Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 12

Chương 12
Mùa hè 1963. Lại bắt đầu một lớp bồi dưỡng hè mới của giáo viên toàn tỉnh, và bắt đầu năm học thứ ba trong cuộc đời cô giáo của Mai Du.

 Sau những bữa cơm chiều, khi ngồi bên một bàn nước, khi cùng thả bộ dong phố với Mai Du, Thanh mới thú thực với cô: "Thực tình, Mai Du ạ, tôi chẳng hề có ý định tìm ai ở Cửa Lò". Mai Du nghe, và ậm ừ. Chẳng biết Mai Du đã hiểu Thanh muốn nói gì hay là không muốn hiểu, để đến nỗi, Thanh phát khùng, hỏi dồn: "Mai Du! Mai Du không nghe tôi nói gì sao?". Mai Du lại ậm ừ: "Có, có chứ. Anh Thanh à, tôi vẫn nghe". Thực tình Mai Du đang mải nghĩ: sao anh ấy thay đổi nhanh thế được? Thanh yêu Phụng đến si mê, đến cuồng nhiệt, một điều "Phụng của tôi", hai điều "Phụng của tôi", ai cũng biết, cả Mai Du cũng từng biết. Vậy thì, dù cho Phụng có lỗi, sao Thanh có thể quên Phụng nhanh thế? Cho nên suốt dịp bồi dưỡng hè ấy, hễ gặp Thanh là Mai Du lại lựa lời khuyên anh ta: "Anh Thanh nên rộng lượng tha thứ và trở lại với Phụng đi!". Mai Du nói nhiều, nói mãi rồi mà Thanh đâu có chịu nghe.

 

*

*     *

 

Mỗi bận lên thành phố dự lớp bồi dưỡng hè hay về thăm quê, Mai Du lại đến chơi nhà bác Trần Kha ở một góc thành Nam. Nhà bác Kha rất đông con, nhưng cả trai và gái đều dưới tuổi Mai Du nên vợ chồng bác Kha coi Mai Du như con cả. Việc nhà việc cửa, chuyện làng xã, chuyện cơ quan... lắm khi hai bác đưa kể với cả Mai Du. Mỗi b n Mai Du đến, bác Kha vui như đón một đứa con ruột thịt từ xa trở về. Bác giục bọn trẻ làm thêm món gì ngon ngon đãi chị. Bọn trẻ cũng coi Mai Du như chị cả, thấy chị về, chúng nó tranh nhau xoắn xuýt, đứa xách túi, đứa cầm tay... đứa nào cũng muốn lân la quanh chị để được nghe chị kể chuyện, để mách tội của nhau, hay chỉ để mà... nhõng nhẽo!

Khác với thường lệ, một hôm, bác Kha cho cậu con trai cả đến chỗ giáo viên bồi dưỡng hè tìm Mai Du:

- Có việc gì vậy Sính? - Mai Du hỏi.

- Bố bảo em mời chị về ăn cơm trưa.

- Sao mà trịnh trọng vậy?

- À, bố bảo tiện thể hôm nay bố về. Mới lị, nhà có khách.

- Tối, ăn cơm xong, chị về như mọi khi. Bố vẫn ở


nhà chứ?

- Không! Bố bảo phải mời được chị về ăn cơm trưa. Hình như có việc quan trọng đấy, chị ạ.

Mai Du không muốn làm bác Trần Kha phật ý, vì dường như đã từ lâu, cô coi bác như là người cha thứ hai của mình, và coi căn nhà của bác ở thành Nam cũng như một gia đình thứ hai của mình. Song Mai Du băn khoăn không hiểu có việc gì quan trọng vậy?

Khi xe đạp của chị em Mai Du còn cách nhà một quãng đã thấy bác Trần Kha đứng đón ở đầu đường. Bác muốn chuẩn bị tinh thần trước cho Mai Du, trước khi cô tiếp xúc với người khách lạ:

- Tốt rồi. Cháu về là tốt rồi. Hơi đường đột một chút, nhưng mà không sao, cháu ạ. Chỉ là nhân thể hôm nay có một người bạn trẻ đến chơi, bác muốn giới thiệu anh ấy
với cháu.

- Một người bạn của bác ạ?

- Ừ, làm cùng cơ quan, nhưng còn ít tuổi, còn thanh niên. Cháu cứ tiếp xúc, nói chuyện bình thường, xem thử cháu có thể làm bạn được với anh ấy không.

- Bác ạ, cháu chẳng biết làm gì trước một người lạ!

Mai Du theo bác Kha vừa đặt chân vào phòng khách, thấy một người cao lớn đưng đứng tuổi ngồi đó, một đường gân xanh hằn lên rất rõ chạy từ trên trán xuống thái dương, cô vội vàng lễ phép cúi chào rồi đi tuột vào nhà trong, nơi bác gái và các em đang tíu tít làm cơm, góp
phần dọn bữa và không chịu ra nữa. Đoạn, cô thưa với bác Trần Kha:

- Dạ, hai bác tiếp khách, cả Sính ra nữa. Còn mấy chị em gái chúng cháu ở trong này được rồi ạ.

Bác Kha chán ngán, lắc đầu nhưng không nói gì. Bọn nhỏ thì thầm:

- Chị làm thế bố giận đấy. Bố bảo mua những hai con ngan, làm bữa cơm để chị về, bố giới thiệu cho hai người làm quen với nhau để... để...

Bọn nhỏ khúc khích cười, và Mai Du đỏ mặt. Tối đó, Mai Du trở lại nhà bác Trần Kha, ấp úng thưa:

- Cháu cảm ơn hai bác thương cháu, lo lắng cho cháu như cho con...

- Lẽ ra trưa nay cháu nên ngồi cùng, trò chuyện vài câu cho lịch sự. - Bác Kha trách nhẹ.

- Xin hai bác thứ lỗi cho cháu.

Mai Du nói vẻ ân hận. Khi vào bếp, cô thầm thì hỏi nhỏ mấy đứa em gái:

- Anh ấy tên là gì vậy?

- Anh Tấn.

- Có phải anh ấy có một đường gân to nổi lên
giữa trán?

- Làm gì có.

- Lạ nhỉ. Tại sao chị lại thấy, và thế là chị...

Mai Du đang định nói "chị có cảm giác sờ sợ" nhưng một đứa em đã đế theo: "Thế là chị làm chết oan hai con ngan, còn chúng em thì...". Lại một đứa khác chêm vào: "Chúng em thì tự dưng được một bữa sang như tết". Mấy chị em bấm nhau cùng cười.

 

*

*     *

 

Bộ Giáo dục tổ chức một cuộc họp chuyên đề của giáo viên văn toàn miền Bắc tại Hải Phòng. Mai Du là thành viên của đoàn Nam Định. Ngồi trên tàu hỏa, Mai Du hình dung Hải Phòng qua tác phẩm của Nguyên Hồng. Cô mường tượng đến dòng sông Cấm, chợ Sắt, bến Sáu Kho, cầu Thượng Lý... với bao cảnh đời trôi nổi xót xa xưa. Giữa trưa hè nắng đổ, Mai Du lần đầu tiên đặt chân đến thành phố cảng, ngỡ ngàng trước một miền đất lạ, xao xuyến bởi vẻ đẹp rực rỡ, tràn ngập của một màu hoa, thong thả
bước dưới bóng râm mát của những tán phượng xanh rờn lối phố.

Tối hôm đó, khi Mai Du và Hảo, cô bạn gái cùng tỉnh đeo cái kính cận dày cộp đang nắm tay nhau đi trên hè phố để tới dự cuộc chiêu đãi văn nghệ ở trường Kiều Trung thì bất ngờ, ba thanh niên càn quấy dang tay chặn lại. Hảo hoảng hốt định bỏ chạy. Nhưng bàn tay Mai Du đã nắm thật chặt, giữ cô bạn đứng yên, rồi chẳng nói chẳng rằng, Mai Du nhìn trực diện vào ba gã đàn ông nọ. Tay bự nhất đưa một điếu thuốc lá lên miệng, nói trong tiếng cười gằn mà lại như mắc cỡ:

- Tính chơi một chút thôi mà, có gì đâu cô em.

Rồi cả ba đứa cười phá lên, bỏ đi. Hảo tin cậy đi bên Mai Du, nói những lời thán phục:

- Đôi mắt cậu lúc đó nhìn nẩy lửa, hèn chi tụi nó sợ!

Qua một ngày họp, Mai Du quen thêm được mấy người. Nhưng vào bữa ăn tối, ở một góc phòng, bên cạnh anh bạn giáo viên Hải Phòng mà Mai Du mới quen còn có một chàng trai lạ. Mai Du có linh cảm là cả hai người đang chòng chọc nhìn mình và đang nói về mình. Cô lẳng lặng về phòng ở. Khi hoàng hôn buông xuống thì bốn, năm bạn gái chung phòng với Mai Du đều đã đi chơi riêng hết. Mai Du không dám bước ra phố một mình, cô định bụng ngồi viết thư về nhà. Vừa giơ tay t oan bật công tắc đèn thì nghe tiếng giày nện lên cầu thang. Mai Du lo lắng giấu kín mình vào góc tối để quan sát: đúng là "anh ta" rồi. Anh ta cất tiếng gọi: "Mai Du! Mai Du, cô đang ở nhà chứ? Tôi mời cô đi chơi!". Mai Du lặng thinh. Kệ, coi như mình đi rồi. Tiếng đập cửa mạnh hơn cùng với tiếng gọi hối thúc hơn: "Mai Du, ở nhà một mình buồn chết. Tôi biết là cô chưa đi mà". Mai Du vẫn lặng thinh. Mươi phút sau, tiếng giày bực dọc nện cầu thang đi xuống. Mai Du vẫn chưa dám bật đèn, lại đã nghe tiếng giày lên cầu thang. Lần này thì chính là anh bạn giáo viên Hải Phòng lớn tuổi. Anh ta gõ nhẹ vào cửa, nói rất ngọt ngào: "Mai Du ơi! Ngủ gì sớm vậy? Để anh hướng dẫn cho em đi tham quan thành phố Hải Phòng. Dậy đi Mai Du". Lặng đi giây lâu, không có tiếng trả lời, anh ta lại nhỏ nhẹ: "Anh đây mà, Miên đây mà, Mai Du ơi! Cảng Hải Phòng về đêm đẹp lắm. Anh đưa em đi xem. Em sợ cái gì chứ? Miên đây mà. Anh đây mà!". Lâu rồi, Miên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại một mình trong phòng tối, Mai Du thở dài nhẹ nhõm: "May quá! Chắc là hết rồi".

Sáng hôm sau, Sở Giáo dục Hải Phòng mời tất cả đại biểu của Bộ đi du lịch quanh vịnh Hạ Long. Mai Du sung sướng thả hồn bay theo mọi nẻo hành trình. Khi chiếc ca nô du lịch lướt chầm chậm trên sông Bạch Đằng, Mai Du bất giác nhẩm đọc mấy câu trong bài phú lừng danh của Trương Hán Siêu: "Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã. Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoàng Thao". Đến hang Đầu Gỗ, do sáng kiến của anh cả Nguyễn, những người bạn của Mai Du ở trường Đại học Sư phạm Vinh tách ra khỏi đoàn, làm thành một tốp đi chơi riêng. Họ cùng nhau ngoạn cảnh, liên hoan rồi chụp ảnh lưu niệm. Mải vui đến nỗi khi mấy anh em ra khỏi cửa hang thì chiếc ca nô du lịch của họ đã rời bến để về Bãi Cháy. Anh Nguyễn nhờ cán bộ của Sở Văn hóa can thiệp, thuê được một chiếc thuyền con. Mai Du đứng mũi chèo thuyền đưa mấy anh em đuổi theo. Chưa bao giờ và có lẽ chẳng bao giờ Mai Du lại có thể một lần nữa chèo thuyền trên vịnh Hạ Long. Nghĩ vậy, mặc dù cả tốp đang lo lắng sợ trễ giờ, không đuổi kịp, Mai Du lại thấy cuộc hành trình thêm thú vị. May thay, khi con thuyền nhỏ của Mai Du vừa cập mạn ca nô thì cũng là lúc trưởng đoàn của họ hạ lệnh cho mọi người lên canô để về Bãi Cháy.

 

*

*     *

 

Vào năm học được ít lâu, Mai Du nhận được một gói bưu phẩm lớn, hình chữ nhật. Đó là cả một chiếc làn được móc tỉ mỉ và tinh tế bằng những sợi chỉ trắng, làm thành vô khối những hình rẽ quạt nối vào nhau thật đẹp. Quà của mẹ anh Thanh! Bà hẳn đã dành ra rất nhiều công sức mới tạo nên được tuyệt tác mỹ thuật này để mừng sinh nhật lần thứ hai mươi bốn của cô cháu gái - bạn đồng nghiệp của con trai mình. Say mê ngắm nghía từng đường kim mũi chỉ của cái làn, Mai Du sung sướng và cảm động. Vẫn hồn nhiên và vô tư, cô ngồi viết lá thư cám ơn và thăm hỏi mẹ anh Thanh, lòng thanh thản.

Thanh thấ y Mai Du trân trọng món quà tặng của mẹ mình thì mừng lắm, càng ra chiều quan tâm, chăm sóc Mai Du nhiều hơn. Có những buổi chiều, Mai Du dạy tiết cuối về đã thấy Thanh lặng lẽ đưa vào nhà tắm hai thùng nước đánh phèn cẩn thận. Có hôm, Mai Du vừa đau bụng đã thấy trên bàn mình có đĩa trứng gà với lá mơ lông. Những lúc Mai Du về ăn cơm muộn, thấy ở suất ăn của mình có thêm một món gì khác thường... Thanh không dám nói thành lời, nên những cử chỉ ân cần bộc lộ tình cảm đặc biệt ấy của anh, Mai Du vờ như không hiểu. Cô tìm cách lặng lẽ khước từ. Khi thì cô bảo bác cấp dưỡng: "Bác để nhầm thức ăn thêm của ai?". Khi thì Mai Du giả vờ như không biết có hai thùng nước ấy, đi đánh phèn hai thùng khác. Thanh vẫn âm thầm và dai dẳng chịu đựng sự khước từ nhẹ nhàng ấy của Mai Du. Thấy Mai Du chăm gánh nước vào bể của tập thể, Thanh liền nghĩ ra cách tập thể dục - sáng sáng anh gánh nước đổ bể tràn trề. Những lần trường đưa học sinh đi tham gia đào mương thủy lợi hoặc đi đắp đê biển, thấy Mai Du luôn chọn vị trí đứng ở những vị trí xung yếu nhất của lớp - vị trí "bốc lò", bốc vác những tảng đất nặng nề - Thanh lo lắng, ái ngại, bảo học trò lớn đứng vào chỗ đó thay cho cô, hoặc là chính anh "thế mạng". Thanh càng quan tâm chăm sóc bao nhiêu, Mai Du càng cẩn thận giữ gìn bấy nhiêu. Một đêm, cả nhà tập thể đi xem chiếu phim ngoài sân vận động, Mai Du bị cảm sốt thấy người ớn lạnh, nhưng cô vẫn đi. Tới sân vận động, cô lặng lẽ quay trở về một mình, không để ai hay biết. Một mình một bóng, Mai Du cài chặt cửa ngồi viết thư cho Phú. Tại sao lại không nhỉ? Đã là bạn thân thiết, tại sao ta lại không chia sẻ hết những niềm vui nỗi buồn cùng anh? Mai Du kể cho Phú biết về lá thư cuối cùng của Hà Sinh Thái, và tiện thể, gửi luôn cho Phú đọc bài thơ "Chuyện về một con chim". Mai Du hỏi bạn: "Phú nghĩ gì về mình? Phú suy nghĩ thế nào khi sự việc ấy đến tai Phú? Có thể là Phú sẽ mỉm cười chế diễu mình, cũng có thể, Phú sẽ hơi cau mày lại vì thương hại? Nhưng, mình không muốn thế, và yêu cầu Phú đừng có thái độ như thế!".

Nguồn: truyen8.mobi/t87335-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận