Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 18


Chương 18
Hãy loại Lăng ra khỏi nghi lễ duyệt binh.

Ngày 27 tháng 3 năm 1995 trên lễ đài của Lăng Lenin có mặt Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống S. Filatov và Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Yu. Yarov. Trong những ngày này mọi người đang chuẩn bị lễ duyệt binh long trọng trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức. Từ năm 1990 người ta đã không tổ chức lễ duyệt binh. Các quan chức bước lên lễ đài đưa mắt định hướng xem nên để Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ đứng ở đâu trong thời gian duyệt binh, các quan chức khác đứng ở chỗ nào trên lễ đài hai bên sườn Lăng, đồng thời họ cũng ước tính việc trang hoàng ngày lễ cho Quảng trường Đỏ sẽ như thế nào.

Khi ra về người này nhắc người kia rằng trong ngày Chủ nhật của Lễ Xá tội, ngày 25 tháng 2, dự định sẽ cải táng di hài của gia đình Sa hoàng. “Và sau đó - ông ta với vẻ coi thường và giận dữ, hất đầu về phía tường Lăng rồi nói - chúng ta sẽ chôn cả lão này” (tức Lenin). Hai quan chức đó không rẽ vào Gian Tưởng niệm.

Ngày 9 tháng 5 năm 1995, kỷ niệm 55 Ngày Chiến thắng, lần đầu tiên từ sau năm 1991, Yeltsin bước lên lễ đài Lăng để chào mừng những cựu chiến binh và duyệt lễ diễu binh. Có vẻ như chính quyền muốn biểu lộ sự kính trọng cần thiết đối với người sáng lập và nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên bang Nga, người xây dựng Hồng quân, đội quân đã cứu đất nước khỏi ách nô lệ của bọn phát xít, đã ném những lá quân kỳ thu được của các đơn vị quân đội Hitler bị tiêu diệt xuống chân tường Lăng vào lễ duyệt binh chiến thắng năm 1945. Nhưng than ôi! Những người tham dự lễ duyệt binh long trọng và hàng triệu khán giả truyền hình không nhìn thấy trên Lăng hàng chữ LENIN quen thuộc. Nó bị che khuất sau dây hoa rèm màu xanh nhợt nhạt. Nhũng kẻ nghĩ ra các trò tiểu nhân này chính là cựu ủy viên dự khuyết BCT Trung ương ĐCS Liên Xô B. Yeltsin, S. Filatov (một trong những người năm 1992 đã đập vỡ bức tượng bán thân của Lenin trong phòng nghị sự của Xô viết Tối cao Liên Xô trong Điện Kremli), Yu. Yarov hay những kẻ đã tham gia vào Hội đồng tướng lĩnh mở rộng của Bộ Quốc phòng dưới sự chủ trì của Bộ trưởng P. Grachov ngày 22 tháng 6 năm 1994, thông qua quyết định đáng xấu hổ “loại Lăng Lenin ra khỏi nghi lễ duyệt binh”?

Trong thời gian diễn ra lễ duyệt binh, tôi đứng ở lễ đài dành cho khách mời phía bên trái Lăng và dĩ nhiên không nhìn thấy “cách trang hoàng ngày lễ” bất ngờ ấy. Sau khi kết thúc lễ diễu hành long trọng, tôi đi từ lễ đài bước xuống Quảng trường Đỏ và ngạc nhiên nhận thấy một đám đông tụ tập trước Lăng Lenin. Mọi người theo dõi những người lao công tháo tấm rèm hoa màu xanh lá cây trước mặt Lăng đã che khuất hàng chữ LENIN trong thời gian diễu binh. Một số im lặng, một số bàn tán về hành vi xúc phạm ấy. Khi những người công nhân đã tháo được tấm rèm hoa xuống, đám đông vỗ tay hoan hô.

Những hành động xúc phạm của những “nhân vật đổi màu” trong Điện Kremli ấy đã bị lên án mạnh mẽ trong vô số các cuộc mít tinh kỷ niệm ngày lễ 55 năm Chiến thắng phát xít diễn ra trong ngày hôm đó trên khắp nước Nga.

- Nguyên soái Kulikov, người duyệt hàng quân diễu binh - trung tướng A. I. Golyakov, Phó Chủ tịch Cộng đồng các tổ chức cựu chiến binh của các nước SNG, nói với tôi, - lẽ ra có thể nói thẳng với Yeltsin - chừng nào chưa tháo bỏ tấm băng ngụy trang che khuất hàng chữ Lenin thì lễ duyệt binh chưa bắt đầu. Nhưng ông ta đã im lặng. Đại tướng Govorov chỉ huy duyệt binh cũng vậy.

