Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 8

Chương 8
Ra tết, đoàn sinh viên thực tập sư phạm về trường, Mai Du được giao hướng dẫn ba người thực tập giảng dạy.

Thừa lệnh hiệu trưởng Khánh, Mai Du cùng họ trao đổi bài rồi cùng họ tập giảng, chân tình và chu đáo giúp đỡ từng người một.

Chẳng biết có phải vì quý mến cô giáo hướng dẫn của mình, hôm liên hoan toàn trường tiễn sinh viên thực tập, một "thầy giáo thực tập" đã lên đọc một bài hịch. Phỏng theo bài "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn trong chương trình văn học lớp 8, bài "Hịch học sinh" có câu: "Đã đường đường là học sinh trường cấp 3 huyện H., phải chăm chỉ, cần cù như cô Duyến - thầy Thiêm, hãy học giỏi, thông minh như cô Du - thầy Khả!...".

Cả sân trường vang dậy tiếng reo hò, vỗ tay. Mai Du đỏ chín mặt. Cô bước ra khỏi chỗ ngồi, thủng thẳng đi về phòng mình: "Ghép cô Duyến - thầy Thiêm thì đã đành. Nhưng sao họ lại đùa mình như thế?...! Sẽ rất tai hại, nếu..." Mai Du nghĩ. Buổi tối đó, cả tốp sinh viên đến phòng Mai Du, vừa để chào tạm biệt, vừa như để xin lỗi. Họ nói:

- Bọn em cứ tưởng... tưởng... hai người... Chẳng ngờ... làm chị giận!

- Chẳng có gì đâu. - Mai Du mỉm cười dàn hòa - tôi đã... Chẳng qua là... tôi muốn tỏ phản ứng để từ nay đừng ai đùa thế nữa, kẻo rồi nhỡ khi...

Hè năm đó, anh chị Duyến - Thiêm cưới. Hai người được phân một gian phòng tập thể ở gần trườn g, thành thử trong căn buồng nhỏ xinh xinh trên gác hai chỉ còn Mai Du ở. Thỉnh thoảng có tiếng gõ cửa: anh giáo viên Toán người thấp đậm, có khuôn mặt chữ điền và cái cằm bành bạnh rụt rè hỏi:

- Mai Du có bận không?

- Anh cần gì vậy, anh Thanh?

- À... ờ... tôi muốn nhờ Mai Du... nhờ Mai Du... xem hộ... à, duyệt hộ... bức thư của tôi, định gửi cho...

- Gửi cho chị Phụng chứ gì? Thư gửi người yêu sao lại đi nhờ duyệt?

- Vì... Mai Du là đàn bà. Mai Du biết đàn bà thích viết như thế nào, Mai Du bảo giùm tôi. Phụng... Mai Du à, Phụng của tôi là cô giáo cấp 2 nhưng Phụng lãng mạn lắm, thư Phụng viết ướt át lắm. Trái lại, tôi thì... Mai Du đừng cười, tôi thì khô khan mộc mạc lắm, tôi, nói tóm lại là không biết viết thư tình.

Giọng anh Thanh rất chân thành. Nể lời, Mai Du cầm thư xem lướt qua, và cô bảo với anh bạn: "Anh viết chân tình như thế, chị ấy cũng sẽ đón nhận một cách chân tình. Anh cứ gửi đi. Viết cho vợ sắp cưới chứ anh đâu có viết tiểu thuyết?".

Thanh gật gù, tự tin đi ra. Song lần sau, lần sau nữa, anh Thanh vẫn gõ cửa, vào phòng Mai Du để nhờ một việc hệt như vậy.

 

Một hôm, đi Nam Định về, anh Thanh lễ mễ ôm lên cầu thang những túi, những gói. Anh vui vẻ gọi:

- Mai Du ơi! Mai Du! Xem này... tôi mua... Mai Du xem hộ... những thứ này được không?

- Anh đi sắm cưới về à? Chăn này... gối đôi này... nhiều thứ quá!

- Mai Du bảo có được không? Liệu Phụng của tôi có thích không?

- Thế anh không đi sắm cưới cùng chị ấy à? Anh đi một mình?

- Ừ, định lên đi cùng, nhưng cô ấy... bận!

- Còn cái gì nữa kia? Giấy mời? Lại cả phong bì nữa này. Anh chu đáo quá!

- Ừ, giấy mời. Cô viết giúp tôi với nhé!

Cả phòng cùng cười. Mấy anh bạn trai nửa đùa nửa thật bảo: "Cô Phụng vớ được ông Thanh thật là tốt phúc. Một đức ông chồng vừa đảm đang, vừa chu đáo, lại có thừa nhiệt huyết như vậy, còn gì bằng!".

 

*

*        *

 

Nhà trường cử Mai Du đi dạy Bổ túc văn hóa cho các cán bộ chủ chốt của huyện. Họ cần học thêm về văn. Mấy cô giáo khác ái ngại thay cho Mai Du: "Đường xa, đi đêm đi hôm, lại toàn các cụ lãnh đạo!". Nhưng Mai Du đã sẵn sàng nhận sự phân công của hiệu trưởng. Cô bảo: "Ngày trước, ở trường Huỳnh Thúc Kháng và ở Đại học Sư phạm Vinh em vẫn thường đi dạy Bổ túc văn hóa. Mà ngay từ hồi học cấp 2, em cũng đã dạy Bình dân học vụ rồi".

