Ngày 11 tháng 6 năm 2003 người ta dựng một hàng rào cao sơn màu cờ ba sắc của nước Nga ngăn cách Lăng Lenin với Quảng trường Đỏ. Phía trước hàng rào người ta dựng một lễ đài với hàng ghế ngồi lưng quay về phía Điện Kremli dành cho các quan chức, những người khi ngồi thì gáy quay về phía Lăng còn mặt quay về cửa hàng GUM được trang hoàng quốc huy hình chim ưng hai đầu, còn trên quảng trường những vận động viên sẽ biểu diễn các tiết mục thể dục, các điệu nhảy và điệu múa. “Quay lưng về quá khứ, hướng mặt về hiện tại” - có vẻ như đó là ẩn ý của các tác giả đề ra ý tưởng này” - các báo viết.
Chính quyền đã quyết định kỷ niệm ngày 12 tháng 6 như vậy đấy- cái ngày mà 13 năm trước đây họ quy định là ngày quốc lễ được gọi là Ngày Độc lập của nước Nga.
Cái tên gọi thực là khó hiểu: độc lập với ai - với Estonia hay với Kirgizia? Thật tức cười! Thường người ta kỷ niệm ngày Độc lập là ở các nước thuộc địa cũ nơi nhân dân lật đổ ách thống trị của thực dân Anh, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha hay Bỉ. Còn nước Nga, ơn Chúa, đã là nước độc lập hơn một nghìn năm nay, điều này được chứng minh ít ra là bằng tượng đài kỷ niệm nổi tiếng ở thành Kremli của thành phố Novgorod.
Năm năm sau Yeltsin mới sáng trí nhận ra được cái tên gọi ngu ngốc đó và bằng một sắc lệnh của Tổng thống, ông ta đổi tên thành Ngày Nước Nga. Nhưng theo số liệu của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội trung ương toàn Nga (VTSIOM), chỉ có 6% dân Moskva biết gọi đúng tên nó.
Chuẩn bị kỷ niệm Ngày Nước Nga, chính quyền dựng hàng rào cao ngăn cách với Quảng trường Đỏ không chỉ Lăng Lenin, mà cả Hàng mộ Danh dự, nghĩa là nơi an táng những người con đáng kính nhất của nước Nga như Zhukov và Rokossovsky, Konev và Malinovsky, Gagarin và Korolyov, Kurchatov và Keldysh, Kosygin và Khrunichev, Maxim Gorky và Chkalov cùng nhiều người khác nữa. Những con người đem lại quang vinh cho nước Nga đối với toàn thế giới bị chính quyền mới coi là không xứng đáng, dù chỉ là tượng trưng, được có mặt trong lễ hội Ngày Nước Nga.
Ta dễ hiểu tại sao, ngày 12 tháng 6 năm 1990 Đại hội Đại biểu nhân dân theo đề nghị của Yeltsin đã thông qua cái gọi là Tuyên ngôn về chủ quyền nước Nga, mở đầu giai đoạn tan rã một quốc gia thống nhất - Liên bang Xô viết - và đẩy đất nước vĩ đại từ kỷ nguyên hòa đồng xuống thời kỳ phong kiến phân quyền. Văn kiện nhục nhã ngày 12 tháng 6 có lẽ sánh ngang với việc giới quý tộc Nga công nhận hoàng tử Ba Lan Vladislav (Władysław) làm Sa hoàng Moskva năm 1610. Yeltsin và đám triều thần “chiến sĩ dân chủ” đứng sau lưng ông ta, giống như giới quý tộc Moskva lúc đó, đã thực hiện hành động phản bội tổ quốc.
