Ngày 17 tháng 3 năm 1997, Đuma quốc gia thông qua Tuyên bố “về những ý kiến của Tổng thống Liên bang Nga B. N. Yeltsin về việc cải táng V. I. Lenin”. Những ý kiến này được coi là trái pháp luật và thể hiện trắng trợn thái độ phá hoại văn hóa. “Những lập luận về tính hợp lý của việc cải táng V. I. Lenin - tuyên bố nêu rõ - là không có cơ sở về mặt lịch sử, luật pháp, đạo đức và thẩm mỹ nào cả. Chúng chỉ theo đuổi các mục đích chính trị - làm sao lãng sự chú ý của công dân Nga đối với các vấn đề kinh tế, xã hội và tinh thần mà xã hội Nga của chúng ta đang đau đầu... Ẩn ý chính trị trong các ý kiến của tổng thống là rõ ràng. Nó phản ánh dự định của một vài nhóm quyền lực muốn viết lại lịch sử nước Nga, xóa bỏ khỏi tâm trí nhân dân tất cả những gì liên quan tới thời kỳ Xô viết, những kỷ niệm, những tượng đài di tích và thánh địa thiêng liêng của thời kỳ đó”. Bảy năm đã qua, Tuyên bố viết, nhưng vẫn không dứt dòng người thuộc mọi quan điểm, mọi dân tộc muốn viếng Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ để tỏ lòng biết ơn đối với vong linh người đã bảo vệ những người bị áp bức và cùng khổ, người sáng lập Nhà nước Xô viết và Đảng Cộng sản, một chính trị gia vĩ đại, một nhà cách mạng, một nhà bác học và triết gia được toàn thế giới công nhận là một nhân cách vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Đuma quốc gia kêu gọi các cấp chính quyền Liên bang, lãnh đạo tất cả các đảng và các phong trào, giới chức sắc tôn giáo và các tín đồ, tất cả những con người trung thực cùng ngăn chặn hành vi muốn trả thù chính trị đối với V. I. Lenin.
Ngày 4 tháng 6 năm 1997 Đuma quốc gia thông qua Luật Liên bang: “Về quy chế Quảng trường Đỏ của thành phố Moskva” do đại biểu quốc hội, Anh hùng Liên Xô, đại tướng V. Varennikov đề xuất (phái ĐCS Liên bang Nga). Luật cấm mọi hành động cải tạo các công trình trên Quảng trường Đỏ cũng như việc xây dựng ở đó những công trình mới phá hoại diện mạo lịch sử của nó và không đáp ứng những yêu cầu đề ra cho các di tích có tầm thế giới. 269 đại biểu biểu quyết bỏ phiếu thuận, 3 phiếu chống và không có ai bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, ngày 11 tháng 6, Hội đồng Liên bang bác bỏ Luật đó với một cái cớ khéo léo là dường như nó “chứa đựng những thiếu sót nghiêm trọng về mặt luật pháp và cách diễn đạt”.
Đoàn Chủ tịch Hội đồng phối hợp hành động của Cộng đồng các tổ chức cựu chiến binh của các quốc gia độc lập, đại diện cho quyền lợi của hơn 60 triệu cựu chiến binh từng ra trận, những người lao động ở hậu phương và các quân nhân hưu trí của các nước trong SNG, đã phát biểu kiên quyết chống lại các kế hoạch báng bổ của Tổng thống B. Yeltsin. Tuyên bố nêu rõ “che đậy bằng sự giả vờ quan tâm tới Lenin (“thực hiện di chúc”, “chôn cất theo phong tục Nga”), kẻ thù của ông sợ không dám công khai nói lên lòng căm thù của họ đối với người con vĩ đại của nước Nga và phải sử dụng biện pháp dối trá về “di chúc” và “tập tục Cơ Đốc giáo giả tạo”.