Buổi học đầu tiên, Mai Du đến cơ quan huyện rất đúng giờ, thấy trong phòng họp treo hai ngọn đèn măng sông sáng trưng, năm bảy người đàn ông đứng tuổi đang ngồi quanh một cái bàn rộng lục tục đứng lên: "Chào cô giáo". Một người trịnh trọng bưng chén nước trà nóng đến mời Mai Du rồi giới thiệu với cô: "Đây là đồng chí chủ tịch huyện, đồng chí... phó chủ tịch, đồng chí... ủy viên thư ký..., và tôi... chánh văn phòng...". Trước mặt mỗi người đều đã sẵn sàng bút, vở nghiêm chỉnh. Nhấp hớp trà nóng, Mai Du đứng lên:

- Xin phép các chú, các bác, buổi học bắt đầu. Hôm nay cháu sẽ nói về văn nghị luận...

Cứ như thế, như thế, mỗi tuần hai buổi tối, các cán bộ huyện đến nghe cô giáo trẻ nói chuyện văn thơ, rồi nhờ cô chữa lỗi, chữa câu trong những bản đề cương, những bài báo cáo, hay cùng cô trao đổi soạn thảo một văn bản. Lâu dần, các đồng chí lãnh đạo huyện coi cô giáo Mai Du như một thành viên của cơ quan. Thỉnh thoảng cơ quan có cuộc liên hoan, họ mời cô đến dự.

Cả Ủy ban và Huyện ủy vừa được xây dựng lại rất khang trang, ngói đỏ, tường hồng, sáng cả một khu đất thoáng đãng hàng mấy héc-ta ven bờ sông Yên. Phía trước, có hai cái hồ lớn hình chữ nhật lúc nào cũng đầy nước trong vắt. Ngăn cách giữa hai hồ đó là một con đường lát đá thẳng tắp, rộng bảy, tám mét, nối từ chân cầu Yên vào tới cái cổng lớn có mái che và có trạm gác của cơ quan huyện. Hai bên đường, những hàng cây dừa xanh tốt soi bóng xuống mặt hồ, tựa như các cô thiếu nữ rủ nhau cùng đứng soi gương chải tóc.

Một hôm, trước giờ học bổ túc, ông chủ tịch huyện phàn nàn với Mai Du: "Cơ quan huyện xây hai cái hồ bơi, kè lát đâu ra đấy, vậy mà không khuấy phong trào lên được. Rốt cục chỉ là một cái bãi tắm, một cái bến giặt cho dân hàng phố trước cửa huyện, thật chẳng ra làm sao!". Đoạn, ông bảo: "Hay là cô đưa học trò của cô ra mở màn đi, rồi các trường khác sẽ theo, thanh thiếu niên các xã ven huyện sẽ theo. Có trò, có thầy dạy bơi hẳn hoi, có tổ chức quy củ, đàng hoàng mới mong lập lại trật tự, mỹ quan được!".

Mai Du thấy cần phải phối hợp với thầy giáo thể dục ở trường để khuấy động phong trào thể thao. Thế là sáng sáng, toàn thể nam nữ giáo viên và những học sinh trọ ở quanh trường ra sân vận động tập thể dục. Rồi Mai Du dẫn một đoàn học sinh trai gái ra hai bên hồ, nhờ thầy thể dục dạy bơi. Chiều chiều, sau giờ học, những đội bóng đá, bóng chuyền nam nữ thay nhau luyện. Dần dà rồi áo tắm, quần bơi, những bộ đồng phục thể thao cũng có đủ. Cả trường rộn hẳn lên.

Nhận lời mời của Ban chấp hành Thanh niên cơ quan huyện, Mai Du đưa đội bóng chuyền nữ của trường mình ra đấu với nữ thanh niên cơ quan nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Sân ủy ban huyện đông nghịt người xem. Được biết bên đội bóng của trường học có cả thầy và trò, có khán giả nhiệt tình hỏi:

- Ai là cô giáo?

- Ai tóc dài là cô giáo.

Người xem tập trung chú ý vào cô cầu thủ có đôi bím tóc dài quá gối.

Thắng đội thanh niên cơ quan, một tháng sau Mai Du lại cùng anh Tường, giáo viên thể dục đưa đội bóng chuyền nữ đi đấu giao hữu với trường cấp 3 Xuân Tràng. Còn ở hai cái hồ trước huyện, người ta đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc thi bơi lội.