“Ước nguyện của những người Xô viết muốn gìn giữ Liên bang Xô viết và chế độ xã hội chủ nghĩa được họ thể hiện rõ ràng vào kỳ trưng cầu dân ý tháng 3 năm 1991 đã bị bọn đầu cơ và luồn lọt chính trị dày xéo và bác bỏ” - báo Sự thật đã viết - Như vậy ngày 12 tháng 6 chúng ta hóa ra là chào mừng “nền độc lập” của bọn đầu cơ và luồn lọt đã nắm lấy guồng máy quốc gia, chống lại ý chí của nhân dân mình, chống lại những nguyên tắc sơ đẳng của nền dân chủ và luật pháp đã được công nhận ở tất cả các nước văn minh không trừ một ai”.
Đúng 10 giờ sáng, các khách mời bắt đầu đến Quảng trường Đỏ và ngồi vào hàng ghế lưng quay về phía Lăng Lenin.
“B. Yeltsin xuất hiện giữa đám người đó trên Quảng trường Đỏ - báo Đuma viết - trông chẳng khác gì một tên tội phạm bị dẫn đến hiện trường gây án”.
Tổng thống V. Putin đọc nhanh bài diễn văn về một nước Nga thống nhất.
Ngồi chễm chệ trên lễ đài, rất nhiều người từng là những “người Leninist trung kiên” trước đây - bí thư các cấp ủy đảng nay theo Berezovsky(1), các thủ lĩnh đoàn thanh niên theo kiểu Filatov, các chính trị viên theo kiểu Yushenkov(2), các giảng viên chủ nghĩa Marx - Lenin theo kiểu Burbulis...
Tại sao những “phần tử Leninist trung kiên” trước đây nảy sinh nhu cầu muốn chà đạp thần tượng V. I. Lenin của họ? Ký giả Yu. Mukhin đã đưa ra một chân dung tâm lý khắc nghiệt của loại người như thế: chúng “tìm mọi cách mọi cớ để sỉ nhục, bôi nhọ mà không cần đếm xỉa tới lý lẽ sơ đẳng. Lòng căm thù như thế ở đâu ra? Chỉ có một câu trả lời duy nhất thích hợp - chúng đã phản bội Người! Không ai lại nuôi dưỡng lòng căm thù giỏi như bọn phản bội...
Hãy thử nhìn vào những cựu đảng viên hiện nay của ĐCS Liên Xô, một phần trong số họ được ĐCS Liên Xô nuôi ăn đầy đủ, béo mầm. Hãy thử nhìn xem bọn chúng đã phỉ nhổ và bôi nhọ ĐCS Liên Xô, Liên bang Xô viết với thái độ hằn học đến mức nào. Tại sao? Chính chúng cũng biết rằng, phản bội là trở thành kẻ xấu xa đáng khinh. Ý nghĩ đó giày vò chúng và chúng không muốn công nhận minh là những kẻ đốn mạt, và vì vậy thực lòng chúng cố gắng hình dung, mô tả ĐCS Liên Xô và Liên bang Xô viết (mà không hề nghĩ rằng chính bọn chúng đã từng là người được gọi là của “ĐCS Liên Xô”) như những con quái vật, vô cùng đáng sợ đến nỗi hành động phản bội Đảng và tổ quốc của chúng trở thành một điều tất yếu và không đáng xấu hổ.”
Nhưng có lẽ độc giả đang suốt ruột muốn biết chuyện xảy ra trên Quảng trường Đỏ.
“Đột nhiên trên quảng trường nhảy ra một đám thiếu nữ ăn mặc lạ lùng với mái tóc nhuộm màu xanh dương và để hở cả bụng lẫn rốn - báo Sự thật thanh niên viết. - trong tay họ cầm cái gì đó bông sợi lồm xồm. Điệu nhảy của họ na ná giống như điệu nhảy pha trộn giữa vũ điệu lambada và kankan.
- Màu xanh dương là màu của bầu trời! - Người dẫn chương trình nói. - Nó tượng trưng cho tuổi trẻ của nước Nga.
Sau đó là đoàn diễu hành của những người lao động - đến từ toàn bộ 89 chủ thể hành chính(1). Họ mặc quần áo dân tộc và mang cờ của các vùng miền”.