Hơn ba trăm viện sĩ, tiến sĩ và phó tiến sĩ khoa học gửi cho Tổng thống B. Yeltsin một bức thư ngỏ, trong đó đánh giá những lời phát biểu của ông ta về việc cải táng Lenin như một lời thách thức công khai, trắng trợn, không chỉ đối với phe cộng sản đối lập, mà còn đối với dư luận tiến bộ toàn thế giới. Tất cả những lời tuyên bố đó “hoàn toàn không phù hợp với sắc lệnh của Ông ban hành ngày 7 tháng 11 năm 1996 ‘Về Ngày hòa giải và hòa hợp dân tộc’ ” - các nhà bác học tuyên bố.
Ủy ban tưởng nhớ nguyên soái G. K. Zhukov nhắc lại rằng, ngày 7 tháng 11 năm 1941 từ trên lễ đài Lăng Lenin, vị Tổng Tư lệnh tối cao đã duyệt các đoàn quân tiến thẳng ra mặt trận để bảo vệ Moskva, còn ngày 24 tháng 6 năm 1945, trong Lễ duyệt binh chiến thắng do nguyên soái Zhukov chỉ huy, hơn 200 lá cờ chiến lợi phẩm đoạt được từ các đội quân phát xít bị đánh bại đã bị ném thành đống ở chân tường Lăng Lenin. Hình Lăng Lenin được thể hiện ở chính giữa tấm Huân chương Chiến thắng dành cho các tướng soái cấp cao của quân đội Xô viết. Ủy ban yêu cầu các vị lãnh đạo của Hội đồng Liên bang và Viện trưởng Viện Công tố đánh giá về mặt pháp luật những lời Tổng thống Nga kêu gọi cải táng V. I. Lenin.
Ngày 1 tháng 7 năm 1997, tờ báo Nước Nga Xô viết công bố bức thư ngỏ gửi Tổng thống B. N. Yeltsin kêu gọi “Đừng đánh nhau với những người đã khuất, mà hãy trả lương và trợ cấp hưu trí cho những người đang sống” .
Tác giả bức thư đề nghị tổng thống cho gặp mặt trong buổi tranh luận trên truyền hình về đề tài “Sự dối trá về di chúc của Lenin. Có lợi cho ai?”. Dĩ nhiên, kẻ huênh hoang ra vẻ cường quốc, như nhà chính luận V. Bushin đã gọi Tổng thống, thấy không cần phải trả lời yêu cầu đó (xem Bức thư ngỏ gửi Tổng thống Nga B. Yeltsin “Đừng đánh nhau với những người đã khuất, mà trả lương và trợ cấp hưu trí cho những người đang sống” ở phần Phụ lục).
Ngày 30 tháng 6 năm 1997 Chủ tịch Quỹ từ thiện độc lập “Lăng V. I. Lenin” A. S. Abramov gửi một bản fax đến Paris cho Tổng giám đốc UNESCO, Federico Mayor, về việc một công trình văn hóa nằm dưới sự bảo trợ của UNESCO ở Moskva đang bị đe dọa - đó là quần thể kiến trúc trên Quảng trường Đỏ và Điện Kremli. Tổng thống Yeltsin không đếm xỉa ý kiến của dư luận xã hội, đã đề nghị xóa bỏ Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự ở chân tường Kremli. “Chúng tôi yêu cầu Ngài, thưa Ngài Tổng giám đốc - bức fax nói rõ - cấp tốc đề đạt với Tổng thống Yeltsin, lãnh đạo hai viện quốc hội, G. Seleznev và Ye. Stroev yêu cầu không được phá hoại quần thể di tích lịch sử”.
Tổng giám đốc UNESCO thông báo rằng ông coi sự thay đổi các công trình lịch sử là không hợp lý.
Tại Nhà báo chí Trung ương ở Moskva diễn ra cuộc họp báo quốc tế do tờ Công khai đứng ra tổ chức. “Với tư cách là người họ hàng gần nhất và duy nhất của Vladimir Ilyich, - cháu họ của Lenin O. D. Ulyanova phát biểu - Tôi chống lại bất kỳ hình thức cải táng nào đối với Người”. “Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - Chủ tịch Quỹ từ thiện độc lập Lăng V. I. Lenin A. S. Abramov nhắc lại - Hitler đã tuyên bố: “Ở mặt trận phía Đông mọi di tích lịch sử và văn hóa đều không có giá trị và cần phải bị xóa bỏ”. Những gì mà Hitle không kịp làm thì bây giờ Yeltsin đang định làm nốt, khi dự định phá bỏ Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự trên Quảng trường Đỏ”.