Khi Mai Du cùng thầy giáo thể dục của trường đang vui vẻ đưa tin thắng lợi từ Xuân Tràng trở về thì anh Thanh ngồi ủ rũ bên bàn. Trên giường, dưới đất quanh anh tung tóe những phong bì, thiếp mời. Cả vỏ chăn hoa, gối đôi cũng bị vứt bừa bãi. Mai Du ra hiệu cho anh Tường đừng nói nữa, rồi sẽ sàng hỏi: "Anh làm sao thế, anh Thanh?". Anh giáo viên Toán vốn cởi mở và tốt bụng giờ trở nên câm lặng, ngồi im như tượng gỗ, mặt xị ra rất nặng. Hình như Mai Du đã hiểu được cơ sự gì đã xảy ra, cô lặng lẽ cúi nhặt từng chiếc phong bì, thiếp mời và gấp chăn gối cưới của Thanh cẩn thận, đoạn, Mai Du ngồi xuống một bên bàn, lặng lẽ đợi cho đến khi tự Thanh bật lên một tiếng kêu uất ức:

- Nó... nó... nó đã phản bội tôi!

Thay những tiếng "Phụng của tôi" ngọt ngào thường ngày khi Thanh nói về người yêu của mình, bây giờ anh chỉ thốt một tiếng "nó" đầy khinh bỉ, và tiếp:

- Nó đã có thai với người khác!

- Anh Thanh! Anh nói gì vậy?

- Nó đã thú nhận!

- Và chắc chị ấy xin anh tha thứ?

Mai Du sẽ sàng hỏi. Thanh như điên lên:

- Tôi không thể chịu được! Không cưới hỏi gì nữa! Vứt! Vứt hết.

Thanh chán nản, bỏ cơm, nghỉ dạy mất mấy hôm. Một buổi chiều, Mai Du lại đưa suất ăn của Thanh từ nhà ăn tập thể về, nài nỉ và nghiêm khắc bảo:

- Anh Thanh ăn cơm đi! Còn phải sống, còn phải dạy học chứ? Ủy mị như thế, thật chẳng ra đàn ông!

- Mai Du! Giúp tôi với! Mai Du hãy bảo cho tôi biết, tôi phải làm thế nào?

- Phải tha thứ, anh Thanh ạ.

- Tha thứ?

- Vâng. Chị ấy đã xin lỗi, chị ấy tự thú nhận.

- Không thể được! Không thể được!

- Bây giờ, người ta cũng không coi trọng cái đó quá đâu, anh Thanh ạ.

- Không! Đó là một sự phản bội! Một sự lừa đảo! Một sự ô nhục!

Thanh lại nổi khùng. Nhưng anh đã cầm cái thìa xúc cơm ăn vì không muốn Mai Du lại bỏ đi.

Tối đó, Đoàn, giáo viên Địa vào nhà tập thể trong phố chơi. Để cho Thanh khuây khỏa, Đoàn nói lửng lơ:

- Trường mình, thể thao thể dục được rồi, còn


văn nghệ...

- Văn nghệ thì chưa có gì, phải không?

- Mai Du, cô có thích tập kịch không?

- Tập thì tập.

- Cô là chấp hành công đoàn, cô động viên anh em, ta làm một đội kịch giáo viên cho vui.

- Ừ! Kịch giáo viên, kịch học sinh! Hay đấy!

Nghe Mai Du nói tưng tửng vậy, tưởng cô đùa, hóa ra cô làm thật. Ngay hôm sau đã thấy cô giáo dựa vào lớp 10B cô dạy thay, lập một đội kịch. Cô phân vai cho vở "Bắc Sơn" của Nguyễn Huy Tưởng in trong sách giáo khoa lớp 10 và bắt đầu ráp thử. Cả cô và trò, mỗi người cầm một quyển giáo khoa văn mà khớp lời. Mấy hôm sau, Đoàn về thành phố lùng sục, cầm xuống trường một lúc hai vở kịch nổi tiếng của Học Phi và Đào Hồng Cẩm: "Một đảng viên" và "Chị Nhàn". Anh cùng Mai Du lựa chọn, phân vai trong giáo viên rồi mới nhóm họ lại thành đội kịch, triển khai tập liên tục cho kịp diễn vào ngày thành lập Đoàn.

Có thể nói, trong lịch sử của tất cả các trường học ở huyện H. chưa có một tối liên hoan văn nghệ nào vui đến như vậy. Nghe nói trường cấp 3 có kịch của giáo viên, người lớn trẻ em các xã, thầy trò các trường, cán bộ các ngành trong huyện lũ lượt kéo nhau đến ngồi chật một sân vận động. Cả ba vở kịch đều được đưa lên sân khấu, trong đó có hai vở của giáo viên đều do Mai Du sắm vai chính. Đêm diễn kéo dài rất khuya mà vẫn cuốn hút được niềm hứng khởi và xúc động của hàng mấy nghìn khán giả. Người ta cảm thương, xót xa, lo lắng dõi theo thân phận những nhân vật chính của kịch! Người ta căm ghét, khinh bỉ, la lối mỗi khi nhân vật phản diện xuất hiện. Thật là một buổi liên hoan văn nghệ đã để lại ấn tượng không dễ gì phai mờ trong ký ức của cả người xem và người diễn. Công đoàn giáo viên thấy gắn bó với nhau hơn. Thầy và trò trong trường cũng gần gũi thân mật với nhau hơn.

Nguồn: truyen8.mobi/t86820-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận