Ấn tượng ban đầu và “hiệu ứng quầng”
Gặp người lạ lần đầu tiên thường thường để lại ấn tượng cảm giác ban đầu về dung mạo, cử chỉ lời nói, phong độ của người đó. Ấn tượng này chính là “ấn tượng ban đầu” mà nhà tâm lý học thường nói. Ấn tượng đầu tiên này rất quan trọng trong việc giao tiếp và xây dựng quan hệ với nhau sau đó.
Vì ấn tượng ban đầu là cảm giác “sớm nhất”, nên mới mẻ, lôi cuốn người ta, và cũng dễ dàng ghi nhớ. Hơn nữa vì nó lấy hình tượng cảm giác quan sát được làm chính, nên dễ dàng gây phản ứng về tình cảm ở người ta: yêu thích hoặc chán ghét. Ấn tượng đầu tiên tốt sẽ làm cho đối phương thích bạn, còn ấn tượng đầu tiên xấu sẽ làm cho đối phương ghét bạn, trở thành trở ngại cho giao tiếp sau đó. Muốn để lại ấn tượng đầu tiên tốt đẹp ở người khác, mấu chốt là ở việc tu dưỡng bản thân. Dẫu rằng ấn tượng đầu tiên ít nhiều mang tính chất bề ngoài và tính chất phiến diện, nhưng một người mà tình cảm hứng thú thấp kém, tri thức nông cạn, tâm địa hẹp hòi, phẩm cách tồi tệ, coi mình là trung tâm thì không thể để lại ấn tượng đầu tiên tốt đẹp ở người khác được.
Trong giao tiếp giữa người với người, một số mặt riêng nào đó trong ấn tượng đầu tiên trội lên, che lấp mất đặc điểm phẩm chất của người đó, có tác dụng như cái quầng (quầng mờ mờ đôi khi xuất hiện xung quanh mặt trăng), ảnh hưởng đến việc nhận thức và đánh giá toàn bộ con người, hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng quầng”. Khi gặp mặt lần đầu, bạn có tình cảm tốt với đối phương, trong tiếp xúc sau này sẽ cảm thấy người đó tất cả đều tốt. Ngược lại, gặp mặt lần đầu mà cảm thấy không thuận mắt, trong tiếp xúc sau này sẽ cảm thấy nhất cử nhất động của người đó làm cho người ta ghét. Trung Quốc có một câu chuyện ngụ ngôn miêu tả sinh động hiện tượng ''hiệu ứng quầng''. Có một người mất một chiếc rìu, nghi người hàng xóm lấy trộm, thế rồi anh ta để ý quan sát, thấy anh hàng xóm nhất cử nhất động đều giống kẻ ăn trộm rìu. Về sau anh ta tìm thấy rìu của mình ở trên núi, bấy giờ quan sát kỹ lại anh hàng xóm thì lại cảm thấy anh hàng xóm căn bản không giống kẻ ăn trộm rìu. ''Hiệu ứng quầng'' tồn tại khá nhiều ở các mặt giao tiếp giữa người và người; nhìn chung nảy sinh trong điều kiện hiểu tình hình chưa cặn kẽ, và có sự khác nhau do nhân tố tâm lý của cá nhân người quan sát không giống nhau, và có ảnh hưởng đối với sự giao tiếp giữa người với người. Cảnh giác với “hiệu ứng quầng'' sẽ giúp ích cho việc người khác hiểu đúng về mình.
Ấn tượng ban đầu dễ nảy sinh ''hiệu ứng quầng'', do đó phải rất coi trọng ấn tượng đầu tiên, tạo điều kiện tốt cho việc triển khai thuận lợi công tác sau này. Đồng thời, khi lần đầu gặp gỡ người khác, cũng cần chú ý lời nói hành động của mình để giành được ấn tượng đầu tiên tốt đẹp ở người đó.