Còn nhiều luật gia, các kiến trúc sư nổi tiếng, người dân của nhiều nước cộng hòa, của các vùng, các tỉnh, các thành phố và làng mạc phát biểu chống lại việc cải táng Lenin. Đại hội lần thứ năm các thành phố anh hùng ở Minsk, Hội quốc tế các sĩ quan Xô viết, Hiệp hội quốc tế “Hòa bình thông qua văn hóa” cũng lên tiếng chống cải táng Lenin.
Nhìn thấy trước làn sóng phản đối mạnh mẽ nên ngày 9 tháng 6 năm 1997, thư ký báo chí của Tổng thống Nga là S. Yastrzhembsky tuyên bố trong cuộc họp báo: “Khi người đứng đầu nhà nước đưa vấn đề này ra cho các nhóm đối tượng khác nhau, ông chỉ nhằm mục đích thấy được phản ứng của xã hội, của các tầng lớp khác nhau trong đó”. Theo như lời thư ký báo chí, những lời kêu gọi đó của Yeltsin chỉ nhằm để hình dung ra sự hưởng ứng rộng rãi nhất của xã hội.
Nảy sinh câu hỏi: Chẳng lẽ Tổng thống không còn vấn đề quốc gia đại sự nào quan trọng hơn? Trong nước, công nghiệp và nông nghiệp đang tan rã, vật giá gia tăng, đại đa số nhân dân sống dưới mức nghèo khổ, tội ác và tham nhũng lộng hành, hàng triệu người di cư và trẻ em lang thang đường phố, máu đang đổ ở các điểm nóng. Thế mà tổng thống, như một tay trưởng tốp phu đào mộ, đã ba lần trong một năm muốn dùng một vấn đề khác đầu độc trí óc của một bộ phận xã hội bằng cách đưa ra thảo luận xem cần phải làm gì với Lăng mộ của người sáng lập và nguyên thủ đầu tiên của Liên bang Nga và với các nấm mộ của những người con ưu tú của nước Nga thế kỷ XX đang yên nghỉ bên cạnh Người trên Quảng trường Đỏ.
Đuma quốc gia trân trọng _kỷ niệm Lenin
Ngày 21 tháng 1 năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày mất của V. I. Lenin, Đuma quốc gia đã trân trọng kỷ niệm người bằng nghi lễ đứng dậy và một phút mặc niệm. Tờ Báo độc lập gọi hành động đó là “hiện tượng phi chính trị hóa tạm thời của Đuma”.
Còn một điều đáng vui mừng hơn nữa, tháng 3 năm 1997, Đuma quốc gia chỉ thiếu vẻn vẹn có 10 phiếu là đủ để thông qua dự thảo nghị quyết trong đó cấm chuyển di hài của Lenin ra khỏi Lăng và chôn cất Người ở nghĩa trang Volkovo tại Saint Petersburg. 216 đại biểu đã bỏ phiếu “thuận”, mà lẽ ra cần phải có 226 phiếu.
Ngày 11 tháng 12 năm 1997, Đuma quốc gia lần thứ hai thông qua Luật “Quy chế Quảng trường Đỏ của thành phố Moskva” và một lần nữa lại do đại biểu quốc hội, đại tướng V. Varennikov đưa ra đề nghị hạ viện xem xét. Nhưng ngay cả lần này Luật vẫn bị Hội đồng Liên bang đả phá với cái cớ như cũ, là dường như trong đó có “những thiếu sót nghiêm trọng về mặt luật pháp và cách diễn đạt”. Trong khi đó Luật đã được Đuma quốc gia thông qua với bản biên tập có phối hợp cùng với một ban của Hội đồng Liên bang.
Nhưng ê kíp đào huyệt của Yeltsin vẫn không buông xẻng khỏi tay. Họ nghĩ ra một lý do mới để vu khống người con vĩ đại của nước Nga. Chẳng hạn, Phó Thủ tướng thứ nhất Boris Nemtsov, khi phát biểu trên truyền hình, đã nói: “Tôi có một cảm giác huyền bí rằng chừng nào chúng ta chưa địa táng Lenin, một số phận u ám vẫn treo lơ lửng trên nước Nga” (Sự thật Năm [Pravda Pyat] - ngày 27 tháng 1 năm 1998). Trước đây Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, Sergei Filatov, cũng đã phát biểu trên sóng vô tuyến “lời bộc bạch chân thành” như thế.
Điều gì rõ hơn trong những lời tuyên bố này: thái độ trơ tráo, vô liêm sỉ về mặt chính trị hay sự hoang tưởng, cứ để cho các độc giả phán xét. Một điều rõ ràng, là các ông Nemtsov và Filatov đang sống sờ sờ ra đấy lại muốn đổ tội phá sản về mặt chính trị của mình lên đầu Lenin đã khuất. Khi nói về cái dường như là “ thái độ trung thành” của mình với tập tục Cơ Đốc giáo, họ lại mâu thuẫn sâu sắc với chúng, đổ vấy các tội lỗi chính trị của mình lên đầu người khác. Thay cho việc phải học ở Lenin cách thức cải tạo nước Nga một cách có hiệu quả như trong những năm của thời kỳ Kinh tế mới (NEP), họ lại với một thái độ mê tín đa thần giáo, và vì thế bằng các đòn đánh trái với tinh thần Cơ Đốc giáo chống lại Người để cố giải quyết những vấn đề cấp thiết. Có lẽ công việc của “các nhà cải cách” ấy rất tồi tệ, nếu như họ đã phải nhờ đến thủ đoạn bẩn thỉu như thế để biện hộ cho sự bất lực của chính bản thân mình.
Sergei Filatov là một nhân cách rất đặc biệt. Một con người lươn lẹo điển hình: trước cải tổ, ông ta là Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản của nhà máy Búa liềm ở Moskva, nơi ông và cha của ông ta đã làm việc trước đây. Ông ta đã gia nhập ĐCS Liên Xô.
Ngày 9 tháng 5 năm 1998, tôi nhìn thấy S. Filatov trong một buổi chiêu đãi ở Điện Kremli do Tổng thống tổ chức để kỷ niệm 53 năm ngày Chiến thắng phát xít Đức. Tôi được mời đến dự với tư cách một cựu chiến binh. Tôi lại chỗ Filatov, lúc đó không còn phụ trách Văn phòng Phủ tổng thống nữa và hỏi liệu ông ta vẫn khăng khăng đòi cải táng Lenin như trước nữa không. Filatov không ngờ trên buổi chiêu đãi nhân ngày Lễ lại gặp một người tiếp chuyện bất bình thường đến thế. Ông ta đưa mắt nhìn tôi một cách lạnh lùng và giận dữ rồi trả lời “Có”. Trong câu trả lời của ông ta vang lên lòng căm ghét mãnh liệt đối với Lenin, cứ như thể S. Filatov là chủ sở hữu nhà máy Búa liềm còn Lenin thì quốc hữu hóa nhà máy của ông ta. Khi vào cuối buổi chiêu đãi, S. Filatov người gù gù rời khỏi phòng và đi ngang qua hai nữ cựu chiến binh đã đứng tuổi với huân chương trên ngực áo, một người trong số đó nhận ra ông ta và đánh mắt nhìn sang Filatov, nói với người bạn: “Tên phản bội kia kìa”.
Tôi đưa chương này cho người bạn là phóng viên chiến trường gốc vùng Baltic đọc trước. Anh ta nói: “Cậu viết về Sobchak, Nemtsov, Filatov làm gì? Trong một cuốn sách về Lenin chẳng cần nhắc đến bọn họ. Lenin và bọn họ, sao có thể so sánh được vì Người khác bọn họ một trời một vực. Lenin có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với các sự kiện của thế kỷ XX và sẽ còn ảnh hưởng lâu dài. Còn bọn họ là ai? Những con người nhỏ bé, ti tiện, ngẫu nhiên xuất hiện trên chính trường của chúng ta. Chỉ vài năm nữa là không còn ai nhớ tới họ. Lenin và bọn họ, đó là con voi và lũ kiến”.
Hết chương 11. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.