Nhưng đó là những hàng người mặc quần áo dân tộc trông nhỏ nhoi và đáng thương.
Sự xuất hiện của mỗi đoàn đại biểu song hành cùng giọng nói rất to đầy long trọng của phát thanh viên:
- Cộng hòa Dagestan!
- Cộng hòa Mordovia!
- Cộng hòa Tuva!
- Cộng hòa Sakha-Yakutia!
Đi đến giữa Quảng trường Đỏ, các đoàn đại biểu dừng lại, quay mặt về phía Điện Kremli, về phía Lăng Lenin và kính cẩn nghiêng mình cúi chào về hướng đó. Những tác giả kịch bản buổi lễ nghĩ ra tình tiết điệu bộ này coi nó là sự cúi chào tỏ lòng biết ơn Tổng thống và chính phủ. Nhưng trên thực tế có vẻ như các đoàn đại biểu cúi chào Lenin và các chiến hữu của Người đang ngủ giấc vĩnh hằng ở chân tường thành Kremli. Chính nhờ có Lenin và đường lối dân tộc của Người mà các dân tộc mới có được thực thể nhà nước của mình.
Ta chợt nhớ tới những lời của nhà thơ Rasul Gamzatov: “Tôi nói thẳng thắn và chắc chắn rằng: cách mạng là tất yếu đối với Dagestan. Một cuộc cách mạng xã hội, văn hoá, tinh thần... Người bạn quá cố Vladimir Soloukhin của tôi gọi Lenin là kẻ thù, nhưng đối với dân tộc tôi, Người không phải là kẻ thù. Trong những năm đầu gian khó nhất đối với chính quyền Xô viết, Người đã cho chúng tôi cơm ăn, áo mặc và con chữ... Dân tộc tôi sẽ ra sao nếu không có Người? ... Cách mạng đã cho những dân tộc nhỏ bé tất cả những gì có thể giúp họ hồi sinh và phát triển”.
Điểm đặc biệt là những nhà lãnh đạo các tổ chức cựu chiến binh không được chính quyền mời đến buổi “hội hè” này. Có lẽ, họ bị coi là người của quá khứ. Mặc dù các cựu chiến binh đã đi vào lịch sử và sẽ sống mãi trong tâm trí con cháu, giống như các thân binh của Alexander Nevsky, các nghĩa sĩ của Dmitri Pozharsky, những người lính của Mikhail Kutuzov. Các cựu chiến binh thấy xa lạ và không thể chịu nổi buổi lễ hội quay lưng lại nấm mộ của cha ông như vậy. Họ coi hành động đó là sự sỉ nhục đối với lịch sử dân tộc, phỉ báng ký ức về những người con vinh quang của nước Nga. Nhà lãnh đạo Hiệp hội quốc tế “Cộng đồng các tổ chức xã hội cựu chiến binh (quân nhân hưu trí) của các quốc gia độc lập” (các nước SNG), đô đốc hạm đội A. I. Sorokin, khi biết về “sô diễn” trên Quảng trường Đỏ đã nói: “Thậm chí nếu như nhận được giấy mời, tôi cũng không đi đến đó”.
Dưới đây là những gì báo chí viết về “sô diễn” ngày 12 tháng 6 trên Quảng trường Đỏ.
Thời sự MN: “Một buổi lễ kỳ quặc...”.
Nước Nga Xô viết: “Cái đám đông quan chức no cơm ấm cật ngồi trên ghế của lễ đài mới được dựng vội vã ngay sát chân Lăng bị phủ vải che khuất một cách đáng xấu hổ xa lạ với dân ta biết bao! Lẽ nào lại đem so sánh những cuộc diễu hành quần chúng đông đảo vào những ngày 7 tháng 11 hay 1 tháng 5 trên Quảng trường Đỏ với cuộc tụ họp phe nhóm đáng thương này!” (số ra ngày 17 tháng 6 năm 2002).
Sự thật: “Những ai có mặt trên Quảng trường Đỏ sẽ phải đồng ý rằng: đã xảy ra cái điều không thể không xảy ra - một vở diễn rõ ràng là nhố nhăng thể hiện sự kém hiểu biết và tính nghiệp dư sâu sắc... Những tấm phông màn, tiếng kèn đồng long trọng, đội nhạc diễu hành, cũng không thể tạo ra một bầu không khí lễ hội thực sự. Điều đó cũng dễ hiểu. Giới chóp bu chính trị và doanh nhân của đất nước thực hiện trách nhiệm của mình rất kém” (số ra ngày 17 tháng 6 năm 2002).
Đuma: “Tầng lớp tinh hoa mới của nước Nga ăn mừng ngày lễ phản bội Tổ quốc Liên Xô của mình... Những người dân chen chúc nơi hàng rào thật giống như những khán giả đến thăm vườn thú. Có điều không ai trong số họ muốn vứt cái gì cho lũ súc vật ăn... Theo như số liệu của Bộ Nội vụ, trong ngày hôm đó số các vụ phạm tội do say rượu gây ra giảm hẳn: người dân không biết họ uống mừng điều gì” (số 24 năm 2003).
Báo độc lập yêu cầu độc giả phát biểu ý kiến về tấn tuồng đạo đức giả trên Quảng trường Đỏ ngày 12 tháng 6.
Đại biểu Đuma quốc gia, luật sư Ye. Mizulina: “Tấm phông màn trang trí vô lối che khuất Lăng làm tôi băn khoăn”.
Phó Tổng biên tập tạp chí Lá cờ N. Ivanova: “Sự bôi bác về mặt thẩm mỹ trên Quảng trường Đỏ mà tất cả các kênh vô tuyến truyền tải chỉ thể hiện nhân thân dở dang của cái gọi là hình ảnh nhà nước Nga” (Báo độc lập số ra ngày 20 tháng 6 năm 2003).
Liệu Aleksandr Sergeyevich Pushkin có thể nói gì nếu như hôm đó ông đến Quảng trường Đỏ và thấy Lăng bị che đi? Có lẽ ông sẽ nhắc lại những lời bất hủ của mình: “Tôi xin thề, không gì trên thế giới này có thể khiến tôi đổi mảnh đất ông cha hay muốn có một lịch sử khác ngoài lịch sử của ông cha mình, lịch sử mà Chúa Trời đã ban cho chúng ta”.
* * *
Trên Quảng trường Đỏ những cây thánh giá trên những mái vòm của nhà thờ, hình chim ưng hai đầu trên nóc Viện bảo tàng Lịch sử và những ngôi sao đỏ năm cánh trên đỉnh các tháp Kremli là những hình ảnh luôn sát cạnh nhau. Ngắm chúng, ta có cảm giác như đang nghe thấy điệu nhạc mê hồn của các thế kỷ đã qua. “Đây là nơi lưu trữ những khổ đau cùng những niềm vinh quang của chúng ta... Những chương sử rực ánh hào quang thiêng liêng” (N. Yazykov).
Bức tường thành Kremli và nhà thờ Thánh Vasily, Đài Pháp trường và Nhà thờ Kazan, Viện bảo tàng Lịch sử và cửa hàng GUM, Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự - đó là cuốn biên niên sử nước Nga gây xúc động lòng người, là một quần thể kiến trúc độc đáo thể hiện sống động mối liên hệ giữa các thời đại, giữa sự nghiệp của cha ông chúng ta với chúng ta hiện nay. Phá hủy, làm biến dạng nó là một hành động man rợ, một sự phỉ báng ký ức lịch sử.
Đôi khi ta nghe thấy rằng các chiến dịch chống Lenin không gây ảnh hưởng lớn tới bầu không khí chính trị bởi vì con người Lenin và sự nghiệp của Người từ lâu đã trở thành tài sản của lịch sử và vì thế những cuộc tranh luận đánh giá những việc đó chỉ mang tính hàn lâm và không thể gây mâu thuẫn sâu sắc cho các mối quan hệ con người hiện nay. Đây là một quan điểm sai lầm. Hình tượng Lenin, không phụ thuộc vào cách đánh giá chính trị về Người, đã là một biểu tượng tạo nên cốt lõi ý thức dân tộc của nhân dân ta. Ý nghĩa chính trị của các hành động nhằm bôi đen Lenin không là gì nếu so với tầm quan trọng của những hành động đó: muốn phá hủy ý thức dân tộc và “làm tan rã” dân tộc.
“Dự án phá hủy thế giới các biểu tượng của chúng ta còn đang chờ một nhà sử học của nó khắc họa - nhà nghiên cứu chính trị S. Kara-Murza viết. - Nhưng hình hài của nó thì ngay bây giờ ta đã thấy. Chiến dịch này gây ra tác động phá hoại cực kỳ nặng nề đối với nhân dân Liên bang Nga, mà trước hết là nhân dân Nga. Về nhiều mặt nó tiên quyết mức độ sâu sắc của cuộc khủng khoảng văn hóa đang diễn ra thể hiện trong sự tăng vọt của tỷ lệ tử vong, sự bùng nổ của bạo lực, và con số to lớn những trường hợp bất hạnh”.
Đóng vai trò quan trọng trong việc này là sự phá hoại các biểu tượng quốc gia, trong đó có việc phỉ báng Quảng trường Đỏ, chẳng hạn như tổ chức các buổi biểu diễn nhạc pop ở đó. Vì Quảng trường Đỏ là một trong những biểu tượng lớn và phức tạp thể hiện sống động mối liên hệ giữa các thế hệ. “Quảng trường Đỏ Moskva - S. Moscovici, nhà triết học Pháp, viết - là một trong những Quảng trường gây ấn tượng nhất và được thiết kế xây dựng mang ý nghĩa sâu sắc nhất. Nó nằm ở chính trung tâm thành phố, và về một phía bị giới hạn bởi Điện Kremli. Trung tâm tôn giáo cổ xưa này, nơi trước đây làm lễ đăng quang cho các Sa hoàng, đã trở thành trung tâm hành chính đầu não của chính quyền Xô viết, được tượng trưng bởi ngôi sao đỏ. Lenin nằm trong Lăng mộ đá cẩm thạch của mình có lính canh gác đã đem lại cho Quảng trường một nét trang trọng của cuộc Cách mạng mang tầm thế kỷ. Các khoang hốc tường là nơi những nhân vật nổi tiếng đã khuất yên nghỉ, họ là người gìn giữ Quảng trường, hàng người sống xếp hàng viếng họ là sợi tơ kết nối quần chúng bên ngoài với các quan chức cấp cao nhất ở bên trong Điện. Trong không gian đó lịch sử đã bộc lộ mình dưới dạng thu nhỏ và cùng với nó là toàn bộ quan niệm thống nhất dân tộc”.
Đó là ý nghĩa mà chắc chắn những kẻ phản bội kiểu như Yakovlev, và những tay dẫn chương trình truyền hình như Pozner, Svanidze và những gã Karyakin khác phải hiểu: Lenin nằm trong Lăng mộ cẩm thạch của mình và những nấm mộ trong hốc tường thành “đang gìn giữ Quảng trường” và “trong không gian Quảng trường nói chung toàn bộ lịch sử đang bộc lộ mình và đồng thời với nó là toàn bộ quan niệm thống nhất dân tộc”. Chính những tên biệt kích chống phá Xô viết về mặt hệ tư tưởng đang muốn phá hủy nó, và những anh chàng Ivan của chúng ta, quên mất dòng tộc của mình, lại đi giúp đỡ chúng.
Hết chương 19. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.