Mà cả hai người này đều đã từng là ủy viên Trung ương ĐCS Liên Xô. Kulikov từ năm 1971, còn Govorov từ năm 1981. Hơn nữa, Kulikov là người ba lần được tặng Huân chương Lenin, được nhận Giải thưởng Lenin, Govorov hai lần được tặng Huân chương Lenin. Cả hai đều là Anh hùng Liên Xô. Thực ra họ nhận được danh hiệu này không phải trên chiến trường mà nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của mình. Nói đúng hơn đó là các vị anh hùng bàn giấy... Vì thế, có lẽ họ đâu dám cãi lại ông chủ mới của Kremli. Nhân tiện đây ta nhớ tới lời của Napoléon nói thẳng tuột theo giọng lính tráng: “Lịch sử là con đĩ, sẵn sàng lên giường với kẻ chiến thắng”.

Năm sau, ngày 9 tháng 5 năm 1996, trước kỳ bầu cử, Tổng thống Yeltsin lại bước lên lễ đài Lăng để chào mừng vài nghìn cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc đội ngũ chỉnh tề diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Hàng chữ LENIN lần này không bị che đi, điều mà tất cả nhà quan sát chính trị đều nhận thấy. Và không chỉ có họ nhận thấy.

Hàng triệu công dân sẽ còn nhớ rất lâu việc che khuất hàng chữ Lenin trên Lăng như một trò tiểu xảo dơ bẩn của chế độ Yeltsin. “Tôi hiếm dịp đến Moskva - đi lại quá tốn kém - kỹ sư Viktor Lukomsky người Ukraina (thành phố Kharkov) viết - Nhưng lần nào đến tôi cũng tới Quảng trường Đỏ, tới Lăng Lenin. Đó là lịch sử chung của chúng ta. Tôi nhớ, thời Yeltsin trong lễ diễu binh, hàng chữ LENIN trên Lăng bị rèm hoa che khuất. Thật xấu hổ cho ông ủy viên BCT Trung ương ĐCS Liên Xô đó vì đã có thái độ quên ơn” (báo Diễn đàn, số ra ngày 14 tháng 10 năm 2001).

Ngày 9 tháng 5 năm 1999 Yeltsin lại đứng trên lễ đài, nhưng là lễ đài khác - trước Lăng người ta dựng một bục lễ đài bằng gỗ - và ông ta chào mừng những cựu chiến binh và các học viên các trường quân sự và học viện quân sự diễu hành trên Quảng trường. Từ bục lễ đài gỗ này, V. Putin, người kế nhiệm ông ta - người có người ông tên là Spiridon Putin đã từng làm đầu bếp ở Gorki khi Lenin sống ở đó, và sau khi Lenin mất, chuyển sang làm đầu bếp tại một trong các biệt thự của Stalin - đã đọc diễn văn.

“Tôi muốn biết người nào đã nghĩ ra việc gọi thợ mộc đến Quảng trường Đỏ dựng bục lễ đài trước Lễ duyệt binh Chiến thắng? - Nhà báo nổi tiếng Lev Kolodnyi viết - Có lẽ đó là những kẻ cố thực hiện ý tưởng đưa Lenin ra khỏi Lăng...

Trò ngu ngốc này lộ rõ trên màn ảnh truyền hình ngày 9 tháng 5, Ngày Chiến thắng, khi Tổng tư lệnh tối cao không dám bước lên lễ đài Lăng. Và chấp nhận đứng duyệt lễ diễu binh trên bục gỗ lễ đài phía dưới hàng chữ LENIN mà máy quay cố gắng không để lộ ra trên màn ảnh truyền hình... Phải chăng vì thiếu hiểu biết hay cố tình lừa dối mà người ta đã sắp xếp cả một chuỗi hành vi đối với một thực thể tế nhị như là truyền thống quốc gia?

Truyền thống đó ở nước chúng ta là chính quyền tối cao thường ra lời kêu gọi đối với toàn dân từ trên lễ đài cao trên Quảng trường Đỏ. Trước thời các lãnh tụ cách mạng thì các Sa hoàng đứng ở đài cao Pháp trường để truyền hịch...

Stalin cùng các chiến hữu bước lên lễ đài để chào đón dòng người diễu hành. Từ lễ đài ông duyệt lễ diễu binh của Hồng quân ngày 7 tháng 11 năm 1941 khi xe tăng Hitler đã tiến đến ngoại ô Moskva. Từ lễ đài Lăng Lenin ông đã nói với quân đội: “Hãy để cho tấm gương dũng cảm của các vị tiên liệt vĩ đại của chúng ta như Alexander Nevsky, Dmitri Donskoy, Kuzma Minin, Dmitri Pozharsky, Aleksandr Suvorov, Mikhail Kutuzov cổ vũ chúng ta!”

“Trên lễ đài Lăng - Lev Kolodnyi tiếp tục - đủ chỗ không chỉ cho các lãnh tụ mà còn cho các vị nguyên soái đã giải phóng châu Âu khỏi ách phát xít. Trên lễ đài, Khrushchev ôm hôn Gagarin vừa mới trở về từ chuyến bay lịch sử vào vũ trụ. Từ lễ đài này đã vang lên những lời vĩnh biệt trong đám tang Korolyov và Zhukov. Còn rất lâu nữa người ta vẫn nhớ tới những ai và với lý do gì đã bước lên những bậc thang bằng đá dẫn lên lễ đài trung tâm. Và Boris Nikolayevich Yeltsin cũng đã đứng trên đó với tư cách là ủy viên dự khuyết BCT Trung ương ĐCS Liên Xô.

Tại sao lễ đài đó hôm nay lại trống vắng và điều đó lại diễn ra vào ngày 9 tháng 5?...

Khi tước bỏ vai trò lễ đài của Lăng, thực ra người ta âm mưu tước bỏ của Lăng chức năng khác (lăng tẩm). Làm thế này người ta không cần phải ra sắc lệnh, không cần “sự ủng hộ của truyền thông” và sự tán thành về mặt đạo đức của Thượng phụ giáo chủ. Mọi việc được giải quyết nhanh gọn, trong tầm tay của mình...

 Tại sao Yeltsin không bước lên lễ đài Lăng? Vì ông ta đã từ bỏ Lenin và ĐCS Liên Xô khi còn đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông ta đã bắt đầu “công cuộc cải tổ” và tiến hành nó cho tới khi đất nước vĩ đại bị tan rã chăng? Vì không muốn chiếm chỗ của Stalin trên lễ đài trung tâm chăng? Vì muốn tạo khoảng cách với chính quyền cũ chăng? Khi đó tất nhiên người ta sẽ phải đặt câu hỏi tại sao ông ta lại cố lọt vào Điện Kremli là nơi Lenin và Stalin đã sống và làm việc?”

Sau khi nhắc đến việc ở nước Nga hiện nay đang lan tràn nạn khủng bố và cuộc xung đột ở Chechnya đang làm nước Nga chảy cạn máu, Lev Kolodnyi viết:

“Hàng nghìn người trong ngày lễ chiến thắng gần đây đã đổ ra đường phố với ảnh Lenin và Stalin. Phải chăng chỉ vì họ hoài niệm về một bàn tay mạnh mẽ? Họ đổ ra đường như thế bởi vì các vị lãnh tụ ấy biết làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến - Nội chiến và Chiến tranh Vệ quốc... Chính quyền hiện nay, khác với chính quyền Xô viết, chỉ rặt biết thua trận, điều mà chúng ta đã thấy dưới chính quyền của “nhà truyền giáo” (tức Yeltsin - A. A.). Ông ta đánh nhau với những người đã khuất đang an nghỉ tại chân tường thành Kremli và thua trận ở Chechnya...

Tôi tin - cây bút chính luận kết thúc bài viết của mình - vào các vị tướng lĩnh và các binh sĩ, con cháu của những người chiến thắng. Tôi tin rằng nước Nga sẽ toàn thắng, đập tan tành bọn lính đánh thuê Arập. Và điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, khi đó vị tổng thống sẽ bước lên lễ đài Lăng Lenin. Ông ta sẽ có toàn quyền đứng ở vị trí của vị Tổng tư lệnh tối cao của quân đội, người đã đập tan bọn thù địch thuộc vào hàng tiền bối của kẻ thù hung dữ nhất thời nay của mọi thời đại và mọi dân tộc” (báo Thanh niên Moskva số ra ngày 29 tháng 5 năm 2002).

Bất chấp mọi trò láu cá và công cốc của chính quyền, bọn họ vẫn không loại nổi Lăng Lenin ra khỏi nghi lễ duyệt binh trong ngày lễ Chiến thắng. Hằng năm vào ngày 9 tháng 5 trên Quảng trường Đỏ lại được trang hoàng một tấm panô lớn trên có vẽ hình Huân chương Chiến thắng với hình Lăng Lenin ở giữa. Thực ra họ có thể dẹp tấm panô không cho treo ở mặt tiền GUM, nhưng họ làm sao bỏ đi được chân dung Lenin khỏi những lá cờ đỏ đầy vinh quang tung bay trước gió của các đơn vị quân đội diễu binh?

“Là địa điểm duyệt binh - nhà sử học Roy Medvedev nhận xét - Quảng trường Đỏ chỉ có thể giữ vai trò đó khi mà di hài Lenin còn nằm trong Lăng, chứ không phải khi Lăng trở thành một chiếc hộp đá cẩm thạch trống không”. 

Hết chương 18. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26614


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận