng thì bọn nhỏ dường như dạt hết. Anh ta làm mưa làm gió, khiến đối thủ phải gờm, còn đồng đội thì hả hê, đắc thắng. Đội bóng 8B vẫn tự hào về cây tiền đạo Phan Trừng, đã "sút" là đối phương chỉ có mà "thủng lưới". Phan Trừng còn giỏi môn điền kinh. Ở trường, Trừng đã không thi thì thô i, thi thì chỉ có nhất...

Một lần trường cử Phan Trừng đi thi chạy ở huyện, khi về, học sinh khoe với Mai Du:

- Cô ạ, hôm qua thi huyện, anh Trừng mình...

- Anh Trừng mình được nhất hả?

Mai Du vô tình nhắc lại ba tiếng "anh Trừng mình" làm cả bọn phá lên cười. Cô đỏ mặt ngường ngượng nhận ra sự vô ý của mình để chúng nó trêu chọc. Từ đó, Mai Du rất thận trọng mỗi khi nói về Trừng và tiếp xúc với anh ta. Nhưng hôm nay, Mai Du vẫn quyết định đến tận nhà trọ của Trừng để đánh thức anh ta dậy. Cô hỏi một cháu bé:

- Anh Trừng có nhà không em?

- Dạ, có ạ.

- Gọi hộ cô đi!

- Dạ. Anh Trừng! Dậy! Anh Trừng! Cô giáo tới!

Trừng choàng dậy, dụi mắt, giọng ngái ngủ:

- Côô...?

 

- Tôi biết anh không ốm, chỉ ngủ quên thôi. Thôi, đi học đi! Tuần này tuần ôn thi đấy!

- Dạ... - Phan Trừng liếc nhìn đồng hồ tay, miệng lủng bủng: - Muộn mất rồi!

- Muộn cũng đi! Mất một tiết còn hơn mất cả buổi.

Mai Du nghiêm trang ra lệnh. Song, còn sợ Trừng ngại muộn không đi, cô nói tiếp:

- Tôi chờ ở ngoài cổng, cùng về trường luôn. Đi đường cầu khỉ cho nhanh nhé!

- Vâng ạ!

Vài phút sau, Trừng ngoan ngoãn cầm mấy quyển vở đi sau lưng cô giáo chủ nhiệm.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t86822-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận