Ý nghĩa của sự ứng phó
Ứng phó là trạng thái tinh thần xảy ra trong tình trạng khẩn cấp ngoài dự liệu. Trong trạng thái phải ứng phó có người khi nguy cấp lại nảy ra kế hay, nhưng cũng có người mắt trợn trừng miệng há hốc đứng đờ người.
Gặp nguy nảy kế hay, đầu óc tỉnh táo, động tác chuẩn xác, có thể huy động các loại sức mạnh trong người tạo ra phản ứng mà lúc bình thường không thể làm được. Trong một trận đánh máy bay giặc Mỹ chị Ngô Thị Tuyển đã vác được những hòm đạn nặng mà thường ngày chị khó mà vác nổi.
Một biểu hiện khác là đứng đờ người ra, tay chân lúng túng, lâm vào trạng thái rối loạn. Ví dụ, một đêm tháng 10 năm 1983 vùng Hà Trạch tỉnh Sơn Đông Trung Quốc bị động đất 4,5 độ rich te, một số thành phố xung quanh bị ảnh hưởng, nhưng chỉ thiệt hại nhẹ. Song một số học sinh đang ngủ say chợt tỉnh dậy, hoảng hốt nhảy từ trên nhà lầu xuống, một số em đã tử vong, một số bị gãy tay gãy chân.
Trạng thái ứng phó làm cho người ta ''gặp nguy sinh mưu trí'', nâng cao hiệu suất hoạt động và năng lực thích ứng, làm cho hoạt động tích cực hơn, tư tưởng sáng tỏ hơn, nhưng kéo dài trạng thái ứng phó đó sẽ có hại cho sức khoẻ. Các nhà tâm lý học dùng động vật để thực nghiệm: mỗi khi cho cừu ăn cỏ, họ buộc một con sói ở bên cạnh nó, con sói xuất hiện làm cho con cừu rất sợ, ở vào trạng thái vô cùng căng thẳng. Ít lâu sau con cừu bị chết.
Ứng phó là cái có thể huấn luyện được. Anh bộ đội tập hợp khẩn cấp trong đêm tối, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy diễn tập chữa cháy v.v. . . đều là huấn luyện ứng phó. Qua diễn tập huấn luyện họ sẽ bình tĩnh trên chiến trường hoặc khi xảy ra cháy, kịp thời giải quyết các khó khăn. Người có ý chí mạnh mẽ, cảnh giác cao, động tác nhanh nhẹn, trạng thái ứng phó của họ cũng nhất định tốt hơn.